Vấn đề khoa học trong nền tư tưởng hiện đại

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
VẤN ĐỀ KHOA HỌC TRONG NỀN TƯ TƯỞNG HIỆN ĐẠI

NGUYỄN MẠNH TƯỜNG


GS.TS Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) người trí thức lỗi lạc, khi mới 22 tuổi đã lập kỉ lục giành 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia chuyên ngành Văn chương và Luật khoa tại Đại học Montpellier (Pháp) trong cùng một năm 1932. Đây là kỉ lục “cổ lai hãn hữu” mà cho đến nay (2011) gần 80 năm vẫn chưa có người thứ hai, kể cả người Pháp và người ngoại quốc phá được.

Người trí thức lỗi lạc ấy còn là một nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, do nhiều lí do khách quan, những tác phẩm của ông tản mát và không có điều kiện đến với bạn đọc.

Trong hành trình tìm lại di sản văn hóa của ông, chúng tôi đã thấy được một số bài viết trên báo chí đương thời. Chúng tôi xin giới thiệu cùng các nhà nghiên cứu, các bạn.


Trong học giới nước ta, mấy năm nay, phong trào khoa học rất thịnh hành. Nhiều người nếu không dùng hai chữ “khoa học” vài lần trong một ngày, đêm không ngủ yên. Tác giả nào không đội lốt khoa học tự thấy yếu bóng vía và rất sợ độc giả chỉ trích. Trong lắm phạm vi không thể dùng phương pháp khoa học được, họ cũng cố ép khoa học vào. Họ tưởng nếu không có thần khoa học ủng hộ thì không thể nào xong được công việc. “Mốt” khoa học bành trướng một cách rất oanh liệt. Thậm chí có người nghĩ rằng thể thao cũng có thể theo khoa học được. Ta vẫn thường thấy lắm kẻ tâng bốc nhà võ sĩ này biết cách khoa học dùng hai quả đấm, nhà lực sĩ kia có cách khoa học đá quả bóng hay múa cái vợt. Nghe đâu như trong nghề chơi cũng có khoa học.

Sự đó không lấy gì làm lạ. Nếu ta đắm đuối về khoa học, chẳng qua là tại ta mới biết khoa học chưa được bao lâu. Khoa học như người vợ mới cưới, ta thích ngắm, ta thích chiều. Chính ngay nước Pháp đã qua một thời kỳ như vậy.

Cuối thế kỷ thứ mười chín, Ernest Renan viết một cuốn sách chứa chan hy vọng về tương lai khoa học. Taine đinh ninh rằng khoa học sẽ làm cho ta hiểu hết tâm lý, cắt tính nghĩa hết tính của loài người. Tiên sinh coi trái tim như cái máy đồng hồ, có thể tháo tung giây tóc, bánh xe để xem xét, lau chùi, chữa chạy. Theo ý tiên sinh, biệt tài của một thi sĩ chẳng khác gì một bài tính đố dùng phương pháp khoa học có thể giải quyết được. Trong thời kỳ đó, nhiều người tưởng rằng khoa học sẽ xé tan những màn huyền bí của tạo hóa, cho phép ta hiểu thế nào là sự sống, sự chết, nâng ta lên ngang hàng Hóa công, thế ta vào thay Hóa công! Muốn hợp thời, các thi sĩ nhất định không tìm nguồn thơ trong tâm hồn như phái lãng mạn nữa. Họ theo gương sử gia, cố làm xuất hiện thi vị của những văn hóa bị tiêu diệt. Leconte de l’Isle lúc nào cũng tiếc nhớ văn hóa Hy Lạp và Ấn Độ. Héredia chạm gọt những bài thơ tuyệt diệu để ca tụng dĩ vãng tốt đẹp, lộng lẫy của các văn minh Âu, Á. Hai thầy trò đồng ý giữ thái độ khách quan, theo phương pháp khoa học, không bao giờ chịu thổ lộ tâm trạng của mình cùng độc giả.

