Không riêng gì Quảng Nam - Đà Nẵng có những thổ ngữ hoặc cách phát âm khiến nhiều người khác khó nghe, khó hiểu, các địa phương khác cũng có những trường hợp tương tự như vậy. Nhưng đó lại chính là hồn quê của mỗi địa phương.
Trích sách "Người Quảng Nam" - tác giả Lê Minh Quốc
8.
Khảo sát về giọng nói Quảng Nam là một công trình lớn cần có sự đóng góp của nhiều người, nhiều giới. Không riêng gì Quảng Nam - Đà Nẵng có những thổ ngữ hoặc cách phát âm khiến nhiều người khác khó nghe, khó hiểu, các địa phương khác cũng có những trường hợp tương tự như vậy. Nhưng đó lại chính là hồn quê của mỗi địa phương. Chỉ cần nghe giọng nói, là người ta nhận ra bóng dáng của quê nhà - đã có lần tôi cảm nhận:
Bóng hình này giống người ta
Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi
Hồn quê đặt ở trên môi
Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về
Ở đây, tôi chỉ mạn phép bàn về giọng Quảng trong sự ngẫu hứng sau khi đọc bài vè của tác giả Nguyễn Tiến Nhẫn in trong tập Bảo An đất và người (NXB Đà Nẵng, 1999). Thử đọc bài vè này, ta có thể sẽ hiểu ít nhiều một vài kiểu phát âm của người Quảng Nam:
Quê tôi A phát thành OA
Ă thành E hết, AO ra Ô mà...
Không những thế, ta thấy họ còn phát âm OAI thành UA (như nhớ hoài: nhớ hùa); OI thành UA (như nói năng: núa neng); ĂN thành EN (như muối mặn: muối mẹn)... Có chuyện rằng, một cậu bé Đà Nẵng thấy con gì đó đang bò trên tường, vừa kêu lên vừa đưa tay chỉ cho thằng bạn mới từ Sài Gòn ra xứ Quảng chơi:
- Ê, cua kìa! Con chi mà lọa!
Thằng nhóc Sài Gòn lấy làm lạ, liền ngước mắt lên nhìn thì có thấy con cua gì đâu! Chỉ thấy... con thằn lằn!
ẮT thành ÉC (như tắt đèn: téc đèn. Có trường hợp “ngoại lệ” như xa lắc: xa léc - xa quéc); AM thành ÔM (như làm: lồm)... Và khi đặt câu hỏi người ta thường dùng thổ ngữ: ri (như thế này), rứa (vậy, thế), răng (sao), mô (đâu), hỉ (hả) v.v...; khi nghe thế người kia trả lời: nớ (kia), tê (kia), ni (đây), trển (trên), chừ (bây giờ), chi (gì) v.v... Ta thử đoán xem, họ đang nói gì:
Chừ hay mai mốt anh ơi
Chu choa lâu rứa lơi bơi trổ trời
Ba nhe là bậu ba rơi
Ba lia, ba lém cùng đời ba lơn
Mưa dầm thấm đất lấm lem
Mưa chi dai nhách ba bên bốn bề
Ở đây, chữ "trổ trời" có thể hiểu là tính từ chỉ một hành động nào đó vượt ra ngoài khuôn phép - chẳng hạn, đứa con trong nhà không ngoan, hư đốn quá lắm, người mẹ mắng: "-Cái thằng hư trổ trời!" là vậy. Nhưng cũng để diễn đạt ý nghĩa tương tự, ở cấp độ thấp hơn, người ta còn dùng từ "hoang", như: "-Cái thằng ni hoang quá". Người ta gọi là "ngẳng" để chỉ sự nghịch ngợm, như: "Cái thằng chơi ngẳng ghê, ai đời hắn lấy kéo cắt râu mèo". Ta đọc tiếp:
Mùa nam cau chuối héo queo
Vàng rùm đồng lúa, ốm teo cả người
Trâu bò hết cỏ nhá nhơi
Ô hồ cạn xịt, phơi khô dâu tằm
Hạn chi hạn miết khô rang
Nắng chi nắng miết nắng chang chang trời
Nắng cho hết nghí ngỡn cười
Ở trần chẳng dị, quạt lì ra tay
Ở đây, "ô" là ao, "cạn xịt" nghĩa là nước trong ao hồ đã cạn chỉ còn xăm xắp nước, tương tự "ít xịt" là rất ít; "miết" là mãi, chỉ một hành động kéo dài - chẳng hạn câu thơ của Lưu Trọng Lư "Mưa chi mưa mãi", người xứ Quảng hiểu là "Mưa chi mưa miết"; "nghí ngỡn" ta có thể hiểu là dễ ngươi, lờn mặt, đùa giỡn thái quá tùy ngữ cảnh, như: "-Đừng có nghí ngỡn, sắp mưa rồi đó, mau chạy về nhà đi"; "dị" là mắc cỡ, e thẹn; còn "dị òm" là hết sức mắc cỡ, tương tự như thế người ta còn nói "mắc tịt"...
