• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Vấn đề xuất xử của nhà nho và sự phát triển trong thơ Tam nguyên Yên Đổ

Chị Lan

New member
Vấn đề xuất xử của nhà nho và sự phát triển trong thơ Tam nguyên Yên Đổ

Trần Đình Hượu​

Nói cho đúng, vấn đề xuất xử ở Nguyễn Khuyến không đặt ra một cách nôn nóng, ồn ào như ở Nguyễn Công Trứ, cũng không đặt ra một cách day dứt như ở Nguyễn Trãi. Nguyễn Khuyến không như Nguyễn Công Trứ ở vào lúc nhà Nguyễn mới lên, không như Nguyễn Công Trứ thị tài tin ở một sự nghiệp lẫy lừng mà mình cầm chắc sẽ thực hiện được. Nguyễn Khuyến cũng không như Nguyễn Trãi không dứt áo ra về được vì đằng sau còn để lại một sự nghiệp to lớn, đang dở dang. Nguyễn Khuyến sống vào lúc nền nếp của triều đình nhà Nguyễn đã ổn định. Kẻ sĩ không có gì phải lựa chọn: trước mắt đã vạch sẵn một con đường là học - thi đỗ - làm quan. Nguyễn Khuyến có chí quyết khoa, đậu đến Tam nguyên nhưng hoạn lộ của ông bằng phẳng, không hiển hách. Mười hai năm làm quan thì có đến sáu năm làm ở Sử quán, một thứ nhàn quan. Không được giao trọng trách nên ông cũng không phải trực tiếp vật lộn với các vấn đề gay cấn của tình trạng giặc Tây, giặc khách, đê vỡ, mùa mất,... của thời Tự Đức. Thế rồi tình hình chuyển thành nguy kịch. Thực dân Pháp chiếm Bắc bộ. Thực dân Pháp chiếm kinh thành. Tự Đức chết. Triều đình lộn xộn. Nguyễn Khuyến lấy cớ ốm đau, xin cáo quan về. Vấn đề đối với ông không phải là xuất xử mà là hành chỉ: ở hay về. Ông đã giải quyết vấn đề đó một cách nhanh gọn. Ông tự cho như thế là dũng thoái, ra về dứt khoát, nhẹ nhàng, không dùng dằng mất nhiều thì giờ. Chọn con đường rút lui, Nguyễn Khuyến cũng có cân nhắc, suy nghĩ nhưng vấn đề đặt ra để tính toán là tình thế và sức lực, là mình với kẻ khác, là bản thân với gia đình:

Mười mấy năm qua ấn với thao
Thân này mong được đức vua yêu
Việc nhiều hay ốm đành hưu vậy,
Ngày một lần ăn chửa nỗi nào.
Giúp nước, bạn bè còn lại đó,
Về nhà con cái, chắc hiền đâu.
Từ đây ngất ngưởng ngồi nâng chén,
Lại nỡ làm nhơ sử sách sao?
(Cảm tác - Đỗ Ngọc Toại dịch)


Bạn bè còn ở lại và họ chèo kéo cùng ở lại nhưng đã già lại đau ốm, không đủ tài, đủ sức để chống giặc, cứ bám lấy một chức quan là tham lam:

Vô tài cự khả khinh đầu bút,
Hữu dục an năng bất sỉ bào?
Dịch nghĩa:
Bất tài há dám xem nhẹ việc vứt bút theo quân,
Còn ham muốn sao cho khỏi thẹn với tấm áo?
(Bác quy lưu giản tại kinh chư đồng chí)


Chưa chắc con cháu đã hoan nghênh việc cáo quan, nhưng lẽ nào lại có thể để thẹn với áo xiêm, để nhơ với sử sách?

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là.

Ông có cớ để nói với mọi người, hơn thế có cớ để nói với lương tâm. Cho nên cũng có cớ để xin vua:

Nguyện phóng Uyên Minh tam kính hoàn.
Dịch nghĩa:
Xin tha cho Uyên Minh về với ba luống cúc.
(Sơ chế Đà Tấn phụng tống
đương sự chư quân
)

Không phải thiếu ơn tri ngộ. Cũng không phải gặp vua hôn ám, tôi gian nịnh. Nhưng thời thế loạn, không hành được thì tàng. Lẽ xuất xử của thánh hiền cho phép ông yên tâm làm Đào Tiềm "trồng ba rặng cúc", ngắm "năm cây liễu". Nguyễn Khuyến tự coi mình theo gương người xưa làm người ẩn dật.

