• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Vai trò của Nguyễn Du trong lịch sử văn hóa và văn học Việt Nam - Tác gia văn học trung đại Việt Nam

Cua Ta

New member
Nguyễn Du trong lịch sử văn hóa, văn học dân tộc.

I. Mở đầu

Tồn tại gần 10 thế kỷ, văn học trung đại Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn vô cùng quan trọng trong sự phát triển của văn học nước nhà. Bên cạnh những “cây đại thụ” Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở những thế kỷ trước. Bằng tư tưởng nghệ thuật trác tuyệt của mình Nguyễn Du đã tạo nên những áng văn chương bất hủ, xứng tầm thời đại. Đó là sản phẩm theo cái nghĩa lâu dài của nghệ thuật, hoàn toàn không phải là tức thời. Bởi vậy năm tháng qua đi, bao phen thay đổi sơn hà, những giá trị văn chương, tư tưởng của ông vẫn tồn tại lâu bền. Những khúc ca tâm tình của một thế hệ, trong một con người đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Điều này đã nói lên vai trò quan trọng của Nguyễn Du trong lịch sử văn hóa, văn học dân tộc.

Với con mắt “trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cuộc đời”, Nguyễn Du đã kế thừa và phát triển tinh hoa văn hóa Việt Nam bước lên một tầm cao mới trở thành một niềm tự hào không chỉ của dân tộc Việt Nam mà cả thế giới cũng phải vinh danh. Trên thế giới, ít nhà thơ tìm thấy được ngay giữa lòng nhân dân nước mình một tiếng vang lớn như nhà thơ Nguyễn Du ở Việt Nam.(Joocjơ Buđaren).

II. Nội dung

2.1 Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du
2.1.1 Thân thế

Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng. Nguyễn Du ra đời trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất lúc đương thời. Gia đình cũng như dòng họ Nguyễn Du có rất nhiều người làm quan dưới triều Lê – Trịnh. Người địa phương có câu ca dao nói về dòng họ này:

Bao giờ ngàn Hống hết cây,
Sông Rum hết nước, họ này hết quan

Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm sinh ngày 14 tháng 3 nhuận năm Mậu Tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh tức ngày 14 tháng 5 năm 1780. Ông thông minh học rộng, làm quan thường được thăng thưởng, từng giữ chức Tể tướng trong triều đình.
Mẹ Nguyễn Du là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, tên là Trần Thị Tần sinh ngày 3 tháng 7 năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Hưng con gái một ông làm chức câu kê (kế toán). Tuy không có tài liệu ghi chép nhưng chắc chắn trong những năm ấu thơ Nguyễn Du đã chịu nhiều ảnh hưởng từ mẹ.
Không những có nhiều người làm quan, mà gia đình Nguyễn Du còn có nhiều người viết sách, làm văn, nghĩa là một gia đình có truyền thống về văn học.
Tuy nhiên những ngày sống trong vàng son, nhung lụa của một cuộc sống quý tộc, giàu sang đã không kéo dài được lâu, những biến cố dữ dội của thời đại đã đẩy nhà thơ giữa sóng gió cuộc đời.
Năm mười tuổi, cha Nguyễn Du qua đời. Hai năm sau thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh em Nguyễn Du đến nương nhờ người anh em khác mẹ là Nguyễn Khản nhưng cũng chỉ được vài năm thì Nguyễn Khản cũng gặp biến phải chạy loạn.
Phong trào Tây Sơn nổi lên, Nguyễn Du chạy theo Lê Chiêu Thống nhưng không kịp đành trở về. Năm 1796 Nguyễn Du lên đường vào Gia Định theo Nguyễn Ánh nhưng bị bắt giam ba tháng. Sau này, ông về làng Tiên Điền sống trong sự thiếu thốn, chật vật. Trong thời gian “mười năm gió bụi” và những năm về quê sống “dưới chân Hồng Lĩnh”, nhà thơ đã có dịp hiểu biết quần chúng, ngọn nguồn của mọi giá trị tinh thần cao quý của dân tộc. Đầu mùa thu năm 1802, Gia Long lật đổ triều Nguyễn và lên ngôi, Nguyễn Du đã ra làm quan dưới triều Nguyễn trong gần hai mươi năm không gặp phải nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nhà thơ có điều gì bất như ý sâu sắc đối với đương thời.
Nguyễn Du mất ở Kinh, lúc đầu chôn ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên sau đó bốn năm mới dời về an táng tại làng Tiên Điền.

2.1.2 Sự nghiệp sáng tác
Về sáng tác của Nguyễn Du, ngoài Truyện Kiều nổi tiếng, những tác phẩm chữ Nôm của ông còn có Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh), Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu và bài thơ Thác lời trai phường Nón.
Những sáng tác về chữ Hán của ông gồm ba tập: Thanh Hiên tiền hậu tập (hay còn gọi là Thanh Hiên thi tập), Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục.
Trong cuốn Lược sử văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp để giới thiệu ra nước ngoài ông Thanh Lương đã nhận xét: Nguyễn Du đối với tiếng Việt Nam cũng như Puskin đối với tiếng Nga. Với bậc thần thông của ngôn ngữ ấy, tiếng nước ta vốn đã rất phong phú, lại đạt đến đỉnh tuyệt mỹ. Cả bài thơ của ông vừa là một khúc tiêu tao não ruột , vừa là một bài ca xoang ngọt ngào… Người ta tìm thấy ở ông cả Sếch – xpia, cả Puskin, và cả Tônxtôi..

