Văn chương thời nay - sách hay và sách bán chạy - Bùi Việt Thắng

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
View attachment 15380

Một cuốn sách hay đồng thời là sách bán chạy cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao nào? Theo chúng tôi, nó cần hài hòa trong mình các phẩm tính sau: vừa nâng cao vừa phổ cập, vừa bác học vừa bình dân, vừa chính danh vừa thị trường. Nhưng làm sao một tác phẩm lại hội tụ được trong mình nhiều phẩm tính cùng lúc như thế?...


Sách văn chương trong cơ chế thị trường

Báo động về văn hoá đọc: một điều tra xã hội học gần đây cho biết ở Việt Nam hệ số đọc trung bình là 0,8 cuốn sách/1 người/1 năm (ở các thư viện công cộng tỉ lệ là 0,38 cuốn/1 người/1 năm; còn khu vực nông thôn, vùng sâu và vùng xa là 0 cuốn/1 người/1 năm). Chỉ cần nhìn sang các nước trong khối ASEAN chúng ta không khỏi giật mình và hổ thẹn, khi ở Malaysia chẳng hạn, chỉ số là 10 đến 20 cuốn sách/1 người/1 năm (theo VnExpress, ngày 17-4-2013). Cũng trên VnExpress có chuyên mục “Sách hay, truyện hay, tác phẩm hay, văn học đa thể loại”, nhưng bất kì ai tra cứu theo đó thì cả năm cũng không tìm ra một cuốn sách hay mang thương hiệu made in Vietnam thực sự theo đúng nghĩa của từ này. Không khó giải thích hiện trạng trên và cũng không thể không buồn lòng và lo lắng vì lẽ văn hoá nghe nhìn đang ở thế thượng phong, ngày càng lấn át sân chơi của văn hoá đọc. Ngành công nghiệp giải trí đang ngày càng lớn mạnh và có nhiều sân chơi mang tầm vĩ mô, vì thế nó ngày càng hỗ trợ sự tăng trưởng không gì ngăn cản được của văn hoá nghe nhìn. Lí do thứ hai khiến sách văn chương mất dần sân chơi là sự bành trướng của báo chí (đến thời điểm này cả nước có hơn 700 tờ báo, tạp chí và nhiều tờ trong số đó dù không chính ngạch, chính danh vẫn cứ “dính văn chương” ít nhiều để hút khách; và nếu nay mai báo chí tư nhân - là nói giả dụ thế - được phép hoạt động thì sân chơi này có cơ nuốt chửng sách văn chương). Lí do thứ ba là quỹ thời gian của con người hiện đại rất eo hẹp, họ phải “sống nhanh” trong khi đọc văn phải nghiền ngẫm theo lối “sống chậm”. Lí do thứ tư, chỗ này phải nói công bằng, là thiếu vắng những tác phẩm văn chương hay đến mức người ta phải tìm đọc, phải xúc động và suy nghĩ khác trước, thậm chí cảm thấy không yên ổn. Nói cách khác, sách văn chương ngày nay chưa thực sự trở thành người bạn đường, thành món ăn tinh thần của mỗi người, thậm chí chỗ này chỗ khác người ta nói “không có văn chương cũng chưa chết ai”. Lí do thứ năm, nếu chúng ta có thông tin, thì nhìn rộng ra thế giới, đang có tiếng kêu cứu “văn chương lâm nguy” như một sự báo động khẩn thiết ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia vốn được coi là trung tâm văn minh như nước Pháp.

Tại các trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo văn chương cũng sẽ thấy một quang cảnh không mấy lạc quan của sự học đuổi, đọc đuổi giáo trình, nghe đuổi bài giảng của thầy để kịp thi, kịp lấy điểm, kịp tốt nghiệp. Tất cả trôi qua một cách đáng sợ khi người học vẫn cứ học chay, tác phẩm văn chương trở nên xa vời, thậm chí đôi khi trở nên nhợt nhạt vì cách tóm tắt, giới thiệu vắn tắt của giảng viên (chẳng hạn, với tiểu thuyết Số đỏ lừng danh của nhà văn Vũ Trọng Phụng thì cũng chỉ có chưa đến năm mươi phần trăm sinh viên ngành văn đọc toàn văn tác phẩm - đây là một trắc nghiệm của chúng tôi trong quá trình nhiều năm giảng dạy đại học).