Cảnh về nhà có pha chút ngậm ngùi, không thật hồ hởi, náo nức như trong Quy khứ lai từ nhưng cũng khá vui vẻ, đầm ấm:

Cổng reo trẻ đón: Ông về đó,
Gậy chống già chào: Bác đấy a?
(Hoàn gia tác - Nguyễn Văn Huyền dịch)


Cho đến năm, sáu năm sau khi đã về quê, Nguyễn Khuyến hình như rất yên tâm, ông nói về thú ẩn dật rất đắc ý:

Ta về năm sáu năm nay,
Bảy gian nhà ở tháng ngày ung dung.
Tây nam có lạch nước trong,
Cúi xem đàn cá, vẫy vùng sớm trưa,
Đông bắc tre mọc đầy bờ,
Rạng ngày hơi mát thoáng đưa song đào.
Nào khi chống gậy ra vào,
Khi ngồi tựa ghế, thấp cao mặc lòng.
Khi vui chuốc chén rượu nồng,
Có khi hào hứng mươi chung chẳng từ.
Lại thêm gạo mới ngọt lừa,
Lại thêm rau hái vườn nhà thơm tho.
Gọi con giở sách bi bô,
Xa xôi nhớ đến đời vua Toại, Hoàng.
(Hạ nhật ngẫu thành - Vũ Mộng Hoàng dịch)


"Gò núi quê ta thật đẹp thay" (Vũ hậu xuân túy cảm thành). Chưa cần không gian rộng rãi đến thế, chỉ cái vườn nhỏ cũng đã cung cấp cho nhà thơ ẩn dật biết bao thú vui!

Nguyễn Khuyến thường nói đến thú uống rượu. Nhà thơ nói: "Chỉ có rượu là thích", mình say sưa suốt ngày, say đến nói lảm nhảm, quên cả đầu đuôi, say khướt rồi lại ngâm thơ, ngâm chán rồi lại say, say cho đến thấy "Nhật ảnh hy vi nhất dạng hoàng" (ánh nắng lờ mờ chỉ một màu vàng). Khi hào hứng uống liền mười chén, và còn muốn uống cả ba trăm chén như ông tiên rượu Lý Bạch, nhưng trong thơ Nguyễn Khuyến không có cái giọng say của Lý Bạch. Nhiều khi nhà thơ thiếu rượu, nhiều khi ngồi uống một mình, nhà thơ thấy mất cả vui. Nguyễn Khuyến không dùng chén rượu phát tiết cái hào hùng, cuồng phóng mà dùng nó như một phương tiện "áp muộn, bài ưu" (dẹp lo, nén buồn). Nhà thơ ước có được thứ rượu Trung Sơn, uống say tít để:

Tỉnh ra hỏi đã thái bình chưa?
(Thoại cựu)


Thú vui của người ẩn dật không phải ở say hay nhờ say mà quên. Thú vui của họ là sống thích chí, tự do, không cần quan tâm, không bị ràng buộc. Muốn thế cần có cuộc sống vắng vẻ, cần sự cô độc. Cô độc không thể thành cái thú, nhưng cô độc đem lại tự do và tự do đem lại thú vui. Ngày xưa chỉ cần ra khỏi con đường công danh - dầu là ở triều đình hay tỉnh lẻ - thì đã có sự vắng vẻ. Nông thôn vốn lặng lẽ, ít không khí bon chen danh lợi, ít giao tiếp lễ nghi phiền phức; không cần tìm đến non quạnh, rừng sâu cũng đã vắng vẻ. Trong bài Gửi bạn, Nguyễn Khuyến viết:

Nước non man mác về đâu tá,
Bè bạn lơ thơ sót mấy người.
Đời loạn đi về như hạc độc,
Tuổi già hình bóng tựa mây côi.


Vắng vẻ, cô độc và buồn chứ không vui. Không vui vì thiếu bạn bè, thiếu bạn bè chứ không phải vắng người. Trong bài Túy ông ngâm, Nguyễn Khuyến kể chuyện một ông lão say, hầm hầm đến lúc tác giả đang sắp vào cuộc rượu. Ông ta có cái quán ở chợ. Một người khác mở ngôi hàng ngay bên cạnh. Ông ta tức bực vì ngôi hàng mới tranh mất cái lợi buôn bán mớ rau, con cá của ông. Nói toàn giọng say nhè nhưng cái chỗ mất mối lợi thì nói rất tỉnh. Nhà thơ giải thích khuyên can thế nào cũng không nghe và... không chịu về đi cho! Nguyễn Khuyến kết thúc bài thơ:

Phân hào chi lợi vị túy đắc,
Thế đạo nhân tâm chân khả ai;
Thỉnh ông tự ngôn, ngã tự ẩm,
Ông khứ, ngã túy, thùy tương sai!


Dịch nghĩa:
Việc lợi dù chỉ một phân, một ly cũng không say (quên) được,
Lòng người thói đời thật đáng thương!
Vậy xin ông cứ nói, ta cứ uống,
Đến khi ông đi thì ta đã say, không ai trách ai nữa.


Tiếp xúc với người không phải là đồng đạo, là tri kỷ - những kẻ không say được những cái lợi, có thể là to hơn mớ rau con cá - thật là mệt. Nhà thơ tự nói:

Lão hưu mạc hận thân bằng thiểu,
Bành Trạch tương tri chỉ tố cầm.


Dịch nghĩa:
Tuổi già về nghỉ chớ phàn nàn về chỗ ít bè bạn,
Ông Bành Trạch xưa chỉ thân với một cây đàn không dây.
(Xuân nhật)


Đàn không dây! Tiếng đàn còn tránh huống chi tiếng người! Người ẩn dật tìm sự cô độc nhưng với sự cô độc là thú vui. Nhiều người tìm thú vui ở thiên nhiên: thú đăng lâm, du ngoạn, làm bạn với khe suối, với cây thông, hòn đá. Những vật vô tri ấy, đối với họ mới là bè bạn hữu tình thân thiết. Nguyễn Khuyến, như chính nhà thơ nói, cũng đã đi du ngoạn nhiều, nhưng loại thơ núi non, sông hồ của ông không phong phú, tuy đẹp nhưng thiếu say đắm. Lúc đã về hưu, sống ở quê nhà, phần vì già yếu, phần vì loạn lạc, đi lại phiền phức, cuộc sống ẩn dật của ông thu hẹp lại trong xóm làng.

