Vấn đề tội ác và trừng phạt qua 'Macbeth' và 'Tội ác và trừng phạt'

bichngoc

Moderator
Vấn đề tội ác và trừng phạt qua 'Macbeth' và 'Tội ác và trừng phạt'

Sách Sáng thế trong Thánh Kinh có kể về Cain - kẻ phạm tội sát nhân đầu tiên trên thế gian. Cain giết Abel em trai mình, và vì thế Chúa trời nguyền Cain bị đất chối bỏ. Cain lang thang trên mặt đất như một kẻ trốn chạy, và dòng giống của hắn cũng chối từ thờ phụng Thiên Chúa.
Dấu ấn Cain có thể được xem là mô tả sớm nhất về tội sát nhân của loài người. Tội lỗi từ thuở hồng hoang ấy đã chịu một sự trừng phạt ghê gớm, tuy nhiên, không vì thế mà nó không tái diễn. Vòng quay của tội ác và trừng phạt vẫn tiếp tục quay cuồng trong thế giới con người, nó có thể xuất hiện dưới những hình thức khác nhau, nhưng dường như vẫn có những đặc điểm chung nào đó thuộc về bản chất. Tội ác và trừng phạt trở thành một đề tài phổ quát được phản ánh và lý giải trong các tác phẩm văn chương của nhân loại. Bằng cách nhìn xâu chuỗi ấy, chúng ta có thể nhận ra những cuộc gặp gỡ thú vị giữa các nhà văn, giữa các tác phẩm khi cùng hướng đến đề tài này. Ở đây, chúng tôi muốn trình bày về một trong những cuộc gặp gỡ như vậy trong thế giới văn chương. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Shakespeare và Dostoevsky trong việc thể hiện và lý giải tội ác và sự trừng phạt thể hiện qua bi kịch Macbeth và tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt.

Shakespeare là một kịch tác gia của nước Anh thời đại Phục hưng, còn Dostoevsky là một nhà văn hiện thực Nga thế kỷ XIX. Giữa họ có một khoảng cách rất lớn về thời đại, về không gian, về hiện thực sáng tác... Nhưng khi đến với các tác phẩm của hai tác giả lớn này, người đọc có thể nhận thấy những gặp gỡ độc đáo. Ngoài cặp Macbeth và Tội ác và trừng phạt mà chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết này, Shakespeare và Dostoevsky còn nhiều lần gặp gỡ nhau trong khi viết về tội sát nhân qua những cặp đôi tác phẩm khác. Đó là Othello và Gã khờ viết về việc giết một người phụ nữ đẹp, dù nàng vô tội do tình yêu điên cuồng, mù quáng gây ra. Vua Lear và Anh em nhà Karamazov – là âm mưu giết cha giữa một nhóm các anh chị em mồ côi mẹ, được yêu thương hay ghét bỏ, hợp pháp hay không hợp pháp. Hamlet và Lũ người quỷ ám mô tả những người trẻ tuổi giải quyết mối nghi vấn về cái chết khuất tất của cha họ. Bằng các cách thức thể hiện khác nhau những cặp tác phẩm này đều cùng hướng đến hành động sát nhân có liên quan đến vấn đề tôn giáo, chính trị và đặc biệt là vấn đề tâm lý.

Trong đó sự gặp gỡ giữa Macbeth và Tội ác và trừng phạt là sự gặp gỡ hết sức độc đáo khi cả hai tác giả trong khi trình bày và lý giải về vấn đề tội ác và trừng phạt đã tiếp cận và thể hiện rất sâu sắc tâm lý của kẻ sát nhân trong suốt quá trình dài trước và sau khi phạm tội. Cần phải nói thêm là cả bốn vở bi kịch của Shakespeare và bốn tiểu thuyết của Dostoevsky đều là những tác phẩm rất có giá trị trong văn học đất nước họ cũng như trong văn học thế giới.