Mùa ni bí rị phát khùng
Nực chi xà lỏn vẫn lùng bùng tai
Cầu trời túi mốt sớm mai
Nồm về thả cửa mát rười rượi nhau
"Bí rị" là bít bùng, không lối thoát, tắc nghẽn như trong câu hỏi: "Buồn chi mà mặt mày bí rị rứa?"; nhưng "rị" lại là kéo, như: “-Cây ni nặng lắm, bọn bay tới rị giùm tau với”; “túi” là tối, còn “túi thui” là rất tối...
Tới đây tao biểu mi nè
Cháo ngọt đậu ván bát chè thơm thơm
Mình đâu có phỉnh mà lờn
Uống ăn ngọt xớt còn thơm lựng lừng
"Biểu" là bảo; "phỉnh" là dụ dỗ, gạ gẫm; "ngọt xớt" là rất ngọt... Trong ca dao xưa ở xứ Quảng có câu:
Một nong tằm là năm nong kén
Một nong kén là chín nén tơ
Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ
Linh đinh quán sấm, dật dờ quán sen
Thú vị quá, ta hãy tìm hiểu thêm một vài thổ ngữ khác, chẳng hạn "điệu" là làm dáng như: "- Chà! Bữa ni ăn mặc điệu quá ta!", tương tự như thế còn có chữ "gồ" nữa; "gò" là tán tỉnh như: "-Cái thằng ni trổ trời, hỉ mũi còn chưa sạch mà đã gò gái"; thuở nhỏ, tôi còn nghe một từ tương tự là "cua" như: "- Anh Tư đi cua gái hay reng mà cái đầu láng mướt rứa hè?"; "ế" dành để chỉ những cô gái lỡ thì, không có người cưới hỏi; "ghế" là chỉ cơm độn với ngũ cốc như: "- Cơm bữa ni ghế với khoai lang"; "hú hí" là nhỏ to với nhau; "in" là giống nhau như đúc; "không reng (răng)" là không sao, đừng sợ như: "- Chó sủa thôi chớ không reng mô"; "lợt nhớt" là quá lợt; "rượng" là "ngứa nghề"; "sít rịt" là sít với nhau không hở; "trịt" là tẹt như: "- Cô kia cái mặt cũng dễ coi nhưng tiếc cái mũi trịt"; "ủm" là thu hết về cho mình, như để chỉ hành động ôm em bé vào lòng mình làm cho bé ấm áp, người ta nói: "- Ủm em", còn "ẵm" là bồng...
Tôi còn nhớ thuở nhỏ, mẹ tôi đã hát ru bài đồng dao xứ Quảng:
Con chim se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác hòn sành
Tôi lia chết giãy
Tôi đem tôi kỉnh
Cho thầy một mâm
Thầy hỏi chim gì?
