Vài suy nghĩ về sự đổi mới thơ ca

VÀI SUY NGHĨ VỀ SỢ ĐỔI MỚI THI CA

ap_20100928104455678.jpg

Vũ Nho tại Đại hội nhà văn VN lần thứ 8
(ChuThị Thơm chụp)



VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI THƠ CA



Vũ Nho


MỖI KHI CÓ NHỮNG THAY ĐỔI LỚN CỦA XÃ HỘI, VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NÓI CHUNG VÀ THƠ CA NÓI RIÊNG CŨNG CÓ NHỮNG SỰ ĐỔI THAY. TUY VẬY CÁC CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG TRÙNG KHỚP VỚI CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI, VÀ THỜI GIAN CỦA NÓ CŨNG KHÔNG GIỐNG NHƯ CÁCH MẠNG XÃ HỘI. CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI CÓ KHI CHỈ CẦN MỘT TUẦN, MỘT THÁNG HAY VÀI THÁNG LÀ ĐÃ CÓ THỂ XÂY DỰNG XONG MỘT THIẾT CHẾ MỚI, THAY THẾ CHO THIẾT CHẾ CŨ. CÒN CUỘC CÁCH MẠNG THƠ CA CHẲNG HẠN THÌ ĐÒI HỎI MỘT THỜI GIAN DÀI HƠN NHIỀU.

Chúng ta nhớ lại cuộc cách mạng thơ ca ở đầu thế kỉ chuyển từ thơ cũ sang thơ mới. Kể từ ngày nhóm lên năm 1932 với phát đạn tạo ra "một lỗ thủng" trên thành trì thơ cũ, phải mất đúng mười năm, đến năm 1941, khi Hoài Thanh và Hoài Chân viết Thi nhân Việt Nam, thì mới tạm coi là cuộc cách mạng hoàn thành. Điều đáng chú ý là khi Thơ mới ca khúc khải hoàn thì lúc ấy không còn phân biệt mới - cũ nữa. Chỉ còn thơ mà thôi. Đúng như Chế Lan Viên hồi ấy đã viết: "Phân chia bờ cõi Thơ bằng hai chữ Mới Cũ chẳng có ý nghĩa gì" (Tựa Mùa cổ điển).

Có lẽ cần nhận rõ sự khác biệt giữa sự tìm tòi đổi mới thường xuyên của một vài nhà thơ có ý thức cao về nghề nghiệp với một sự đổi mới mạnh mẽ có tính chất cách mạng, hay đó là cuộc canh tân rộng lớn của một nền thơ. Trước khi có cuộc cách mạng thơ mới, thi sĩ Tản Đà cũng đã từng cảm thấy sự gò bó, tù túng của thơ cũ. Ông đã đặt vấn đề thay đổi:


Nếu không phá cách, vứt điệu luật
Khó cho thiên hạ đến bao giờ


Bản thân Tản Đà cũng sáng tạo ra các thể thơ riêng. Đó là sự tìm tòi của cá nhân. Hoài Thanh, Hoài Chân cung chiêu anh hồn Tản Đà vì lẽ ông là người của hai thế kỉ, hơn nữa lại còn là người "đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kì đương sắp sửa". Thật ra mãi đến năm 1939 Tản Đà mới mất, nghĩa là nhà thơ này có 7 năm viết khi sự đổi thay của thơ mới bắt đầu. Thế nhưng ông không được xếp vào các nhà thơ mới – mặc dù “Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng lắm”! Cá nhân một nhà thơ, dù có tài năng, dù có ảnh hưởng rộng thì cũng không thể làm nên một cuộc cách mạng thi ca (nhưng có thể “châm ngòi” cho một xu hướng cách tân nào đó. Chẳng hạn trường hợp thơ Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chống Pháp – như báo Văn nghệ số đặc biệt Ngày thơ Việt Nam 2003 đã tường thuật lại).

Nói về một cuộc cách mạng trong thi ca là phải nói đến sự thay đổi của số đông các nhà thơ, nói về thời gian khá dài của cuộc biến đổi, và chắc chắn số lần thay đổi lớn như thế không nhiều.

Kể từ sau cuộc cách mạng thơ ca của phong trào thơ mới, chúng ta có bao nhiêu lần đổi thay quy mô như thế? Trả lời câu hỏi này thật chẳng dễ dàng gì.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét thơ kháng chiến có phải là một cuộc cách mạng về thơ ca hay đó chỉ là sự nối tiếp, thừa hưởng những thành quả của thơ mới.


Ai nấy đều biết những nhà thơ theo kháng chiến là những cây bút lừng danh, trụ cột của phong trào thơ mới: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư... Nếu chỉ là sự tiếp tục của thơ mới thì vì sao mà các cây bút này lại phải có thời gian để làm việc nhận đường? Rõ ràng, đã xảy ra một biến động lớn lao, làm thay đổi quan niệm về thơ ca, về đối tượng phục vụ, về vai trò của nhà thơ. Khi còn trong phong trào thơ mới, các nhà thơ đã làm gì? Chế Lan Viên nhận xét:

Ta làm con nai lạc giữa rừng thu
Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo
Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ
Làm tất cả, chỉ trừ không đổ máu
Người thay đổi đời tôi Người thay đổi thơ tôi


