vanchuong83
New member
- Xu
- 0
VẤN ĐỀ XÁC ĐỊN THỂ LOẠI "TRUYỆN THẦY LAZAROO PHIỀN" CỦA NGUYỄN TRỌNG QUẢN
Ths. Huỳnh Thị Lan Phương
Ts. Nguyễn Văn Nở
1. ĐẶT VẤN ĐỀThs. Huỳnh Thị Lan Phương
Ts. Nguyễn Văn Nở
Truyện thầy Lazarô Phiền là một sáng tác văn xuôi tự sự Quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Khi mới chào đời, nó không được thừa nhận, trở thành đứa con lạc loài, bị quên lãng ngay vì cáidáng vẻ Tây hóa và chất đạo thấp thoáng bên trong chủ đề, nội dung tư tưởng của tác phẩm. Ngay cái tên của nó cũng gợi sự xa cách đối với những ai tuyệt đối tôn thờ tư tưởng Khổng Mạnh. Làm sao mà các trí thức phong kiến thời này không dị ứng cho được khi mà họ đang sống trong thời buổi mọi cái gắn liền với phương Tây, liên quan đến người phương Tây đều bị cho là phản quốc, là lai căng.
Sau một thời gian dài bị chối bỏ, giờ đây đứa con vô thừa nhận ấy đã được đón về, được đặt vào một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển của văn xuôi Quốc ngữ. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò mở đường của nó trong quá trình hiện đại hoá tiểu thuyết Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến chưa hoàn toàn nhất trí với đánh giá như đã nói trên. Đến nay, vẫn có người cho rằng không muốn thay đổi quan niệm: Tố Tâm mới là cái mốc đánh dấu quá trình hiện đại hoá tiểu thuyết bắt đầu. Và cả việc xác định Truyện thầy Lazarô Phiền thuộc thể loại nào cũng còn là điều đang trăn trở đối với những ai quan tâm đến tác phẩm này. Tác phẩmTruyện thầy Lazarô Phiền thực sự là truyện ngắn hay tiểu thuyết? Nên hiểu theo cách nào cho hợp lí nhất? Chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng không kém phần quan trọng! Xếp vào một thể loại khác, vị trí vai trò của nó trong lịch sử phát triển văn học sẽ có thể khác đi. Đặc điểm, giá trị của tác phẩm cũng bị đánh giá khác đi. Vấn đề còn ở chỗ khi nhận những cái khác đi đó, nó có một lần nữa bị đối xử thiếu công bằng không? Có thể nói, đây là một tác phẩm phải gánh chịu định mệnh khắt khe.
2. NỘI DUNG CHÍNH
2.1. Những quan niệm khác nhau về thể loại đối với tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền
Nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu đã thể hiện rõ sự chưa thống nhất khi xác định thể loại cho tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền. Có ý kiến cho rằng tác phẩm là một tiểu thuyết hiện đại. Nguyễn Huệ Chi khẳng định:”Cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết theo lối mới là Truyện thầy Lazarô Phiền in năm 1887” (1). Cũng có không ít người còn dè dặt, chưa mạnh dạn, dứt khoát, chỉ xem tác phẩm này dừng lại ở mức độ viết theo mô hình tiểu thuyết phương Tây (đánh giá của Bùi Đức Tịnh), chứ chưa hẳn là một tiểu thuyết hiện đại thực thụ. Không riêng Bùi Đức Tịnh, trong bài tổng kết hội thảo khoa học Văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Vũ Thanh đã cho biết Phong Lê cũng chưa thừa nhận Truyện thầy Lazarô Phiền là một tiểu thuyết hiện đại đích thực:”…Truyện thầy Lazarô Phiền (1887) được coi là cuốn truyện khai mạc nền văn xuôi Quốc ngữ. Đó là một lối viết hoàn toàn mới so với văn xuôi trung đại. Nhưng để có áng văn xuôi với nội dung phong phú và mang dáng vóc tiểu thuyết thì phải đợi thêm 23 năm nữa với những Hoàng Tố Anh hàm oan (1910), Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (1910).”(2)
Có khi còn xuất hiện cách nói lấp lửng như tác giả quyển Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh: ”Nếu xem Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản là một truyện dài, một tiểu thuyết, thì tiểu thuyết xuất hiện ở Nam vào năm 1887. Nếu bắt đầu từ Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản thì đó là vào năm 1910. ”(3) Nguyễn Văn Trung qua bài Về các loại truyện viết bằng quốc ngữ vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở Việt Nam lại cho thấy một cách xác định chưa thống nhất ngay cả ở một người. Đầu bài viết tác giả khẳng định có vẻ rất dứt khoát: “Truyện ngắn mà chúng tôi coi là sớm hơn cả ở miền Nam, truyện thầy Lazarô Phiền đã sử dụng một cách khéo léo, hầu như hoàn hảo kĩ thuật Tây phương, không thua gì truyện ngắn viết sau này. . .”(4). Đến giữa bài viết tác giả lại có nhận định khác: ”Truyện thầy Lazarô Phiền là tiểu thuyết bằng Quốc ngữ viết theo Tây phương sớm hơn cả ở miền Nam.” (5)
Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng thì xếp Truyện thầy Lazarô Phiền vào thể loại truyện ngắn. Vì thế đã đưa ra nhận định về Nguyễn Trọng Quản như sau: ”Với những tư liệu có được cho tới hôm nay, chúng ta có thể coi Nguyễn Trọng Quản là người đầu tiên viết truyện ngắn của văn học mới. Ông là tác giả của Truyện thầy Lazarô Phiền được xuất bản ở Sài Gòn năm 1887”. (6)
Hoàng Dũng với bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 10 năm 2000, cũng không xếp tác phẩm này vào thể loại truyện ngắn, truyện vừa hay truyện dài gì cả, chỉ gọi đó là truyện hiện đại (7). Khái niệm truyện không được giới thuyết cụ thể nhưng chắc chắn đó không phải là hình thức truyện của văn chương trung đại mà là truyện hiện đại. Gần đây hơn, trong bài viết của mình, Phan Cự Đệ tiếp tục khẳng định tác phẩm này thuộc thể loại truyện. Truyện vừa hay truyện ngắn thì chưa nói rõ nhưng nhất định không phải là tiểu thuyết. Ông nêu lên một quan niệm dựa trên cơ sở lí luận văn học hiện đại: “Nên có sự phân biệt về tiêu chí lí luận giữa truyện và tiểu thuyết. Truyện tập trung câu chuyện xung quanh một người, dù là truyện dài nhiều tập (như truyện anh Lục, 3 tập của Nguyễn Huy Tưởng). Nhìn chung truyện ngắn, truyện vừa, là những thiên tự sự cỡ nhỏ, cỡ vừa, trong khi đó tiểu thuyết là những thiên tự sự cỡ lớn. NXB J. Linage, Rue Catinat- Sài gòn, 1887 đề là Truyện – Thầy Lazarô Phiền, như thế là chính xác.” (8)
Đặc biệt, với Cao Xuân Mỹ thì Truyện thầy Lazarô Phiền là một truyện dài (9). Dường như có cái gì đó khiến nhiều nhà nghiên cứu phải phân vân, chưa thể dứt khoát được. Khái niệm truyện dài lâu nay được quan niệm đồng nghĩa với tiểu thuyết. Có cách gọi truyện dài thay gì gọi là tiểu thuyết đối với tác phẩm này thể hiện người nghiên cứu bị ràng buộc vào từ truyện vốn được tác giả Nguyễn Trọng Quản gắn vào tựa đề tác phẩm từ khi cho xuất bản. Không thể xếp vào truyện ngắn nhưng chưa mạnh dạn gọi đó là tiểu thuyết cho nên mới có cách gọi bằng truyện chung chung, hay cụ thể hơn là truyện dài.