Một nhà văn phàn nàn rằng tiểu thuyết của ông in 1.000 cuốn nhưng bán đến ba năm vẫn chưa hết. Gặp một nhà thơ bỏ tiền túi ra in thơ mới thấy cám cảnh hơn, khi chỉ dám in 500 bản nhưng không bán được, chỉ để tặng bạn bè và nếu ai đó đọc cho đã lấy làm sung sướng. Phải chăng độc giả đang quay lưng với sách văn chương? Lỗi ở người đọc hay nhà văn? Câu trả lời thực ra không khó. Văn chương cũng như sắc đẹp, không ai có thể thờ ơ, chối từ. Nhà văn hãy cứ sáng tạo ra những tác phẩm đẹp, thiết nghĩ, không ai có thể quay lưng! Không nên đổ lỗi cho cơ chế thị trường nếu không có sách hay. Chúng ta ai cũng phải thừa nhận người Mỹ, Pháp, Ý làm phim thị trường nhưng rất nhiều phim hay. Kinh đô điện ảnh thế giới Holywood mỗi năm sản xuất hàng trăm phim hay (trong đó có nhiều phim “bom tấn”), cả thế giới thích xem phim Mỹ. Có lẽ các nhà làm phim chúng ta phải vắt tay lên trán mà suy nghĩ nghiêm túc về thực tế này.

Sách hay

Trước hết xin dẫn chứng về cách bình chọn sách hay hiện nay. Chẳng hạn mục “Văn hoá” trên Vietnamnet (ngày 17-12-2012) công bố “Mười hai cuốn sách hay nhất ở Việt Nam 2012” thì giật mình thấy cả 12 cuốn - trên một đất nước có truyền thống văn chương lâu đời - đều là sách dịch. Không hề có tên tuổi nhà văn, tác phẩm Việt Nam. Hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, không biết có ai đưa tay “sờ lên gáy” mình không?

Rõ ràng là có rất nhiều quan niệm khác nhau về một cuốn sách hay, vì như người ta nói “nhà văn viết ra một cuốn sách, mỗi người đọc có một tác phẩm của riêng mình”. Ngay như kiệt tác Truyện Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du, cho đến nay đã khoảng hai trăm năm kể từ khi ra đời, nhưng lời khen chê đâu đã giống nhau. Nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892 - 1945) đã không tiếc lời xưng tụng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” (Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam. Năm tập. Tập 1, Nxb Văn học, 1998, tr. 277). Ngược lại, chí sĩ Ngô Đức Kế (1878 - 1929) trong bài Luận về chính học cùng tà thuyết quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du đã viết “Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu” (Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam. Sách đã dẫn, tr. 369). Gần đây, hẳn chúng ta còn nhớ, trong một cuộc thảo luận về phim hay, có một đạo diễn nói thẳng băng “Phim nhiều người xem là phim hay”!? Thực tế thì phim Hàn Quốc đang tràn ngập trên màn ảnh nhỏ ở Việt Nam, nhưng bói đâu ra phim hay! Thật ra, nếu ví von, thì nhà văn giống như cô con dâu trong nhà chồng - cùng lúc làm sao chiều lòng được mẹ chồng, bố chồng, em trai chồng và nhất là các “bà cô”. Và nếu trong gia đình ấy là “tứ đại đồng đường” thì rõ là hụt hơi cô dâu. Đúng là làm dâu trăm họ. Nhưng chả nhẽ lại không có một chân lí tối thiểu? Chúng tôi thiển nghĩ một tác phẩm văn chương hay, chí ít cũng hội tụ được một số phẩm tính căn bản sau: trước hết nó có sức lay động con tim và khối óc cùng lúc hàng triệu người qua nhiều thế hệ, chẳng hạn như Truyện Kiều đã “Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu - Kính gửi cụ Nguyễn Du). Tác phẩm văn chương hay phải trở thành cổ điển (theo nghĩa mẫu mực, không thể bắt chước), và vì thế nhiều thế hệ với những lí do rất khác nhau phải đọc nó để mưu cầu việc tìm ra những câu trả lời cho lẽ sống của con người trên cõi đời này. Nhưng văn chương là nghệ thuật ngôn từ, vì thế những tác phẩm hay nhất thiết phải là những áng văn bất hủ xét về phương diện chữ nghĩa. Tiếng Việt giàu đẹp lên bội phần là nhờ có Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến… Ngay như cuộc cách mạng trong thơ ca nửa đầu thế kỉ XX mà phong trào Thơ mới 1932 -1945 thực hiện sứ mạng, cũng chính là công lao nâng tầm tiếng Việt lên một trình độ mới trong thời đại mới với sự đóng góp của các thi nhân như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…