Đi theo kháng chiến, chính là đi từ cái Tôi bé nhỏ, cô đơn, bế tắc đến với cái Ta lớn lao, cường tráng, hừng hực sức sống của dân tộc. Cũng đồng nghĩa với việc đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui như cách nói của Chế Lan Viên. Đi với kháng chiến, nhà thơ cách mạng khác hẳn con người cũ của mình. Hãy so sánh cái Tôi của nhà thơ Xuân Diệu ở thời kì hậu thơ mới với cái Ta thơ mới mà Chế Lan Viên viết bên trên:

Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao
Những đêm hành quân


Phải mất nhiều năm, những nhà thơ mới dần dần mới trở thành thi sĩ của cách mạng. Và họ đã đi suốt từ cuộc kháng chiến chống Pháp qua cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Trong khi đó, các cây bút thơ ở miền Nam khi đất nước chia cắt vẫn viết chủ yếu theo tinh thần của thơ mới. Cái Tôi trong phong trào thơ mới vẫn phát triển tự do. Những tìm tòi thay đổi của một vài cá nhân không thể gọi là một cuộc cách tân thơ được. Bởi vậy khó có thể kết luận sự đổi mới thơ nước ta bắt đầu bằng những cố gắng, tìm tòi của các cây bút sống và viết ở miền Nam.

Một cái mốc thời gian nữa phải kể đến là thời kì Đổi mới của đất nước từ Đại hội Đảng VI. Sau khi nước ta tiến hành mở cửa và xác định theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xã hội có những biến động sâu sắc. Việc từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, việc phát triển nhiều thành phần kinh tế, việc cởi trói cho văn nghệ sĩ khỏi những ràng buộc vô hình đã thổi một luồng gió mới vào xã hội. Một lần nữa, chúng ta lại được chứng kiến sự đổi thay.

Đổi thay từ việc thể hiện cách ăn mặc, đi đứng của thanh niên: Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò. Con gái. Môi mọng chín. Mắt xanh đánh võng. áo ba lỗ. Soóc bò. Phóng Dream cong kim cây số (Phạm Công Trứ, Nguyễn Việt Bắc). Đổi thay trong quan hệ bạn bè: Bạn xưa chay tịnh vườn Bùi. Bạn nay thịt chó dạy mùi Nhật Tân. Đổi thay trong xã hội: Bây giờ lạ lắm người ta. Hiền lành rồi cũng hoá ra lắm lời. Bây giờ lạ nữa cả tôi (Phạm Công Trứ), đổi thay cả cách yêu: Nhiều cuộc tình không nhìn thấy mặt – Quáng quàng phôn, mạng, enter (Nguyễn Trọng Hoàn)...

Hoài Thanh, Hoài Chân khi tổng kết phong trào Thơ mới đã dẫn lời Lưu Trọng Lư diễn thuyết ở Học hội Quy Nhơn về sự đổi thay của tâm lí lớp thanh niên và kết luận: "Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy" (Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Hội nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 1988, trang 11). Không nghi ngờ gì, cuộc cách mạng thơ ca lần thứ ba(hay gọi là cuộc canh tân thơ cho khiêm tốn) đã diễn ra. Có điều một số người lại coi đây là sự "đổi gác". Từ ngữ đổi gác nghe có vẻ quân sự nhưng quả thật có phần không rõ nghĩa. Ai gác? Gác cái gì? Ai đổi cho ai? Dù về mặt từ dùng cần phải làm cho rõ, nhưng đúng là có một nhu cầu cách tân thơ ca và sự cách tân đó đang diễn ra.
Như vậy, có thể nói tóm tắt rằng cuộc cách mạng về thơ ca ở nước ta có ba cái mốc đáng chú ý: phong trào thơ mới 1932-1941; thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (Rất tiếc là chưa thể làm một cuộc tổng kết về sự bắt đầu và tạm hoàn thành như thơ mới. Có ý kiến lại muốn chia thời chống Pháp, thời chống Mĩ làm 2 thời kì đổi mới); và cuộc đổi mới hiện nay gắn liền với thời kì đổi mới của nước ta.

Sẽ còn phải trao đổi về quan niệm và về mốc thời gian. Chúng tôi muốn tập trung nêu lên một số phương hướng đổi mới vế nội dung và hình thức thơ những năm gần đây.
*
* *
Có lẽ sự trăn trở đầu tiên chính là suy nghĩ về vai trò, chức năng của thơ ca. Thật ra, đây không phải là một vấn đề mới hoàn toàn. Nhưng rõ ràng chưa bao giờ, vai trò của thơ ca được đem ra bàn bạc và nhận thức lại rộng rãi như bây giờ. Một thời dài, thơ (văn) là công cụ để chuyển tải tư tưởng, để giáo dục mình và răn dạy người đời là một lẽ hiển nhiên. Có lúc thơ chỉ được coi như là cây đàn muôn điệu để ca hát, thở than, véo von, yên ủi... (Cây đàn muôn điệu - Thế Lữ). Với Xuân Diệu thì khi ấy nhà thơ là một con chim lạ ngứa cổ hót chơi. Trong khi đó, các thi sĩ của cách mạng đòi hỏi thơ phải là "bom đạn phá cường quyền", cán bút là đòn xoay chế độ, và nhà thơ cũng phải biết xung phong (Sóng Hồng, Hồ Chí Minh).

Khi đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, những nhà thơ theo cách mạng đã triệt để đem thơ ca phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc. Tiếp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng vậy. Thơ có chức năng ca ngợi Tổ quốc, trong xây dựng cũng như trong chiến đấu.

Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hót
Ca ngợi trăm lần tổ quốc chúng ta

(Tố Hữu - Mùa thu mới)

Trong lời giới thiệu tập Thơ chống Mỹ cứu nước, Chế Lan Viên đã viết "Cùng nhân dân, lực lượng thơ đóng góp vào sự giữ vững cái trận địa tinh thần ấy (lòng quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta - VN chú). Vinh dự cho làng thơ Việt Nam..." (Sách đã dẫn, trang 29).

Trong khi đó các nhà thơ khác ở miền Nam không nhất thiết phải đem thơ làm vũ khí, không nhất thiết phải dùng thơ để ca ngợi hay tô vẽ cho chính quyền nguỵ. Họ có nhiều khoảng không để tiếp tục nói về cái tôi, những băn khoăn, trăn trở cá nhân. Có thể khái quát thế này chăng: Trong khi thơ miền Bắc thiên về cộng đồng, về đất nước, về cái ta chung mà có phần ít đề cập đến cá thể, cá nhân, cái tôi riêng, thì thơ miền Nam có xu hướng ngược lại. Cả hai đều chưa đạt được một sự hài hoà cần thiết mà một nền thơ cần có.

Khi đất nước đã thống nhất, đặc biệt khi bước vào thời kì đổi mới, hai xu hướng trái ngược kia đang được dần dần tự điều chỉnh. Có điều, những người vốn quá thạo, quá quen với sự ngợi ca cái chung (bây giờ các nhà thơ gọi là hướng ngoại) lại có ý muốn cực đoan là thôi hướng ngoại, chỉ hướng nội mà thôi. Họ muốn thơ chỉ nói chuyện riêng tư của cá nhân, của thân phận con người. Thơ không phải là để ngợi ca mà là để giãi bày. Thơ không phải là một vũ khí đấu tranh xã hội mà là một trò chơi, một cuộc chơi. Thơ trước hết cho nhà thơ, cho thi hữu, thơ có thể chỉ để tặng riêng một người, thậm chí “Thơ gửi cho thơ”!
Một hiện tượng đáng để ta chú ý là thơ bây giờ nói nhiều đến cái tôi, đến chuyện riêng. Có rất nhiều bài thơ mang tựa đề "tự thú". Thơ nói đến những góc khuất của tâm hồn; thơ nói những chuyện ngông cuồng; thơ nói đến không chỉ là chuyện yêu, mà là chuyện tình dục, chuyện rửng mỡ, động cỡn... Những điều mà trước đây có các vàng, thi nhân cũng không nói, thì giờ đây được nói oang oang, được kể bô bô...

Có một thời người ta không chấp nhận cái buồn, coi đó là nguy hại. Nỗi buồn vô cớ như của Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn", hoặc "Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn" là một cái gì đó xa lạ trong cuộc sống, khi mà mọi người phải lên gân, phải tập trung trí tuệ, mài sắc cảnh giác trước kẻ thù vô cùng hung bạo. Khi giờ phút căng thẳng như thế không còn nữa, người ta lại thấy cái buồn là có lí. Và không phải ngẫu nhiên, một số người trước kia lên án thơ mới, mạt sát thơ mới thì giờ đây lại ngợi ca, lại tung hô lên thái quá. Đồng thời, khi cuộc sống có quá nhiều biến động, đảo lộn các thang giá trị, thì thi sĩ là người nhạy cảm nhất, và cũng dễ hoang mang nhất. Sẽ khó mà tìm thấy một sự phơi phới trong thơ, dù là các nhà thơ trẻ nhất. Bây giờ, các nhà thơ lớp trước cũng không khỏi bỡ ngỡ, như những người lính từ thời chiến trở lại thời bình:

Những người lính vô danh
Sống hào hùng suốt một thời đánh giặc
Giờ đối mặt với cuộc đời thường nhật
Lí tưởng thì xa cơm áo thì gần

(Lê Quang Trang - Khoảng cách)

Chúng ta sẽ gặp những hoang mang, những cô đơn, thậm chí cô độc "ốc đảo tâm hồn biết nối mạng vào đâu" (Cao Xuân Sơn).
Như một quy luật chăng, khi các nhà thơ buồn, họ thường tìm đến rượu để suy ngẫm, để giải sầu, để quên lãng. Cái việc uống rượu rồi làm thơ xưa kia được coi như thú tao nhã. Nhưng có một thời các nhà thơ không làm thơ về rượu mặc dù chắc chắn không phải là họ không uống. Giở tập Thơ chống Pháp và chống Mĩ, chúng ta không thấy thơ viết về rượu. Phải chăng là quan niệm của người làm tuyển tập. Nhưng quả tình trong các tập thơ riêng, các bài thơ in báo đâu cũng thấy sẵn hiện tượng này. Thế mà bây giờ không hiếm lắm các bài thơ về rượu, nói về rượu chứ không phải là nhân cuộc uống rượu, nhân chạm cốc mà nói về chuyện khác. Không chỉ nam thi sĩ uống rượu mà nữ thi sĩ cũng uống rượu, cũng "dốc cạn mùa xuân" trong li rượu đắng, li rượu chát. Những cuộc rượu, những gương mặt say, những cái vỏ chai được tìm thấy trong thơ chẳng mấy khó khăn. Anh lăn lóc như vỏ chai ngoài cuộc rượu. Tôi còn cái xác không hồn. Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai. Thơ tàn rượu dốc ngược chai...Lặng im xương cá khóc oà vỏ chai. Anh ngồi rót biển vào chai. Tồ tồ trả rượu vô chai...(Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Công Trứ, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Duy…).