Vấn đề rõ ràng đã không đơn giản chút nào. 2.2. Những cơ sở góp phần xác định thể loại cho tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền
Chúng tôi chủ yếu chỉ bàn đến các yếu tố thuộc về tác phẩm đang khảo sát, tất nhiên sẽ dựa trên cơ sở lí luận văn học để phân định đâu là cách đánh giá hợp lí. Hoàn toàn không có ý định đề cao hay phản bác quan điểm của bất kì nhà nghiên cứu nào. Bởi theo cảm nhận của chúng tôi, sự xác định có khác biệt nói trên đều có những cơ sở và lí do riêng, rất nên lắng nghe, suy ngẫm.
Ngoài ra, theo chúng tôi, vấn đề cần được xác định trên quan điểm hiện nay. Nghĩa là ngày nay chúng ta nên xếp tác phẩm vào thể loại nào? Không thể lấy quan niệm thời đó (thời tác phẩm ra đời) để áp đặt cho cách nghĩ của hôm nay. Chúng ta luôn trân trọng những gì mang tính hợp lí, khoa học của quá khứ và cũng không thể khư khư bám theo cái cũ, khi nó không còn phù hợp. Hơn nữa, giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX người sáng tác và cả người tiếp nhận đều chưa thiết lập được những cơ sở lí luận văn học hiện đại một cách hoàn chỉnh. Do đó, càng không thể lấy quan niệm về thể loại lúc bấy giờ làm hệ quy chiếu cho cách xác định của chúng ta hôm nay. Chúng ta chỉ nên hiểu và thông cảm cho những nhầm lẫn lúc bấy giờ.
2.2.1 Về dung lượng tác phẩm
Theo một số tài liệu cho biết, tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền với bản in lần đầu có 32 trang, bản in trong tuyển tập do Cao Xuân Mỹ giới thiệu, có lẽ vì cỡ chữ nhỏ nên chỉ còn 27 trang. Dung lượng như thế dễ khiến người tiếp nhận nghĩ đây là một truyện ngắn hơn là tiểu thuyết. Để thuyết phục người tiếp nhận xem đó là tiểu thuyết thì đúng là không dễ dàng. Giới nghiên cứu từ lâu đã có quan niệm: ”tiểu thuyết là một truyện tương đối dài” (10). Về sau này Lê Tiến Dũng cũng từng nhấn mạnh thêm: ”tiểu thuyết là một thể loại tự sự có dung lượng lớn. Do có dung lượng lớn cho nên tiểu thuyết có khả năng bao quát cuộc sống một cách tỉ mỉ và nhiều mặt nhất.” (11). Tiểu thuyết còn được nhắc đến bằng cụm từ trường thiên tiểu thuyết, phân biệt với truyện ngắn là đoản thiên tiểu thuyết. Trường là dài, trường thiên tiểu thuyết có nghĩa là một thiên truyện dài. Như thế nói đến tiểu thuyết là phải nghĩ ngay đến độ dài của tác phẩm. Nhiều người đã lấy sự dài, ngắn làm tiêu chí xác định tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi đó yếu tố dung lượng tác phẩm tất nhiên trở nên quan trọng trong việc phân định thể loại cho tiểu thuyết và truyện ngắn.
Thế thì những ý kiến cho rằng Truyện thầy Lazarô Phiền là tiểu thuyết lại vô lí sao? Thật không có gì là ngẫu nhiên hay thiếu cơ sở khoa học khi đưa ra kết luận Truyện thầy Lazarô Phiền là tiểu thuyết. Bởi theo quan niệm của lí luận văn học hiện đại: ”Nếu như tác phẩm truyện có chất tiểu thuyết, thì dù ngắn, vừa, hay dài nó vẫn là tiểu thuyết”(12). Như vậy vấn đề là ở chỗ tác phẩm này có chứa đựng chất tiểu thuyết hay không chứ không phải là ở chỗ nó ngắn quá. Đâu đợi đến sau này mà từ đầu thế kỉ XX người nghiên cứu cũng đã nhận thức được điều đó: ”đoản thiên với trường thiên khác nhau bởi dài ngắn, ấy mới là phần hình thức thôi, còn khác nhau về tinh thần nữa, mà phần này lại trọng yếu hơn. . .” (13)
Là người đầu tiên dùng chữ quốc ngữ để sáng tác văn chương, Nguyễn Trọng Quản không nói rõ ý định viết tiểu thuyết hay truyện ngắn, mà chỉ cho biết muốn “bày đặt một truyện đời này” và truyện của ông có nhiều yếu tố khác với đặc điểm của một truyện ngắn rồi. Số trang ít nhưng không vì ý thức hướng tới tính hàm súc, cô nén nội dung triển khai. Số trang ít cũng không vì có sự chọn lọc sự kiện, chi tiết sao cho thật ít mà tiêu biểu nhất, nổi bật nhất. Câu chuyện của tác giả được kể lại chậm rãi. Sự kiện, sự việc diễn ra theo một quá trình phát triển mang tính hợp lí, có vận động đổi thay theo chiều dài thời gian. Nhân vật của ông vẫn có điều kiện mà nhẩn nha, thể hiện số phận đầy bi kịch trong cuộc đời nhiều phức tạp. Dù đã táo bạo học theo kĩ thuật phương Tây nhưng tác giả khó tránh khỏi sự ngập ngừng, lấn cấn, ngay cả trong quan niệm về thể loại. Cho nên, có thể muốn viết tiểu thuyết theo lối mới nhưng tác giả chưa có được quan niệm rõ ràng về thể loại, chưa chú ý đến dung lượng. Mãi đến đầu thế kỉ XX chúng ta vẫn thấy có nhiều trường hợp người cầm bút chưa phân biệt rạch ròi, cụ thể và thống nhất về các thể loại văn xuôi tự sự. Nhiều yếu tố trong đó có yếu tố dung lượng tác phẩm không hẳn là căn cứ để phân biệt truyện ngắn và tiểu thuyết. Đường ranh giới giữa hai thể loại này qua sáng tác của họ có vẻ mập mờ lắm. Nhiều tác phẩm được gọi là tiểu thuyết nhưng số trang thật khiêm tốn. Ví dụ:Người đờn bà nham hiểm của Nguyễn Văn Kiểm chỉ có 8 trang; Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung có 45 trang; Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toản có 49 trang. Theo Trần Hữu Tá: ”Sự nhầm lẫn về thể loại này, giai đoạn văn học sau (30-45) vẫn không ít tác giả vướng mắc” (14)
Như vậy, viết ít trang không hẳn dụng ý Nguyễn Trọng Quản muốn viết một truyện ngắn hay quan niệm tác phẩm của mình là một truyện ngắn. Chúng ta, những người của hôm nay nhìn về quá khứ để đánh giá một giá trị nghệ thuật của quá khứ, dựa trên cơ sở của lí luận văn học hiện đại, chưa thể kết luận Truyện thầy LaZaRô Phiền là truyện ngắn, khi mới căn cứ vào dung lượng của nó. Nó có phải là tiểu thuyết hiện đại hay không thì còn phải xem xét nó đã thể hiện được các đặc trưng khác của thể loại chưa?
