Văn bản: Những câu hát về tình yêu đất nước, con người

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
I. Gợi ý trả lời:

1. Nhận xét về bài 1 theo các ý kiến…?


Bài ca 1 có hai phần, phần đầu là của người con trai, phần hai là lời đáp của cô gái. Có nhóm từ cô gái gọi “chàng ơi” để nhận ra đó là lời đáp của cô gái.

Người đố và người trả lời đều chú ý đến những nét đặc sắc về cảnh trí của núi sông ở một vùng đất nước quê hương.
Đây là hình thức đối đáp có rất nhiều trong ca dao - dân ca.

Anh đố em:

Cái gì mà sắc hơn dao?
Cái gì phơn phớt lòng đào thì em bảo anh?
Cái gì trong trắng ngoài xanh?
Cái gì soi tỏ mặt anh mặt nàng?...
Em thưa rằng:
Con mắt anh sắc hơn dao
Trứng gà phơn phớt lòng đào hỡi anh
Tre non trong trắng ngoài xanh
Gương Tẩu soi tỏ mặt anh mặt nàng.
(Hát trống quân)

- Đến đây hỏi khách tương phùng
Chim chi một cánh dọa cùng nước non?

- Tương phùng nhắn với tương tri,
Là buồm một cánh bay đi khắp trời.

- Cây chi mà bắc qua sông,
Cây chi mà mọc đằng đông bốn mùa?

- Gỗ lim thì bắc qua sông
Mặt trời thì mọc đằng đông bốn mùa.
(Hát phường vải)

Ngoài ra bằng hình thức hỏi đáp còn đi sâu vào sự giao duyên nam nữ:

- Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

- Đan sàng thiếp cũng xin vâng
Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng?

2. Trong bài 1 chàng trai, cô gái hỏi – đáp về những địa danh với những đặc điểm để làm gì?

Trong bài này chàng trai, cô gái hỏi – đáp về những địa danh với những đặc điểm riêng từng nơi là hình thức đôi bên thử sức, thử tài nhau về kiến thức địa lí, lịch sử của đất nước.

- Qua lời hỏi – đáp thể hiện họ là những người có kiến thức, lịch thiệp của người dân Bắc Hà.

- Những địa danh mà câu đố đặt ra ở vùng Bắc Bộ. Những địa danh đó vừa mang đặc điểm địa lí tự nhiên vừa có dấu vết lịch sử, văn hóa tiêu biểu.

- Hỏi đáp để cùng nhau chia sẻ niềm tự hào và tình yêu với quê hương đất nước. Ở đây họ bày tỏ chung một tình cảm.

3. Phân tích bài 2, nhận xét về cách tả cảnh…?


* Hai chữ “rủ nhau” gợi lên sự đồng tâm nhất trí, ý hợp tâm đầu ngay từ lúc ban sơ, mở đầu cho cả quá trình lao động hay du ngoạn, tìm hiểu cảnh đẹp của đất nước.

* Cách tả cảnh ở bài này gợi nhiều hơn tả, đi vào chiêm ngưỡng cảnh vật với một thái độ trân trọng tôn nghiêm. Tả được nét đẹp của cảnh vật và cũng lấy được ra những nét có ý nghĩa lịch sử. Vì vậy địa danh và cảnh trí gợi lên một cố đô Thăng Long, có vẻ đẹp đa dạng (có cầu, có chùa, có đài, có tháp). Cảnh trí còn được thể hiện một truyền thống lịch sử đánh giặc giữ nước (hồ Gươm) và một thiên nhiên được bàn tay tài hoa tạo nên một vẻ đẹp văn hóa thơ mộng (tháp Bút, đài Nghiêng).

* Ý tình gợi lên ở cuối bài ca: “Hỏi ai gây dựng nên non nước này”. Đó là câu hỏi tu từ, là lời thỏ thẻ nhằm gây xúc động trong lòng người đọc bằng những câu ca dao mang âm điệu đầy tính dân tộc.
Trong ca dao, nhiều bài thường mở đầu bằng nhóm từ “Rủ nhau” như:

- Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau.

4. Cảnh trí của xứ Huế và cách tả cảnh trong bài 3

* Hai bài ca giống nhau ở chỗ tuy tả cảnh nhiều nhưng gợi vẫn hơn tả. Đó là phác họa đường vào xứ Huế có cảnh sắc thì xanh, nước thì biếc, gợi tả một vẻ đẹp tươi mát, nên thơ.

* “Đường vô” cụm từ gợi sự chú ý cảnh đẹp vào xứ Huế.

Đó là con đường “quanh quanh” như một vẻ đẹp sống động đặc tả sự quần tụ của núi sông được tạo hóa bao quanh. Tác giả dân gian đã ví von cảnh trí ấy đẹp như “tranh họa đồ”.

* “Ai vô xứ Nghệ thì vô” là lời nhắn gửi, nhưng cũng ẩn chứa một niềm tự hào đối với cảnh đẹp xứ Huế. Câu ca có ý nghĩa: ở đây mở cửa đón khách ngày đêm để chia sẻ vẻ đẹp của thiên nhiên núi sông là sức tu tạo của loài người.