Cùng với thi ca, vai trò của thi sĩ bây giờ cũng được nhìn nhận lại. Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhà thơ cũng là chiến sĩ. Điều đó được coi như là một lẽ hiển nhiên. Bởi đâu chỉ có nhà thơ. Ba mươi mốt triệu nhân dân. Tất cả hành quân. Tất cả thành chiến sĩ (Tố Hữu - Chào xuân 67). Bấy giờ Chế Lan Viên đã có thể tự hào mà viết những câu thơ:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng
và hạ trực thăng rơi
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng


Nhưng khi cuộc sống chiến tranh được thay bằng hoà bình, thì vai trò chiến sĩ cũng trở nên bình dị hơn.Người chiến sĩ, người anh hùng thời chiến trận giờ đây trở lại đời thường: Đi cày và đi biển. Lên tàu và xuống bến. Nuôi cá và trồng rau. Chạy chợ và gác cầu. Bơm xe và cất vó (Phạm Đức - Cái nền). Không quá gò bó và trang trọng, các nhà thơ lại muốn là người áp tải, người hát rong, người lãng du, kẻ lang thang, người ham chơi; có khi là gã xẩm ngọng, gã khùng, gã khờ...

Có lẽ chưa bao giờ các nhà thơ hay nói về mình nhiều như bây giờ. Và nhà thơ hiện ra cũng bình dị, đời thường hơn. Trước đó, họ như là người trong mộng. Họ được bạn đọc khoác cho một vẻ huyền bí, thiêng liêng. (Nguyên Hồng đã vô cùng kinh ngạc khi thấy con của nhà thơ lừng danh Thế Lữ với những vần thơ đẹp như mơ về cõi tiên lại có thể là những đứa trẻ chốc đầu như những đứa trẻ thường - Một tuổi thơ văn). Bây giờ họ là người lao động vần vật trăn trở với những con chữ, họ cũng vui buồn, yêu giận, hờn ghen như mọi người, nhiều thứ nhiều hơn mọi người. Rõ rệt nhất là thơ yêu. Trước đây thơ tình hầu như là thơ chép sổ tay. Nếu có yêu thì cũng là một tình yêu gắn với đất nước, với cuộc đấu tranh thống nhất. Chúng ta còn nhớ đến cái hôn dừng lại nửa chừng vì nghe tin Mĩ thử bom nguyên tử, đến trái tim chia làm ba phần mà phần dành cho tình yêu là phần nhỏ, đến một chàng trai ôm cô gái trong đêm Hà Nội mà ôm luôn cả khẩu súng trường trên vai người yêu. Bây giờ thì tha hồ mà viết thơ tình. Có điều thơ tình in càng nhiều thì hình như tình càng bị loãng. Bên cạnh những bài thơ tình hay, còn không ít những thơ "ngoại tình". Chỉ thấy thi sĩ là người dễ dãi: dễ cảm, dễ phải lòng, dễ bị mất hồn mất vía, dễ bị hớp hồn. Thành ra đóng vai một tình nhân trong thơ không hề dễ dàng gì. Có nhà thơ tốn tiền in thơ tình để tặng. Nhưng nếu chỉ đọc một hai bài thì không sao. Đọc cả tập, thấy tình yêu hơi tầm thường. Chắc vì thế mà mới có câu ca dao: Tình anh như bát bún riêu. Bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu lòng thòng.

Một biểu hiện của sự tìm tòi đổi mới thi ca chính là ý thức về thơ, về nghề nghiệp. Nếu so sánh thì những người cầm bút bây giờ có mặt bằng văn hoá chung cao hơn hẳn thời trước. Không hiếm những người còn có được trình độ học vấn cao so với xã hội. Tuy vậy, hình như cái máu nghề, cái chí sinh ư nghệ, tử ư nghệ lại kém thế hệ cha anh. Không mấy người coi thơ là nghề. Đã đành thế. Nhưng trước đây các nhà thơ cũng mấy ai sống bằng nghề thơ? Rõ ràng để nuôi thơ thì các thi thi sĩ phải "đi cấy đi cày" (Nguyễn Duy), hoặc là Phạc phờ chạy gạo từng lon. Nuôi thơ nuôi vợ, nuôi con, nuôi mình (Trần Ngọc Tuấn), nhà thơ cũng phải quan tâm: Giá gạo mấy nghìn? Điện nước đến kì chưa? Thiệp báo hỉ cũng giật mình đánh thót (Nguyễn Trọng Hoàn). Tuy vậy các nhà thơ bây giờ coi thơ như một thú chơi, một cuộc chơi nhưng lại không hết mình. Thành ra gương mặt thơ trẻ không có bao nhiêu ấn tượng. Mà các đàn anh tên tuổi một thời, giờ kiểm kê chặt chẽ lại thì cũng không ít người ngậm ngùi. Không quyết liệt, không hết mình say đắm thì những tìm tòi đổi mới nhiều lắm cũng chỉ là những đổi thay về hình thức. Chúng có thể lạ, nhưng không chắc là hay.