Phải chăng sách hay thì bản thân nó đã “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần PR? Không hẳn như thế. Trong thời hiện đại, theo chúng tôi, sách hay vẫn cứ phải đi tìm độc giả chứ không ngồi chờ độc giả đi tìm sách. Nghĩa là sách hay vẫn cứ phải nhờ trợ lực của một hệ thống phát hành, quảng bá tốt mới có nhiều cơ hội đến với đông đảo công chúng. Ngày hội đọc sách lần thứ 3 (20-4-2013) tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch chủ trì với chủ đề “Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời” đã là cơ hội quảng bá sách hay và phục hưng văn hoá đọc.

Quan sát thực tiễn văn học đương đại Việt Nam (từ sau năm 1975), chúng ta sẽ vui mừng nhận thấy nhờ ngọn gió lành của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đã đem đến cho nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, sự khởi sắc, sự hồi sinh các giá trị văn chương đích thực. Còn nhớ, năm 1986 khi tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu xuất hiện, có người ví von như “một tiếng sét” giữa thinh không yên lành. Tác phẩm khiến chúng ta biết nhìn thẳng vào sự thật, biết sám hối về những gì chúng ta đã hành xử trái với quy luật tình cảm con người. Nhân vật Giang Minh Sài lừng lững đi ra khỏi tác phẩm, bước thẳng vào cuộc sống, và thật thú vị khi nó trở thành một danh từ chung để chỉ cái thói ươn hèn của con người, vì thói đó mà có lúc nó đánh mất mình, trở nên bất hạnh, rơi vào bi kịch. Nói một cách khách quan và công bằng, về kĩ thuật tiểu thuyết, nhà văn Lê Lựu không có gì cách tân, vẫn viết theo lối truyền thống. Nhưng tác phẩm chiếm lĩnh được tâm hồn và trí tuệ người đọc đương thời vì nó chân thành đến tận cùng, vì nó nhiệt huyết đến đau đớn khi tìm một câu trả lời cho lẽ sống thời đại, nó bênh vực quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân của con người. Đến nay tiểu thuyết này đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam, đã “đổ bộ” lên đất Mỹ và nhiều nước khác ở châu Âu. Cái hay của cuốn sách là giúp độc giả tri nhận sâu sắc hơn về một “thời xa vắng” nhưng chưa xa với chúng ta trong quá độ phấn đấu cho một xã hội dân chủ - công bằng - văn minh và tiến bộ.

Sách bán chạy

Tiếp tục được dẫn chứng từ mục “Văn hoá” trên Dân trí (ngày 19-1-2013) trong tiêu đề “Chín cuốn sách bán chạy trong năm 2012” lại giật mình và ngậm ngùi vì thấy chiếm phần lớn là các tập của bộ sách rất hot, giá rất đắt, đó là 3 tập 50 sắc thái và 6 cuốn khác đều là tác phẩm dịch. Một lần nữa chúng ta “thua trên sân nhà”, lại cần phải đặt tay lên trán suy nghĩ về sách văn chương của ta hiện nay.