Nguyễn Khuyến làm rất nhiều thơ về nông thôn. Sống lâu quen thuộc và sống hết mình nên nhà thơ phát hiện ra nhiều nét sâu sắc của cảnh thú nông thôn, từ cảnh đồng ruộng, xóm thôn đến tình nghĩa họ hàng, làng nước. Ông nói đến cảnh sớm mai thức dậy nghe trẻ con ê a học Tam tự kinh, chiều đến mục đồng lùa trâu về, vắt vẻo ngồi trên lưng trâu thổi sáo; đến ông lão đan ba mươi cái đó kiếm cá, đến người nông dân gặp mưa, ra thăm đồng về, vai mang tơi, tay xách giỏ cá, mừng rỡ khen trời mưa to, lúa tốt. Ông nói đến cả con chó sủa khách lạ, cnảh thăm nhà láng giềng, con trâu say nắng thở phì phò dưới gốc cây. Ông nói đến mùa thu trời trong vắt, chiếc lá vàng bay vèo xuống ao, đến cái nắng gay gắt mùa hạ, mặc áo quần thì đứng ngồi không được mà cởi ra thì bất lịch sự, thế mà vẫn phải phơi thóc, chất rơm,... Ông nói cả chuyện dâu con làm nhà thờ, chuyện lên lão ở phe giáp... và cả chuyện bà hàng xóm chửi tục và chửi dai, ông láng giềng góa vợ trằn trọc, đêm không ngủ. Giữa cảnh thanh bình và sinh động như thế, nhà thơ sống thật thoải mái. Ông chống gậy dạo bờ tre, men bờ ao đến thăm bà con, cách bờ rào rót rượu mời láng giềng và nói chuyện đồng áng với nhau. Dâu con rán đậu phụ cho ông nhắm rượu, bà hàng đưa vải ra mời,... Xúc cảm của nhà thơ hòa làm một với người xung quanh. Ông cũng bàn chuyện giá cả, thóc gạo lên xuống, chuyện gieo mạ, gặt lúa ở chân ruộng thấp, ruộng cao, cũng vác gậy đi khua chim với xóm làng, cũng chạy lụt, lo thuế, băn khoăn trước thời tiết rét sớm, mưa dai, náo nức đón ngày Tết,... Trong thơ xưa không ai nói được cái đẹp đẽ, đầm ấm, cái sinh động của nông thôn như Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến hòa mình vào cuộc sống đó, sâu sắc đến mức nhìn thấy cả bông hoa "thập thờ" hé nở, hạt lúa nẩy thêm khi đón giọt mưa. Và cũng trong cuộc sống như vậy, người ẩn dật trong ông phát lộ đầy đủ:

Là là mặt đất lớp sương sa,
ánh sáng ban mai vẫn mập mờ.
hạt quất ngoài vườn chờ nứt vỏ
Giò tiên trong chậu chửa bung hoa.
Đầm đìa lệ sớm, cành tre rủ,
Lạc lõng canh khuya, tiếng hạc qua.
ấm chỗ chẳng buồn tung áo dậy,
Cửa ngoài vẫn mở, khách chừng thưa.
(Xuân nhật - Nguyễn Văn Tú dịch)


Trời còn rét. Ban mai cũng chỉ mới bắt đầu. Người đã tỉnh nhưng còn tiếc rẻ, ngại rời chỗ ấm. Lười nhác. Không chỉ người mà cả hạt quất dưới đất, giò hoa trong chậu, hạt móc đầu cành - cả muôn vật - đều đang tiếc rẻ, lười nhác như vậy. Tất cả im lìm, tạo thành một khối ngưng đọng. Nếu có một cái gì từ ngoài đến, một ông khách chẳng hạn, tất cả sẽ bị xáo động. Nhưng chắc là không có khách. Và cổng cũng đã mở sẵn, khỏi phải lo mở cửa đón khách. Chả còn cái gì có thể phá được cái thú vắng vẻ, nhàn rỗi, lười nhác nữa.

Người ẩn dật đổi tất cả công danh lợi lộc chỉ mong có được cái thoải mái tự do như vậy. Đào Tiềm không muốn để tâm làm tôi tớ cho hình hài, Nguyễn Khuyến ca tụng cái thú tùy thích chính là đi tìm cái tự do như vậy.

II.

Nguyễn Khuyến theo gương Đào Tiềm làm người ẩn dật và ông sống rất sâu sắc cái thú của người ẩn dật nhưng Nguyễn Khuyến không vui mãi được cái thú của Đào Tiềm. Muốn sống cái vui đó cần đến sự yên tĩnh, sự yên tâm mà cả hai điều đó dần dần Nguyễn Khuyến thấy mình thiếu thốn.