Tuy rằng thua kém về sự đắm say hết mình, nhưng các cây bút bây giờ hay trăn trở, hay ngẫm ngợi. Cái đích hướng tới chính là lao động thơ, thân phận của thơ ca. Họ hoài nghi vai trò của thơ mình, hoài nghi cả sự nhiệt tình của bạn đọc. Thơ trong cơ chế thị trường. Thơ vào thời buổi con người thực dụng, cạnh tranh, bon chen khốc liệt. Liệu bạn đọc có tìm đến thơ hay là tìm đến sách dạy khôn ngoan? Thơ có bị ghẻ lạnh, bị để nằm hít bụi? Thời trà đá, biết ai người cảm thơ? Ai thương ai nhớ ai tìm câu thơ? Chắc đâu đọng được chút gì buồn vui? (Cao Xuân Sơn, Phạm Công Trứ, Trần Quang Tiến...). Những nghi vấn, trăn trở như thế chắc chắn sẽ thúc đẩy các cây bút tìm những "lối nhỏ" (Dư Thị Hoàn), những con đường tiếp cận bạn đọc, tìm cách để "câu thơ còn lại với người mai sau" (Lê Quốc Hán).

Trong khi tìm về với cái tôi, các nhà thơ bây giờ rất hay nói đến cõi mơ, cõi tâm linh, miền vô thức. Duy vật, Duy tâm, Duy tình, Duy lí, cả Duy lợi nữa. Nhưng xem ra, phần tâm linh, phần tâm thức là cái mà trước đây thấp thoáng thì bây giờ được nói đến như là một cái mốt thời thượng. Có người chẳng biết, không theo đạo Phật nhưng vẫn thích dùng những căn duyên, nhân quả, vô thường, đốn ngộ. Có nhiều những giấc mơ, mộng du, phiêu lãng. Có những bến thời gian, miền cổ tích, vùng cô tịch, để nhà thơ rời chốn ồn ào, láo nháo, xô bồ, để di dưỡng hồn thơ, nghỉ ngơi sau những sấp ngửa bon chen sòng đời. Người ta chú trọng đến những phút giây bất chợt, những ý nghĩ vụt hiện, những cái chớp mắt, những ngẫu cảm, ngẫu hứng, những cái đẹp như là không đâu vào đâu (Nguyễn Duy).

Chúng ta nhớ lại thời kì chiến tranh chống Mỹ. Khi đạn bom ác liệt, mỗi cá nhân đều phải dựa vào cộng đồng, gắn với cộng đồng. Cộng đồng là điểm tựa tinh thần cho mỗi người. Bấy giờ, khối gắn bó, cố kết thật là bền chặt. Không chỉ gắn bó, cố kết những người sống với nhau. Lịch sử bốn ngàn năm, hồn thiêng của sông núi, của cha ông được huy động. Những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Chương Dương, Hàm Tử, những "tiếng của cha ông thuở trước" luôn được nhắc nhớ. Những lời hô gọi: Cửu Long giang ta ơi! Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm! Ôi Tổ quốc vinh quang tổ quốc! Việt Nam đất nước ta ơi! Miền Nam ơi! Ôi Trường Sơn vĩ đại của ta ơi!... luôn vang vọng trong thơ. Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt. Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng (Chế Lan Viên). Trong không khí như thế, hình ảnh trung tâm của thơ ca là anh bộ đội, cô thanh niên xung phong, cô dân quân, các bà mẹ chiến sĩ, các em bé giao liên, những người tay cày tay súng, tay búa tay súng...Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã thống nhất. Vẫn có thơ nhắc đến những người của một thời, nhưng các nhà thơ giờ nói nhiều về mình. Tôi đi tìm tôi, tôi và em, tôi và... Có nhà thơ còn viết thơ đề tặng chính mình... Không chỉ hướng về con người. Thiên nhiên giờ được nói đến nhiều hơn bao giờ hết. Phải chăng có ảnh hưởng của vấn đề môi trường? Hình ảnh thiên nhiên trở thành chủ đạo. Cánh rừng, dòng sông, con đường thành đối tượng thẩm mĩ để nhà thơ trò chuyện, chiêm nghiệm. Với biển, với sông, với đất, với nước, với cây, với hoa. Nhưng hình như nhiều nhất là với Cỏ. Có lẽ Uýt Man cũng không thể ngờ được rằng các nhà thơ Việt Nam lại sính cỏ, mê cỏ, viết nhiều về cỏ đến như vậy. Sắc cỏ tình yêu, Đám cỏ xanh, Cỏ và tôi, Lời thề cỏ may, Cỏ, Cỏ và bò, Cỏ dại khờ, Cỏ mật mùa thu, Cỏ và mưa, Triết lí cỏ, Lời cỏ may, Áo cỏ, Cỏ xanh, Những bài hát trên cỏ... (Nguyễn Trọng Hoàn, Lê Thị Mây, Phạm Công Trứ, Vũ Quần Phương, Bùi Kim Anh, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Xuân Vy, Đặng Thị Thanh Hương, Nguyễn Việt Bắc, Đồng Đức Bốn, Trần Quang Đạo...).

Bấy nhiêu những tìm tòi trăn trở không phải của một vài người. Nó đáng được coi là của một thời đại. Thời bây giờ. Thế nhưng chưa hết. Khi quan niệm, cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm thay đổi thì lẽ nào người ta vẫn bằng lòng với những khuôn diễn đạt đã định hình và có phần xơ cứng? Liệu có một cuộc cách tân về hình thức thơ ca khi chúng ta bước vào thời kì đổi mới hay không. Chúng ta hãy thử khảo sát xem sao.

