Vài nét về Ernest Hemingway

  • Thread starter Thread starter thongoc
  • Ngày gửi Ngày gửi

thongoc

New member
Xu
0
- Đề tài chủ đạo của Hemingway là lòng dũng cảm - sức chịu đựng của người anh hùng được thử lửa và tự tôi luyện để đối mặt với sự độc ác lạnh lùng của hiện hữu, đồng thời vẫn không khước từ những khoảnh khắc tuyệt vời và sung mãn của hiện hữu.

20656120_images1213515_Hemingway-1.jpg

Ernest Hemingway (21/7/1899 - 2/7/1961)

Giải Nobel Văn chương 1954

* Nhà văn Mỹ

* Nơi sinh: Oak Park, Chicago, Ilinois (Mỹ)

* Nơi mất: Kettrum, Ohio (Mỹ)
Ernest Hemingway

Ernest Hemingway (1899-1961)

Ernest Hemingway được đánh giá rất cao và được trao giải Nobel vì tài năng kể chuyện bậc thầy (nguyên lí “tảng băng trôi”) thể hiện trong các tác phẩm của ông, mà đỉnh cao là Ông già và biển cả. Nhà văn cố gắng và đã truyền đạt một cách thành công cảm xúc và ấn tượng về cuộc đời bằng văn phong tỉnh táo, rõ ràng. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông là tình yêu, cái chết, sự thành công và thất bại của đời người.

Ernest Hemingway là con trai một bác sĩ và một nữ nghệ sĩ opera (người cha tự tử năm 1928). Từ khi còn đi học, ông đã có thơ, truyện in trên các báo trường. Tốt nghiệp phổ thông năm 1917, E. Hemingway muốn vào quân đội để tham gia vào Thế chiến I, nhưng không được nhận vì lí do sức khỏe. Sau đó ông làm phóng viên, rồi tình nguyện sang Châu Âu và trở thành lái xe cho đội Hồng Thập tự của Mỹ trên mặt trận Italia - Áo, bị thương nặng ở đó vào năm 1918. Mối tình với một nữ y tá người Mỹ và kinh nghiệm chiến trường trong những năm tháng này đã trở thành cơ sở cho cốt truyện cuốn tiểu thuyết Giã từ vũ khí mà ông viết sau đó mười năm (1929).

Trở về quê, E. Hemingway thấy cuộc sống ở Chicago quá buồn chán nên tìm cách ra nước ngoài và cùng Elisabeth Hadley, người vợ cưới năm 1921, đi khắp Châu Âu với tư cách phóng viên của tuần báo Ngôi sao Toronto. Năm 1921 ông viết về cuộc xung đột Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ. Việc làm quen với những nhà văn Mỹ danh tiếng đang sống ở Paris đã đưa ông đến với văn học. Thành quả đầu tiên là tập Ba truyện ngắn và mười bài thơ in ở Paris, 1923.

Năm 1926 E. Hemingway cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay Mặt trời vẫn mọc, phản ánh tâm trạng của lớp người gọi là “Thế hệ lạc lõng”. Năm 1929 ông thành công lớn với tiểu thuyết Giã từ vũ khí. Sau những chuyến đi Tây Ban Nha (1931), du lịch Châu Phi (1935), E. Hemingway viết nhiều tác phẩm khác. Ông cũng viết kịch bản phim tài liệu về chiến tranh.

Năm 1939, ông tới Cuba; một năm sau kết hôn với nữ nhà báo Martha Gellhorn (li dị năm 1944; kết hôn lần thứ tư năm 1946 với Mary Wales). Năm 1940 ra đời tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai, được đánh giá là một trong những tác phẩm đỉnh cao của E. Hemingway. Năm 1942, có mặt trong một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ với vai trò phóng viên, E. Hemingway đã tham gia trận đổ bộ của quân Đồng minh xuống miền Tây Bắc nước Pháp và giải phóng Paris.