Nhưng một ngày kia, học giả nhận thấy khoa học không giải quyết được những vấn đề cốt yếu cho nhân loại. Các bác sĩ vẫn chưa biết sau khi chết, linh hồn ta còn toàn vẹn không và có thể hoạt động được đến đâu. Cùng lúc đó, các nhà triết học nghiệm thấy thuyết của Taine tiên sinh không thể cắt nghĩa được những hành vi của tư tưởng và những đặc tính của tinh thần. Thật là may! Nếu phương pháp khoa học có thể vạch tỏ ra cái khuất khúc của tâm lý, thì trong người ta hết bí mật. Nếu các nhà bác sĩ khám phá được thực tại, của cái chết, thì đời ta hết nghĩa lý. Nếu nhờ khoa học mà ta hiểu được thiện ác và tới được địa vị của Hóa công thì quang cảnh trời [giời] xanh buồn lẻ và bóng tối của đêm hôm vô vị. Nếu trong người ta, ta biết rõ những cơ quan của thân thể, những tính tình của tâm trạng, thì ta không muốn ở với ta nữa, ta chán ta vô cùng. Nếu ta biết ngày mai, ngày kia, sẽ xẩy [sẩy] ra sự gì, ta không chắc ta có can đảm sống đến mai không. Nói tóm tắt lại, trong người ta cần phải có bí mật, trong đời ta phải có tình cờ, trong thế giới cần phải có trời [giời] đất quỷ thần thì ta mới [mấy] muốn sống. Ảo tưởng là sự cần dụng thiết yếu của ta. Ta chỉ có thể sinh hoạt được ở trong bầu không khí đầy những sương mù. Tâm địa ta phải lo sợ, ước ao, hy vọng, thì ta mới [mấy] đủ sức mà sống, thì đời ta mới thú vị. Tuy rằng ở cõi tiên mà Từ Thức vẫn khao khát trở về trần tục, chỉ vì trên bồng lai tiên cảnh không biết lo sợ, ước ao, hy vọng. Một pho tượng đẹp đến đâu thì đẹp, ta không thể yêu như một mỹ nữ, vì mỹ nữ có tâm hồn, biết khóc, biết cười, lúc làm ta say đắm, lúc làm ta bực mình, lắm khi khôn ngoan, lắm khi ngu đần, thỉnh thoảng hành vi hợp lý, nhiều khi cư xử [mờ chữ] hay vô lý. Huyền bí của thiễu nữ, thú vị của ái tình ở trong đó mà ra. Tại sao Tú Uyên yêu một hình ảnh. Pygmalion yêu một pho tượng đều nhận rằng sự yêu đương không đầy đủ hoàn toàn, lại cầu trời khấn phật cho phép người trong mộng hiển hiện ra thành người thật, tuy họ biết người thật rất nhiều thói xấu và làm cho họ điêu đứng? Là vì một hình ảnh, một pho tượng thiếu linh hồn. Lúc các nhà triết học dùng ánh sáng khoa học để giải minh những sự ám mờ, bí mật của tinh thần, trí não, tâm địa ta, lúc các nhà thi sĩ theo gương các bác sĩ muốn giữ thái độ khách quan để tả mỹ cảnh của vũ trụ hay tìm thi vị của đời quá khứ thì chẳng khác gì như họ ép ta phải yêu hình ảnh hay pho tượng chỉ có vật chất, mà không có linh hồn của một mỹ nữ. Thế giới họ đẩy ta vào thật là sáng sủa, mặt trời lúc nào cũng chói lọi, nhưng tiếc thay, cây thì không có bóng, ngày không có đêm, đường đi bao giờ cũng thẳng không quanh co. Tất cả người ta, chỉ còn trí khôn để hiểu, nhưng mất tri giác không biết cảm nữa. Ta sống ở trong một lâu đài đầy kim cương, nhưng kim cương đó không xúc động lòng người ta như mấy giọt lệ lóng lánh trong đôi mắt hữu tình. Không khí ta thở thấy nóng, khô khan vô cùng, ta rất thèm thuồng chén nước lã, mong mỏi ngọn gió nam, ước ao cây um tùm. Ta đợi chờ bông hoa tươi ở giữa đám cỏ xanh. Ta cần dùng một thi vị mát mẻ, êm đềm, âm thầm, mờ ám, huyền bí, thi vị của cảm giác chứ không phải thi vị của trí khôn.