Một trong những thay đổi rõ ràng và dễ nhận biết là sự phủ định thơ cũ. Sự phủ định ấy diễn ra đồng thời ở cả hai phương diện nội dung và hình thức. Cố nhiên, trong sự hăng hái, bồng bột, không tránh khỏi những tuyên bố lớn tiếng, nặng lời. Song nhìn vào bản chất, đó cũng là biểu hiện của mong muốn, khát vọng đổi thay. Kinh nghiệm cho hay thường những ai hay tuyên ngôn, tuyên bố thì không làm hoặc làm chẳng được bao nhiêu. Còn những ai lặng lẽ âm thầm thì lại chính là người làm đổi mới thơ nhiều nhất. Không phải là ngẫu nhiên Chế Lan Viên viết bài thơ "Lộn trái". Chúng ta đều biết, trong Di cảo, Chế Lan Viên đã viết mới hẳn so với thơ trước đó của ông. Hẳn nhà thơ không bằng lòng với kiểu rùm beng, vỗ ngực tự xưng là những người tiên phong đổi mới, đổi mới một cách thô sơ kiểu lộn trái, nên mới viết bài thơ này.

Thơ muốn diễn đạt những đổi thay về tình cảm, những sắc thái đa dạng phong phú, tinh tế của tâm hồn thì bản thân ngôn ngữ thơ cũng cần phải đổi mới. Những từ ngữ réo rắt, mùi mẫn, đèm đẹp với vẻ óng ả giả tạo đã không còn thích hợp. Các nhà thơ muốn đưa ngôn ngữ bình dị, đời sống thô rám, xù xì vào thơ mình. Những từ ngữ có tính khẩu ngữ đi thẳng từ bãi chợ, bến sông, xưởng thợ. Nào là ừ thì, ối giời ơi, té ra, thế là, đã đời, hồng nhan ạ, tự dưng, tôi chã, đành rằng, vãi cả ba linh hồn…; những từ ngữ thời kinh tế thị trường bùng nổ thông tin có mặt trong thơ như là một lẽ tự nhiên, nhưng cũng phải có ý thức thì mới làm được cái điều có vẻ đơn giản ấy: tiếp thị, hợp đồng, quảng cáo, xa lộ thông tin, nghẽn mạch, nối mạng, vỡ nợ…
Một người muốn đổi mới triệt để ngôn ngữ thơ là Lê Đạt. Ông có cả một tuyên ngôn về chữ và nghĩa của thơ. Nhưng ý đồ tách chữ ra khỏi nghĩa, ý đồ tách nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị ra khỏi chữ là một sự cực đoan trong sự tìm tòi của tác giả “Bóng chữ”. Cũng như khi nhà thơ Vũ Quần Phương chủ trương “quên chữ, quên câu”. Thơ nằm trong câu chữ, câu chữ là hình thức, nhưng cũng là nội dung (Eptusencô: Nội dung cũng chính là hình thức). Làm gì còn thơ nữa khi quên chữ, quên câu? Cũng may mà đấy chỉ là lời tuyên bố, còn nhà thơ vẫn miệt mài trăn trở với chữ, với câu.

Nếu khảo sát về vần nhịp thì rõ ràng, thơ bây giờ ít vần hơn, nhịp phóng túng hơn. Đặc biệt xuất hiện loại thơ văn xuôi. Hầu như cây bút nào cũng có một đôi bài. Thơ văn xuôi chính là một cách làm mới lạ từ ngữ, nhịp điệu của thơ, đưa thơ gần với lời ăn tiếng nói thường nhật (Tuyển tập thơ văn xuôi- Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, nhà xuất bản Văn học,1997). Bên cạnh đó, các nhà thơ có ý thức cao hơn về việc chọn chữ, dùng từ. Không phải ai cũng tán thành tuyên bố của Lê Đạt “Chữ bầu lên nhà thơ”, nhưng các nhà thơ đều có ý thức dùng chữ sao cho đắt, sao cho không nhàm chán. Sự dụng công trong lao động sáng tạo ngôn từ đã dẫn đến việc hầu như không có những từ ngữ ngô nghê, những sự cẩu thả trong diễn đạt. Người hăng hái và có nhiều thành công nhất trong lĩnh vực này là nhà thơ Nguyễn Duy, sau đó là Y Phương và Vũ Xuân Hoát. Có thể nói Nguyễn Duy đã sáng tạo một loạt những từ “lạ” trên cơ sở ngữ liệu quen thuộc. Ta không thể không ngạc nhiên một cách thích thú khi gặp những từ đại loại: tuây huẩy, ngun ngủn, loằng ngoằng, nhờn nhợn mỡ, mòm mom móm, nưng nứng mộng, xơ xác bờm xơm, núng nính bâng quơ… Phải đặt những từ ngữ đó trong câu thơ Nguyễn Duy mới thấy hết cái hay của nó. Nguyễn Duy đã tìm tòi sáng tạo một giọng điệu dân gian ngang ngang, bi hài nhưng nghiêng hẳn về hài, một giọng điệu không thể lẫn, trong khi cũng có nhiều nhà thơ khác tìm về nguồn mạch dân gian mà người thành công nổi trội là Phạm Công Trứ. Cái chất “nhà quê”, hóm hỉnh của những vai hề chèo thể hiện khá rõ trong thơ Nguyễn Duy, mà trước hết thể hiện trong chất liệu ngôn từ.
Sáng tạo từ mới, làm mới lại những từ đã dùng mòn bằng cách đặt nó hoà thanh với các từ ngữ khác một cách táo bạo, các nhà thơ đồng thời làm mới các hình thức thơ ca. Một thời trường ca được coi như một cách để diễn đạt những đề tài có tính sử thi của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Không có một cây bút có tên tuổi nào lại không thử thách với trường ca. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cũng làm đến ba bốn trường ca, trong đó Khúc hát người anh hùng là một thành công đáng kể. Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu… Nhưng dần dần, trường ca không phải là cách tìm tòi thể hiện, vì nó… dài, cảm xúc hay bị tãi mỏng; mặt khác, một số người viết chưa đủ nội lực, lại cũng chưa hiểu biết một cách thấu đáo về đặc trưng thể loại. Bởi vậy những tìm tòi về thể loại rẽ sang ngả khác, phổ thông hơn, đại chúng hơn, và cũng thời đại hơn.

