Vai vế hay quyền lợi của hai bên tương tác trong văn hoá ứng xử của Pháp và Việt Nam (qua ngữ liệu tục ngữ và ca dao)
Theo quan niệm thông thường, phép lịch sự bao giờ cũng có tính ưu đãi đối với tha nhân: dành cho kẻ khác một tầm quan trọng và thái độ trân trọng hơn là đối với chính bản thân. Nhưng cũng tuỳ từng nền văn hoá, mà giữa hai bên tương tác có sự cân bằng tương đối về vai vế hay không. C. Kerbrat-Orecchioni phân biệt: (1) Những xã hội ở đó quyền lợi giữa hai bên giao tiếp tương đối ngang nhau; (2) Những xã hội xem đối tượng tương tác (A: allocutaire) có được nhiều quyền ưu tiên hơn bản thân người tương tác (L : locuteur).
Bình đẳng hay ưu tiên
C. Kerbrat-Orecchioni khẳng định: xã hội Pháp thuộc loại thứ nhất, và dẫn chứng những câu tục ngữ sau: "Lòng nhân từ được sắp xếp tốt bắt đầu từ bản thân mình"; "Không bao giờ người ta được phục vụ tốt cho bằng khi tự mình phục vụ mình"; "Hãy yêu đồng loại như yêu chính mình". Chúng ta cũng có thể kể thêm những câu tục ngữ sau của Pháp để chứng minh cho tính bình đẳng (tương đối) trong giao tiếp giữa hai bên tương tác: "Hãy làm cho kẻ khác điều mà bạn muốn người ta làm cho mình”; "Hãy đưa cho tôi cây đại hoàng, tôi sẽ đưa cho anh cây muồng" (Có qua có lại mới toại lòng nhau) ; "Quà đi thì có quà lại" ; "Đánh giá cao người nào đó có nghĩa là xem anh ta ngang bằng mình".
Trong ứng xử, người Pháp có ý kiến độc lập của mình, và xem chuyện có thể làm mếch lòng người khác như một qui luật khó tránh khỏi, đồng thời cũng thận trọng khi cần từ chối: "Không thể làm vui lòng mọi người và bố đẻ của mình" ; "Không thể chiều lòng mọi người"; "Do trước đã từ chối, mà sau phải hoài công tìm lại cơ hội đã mất". Thái độ thận trọng này của người Pháp phù hợp với xu hướng ứng xử của họ, trong tương quan với "Quy tắc hợp tác trong giao lời" (Principe de coopération) của H-P. Grice, đặc biệt thể hiện qua việc không tuân thủ một cách máy móc châm ngôn về chất trong giao tiếp, như tinh thần câu tục ngữ: "Không phải sự thật nào cũng nên nói ra". Mặt khác, việc lựa chọn thái độ ứng xử của người Pháp có tính "vì bản thân" nhưng cũng có tính "vì người" (làm vui lòng người khác, hay tạo nên một "cái chung" trên cơ sở lấy người kia làm chuẩn): "Hãy ăn theo khẩu vị của anh và mặc theo sở thích của những người khác".
Điểm tương đồng trong ứng xử của người Việt Nam so với ứng xử của người Pháp là con người không tự đặt mình cao hơn đối tượng tương tác hay đồng loại: con người vượt lên trên sự vị kỷ cá nhân và hướng đến tha nhân: "Thương người như thể thương thân". Nhưng khác với người Pháp, thể hiện rõ nét trong ứng xử của người Việt Nam còn là thái độ đặc biệt đề cao người đối thoại và khiêm tốn tự hạ mình (Xưng khiêm hô tôn). Đó là nguyên tắc ứng xử xưa nay vẫn rất được tôn trọng, tạo ưu thế cho người nghe so với người nói. Đặc trưng này tương ứng hoàn toàn với những hình ảnh được C. Kerbrat-Orecchioni dùng để miêu tả các xã hội thuộc loại thứ hai theo cách phân loại ở trên: "[...] những xã hội mà ở đó, so với L, A được hưởng những quyền ưu tiên quá mức, A được L đặt trên một bệ cao, và về phía mình L tự hạ thấp xuống và làm vật hy sinh dâng lên bàn thờ của phép lịch sự - và khi đó lịch sự được đồng nhất hoá với sự tôn kính, và ở mức cao nhất có thể có tính cách “dâng hiến”.