Macbeth và Tội ác và trừng phạt cùng miêu tả kẻ sát nhân phạm tội vì một ám ảnh khủng khiếp trong tâm hồn, các nhân vật phạm tội sát nhân vì những tham vọng điên cuồng, vì những ức chế, những xung đột tâm lý mạnh mẽ và mỗi nhân vật đều phải gánh chịu những cơn khủng hoảng tâm lý rất đáng sợ, đến mức hầu như điên loạn. Đến cuối tác phẩm những kẻ sát nhân đều bị tuyên án và nhận lấy sự trừng phạt, phù hợp với quan niệm của xã hội về công bằng, đạo lý nhưng thực chất, sự trừng phạt đã diễn ra sớm hơn trong tâm hồn họ, đó là sự tự trừng phạt khốc liệt, không một chút dễ dàng. Cả Shakespeare và Dostoevsky đều chứng tỏ tài năng độc đáo trong việc thể hiện vấn đề này và chính điều đó tạo nên giá trị của tác phẩm của họ về cả phương diện nghệ thuật lẫn tư tưởng. Shakespeare và Dostoevsky không chỉ đơn giản mô tả về kẻ sát nhân, hành động sát nhân và sự trừng phạt đối với hành động đó, mà họ hướng đến sự lý giải, hướng đến sự nhận thức bản chất của vấn đề.

Macbeth trong Macbeth và Raskolnikov trong Tội ác và trừng phạt phạm tội sát nhân vì trong tâm hồn họ là những ám ảnh và những bất ổn. Macbeth ngay khi đang tỏa sáng trong vinh quang, danh vọng đã nghe những lời tiên tri ghê gớm của ba mụ phù thủy về một tương lai với vinh quang và danh vọng còn to lớn hơn. Lời tiên tri rằng Macbeth sẽ sở hữu ngai vàng đã đánh thức trong Macbeth tham vọng quyền lực dữ dội, tham vọng sẽ trở thành một người đứng trên tất cả mọi người. Macbeth đã phạm tội cùng với sự thúc giục và khuyến khích của vợ và cơ hội hiếm có xảy ra khi nhà vua Duncan đến thăm lâu đài của hắn. Còn Raskolnikov lại bị ám ảnh vì giấc mộng trở thành vĩ nhân, một vĩ nhân như Napoléon. Raskolnikov cho rằng trên đời có những người có quyền đứng trên những người khác, có thể quyết định vận mệnh của người khác, đồng thời cũng có những người không đáng sống, những kẻ đó chết đi còn hữu ích hơn cho cuộc đời, chẳng hạn như mụ Alyona Ivanovna chủ hiệu cầm đồ. Trong đầu lúc nào cũng lẫn quẫn cái tư tưởng đáng sợ, các giác quan như tự giác căng lên để nắm bắt tình hình vì thế Raskolnikov dễ dàng gặp được cơ hội hợp lý (cứ như là tình cờ) để thực hiện tội ác của mình.

Cả Macbeth và Raskolnikov trước lúc phạm tội đều có sự đấu tranh rất dữ dội trong suy nghĩ. Có thể cho rằng Macbeth rơi vào trò đùa độc địa của bọn ma quỷ, phù thủy hoặc số mệnh, hay Raskolnikov bị chi phối vì những triết thuyết nặng nề làm rối loạn đầu óc. Macbeth cưỡng lại, có khi còn nghĩ rằng nếu số phận cho mình làm vua thì nó sẽ tự nhiên đến, không cần phải nhúng tay vào tội ác. Raskolnikov cũng nhiều lúc sực tỉnh, tự mắng mình rằng tại sao lại suy nghĩ điên rồ, quái gở như thế. Nhưng họ đều không thoát khỏi ám ảnh của chính mình, bởi vì trong lòng họ là những tham vọng rất lớn, tham vọng của những kẻ tự xem mình là vĩ nhân, là anh hùng, để thực hiện tham vọng đó, họ cho rằng có thể bỏ qua, có thể đạp lên những thứ nhỏ nhặt, phải hy sinh những thứ “không đáng” cho dù đó là mạng sống của những người khác.