2.2.2. Cách kể và quan điểm tiếp cận của nhà văn
Theo Hoàng Ngọc Hiến, quan điểm tiếp cận và cách kể là một trong những yếu tố tiêu biểu làm nên đặc trưng cho thể loại tiểu thuyết hiện đại. Nó góp phần thể hiện còn hay mất khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật trong tác phẩm.
Tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền được kể lại dưới hình thức mới: truyện lồng trong truyện. Nhân vật Phiền kể chuyện của chính mình cho nhân vật tôi (tác giả) nghe, tác giả kể lại cho người đọc. Tác giả (nhân vật tôi) đóng vai trò được nghe, được biết, được chứng kiến mọi thay đổi, mọi biểu hiện đặc biệt ở nhân vật Phiền và kể lại. Như thể muốn nhấn mạnh vai trò kể, muốn chứng minh mình là người đang theo dõi và quan sát nhân vật, tác giả thường xuyên đan cài vào tác phẩm những đoạn văn diễn tả cảm xúc hoặc diễn tả những gì thấy được của tác giả về đối tượng được kể. Chẳng hạn như đoạn văn sau:” Muốn cho hẳn tôi mới ngó thầy mà xem thầy ấy cho rõ ràng đặng coi có làm sự gì tỏ ra như người điên chăng”, hay:“ Tôi nghe mà thấy sự đau đớn như vậy tôi làm thinh mà để cho thầy ấy khóc khi ấy mới nghĩ trong mình rằng: có lẽ nào dưới thế gian mà có sự gì dữ tợn cho đến đổi làm cho người ta chịu cực 10 năm rồi mà chẳng nguôi!” (tr 21). Trong tác phẩm, nhà văn không những không hoá thân vào nhân vật, để cho nhân vật tự kể về mình, mà còn đối thoại cùng nhân vật, khơi gợi vấn đề để dẫn dắt nhân vật nói về mình. Cách kể của tiểu thuyết hiện đại là tạo cho người đọc cảm giác như đang được tận mắt chứng kiến câu chuyện, như nghe thấy mọi sự kiện xảy ra xung quanh nhân vật, chứ không phải qua lời kể của tác giả. Đây cũng là tiêu chí để phân loại truyện và tiểu thuyết. “Đọc truyện dường như ta được nghe kể lại còn một cuốn tiểu thuyết viết giỏi dường như chính ta đương được chứng kiến” (15) . Antônôv, một nhà văn Xô Viết, cũng cho rằng người viết tiểu thuyết phải giống như “trao ngòi bút cho nhân vật, để nhân vật tự viết lấy với giọng điệu riêng của nó” (16). Xét riêng ở yếu tố này thì rõ ràng Truyện thầy Lazarô Phiền còn xa cách với tiểu thuyết hiện đại, mà gần với truyện hoặc các dạng tiểu thuyết của ta thời trung đại.
Nhà văn xuất hiện trong tác phẩm thông qua nhân vật tôi đã đối diện với nhân vật Phiền, đối thoại cùng nhân vật Phiền. Cho nên tất yếu giữa nhà văn và nhân vật Phiền trở nên bình đẳng, gần gũi, cảm thông. Càng không có khoảng cách sử thi, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ đối với nhân vật. Tôi không ngần ngại bộc lộ thái độ của mình trước nhân vật Phiền: ”Điên! Thầy này điên”(trang 21). Biểu hiện trên thể hiện một cách ngẫu nhiên quan điểm tiếp cận trong tác phẩm có chỗ gần giống với quan điểm tiếp cận của một sáng tác thuộc thể loại tiểu thuyết hiện đại. Bởi vì theo Hoàng Ngọc Hiến quan điểm tiếp cận ở tiểu thuyết thể hiện qua quan hệ giữa người viết và nhân vật. Đó là “một quan hệ thân mật, thân tình, thậm chí suồng sã” (17). Tuy nhiên, xét cho cùng, ở tác phẩm này, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật rõ ràng chưa được xóa bỏ. Xóa bỏ khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật được trần thuật là một trong những đặc điểm của thể loại tiểu thuyết hiện đại. Có thể xem đó là một trong những tiêu chí giúp ta xác định thể loại cho tác phẩm. Nếu nói đến thể loại tiểu thuyết hiện đại thì Truyện thầy Lazarô chưa đáp ứng được tiêu chí này.