Cái bi kịch đó mà các nhà trí thức nước Pháp trải qua về cuối thế kỷ thứ mười chín, văn sĩ P. Bourget đã kể trong cuốn tiểu thuyết nhan đề: “Người môn đệ”. Cậu Robert Greslou là môn đệ cụ triết học Sixte. Hai thầy trò đều chịu ảnh hưởng của Taine tiên sinh một cách sâu sa. Cậu Greslou chỉ biết dùng lý tính để phân tích và giải quyết những vấn đề quan trọng của tinh thần. Cậu là một người “thất tâm” không hiểu tính tình đồng loại, coi tâm địa như một vật để thí nghiệm. Cậu dùng trái tim của một thiếu nữ để tra xét sự sinh nở, hoạt động, bành trướng của ái tình. Cậu giữ thái độ khách quan, theo phương pháp khoa học để quyến rũ cô, dắt cô vào trong tay cậu. Trong tất cả cuộc thương yêu này, quả tim của cậu chưa hề đập mạnh chỉ có tinh thần cậu hồi hộp thấy kết quả mỹ mãn của sự thí nghiệm của cậu. Cô kia yêu cậu đến nỗi hy sinh cho cậu không những tâm hồn mà cả thân thể cô. Cô tưởng cậu thực tình, sau cuộc ái ân sẽ cùng cô uống chén thuốc độc để chết theo cô. Cô có ngờ đâu sau khi cậu đạt tới khoái lạc cuối cùng của ái tình, cậu chỉ sướng rằng sự thí nghiệm của cậu được hoàn toàn. Cậu bị giải ra tòa đại hình để xử việc cậu đã đầu độc cô. Nhưng đối với luật lệ, cậu vô tội, được trắng án. Chẳng may cho cậu, lúc cậu ở tòa ra, người anh cô thiếu nữ bắn cậu chết để trả thù cho em… Trong mấy trang cuối cùng quyển tiểu thuyết, cụ triết học A. Sixte quỳ gối trước linh sàng cậu Greslou, giọt lệ chứa chan, cầu kinh cho môn đệ được siêu sinh tĩnh độ. Cử chỉ của cụ trái hẳn thuyết từ xưa đến nay cụ vẫn dạy. Cụ nhận thấy rằng trên có Thượng đế, dưới có nhân loại, cụ hiểu rằng tinh thần bao giờ cũng đánh đôi với trí giác, ái tình là một sự hệ trọng trong đời người, trái tim của người đàn bà không phải là một vật thí nghiệm và ở bên trên thế giới vật chất mà khoa học có thể cắt nghĩa được, có tâm giới thoát khỏi vòng khoa học pháp tác, chỉ theo luân lý quy tắc và lương tâm mệnh lệnh.

Chính nhà triết học Bergson đã tìm được cách giải quyết vấn đề khoa học trong nền tư tưởng hiện đại. Tiên sinh đối chiếu vật chất với tinh thần. Ta tiếp xúc với thế giới vật chất bằng ngũ quan. Trí khôn ta gây nên phương pháp khoa học để hiểu và cắt nghĩa thế giới vật chất. Nếu dùng phương pháp đó trong thế giới tinh thần thật là vô lý, chẳng khác gì dùng cái cốc để đóng đanh, hay dùng đanh để đẽo gỗ. Trí khôn ta, từ thuở nhân loại mới xuất hiện trên mặt đất lúc nào cũng giao thiệp với thế giới vật chất lợi dụng vật chất để tìm kế sinh nhai thành ra tiêm nhiễm những tính thói của vật chất, nặng vật chất, cũng như chậu hoa ta để dưới đất, lúc nắng, lúc mưa, bị bụi, bùn, bám chặt. Vì vậy không thể nhập vào thế giới tinh thần được. Dù có vào đó nữa thì cũng như người nhà quê ra tỉnh, bỡ ngỡ, sinh lắm chuyện buồn cười. Muốn cho trí khôn ta hiểu được thế giới tinh thần thì cần phải rửa sạch bùn lầy của vật chất, cũng như muốn cô con gái thôn quê thành người thiếu nữ ngoài tỉnh, thì phải cạo răng trắng, ăn mặc tân thời, cắt tóc, uốn tóc! Lúc trí khôn ta đã hoàn toàn sạch sẽ, thu lại tính chất trong sạch thuở xưa, sẽ có thể nhập vào trong thế giới tinh thần, không sợ thất lạc nữa. Nói tóm lại, theo thuyết của Bergson tiên sinh, trí khôn ta khó lòng hiểu được thế giới tinh thần, chỉ có thể hiểu được thế giới vật chất thôi, nhưng dùng phương pháp khoa học có thể đi tới được biên giới tận cùng của vật chất.

Từ khi tư tưởng của Bergson thuyết minh trong làng trí thức ai cũng tưởng rằng vừa được ra khỏi ngục tối. Mọi người ngắm cảnh thiên nhiên tạo hoá đều nhận có nhiều huyền bí đầy thi vị và trông trời xanh thẳm cũng rùng mình mà than như Pascal: “Trạng thái luôn luôn yên lặng của không gian làm ta ghê sợ”. Nếu khoa học không đủ thế lực phá tan bí mật của vũ trụ, nếu nhân loại chưa hiểu chết là gì, nếu trên trời còn Hoá công, nếu trong người ta còn linh hồn, còn cảm giác, nếu trên đường đời, tương lai còn mù mịt, nếu quang cảnh êm đềm của ngôi sao lóng lánh trong đêm thanh vắng còn làm ta mê man trong giấc mộng thì ta chưa đến nỗi thất vọng.