Truyện vừa Ông già và biển cả (in năm 1952 trong tạp chí Life) mang lại thành công lớn trong giới phê bình và công chúng rộng rãi, kể về cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên như một tất yếu của sinh tồn. Năm 1953 nhà văn được trao giải Pulitzer cho tác phẩm này. Năm 1954 ông nhận giải Nobel Văn chương do sự đánh giá đặc biệt cao đối với tác phẩm Ông già và biển cả và ảnh hưởng quan trọng của nhà văn đối với văn học hiện đại.

E. Hemingway có lẽ là một trong những tác giả phương Tây được dịch sớm và biết đến nhiều nhất ở Việt Nam, được đưa vào chương trình sách giáo khoa.

Năm 1961, ở tuổi 62, con người suốt cuộc đời sống nồng nhiệt đó, do những đau đớn của căn bệnh xơ vữa động mạch, đã tự tử bằng súng săn ở Kettrum.

* Tác phẩm:

Ba truyện ngắn và mười bài thơ (Three stories and ten poems, 1923).

Trong thời đại chúng ta (In our time, 1924).

Lũ xuân (The torrents of spring, 1926), tiểu thuyết.

Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises, 1926), tiểu thuyết.

Đàn ông không có đàn bà (Men without women, 1927), tập truyện ngắn.

Giã từ vũ khí (A farewell to arms, 1929), tiểu thuyết.

Cuộc đời ngắn ngủi và hạnh phúc của Francis Macomber (The short and happy life of Francis Macomber, 1930), truyện.

Chết lúc hoàng hôn (Death in the afternoon), truyện.

Những đồi xanh Châu Phi (The green hills of Afrika, 1935), kí.

Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro (The snow of the Kilimanjaro, 1936), truyện ngắn.

Mảnh đất Tây Ban Nha (The Spanish Earth, 1938).

Có và không có (To have and have not, 1937), truyện.

Đội quân thứ năm (The fifth column, 1938), kịch.

Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls, 1940), tiểu thuyết.

Bên kia sông dưới tán cây (Across the river and into the trees, 1950), tiểu thuyết.

Ông già và biển cả (The old man and sea, 1952), truyện vừa.

Đại hội tôn giáo (A movable feast, 1964), kí.

Những hòn đảo giữa hải lưu (Islands in the stream, 1970), tiểu thuyết, in sau khi ông mất.

Sự thật lúc bình minh (True at first light, 1999), tiểu thuyết, in sau khi ông mất.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

Ông già và biển cả, Huy Phương dịch, NXB Văn Học, 1962, tái bản năm 1986, 1999; NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2000, 2002.

Ngư ông và biển cả (nguyên tác: The old man and sea), Mặc Đỗ dịch, NXB Đất sống, 1973.

Ông già và biển cả, Lê Huy Bắc dịch, NXB Kim Đồng, 2000; NXB Đại học Quốc gia, 2001, 2002; NXB Văn Học, 2004.

Ông già và biển cả, Vương Đăng dịch, NXB Văn hóa - Thông tin, 2005.

Vĩnh biệt chiến trường (nguyên tác: A farewell to arms), Nguyễn Lương Sắc dịch, NXB Gió Bốn Phương, 1967.

Chuông gọi hồn ai, Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Gió, 1972; NXB Văn Học, 1995; NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2002.

Chuông nguyện hồn ai, Nguyễn Vĩnh - Hồ Thể Tần dịch, Phạm Thành Vinh giới thiệu, NXB Văn Học - NXB Long An, 1987 (in lần hai); NXB Văn Học, 2001, 2004.

Năm mươi ngàn đô la, Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc dịch, NXB Trẻ, 1973.

Những hòn đảo giữa dòng nước ấm, Nguyễn Trí Lợi dịch, NXB Trẻ, 1988.

Một ngày chờ đợi, Mạc Mạc dịch, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, 1985.