2.2.3. Chất văn xuôi và vấn đề hư cấu
Tiểu thuyết là một thể tự sự giàu chất văn xuôi nhất. Đặc trưng này đã góp phần khu biệt tiểu thuyết với nhiều thể loại văn học khác. Truyện ngắn hay truyện vừa đều có chất văn xuôinhưng có lẽ không thể loại nào giàu chất văn xuôi bằng tiểu thuyết. Điều kiện về dung lượng; sự đa dạng của thế giới nhân vật; sự phong phú về sự kiện, sự việc đã khiến tiểu thuyết dễ dàng có được đặc trưng này. Vậy chất văn xuôi là gì? Đó là “một sự tái hiện cuộc sống không thi vị hoá, lãng mạn hoá, lí tưởng hoá. Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời đang sinh thành, tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn của cuộc đời. . .” (18). Chất văn xuôi tạo cho tiểu thuyết có nội dung phản ánh hiện thực đa dạng và chân thực. Đó là sự tái hiện những gì vốn có của đời thường, trong xã hội đương thời. Cuộc sống hiện lên trong Truyện thầy Lazarô Phiền có nhiều góc cạnh. Nó xù xì như cuộc đời thực vốn có. Cuộc sống đó có sự yêu thương (tình thương của cha mẹ Liễu, của ông quan Pháp, của Cha đạo dành cho Phiền, của Phiền dành cho vợ…); có niềm hạnh phúc (Phiền đã gặp được người bạn đời tâm đầu ý hợp, có được tình bạn chí thiết) và cả cái may mắn (Phiền thoát chết trong trận hoả hoạn khủng khiếp) nhưng cũng có lắm đau khổ, bất hạnh. Nỗi khổ đau có thể giằng xé, hành hạ con người đến mức phải chết. Người gây tội ác bị chết đã đành, kẻ vô tội cũng có thể chết oan ức. Mặc dù dung lượng có hạn chế đáng kể, sự kiện ít, nhân vật ít nhưng Truyện thầy Lazarô Phiềnvẫn dung nạp được ít nhiều sự bề bộn, phức tạp của cuộc sống. Cuộc sống ở đây ngổn ngang những điều xấu, cái ác. Cái xấu, cái ác tồn tại xen lẫn với sự nhân từ, cao cả. Bên cạnh sự ích kỉ vẫn hiện hữu một tấm lòng bao dung, vị tha. Cuộc đời lắm phũ phàng, nhiều éo le ngang trái cho nên cái tốt, điều lành khó tồn tại và đứng vững. Phiền và cả vợ Phiền hưởng mật ngọt của cuộc đời chẳng được bao nhiêu, nếm vị đắng cay, chua chát lại nhiều. Nguyễn Trọng Quản đã tái hiện chân dung một cuộc sống mà ở đó con người không chỉ đau khổ vì sự thiếu thốn trong đời sống vật chất mà còn phải gánh lấy bao bất hạnh do sự thiếu thốn, mất mát về đời sống tinh thần. Bị đoạ đày thân xác, con người có thể chịu đựng được nhưng bị hành hạ tinh thần thì không vượt qua nổi. Phiền không chết vì đói ăn, thiếu mặc ở quãng đời ấu thơ, từng sống lẩn lút, trốn chạy, tù đày. Phiền cũng không chết vì làn tên, mũi đạn hay khói lửa hung tàn nhưng Phiền đã không sống nổi vì sự vật vã của lương tâm. Hiện thực cuộc sống được tái hiện trong Truyện thầy Lazarô Phiền không là một góc nhỏ của cuộc đời, mà là nhiều góc hợp lại. Ở đó có số phận của từng cá nhân với những bi kịch cá nhân, xoay quanh những điều rất đời thường: ghen tuông, tranh giành, oán thù, tội lỗi... Và có cả số phận của cộng đồng trước biến cố lịch sử mất nước, dưới chế đố phong kiến hà khắc nhà Nguyễn. Sự sinh tồn và hạnh phúc của con người luôn bị đe dọa, tàn phá bởi hận thù. Có hận thù mang tầm cỡ cộng đồng, xã hội, nảy sinh từ mối mâu thuẫn giữa triều đình và giáo dân. Có hận thù cá nhân, nảy sinh từ lòng ghen tuông, tính ích kỉ, sự tranh giành chiếm đoạt trong đời sống tình cảm. Rõ ràng, chỉ với 32 trang nhưng tác phẩm vẫn có được sự bề bộn nhất định.
Tiểu thuyết hiện đại là một câu chuyện đã được hư cấu, dựa trên những gì từng diễn ra trong cuộc sống đời thường. Chất văn xuôi có được cũng là đã qua sự hư cấu. Qua hư cấu mọi yếu tố xác thực chuyển hoá thành chân thực. Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại nhưng tái hiện bức tranh xã hội phải qua lăng kính chủ quan của mình. Do đó, người đọc khi tiếp nhận luôn ý thức đó là câu chuyện trong văn chương. Nhân vật trong tác phẩm dù là hình ảnh của con người ngoài đời vẫn là nhân vật trong tác phẩm văn chương. Truyện thầy Lazarô Phiền tất nhiên đã được hư cấu nhưng ở đây lại có sự kết hợp với cả yếu tố phi hư cấu. Nhà văn quá chú trọng đến việc tái hiện một cách xác thực hiện thực, khiến người đọc dễ có cảm nhận câu chuyện được xây dựng trong tác phẩm là một sự thật trăm phần trăm. Tác phẩm có nhiều biểu hiện của vấn đề trên. Các chi tiết nói về nhà thờ nơi chôn Lazarô Phiền, nói về vụ thảm sát giáo dân ở Bà Rịa đều được tác giả chú thích thêm, như để nhấn mạnh đó là những chi tiết thực hoàn toàn. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là không gian xác định. Những địa danh như Bà Rịa, Gia Định, Sài Gòn đến nay vẫn còn quen thuộc với người Việt Nam. Nhất là người Nam bộ, không ai là không biết. Câu chuyện nói đến diễn ra trong không gian quen thuộc như thế tạo cho người đọc một cảm giác như được xem một truyện thời sự trên báo chí.
Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm cũng có tính xác định, cụ thể đến chi tiết. Tác giả cho biết Phiền sinh năm 1847. Mẹ Phiền mất lúc Phiền mới lên ba, đó là năm 1850, khi đó bố Phiền đã hơn 46 tuổi. Năm 1860, Phiền biết tin Pháp đánh vào Gia Định. Năm 1862, bố Phiền mất trong trận hoả hoạn ở nhà ngục Bà Rịa. Năm 1864, Phiền vào học trường Latinh. Năm 1864, Phiền học trường d’Adran. Năm 1870, Phiền vào Sài Gòn thi, thi đậu, sau đó được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi cưới vợ. Ngày 14 tháng 8 năm Tân Mùi, Phiền nhận được thư tố cáo vợ ngoại tình. Hơn một tuần sau Phiền tổ chức kế hoạch giết chết Liễu. 15 ngày sau đó, Phiền đầu độc vợ. Giữa năm 1873, vợ Phiền chết. Ngày 7-1-1884, Phiền chết
Năm 1885, tôi viếng mộ Phiền... Những chi tiết xác thực, những thông tin cụ thể về thời gian, không gian như nói trên thường tìm thấy ở những tác phẩm thuộc thể kí. Rất hiếm khi gặp trong một tác phẩm tiểu thuyết. Có lẽ dụng ý muốn “bày đặt một truyện đời này là sự thường có trước mặt ta luôn” đã chi phối tác giả. Tác giả muốn nhấn mạnh những gì được tái hiện trong tác phẩm là cái vốn có của cuộc đời hiện tại. Đây chính là điểm mới của tác phẩm. Thoát khỏi quan niệm cũ, đi tìm cảm hứng sáng tác từ chuyện xưa tích cũ, làm thu hẹp phạm vi hiện thực, Nguyễn Trọng Quản đã khai thác đề tài cuộc sống hiện tại, mở rộng giới hạn hiện thực trong tác phẩm. Vì thế chất văn xuôi trong Truyện thầy Lazarô Phiền mặc dù chưa thể hiện trọn vẹn đặc điểm của chất văn xuôi trong tiểu thuyết hiện đại nhưng nó mang một nét riêng. Cái riêng của một tác phẩm ở giai đoạn khởi đầu học theo phương Tây để làm ra cái mới.
2.2.4. Yếu tố đời tư
Trong sách Từ điển văn học, Nguyễn Huệ Chi và Lại Nguyên Ân cho biết Biêlinxki gọi tiểu thuyết là “sử thi của đời tư”, vì nó “miêu tả những tình cảm dục vọng và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và đời sống nội tâm của con người”(17). Đưa yếu tố đời tư vào tác phẩm được xem là một đặc trưng tiêu biểu của tiểu thuyết. Tiểu thuyết hiện đại bao giờ cũng nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Yếu tố đời tư càng rõ nét thì chất tiểu thuyết càng cao. Truyện thầy Lazarô Phiền đã thể hiện được cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Thông qua việc miêu tả cuộc đời của Phiền, một số phận có nhiều bi kịch, cùng những sự kiện liên quan đến Phiền, tác giả đã nói lên bao điều của cuộc sống. Sự ích kỉ, cố chấp và cả những ham muốn tầm thường dễ dẫn dắt con người đi đến tội lỗi. Đến lúc biết nhìn lại những gì đã gây ra, con người sẽ cảm thấy khiếp sợ đến kinh hoàng trước tội ác. Khác với Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản nhìn thấy cuộc đời dường như khép chặt lối ra. Đã rơi vào tội ác thì chỉ có chờ sự trừng phạt mà thôi. Nếu không phải đối diện với luật pháp thì cũng bị phán xét bởi toà án lương tâm. Dù biết ăn năn sám hối vẫn không còn cơ hội để chuộc lỗi, để sửa sai. Hồ Biểu Chánh quan niệm cuộc đời đầy khổ đau, ngang trái. Kẻ giàu, người nghèo, già hay trẻ, người có học thức hay kẻ dốt nát, nam hay nữ đều có thể trở nên bất hạnh. Nhưng có một phép mầu diệu kì giúp con người vượt lên, hoặc vượt qua được đau khổ của cuộc đời. Đó chính là cách sống có nhân nghĩa; là tấm lòng nhân ái, bao dung; là sự mạnh mẽ, tự tin của con người. Những thứ đó, qua Truyện thầy Lazarô Phiền dường như bị vô hiệu hóa. Vợ Phiền là một phụ nữ đoan chính, nết na, giàu lòng độ lượng bao dung. Biết chồng đã nhẫn tâm đầu độc mình, chị ta vẫn sẵn lòng tha thứ, không một lời oán trách: ”Tôi biết vì làm sao mà tôi phải chết, song tôi cũng xin chúa thứ tha cho thầy” (tr. 40). Một người như thế rất xứng đáng được sống, được hưởng hạnh phúc. Chị ta đã ở hiền nhưng chẳng gặp lành. Có lẽ Nguyễn Trọng Quản không hoàn toàn tin tưởng vào quan niệm thiện thắng ác trong cuộc đời hiện tại. Trở lại nhân vật Phiền, nhân vật trung tâm của tác phẩm, vấn đề tiếp tục thể hiện rõ nét hơn. Nhà văn cho biết Phiền sinh ra trong một gia đình theo đạo công giáo, một gia đình hoàn toàn lương thiện, nhưng gặp thời buổi đen tối của xã hội, bị chính sách cấm đạo cay nghiệt của nhà Nguyễn đẩy vào cuộc sống cơ cực, tang thương. Từ thưở lên ba, Phiền đã trở thành cậu bé mồ côi mẹ; lớn lên trong vất vả, lo sợ vì những cảnh trốn chạy sự truy sát người theo đạo. Mười lăm tuổi Phiền đã bị bơ vơ giữa chợ đời. Người thân duy nhất là cha cũng vĩnh viễn ra đi trong cơn hoả hoạn xảy ra ở nhà ngục. Nhưng Phiền rất mạnh mẽ, không chịu ngã gục trước cuộc đời. Anh ta đã tự đứng dậy, vươn lên giành lấy sự sống, tìm kiếm hạnh phúc. Anh ta không mang bản chất độc ác. Sự sám hối của Phiền là sự sám hối của một con người lương thiện bị phạm tội chứ không phải là sự sám hối của một con quỷ dữ. Nhưng Nguyễn Trọng Quản không để cho Phiền được có hạnh phúc, càng không có cơ hội khôi phục lại hạnh phúc đã mất. Trong cái nhìn của tác giả, ở hiền chưa chắc đã gặp lành nhưng gieo nhân nào thì ắt phải gặt quả đó. Phiền rơi vào bi kịch, chịu đau khổ đó là kết quả của những gì Phiền đã tạo ra.