Nguyễn Khuyến ẩn dật trong một hoàn cảnh không bình thường. Điều kiện không giống như trước. Đất nước loạn là vì quân giặc cướp và chiếm đất nước. Quan lại nhiều người hoặc vì không tỉnh táo dứt dây hoặc vì tham lam, hèn nhát mà ở lại; họ tiếp tục làm việc cho giặc. Nhưng không ít những người khác bỏ về, dựng cờ khởi nghĩa, chống quân xâm lược. Họ đã lấy cái chết để giữ đạo nghĩa. Đào Tiềm chỉ giữ một chức huyện lệnh, ơn vua không dày nặng là bao. Còn bản thân ông đậu đến Tam nguyên, ơn tri ngộ là vào loại đặc biệt. Trước trách nhiệm tựu nghĩa, ông không chọn "đầu bút" (vứt bút tòng quân) mà chọn dũng thoái (cương quyết rút lui). Tất nhiên là vì ông không tin kháng chiến thắng lợi. Nhưng ra về không hợp tác với giặc, không để danh lợi vướng víu cũng là nghĩa. Hành động như thế không phải là không có chỗ để so sánh với những người liều chết:

Nhược vi thảng thốt lâm nghi dị,
Đáo đắc thoan thuần biện diệc nan.

Dịch nghĩa:
Nếu như thảng thốt mà xông vào chỗ chết thì còn dễ,
Nhưng dùng dằng mà quyết chết được thực là khó.
(Xuân dạ liên nga)

Phong trào kháng chiến của những người Cần vương nhanh chóng tan vỡ nhưng cuộc sống cả đất nước lại phát triển khác với cách ông tưởng. Thực dân Pháp ổn định được tình hình. Vua mới được lập. Nhà Nguyễn vẫn tồn tại. Nền nếp học hành, thi cử được khôi phục nhanh chóng. Chính quyền của thực dân bắt đầu khai thác thuộc địa: mở mang buôn bán, đường giao thông, xây dựng đô thị... Những bọn hãnh tiến giàu sang bốc lên. Xã hội thích nghi với cuộc sống mới.

Trong giới khoa bảng - tiêu biểu cho Đạo học và cũng là môi trường quen thuộc ở đó nhà thơ có nhiều bè bạn - bày ra một cảnh hỗn độn, xô bồ. Những người chống thực dân Pháp hoặc đã bị giết hoặc đã bị tù. Những người ở lại cộng tác với giặc nghênh ngang võng lọng mà vẫn không mất danh nghĩa. Trước là bạn ông, nay họ vẫn coi là bạn ông. Họ rủ rê, biếu xén quà cáp, lôi kéo ông ra làm với họ. Ông không phải là người chống Pháp, giữa ông và họ chỉ khác một bên về hưu và một bên chưa về hưu. Lẽ xuất xử của ông thành ra không minh bạch, "chim âu trắng" vẫn có chỗ để nghi ngờ, chê cười.

Với chính quyền mới, kinh tế hàng hóa, đô thị phát triển. Những người hãnh tiến, nhiều người xuất thân từ tầng lớp cặn bã của xã hội, ngang nhiên thành kẻ thượng lưu. Họ cũng tìm đến ông. Họ nhờ ông dạy học, xin ông cho chữ. Trong con mắt mọi người, Tam nguyên Yên Đổ là bậc hưu quan hay chữ. Họ không ngần ngại gì mà không nhờ ông viết văn bia ca tụng người cộng tác với giặc. Chữ cũng đã thành hàng mua bán, có đắt, có rẻ, có thể mặc cả cò kè.

Tất cả quấy rối ông như đàn muỗi:
Ta say vừa buồn ngủ,
Muỗi quấy không cho nằm.
Giơ quạt xua lại đến
Bên tai réo ầm ầm...
... Ta mày có điều chi,
Làm khổ nhau cho cam.
(Văn - Nguyễn Văn Tú dịch)



Dù hết sức bực bội, ông cũng không có cách gì tìm ra mảnh đất yên tĩnh, xa lánh được họ. Sợi dây của chính quyền thực dân xiết chặt chứ không lỏng lẻo như của vua quan. Nhà thơ mỉa mai:

Pháp mật vị văn oa cổ cấm,
Phú phiền do hạn túy hương khoan.

Dịch nghĩa:
Pháp luật tuy nghiêm mật, vẫn chưa nghe nói cấm ếch kêu,
Thuế tuy nhiều thứ, may còn tha cho làng say.
(ức gia nhi)


Không cấm được ếch kêu chứ người thì chịu nhiều trói buộc. Không đánh thuế người uống rượu chứ thuế thân, thuế chợ, thuế ruộng, thuế trâu thì nặng nề. Nguyễn Khuyến thấy rõ cảnh nghèo túng. Khi ra về ông nói chỉ cần một bữa cơm nên dầu mất bổng lộc cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng về sống ở một vùng thôn quê hay hạn, lụt, mất mùa lại chịu sưu thuế nặng, dăm bảy sào ruộng khó lòng chu cấp đủ. Không những "rặng cúc cười cái hũ không" mà cuộc sống thực sự là eo hẹp:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
(Chốn quê)