Qua tục ngữ ca dao, cũng có thể nhận ra một số biểu hiện khác về quyền ưu tiên này trong ứng xử của người Việt Nam. Ngoài những biệt đãi dành cho những đối tượng đặc biệt như: "Nhất có râu, nhì bầu bụng", nhìn chung, đạo lý của người Việt Nam đòi hỏi sự khiêm tốn tự hạ mình trong ứng xử và nói năng. Điều này có thể có những biểu hiện qua lời (verbal), cụ thể là những từ xưng hô, những từ tôn vinh, cấp độ lời nói, các nghi thức lời nói: "(Hỏi) Đi đâu cho đổ mồ hôi - Chiếu trải không ngồi trầu bổ không ăn - (Đáp)Thưa rằng bác mẹ tôi răn - Làm thân con gái chớ ăn trầu người" ; "Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi - Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề". Hay qua cách nói tôn vinh người khách đến thăm nhà mình: "Rồng đến nhà tôm". Trong bài ca dao sau, ngoài ngụ ý thử thách lòng chàng trai, thì lời lẽ của cô gái còn thể hiện một thái độ khiêm tốn trong miêu tả tình huống, cường điệu cảnh thiếu thốn khó khăn, và giảm nhẹ giá trị của bữa cơm đãi bạn:
Nhà em ở cạnh cầu ao
Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân
Chàng ngồi chàng nghỉ ngoài sân
Cơm thì nhỡ bữa, canh cần nấu suông
Rau cải chưa rắc, rau muống chưa leo
Cơm em mới có lưng niêu
Lửa em tắt mất từ chiều hôm qua
Đãi chàng một bữa cơm trưa
Liệu chàng có đợi có chờ được không
Bởi theo thông tục, người Việt Nam thường có thái độ hiếu khách thể hiện qua những câu: "Nhịn miệng đãi khách"; "Khách đến nhà lợn gà vào bếp"; "Khách đến nhà không gà thì vịt".
Những yếu tố kèm theo lời (paraverbal), như ngữ điệu, âm điệu, giọng nói to hay nhỏ, nhanh hay chậm, cao hay thấp... cũng cần tuân thủ nguyên tắc tự hạ mình và tôn vinh đối tượng giao tiếp. Tục ngữ cũng phản ánh sự khen chê về mặt này: "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe" ; "San sát như hai gái lấy một chồng". Ngoài ra, thái độ đề cao, tôn vinh đối tượng tương tác cũng được thể hiện qua những ứng xử không lời: "Muốn ăn gắp bỏ cho người"; "Đi với Phật (bụt) mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".
Bên cạnh việc đề cao sự tự khiêm, tục ngữ Việt Nam cũng chê cười, lên án tính khoe khoang hợm hĩnh: "Nhún nhường quí trọng biết bao - Khoe khoang kiêu ngạo có nào ai ưa" ; "Ông thầy khoe ông thầy tốt, bà cốt cậy bà cốt hay" ; "Bà khoe con bà tốt, đến tháng mười một bà biết con bà". Cuối cùng, tuy hết sức tránh làm mếch lòng người khác, nhưng khi cần thiết người Việt Nam vẫn chấp nhận mất lòng trước mắt để được lòng về sau, và một cách lâu dài: "Mất lòng trước, được lòng sau".
Một số tình huống đặc biệt
Trong ứng xử, người Pháp thường có thái độ thẳng thắn và sòng phẳng khi cần từ chối: "Người nào đòi hỏi một cách lịch sự phải được từ chối một cách lịch sự" (và kẻ nào đòi hỏi sỗ sàng thì đáng bị từ chối thẳng thừng). Ngược lại, khi muốn từ chối hay trường hợp không nhất trí với đối tượng giao tiếp, người Việt Nam có xu hướng tránh nói trực tiếp ý nghĩ của mình, vì không muốn tạo xung đột, làm mất thể diện và phật lòng người khác: "Nói ngay hay trái tai"; "Nói thật trật lỗ tai" ; "Người khôn ăn nói nửa chừng - Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo". Cũng vì thế mà thái độ lững lờ có thể gây hoang mang cho đối tượng giao tiếp : "Có yêu thì nói rằng yêu - Chẳng yêu thì nói một điều cho xong - Làm chi dở đục dở trong - Lờ đờ nước hến, cho lòng tương tư". Chỉ những người bề trên, ở vị thế cao hơn đối tượng giao tiếp, mới có quyền nói "không": "Muốn nói không làm chồng mà nói".