Cuộc đời trong xã hội hiện thời thật bế tắc! Do đâu mà đến thế? Tác giả không chỉ lí giải bằng các nguyên nhân xã hội, lịch sử, mà còn nhấn mạnh do chính bản thân con người gây nên. Con người thật khó hiểu. Luôn ra sức tìm kiếm hạnh phúc và bỏ nhiều công sức để tạo dựng hạnh phúc. Nhưng rồi lại cũng dễ dàng đạp đổ hạnh phúc có được chỉ vì sự cố chấp. Hành động hại người của bà vợ ông quan Pháp quả là thâm hiểm khôn lường. Tại sao Phiền lại không hỏi vợ về những lá thư nặc danh hại người đó để xác định thực hư. Phiền cũng chẳng tìm hiểu gì thêm về vợ mình, có thực sự là kẻ ngoại tình hay không? Mà nếu đó là sự thật thì chẳng thể tha thứ được ư? Phiền sống quá khép kín. Thầm lặng ôm nỗi oán hận; đơn độc đối mặt với những phức tạp, gian trá của người đời. Do đó Phiền không còn sáng suốt được nữa. Cơn ghen của người đàn ông cố chấp đã thúc đẩy Phiền sa vào tội ác. Từ Phiền, Nguyễn Trọng Quản cho thấy đau khổ của con người còn do chính bản thân con người tự tạo ra.
Truyện thầy Lazarô Phiền có sự kết hợp yếu tố đời tư với nội dung thế sự, ít nhiều dính dáng đến sự kiện lịch sử ở Nam bộ vào buổi đầu bị thực dân Pháp xâm chiếm. Miêu tả cuộc đời của Phiền, tác giả đã tái hiện phần nào không khí ngột ngạt, căng thẳng dưới chế độ phong kiến thời nhà Nguyễn. Thành kiến nặng nề đối với đạo Thiên Chúa đã khiến triều đình ra lệnh bắt bớ, đày ải những người vô tội. Tác giả kể lại khá tỉ mỉ cảnh nhà tù, chuyện đoạ đày người tù công giáo. Theo Nguyễn Văn Trung đó là một sự thật, đã từng được nhắc đến trong những tài liệu có tính chất lịch sử. Chính tác giả cũng đã chú thích: người thân của tác giả từng là nạn nhân và chứng nhân của nhà tù cay nghiệt đó. Bốn chữ Biên Hòa tả đạo khắc lên tai của người theo đạo như một dấu ấn không phai nổi về những ngày tháng khủng khiếp ấy. Nguyễn Trọng Quản không nhằm mục đích biên chép lịch sử. Ông chỉ đưa vào tác phẩm nội dung thế sự có liên quan đến sự kiện lịch sử. Trên bối cảnh đó, nhân vật xuất hiện với những biến cố, đổi thay trong đời người. Phiền hoàn toàn là một cá thể độc lập. Phiền không thuộc kiểu người bổn phận, có trách nhiệm hay bị ràng buộc vào xã hội, cộng đồng. Mọi suy nghĩ và hành động của Phiền đều hướng vào cái tôi cá nhân. Cái tôi chỉ sống cho mình, vì mình. Phiền chỉ là nhân vật chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội. Như thế, dù có nội dung thế sự, Truyện thầy Lazarô Phiền vẫn là một tác phẩm viết về một đời người, một cá nhân có nhiều bi kịch. Nhà văn chủ yếu quan tâm đến yếu tố đời tư. Đây chính là “một nét đặc trưng của nội dung thể loại tiểu thuyết”. (20). Thế nhưng, truyện ngắn cũng thể hiện cái nhìn về cuộc sống từ góc độ đời tư, chứ đâu riêng gì tiểu thuyết. Điều cần ghi nhận là Nguyễn Trọng Quản không phải miêu tả một khoảnh khắc của đời tư nhân vật, mà nói về cả một cuộc đời, một cuộc đời có vận động đổi thay, nhiều biến cố, lắm sự kiện. Bùi Hiển cho rằng “Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng nên” (21). Như thế, ở điểm này Truyện thầy Lazarô Phiền đã vượt khỏi khuôn khổ của một truyện ngắn và thoả mãn được yêu cầu của một tác phẩm tiểu thuyết hiện đại.
2.2.5. Nhân vật có tính nếm trải
Thế giới nhân vật trong Truyện thầy Lazarô Phiền còn quá thưa thớt, ít ỏi. Số nhân vật chính thức xuất hiện trong tác phẩm không quá năm nhân vật (Phiền, vợ Phiền, cha Liễu, ông quan Pháp, Cha xứ), một số nhân vật được nhắc đến nhưng không xuất hiện chính thức (bà vợ ông quan Ba Pháp, cha Phiền, mẹ Liễu, Liễu). Xét cho cùng nhà văn chỉ tập trung thể hiện nhân vật Phiền. Thế nhưng, chính ở nhân vật này, ngòi bút của Nguyễn Trọng Quản đã làm nên kì tích. Phiền là một kiểu nhân vật có nhiều nếm trải trong cuộc đời. Một kiểu nhân vật rất tiểu thuyết.
Trước lúc phạm tội giết người, Phiền là một con người hiền lành, có nhân cách tốt, bằng chứng là cha Liễu vui mừng khi con trai mình được kết bạn với Phiền. Ông ta mong muốn con mình sẽ được học tập nhiều ở Phiền. Ngay từ lúc đó Phiền đã là một con người nếm trải rồi. Sự nếm trải khi ấy giúp Phiền hình thành tính cách tốt đẹp, có được bản lĩnh để vươn lên giành lấy sự sống và hạnh phúc. Phiền hai lần xuýt chết, hai lần cảm thấy cuộc đời mình như đã bế tắc nhưng lại tìm được lối ra, được cứu sống, được che chở bởi những tấm lòng nhân ái. Phiền lớn lên cùng bao biến cố dữ dội của gia đình và xã hội. Thế mà Phiền vẫn có thể trưởng thành, cũng lập được chút sự nghiệp, có được một mái ấm gia đình. Hạnh phúc cũng có lúc mĩm cười với Phiền nhưng nó đến rồi lại đi quá nhanh. Nhân vật Phiền đã có biểu hiện tự ý thức về cái tôi cá nhân. Cái tôi cá nhân nhận thức nỗi đau của đời mình: ”Thầy ôi! Thầy nghe tôi thì thầy biết tôi thế nào? Sanh ra khỏi lòng mẹ thì đã chịu cực cho đến lớn. Tưởng khi có trí khôn thì được sung sướng một ít mà cũng không được, số phận tôi phải chịu khốn nạn cho đến trọn đời mà thôi” (tr 26). Trong tác phẩm, Phiền là nhân vật gây tội ác, tội giết người, nhưng người đọc đâu nỡ xếp Phiền vào loại nhân vật phản diện. Bởi trong con người này chứa đựng cả hai phần tốt và xấu. Phiền biết yêu thương và đã dành tình cảm chân thành tha thiết nhất cho người mình thương nên dễ có lòng oán hận khi tưởng mình bị phụ bạc. Con người này rất trọng tình nghĩa thâm giao bạn bè nên không chấp nhận được sự phản bội. Con người này biết quý nhân nghĩa cho nên quá đau khổ khi đã đem oán trả ân. Phiền là nhân vật có sự vận động đổi thay về tính cách. Từ chỗ hiền lành, đức độ trở nên độc ác một cách lạnh lùng, rồi lại quay về với bản chất lương thiện, biết ăn năn, hối hận trước tội lỗi.