Macbeth và Raskolnikov rơi vào xung đột dữ dội giữa giấc mơ về sức mạnh bản thân mình và thế giới loài người. Hai nhân vật đều sống trong giấc mơ về cái gọi là con người phi thường, nhưng thực tế thì họ chưa đạt được. Macbeth có tài năng nhưng chưa phải là vua, chưa phải là người có địa vị và quyền lực cao nhất, còn Raskolnikov rõ ràng hơn nữa khi đang sống trong cảnh ngộ thật sự tồi tệ, thảm hại. Hiện thực không đáp ứng được giấc mơ trong tâm hồn mãnh liệt đã dẫn cả hai đến hành động phạm tội. Đó cũng là sự lặp lại trường hợp Cain - kẻ bất hạnh trong niềm thờ phụng Thiên Chúa khi những gì là công sức, là khó nhọc của mình thành tâm dâng lên lại không được đón nhận.

Một khi đã nhúng tay vào tội ác rồi thì người ta khó lòng rũ bỏ được tội ác, khó lòng thoát khỏi ám ảnh do nó mang lại, mà lại còn bị cuốn sâu thêm vào đó. Macbeth sau khi giết vua Duncan để chiếm ngai vàng đã tiếp tục giết tướng quân Banquo để trừ hậu họa, và rồi càng lúc càng giết thêm nhiều sinh mạng khác nữa để gìn giữ vị trí đạt được bằng tội lỗi của mình. Raskolnikov sau khi giết mụ chủ hiệu cầm đồ để thỏa mãn tham vọng khẳng định vai trò vĩ nhân của mình, đã giết luôn em gái mụ là Lizaveta Ivanovna để không bị phát hiện. Các nhân vật lún sâu vào tội ác đến mức không thể điều khiển được bản thân mình.

Hành động giết người không được chấp nhận và phải bị trừng phạt, theo những quy tắc về đạo lý, công bằng của xã hội. Macbeth đã phạm tội, Raskolnikov đã phạm tội. Cũng giống như Cain kẻ sát nhân đầu tiên, hai kẻ sát nhân này phải bị trừng phạt. Macbeth đã bị giết chết cũng chính vì lời tiên tri của những mụ phù thủy, đó là khi rừng Birnam chuyển động tiến đến thành Dunsinane, và kẻ không do một người phụ nữ sinh ra xuất hiện. Macbeth chết, ngôi vua mà hắn gây đổ máu không thể truyền cho con cháu hắn. Raskolnikov chịu lưu đày bảy năm trong tình yêu thương của Sonya, và ánh sáng dịu hiền của Thánh Kinh.. Nhưng sự trừng phạt đó chỉ là hình thức, điều mà Shakespeare và Dostoevsky cùng hướng đến đó là sự trừng phạt dai dẳng và khốc liệt diễn ra trong chính tâm hồn kẻ phạm tội, sự tự trừng phạt. Người ta không thể nào sống bình yên, thanh thản vì ám ảnh khủng khiếp của tội lỗi. Những kẻ sát nhân đều trở nên bất an, mê loạn, phải lo lắng, phải bồn chồn, phải sợ hãi, sầu não, ưu phiền.

Trong Thánh Kinh, Cain đã phải trốn chạy lang thang khắp mặt đất, mang dấu ấn của tội lỗi, mất niềm tin, bị xa lánh. Trong Macbeth, Macbeth cứ phải luôn cố sức giữ lấy ngôi vua của mình, gặp phải những cơn ác mộng, gặp hồn ma hiện hình, hình ảnh con dao găm nhuốm máu lơ lửng trong tâm hồn, còn những lời tiên tri của bọn phù thủy thì đay nghiến dày vò hắn. Còn vợ của Macbeth thì bị ám ảnh đến mức bị mộng du, rửa mãi trong mơ bàn tay nhuốm máu không thể nào gột rửa được. Trong Tội ác và trừng phạt, Raskolnikov rơi vào tâm trạng hoảng loạn khi chưa tiếp nhận được hành động quái dị của mình, không hiểu tại sao lại đã làm như thế, rồi lại lo lắng rằng tội lỗi của mình sẽ bị phát hiện, người ta đến bắt mình đấy. Tâm thần suy kiệt đến mức bệnh hoạn của Raskolnikov luôn phải căng thẳng tìm cách đối phó với sự điều tra, với bất cứ ai tiếp cận với mình. Những xung đột trong tâm hồn các nhân vật thật sự là khủng khiếp, đến mức khó mà chịu đựng nổi. Nó đẩy con người vào trạng thái suy kiệt, mất hết sức lực, và rơi vào tình trạng bị hủy hoại.