Một tình huống đặc biệt khác là mối quan hệ giữa người làm ơn và kẻ hàm ơn, giữa người cho vay và kẻ mang nợ. Đối với người Việt Nam, ơn nghĩa và nợ nần là những gánh nặng góp phần hạ thấp giá trị của người nhận: "Sợ người ở phải, hãi người cho ăn" ; "Vay nên nợ, đợ nên ơn" ; "Nhất tội, nhì nợ" ; "Bớt bát mát mặc, còn hơn nợ nần" ; "Nhịn đói qua ngày, ăn vay phải nợ" ; "Tốt vay dày nợ" ; "Yêu nhau xé lụa may quần - Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra". Người ra ơn hoặc cho vay được xem như có vai vế cao hơn và có quyền lực đối với người nhận ơn hay con nợ: "Giàu ruộng đợ, nợ ruộng thuê"; "Thiếu thuế bắt vợ, thiếu nợ bắt con"; "Vợ có khách nợ đến nhà, chồng có quan toà gửi trát"; "Thứ nhất quan sai thứ hai khách nợ". Nợ tinh thần hay nợ tiền của buộc người mang nợ phải có ứng xử đúng với vai vế thấp kém của mình, đồng thời có nghĩa vụ trả món nợ ấy: "Tội tạ, vạ lạy"; "Nhất tội nhất xá, vạn tội vạn xá"; "Một lạy sống bằng đống lạy chết"; "Nợ van, quan khất"; "Có ơn phải sợ, có nợ phải trả"; "Làm kiếp trâu kéo cày trả nợ"; "Cơm nợ trả dần, cháo nóng húp quanh".
Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, nợ nần và ơn nghĩa không tạo ra cảm giác tội lỗi như C. Kerbrat-Orecchioni đã nhận định trong ứng xử của người Nhật, mà một cách lạc quan góp phần nâng cao đạo lý của mối quan hệ giữa người và người: "Vay nên ơn, trả nên nghĩa"; "Nợ nần cũng chẳng là bao - Ra công tháo vát lúc nào cũng xong"; "Vay một thì ta trả mười - Hòng khi thiếu thốn có người cho vay". Trong mối quan hệ ơn nghĩa và nợ nần này, những ứng xử không đẹp có thể bị phê phán, chê trách: "Vay thì ha hả, trả thì lầm bầm"; "Đòi nợ tháng ba, đốt nhà tháng tám".
Tục ngữ Pháp cũng phê phán những ứng xử tương tự: "Khi vay thì anh em, lúc trả thì con (của) mẹ đĩ"; "Khi mượn thì thiên thần, lúc trả thì quỷ sứ"; "Cho mượn tiền gây mất trí nhớ". Đối với người Pháp, việc nhận quà, nhận sự giúp đỡ của người khác, hay lệ thuộc trong sinh hoạt, cuộc sống, cũng có tác dụng khiến cho vị thế của bản thân bị hạ thấp so với người kia, tạo thành gánh nặng, mối lo, nỗi khổ tâm; và ngược lại, người ban phát được xem như có vị thế cao hơn, và có tâm lý thoả mãn: "Bánh mì của người thì đắng"; "Kẻ nào nhận (quà) sẽ chịu ơn"; "Con người luôn bước chệch choạc trên nền nhà không thuộc về mình"; "Thay món ăn tốt hơn thay đĩa" (Tự chủ động tốt hơn là lệ thuộc vào người khác); "Cho là một thú vui lâu dài hơn nhận, bởi trong hai người kẻ cho là người nhớ lâu nhất" ; "Cho nên chủ, nhận nên kẻ quy hàng"; "Kẻ mang nợ là kẻ sai trái" (theo định kiến và cả luật pháp); "Buồn (cũng) không trả được nợ".