Con chim sẻ sẻ
Ta biết "kỉnh" là biếu, "lia" là ném, là vứt. Lại nữa, "phách" là phách lối, kiêu căng, kiêu ngạo như: "- Mày chữ nghĩa bao nhiêu? Không đầy lá mít! Đừng có mà làm phách"; "xanh xảnh" là nói hỗn, thiếu lễ phép như: "- Cô kia nói chuyện với bà già mà cứ xanh xảnh cái giọng"; "yểu xìu" là quá yếu; "tổ chảng" là to lớn, có câu nói: "- Đình làng tổ chảng uy nghi lạ thường"; nhưng mập quá cỡ thì họ là nói "mập ú"; trái cây mua về, chưa chín, thường người Quảng Nam bỏ vào trong hũ gạo, đợi chín thì gọi là "giú"; "cái ảng" là cái lu như: "- Chiều ni mi đi gánh nước đổ đầy ảng nghe!"; "giả đò" là "giả vờ", tương tự còn có "làm bộ làm tịch"... Ca dao Quảng Nam có câu:
Giả đò buôn kén, bán tơ
Đi ngang qua ngõ đưa thơ cho chàng
Khi nghe mẹ ru em:
Chiều tà ngả bóng nương dâu
Vịn cành bẻ lá em sầu duyên tơ
Thì ta hiểu "vịn" là "dựa vào". Không chỉ có thế, họ còn nói "thọa" là cái hộc tủ; "cụi" là tủ đựng thức ăn, đặt dưới bếp - thông thường thị dân còn gọi là cái "gạc măng rê" (phiên âm Garde manger của Pháp). Cái cụi này ở nông thôn xứ Quảng, người ta thường để bốn cái tô bằng sành, rẻ tiền, dưới bốn chân tủ, đổ đầy nước để ngăn kiến, sâu bọ không theo đó mà leo lên; "lủm" là từ chỉ hành động bốc một vật gì đó bỏ vào trong miệng, như: "-Miếng thịt mới đây đứa mô lủm rồi?"; "trã" tương tự như cái chảo, làm bằng đất, không sâu chỉ trèn trèn, dùng để kho cá; "kiệt" là hẻm; "kiết" là keo kiệt, như: “- Thằng cha ni giàu mà kiết"; "đầu dầu" là đầu trần, như thấy người kia đi giữa nắng chang chang không đội nón, người này nói: "- Reng (răng) mà đi đầu trần (hoặc đầu dầu) rứa? Không sợ cảm néng (nắng) à?"; "ở dổng" là ở truồng, như người ra thường nói: "-Không biết dị à? Lớn rồi mà còn ở dổng!"; "hục" là "hố" như ta thường nghe: "- Mi ra ngoài kia đào cho tao cái hục, sâu chừng nửa thước"; ướt đẫm thì họ nói là "ướt nhẹp"...
Nghĩ cũng lạ cho thổ âm, thổ ngữ địa phương. Mới đây, khi đến Huế dự festival Huế 2006 tôi đã "phát hiện" ra chữ “té” ngộ nghĩnh của người miền Trung nói chung. Lúc ấy, đang ngồi ăn chè trên bờ bắc sông Hương, chè hạt sen ngọt mà thanh, ăn đến đâu mát rượi đến đó bỗng tôi giật bắn người khi nghe người chị bảo cô em nhỏ: "-Ăn xong rồi, té ghế mà về". Ủa! Cái gì lạ vậy? Sao lại có "té" mà lại "té ghế" ở đây? Với người Quảng Nam, "té" là ngã, vấp ngã, vấp té như có câu: "-Kìa! Đi đứng sớn sác coi chừng té dập mỏ!". Với người Huế, để nói ai đó bị "té" thì họ lại dùng chữ "bổ", ta thường nghe nói đến các từ liên quan như bổ lăn cù (té lăn), bổ ngửa (té nằm ngửa), bổ nhào (té nhào)… Người Huế và người Quảng Trị cũng dùng từ té, nhưng cụ thể ý nghĩa của "té ghế" lại là… "nhường ghế cho người khác ngồi"!