Shakespeare và Dostoevsky đều chứng tỏ một năng lực độc đáo khi có thể quan sát và tái hiện lại những biến động về tinh thần ở các nhân vật của mình. Macbeth lo lắng, hoài nghi đến mức trở nên bất thường trong cư xử, như một người mất trí, và phải tìm đến những mụ phù thủy để kiểm chứng lại những lời tiên tri, và thêm một lần nữa lún sâu vào những lời tiên tri lập lờ không rõ ràng, khi được củng cố thêm nữa ám thị rằng mình là kẻ không thể nào xâm phạm.

Raskolnikov thì luôn cố gắng xóa tất cả những giấu vết có thể có, anh đi như mộng du, không định hướng, và tâm thức đưa Raskolnikov trở lại hiện trường vụ án để kiểm chứng lại, Raskolnikov bước vào căn hộ, kéo chuông, nhìn căn phòng và bài trí của nó, cư xử thất thường, kỳ lạ đến không hiểu nổi.

Macbeth và Tội ác và trừng phạt đều là những tác phẩm thể hiện vấn đề tâm lý rất rõ rệt và thành công. Cả hai nhân vật chính Macbeth và Raskolnikov đều là những nhân vật tâm lý, trong tâm hồn luôn có sự đấu tranh về quan niệm của sự tồn tại, sự tồn tại của bản thân họ là gì? Cả hai đều bị ám ảnh bởi triết lý tin rằng sự tồn tại của con người là để thỏa mãn nhu cầu / tham vọng của mình, mà không cần phải quan tâm đến những quy định xã hội, và nếu anh ta có hoài bão và nghị lực để thực hiện thì hãy hành động. Macbeth và Tội ác và trừng phạt gặp nhau ở chỗ cùng trình bày bề mặt giống nhau của triết lý về tồn tại khi miêu tả ý nghĩ và hành động của hai nhân vật chính. Họ đã hành động vì sự thúc đẩy của sức mạnh bản thân không thể điều khiển được, họ rơi vào sự tồn tại mà trong đó đạo đức con người không thể giải thích được. Họ rơi vào bi kịch, họ bị trừng phạt. Hơn thế nữa những bất ổn về tinh thần của họ không chỉ ở việc thừa nhận tội lỗi mà còn ở việc họ nhận thức như thế nào về tội lỗi này. Cả Macbeth và Raskolnikov đều nhận thấy tội lỗi của mình, cả hai đều có những giây phút hối hận, nhưng thực chất trong họ luôn vẫn cho là mình đúng, vẫn cố tìm những lý lẽ để biện hộ cho hành động của mình.

Cả Macbeth và Tội ác và trừng phạt đều đề cập đến yếu tố tôn giáo. Các tác giả của chúng đều nói về niềm tin tôn giáo. Nhưng trong quá trình phạm tội và tự trừng phạt, tôn giáo hầu như chẳng có tác động gì đối với các nhân vật. Các nhân vật trong Macbeth tự cho mình là những người thờ Thiên Chúa, nhưng Macbeth khi muốn cầu nguyện thì lại không thể thốt lên tiếng Amen, và rồi bị ám ảnh bởi lời tiên tri của phù thủy. Raskolnikov được Sonya đọc Thánh Kinh cho nghe, được nàng đeo vào cổ cây Thánh giá, và khi đi đày, anh còn mang theo cuốn Kinh của Sonya. Nhưng Raskolnikov không hề đọc. Nếu đọc có lẽ anh sẽ nhìn thấy mình trong bi kịch Cain. Nhân vật Marmeladov khi sắp chết thì từ chối rửa tội. Tất cả những chi tiết đó gợi ý đến sự bất lực của niềm tin tôn giáo. Tôn giáo không cứu rỗi được tinh thần con người, nếu tự bản thân con người không giải quyết được những xung đột bên trong của mình. Cả hai tác phẩm đều kết thúc với sự lặp lại của hòa bình, sự trở lại của chính nghĩa, của cái thiện, nhưng Macbeth trở thành kẻ không thể cứu rỗi được, còn Raskolnikov là kẻ từ chối sự cứu rỗi. Chính điều này góp phần tạo nên giá trị hiện thực của hai tác phẩm, rằng thực chất tội ác vẫn tồn tại ngay chính trong tâm hồn con người, dù mọi nỗ lực hướng đến sự phục thiện, sự cứu rỗi. Trong Macbeth và Tội ác và trừng phạt là hàng loạt xung đột căng thẳng, các sự kiện ghê gớm, những cuộc đời bất hạnh, thê thảm... nhưng tất cả những điều đó không phải là bi kịch, không là yếu tố tạo nên bi kịch, mà bi kịch thực sự nằm ở hai nhân vật chính, Macbeth và Raskolnikov. Đó là bi kịch trong tâm hồn.