Best-seller (sách bán chạy) hàm nghĩa là sản phẩm của “văn hoá đại chúng”, hướng tới “nhu cầu thị trường”, làm thỏa mãn quảng đại công chúng nghệ thuật (là “của mọi nhà, của mọi người”). Sách bán chạy có đặc điểm gì? Theo chúng tôi vì hướng tới đại chúng và theo cơ chế thị trường nên rõ ràng nó coi “khách hàng là Thượng đế”. Trước hết nó đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng. Ba chức năng (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ) như là một công thức nhất thành bất biến, mà một thời gian dài chúng ta áp đặt cho nghệ thuật ngôn từ, đã tỏ ra không còn phù hợp trong nhận thức mới mang tính thời đại. Nếu sách văn chương không còn hấp dẫn, công chúng sẵn sàng từ bỏ và dùng tiền để mua các sản phẩm khác của nghệ thuật âm nhạc, xiếc, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh… Tất nhiên có giải trí lành mạnh và giải trí không lành mạnh. Hiện đang có một dòng sách bán chạy thiên về khai thác đời sống tình dục (ăn khách nhất là chuyện đồng tính, ngoại tình, lạc giới…), hoặc trở lại khoét sâu những chấn thương tinh thần xã hội qua các biến cố lịch sử bi kịch (cải cách ruộng đất, di họa của chiến tranh…). Nói tóm lại là viết về những chuyện lâu nay bị cấm kị, dễ “phạm húy”, hoặc được gọi chung là “nhạy cảm”. Sách bán chạy có lúc được tung hô là sách hay như tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện cách đây chưa lâu. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, có sự ngộ nhận các giá trị của văn giới (cả nhà văn, cả người phê bình, cả độc giả, và cả nhà xuất bản). Đọc tác phẩm này tự nhiên chúng tôi nhớ tới câu ca dao “Em tưởng nước giếng sâu/ Em nối sợi gầu dài/ Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây”. Đúng là “bé cái nhầm”! Trường hợp tiểu thuyết Sợi xích của Lê Kiều Như thì rõ ràng là tác giả hoặc vì mối lợi kinh tế, hoặc vì háo danh mà quên đi quyền được tự kiểm soát của người viết khi chế tác một “món ăn tinh thần” đáng lí rất cần đề cao trách nhiệm trước cộng đồng. Nhân thể có một liên hệ tới một cuốn sách khá đặc biệt, tuy không thuộc phạm trù văn chương, nhưng là một ví dụ để chúng ta hiểu rõ hơn về quyền uy của sách bán chạy - trường hợp Sát thủ đầu mưng mủ (Nhà xuất bản Mỹ thuật, in lần đầu năm 2011, số lượng 5.000 bản, chưa kể in nối, in lậu; gần đây nhất được tái bản dưới một tên khác). Đã hình thành một lối nói của lớp trẻ do ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của cuốn sách này (ví dụ như “Ăn chơi sợ gì mưa rơi”!?).

Sách bán chạy thường được bảo hộ bằng một chiến dịch PR có bài bản và quy mô, thường được đầu tư tài chính và thời gian một cách thích đáng (PR là cái mà có nhà văn gọi là “môi giới truyền thông tàn khốc” theo cách đối thoại văn chương của Vương Sóc - Lão Hiệp trong sách Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002). Trong quá trình PR người ta rất chú ý đến “bao bì nhãn mác” và quảng cáo (thực tế cho thấy nhà sản xuất cần bỏ ra từ 40 đến 50 phần trăm tổng kinh phí trên một sản phẩm cho hai công đoạn này) và vì thế “Một khi chấp nhận truyền thông đại chúng môi giới, thì đừng có hòng bảo toàn tấm thân vàng ngọc” (Sách đã dẫn, tr. 117).

Sách hay - sách bán chạy, hai trong một, tại sao không?