Hạnh phúc ngắn ngủi của Franxít Macombơ, Mạc Mạc dịch, Hoàng Túy hiệu đính, NXB Ngoại Văn, 1986.

Hạnh phúc ngắn ngủi của Maccomber (tập truyện), nhiều người dịch, NXB Tác Phẩm Mới, 1986.

Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Macomber, Lê Huy Bắc dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.

Hạnh phúc ngắn ngủi của Mắc Cômbơ, Thái Hà dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2003.

Giã từ vũ khí, Hoàng Lê dịch, NXB Văn Học, 1993.

Truyện ngắn Hemingway (2 tập), Lê Huy Bắc - Đào Thu Hằng - Phan Ngọc Thưởng dịch, NXB Văn Học, 1998.

Thế giới đàn ông không có đàn bà (tập truyện ngắn), Phan Quang Định dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1998.

Mặt trời vẫn mọc, Bùi Phụng dịch, NXB Mũi Cà Mau, 1988; NXB Hải Phòng - NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2000; NXB Văn hóa - Thông tin, 2003.

Truyện cực ngắn Hemingway, Đào Ngọc Chương - Nguyễn Thị Huyền Linh dịch, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.

Truyện ngắn Ernest Hemingway, Lê Huy Bắc - Đào Thu Hằng dịch, NXB Văn hóa - Thông tin, 2001.

Từ ánh sáng đầu tiên (tiểu thuyết), Phan Quang Định dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2002.

Tác phẩm Ernest Hemingway (truyện ngắn, tiểu thuyết), Lê Huy Bắc - Đào Thu Hằng giới thiệu và tuyển dịch, NXB Giáo Dục, 2003.

Tuyết trên ngọn Kilimanjaro và những truyện ngắn khác, Huy Tưởng - Phạm Viêm Phương dịch, NXB Văn Nghệ TP. HCM, 1997.

Tuyết trên ngọn Kilimanjaro, Phạm Viêm Phương dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn thế giới chọn lọc (tập 5), NXB Văn Học, 1995.

Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, Dương Tường dịch; Mười người da đỏ, Con mèo trong mưa, Nhà của lính, Rặng đồi tựa đàn voi, Những kẻ giết người, Lê Huy Bắc dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1999.

Khu trại người da đỏ, Nguyễn Tuấn Khanh dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997; Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998.

Những kẻ giết người, Lịch sử tự nhiên của cái chết, Lê Huy Bắc dịch, in trong Truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn Học, 2000.
 
Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển

Anders Österling, Thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển

Trong thời đại chúng ta, các nhà văn Mỹ ngày càng in dấu ấn mạnh mẽ trên diện mạo chung của nền văn học. Đặc biệt, thế hệ chúng ta trong vài thập kỷ qua đã được chứng kiến một sự tái định hướng của quan tâm văn học, vốn không chỉ hàm ẩn một sự thay đổi tạm thời trên văn đàn mà thực sự là một sự dịch chuyển của giới hạn tinh thần, với những hệ quả hết sức to lớn. Tất cả các nhà văn mới nổi lên nhanh chóng ở nước Mỹ, những người mà tên tuổi được chúng ta thừa nhận là những dấu hiệu đầy khích lệ, đều có một điểm chung: họ đã biết tận dụng tính cách Mỹ, tính cách bẩm sinh của họ. Và công chúng Châu Âu đón nhận họ một cách nồng nhiệt. Tất cả đều mong muốn rằng người Mỹ hãy viết như người Mỹ, bằng cách đó góp phần mình vào cuộc tranh đua trên trường quốc tế.