Macbeth và Tội ác và trừng phạt là hai tác phẩm khác nhau về thể loại. Macbeth là một vở bi kịch, nên việc tiếp nhận nó không phải chỉ qua những câu từ im lặng mà cần phải qua trình diễn sân khấu. Những hành động thảm sát trong vở kịch hầu hết được thực hiện sau cánh gà và chỉ được kể lại qua lời thoại của nhân vật. Shakespeare đã rất chú ý xây dựng độc thoại trong lời thoại của nhân vật. Những lời độc thoại ấy giúp khán giả nhận ra những xung đột bên trong nhân vật, cũng là một cách để nhân vật phát tiết bớt những suy tư nặng nề của mình. Việc chính kẻ sát nhân thốt lên lời tự thú (dù là vô thức hay ý thức) đều có khả năng tạo hiệu ứng rất lớn đối với người tiếp nhận. Dostoevsky cũng rất chú trọng đến việc xây dựng độc thoại nội tâm ở nhân vật của mình. Nhờ dung lượng lớn của tiểu thuyết, tác giả có thể dành rất nhiều trang cho riêng nhân vật. Thủ pháp độc thoại nội tâm đã được sử dụng triệt để trong Tội ác và trừng phạt, từ đó các góc khuất của tâm hồn nhân vật được bộc lộ. Người đọc có thể qua đó tiếp cận thế giới nội tâm căng thẳng, dữ dội, mãnh liệt của Raskolnikov.

Giữa Macbeth và Tội ác và trừng phạt đã có nhiều điểm gặp gỡ độc đáo. Cả Shakespeare và Dostoevsky dù ở hai thời đại khác nhau, với nền tảng tri thức (về tâm lý học, về khoa học hình sự, về triết học,...) khác nhau lại đã gặp gỡ nhau một cách lý thú trong việc thể hiện cùng một vấn đề. Tội ác là một vấn đề tâm lý, một chứng bệnh thần kinh ở con người. Ám ảnh tội lỗi đã gây ra cho con người tình trạng bất ổn, thác loạn, mất tự chủ, đẩy cuộc sống của họ vào bi kịch. Bằng giấc mơ của công lý, công bằng, tội ác phải bị trừng phạt, nhưng cả hai tác gia này đều cùng đưa ra quan điểm cho rằng, sự trừng phạt thật sự và ghê gớm nhất chính là sự tự trừng phạt, diễn ra gay gắt trong chính tâm hồn kẻ sát nhân. Cả hai tác giả mong muốn sự phục thiện, sự cứu rỗi, sự lặp lại của trật tự, nhưng chính họ đều nhận thấy rằng sự tồn tại tất yếu của tội ác, mà đạo đức bình thường không thể giải thích được, và con người bất lực trước vấn đề đó. Cho nên tội ác và sự trừng phạt vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại, vô tận. Khi đất chối bỏ Cain thì đất vẫn tiếp tục nuôi dưỡng, sản sinh những tên sát nhân khác. Đó là một vấn đề chung của cuộc sống nhân loại, chính vấn đề đó được thể hiện trong văn chương và trở thành một đề tài lớn.

Nguyễn Ngọc Bảo Trâm​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top