Trích sách "Người Quảng Nam" - tác giả Lê Minh Quốc
8.
Khảo sát về giọng nói Quảng Nam là một công trình lớn cần có sự đóng góp của nhiều người, nhiều giới. Không riêng gì Quảng Nam - Đà Nẵng có những thổ ngữ hoặc cách phát âm khiến nhiều người khác khó nghe, khó hiểu, các địa phương khác cũng có những trường hợp tương tự như vậy. Nhưng đó lại chính là hồn quê của mỗi địa phương. Chỉ cần nghe giọng nói, là người ta nhận ra bóng dáng của quê nhà - đã có lần tôi cảm nhận:
Bóng hình này giống người ta
Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi
Hồn quê đặt ở trên môi
Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về
Ở đây, tôi chỉ mạn phép bàn về giọng Quảng trong sự ngẫu hứng sau khi đọc bài vè của tác giả Nguyễn Tiến Nhẫn in trong tập Bảo An đất và người (NXB Đà Nẵng, 1999). Thử đọc bài vè này, ta có thể sẽ hiểu ít nhiều một vài kiểu phát âm của người Quảng Nam:
Quê tôi A phát thành OA
Ă thành E hết, AO ra Ô mà...
Không những thế, ta thấy họ còn phát âm OAI thành UA (như nhớ hoài: nhớ hùa); OI thành UA (như nói năng: núa neng); ĂN thành EN (như muối mặn: muối mẹn)... Có chuyện rằng, một cậu bé Đà Nẵng thấy con gì đó đang bò trên tường, vừa kêu lên vừa đưa tay chỉ cho thằng bạn mới từ Sài Gòn ra xứ Quảng chơi:
- Ê, cua kìa! Con chi mà lọa!
Thằng nhóc Sài Gòn lấy làm lạ, liền ngước mắt lên nhìn thì có thấy con cua gì đâu! Chỉ thấy... con thằn lằn!
ẮT thành ÉC (như tắt đèn: téc đèn. Có trường hợp “ngoại lệ” như xa lắc: xa léc - xa quéc); AM thành ÔM (như làm: lồm)... Và khi đặt câu hỏi người ta thường dùng thổ ngữ: ri (như thế này), rứa (vậy, thế), răng (sao), mô (đâu), hỉ (hả) v.v...; khi nghe thế người kia trả lời: nớ (kia), tê (kia), ni (đây), trển (trên), chừ (bây giờ), chi (gì) v.v... Ta thử đoán xem, họ đang nói gì:
Chừ hay mai mốt anh ơi
Chu choa lâu rứa lơi bơi trổ trời
Ba nhe là bậu ba rơi
Ba lia, ba lém cùng đời ba lơn
Mưa dầm thấm đất lấm lem
Mưa chi dai nhách ba bên bốn bề
Ở đây, chữ "trổ trời" có thể hiểu là tính từ chỉ một hành động nào đó vượt ra ngoài khuôn phép - chẳng hạn, đứa con trong nhà không ngoan, hư đốn quá lắm, người mẹ mắng: "-Cái thằng hư trổ trời!" là vậy. Nhưng cũng để diễn đạt ý nghĩa tương tự, ở cấp độ thấp hơn, người ta còn dùng từ "hoang", như: "-Cái thằng ni hoang quá". Người ta gọi là "ngẳng" để chỉ sự nghịch ngợm, như: "Cái thằng chơi ngẳng ghê, ai đời hắn lấy kéo cắt râu mèo". Ta đọc tiếp:
Mùa nam cau chuối héo queo
Vàng rùm đồng lúa, ốm teo cả người
Trâu bò hết cỏ nhá nhơi
Ô hồ cạn xịt, phơi khô dâu tằm
Hạn chi hạn miết khô rang
Nắng chi nắng miết nắng chang chang trời
Nắng cho hết nghí ngỡn cười
Ở trần chẳng dị, quạt lì ra tay
Ở đây, "ô" là ao, "cạn xịt" nghĩa là nước trong ao hồ đã cạn chỉ còn xăm xắp nước, tương tự "ít xịt" là rất ít; "miết" là mãi, chỉ một hành động kéo dài - chẳng hạn câu thơ của Lưu Trọng Lư "Mưa chi mưa mãi", người xứ Quảng hiểu là "Mưa chi mưa miết"; "nghí ngỡn" ta có thể hiểu là dễ ngươi, lờn mặt, đùa giỡn thái quá tùy ngữ cảnh, như: "-Đừng có nghí ngỡn, sắp mưa rồi đó, mau chạy về nhà đi"; "dị" là mắc cỡ, e thẹn; còn "dị òm" là hết sức mắc cỡ, tương tự như thế người ta còn nói "mắc tịt"...