Không còn là nền kinh tế tự túc, tự nhiên như xưa để thiên hạ dễ an bần lạc đạo. Nền kinh tế hàng hóa tăng nhanh sự cách biệt giàu nghèo và làm con người mất thuần phác. Cảnh yên lặng của xóm làng bị xáo động. Chính quyền thực dân, kinh tế hàng hóa không bỏ sót một mảnh đất nào cho nhà thơ sống đời Toại Hoàng. Nguyễn Khuyến không yên thân mà cũng không yên tâm được. Thay đổi rõ rệt lại chính là đám quan lại, khoa bảng. Nguyễn Khuyến chứng kiến biết bao chuyện ngứa mắt, trái tai. Ông không xa lánh được chúng nên phản ứng lại bằng thơ trào phúng. Thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến chĩa mũi nhọn vào chính quyền thực dân, vào bọn khoa bảng đầu hàng, vào bọn hãnh tiến giàu sang nhờ xu phụ chính quyền mới. Ông chửi rủa, châm biếm, xua đuổi chúng nhưng vẫn không thoát. Quan hệ giữa ông và chúng có khi thật oái ăm, thật xót xa cho nhà thơ. Trong bài Có người cho thịt (Nhân tặng nhục, tác giả nói một chuyện nhỏ nhặt, cụ thể: Có người cho nhà thơ một miếng thịt. Tác giả không nói người cho là ai, nhưng hắn đã chén no nê ở một nơi bẩn thỉu về, và lại mang từ đó về cho nhà thơ một miếng thịt. Động cơ cho thịt là lòng thương xót: thương xót nhà thơ đói ("lân dư độc khoáng phúc"). Tác giả cầm miếng thịt, cúi mặt xuống, rồi che mặt khóc. Cả một đoạn độc thoại dài bộc lộ tâm sự cay đắng của người nhận. Không thể từ chối vì trong lòng quả muốn được miếng thịt. Và từ sao được! Ngày xưa Công Tây Hoa, Phạm Lãi giàu hơn nhiều mà có từ chối của cải đâu. Người thì cò kè xin thêm thóc, người thì ra sức kinh doanh làm giàu. Huống chi mình nghèo, đói, rét, già, bệnh, cáo quan về không trông cậy được vào đâu. Người ẩn dật cũng phải lo cho cái ăn, cái uống. Đào Tiềm cũng trồng được cúc. Bạch Cư Dị cũng làm được nhà. Thiếu thốn là do mình ươn hèn, bất tài chứ đâu phải do mình thanh cao! Từ chối cũng chẳng phải là đạo đức, thanh liêm: người ta thương mà cho chứ nào phải vì sợ hay cầu xin gì. Người cho ân cần, quân tử, biết rõ mình như Bão Thúc Nha xưa biết Quản Trọng vì còn mẹ già mà giành phần hơn, không chê là tham. Còn mình từ chối cũng không có được một lý do nào quang minh chính đại. Bà góa trong Ly phụ hành còn chê được người gán ghép chàng trẻ tuổi cho mình là tính vụng, còn có lý do đạo nghĩa để chối từ. Còn ở đây? Mình chỉ là người nghèo đói để cho người ta thương! Thậm chí đã nhận cũng không mong rồi đây trả ơn đàng hoàng cho người ta được. Sự lựa chọn thật là khắc nghiệt; không lấy thì đói và gầy mà lấy thì nhục và tục. Để cho người thương xót, lại dám đưa cả miếng ăn thiếu sạch sẽ như thế cho mình là nhục; vì chuyện miếng ăn, miếng uống là tục. Nhưng cũng đành nhận. Nhà thơ tự an ủi: Vô dụng thích tha tộ - khỏi đi xin ở cửa khác: nhận của bẩn thỉu để khỏi đi xin cái giống khác còn bẩn thỉu hơn. Cả cái dằn vặt đấu tranh ấy kết thúc một cảnh đầm đìa nước mắt: Hai người nói với nhau mà mỗi người có một suy nghĩ riêng đến quên cả người đối thoại. Chỉ có một cây trúc đứng chơ vơ bị ngọn gió thổi lắt lay:

Hốt hốt đàm tương vương (vong),
Thanh phong động cô trúc.
Dịch nghĩa:


Nói chuyện với nhau một cách thảng thốt quên cả nhau
gió nhẹ làm rung động cây trúc lẻ loi.

Nghèo khổ vốn không phải là cái làm cho người ẩn dật đau khổ. Đã chọn ẩn dật là đã chấp nhận sự nghèo túng. Vả "nhà nho, có may mắn được xếp trên ăn mày một bực, đã quen nhá rễ rau, da cũng không chóng nhăn" (Hung niên). Thế nhưng người ẩn dật cần giữ được tâm hồn thanh thản, lòng tự hào, để không bị xao xuyến trước những hoàn cảnh khó khăn. Người ẩn dật thường nói với người khác là mình thích nhàn, thích lười nhác, vụng về, không chịu được gò bó,... nên sống xa lánh, cô độc. Nhưng trong thâm tâm, cô độc chính là chỗ tự hào của người ẩn sĩ. Vì chỉ trong điều kiện đó, họ mới tự phân biệt được với phàm phu tục tử và đó mới là chỗ họ bộc lộ bản chất của mình: sự thách thức cứng cỏi. Người ta nói đến cây tùng xanh tốt, reo trước gió đông, cây mai khẳng khiu nở hoa trong mùa rét, caya trúc đến cháy vẫn giữ nguyên đốt cứng,... Trong thơ văn xưa, ngoại cảnh hình như chỉ làm cho cái cứng cỏi - biểu tượng của người của người ẩn sĩ thanh cao - thêm rõ chứ chưa ai nói đến cái nếm trải thực: tình trạng cây trúc bị gió vờn cho lao đao.