Nguyễn Trọng Quản không chú ý miêu tả hành động, lời nói hay ngoại hình của nhân vật. Nói cách khác, trong sáng tác của ông đã xuất hiện kiểu nhân vật hướng nội. Theo quan niệm của các nhà lí luận văn học thì:”miêu tả thế giới bên trong, phân tích tâm lí là một phương diện rất đặc trưng cho tiểu thuyết, mặc dù nói chung, loại văn học nào cũng không bỏ qua được khía cạnh tâm lí” (22). Nguyễn Trọng Quản đã miêu tả thành công tâm lí Phiền, tâm lí một kẻ ghen tuông mù quáng, cố chấp. Ghen là một trạng thái tâm lí không đơn giản. Khi ghen con người chỉ còn thương chính mình cho nên luôn cảm giác mình bị mất mát, thiệt thòi, tổn thương… cũng vì thế không còn chỗ để thương người, dễ sinh ra oán thù. Ghen cũng chính là mất niềm tin nhiều nhất, kể cả sự tự tin. Tác giả để cho Phiền không còn tin tưởng gì ở vợ. Đó là một điều không khó hiểu. Lúc ghen là lúc thiếu sáng suốt nhất. Người đang ghen có thể dám làm bất cứ việc gì mà họ nghĩ rằng sẽ hả được cơn oán hận. Tác giả rất hiểu tâm trạng của Phiền, biết rằng giết bạn là một việc ác, không nên làm, khi làm cũng cảm thấy chợn nhưng lòng oán hận đã lên cao, khiến Phiền bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả để đạt được mục đích trả thù. Do đó, lúc nhận được lệnh đi bắt cướp, Phiền mới có tâm trạng: ”Khi tôi đặng phép thì trong lòng tôi bồi hồi run sợ nửa vui nửa buồn, vì tôi có ý xin đặng đủ quờn phép mà làm một sự quái gở kia cho bằng lòng tôi mà thôi”(tr 36). Đến lúc sự trả thù thực hiện xong, biết Liễu đã bị trúng đạn, thì tình cảm bạn bè thân thiết cùng với tình người vốn có trong lòng Phiền, trước đó bị cơn ghen lấn át lập tức trỗi dậy:” sự giận và sự hiềm thù của tôi như thể biến đâu mất vậy, cho nên tôi sợ hãi mà trách mình tội lắm. Vậy tôi dạy chèo ghe lại có ý coi có phương thế nào mà cứu thầy ấy chăng?” (tr 37). Tuy nhiên, sự thương mình ở Phiền vẫn còn rất cao cho nên Phiền chỉ một thoáng nghĩ cho Liễu là lập tức lại chỉ biết nghĩ cho mình thôi. Phiền đã khóc trước cái chết của Liễu nhưng Phiền cho biết: ”mà tôi khóc tội tôi mà thôi, chớ còn thầy Liễu thì tôi không thương tiếc chút nào” (trang 37). Vì còn nghĩ cho mình quá nhiều nên lửa oán thù không tắt. Nó đốt cháy lương tâm Phiền, để anh ta có thể tính tiếp phương kế giết luôn cả người bạn đời đầu ấp tay gối. Khi đã đầu độc vợ, kế hoạch trả thù xem như kết thúc, mục đích đã đạt được; tức sự thương mình đã thực hiện xong xuôi cũng là lúc Phiền bắt đầu nhận ra tất cả sự vô nghĩa của việc mình làm. Trước lúc hành động, chắc chắn Phiền đã nghĩ rằng sẽ rất hả hê khi mục đích đạt được. Thế nhưng, kết quả chỉ có nuối tiếc, ân hận, dằn vặt và đau khổ. Tác giả miêu tả đúng nỗi đau và sự ân hận của một con người đã đối xử tệ bạc với một người mà chỉ thấy thể hiện sự đáng yêu, đáng quý. Nhìn cảnh người vợ bị thuốc độc hành hạ đau đớn, nghe những lời nói chân tình, nhân hậu, hiền lành của vợ, Phiền: ”đau đớn như lưỡi gươm đâm thấu vào lòng”(tr 39). Nhờ nếm trải cuộc đời, con người cố chấp ở Phiền thay đổi hẳn. Về sau trở nên bao dung, rộng lượng, sẵn sàng tha thứ cho vợ: ”Dầu tội nó thế nào thì tôi cũng quên rồi.” (trang 26)
Không chỉ thể hiện những diễn biến tâm lí nhân vật, Nguyễn Trọng Quản còn tập trung khai thác đời sống nội tâm của Phiền. Tác giả miêu tả thật tỉ mỉ những giằng xé trong lòng Phiền sau khi phạm tội. Đạt được những thành công trên, gợi người đọc phải nghĩ đến tác phẩm đã thuộc tầm cỡ của tiểu thuyết hiện đại.