Chúng tôi muốn nói đến các bài thơ ngắn. Rất ngắn. Phải nói rằng trước đó, chúng ta đã có những câu tục ngữ hết sức cô đọng và ngắn gọn. Và những bài ca dao mà chỉ có hai câu. Một câu sáu, một câu tám. Nhưng trong sự phát triển của thơ ca, cái hình thức ngắn gọn, cô đọng đó đã bị vượt qua. Chỉ đến bây giờ nó mới lại được người ta để ý. Thơ một câu, thơ hai câu, thơ ba câu xuất hiện trên báo, trong các tập riêng. Có người thích thú vì những bài thơ ngắn ở mức kỉ lục như kiểu: Vợ chồng, xong (Xem: Nguyễn Hoàng Sơn - Tranh luận Văn học, Nhà xuất bản Văn học, 2000). Tuy nhiên, trong truyện có việc thi truyện ngắn mi ni, thì trong thơ, người ta thi thơ tứ tuyệt. Dù là ngắn nhưng cũng phải đảm bảo cỡ bốn câu thì mới đủ để cảm xúc và trí tuệ hoà quyện. Nhưng đó cũng chỉ là một cách quan niệm. Nguyễn Hoa đã in tập thơ Từ một đến tám (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 1997), trong đó số bài thơ 1 câu có 2, bài 2 câu có 9, bài 3 câu chỉ có 2, chiếm một vị trí đáng kể nhất là 4 câu với 62 bài. Nguyễn Duy có không ít các bài thơ 2 câu. Thơ hai câu, ba câu có thể dễ dàng tìm thấy trong phần lớn các tập thơ xuất bản gần đây. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Kí đã thử nghiệm và công bố tập thơ “Khoảnh khắc” (Nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2001) với hơn một trăm bài thơ ba câu. Như vậy rõ ràng nhu cầu cô đúc cảm xúc, tăng cường sức gợi đã được hầu hết các nhà thơ để ý, tuân thủ.

Trong sự tìm tòi đổi mới này, không thể không nhắc đến Thái Bá Tân với tập Thơ sáu câu (Nhà xuất bản Lao Động, 1997) với 188 bài và 65 bài thơ dịch thơ cổ Triều Tiên. Kiểu thơ sáu câu ít lời, cân xứng, dễ gây ấn tượng và có phong cách gần gũi với thơ cổ phương đông được Thái Bá Tân thể hiện khá thành công trong tập. Tuy nhiên, thơ sáu câu có trở thành một hình thức để các nhà thơ phải dụng tâm thể nghiệm hay không lại là việc khác. Sáu câu của Thái Bá Tân mỗi câu đều 6 tiếng và không có nhan đề. Còn Sáu câu của Nguyễn Hoa thì có nhan đề, số chữ trong mỗi câu khi thì 2, khi thì 4, khi 5 hay 6 tiếng.

Sự cách tân về thể loại còn được thể hiện trong những tìm tòi về cấu trúc khổ thơ. Trước đây người ta chú ý đến khổ cân đối 4 câu, hoặc khổ tự do không hạn định câu chữ. Nhưng có lẽ với Lê Thị Mây, chị bắt đầu thể nghiệm loại khổ 3 câu. Đáng lưu ý là những khổ thơ 3 câu của Lê Thị Mây có thể tồn tại như một bài thơ 3 câu độc lập. Có khá nhiều khổ thơ như thế. Ví như: Người tiễn hồn tôi hẹn cỏ găm. Tôi chẳng nỡ đâu, tôi chẳng gỡ. Đem buồn hai vạt đắp thành chăn (Hờn). Khổ thơ 3 câu cũng có thể thấy trong thơ Phạm Công Trứ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Trọng Hoàn, Bùi Kim Anh, Phạm Đình Ân…

Một kiểu cấu tạo khổ thơ khác cũng khá phổ biến là khổ hai câu. Điều này Xuân Diệu đã thể nghiệm trong bài Biệt li êm ái, Đêm trăng đường Láng. Trước đó lác đác có người viết. Nhưng bây giờ thì nó trở thành một hiện tượng phổ biến. Lê Quốc Hán có đến 12 bài thơ viết theo kiểu khổ 2 câu trong tổng số 51 bài thơ của tập “Bến vô cùng” (Nhà xuất bản Văn học, 1999). Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương… đều viết thơ có khổ 2 câu. Song có lẽ phổ biến hơn cả là sự đan xen các khổ 2,3,4 và có khi một câu trong một bài thơ. Điều đó nói lên sự đa dạng của cấu trúc bài thơ. Cứ đều đều đối sánh mãi 2 câu thì cũng là một biểu hiện của sự gò bó. Bởi thế, sự linh hoạt và phóng túng, không hạn định số câu trong khổ, số khổ trong bài cũng là một biểu hiện của sự cách tân.