Cũng không phải gió dễ làm gãy ngay được cây trúc, nhưng cây trúc đứng vững được trước gió cũng không dễ dàng!

Sắt sắt Tây phong nại nhĩ hà!
Dịch nghĩa:
Gió Tây thổi cuột cuột biết làm thế nào!
(Trùng dương bất vũ)


Lúc mới về, nhà thơ còn trách móc một cách giễu cợt ngọn gió trên ngọn tre không chịu dành phần trước cho người tóc bạc (Mạn hứng). Qua nếm trải thực, ông mới thấy xót xa cái cảnh gió Tây, cảnh gió vờn ngọn trúc.

III.

Không yên thân được quả là khổ, mà không yên tâm được lại còn khổ hơn. Với sự quấy rầy của ngoại cảnh, nhà thơ đã đối phó bằng cách "Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ - Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây" (Mẹ Mốc), thậm chí với cả thủ đoạn giả điếc "Sáng tai họ, điếc tai cày" (Anh giả điếc). Nhiều trường hợp ông chống đối, tự bộc lộ một cách ngang nhiên, có khi khá thách thức.

Ta không thấy đầy đủ tâm tư của Nguyễn Khuyến khi nghĩ đến những người kháng chiến. Trong một số bài ít ỏi như Độc La Ngạn Đỗ Đình nguyên từ Bắc phiên thư hay Văn tế Lã Xuân Oai, ngoài chuyện công nhiên ca tụng việc chống thực dân Pháp, hình như ta còn bắt gặp một chút cái thảng thốt day dứt và mất bình tĩnh (?) của tác giả. Nói chung ta không thấy tác giả hối hận về sự lựa chọn ẩn dật. Nhà thơ cười với cái nghèo, nói một cách thú vị về công việc dạy con, đọc sách và làm thơ. Ông sống những thú vui của người xưa và tự hào thấy mình giữ được như người xưa. Nhưng sau đó, chắc là không lâu, không những bạn bè ra làm quan mà con ông - người con mà qua nhiều bài thơ ta biết ông rất yêu thương - cũng đi thi, đậu đại khoa và ra làm quan. Con học giỏi và đậu đại khoa là điều Nguyễn Khuyến mừng và tự hào, mừng và tự hào như mọi nhà nho. Nhưng làm quan thì ông không vui, thấy rầy rà. Ông nói với on những lời chí tình:

Ngã dĩ từ quan nhĩ tố quan
Dịch nghĩa:
Ta đã từ quan, con lại ra làm quan
(Xuân nhật thị tử Hoan)


Ông khuyên con có vì nghèo mà ra làm quan thì cũng đừng quá hăng hái, đừng tham lợi, phải chú ý nới tay với dân, đừng mong làm quan to. Nhưng con ông cũng thành một ông quan như những ông quan khác chứ có nghe ông đâu. Không ai vui lòng làm Bá Di - không thèm ăn thóc của người bất nghĩa - cả ("Thiên hạ nguyên vô song Bá Di"). Cả con ông cũng vậy. Nhà thơ thấy buồn và xấu hổ:

Tự kiến nhi lang năng tác quận,
Toại linh thử lão bất đề thi.
Dịch nghĩa:
Từ khi thấy cậu con lên làm chức quận,
Khiến cho già này không làm thơ nữa.
(Ngẫu tác)


Không phải Nguyễn Khuyến bỏ việc làm thơ nhưng có một loại thơ nào đó đối với ông khó hạ bút mà viết.

Đọc sách cũng là một thú vui của ông. Đạo học, lời dạy thánh hiền, gương cổ nhân là chỗ dựa tinh thần của nhà thơ. Đối với nó, từ lâu ông cũng đã thấy không ích gì cho thời cuộc, nhưng ông vẫn đọc và khuyên con học. Đó là nghiệp nhà không thể bỏ. Khi về hưu. Nguyễn Khuyến thường tự chế giễu mình là đồ vô dụng, bất lực, là ông lão ăn dưng, không làm được tích sự gì, chỉ chờ có cỗ thì chống gậy ra đánh chén. Thế nhưng vẫn đọc sách thánh hiền, tự chế giễu là ngoan cố nhưng ông không bỏ. Nhưng rồi cả việc đó cũng làm ông xấu hổ:

Vô lịch na tri thư Giáp Tý
Hữu cừu vị cảm độc Xuân thu
Dịch nghĩa:
Không có lịch, biết đâu mà ghi được Giáp Tý?
Kẻ thù còn đó, chưa dám đọc Kinh Xuân thu
(Xuân nguyên hữu cảm)


Trước kẻ thù đã không theo được nghĩa Xuân thu mà báo thù lại cũng không có cách biểu lộ thái độ bất khuất không thừa nhận. Ông tâm sự với Dương Khuê, người bạn thân của mình:

Sất bạch ngã tri quân vị thân,
Đẩu mễ quân tri ngã chi bần.
Tầm thường sở chí tại ôn bão,
Na cảm dao dao đàm cổ nhân.