Mùa ni bí rị phát khùng
Nực chi xà lỏn vẫn lùng bùng tai
Cầu trời túi mốt sớm mai
Nồm về thả cửa mát rười rượi nhau
"Bí rị" là bít bùng, không lối thoát, tắc nghẽn như trong câu hỏi: "Buồn chi mà mặt mày bí rị rứa?"; nhưng "rị" lại là kéo, như: “-Cây ni nặng lắm, bọn bay tới rị giùm tau với”; “túi” là tối, còn “túi thui” là rất tối...
Tới đây tao biểu mi nè
Cháo ngọt đậu ván bát chè thơm thơm
Mình đâu có phỉnh mà lờn
Uống ăn ngọt xớt còn thơm lựng lừng
"Biểu" là bảo; "phỉnh" là dụ dỗ, gạ gẫm; "ngọt xớt" là rất ngọt... Trong ca dao xưa ở xứ Quảng có câu:
Một nong tằm là năm nong kén
Một nong kén là chín nén tơ
Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ
Linh đinh quán sấm, dật dờ quán sen
Thú vị quá, ta hãy tìm hiểu thêm một vài thổ ngữ khác, chẳng hạn "điệu" là làm dáng như: "- Chà! Bữa ni ăn mặc điệu quá ta!", tương tự như thế còn có chữ "gồ" nữa; "gò" là tán tỉnh như: "-Cái thằng ni trổ trời, hỉ mũi còn chưa sạch mà đã gò gái"; thuở nhỏ, tôi còn nghe một từ tương tự là "cua" như: "- Anh Tư đi cua gái hay reng mà cái đầu láng mướt rứa hè?"; "ế" dành để chỉ những cô gái lỡ thì, không có người cưới hỏi; "ghế" là chỉ cơm độn với ngũ cốc như: "- Cơm bữa ni ghế với khoai lang"; "hú hí" là nhỏ to với nhau; "in" là giống nhau như đúc; "không reng (răng)" là không sao, đừng sợ như: "- Chó sủa thôi chớ không reng mô"; "lợt nhớt" là quá lợt; "rượng" là "ngứa nghề"; "sít rịt" là sít với nhau không hở; "trịt" là tẹt như: "- Cô kia cái mặt cũng dễ coi nhưng tiếc cái mũi trịt"; "ủm" là thu hết về cho mình, như để chỉ hành động ôm em bé vào lòng mình làm cho bé ấm áp, người ta nói: "- Ủm em", còn "ẵm" là bồng...
Tôi còn nhớ thuở nhỏ, mẹ tôi đã hát ru bài đồng dao xứ Quảng:
Con chim se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác hòn sành
Tôi lia chết giãy
Tôi đem tôi kỉnh
Cho thầy một mâm
Thầy hỏi chim gì?