Về hình thức thơ, cũng cần nói đến một tìm tòi của Nguyễn Trọng Tạo về đồng dao cho người lớn. Đồng dao truyền thống thường gần với vè về số chữ. Có thể là ba, bốn hoặc năm chữ trong một dòng. Thế nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã nhân đôi loại đồng dao 4 chữ. Đồng thời tạo ra các cặp song song trong một khổ như đã nói trên. Tuy vậy, hình như kiểu đồng dao này cũng có một cái gì đó sắp đặt, nên trong những Thời gian 1, Lưu lạc, Tự vấn, Nỗi nhớ không tên, Nguyễn Trọng Tạo lại quay về với 4 chữ và 5 chữ quen thuộc của đồng dao thông thường. Phải đợi đến Nương thân (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 1999) Nguyễn Trọng Tạo mới phát triển, hoàn thiện đồng dao cho người lớn với những cặp câu tám chữ cân đối nhịp chẵn. Trong khi đó Trần Lan Vinh trở lại với đồng dao cho trẻ em. Những bài đồng dao với cách bắt vần có vẻ tuỳ hứng nhưng theo một lôgic riêng, phù hợp với lối tư duy “dung dăng dung dẻ” hồn nhiên, tự nhiên của con trẻ (Gọi mưa, nhà xuất bản Thanh Niên, 2002).
Thái Bá Tân sau khi đã dịch hàng nghìn trang thơ nước ngoài, đã làm một tập thơ sáu câu học kiểu thơ Xitgiô, lại công bố tập thơ Bàn tay hình chiếc lá với 87 bài toàn là thơ năm chữ. Tác giả cho rằng hình thức thơ này giàu chất trữ tình, nhạc tính cao, dễ đi vào lòng người. Đây cũng là một cách trở lại với thể thơ truyền thống của dân tộc.

Mượn các hình thức thơ nước ngoài như xon nê, hai cu, vô đề, ban lát, bậc thang… cũng là một cách làm giàu thêm hình thức thể hiện của thơ.

Điều đáng chú ý là trong khi mọi người cứ việc thể nghiệm với những đổi mới về hình thức đủ loại thì người ta lại quay trở về với lục bát cổ truyền. Việc xuất bản tuyển tập lục bát Việt Nam, việc thi thơ lục bát trên báo Giáo dục và Thời đại, báo Văn Nghệ trẻ (năm 2002, nhà xuất bản Hội nhà văn in tập thơ 300 bài lục bát dự thi) đã khẳng định sự trường tồn của thể lại này. Một điều lí thú nhưng cũng đáng để suy ngẫm là Trúc Thông, một cây bút trăn trở, tìm tòi nhưng bài thơ hay nhất của anh lại chính là bài lục bát Bờ sông vẫn gió. Điều đó cho thấy chất lượng nghệ thuật của tác phẩm không hề phụ thuộc vào các yếu tố cách tân. Chúng ta mới hiểu vì sao có người khăng khăng nói chỉ có thơ hay, chứ không phân biệt cũ hay mới, bảo thủ hoặc cách tân.

Những tìm tòi của Hoàng Hưng trong Ngựa biển, của Đặng Đình Hưng trong Ô mai em, của Lê Đạt trong Bóng chữ, của Nguyễn Quang Thiều trong Sự mất ngủ của lửa, của Trúc Thông trong Một ngọn đèn xanh, của Nguyễn Duy trong Về, của Phạm Công Trứ trong Cỏ may thi tập, của Thi Hoàng trong Gọi nhau qua vách núi, của Thái Bá Tân trong Thơ sáu câu, Bàn tay hình chiếc lá, của Hoàng Xuân Tuyền trong Bến thời gian và nhiều người khác nữa, dù thành công ít hay nhiều hoặc ngay cả khi thất bại… đều khẳng định xu hướng tìm tòi đổi mới thơ.

Có người lớn tiếng phê phán diễu cợt những tìm tòi này. Có nhà thơ cho rằng mọi sự tìm tòi đổi mới về ngôn từ và nhịp điệu đều là vô ích. Song nếu có thái độ bình tĩnh, chúng ta sẽ thấy cần phải ghi nhận và khích lệ mọi cố gắng. Nếu không có sự thất bại, làm sao có thành công.

Chúng tôi đã điểm lại sự đổi mới thi ca, nêu lên những biểu hiện rõ rệt của lần đổi mới khi đất nước thống nhất, khi có chính sách đổi mới, mở cửa.

Nhận thức quy luật phát triển của thơ ca trong lịch sử là một công việc cần thiết. Nhìn rõ những cái mốc và sự đổi thay sẽ giúp nhìn nhận đầy đủ hơn khuynh hướng phát triển. Nhưng cái khó là chúng ta không biết được khi nào thì tạm coi là kết thúc một chặng đường đổi mới của thơ ca? Một khi sự đổi mới kết thúc thì sự phân biệt cũ mới - đúng như Chế Lan Viên đã viết trước đây- sẽ không còn ý nghĩa nữa. Thơ lại tiếp tục ổn định và phát triển với những đổi mới, tìm tòi thường nhật vốn có.
Hà Nội, mùa xuân 2003

Đã in trong Đi giữa miền thơ tập 3, nxb Hội nhà văn, 2006



 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top