Qua phân tích, chúng ta có thể rút ra những nhận xét sau:
- Xu hướng ứng xử của người Việt Nam là dành cho người đối thoại một vị trí cao hơn, một tầm quan trọng đặc biệt hơn bản thân mình, trong khi xu hướng ứng xử của người Pháp lại có tính "bình đẳng" hơn giữa hai bên tương tác và tham thoại. Tuy nhiên sự phân loại này chỉ có tính tương đối và nói lên chuẩn mực giao tiếp chung của mỗi cộng đồng, và trong mỗi cộng đồng không chỉ có duy nhất một kiểu ứng xử. Trong trường hợp cần từ chối hay không đồng nhất ý kiến, thì người Việt Nam thường có ứng xử quanh co, vòng vo hơn người Pháp.
- Đặc điểm ứng xử trên đây cũng thể hiện đặc trưng của văn hoá ứng xử Pháp và Việt Nam về các khía cạnh sau: người Pháp có xu hướng thiên về quan hệ bình đẳng (éthos égalitaire), xung đột (conflit), còn người Việt Nam lại thiên về quan hệ thứ bậc (éthos hiérarchique), liên ứng (consensus); người Pháp coi trọng thể diện nghịch (face négative), trong khi người Việt Nam chú trọng đến thể diện thuận (face positive).
- Riêng trong một số tình huống đặc biệt như trong quan hệ ơn nghĩa và nợ nần, đối với cả người Pháp lẫn người Việt Nam, người nhận ơn, mang nợ đều có một vị trí "thấp kém" hơn so với người ra ơn, cho vay. Vị thế cao thấp này chi phối đáng kể thái độ ứng xử của hai bên tương tác.
P.T.A.N
(201/11-05)
-------------------
Tư liệu tham khảo và ngữ liệu:
Grice H-P., “Logique et conversation” in La conversation, COMMUNICATIONS số 30, tr. 57-72, 1979 (1975).
Kerbrat-Orecchioni C., Les Interactions verbales, Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994.
Maloux M., Dictionnaire des proverbes, sentences et maximes, NXB Larousse, 628 trang, 1960.
Montreynaud F., Dictionnaire de proverbes et dictons, Les Usuels du Robert, 638 trang, 1986
Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, in lần thứ 10, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 831 trang, 1994 (1956).
Theo Tạp Chí Sông Hương
Bình đẳng hay ưu tiên
C. Kerbrat-Orecchioni khẳng định: xã hội Pháp thuộc loại thứ nhất, và dẫn chứng những câu tục ngữ sau: "Lòng nhân từ được sắp xếp tốt bắt đầu từ bản thân mình"; "Không bao giờ người ta được phục vụ tốt cho bằng khi tự mình phục vụ mình"; "Hãy yêu đồng loại như yêu chính mình". Chúng ta cũng có thể kể thêm những câu tục ngữ sau của Pháp để chứng minh cho tính bình đẳng (tương đối) trong giao tiếp giữa hai bên tương tác: "Hãy làm cho kẻ khác điều mà bạn muốn người ta làm cho mình”; "Hãy đưa cho tôi cây đại hoàng, tôi sẽ đưa cho anh cây muồng" (Có qua có lại mới toại lòng nhau) ; "Quà đi thì có quà lại" ; "Đánh giá cao người nào đó có nghĩa là xem anh ta ngang bằng mình".
Trong ứng xử, người Pháp có ý kiến độc lập của mình, và xem chuyện có thể làm mếch lòng người khác như một qui luật khó tránh khỏi, đồng thời cũng thận trọng khi cần từ chối: "Không thể làm vui lòng mọi người và bố đẻ của mình" ; "Không thể chiều lòng mọi người"; "Do trước đã từ chối, mà sau phải hoài công tìm lại cơ hội đã mất". Thái độ thận trọng này của người Pháp phù hợp với xu hướng ứng xử của họ, trong tương quan với "Quy tắc hợp tác trong giao lời" (Principe de coopération) của H-P. Grice, đặc biệt thể hiện qua việc không tuân thủ một cách máy móc châm ngôn về chất trong giao tiếp, như tinh thần câu tục ngữ: "Không phải sự thật nào cũng nên nói ra". Mặt khác, việc lựa chọn thái độ ứng xử của người Pháp có tính "vì bản thân" nhưng cũng có tính "vì người" (làm vui lòng người khác, hay tạo nên một "cái chung" trên cơ sở lấy người kia làm chuẩn): "Hãy ăn theo khẩu vị của anh và mặc theo sở thích của những người khác".