2.2 Vai trò của Nguyễn Du trong lịch sử văn hoá
2.2.1 Phát triển hệ tư tưởng Việt Nam lên một bước mới

Có thể nói cuộc đời của Nguyễn Du là một cuộc đời từng trải. Ông đã từng bao phen vào Nam ra Bắc, với cuộc sống lang bạt khó khăn. Sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 18 ấy là con trong một gia đình quan lại dưới triều Lê, Nguyễn Du luôn mang trong mình tư tưởng “hoài Lê”. Khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, ông cũng từng có thời gian chống Tây Sơn. Nhưng sau này dường như ông đã nhìn thấy sự mục ruỗng ấy của triều Lê và Tây Sơn chính là nguyện vọng của nhân dân. Sau khi Tây Sơn sụp đổ Nguyễn Du ra làm quan với triều Nguyễn với một thái độ bất đắc chí. Rất được vua Gia Long trọng dụng, có lúc Nguyễn Du đã làm đến chức hữu tham tri bộ lễ (hàng tam phẩm) từng được đi sứ sang nhà Thanh 2 lần nhưng dường như ông không mấy tha thiết với con đường danh vọng. có thể nói , dù đối diện với cả 3 triều đại nhưng Nguyễn Du lại không chọn cho mình một thời đại nào cả. đây chính là bi kịch trong cuộc đời của một thiên tài.

Nguyễn Du là người đã kế thừa và phát triển hệ tư tưởng Việt Nam thời phong kiến. ông đã dưa ra một hệ thống quan điểm tư tưởng về Phật giáo, Nho giáo, tư tưởng nhân đạo, theo Trần Trọng Kim thì qua tác phẩm Nguyễn Du mà nổi bật là Thuý Kiều và “Văn tế thập loại chúng sinh” nhân quả của nhà Phật. thuyết nhân quả ấy được thể hiện ở chữ “nghiệp”. “Nghiệp” ở đây có nghĩa là những việc làm trứơc kết thành cái quả sau, Nguyễn Du viết:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa

Thuý Kiều là người đã phải mang trong mình một chữ “nghiệp” rất nặng. Đó là nghiệp chướng và nghiệp duyên. Nó cứ đeo bám lấy chữ “mệnh” trong cuộc đời của Kiều và dẫn đến kiếp đoạn trường của mình.
Không chỉ vậy, Nguyễn Du còn đưa vào tác phẩm của mình tư tưởng Nho giáo đó là “tài mệnh tương đố” và “bỉ sắc tư phong”, những luân lí “trung, hiếu, tiết, nghĩa” của Khổng Tử. Ông cho rằng: Chữ tài đi với chữ tai (tai hoạ)

Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần

Đạo nho được thể hiện qua những con người phong nhã, hào hoa như Kim Trọng, những con người tầm thường trong khuôn phép tầm thường như Thuý Vân, Vương Quan, những con người biết yêu, biết khóc nhưng không dám hành động như Thúc Sinh, những viên quan lừng chừng như viên tri phủ, những vị trọng thần “mặt sắt cũng ngây vì tình” như Hồ Tôn Hiến…
Nhưng điểm đáng nói ở đây là dường như Nguyễn Du đã nhìn thấy sự suy sụp cùng với cái nền tảng phong kiến của Đạo Nho. Cương thường đạo lí đã không còn sức hấp dẫn nữa, chữ “mệnh” không còn hào quang của một miền xa lạ nào để cho tâm hồn phiêu diêu, không đập mạnh vào trí tưởng tượng và cảm quan tôn giáo của con người. vì thế mà những quan điểm Nho giáo chỉ là những nhận xét mơ hồ. Nguyễn du đã viết và lợi dụng chỗ sơ hở ấy của triết lí đạo Nho để đay nghiến và oán trách chữ “mệnh”

Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi

Đồng thời ông đã vận dụng và dùng triết lí của đạo phật để lí giải. Đạo phật đã bổ sung cho đạo Nho ở chỗ nó dựa trên luật nhân quả để kết án cá nhân. Là tự mình gieo cái mầm khổ cho mình ngay từ kiếp trước nên tự mình phải chịu lấy quả khổ ở kiếp nầy

Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng phải đền bù mới xuôi

Đây có lẽ là sự kết hợp độc đáo nhất trong quan niệm và tư tưởng của một nhà thơ thời trung đại.

2.2.2 Về tư tưởng nhân đạo
Có thể nói , Nguyễn Du là người đã phát triển đến đỉnh cao về tư tưởng nhân đạo trong thơ ca dân tộc. Ông vừa tiếp thu truyền thống nhân đạo dân tộc mà vừa phát triển nó. Tư tưởng nhân đạo đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước với những nhà nhân đạo lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du đã được phát triển và nâng lên thành đỉnh cao. Trong những thế kỷ trước các nhà tư tưởng thường quan tâm đến “đại cục”, vấn đề nhân đạo thường được gắn trong quan hệ vua – dân. Phản ánh những mảnh đời, số phận đau khổ của nhân dân là để đánh động với vua, có những chính sách để “trị quốc an dân”. Đến Nguyễn Du, ông đồng cảm, thương xót với những kiếp người tài hoa nhưng bạc mệnh như những con hát ở Long Thành cô cầm trong “Long Thành cầm giả ca”, Đạm Tiên, Thuý Kiều trong Truyện Kiều. Nguyễn Du luôn quan tâm tới cuộc đời, tới con người, đến con người khắp cõi nhân gian, cõi người đó là “Thập loại chúng sinh”, những tầng lớp dưới đáy xã hội. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du đã hướng thực sự đến những thân phận nhỏ bé trong xã hội. Ông đồng cảm thật sự với những bi kịch mà họ trải qua. Từ một cá nhân điển hình, ông đã nâng lên thành những thân phận có tính chất phổ quát. Có thể khẳng định đó là một tình cảm phi giai cấp. Tiếng nói của Nguyễn Du còn là sự phê phán, lên án xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống con người.