Con chim sẻ sẻ
Ta biết "kỉnh" là biếu, "lia" là ném, là vứt. Lại nữa, "phách" là phách lối, kiêu căng, kiêu ngạo như: "- Mày chữ nghĩa bao nhiêu? Không đầy lá mít! Đừng có mà làm phách"; "xanh xảnh" là nói hỗn, thiếu lễ phép như: "- Cô kia nói chuyện với bà già mà cứ xanh xảnh cái giọng"; "yểu xìu" là quá yếu; "tổ chảng" là to lớn, có câu nói: "- Đình làng tổ chảng uy nghi lạ thường"; nhưng mập quá cỡ thì họ là nói "mập ú"; trái cây mua về, chưa chín, thường người Quảng Nam bỏ vào trong hũ gạo, đợi chín thì gọi là "giú"; "cái ảng" là cái lu như: "- Chiều ni mi đi gánh nước đổ đầy ảng nghe!"; "giả đò" là "giả vờ", tương tự còn có "làm bộ làm tịch"... Ca dao Quảng Nam có câu:
Giả đò buôn kén, bán tơ
Đi ngang qua ngõ đưa thơ cho chàng
Khi nghe mẹ ru em:
Chiều tà ngả bóng nương dâu
Vịn cành bẻ lá em sầu duyên tơ
Thì ta hiểu "vịn" là "dựa vào". Không chỉ có thế, họ còn nói "thọa" là cái hộc tủ; "cụi" là tủ đựng thức ăn, đặt dưới bếp - thông thường thị dân còn gọi là cái "gạc măng rê" (phiên âm Garde manger của Pháp). Cái cụi này ở nông thôn xứ Quảng, người ta thường để bốn cái tô bằng sành, rẻ tiền, dưới bốn chân tủ, đổ đầy nước để ngăn kiến, sâu bọ không theo đó mà leo lên; "lủm" là từ chỉ hành động bốc một vật gì đó bỏ vào trong miệng, như: "-Miếng thịt mới đây đứa mô lủm rồi?"; "trã" tương tự như cái chảo, làm bằng đất, không sâu chỉ trèn trèn, dùng để kho cá; "kiệt" là hẻm; "kiết" là keo kiệt, như: “- Thằng cha ni giàu mà kiết"; "đầu dầu" là đầu trần, như thấy người kia đi giữa nắng chang chang không đội nón, người này nói: "- Reng (răng) mà đi đầu trần (hoặc đầu dầu) rứa? Không sợ cảm néng (nắng) à?"; "ở dổng" là ở truồng, như người ra thường nói: "-Không biết dị à? Lớn rồi mà còn ở dổng!"; "hục" là "hố" như ta thường nghe: "- Mi ra ngoài kia đào cho tao cái hục, sâu chừng nửa thước"; ướt đẫm thì họ nói là "ướt nhẹp"...
Nghĩ cũng lạ cho thổ âm, thổ ngữ địa phương. Mới đây, khi đến Huế dự festival Huế 2006 tôi đã "phát hiện" ra chữ “té” ngộ nghĩnh của người miền Trung nói chung. Lúc ấy, đang ngồi ăn chè trên bờ bắc sông Hương, chè hạt sen ngọt mà thanh, ăn đến đâu mát rượi đến đó bỗng tôi giật bắn người khi nghe người chị bảo cô em nhỏ: "-Ăn xong rồi, té ghế mà về". Ủa! Cái gì lạ vậy? Sao lại có "té" mà lại "té ghế" ở đây? Với người Quảng Nam, "té" là ngã, vấp ngã, vấp té như có câu: "-Kìa! Đi đứng sớn sác coi chừng té dập mỏ!". Với người Huế, để nói ai đó bị "té" thì họ lại dùng chữ "bổ", ta thường nghe nói đến các từ liên quan như bổ lăn cù (té lăn), bổ ngửa (té nằm ngửa), bổ nhào (té nhào)… Người Huế và người Quảng Trị cũng dùng từ té, nhưng cụ thể ý nghĩa của "té ghế" lại là… "nhường ghế cho người khác ngồi"!