Thông thường thì sách hay chưa hẳn là sách bán chạy, và ngược lại, sách bán chạy chưa hẳn là sách hay. Chẳng hạn bây giờ in lại các kiệt tác Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoy, Những người khốn khổ của V. Hugo rất có thể cũng không bán được ngoài thị trường sách. Lí do: sách dày quá, giá đắt quá, đọc mất nhiều thời gian quá… Nghĩa là rất nhiều cái “quá” mà công chúng hiện thời khó chấp thuận. Nhưng lịch sử văn chương thế giới đã từng chứng kiến những hiện tượng “sách hay - sách bán chạy” như Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của G. Marquez xuất bản năm 2004 (bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2005, số lượng in 2.000 bản bán hết ngay trong vòng 6 tháng). Ở quê hương nhà văn, tin cuốn sách sắp xuất bản lập tức thu hút hàng triệu người hâm mộ Marquez. Họ đã mong chờ sự kiện này từ rất lâu, và đây là tác phẩm đặc biệt thuộc thể loại truyện ngắn dạng hồi ức mới nhất của Marquez. Đúng như dự đoán, cuốn sách đã được phát hành với số lượng lớn chỉ sau tuần lễ đầu tiên, và hiện đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Trong văn chương hiện đại Việt Nam, Tô Hoài là nhà văn đạt kỉ lục có sách hay - bán chạy từ Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện đồng thoại, xuất bản lần đầu 1941, đến nay tái bản hàng chục lần) đến các tác phẩm ký như Cát bụi chân ai, Chiều chiều và tiểu thuyết Ba người khác. Trần Đăng Khoa, “thần đồng thơ”, tác giả các tác phẩm thơ nổi tiếng như Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng trời (xuất bản lần đầu 1968, đến năm 1998 đã tái bản 32 lần) còn là người sở hữu những cuốn sách hay - bán chạy như Chân dung và đối thoại, đặc biệt là tập truyện ký Đảo chìm (tính đến năm 2009 đã in lần thứ 25 ở các nhà xuất bản khác nhau, với số lượng hàng chục nghìn bản). Tiểu thuyết Hồ Quý Ly (dài ngót 1.000 trang) của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (xuất bản lần đầu năm 2000), in đến lần thứ mười (năm 2012 tại Nhà xuất bản Phụ nữ), mỗi lần 1.000 bản vẫn bán hết. Thật là những “con số biết nói” trong làng văn khêu gợi sự phấn đấu của nhà văn. Chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về đời sống và số phận những cuốn sách hay - sách bán chạy. Nếu có chắc hẳn rất thú vị và chúng ta cứ tưởng tượng, chờ đón một cuốn sách như thế.

Một cuốn sách hay đồng thời là sách bán chạy cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao nào? Theo chúng tôi, nó cần hài hòa trong mình các phẩm tính sau: vừa nâng cao vừa phổ cập, vừa bác học vừa bình dân, vừa chính danh vừa thị trường. Nhưng làm sao một tác phẩm lại hội tụ được trong mình nhiều phẩm tính cùng lúc như thế? Xin thưa, đó là những cuốn sách của những tài năng văn chương đích thực (sở dĩ phải nói tài năng đích thực là bởi thực tiễn chứng minh có những “tài năng” được đắp điếm nên thành “thi bá” viết “thi thần”, gần đây như Hoàng Quang Thuận, một ví dụ làm đau lòng kẻ sĩ chân chính). Nhưng như cổ nhân nói “Thiên tài như lá mùa thu”. Một dân tộc, một quốc gia, trong một thế kỉ nếu có một thiên tài văn chương, đã là tuyệt vời. Nếu không có thiên tài thì “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, chúng ta chấp nhận những đốm sáng tài năng trong tinh thần “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”.

Để kết thúc bài viết nhỏ của mình, chúng tôi muốn cùng “sống chậm” với độc giả để tiếp nhận một cuốn sách hay - sách bán chạy gần đây nhất đang làm nóng thị trường sách, đó là tự truyện Cuộc sống không giới hạn (dịch giả Nguyễn Bích Lan - một nhà văn Việt Nam có số phận đặc biệt, tác giả cuốn tự truyện Không gục ngã ra mắt độc giả gần đây) của tác giả là “người không tay chân” - Nick Vujicic (người Australia, cũng là một nhà văn có số phận đặc biệt). Theo kế hoạch, từ 22 đến 26 tháng 5 năm 2013, Nick Vujicic sẽ có mặt ở Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động xã hội đặc biệt. Nhân dịp này Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh phát hành tự truyện thứ hai của Nick Vujicic có tên Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng qua sự chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Bích Lan. Tôi tin là các độc giả thông minh không thể bỏ qua những cuốn sách hay như thế.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top