2.2.3 Nguyễn Du với sự ảnh hưởng trong đời sống cộng đồng
Những tư tưởng của Nguyễn Du đã cho thấy bước phát triển của hệ tư tưởng Việt Nam thời trung đại đồng thời cũng có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống cộng đồng. Ngay từ thời vua Tự Đức, các tác phẩm của Nguyễn Du đã được chú ý sưu tầm và lưu giữ. Điều đó đã chứng tỏ những sáng tác của Nguyễn Du đã có tầm ảnh hưởng khá lớn trong xã hội lúc bấy giờ. Quả thực, những tác phẩm cũng như những tư tưởng của Nguyễn Du đã đi vào trong đời sống cộng đồng, đời sống văn hoá và tín ngưỡng dân gian. Người ta đã dựa vào truyện Kiều để bói Kiều, vịnh Kiều… truyện Kiều đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Có lẽ trong số chúng ta hầu hết tuổi thơ của ai cũng được gắn với những câu thơ Kiều qua những lời ru của bà, của mẹ. Truyện Kiều cũng như những tác phẩm của Nguyễn Du đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Việt Nam thời trước.
Không chỉ vậy, cho tới ngày nay những tác phẩm của Nguyễn Du vẫn có một tầm ảnh hưởng sâu rộng. Tấm lòng cũng như tư tưởng của ông trở thành một nguồn chất liệu vô cùng phong phú cho sau này như Tố Hữu (Kính gửi cụ Nguyễn Du), Huy Cận (Nhớ Tố Như)…

Tiểu kết:
Vì thế có thể ,khẳng định vị trí cũng như vai trò của Nguyễn Du trong lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1965), tổ chức hoà bình thế giới đã long trọng kỉ niệm như một danh nhân văn hoá thế giới. Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học, văn hoá dân tộc Việt vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ mang tầm thế giới.

2.3 Vai trò của Nguyễn Du trong văn học Việt Nam
Nguyễn Du đã tạo nên một phong cách riêng độc nhất vô nhị trong nền văn học Việt nam trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật đặc biệt là với tác phẩm Truyện Kiều. Ít có tác phẩm nào trong ngay khi ra đời cho đến mãi mãi về sau vẫn được nhân dân cả nước ưa chuộng, ham thích như Truyện Kiều. Trong lịch sử nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam không có một tác phẩm thứ hai nào được các nhà nghiên cứu phê bình cũng như đông đảo công chúng quan tâm tới vậy. “Trong lịch sử văn học Việt Nam, sáng tác của Nguyễn Du (1765 – 1820) tự nó đã làm thành cả một thời đại. Nguyễn Du có một vai trò lớn lao trong quá trình xây dựng truyền thống văn học dân tộc, trong sự hình thành của ngôn ngữ Việt Nam” (N. I.NICULIN).

2.3.1 Nội dung sáng tác của Nguyễn Du
Sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm - những tên tuổi đã luôn là niềm tự hào cho nền văn hoá và văn học dân tộc…thì dòng chảy văn học dân tộc ấy chúng ta được biết tới Nguyễn Du. Một nhà thơ mà cuộc đời và tác phẩm của ông mang nhiều tâm tư sâu sắc, quy tụ được nhiều vấn đề xã hội và có thể dự báo một điều gì cho mai hậu. Sinh thời Nguyễn Du băn khoăn:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Thế hệ kế tiếp, những kẻ hậu sinh đã tập trung nghiên cứu những sang tác của ông với một nỗ lực lớn lao. Hàng trăm công trình được công bố nhưng việc khám phá giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, việc đánh giá vai trò của ông đối với tiến trình vận động của văn học dân tộc vẫn đang được tiếp tục.
Nguyễn Du là nhà thơ có nhiều đống góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam. Với tập thơ chữ Hán và chữ Nôm được xếp vào hang những cây bút lớn nhất của van học Việt Nam trung đại. Cùng với kiệt tác “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã để lại ba tập chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngân, Bắc hành tạp lục. Các thi tập này không chỉ góp phần làm nên diện mạo thơ ca trung đại mà còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta tìm hiểu chính nội tâm tác giả.

Nét nổi bật nhất trong thơ Nguyễn Du chính là sự đề cao xúc cảm, tức đề cao cái “tình”. Điều quan trọng hàng đầu là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh.
Cái nhìn nhân đạo này khiến ông được đánh giá là tác giả tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.
Có thể khẳng định rằng Nguyễn Du đã tạo cho mình một phong cách chưa ai có. Ông đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm của những người đi trước để tiếp tục sang tác trong sang tác của mình. Văn chương Nguyễn Du bằng chữ Hán cũng như chữ Nôm không bao giờ là thứ văn chương viết để mà chơi, có cũng được mà không cũng được. Một điều rất rõ là Nguyễn Du đã viết dưới sự thôi thúc của những nỗi niềm không nói ra không được. Trong tâm tình ấy nét nổi bật nhất mà chúng tôi đã đề cập ở trên là tư tưởng nhân đạo.

Tư tưởng nhân đạo thể hiện trong việc ca ngợi, đồng cảm với con người tài hoa mà bạc mệnh. Gắn bó với con người, với cuộc sống và nhìn sâu vào lịch sử, Nguyễn Du đặc biệt xót thương cho một loại người có tài và có tình. Ấy là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trác tuyệt mà cuộc đời trải muôn vàn bất hạnh, là những bậc anh hung hào kiệt thất thế, là những người phụ nữ có sắc đẹp nghiêng thành phải chịu một số phận buồn thảm. Những con người ấy dù ở hoàn cảnh nào thì đều là đối tượng của tấm long ưu ái của Nguyễn Du.
Đặt chân lên đất Trung Hoa, Nguyễn Du đi ngược lại với thời gian, sống với nền văn hoá đã tạo nên con người, tiếp xúc với những nhân vật lừng danh mà mình hằng gần gũi. Ông thương Liễu Tông Nguyên-một trong “bát đại gia” đời Đường Tống, văn chương lừng lẫy cứ phải đau xót tự rủa mình:
Thanh khí gia mộc nại ngu hà
Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cổ trạch
(Khe trong cây đẹp cũng mang tiếng ngu, biết làm thế nào?)
Ông kính phục tâm hồn thanh cao của bậc vĩ nhân Khuất Nguyên, con người đeo hoa lan hoa chỉ khuất đã 200năm mà:
Thử địa do văn lan chỉ hương
(Đến nay đất này hoa lan hoa chỉ vẫn nức hương)
Ông quý trọng Đỗ Phủ : Thiên cổ văn chương, thiên cổ sư
Bên cạnh đó, ông cũng phê phán những con người chỉ biết hám danh lợi mà không để ý đến phẩm giá của mình. Nguyễn Du xót thương nhân vật kỳ tài bấy giờ cũng kín đáo, ẩn ngụ nỗi xót thương cho chính mình.