Điểm tương đồng trong ứng xử của người Việt Nam so với ứng xử của người Pháp là con người không tự đặt mình cao hơn đối tượng tương tác hay đồng loại: con người vượt lên trên sự vị kỷ cá nhân và hướng đến tha nhân: "Thương người như thể thương thân". Nhưng khác với người Pháp, thể hiện rõ nét trong ứng xử của người Việt Nam còn là thái độ đặc biệt đề cao người đối thoại và khiêm tốn tự hạ mình (Xưng khiêm hô tôn). Đó là nguyên tắc ứng xử xưa nay vẫn rất được tôn trọng, tạo ưu thế cho người nghe so với người nói. Đặc trưng này tương ứng hoàn toàn với những hình ảnh được C. Kerbrat-Orecchioni dùng để miêu tả các xã hội thuộc loại thứ hai theo cách phân loại ở trên: "[...] những xã hội mà ở đó, so với L, A được hưởng những quyền ưu tiên quá mức, A được L đặt trên một bệ cao, và về phía mình L tự hạ thấp xuống và làm vật hy sinh dâng lên bàn thờ của phép lịch sự - và khi đó lịch sự được đồng nhất hoá với sự tôn kính, và ở mức cao nhất có thể có tính cách “dâng hiến”.
Qua tục ngữ ca dao, cũng có thể nhận ra một số biểu hiện khác về quyền ưu tiên này trong ứng xử của người Việt Nam. Ngoài những biệt đãi dành cho những đối tượng đặc biệt như: "Nhất có râu, nhì bầu bụng", nhìn chung, đạo lý của người Việt Nam đòi hỏi sự khiêm tốn tự hạ mình trong ứng xử và nói năng. Điều này có thể có những biểu hiện qua lời (verbal), cụ thể là những từ xưng hô, những từ tôn vinh, cấp độ lời nói, các nghi thức lời nói: "(Hỏi) Đi đâu cho đổ mồ hôi - Chiếu trải không ngồi trầu bổ không ăn - (Đáp)Thưa rằng bác mẹ tôi răn - Làm thân con gái chớ ăn trầu người" ; "Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi - Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề". Hay qua cách nói tôn vinh người khách đến thăm nhà mình: "Rồng đến nhà tôm". Trong bài ca dao sau, ngoài ngụ ý thử thách lòng chàng trai, thì lời lẽ của cô gái còn thể hiện một thái độ khiêm tốn trong miêu tả tình huống, cường điệu cảnh thiếu thốn khó khăn, và giảm nhẹ giá trị của bữa cơm đãi bạn:
Nhà em ở cạnh cầu ao
Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân
Chàng ngồi chàng nghỉ ngoài sân
Cơm thì nhỡ bữa, canh cần nấu suông
Rau cải chưa rắc, rau muống chưa leo
Cơm em mới có lưng niêu
Lửa em tắt mất từ chiều hôm qua
Đãi chàng một bữa cơm trưa
Liệu chàng có đợi có chờ được không
Bởi theo thông tục, người Việt Nam thường có thái độ hiếu khách thể hiện qua những câu: "Nhịn miệng đãi khách"; "Khách đến nhà lợn gà vào bếp"; "Khách đến nhà không gà thì vịt".
Những yếu tố kèm theo lời (paraverbal), như ngữ điệu, âm điệu, giọng nói to hay nhỏ, nhanh hay chậm, cao hay thấp... cũng cần tuân thủ nguyên tắc tự hạ mình và tôn vinh đối tượng giao tiếp. Tục ngữ cũng phản ánh sự khen chê về mặt này: "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe" ; "San sát như hai gái lấy một chồng". Ngoài ra, thái độ đề cao, tôn vinh đối tượng tương tác cũng được thể hiện qua những ứng xử không lời: "Muốn ăn gắp bỏ cho người"; "Đi với Phật (bụt) mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy".