Một trong những nhà tiên phong đó chính là nhà văn hiện đang là trung tâm chú ý của chúng ta. Chẳng có gì quá đáng khi ta nói rằng Ernest Hemingway, hơn bất cứ đồng nghiệp nào khác ở nước ông, đã khiến chúng ta cảm thấy phải đối mặt với một quốc gia còn non trẻ nhưng đã biết tìm kiếm và thực tế đã tìm thấy cách biểu đạt chính xác cho mình. [Vả chăng], khác hẳn với nhà văn bình thường, chính đời sống của Hemingway cũng có đặc trưng nổi bật là nhịp điệu đầy kịch tính và những khúc ngoặt gắt. Với ông, năng lượng sống này tiến triển theo cách riêng của nó, không hề bị ảnh hưởng bởi [tâm trạng] bi quan hay vỡ mộng tiêu biểu của thời đại. Ông đã tu dưỡng phong cách của mình ở trường phóng viên báo chí. Ngay từ lúc làm phóng viên tập sự ở phòng biên tập báo Kansas City, ông đã thấm nhuần tiên đề của cuốn cẩm nang nhà báo: “Hãy viết câu ngắn. Hãy viết đoạn văn ngắn.” Việc tôi luyện kỹ năng thuần túy mang tính kỹ thuật của Hemingway rõ ràng đã giúp ông đạt được một kỷ luật tự giác trong nghệ thuật với sức mạnh khác thường. Ông từng nói: thuật hùng biện chỉ là những đốm sáng xanh leo lét được phát ra từ chiếc máy phát điện. Nhà văn ông coi là bậc thầy trong nền văn học Mỹ trước đó là Mark Twain với tác phẩm Huckleberry Finn, với dòng chảy nhịp nhàng của lối tự sự trực tiếp và "dân dã".

Nhà báo trẻ đến từ Illinois bị cuốn vào cuộc Thế chiến thứ nhất khi ông tình nguyện làm lái xe cứu thương ở Italia. Ông bị thương lần đầu ở chiến tuyến Piave với những vết thương rất nặng do vỏ đạn vỡ bắn vào. Lần bị thương khốc liệt ở độ tuổi 19 là một nhân tố quan trọng trong tiểu sử của Hemingway. Chẳng những sự kiện đó không làm ông nhụt chí, mà ngược lại, ông coi việc một nhà văn được tận mắt chứng kiến chiến tranh - như Tolstoy ở Sevastopol - là một tài sản vô giá: chứng kiến, và mô tả chiến tranh một cách chân thực nhất. Tuy nhiên, phải mất vài năm ông mới diễn tả được trọn vẹn dưới góc độ nghệ thuật những ấn tượng hỗn độn một cách đau đớn của ông về chiến tuyến Piave năm 1918: kết quả là tác phẩm Giã từ vũ khí (A Farewell to Arms) ra đời năm 1929. Nó đã thực sự đem lại danh tiếng cho ông, mặc dù phong cách tự sự độc đáo của ông đã được minh chứng qua hai tác phẩm nổi bật [trước đó] về thời hậu chiến ở Châu Âu, Trong thời đại chúng ta (In Our Times, 1924) và Mặt trời cũng mọc (The Sun Also Rises, 1926). Những năm sau đó, thiên hướng bẩm sinh của ông về những cảnh tượng đau thương và nhẫn tâm đã đưa ông đến Châu Phi với tập quán săn thú rừng quy mô lớn và Tây Ban Nha với trò đấu bò. Khi Tây Ban Nha trở thành bãi chiến trường, ông đã tìm được cảm hứng cho tác phẩm lớn thứ hai, Chuông nguyện hồn ai (For Whom the Bell Tolls, 1940) về một người Mỹ tham gia cuộc chiến vì tự do và "phẩm giá con người", một cuốn sách mà ở đó những cảm xúc cá nhân của nhà văn được thể hiện sâu sắc hơn bất cứ đâu khác.