5. Hai dòng thơ ở đầu bào 4 có một cấu trúc đặc biệt về từ ngữ

- Phần đầu của hai câu đầu cấu trúc như sau:
“Đứng bên ni đồng, ngó bên đồng” (câu 1)
“Đứng bên đồng, ngó bên ni đồng” (câu 2)

Từ ngó ở đây mang ý nghĩa nhìn, ngắm.

Các điệp từ, đảo ngữ ở đây như muốn thể hiện, đứng ở phía nào nhìn, ngắm cũng thấy cánh đồng rộng lớn, mênh mông.

- Phần cuối của hai câu đầu thì cấu trúc là:

mênh mông bát ngát” (câu 1)
“bát ngát mênh mông” (câu 2)

Tác giả đảo lại nhóm từ “mênh mông bát ngát” “bát ngát mênh mông” để thể hiện cái cảm xúc dạt dào trước không gian bao la. Từ “ngó” ở đây thể hiện một sự xúc cảm tinh tế của con người.

- Cả hai câu đầu đều không có chủ ngữ khiến người đọc, người nghe đồng cảm với người đi thăm đồng (là cô gái hay ai đó), nhờ vậy mà cái cảm giác mênh mông bát ngát truyền sang ta một cách tự nhiên như cảm thấy chính mình đã trực tiếp nhận, rút ra lời ca đó.

6. Phân tích hình ảnh cô gái được miêu tả qua 2 dòng cuối.


* Thiên nhiên và con người đều ở trong một khung trời.

Hình ảnh cô gái dưới ánh ban mai được miêu tả qua câu 3 – 4.

Thân em như chẽn lúa dòng dòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”

Chẽn lúa dòng dòng” là lúa mới trổ bông, hạt còn ngậm sữa, gợi nết đẹp thanh tân, hồn nhiên của cô thôn nữ.

7. Bài 4 là lời của ai? Biểu hiện tình cảm gì? Cách hiểu khác?


* Đây là lời cô gái đi thăm đồng: cô gái tự giới thiệu chỗ đứng của mình là “đứng bên ni” rồi lại “đứng bên tê” ngắm nhìn cánh đồng lúa từ nhiều phía, cảm nhận thấy cái mênh mông bát ngát của cánh đồng quê hương.

* Từ đây lại có hai ý nghĩa về thân phận của cô gái đứng trên cánh đồng lúa.

+ Cô đang vui ở tuổi xuân thì như “chẽn lúa dòng dòng”, sức sống trẻ trung như “ánh ban mai”. Cuộc đời đầy thơ mộng như khung cảnh bao la của cánh đồng quê hương.

+ Cô đang nghĩ về thân phận mong manh như chẽn lúa dòng dòng “phất phơ”, dưới nắng hồng rồi không biết sẽ ra sao trước không gian quá rộng lớn.

* Cũng có thể hiểu đây là lời của một chàng trai, thấy cô gái đi thăm đồng, nhận ra các vẻ đẹp trẻ trung, đầy sức sống, tương quan với “chẽn lúa dòng dòng” dưới nắng ban mai. Đây là lời ca ngợi vẻ đẹp của cô gái qua hình ảnh cây lúa, và có thể hiểu đó là lời giao duyên tỏ tình cảm.

8. Nghệ thuật

Đối với chùm ca dao nói về tình yêu quê hương đất nước này, tác giả đã dùng hình thức hát đối đáp, nhắc tới các địa danh cụ thể (xứ Thanh, Hà Nội, Sông Lục Đầu, Sông Thượng, núi thánh Tản, đền Sòng, tỉnh Lạng, cảnh Hồ Kiếm, cầu Thê Húc,…) dùng từ địa phương (vô, bên, ni, tê,…) các câu hỏi tu từ, các hình ảnh so sánh, làm cho các câu ca trở nên sống động, đầy ấn tượng.

II. Luyện tập

1. Nhận xét các thể thơ trong bốn bài ca dao

- Bài 1 là thể thơ lục bát biến thể

- Bài 2 là thể thơ lục bát.

- Bài 3 là thể thơ tự do kết thúc bằng câu lục chứ không phải là câu bát.

- Bài 4 thì hai câu đầu là thể thơ tự do, hai câu cuối chuyển lại lục bát bình thường để diễn ta vẻ đẹp sâu kín trữ tình.

2. Tình cảm chung thể hiện trong bốn bài ca là tình yêu quê hương, đất nước, con người như tiêu đề bài văn.
Đây là những bức tranh đầy chất thơ và nét nhạc diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên qua tình yêu của con người. Ở đây ta thấy tình yêu quê hương, thường gắn liền với tình cảm khác và tình cảm khác vẫn có thể gợi nghĩ đến tình yêu quê hương như ở bài 1 và bài 4.

Ghi nhớ

Trong những bài ca dao trên có bài là lời đối đáp thể hiện niềm tự hào về cảnh trí non sông, lịch sử dựng nước của cha ông và niềm kiêu hãnh về con người về dân tộc.

Ca dao là cây đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng. Tình yêu thiên nhiên, xứ sở, yêu đất nước quê hương là những tư tưởng tình cảm đẹp nhất, thiết tha nhất đã nói lên thật hay trong ca dao – dân ca.

Nghệ thuật thể hiện trong các bài ca dao này là biện pháp so sánh, ẩn dụ, phiếm chỉ qua sự miêu tả bằng lời nói xen kẽ với những nét vẽ gợi hình, gợi cảm và đầy ấn tượng đối với người đọc người nghe.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top