Bên cạnh việc đề cao sự tự khiêm, tục ngữ Việt Nam cũng chê cười, lên án tính khoe khoang hợm hĩnh: "Nhún nhường quí trọng biết bao - Khoe khoang kiêu ngạo có nào ai ưa" ; "Ông thầy khoe ông thầy tốt, bà cốt cậy bà cốt hay" ; "Bà khoe con bà tốt, đến tháng mười một bà biết con bà". Cuối cùng, tuy hết sức tránh làm mếch lòng người khác, nhưng khi cần thiết người Việt Nam vẫn chấp nhận mất lòng trước mắt để được lòng về sau, và một cách lâu dài: "Mất lòng trước, được lòng sau".
Một số tình huống đặc biệt
Trong ứng xử, người Pháp thường có thái độ thẳng thắn và sòng phẳng khi cần từ chối: "Người nào đòi hỏi một cách lịch sự phải được từ chối một cách lịch sự" (và kẻ nào đòi hỏi sỗ sàng thì đáng bị từ chối thẳng thừng). Ngược lại, khi muốn từ chối hay trường hợp không nhất trí với đối tượng giao tiếp, người Việt Nam có xu hướng tránh nói trực tiếp ý nghĩ của mình, vì không muốn tạo xung đột, làm mất thể diện và phật lòng người khác: "Nói ngay hay trái tai"; "Nói thật trật lỗ tai" ; "Người khôn ăn nói nửa chừng - Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo". Cũng vì thế mà thái độ lững lờ có thể gây hoang mang cho đối tượng giao tiếp : "Có yêu thì nói rằng yêu - Chẳng yêu thì nói một điều cho xong - Làm chi dở đục dở trong - Lờ đờ nước hến, cho lòng tương tư". Chỉ những người bề trên, ở vị thế cao hơn đối tượng giao tiếp, mới có quyền nói "không": "Muốn nói không làm chồng mà nói".
Một tình huống đặc biệt khác là mối quan hệ giữa người làm ơn và kẻ hàm ơn, giữa người cho vay và kẻ mang nợ. Đối với người Việt Nam, ơn nghĩa và nợ nần là những gánh nặng góp phần hạ thấp giá trị của người nhận: "Sợ người ở phải, hãi người cho ăn" ; "Vay nên nợ, đợ nên ơn" ; "Nhất tội, nhì nợ" ; "Bớt bát mát mặc, còn hơn nợ nần" ; "Nhịn đói qua ngày, ăn vay phải nợ" ; "Tốt vay dày nợ" ; "Yêu nhau xé lụa may quần - Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra". Người ra ơn hoặc cho vay được xem như có vai vế cao hơn và có quyền lực đối với người nhận ơn hay con nợ: "Giàu ruộng đợ, nợ ruộng thuê"; "Thiếu thuế bắt vợ, thiếu nợ bắt con"; "Vợ có khách nợ đến nhà, chồng có quan toà gửi trát"; "Thứ nhất quan sai thứ hai khách nợ". Nợ tinh thần hay nợ tiền của buộc người mang nợ phải có ứng xử đúng với vai vế thấp kém của mình, đồng thời có nghĩa vụ trả món nợ ấy: "Tội tạ, vạ lạy"; "Nhất tội nhất xá, vạn tội vạn xá"; "Một lạy sống bằng đống lạy chết"; "Nợ van, quan khất"; "Có ơn phải sợ, có nợ phải trả"; "Làm kiếp trâu kéo cày trả nợ"; "Cơm nợ trả dần, cháo nóng húp quanh".
Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, nợ nần và ơn nghĩa không tạo ra cảm giác tội lỗi như C. Kerbrat-Orecchioni đã nhận định trong ứng xử của người Nhật, mà một cách lạc quan góp phần nâng cao đạo lý của mối quan hệ giữa người và người: "Vay nên ơn, trả nên nghĩa"; "Nợ nần cũng chẳng là bao - Ra công tháo vát lúc nào cũng xong"; "Vay một thì ta trả mười - Hòng khi thiếu thốn có người cho vay". Trong mối quan hệ ơn nghĩa và nợ nần này, những ứng xử không đẹp có thể bị phê phán, chê trách: "Vay thì ha hả, trả thì lầm bầm"; "Đòi nợ tháng ba, đốt nhà tháng tám".
Tục ngữ Pháp cũng phê phán những ứng xử tương tự: "Khi vay thì anh em, lúc trả thì con (của) mẹ đĩ"; "Khi mượn thì thiên thần, lúc trả thì quỷ sứ"; "Cho mượn tiền gây mất trí nhớ". Đối với người Pháp, việc nhận quà, nhận sự giúp đỡ của người khác, hay lệ thuộc trong sinh hoạt, cuộc sống, cũng có tác dụng khiến cho vị thế của bản thân bị hạ thấp so với người kia, tạo thành gánh nặng, mối lo, nỗi khổ tâm; và ngược lại, người ban phát được xem như có vị thế cao hơn, và có tâm lý thoả mãn: "Bánh mì của người thì đắng"; "Kẻ nào nhận (quà) sẽ chịu ơn"; "Con người luôn bước chệch choạc trên nền nhà không thuộc về mình"; "Thay món ăn tốt hơn thay đĩa" (Tự chủ động tốt hơn là lệ thuộc vào người khác); "Cho là một thú vui lâu dài hơn nhận, bởi trong hai người kẻ cho là người nhớ lâu nhất" ; "Cho nên chủ, nhận nên kẻ quy hàng"; "Kẻ mang nợ là kẻ sai trái" (theo định kiến và cả luật pháp); "Buồn (cũng) không trả được nợ".
Qua phân tích, chúng ta có thể rút ra những nhận xét sau:
- Xu hướng ứng xử của người Việt Nam là dành cho người đối thoại một vị trí cao hơn, một tầm quan trọng đặc biệt hơn bản thân mình, trong khi xu hướng ứng xử của người Pháp lại có tính "bình đẳng" hơn giữa hai bên tương tác và tham thoại. Tuy nhiên sự phân loại này chỉ có tính tương đối và nói lên chuẩn mực giao tiếp chung của mỗi cộng đồng, và trong mỗi cộng đồng không chỉ có duy nhất một kiểu ứng xử. Trong trường hợp cần từ chối hay không đồng nhất ý kiến, thì người Việt Nam thường có ứng xử quanh co, vòng vo hơn người Pháp.
- Đặc điểm ứng xử trên đây cũng thể hiện đặc trưng của văn hoá ứng xử Pháp và Việt Nam về các khía cạnh sau: người Pháp có xu hướng thiên về quan hệ bình đẳng (éthos égalitaire), xung đột (conflit), còn người Việt Nam lại thiên về quan hệ thứ bậc (éthos hiérarchique), liên ứng (consensus); người Pháp coi trọng thể diện nghịch (face négative), trong khi người Việt Nam chú trọng đến thể diện thuận (face positive).
- Riêng trong một số tình huống đặc biệt như trong quan hệ ơn nghĩa và nợ nần, đối với cả người Pháp lẫn người Việt Nam, người nhận ơn, mang nợ đều có một vị trí "thấp kém" hơn so với người ra ơn, cho vay. Vị thế cao thấp này chi phối đáng kể thái độ ứng xử của hai bên tương tác.
P.T.A.N
(201/11-05)
-------------------
Tư liệu tham khảo và ngữ liệu:
Grice H-P., “Logique et conversation” in La conversation, COMMUNICATIONS số 30, tr. 57-72, 1979 (1975).
Kerbrat-Orecchioni C., Les Interactions verbales, Tập 3, NXB Armand Colin, Paris, 347 trang, 1994.
Maloux M., Dictionnaire des proverbes, sentences et maximes, NXB Larousse, 628 trang, 1960.
Montreynaud F., Dictionnaire de proverbes et dictons, Les Usuels du Robert, 638 trang, 1986
Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, in lần thứ 10, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 831 trang, 1994 (1956).
Theo Tạp Chí Sông Hương