Khi nhắc đến những yếu tố quan trọng này trong sáng tác của Hemingway, ta không nên quên rằng kỹ năng tự sự của ông thường thành công nhất khi nó được tập trung vào một khuôn mẫu nhỏ, những câu chuyện ngắn súc tích, giản lược đến nghiệt ngã, với sự kết hợp vô song giữa đơn giản và chính xác, cứ thế nó đóng đinh chủ đề câu chuyện vào ý thức chúng ta, và rồi mỗi cú giáng đều kinh động chúng ta. Kiệt tác lớn nhất của ông theo tiêu chí này là Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea, 1952), câu chuyện khó quên về cuộc chiến tay đôi giữa ông lão đánh cá người Cuba với con cá kiếm khổng lồ trên Đại Tây Dương. Trong khuôn khổ một câu chuyện giải trí mở ra bức tranh xúc động về số phận con người; câu chuyện là lời ngợi ca tinh thần tranh đấu của con người, không qui phục cho dù không đạt được thắng lợi vật chất, lời ngợi ca chiến thắng tinh thần ngay cả khi bại trận. Vở kịch diễn ra ngay trước mắt chúng ta, từng giờ từng giờ một, các chi tiết gay cấn ngày một dồn dập và ngày càng chất nặng ý nghĩa. “Nhưng con người sinh ra không phải là để thất bại”, cuốn sách nói, “Con người có thể bị tiêu diệt chứ không thể bị đánh bại” (Có thể tiêu diệt con người, nhưng không thể đánh bại hắn).

Có lẽ đúng là những sáng tác ban đầu của Hemingway thiên về những cảnh nhẫn tâm, yếm thế, độc ác, những đặc điểm có thể bị coi là mâu thuẫn với yêu cầu của giải Nobel về một tác phẩm mang "thiên hướng lý tưởng". Nhưng mặt khác, ông cũng có nỗi bi tráng của người anh hùng vốn là một nhân tố cơ bản trong cảm nhận của ông về cuộc sống; đó là lòng yêu thích đầy nam tính đối với hiểm nguy và phiêu lưu, với lòng ngưỡng mộ bẩm sinh trước bất cứ ai hiến mình cho những cuộc chiến chính nghĩa trong một thế giới hiện thực bị đè nén bởi bạo lực và chết chóc. Trong mọi trường hợp, đây chính là phương diện tích cực trong sự sùng bái nam tính của ông; nếu không, sự sùng bái đó có huynh hướng chỉ thuần phô trương khoe mẽ và làm thất bại những mục đích của chính nó. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, đề tài chủ đạo của Hemingway là lòng dũng cảm - sức chịu đựng của người anh hùng được thử lửa và tự tôi luyện để đối mặt với sự độc ác lạnh lùng của hiện hữu, mà đồng thời vẫn không khước từ những khoảnh khắc tuyệt vời và sung mãn [của hiện hữu].

Mặt khác, Hemingway không phải là một trong những nhà văn viết để minh họa các đề tài hay các nguyên tắc theo cách này hay cách khác. Một nhà văn hiện thực phải hoàn toàn khách quan và không được cố gắng đóng vai Chúa trời. Ông đã học được điều này ngay khi còn làm biên tập ở tờ Kansas City. Chính vì thế ông có thể cảm nhận chiến tranh như một số phận bi thảm có ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ thế hệ của ông; nhưng ông nhìn nó với một [tinh thần] hiện thực bình thản, không ảo tưởng, khinh thị tất cả những bình luận thiên về cảm tính, một tính khách quan được trui rèn, càng mạnh mẽ hơn bởi vì đạt được nó không dễ.

Vai trò của Hemingway như một trong những nhà kiến tạo phong cách vĩ đại nhất trong kỷ nguyên này là rất rõ ràng trong nghệ thuật tự sự của cả Mỹ và Châu Âu trong hơn hai mươi lăm năm qua, nổi bật nhất là những cuộc đối thoại sinh động và những cuộc khẩu chiến mà trong đó ông đã tạo ra một chuẩn mực rất dễ bắt chước nhưng đồng thời rất khó đạt được. Với kỹ năng bậc thầy, ông tái tạo mọi sắc thái của ngôn ngữ nói cũng như những lần ngắt quãng mà trong đó dòng suy nghĩ ngừng bặt và bộ máy thần kinh lồng lên vuột khỏi vòng cương tỏa. Đôi khi nó giống như những câu chuyện phiếm, nhưng không tầm phào chút nào một khi ta biết được phương pháp của ông. Ông thích để độc giả tự suy ngẫm về những diễn biến tâm lý, và chính sự tự do này giúp ông có thể thoải mái quan sát tự nhiên.