3. Nên xếp tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền vào thể loại nào?
Từ những vấn đề đã trình bày, chúng tôi nhận thấy Truyện thầy Lazarô Phiền là một tác phẩm mang đặc điểm khá phức tạp. Nó chứa đựng trong đó không ít yếu tố thuộc đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại (thể hiện cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư, xây dựng được kiểu nhân vật nếm trải, phần nào có được chất văn xuôi). Tuy nhiên, bóng dáng của hình thức truyện chưa hẳn đã mất trong nó (cách kể và quan điểm tiếp cận). Và hơn nữa, dung lượng tác phẩm cũng là một yếu tố khiến người tiếp nhận tác phẩm không thể không băn khoăn, đắn đo. Rõ ràng, Truyện thầy Lazarô Phiền còn khiêm tốn về dung lượng. Ở đây không chỉ nói đến dung lượng về số trang mà còn cả dung lượng những vấn đề tác phẩm đặt ra. Vì thế chúng tôi đề xuất một cách hiểu khác. Không thể coi tác phẩm là một truyện ngắn. Bởi nó không mang đặc trưng của truyện ngắn một cách rõ nét. Hơn nữa, nó đã vượt khỏi khuôn khổ của một truyện ngắn, thể hiện qua nhiều yếu tố mà phần phân tích ở trên chúng tôi đã bàn đến. Xếp nó vào thể loại tiểu thuyết thì chưa thật ổn, do một số hạn chế như đã trình bày. Chính vì vậy xem nó là một truyện vừa có lẽ thích hợp hơn cả. ”Truyện vừa so với tiểu thuyết sự kiện ít hơn, nhân vật ít hơn mà cách miêu tả sự kiện, cách xây dựng nhân vật cũng gọn hơn. Truyện vừa tập trung vào một số sự kiện chính, nhân vật được miêu tả trong một vài mối quan hệ nhất định… Nhờ đó dung lượng của truyện vừa được rút ngắn hơn so với tiểu thuyết ” (23). Tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền rõ ràng đã thể hiện những đặc điểm vừa nêu. Gọi nó là truyện vừa cũng là không từ bỏ cách gọi của tác giả. Tác giả đã gọi tác phẩm của mình là một truyện, Truyện thầy Lazarô Phiền. Khi bàn về sự khác nhau trong quan niệm thể loại đối với một số tác phẩm đặc biệt, tác giả sách Lí luận văn học cho rằng: ”sự so le nói trên là do truyền thống lịch sử tạo nên và một phần do ý thức tác giả tạo ra nhằm nhấn mạnh một khía cạnh nào đó. Truyền thống lịch sử và ý định tác giả cần được tôn trọng.” (24). Chúng tôi cũng không gọi là truyện dài vì trước tiên nó không dài sao có thể gọi là truyện dài được. Nếu hiểu theo quan niệm của người Trung Quốc thì truyện dài hay truyện vừa đều được gọi chung là tiểu thuyết nhưng vẫn có sự phân biệt giữa trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết. Khó có thể chấp nhận được khi gọi Truyện thầy Lazarô Phiền là trường thiên tiểu thuyết. Người Pháp có khái niệm Le Roman (tiểu thuyết) để chỉ loại tác phẩm tự sự cỡ lớn; La Nouvelle (truyện ngắn, truyện vừa) để chỉ loại tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, cỡ vừa. Truyện thầy Lazarô Phiền chỉ ở mức độ tác phẩm tự sự cỡ vừa. Gọi nó là La Nouvelle phù hợp hơn là Le Roman.
Gọi là truyện vừa, vai trò tiên phong trong quá trình hiện đại hoá văn xuôi tự sự Quốc ngữ củaTruyện thầy Lazarô Phiền không hề bị khác đi. Là một truyện vừa nhưng Truyện thầy Lazarô Phiền vẫn có thể được xem như là một bước khởi đầu, một sự chuẩn bị cho việc hình thành thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ hiện đại ở Việt Nam. Bởi truyện vừa có quan hệ gần gũi với tiểu thuyết. Nó là người anh em liền kề với tiểu thuyết. Dù trong tư thế một truyện vừa, Truyện thầy Lazarô Phiền vẫn là tác phẩm chứa đựng trong nó bao nhiêu điều mới mẻ, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Các yếu tố mới đó lại ít nhiều thể hiện đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại.Vì thế nó trở thành những nhân tố tạo nên tương tác, kích thích sự nảy mầm cho các hạt giống đầu tiên của tiểu thuyết hiện đại.
Hơn nữa, sự khởi động của Nguyễn Trọng Quản đã ảnh hưởng tích cực đến các nhà tiểu thuyết Nam bộ, tiêu biểu nhất là Hồ Biểu Chánh. Hồ Biểu Chánh từng cho biết tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền đã tạo nên những chuyển biến mới trong sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết của ông.
Giữa lúc văn chương của nhà Nho vẫn còn đang thịnh hành, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương và bao nhiêu nhà Nho khác vẫn giữ quan niệm cũ về việc lựa chọn thể loại sáng tác, Nguyễn Trọng Quản đã đơn thương độc mã học theo phương Tây để đến với một hình thức thể hiện mới. Công lao ấy không thể phủ nhận. Những chệch choạng trong bước đi ban đầu là một tất yếu. Nó khiến tác phẩm chưa đáp ứng trọn vẹn các tiêu chí của thể loại tiểu thuyết hiện đại nhưng những gì tác phẩm đạt được lại là bước chuyển đáng kể, cần thiết để đưa các hình thức truyện hay tiểu thuyết truyền thống chuyển dần sang hình thức tiểu thuyết hiện đại. Một vận động viên nhảy cao trước khi vượt xà ghi thành tích cần có bước đệm để lấy đà.Truyện thầy Lazarô Phiền chính là bước đệm để các sáng tác về sau lập nên bao thành tựu đáng kể trong chặng đường đầu của quá trình hiện đại hoá văn xuôi tự sự Quốc ngữ .
3. KẾT LUẬN
Trong lịch sử văn học Việt Nam, đây không phải là trường hợp duy nhất có nhiều quan niệm khác nhau về thể loại đối với một tác phẩm. Riêng Truyện thầy Lazarô Phiền, vấn đề cần được quan tâm hơn. Vì nó ra đời vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển văn học Quốc ngữ. Việc xác định thể loại cho nó còn gắn liền với việc ghi nhận đóng góp của nó đối với quá trình hiện đại hoá văn xuôi tự sự Quốc ngữ. Mặc dù khi mới ra đời, tác phẩm không tạo được sự đồng vọng, hô ứng để có thể dấy nên một cuộc cách mạng rầm rộ trong lĩnh vực sáng tác văn chương; để có thể chính thức khai mạc quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam; nhưng nó đúng là khúc dạo đầu cho bản hoà tấu được cất lên vào đầu thế kỉ XX. Chúng ta không lấy tác phẩm Truyện thầy Lazarô Phiền làm mốc xác định quá trình hiện đại hoá tiểu thuyết Việt Nam bắt đầu. Nhưng không phải đợi đến khi Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách ra đời thì tiểu thuyết Việt Nam mới chính thức bước vào thời kì hiện đại hoá. Nói như thế là phủ nhận những đóng góp của văn xuôi Quốc ngữ Nam bộ đã được khởi động từ Trương Vĩnh Kí, Nguyễn Trọng Quản và phát triển mạnh mẽ lúc tác phẩm của Trần Thiên Trung, Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh… ra đời. Những đóng góp của các nhà văn Nam bộ ở buổi đầu hình thành văn chương Quốc ngữ là một thực tế xứng đáng được ghi nhận, đề cao. Trong đó, người đi tiên phong là Nguyễn Trọng Quản. Và, chúng ta có thể dành cho tác phẩm của ông một cách gọi phù hợp: truyện vừa.