Nguyễn Du cảm thông thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đày đoạ, hắt hủi
Trong thời gian sang xứ và tiếp xúc với những người quý tộc, Nguyễn Du không hề có một bài ca ngợi họ mà trái lại cả một tập nhật kí dày, ngoài những nhân vật ông làm cho sống lại, chỉ thấy hiện lên mấy hình ảnh của con người cùng khổ: một anh đẩy xe, một xác chết đói, một ông già mù hát rong và ba mẹ con người hành khất thất thểu trên đường. Gặp một ông già hát rong mù ở Châu Bình, Nguyễn Du lại tỉ mỉ từ cái bàn tay run run sờ soạng của ông lúc xuống thuyền, rồi trước lúc hát cũng bàn tay ấy giơ hai, ba lần để cảm ơn, cho đến giáng điệu hát, hát sùi bọt mép mà kết quả là:
Đàn tận tâm lục cơ nhất canh
Sở đắc đồng tiền cận ngũ lục
( Gắng hết tâm sức gần một trống canh
Mà chỉ được năm, sáu đồng tiền)


(Thái Bình mại ca giả)

Nguyễn Du thương xót cho những con người nhỏ bé: phụ nữ và trẻ em:
Hơn một lần Nguyễn Du đã phải thốt lên cái câu thơ trong “Truyện Kiều” từng làm tê tái tấm long của bao nhiêu bạn đọc:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Nói chung trong văn học phong kiến, các nhà thơ, nhà văn thường viết về cuộc đời của những con người thuộc tầng lớp trên, và ít người chú ý tới tầng lớp dưới. Văn học phong kiến cũng không mấy khi nói đến số phận trẻ em. Cái quý của Nguyễn Du là sự chú ý của nhà thơ toàn diện hơn. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du có những bài hết sức xúc động về số phận của những người lao động nghèo khổ, trong đó có số phận của những em bé. Nếu như đứa con của ông già mù hát rong trong “Thái Bình mại ca giả” chưa trở thành hình tượng nghệ thuật gây ấn tượng mạnh bên cạnh hình tượng ông bố thì trong “Sở kiến hành” những đứa con với người mẹ gắn bó với nhau như một tượng đài, ở đây có vẻ hồn nhiên của trẻ con làm cho tính chất bi kịch người mẹ them chua xót. Và tới “Văn chiêu hồn” số phận em bé trở thành bi kịch:

Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha não lòng

Trong lịch sử van học dân tộc. có lẽ Nguyễn Du là nhà thơ đã viết những câu thơ về trẻ em sớm nhất và thống thiết nhất.
Về những người thuộc tầng lớp dưới, trong Văn chiêu hồn có thể thấy rõ họ không phải là anh hàn sĩ, chú tiểu đồng hay cô nữ tì nào cả, mà họ là những người lao động. Họ đông hơn tất cả và số phận họ cũng bi đát hơn tất cả. Đời sống của họ bấp bênh, điêu đứng. Kẻ tấp bật vào song ra bẻ, kẻ suốt ngày kĩu kịt “Đòn gánh tre chin rạn hai vai”, kẻ thì ăn xin “nằm cầu gối đất”…Và cái chết “bất đắc kì tử” đến với họ.

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sảy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Nhìn trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành

Trong “Văn chiêu hồn”, tình cảm nhân đạo chủ nghĩa của Nguyễn Du sâu sắc, giống như “Truyện Kiều”, tác phẩm này còn là búc tranh xã hội hết sức đậm nét và súc tích.
Tóm lại, khi biểu hiện xác thực cuộc sống bi thảm của quần chúng, Nguyễn Du không hề để mình rơi vào một chủ nghĩa khách quan lạnh lung tàn nhẫn mà luôn luôn sống trong những cảnh ngộ ấy, gắn bó mật thiết với nhân vật của ông. Đây là tình cảm đã đi sâu vào ý thức của nhà thơ.
Từ sự cảm thương sâu sắc đối với con người, Nguyễn Du đã đi vào phê phán xã hội phong kiến.
Với “ Thái Bình mại ca giả” và “Sở kiến thành” Nguyễn Du đã đặt ngón tay vào tận trong vết thương lở loét cua xã hội. Người ăn mày già xin tiền để “ăn bữa sớm mai”nhưng ở ngoài tác giả thì :

Lúc này, trong thuyền đã tối, không có đèn
Cơm thừa canh đổ, trông rất bừa bãi
Ông già sờ soạng men bực ngồi

Nguyễn Du viết:

Cứ tưởng đất Trung Nguyên mọi người đều no ấm
Ngờ đâu Trung Nguyên cũng có những người khổ thế này

(...) Cơm nguội, đồ thừa, đổ chìm cả xuống lòng sông

Bài “Sở kiến hành” cũng vẽ hai mẹ con dắt nhau bẻ que đang đói lớn thì độc lập với cảnh đói khát của hai mẹ con là:
Hôm qua ở trạm Tây Hà
Cỗ bàn cung điện linh đinh biết bao
Nào là gân hươu, vây cá
Thịt lợn, thịt dê đầy bàn
Các quan lớn không chọc đũa..
Bẻ mứa nào có tiếc gì…

Ở cương vị chánh sứ Nguyễn Du không ngại vạch ra choc trái ngược giữa cuộc sống cơ nhục chờ chết và hình ảnh no nê thừa mứa của đoàn sứ bộ.Bì thơ như có máu, có nước mát, còn mang một rãnh cày xẻ lên chưa bao giờ lấp, lời tố cáo xã hội bất nhân khi tước, chờ gì địa ngục ở dưới âm phủ, đại ngục ở ngay giữa cõi đời này.