Khi ta nghiên cứu sáng tác của Hemingway, những quang cảnh rõ nét bừng lên trong tâm trí: cuộc chiến đấu của Trung úy Henry trong mưa tầm tã và bùn lầy sau cơn hoảng loạn ở Caporetto, cảnh sụp cầu ở vùng núi Tây Ban Nha khi Jordan hy sinh tính mạng, hay cuộc độc chiến của ông lão đánh cá chống lại những con cá mập trong những ánh đèn đêm lan tỏa từ Havana.

Không dừng lại ở đó, ta có thể tìm thấy một sợi giây kết nối, hãy gọi đó là một sợi giây biểu tượng kéo ngược trở lại hàng trăm năm chiếc khung cửi thời gian, giữa tác phẩm mới nhất của Hemingway, Ông già và biển cả, và một trong những sáng tác cổ điển nhất của văn học Mỹ, cuốn Moby Dick của Herma Melville; một con cá voi trắng bị kẻ thù của mình, vị thuyền trưởng bị chứng độc tưởng rượt đuổi một cách điên cuồng. Cả Melville và Hemingway đều không muốn tạo ra một câu chuyện ngụ ngôn; cái sâu thăm thẳm của đại dương mặn chát cùng những con thủy quái là quá đủ để tạo nên yếu tố thơ ca. Nhưng, bằng các phương thức khác nhau, kẻ lãng mạn, người hiện thực, cả hai đều đạt đến một chủ đề chung: khả năng chịu đựng của con người, và nếu cần, thách thức cả những cái không thể. "Có thể tiêu diệt con người, nhưng không thể đánh bại hắn".

Vì những lý do trên, giải thưởng Nobel văn học năm nay được trao cho một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, một trong những tác giả, một cách chân thực và dũng cảm, đã tái tạo những tính cách thuần khiết trong giai đoạn đầy gian khó của thời cuộc. Hemingway, nay ở tuổi năm mươi sáu, là nhà văn thứ năm của Mỹ có vinh hạnh này. Vì lý do sức khoẻ, người đạt giải không thể có mặt ở đây, giải thưởng này sẽ được chuyển cho ngài đại sứ Hoa kỳ.

Tân Đôn dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính
Theo vietbao.
 
Trích cuộc đời Hamingway và những nhận thức của ông.

Ernest Hemingway

Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899 — 2 tháng 7, 1961) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, một nhà văn viết truyện ngắn, và một nhà báo. Ông là một phần của cộng đồng những người xa xứ ở Paris trong thập niên 20 của thế kỷ XX, và là một trong những cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới I, sau đó được biết đến qua "Thế hệ vứt đi" (Lost Generation). Ông đã nhận được Giải Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả, và Giải Nobel Văn học năm 1954.

Nguyên lý Tảng băng trôi (Iceberg Theory) là đặc điểm trong văn phong của Hemingway. Nó được mô tả bằng sự kiệm lời và súc tích, và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong sự phát triển của văn chương thế kỉ XX. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của ông là những người mang đặc trưng của chủ nghĩa stoic(stoicism - chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh), thể hiện một lý tưởng được miêu tả là "sự vui lòng chịu sức ép" ("grace under pressure"). Nhiều tác phẩm của ông hiện nay được coi là những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ.