Dịch nghĩa:

Tôi biết bác vì cha mẹ, phải làm quan kiếm tấm lụa,
Bác biết tôi nghèo, phải làm quan kiếm đấu gạo.
Cái chí chỉ mong ước cho mình đủ no ấm,
Sao dám cao giọng bàn chuyện người xưa.
(Ký phỏng Dương Thượng thư)


Nhà thơ ước ao làm hòn đá trơ trơ, vì còn lương tâm thì còn khổ. Lương tâm, cái làm mình tự hào, người bênh vực cho hành vi của mình lại thành cái vướng, thành người chê trách mình. Không yên tâm được nên cũng không làm Đào Tiềm được. Trước cảnh trời thu lồng lộng, có đủ trăng trong, gió mát, có đủ hoa chim, mây khói, nhà thơ chứa chan thi hứng, nhưng không dám cất bút đề thơ vì lòng thẹn với người ẩn dật xưa:

Ngân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào
(Thu vịnh)


ẩn dật theo lẽ "xuất xử hai đường" là cách lựa chọn thái độ sống của nhà nho. Lựa chọn theo cách đó phải có tiền đề là một thể chế chính trị - xã hội cho phép con người quan niệm mình không có trách nhiệm với xã hội - hoặc trách nhiệm đó thuộc về vua, hoặc cá nhân là cứu cánh - đồng thời có hoàn cảnh kinh tế tự túc, có thể sống biệt lập, ít có liên quan với kẻ khác. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, người dân không thể coi trách nhiệm mình nhẹ đến thế; nền kinh tế hàng hóa càng phát triển thì sống biệt lập là không thể được. Nguyễn Khuyến sống dằn vặt là vì thực tế đã đổi khác, không còn giống như thời các ẩn sĩ xưa.


Xuất hay xử là lý thuyết của Nho giáo. Nhưng với người ẩn dật, lý luận Nho giáo không cung cấp đủ thức ăn tinh thần. Nho giáo không cho họ triết lý để sống cô độc, không cho họ nhìn ra cái đẹp của thiên nhiên mà vui thú, nhìn ra cái vô nghĩa của cuộc đời để xa lánh, thây kệ, yên tâm hưởng cảnh nhìn. Những người ẩn dật thường tìm những chỗ thiếu thốn đó ở Trang Tử. Nguyễn Khuyến cũng dùng nhiều câu chữ rút từ Trang Tử, có khi khen Trang Tử nói đúng:

Trang đồ khởi thị hoang đường ngữ,
Thả khán Tiêu dao đệ nhất thiên.
Dịch thơ:
Sách Trang đâu phải hoang đường cả,
Hãy đọc Tiêu dao đệ nhất thiên.
(Ngẫu thành, I - Nguyễn Văn Huyền dịch)


Thế nhưng chỉ có Tiêu dao du thì vẫn chưa gỡ được ràng buộc của cuộc đời. Mà Nguyễn Khuyến thì không những gắn bó với cuộc đời mà còn chưa dứt được cả đạo lý nhà nho:

Dục thế Thi Thư, học Lão - Trang
Tiền nhân y bát thượng nan vương.
Dịch thơ:
Muốn bỏ Thi Thư, học Lão - Trang
Cha ông truyền thống bỏ sao đang
(U sầu - Nguyễn Văn Huyền dịch)

Không quên Thi Thư vì gắn bó với đời, vì gắn bó với cuộc sống. Đó là chỗ làm ông day dứt, khổ sở. Đó cũng chính là chỗ làm thơ ông có hơi thở của cuộc sống, tạo nên giá trị bất hủ cho thơ Tam nguyên Yên Đổ.

*

Không sợ sai lầm khi khen thơ Nguyễn Khuyến hay. Nhưng khen thơ Tam nguyên Yên Đổ hay cũng dễ mắc cỡ. Khen thế cũng dễ thành khen phò mã tốt áo, càng dễ thành chuyện khen ông tướng trong đồng dao:

Đồn rằng quan tướng có danh
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai



Và hơn thế cái cười của ông Tam Nguyên hóm hỉnh cứ như quanh quất bên tai.

Nguyễn Khuyến là người sống thực, nói ẩn dật không phải là nói theo sách vở, không phải dùng nghĩa lý để che đậy, tô điểm cho lối sống hời hợt. Ông cân nhắc, suy nghĩ, nếm trải hết mình cho nên có nhiều day dứt tận tâm can. Nguyễn Khuyến nhìn sắc sảo, cảm xúc tinh tế, nói ít lời nhưng rất kín đáo, sâu sắc.