Ở đoạn đầu “Văn chiêu hồn”, Nguyễn Du lâu lâm ly:
“Đêm trường dạ tối tăm trời đất”
Xã hội thời Nguỹên Du thối nát đến cùng cực, nhà thơ thấy rõ cái xã hội ấy đi đâu con người cũng gặp bọn ăn thịt người.
Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” đã khái quát chung đặc điểm của bọn quan lại phong kiến giống như trong tục ngữ:

Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khóc hại chẳng qua vì tiền

Và thần công lý chỉ dịu khi:

Có ba trăm lạng việc này mới xong

Cả “Truyện Kiều” là bản cáo trạng cái xã hội áp bức, cả xã hội chà đạp lên một người con gái. Có thể nói ,trái tim Nguyễn Du đã đập theo những con người bị áp bức. Những con người bị đày đoạ về thân phận, những kiếp người đau khổ. Nguyễn Du đã đi vào nỗi đau của những con người trong xã hội với sự đồng cảm sâu sắc.
Sự đồng cảm, cổ vũ những khát vọng chính đáng của con người. Nguyễn Du luôn luôn khẳng định giá trị, quyền sống của con người. đồng thời Nguyễn Du hướng tới khát vọng tự do, công lý. “Truyện Kiều” là một bức tranh về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống, trong đó Nguyễn Du muốn làm nổi bật lên sự đối lập gay gắt giữa quyền sống của con người, nhất là của người phụ nữ, với sụ áp bức của chế độ phong kiến lúc suy tàn. Có thể nói, một chủ nghĩa nhânđạo chừng nào có chiến đấu phong kiến là nền tảng vững chắc cho tác phẩm vĩ đại này. Chủ nghĩa nhân đạo ấy hay cảm hứng chủ đạo ấy thấm nhuần trong cách miêu tả con người giống như cách miêu tả thiên nhiên, tạo vật. Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo sâu sắc, ông hết long yêu thương con người bị vùi dập nên ngòi bút của ông nhiều khi phẫn nộ và nhiều khi cay đắng, xót xa.
Mỗi chữ trong sáng tác của Nguyễn Du như “có máu rỏ lên đầu bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”. Nguyễn Du được coi là một hình tượng văn học. Ông là một trong số rất ít các nhà thơ mà tác phẩm có thể tồn tại trong ký ức của nhân dân bằng con đường truyền khẩu. Đây là nhà thơ tiêu biểu và có sức tác động lớn lao đến sự phát triển của văn học.
Để thể hiện được nội dung phong phú sâu sắc như vậy, Nguyễn Du đã thể hiện những biện pháp nghệ thuật phong phú, đa dạng và rất thành công.

2.3.2 Nghệ thuật
2.3.2.1 Ngôn ngữ trong sáng tác của Nguyễn Du
Nguyễn Du đã thâu tóm được trong sáng tác của mình tinh hoa ngôn ngữ bác học với tinh hoa ngôn ngữ bình dân, đã nhà nặn và nang cao nó. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử. Với tác phẩm Truyện Kiều, nguyễn Du là bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc, là tập đại thành về ngôn ngữ thời đại ông, là người nâng ngôn ngữ văn học dân tộc lên một đỉnh cao chói lọi.
Nguyễn Du thường sử dụng từ đã phổ biến, ngoài ra có những từ chưa phổ biến thì Nguyễn Du đã cố gắng Việt hoá bằng cách dựa vào chữ Hán để tạo ra từ mới cho tiếng Việt bằng cách căn cứ vào âm thanh, ngữ điệu của tiếng Việt. Ông dịch từ ghép và thành ngữ Hán ra từ ghép và thành ngữ Việt. ví dụ như hoàng tuyền :suối vàng, minh tâm khắc cốt: khắc xương ghi dạ. Có khi ông không dịch cả mà dịch một từ và giữ nguyên gốc Hán chẳng hạn hà bôi: chén hà, xuân miên: giấc xuân.
Việc sử dụng điển cố lấy từ văn học cổ Trung Quốc cũng có thể coi là một khía cạnh của việc sử dụng từ Hán Việt. Thông thường Nguyễn Du sử dụng những điển cố quen thuộc hoặc chưa quen thì ông bố trí ở những văn cảnh nhất định để hiểu câu thơ:

Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này

Nguyễn Du không thoát ra khỏi phong cách của thời đại nhưng nhà thơ biết chọn một chỗ đứng để phát triển phong cách ấy, không làm nó trở thành bảo thủ, chết cứng.
Ngoài ra dùng từ Hán Việt của Nguyễn Du con do một nhu cầu có tính chất tu từ học trong thơ. Đó là hiện tượng dùng song song từ Hán Việt với từ thuần Việt ( bố mẹ được sử dụng là hai thân, song thân, hai đường,…) để làm giàu kho từ vựng của mình. Đó là biểu hiện phong phú trong sáng tác của Nguyễn Du và có ý nghĩa quan trọng trong sáng tác nói chung đặc biệt là sáng tác thơ. Việc tạo ra một khối lượng phong phú từ đồng nghĩa gồm từ thuần Việt, Hán Việt và từ Hán Việt được Việt hoá, Nguyễn Du tránh được sự trùng lặp và đơn điệu, có thể gieo vần một cách uyển chuyển tạo âm hưởng của câu thơ dồi dào sinh động. Ví dụ từ đàn bàgái tơ là hai từ thuần Việt có hai từ Hán Việt là hồng nhanhông quần và có hai từ gốc hán Việt đợc Việt hoá là má hồngmá đào. Để thể hiện sự nôm na, tầm thường, bình thường hay đó là sự cao quý hay sử dụng theo quy luật về luật bằng trắc của từ, để tạo đúng nhịp dụng vần. Thì cách sử dụng từ thuần Việt, Hán Việt hay Hán Việt để Việt hoá đã tạo ra nét sinh động phong phú cho ngôn ngữ nước Việt mà vẫn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.
Từ thuần Việt
Vận dụng từ thuần Việt trong Truyện Kiều từ hai nguồn ca dao, tục ngữ, thành ngữ và ngôn ngữ văn học quần chúng Nguyễn Du đã có những đóng góp hết sức độc đáo.
Trong những sáng tác đầu tiên bằng tiếng nói dân tộc, Nguyễn Du đã biết học tập ca dao,dân ca, học tập ngôn ngữ quần chúng đã thể hiện khá rõ. Đặc biệt trong hai bài Thác lời trai phường nónVăn tế sống hai cô gái Trường Lưu, nhà thơ có sử dụng những tiếng địa phương đẻ phản ánh tâm tư sinh hoạt của họ như:
“Của là của chó treo mèo đậy, phải giữ gìn cho lắm, mắt đỏ lòm nhắm tựa mắt lươn;
Công tiếc công cốc mò cò ăn, đi chơi nhởi làm chi, mặt trắng phủi trơ như mặt nạ”
Trong bài Thác lời trai phường nón Nguyễn Du sử dụng cả từ ngữ nghề nghiệp để làm bài thơ có không khí lao động:

Khi xa, xa hỡi thế này
Tiếng xa nghe hãy rù rì bên tai
Quê nhà nắng sớm mưa mai
Đã buồn dở tới lịp tơi càng buồn
Thơ ơ bó vọt đống sườn
Đã nhằm bẹ móc lại hờn nắm dang

Vốn từ ngữ dân gian ở đây khá phong phú nhưng nhà thơ chưa thật sáng tạo, nhà thơ chưa có ý thức tháo gỡ những bộ phận của thành ngữ để kết cấu lại cho đa dạng và uyển chuyển. tuy nhiên bản sắc của nhà thơ vẫn rõ nét. Truyện Kiều đánh dấu một bước phát triển về chất có ý nghĩa đặc biệt trong việc học tập thơ ca dân gian và ngôn ngữ quần chúng của nhà thơ.Trong Truyện Kiều có nhiều câu rút ra từ ca dao như:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

là rút từ câu ca dao:

Tiễn đưa một chén rượu nồng
Vầng trăng xẻ nửa tơ lòng đứt đôi

hay

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trường ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng

Ca dao trong truyện Kiều được Nguyễn Du sử dụng như một thứ chất liệu nghệ thuật chứ không phải những trích dẫn. Tất cả ông đều nhào năn, cấu tạo lại cho phù hợp vứi phong cách chung của nhà thơ trong tác phẩm.
Nếu việc học tập thơ ca dân gian ở Văn tế và Thác lời trai phường nón làm Nguyễn Du chừng mực nào đó bị đồng hoá vào thơ ca dân gian thì Truyện Kiều, thơ ca dân gian đã bị đồng hoá. Sự đồng hoá thể hiện cao nhất ở những câu thơ không thấy dấu vết cụ thể của ca dao mà ai cũng nhận ra ảnh hưởng của ca dao rất nhuần nhuyễn:


Xót thay huyên cỗi xuân già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi tóc sương

Nguyễn Du đã vận dụng rất nhiều thành ngữ,tục ngữ, học tập cách tổ chức và tạo ra những thành ngữ , tục ngữ mới. Có khi không phân biệt được đâu là tục ngữ, thành ngữ của Nguyễn Du học tập quần chúng, đâu là thành ngữ, tục ngữ nhà thơ tạo ra. Cũng có nhiều trường hợp nhà thơ tách tục ngữ, thành ngữ ra xen những yếu tố phụ vào, hoặc để nhấn mạnh ý nghĩa của thành ngữ, tục ngữ, hoặc để nó phù hợp với vần điệu cuả câu thơ:

Nàng rằng: non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm

Và công lao to lớn nữa của Nguyễn Du là đã đưa lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng vào tác phẩm. Cũng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du không phân biệt ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời sống. Trong khuôn khổ lục bát ông có thể viết những câu:

Nàng rằng: “Thôi thế thì thôi
Rằng không thì cũng vâng lời rằng không”

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày đi vào thơ Nguyễn Du, chan hoà, tan biến trong phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ Truyện Kiều vừa súc tích, chính xác, đồng thời giàu hình ảnh , giàu nhạc điệu. Không một tác phẩm thứ hai nàp trong văn học Việt Nam mà những câu thơ lại có một vận mệnh, một cuộc sống dồi dào như câu thơ Truyện Kiều.

2.3.2.2 Về thể thơ trong sáng tác Nguyễn Du
Nguyễn Du đã kết hợp trong câu thơ của mình một tư duy sắc sảo với việc khai thác triệt để các khả năng tu từ và của thể thơ
Trong thơ chữ Hán chỉ cần lấy hai câu thơ tiêu biểu trong bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu lăng mộ:

Lộng tiễn thi danh sư bách thế
Độc bi dị việc ký cô phần

Câu thơ cho ta thấy tài dùng chữ súc tích đa nghĩa của nhà thơ. Những đối lập hiển ngôn và những đối lập tiềm ngôn vừa đối lập vừa tương quan trong hai câu thơ là hết sức đặc trưng cho thi pháp của thể loại thơ Đường luật, giống hai câu thơ:

Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng tài
(Đỗ Phủ)

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là đỉnh cao của thơ chữ Hán Việt Nam trong mười thế kỷ. Nguyễn Du tuân thủ nghiêm ngặt những quy ước của thơ Đường Trung Hoa.
Cấu trúc chiều sâu tiềm ẩn của thơ chữ Hán là sự đối nghịch tạo nên đặc sắc nghệ thuật thể loại thơ Đường thi và Nguyễn Du đã tìm đến những đối nghịch, những nghịch phách hiệu quả nhất:

Cộng tiễn thi danh sư bất thế
Độc bi dị vực kí cô phần

Có thể nhận thấy rằng ban đầu Nguyễn Du chưa thể đạt tới cái bình đạm và nồng hậu, giản dị và hàm súc , từ thiển mà ý thâm, lời hết mà ý vô cùng như hai câu thơ trong bài Hoàng mai kiều văn điếu của Nguyễn Du về sau:

Đoản soa ngư chẩm cô chu nguyệt
Trường địch đồng xuy cổ kính phong

Thơ Nguyễn Du vẫn tuân thủ luật Đường, vẫn mang tất cả những đặc điểm của thơ Đường như sự tiết kiệm tối đa các phương tiện biểu đạt nhưng lại tạo ra một trường liên tưởng đầy đủ, mặt khác Nguyễn Du cũng không giống bất cứ một nhà thơ đời Đường nào kể cả bậc thầy Đỗ Phủ. Có lẽ đó là nhờ Nguyễn Du đã biết rằng: văn thiêng không phải ở ngôn ngữ cần hướng tới “không lời” (vô ngôn) màu nhiệm tức là hướng tới chính bản ngã của mình và bản thể vũ trụ.
Về thể thơ lục bát dưới ngòi bút của Nguyễn Du đã đưa thể lục bát trở nên thiên biến vạn hoá ( trọng tâm là trong Truyện Kiều)
Về luật bằng trắc
Nguyễn Du triệt để sử dụng linh hoạt luật bằng trắc của thể lục bát để tuỳ trường hợp cụ thể do nhu cầu diễn đạt, nhà thơ có thể viết những câu êm ái gồm nhiều từ thanh bằng (Lơ thơ tơ liễu buông mành) hoặc những câu gồ ghề, gồm nhiều từ thanh trắc (Lặng nghe lẩm nhẩm gật đầu, Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh)

Về cách ngắt nhịp
Nguyễn Du đã kết hợp một cách hài hoà, biện chứng đặc điểm vốn có về nhịp điệu của thơ lục bát như một biện pháp tu từ để bộc lộ ý nghĩa, bộc lộ nội dung. Trong câu 6 của Nguyễn Du có những kiểu ngắt nhịp, như: 2-2-2; 2-4; 3-3;4-2;1-5…
- Rằng/ trăm năm/cũng từ đây (1-2-3)
- Còn non/ còn nước/ còn dài (2-2-2)
Và trong câu 8 có những kiểu: 2-2-2-2; 3-5;4-4;2-6…
- Nửa chừng xuân/ thoắt/ gãy cành thiên hương (3-1-4)
- Chẳng trăm năm/ cũng một ngày/ duyên ta (3-3-2)

2.3.2.3 Một số thủ pháp nghệ thuật khác được Nguyễn Du sử dụng cũng rất thành công
Ngôn ngữ và thể loại là những đóng góp quan trọng nhất đặc sắc nhất về phương diện nghệ thuật của Nguyễn Du. Bên cạnh đó Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều phương thức nghệ thuật khác cũng rất thành công như:
Nguyễn Du đã chuyển đổi mô hình tự sự trong Truyện Kiều đã đạt tới một chất lượng chưa từng có và thành công hơn cả Kim Vân Kiều Truyện và chưa từng có trong truyền thống truyền kì và tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc.
Sự thay đổi trọng tâm miêu tả nhân vật và điểm nhìn trần thuật Nguyễn Du đã sáng tạo ra tác phẩm Truyện Kiều thành công vô song trong Việt Nam và văn học thế giới.
Đồng thời trên nhiều phương diện tư tưởng tình cảm đến phương thức tu từ, hình thức lời văn,các khúc ngâm đã thể hiện vai trò đi trước, đã tạo tiền đề có ảnh hưởng tích cực đến sự ra đời và nâng cao chất lượng văn hoc Truyện kiều của Nguyễn Du. Đến lượt mình Truyện Kiều tiếp tục truyền thống thi pháp của ngâm khúc và nâng vượt bậc cũng như nó đã phát triển lên vượt bậc các truyền thống thi pháp của truyện Nôm.
àNguyễn Du đã đưa nghệ thuật tự sự và nghệ thuật cổ đỉên thơ ca Việt nam cũng như tiếng Việt văn học lên tới một đỉnh cao chưa từng có, trở thành mẫu mực chói lọi cho muôn đời thưởng thức và noi theo

III. Kết luận
Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc, là tập đại thành của văn học phong kiến, là người kế thừa một cách sáng tạo truyền thống tốt đẹp của văn học dân tộc và nâng truyền thống ấy lên một đỉnh cao chói lọi. Ông mất đi trong niềm tiếc thương và kính phục của biết bao người:

Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm,
Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh
(Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm khanh, sinh chẳng thẹn
Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước chết còn vinh)

Sinh thời Nguyễn Du vẫn day dứt không biết hơn ba trăm năm sau, thiên hạ ai sẽ nhỏ nước mắt khóc mình. Đại thi hào của chúng ta luôn khắc khoải đi tìm tri kỉ giữa cuộc đời đen bạc:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Tuy nhiên, vượt qua định luật băng hoại của thời gian, Nguyễn Du đã đến với “chân trời của mọi người”. Tấm lòng ưu tư, suốt đời đi tìm tri kỉ giữa nhân tình thế thái đã gặp sự đồng cảm không chỉ của một người mà của mọi người, không chỉ của hôm nay mà cả mai sau:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày….

-----
Hãy để tâm hồn cuốn theo gió....

Xem thêm:
sự nghiệp của nguyễn du
thời đại của nguyễn du
đôi điều về nguyễn du
đóng góp của nguyễn du
vị trí của nguyễn du trong nền văn học
các sáng tác chính
của nguyễn du
những hiểu biết của em về nguyễn du
nguyễn du quê ở đâu
 
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày….

Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc – Bắc Ninh. Năm 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, được tập ấm một chức quan võ ở Thái Nguyên.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào năm 1788, ông lánh về quê vợ ở tỉnh Thái Bình. Mười năm ở quê vợ là quãng “Mười năm gió bụi”, bao cảnh cơ hàn, bần cực đã đến với ông. Khi bố vợ mất, người con trai lớn mất, Nguyễn Du cùng người con trai nhỏ Nguyễn Tứ về quê cũ ở xã Tiền Điền. Trở lại quê, dinh cơ của cha đã tan hoang, anh em đôi ngả, ông thốt lên “ Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”. Nguyễn Du được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ để làm nhà ở. Cũng từ đây, ông có biệt hiệu “Hồng Sơn liệp hộ” (người đi săn ở núi Hồng) và “Nam Hải điếu đồ” (người câu cá ở bể Nam).