****​

1. Tuổi trẻ

- Ernest Miller Hemingway sinh ngày 21 tháng 7, 1899 tại Oak Park, Illinois, một vùng ngoại ô của Chicago. Hemingway là người con trai đầu tiên và là người con thứ hai mà ông Clarence Edmonds "Doc Ed" Hemingway - một bác sĩ làng và bà Grace Hall đã sinh ra. Cha của Hemingway rất chú ý tới sự ra đời của Ernest và đã thổi tù và ngay tại hành lang trước nhà để thông báo cho những người hàng xóm rằng vợ ông vừa sinh ra một cậu con trai. Gia đình Hemingway sống trong một ngôi nhà sáu phòng ngủ theo lối Victoria được xây dựng bởi người ông ngoại góa vợ của Ernest, Ernest Miller Hall, một người Anh nhập cư ,từng là quân nhân trong cuộc Nội chiến Mỹ (American Civil War) và đã chung sống với gia đình khi còn sống. Hemingway có tên trùng với người ông ngoại này của mình.

- Mẹ của Hemingway trước kia mong muốn được trở thành nghệ sĩ opera và đã kiếm tiền để đi học thanh nhạc. Bà là người độc đoán và rất sùng đạo (domineering and narrowly religious), phản ảnh cho quan niệm đạo đức mang tính nghiêm ngặt của người theo đạo Tin lành tại Oak Park, mà Hemingway sau này đã nhận định rằng có "những bãi cỏ(?) rộng và những tư tưởng hẹp hòi" ("wide lawns and narrow minds"). Hemingway sau đó đi đến kết luận rằng mẹ ông đã chi phối bố ông tồi tệ đến mức bà đã hủy hoại ông. Những người khác cho rằng bà bị rối loạn thần kinh chức năng. Nhà thơ nổi tiếng Wallace Stevens đã đề cập đến trong một bức thư rằng Hemingway là người duy nhất mà ông từng gặp "thực sự ghét mẹ của mình" ("truly hated his own mother"). Trong khi mẹ ông hi vọng rằng con trai của bà sẽ bộc lộ sự hứng thú đối với âm nhạc, Hemingway lại thừa hưởng từ cha mình những sở thích (outdoorsman hobbies) như đi săn, câu cá và cắm trại trong những khu rừng và hồ vùng Bắc Michigan. Gia đình ông sở hữu một ngôi nhà có tên Windemere trên Walloon Lake, gần Petoskey, Michigan và thường nghỉ hè tại đó. Những trải nghiệm đầu đời khi sống gần gũi với thiên nhiên này đã truyền cho Hemingway một niềm đam mê suốt đời đối với những cuộc phiêu lưu ngoài trời và với cuộc sống trong những khu vực xa xôi, hẻo lánh.

- Hemingway học tại trường trung học Oak Park and River Forest từ tháng 9 năm 1913 cho đến khi ông tốt nghiệp vào tháng 6 năm 1917. Ông nổi trội cả về học lý thuyết lẫn chơi thể thao; ông đấm bốc, chơi bóng bầu dục, và là một tài năng hiếm thấy trong các lớp học tiếng Anh. Kinh nghiệm viết đầu tiên của ông là viết cho "Trapeze" và "Tabula" (tờ báo và cuốn niên giám của trường) trong năm học trung học cơ sở (tiếng Anh-Mỹ: junior year), sau đó giữ chức vụ biên tập trong năm học phổ thông (tiếng Anh-Mỹ: senior year). Thỉnh thoảng, ông cũng viết dưới bút danh Ring Lardner, Jr., thể hiện sự kính trọng đối với thần tượng văn chương của ông - Ring Lardner.