Tài năng nghệ thuật của ông một phần rất quan trọng có quan hệ với công phu rèn luyện kỹ năng để trở thành hay chữ, đậu đến Tam nguyên. Vốn liếng từ ngữ, lập ý, cấu tứ,... đã được quá trình đó chất thành kho; khi viết hầu như - nói bằng từ ngữ của tác giả - chỉ "xô bút", chỉ "xổ chữ" ra. Cái gì ông cũng có thể đưa vào thơ, làm thành thơ. Nguyễn Khuyến cũng vịnh cảnh, vịnh vật, tức sự,... nhưng đề tài trong thơ ông hết sức đa dạng. Nhiều bài viết rất tự nhiên nhưng dấu vết hay chữ thì vẫn rõ. Câu đối của ông nhiều khi là một thứ xiếc từ ngữ. Nhưng nếu chỉ là hay chữ thì ông chỉ là Tam nguyên mà không là bậc thầy của thơ Nôm, chưa chắc đã thành nhà thơ chân chính. Cái làm Nguyễn Khuyến thành nhà thơ lớn là vốn sống. Nếu như nhận hay không nhận miếng thịt là sự dằn vặt trước một chuyện tế toái, ngắn ngủi thì vấn đề xuất xử chính là cái dằn vặt dai dẳng gần ba mươi năm cuối đời. Từ trong nhà tù, Nguyễn Xuân Oon viết cho Nguyễn Khuyến:

Thế lộ vị bình, phu tử tại
Dịch nghĩa:
Đường đời chưa bằng phẳng, phu tử còn lại đó.


Chỉ là còn lại đó thôi nhưng là có quan hệ đến đất nước, đến nho phong, sĩ khí. Một lời nói, một hành động của ông Tam nguyên đều có ảnh hưởng lớn. Cho nên những cái làm cho ông thành ra không minh bạch so với lẽ xuất xử làm ông hết sức khổ tâm. Lẽ xuất xử là cái ông dùng để nhìn người và nhìn mình. Nếu như chúng ta nhìn ra được nhiều nét về tâm hồn ông thì chính là do sự dằn vặt trước lẽ xuất xử như vậy.

Trong Nguyễn Khuyến có một ông Tam nguyên, một cụ già nông thôn và một chàng thanh niên nghịch ngợm. Ngoài cái sắc sảo, tinh tế, một phần là bẩm sinh nhưng phần lớn là do rèn luyện thì ông có một nét rất đặc sắc: nghịch ngợm và hóm hỉnh. Cái thú vị nhìn ra "Cái gì trăng trắng như con cúi" (Chỗ lội Đường Ngang) hay "Hà Bá... mỉm miệng cười thầm với nước non" không thể là cách nhìn của ông già, của ông Tam nguyên. Nghịch ngợm, hóm hỉnh như thế chắc đã biểu lộ nhiều trong thơ Nôm hồi trẻ - phần đến nay đã mất - chỉ là để đùa nhưng nó cũng được bác học hóa kiểu thích thực lời réo chửi của cô con gái bị một cậu học trò trêu chọc thành "Cha ông lừng lẫy chín phương trời". Đó là thứ tài năng không có chỗ rèn luyện, khi đã đỗ và làm quan chỉ có thể phát triển ngầm.

Đến khi đã về quê, sống trong cảnh vắng vẻ, ngâm vịnh thành một nhu cầu, nhu cầu bộc lộ nhiều tâm sự ngổn ngang và nhu cầu giải trí. Làm thơ, làm câu đối thành một thứ thể dục nghệ thuật, một kiểu chơi cờ một mình, bao nhiêu tài năng - với cả tài nghịch ngầm ấy - đều đem vận dụng hết. Nguyễn Khuyến là người rất hiểu nông thôn Việt Nam nhưng nhìn nó theo con mắt người ẩn dật như Đào Tiềm, cái tinh tế sắc sảo của văn chương bác học được vận dụng để tả cảnh, để nói tâm sự. Cái tinh nghịch, hóm hỉnh chuyển thành châm biếm trào phúng. Nguyễn Khuyến viết rất tự do. Thể loại, chữ nghĩa, thái độ đều tùy thích. Tôi nói tự do không chỉ với ý nghĩa thoải mái, tự nhiên mà cả với ý nghĩa không câu nệ, không bị ràng buộc. Oong không tránh những chuyện tủn mủn, những cái thiếu trang nhã mà cũng không ngại gọi con ba ba là tam tam, dịch thầy đồ ve gái là thiền sư. Ông Tam nguyên hay chữ nhất nước cũng có cái thế của mình, không sợ ai chê là dốt. Cho nên trong thơ Nguyễn Khuyến, cái tinh tế, hóm hỉnh thiên bẩm cũng quan trọng như sự tinh luyện hay chữ. Hoàn cảnh bật ra thành tiếng cũng quan trọng như cái thế nói mà không sợ bắt bẻ. Hiểu nông thôn cũng quan trọng như ý thức sống như người xưa. Cả người thanh niên nghịch ngợm, ông già nông thôn, ông Tam nguyên hay chữ liên kết lại và theo sự dìu dắt của ông Tam nguyên hay chữ mới thành Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Khuyến theo lẽ xuất xử, tự chọn làm ẩn sĩ. Nhưng thực tế không để cho ông làm ẩn sĩ. Ông bực bội nói cái thực và trào phúng thành ra một nhà thơ của cuộc sống chứ không phải của đạo lý xuất xử. Nguyễn Khuyến là nhà nho, cố sống như thánh hiền nhưng bị đẩy vào cuộc sống không thể nói chỉ như thánh hiền. Ông đã đưa văn chương nhà nho sang một nẻo đường khác, và vì nhiều tài năng nên dầu không có ý định thay đổi gì cả mà phương hướng mới cũng đã rõ nét: thơ gắn với cuộc sống, gắn với vận mệnh đất nước.

2/1985
T.Đ.H.
Nguồn: Tạp chí Thơ​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top