Trí khôn tung hoành trong một thế giới nhật quang chói lọi. Thế giới đó có một thi vị riêng, thi vị của một cánh đồng quê lúc trưa mặt trời giữa đỉnh đầu, thi vị của một eo bể nước trong vắt, nhìn thấy tận đáy của hòn đá xanh lơ, con cá lặn, thi vị của một hạt kim cương tuôn ra tia sáng. Thi vị đó là nhục dục của thi sĩ thuộc về phái Parnasse như Leconte de l’Isle, Héredia…

Chung quanh biên thuỳ thế giới đó, có một thế giới mênh mông, u ám, toàn rừng sâu bể thẳm. Thi vị của thế giới này là thi vị u minh của cái miền tịch mịch dưới bóng cây um tùm, của cái suối róc rách trong khe đá, của con đom đóm lập loè trong chỗ tối. Thi vị này là nguyện vọng của Baudlaire đã khám phá những ẩn tình éo le, kỳ dị của tâm trạng, những phát biểu lạ lùng, sâu xa của cảm giác. Thi vị này là sở cầu của Rimbaud đã phát lộ những huyền bí của một thế giới mà nhân loại dùng ngũ quan không trực tiếp được vì bí ẩn trong hình thức của muôn vật. André Gide sẽ theo gương của Baudlaire đạt tới những đặc tính lạ thường của nhân loại từ xưa đến nay vẫn lọt qua lưới của ý thức. Paul Claudel cũng như Rimbaud dùng tri giác đi tới thực tại của ngoại giới và phát minh ẩn ý của Thượng đế trong vũ trụ. Paul Claudel dùng ngụ ngôn để tả cảnh giao thiệp giữa trí khôn và cảm giác. Trí khôn và cảm giác gây nên đạo vợ chồng. Trí khôn là chồng, tự phụ hiểu thấu mọi việc, cai quản gia đình, có bề khinh bỉ cảm giác là người đàn bà ngu si chỉ biết tề gia nội trợ. Một buổi, trí khôn đi vắng, bất thình lình trở về, nghe thấy cảm giác lên tiếng hát mấy điệu hay vô cùng. Tuy rằng trí khôn không thể hiểu tiếng hát gì nhưng cũng phải nhận mấy điệu đó tuyệt diệu. Nhưng lúc hắn mở cửa vào nhà, cảm giác thôi không hát nữa, thành ra mỗi lần trí khôn muốn nghe điệu hát đó phải giả vờ đi vắng rồi trốn một xó nhà để nghe cảm giác lên tiếng ca ngâm.

Như vậy vấn đề khoa học trong nền tư tưởng đã giải quyết được rồi. Khoa học là sự nghiệp của trí khôn. Trí khôn chỉ có thể hiểu và cắt nghĩa được ngoại giới dưới quyền ngũ quan mà thôi. Còn như nội giới của nhân loại, hay là ẩn giới của tạo hoá, phải để dành cho tri giác. Đây là vương quốc của các nhà thi sĩ và triết học.

Cách giải quyết vấn đề này kể không lấy gì làm mới mẻ cho lắm. Bốn trăm năm về trước, Montaigne đã chỉ trích những đại vọng của khoa học. Tiên sinh dạy rằng trí khôn phải dùng đến ngũ quan để trực tiếp với ngoại giới. Nhưng ngũ quan thường làm ta bị nhầm lẫn. Trí khôn lại còn bị sức tưởng tượng ám ảnh nữa. Nếu ta phải đi trên tấm ván bắc ngang qua hai tháp thật cao, dù tấm ván rộng và chắc chắc đến đâu mặc dầu, ta vẫn run lẩy bẩy. Tuy trí khôn ta biết rằng ta đi trên tấm ván đó, không thể nguy hiểm được cho tính mệnh ta, nhưng ta bị ảnh hưởng của sức tưởng tượng, ta vẫn run như thường. Vậy nếu trí khôn ta theo ngũ quan nhiều khi bị sai lầm, mà lại còn chịu ảnh hưởng của sức tưởng tượng thì khoa học là sự nghiệp của trí khôn còn gì là chắc chắn nữa? Khoa học thật là vô giá trị. Montaigne nghĩ như vậy là quá đáng. Thuyết của Bergson đáng tin hơn. Không nên tâng bốc khoa học quá, nhưng cũng không nên mạt sát. Nên đặt khoa học trúng vào địa vị của khoa học và nên dùng phương pháp khoa học một cách hợp lý. Mấy ý kiến tôi giãi bầy trên nầy cốt để xin các bạn trí thức hiểu kỹ địa vị và phạm vi của khoa học và tránh khỏi lòng mê tín đối với khoa học./.

(TN 98, 13 Janvier 1945)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top