Năm 1802, Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du được bổ làm Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (tỉnh Hà Tây). Con đường làm quan với nhà Nguyễn đang hanh thông, nhưng ông vẫn thấy không mặn mà với triều đại này, cho nên năm 1804 ông xin cáo bệnh về quê, nhưng chưa được bao lâu lại có chỉ gọi ông vào Kinh Đô. Mùa xuân 1805, ông được thăng Đông Các đại học sĩ, tước Du Đức hầu.

Tháng 2/1813, ông được thăng hàm Cần Chánh Đại học sĩ, rồi cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế Cống Chánh sứ, khi trở vềnước, ông có tập thơ “Bắc hành tạp lục” và được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ. Tháng 8/1820, vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, có lệnh sai Nguyễn Du đi làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, nhưng ông chưa kịp đi thì mất tại Kinh thành Huế vào ngày 16/9/1820 (dương lịch) hưởng thọ 55 tuổi.

Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều

Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, các sáng tác chữ Hán có: “Thanh Hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”. Sáng tác chữ Nôm có: “Văn chiêu hồn” nguyên có tên “văn tế thập loại chúng sinh”, “Thác lời trai phường nón”, “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”. Đặc biệt, khi nhắc đến Nguyễn Du chúng ta sẽ nhớ ngay đến thiên trường thi bất hủ “Đoạn trường Tân Thanh” mà hay được biết đến với tên gọi Truyện Kiều. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).

Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh, nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3254 câu lục bát, kể về 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều – người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến giày xéo. Truyện Kiều đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Truyện Kiều cũng là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp về một tình yêu trong sáng, thủy chung trong xã hội mà quan niệm hôn nhân, tình yêu hết sức khắc nghiệt. Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình yêu, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Cùng với đó Truyện Kiều còn là tiếng nói lên án các thế lực bạo tàn, chà đạp lên quyền con người; sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn bất lương, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con người thành hàng hóa để mua bán chà đạp.

Truyện Kiều khắc sâu trong lòng bao thế hệ nhân dân còn nhờ ở giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều, tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công lao đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ có một không hai trong lịch sử. Nghệ thuật tự sự trong Truyện Kiều, cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn đến chuyện, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lý con người.

Trong lời tựa cuốn Truyện Kiều ra mắt lần đầu tiên vào năm 1820, Mộng Liên Đường chủ nhân (Nguyễn Đăng Tuyển, 1795-1880) đã viết: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột… Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh cũng hệt, đàm tình đã thiết, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. Giáo sư Đào Duy Anh trong lời đầu từ điển Truyện Kiều (1974) cũng đã viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại nước ta”. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Pháp, Anh, Nga, Hàn, Nhật…

Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) cùng với 8 danh nhân văn hoá trên toàn thế giới. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới.

Về Hà Tĩnh thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du Từ trung tâm thành phố Vinh khoảng 8 km, qua cầu Bến Thủy là đến Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mấy trăm năm trước, mỗi khi nhắc đến Tiên Điền, người ta thường nghĩ ngay đến dòng họ Nguyễn bởi những giá trị văn hóa quý báu để lại. Dòng họ Nguyễn Tiền Điền nổi tiếng trâm anh thế phiệt, có nhiều người tài năng thành đạt trên con đường văn chương, khoa cử, y học, sử học, cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bởi vậy có câu ca “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, họ này hết quan” để nói về truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Tiên Điền.

Khu lưu niệm Nguyễn Du rộng khoảng 2 ha, là một quần thể tưởng niệm dòng họ Nguyễn Tiên Điền gồm: đền thờ Nguyễn Nghiễm – thân phụ của Nguyễn Du, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Huệ – bác ruột của Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Trọng, nhà tư văn… và khu lưu niệm Nguyễn Du. Khu di tích Tiên Điền ngày nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn với hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu mỗi năm. Đi theo những con đường nhỏ lát gạch xuyên qua hàng cây, bức tượng Nguyễn Du trước sân khu lưu niệm nổi bật với khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông. Tượng bằng đồng, cao 1,5m, bệ tượng cao 2,5m, trông toát lên thần thái nho nhã, thanh thoát của đại thi hào. Nhà thờ Nguyễn Du bày trí đơn sơ, giản dị như cốt cách của đại thi hào. Một bàn thờ bằng đá vôi cát, một chiếc bàn nhỏ để bút nghiên cùng một bức hoành đề chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, tước trung hiếu đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ: “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Cạnh nhà thờ Nguyễn Du là Trung tâm văn hóa Nguyễn Du là nơi trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền như: nghiên mực, chén uống trà, uống rượu, móc treo mũ áo… Cách khu lưu niệm khoảng 1 km là mộ Nguyễn Du. Năm 1820, Nguyễn Du mất tại Huế. Bốn năm sau (1824) hài cốt của cụ được con là Nguyễn Ngũ, cháu Nguyễn Thắng làm quan tại Huế cải táng đưa về quê nhà.

Sau nhiều lần di dời, đến năm 1990, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân, xây lại phần mộ cho cụ. Từ đó, tới nay qua nhiều lần chỉnh sửa mộ cụ ngày một tôn nghiêm hơn. Đến năm 2012, Khu lưu niệm Nguyễn Du được xếp hạng thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Từ quê hương, xã hội, gia đình, cuộc đời, năng khiếu bẩm sinh, đã tạo cho Nguyễn Du có trái tim yêu thương vĩ đại, một thiên tài văn chương với sự nghiệp văn học có giá trị lớn. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi với dân tộc và trở thành linh hồn của dân tộc.

sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top