VAI TRÒ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành thắng lợi là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, của tinh thần đoàn kết, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đó là kết tinh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta có lịch sử hàng nghìn năm chống kẻ thù xâm lược, là kết quả của 80 năm chống ách thống trị thực dân, trực tiếp là 15 năm đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam - Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ðảng Cộng sản Việt Nam từ một Ðảng hoạt động bí mật trở thành Ðảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc"(1).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi là kết quả của 15 năm đấu tranh liên tiếp của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trải qua ba cao trào cách mạng lớn là 1930 – 1931; 1936 – 1939; 1939 – 1945. Điều đó cho thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1-9-1939) bằng sự kiện Đức tấn công Ba Lan, ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới có thể bị bất ngờ về thời gian, quy mô, chiều hướng phát triển của nó. Nhưng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không hề bất ngờ. Bằng thiên tài về trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén, chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng và đưa ra những chủ trương biện pháp chuẩn bị đề phòng khi chiến tranh bùng nổ. Điều này được thể hiện rõ ngay sau khi xảy ra chiến tranh, Hội nghị Trung ương lần VI (tháng 11-1939), Hội nghị Trung ương lần VII (tháng 11- 1940) đã họp phân tích tình hình trong và ngoài nước, các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trước mắt, quyết định điều chỉnh về đường lối và phương pháp cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào chống bọn đế quốc và tay sai. Đặc biệt, ngày 28-1-1941 Hồ Chí Minh trở về nước sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người sáng lập ra Đảng ta nay trở về trực tiếp lãnh đạo cùng toàn Đảng chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Với sự nhạy bén của mình ngay khi về nước, Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ ngày 10 đến 19 tháng 5-1941) tại Cao Bằng. Hội nghị đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, vạch ra những chính sách cụ thể, sát hợp nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp, giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định rằng Hồ Chí Minh la người có công lao trước tiên trong việc khởi xướng, phát triển và hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, mà đây chính là nhân tố hàng đầu quyết định đến sự thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.
Trong quá trình xây dựng lực lượng đảm bảo cho cách mạng đi đến thắng lợi. Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của giai cấp công nhân, nông dân và liên minh công nông. Nhưng Người không xem nhẹ vai trò cách mạng của các giai cấp, tầng lớp khác. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên do Người soạn thảo (2-1930). Cương lĩnh nêu rõ: “công nông là gốc cách mạng. Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ đều là bầu bạn cách mạng của công nông”(2). Muốn có được kết quả đó Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông và phú nông, trung tiểu địa chủ, tư sản chưa rõ mặt phản cách mạng, chí ít làm cho họ trung lập... Người cũng đã nói: việc cứu nước không phải là việc làm của một hai người mà là việc làm chung của cả dân tộc. Vì thế: “tất cả đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”(3). Khi xây dựng lực lượng, Hồ Chí Minh nhận thấy cần phải mở rộng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc. Bởi lẽ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(4). Và chính là theo tư tưởng, theo sáng kiến của Người, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) đã được thành lập(19/5/1941). Do đáp ứng đúng yêu cầu lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân, trong một thời gian ngắn, Việt Minh đã phát triển thành một tổ chức rộng lớn, mạnh mẽ, mở rộng căn cứ địa cách mạng thông qua phong trào “Nam tiến”.
Điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa là chú trọng xây dựng cả hai lực lượng: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Cơ sở chính trị mở rộng đến đâu, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ngay đến đó. Ngay khi vừa về Pác Bó, cùng với việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng phong trào Việt Minh ở Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã lựa chọn một số hội viên ưu tú gửi ra nước ngoài đào tạo. Cũng thời gian này, Người cùng với Đảng ta biên soạn và biên dịch nhiều tài liệu để trang bị quân sự, phương pháp cách mạng, tổ chức lực lượng như: Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Nga, Phép dùng binh của Tôn Tử,… Và đặc biệt, Người đã Chỉ thị thành lập đội vũ trang chính quy mang tên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944). Bản chỉ thị nêu rõ lý do phải tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, phải vũ trang toàn dân, mối quan hệ giữa đội quân chủ lực với vũ trang địa phương... Với những tài liệu, cách thức tổ chức, huấn luyện và sự quan tâm thiết thực của Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ trong thời gian này đã cho thấy, Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu rõ những quan điểm quân sự của Đảng ta một cách có hệ thống. Hồ Chí Minh là người sáng lập lực lượng vũ trang cách mạng, là người cha thân yêu của quân đội nhân dân Việt Nam.
Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, phát huy nội lực nhưng Người cũng tìm mọi khả năng tranh thủ ngoại lực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của lực lượng Đồng minh nhằm “thêm bạn bớt thù” đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Vì thế quân và dân ta đã chuẩn bị về mọi mặt chờ đợi thời cơ đến.
Đến những ngày đầu tháng 8 – 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước lên đến đỉnh điểm, cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai đang đi vào hồi kết, bọn phát xít Nhật đã bị bại trận, chính quyền bù nhìn tay sai tan rã. Với sự nhạy bén, thiên tài về trí tuệ của mình, Hồ Chí Minh đã nhận thấy thời cơ quyết định cho vận mệnh của dân tộc đã đến. Người khẳng định: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập. Từ chỉ thị của Hồ Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng (14-15/8) và của Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (16-17/8), họp quyết định phát động "Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Cách mạng Tháng Tám nổ ra đúng lúc thành công nhanh chóng. Cách mạng giành thắng lợi không phải một cách ngẫu nhiên mà đó là cả một nghệ thuật phân tích và dự báo chính xác, nắm bắt thời cơ tài giỏi của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với bản "Tuyên ngôn độc lập" bất hủ, Người đã khai sinh ra chế độ mới, khai sinh ra chính quyền mới - chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc mà ý nghĩa của những tư tưởng đó vẫn còn giá trị lâu dài. Nhiều bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám (1945) của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
ST