- Sau khi học trung học, Hemingway không muốn theo học đại học. Thay vào đó, ở tuổi mười tám, ông bắt đầu sự nghiệp viết của mình với tư cách là một phóng viên cho The Kansas City Star. Mặc dù ông làm việc cho tờ báo này chỉ trong sáu tháng (17 tháng 10, 1917 - 30 tháng 4, 1918), nhưng trong suốt cuộc đời mình, ông đã sử dụng tôn chỉ viết của tờ báo này để tạo nên phong cách viết cho riêng mình: "Sử dụng những câu văn ngắn. Sử dụng những đoạn mở đầu ngắn. Sử dụng thứ tiếng Anh hùng hồn. Phải khẳng định, không phủ nhận" ("Use short sentences. Use short first paragraphs. Use vigorous English. Be positive, not negative.") Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ernest Hemingway (1899), The Star ghi danh Hemingway là phóng viên hàng đầu của báo trong một trăm năm qua.


- Hemingway ngừng làm phóng viên sau đó chỉ một vài tháng và, đi ngược lại mong muốn của cha mình, ông tình nguyện tham gia vào Quân đội Mỹ để chứng kiến những hoạt động trong Chiến tranh thế giới I. Ông không vượt qua được bài kiểm tra sức khỏe vì thị lực kém, vì thế ông chuyển sang gia nhập vào hàng ngũ quân y (Red Cross Ambulance Corps). Trên chặng đường tới mặt trận Italia, ông dừng lại ở Paris, nơi đang chịu những đợt ném bom liên tiếp từ phía không quân Đức. Thay vì ở một nơi tương đối an toàn tại khách sạn Florida, Hemingway cố gắng tiếp cận trận đánh nhất có thể.
Hemingway với quân phục trong Chiến tranh thế giới I

- Tiếp đó, sau khi tới Mặt trận Italia, Hemingway đã chứng kiến tận mắt sự tàn bạo của chiến tranh. Trong ngày đầu tiên ông làm nhiệm vụ, một xưởng đúc đạn dược gần Milan đã nổ tung. Hemingway phải thu nhặt thi hài của những người phụ nữ còn sót lại (human—primarily female—remains). Hemingway đã viết về trải nghiệm này trong một truyện ngắn của ông mang tên "A Natural History of the Dead"(tạm dịch: Một Câu Chuyện Có Thật về Cái Chết). Lần đầu tiên chạm trán với cái chết khiến cho ông run sợ.

- Những người lính mà ông gặp sau đó cũng không làm dịu bớt nỗi kinh hoàng. Một người trong số họ, Eric Dorman-Smith, tiếp chuyện Hemingway với một câu lấy từ Hồi II, Cảnh III trong Phần 2 của vở kịch Henry IV của Shakespeare: "Bằng lòng trung thành của tôi, tôi không lo sợ gì cả; người ta có thể chết nhưng chỉ một lần duy nhất; chúng ta nợ Thượng Đế một cái chết... và cứ để cho nó đến theo cách của nó, anh ta, người chết vào năm nay, là rũ bỏ(?) để tới người kế tiếp." ("By my troth, I care not; a man can die but once; we owe God a death... and let it go which way it will, he that dies this year is quit for the next.") (Hemingway đã trích những dòng này cho riêng mình trong "Hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber" (tựa gốc: The Short Happy Life of Francis Macomber), một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông được viết tại Châu Phi.) Với một người một người lính khác, Hemingway có lần nói, "Ông thật troppo vecchio (Tiếng Italia: quá già) để tham chiến" (gốc: "You are troppo vecchio for this war, pop."). Người lính 50 tuổi đã đáp lại, "Tôi có thể chết giống như bất kỳ người đàn ông nào." ("I can die as well as any man").

- Vào ngày 8 tháng 7, 1918, Hemingway bị thương trong khi vận chuyển quân nhu, và nó đã khiến ông phải dừng công việc lái xe cứu thương của mình. Mặc dù sự việc ông bị thương từng có nhiều nghi vấn, nhưng hiện tại có thể khẳng định rằng ông đã bị trúng đạn súng cối của quân Áo, làm cho ông bị thương nặng ở chân, và ông cũng bị trúng cả đạn súng máy nữa. Tình trạng đầu gối của ông rất tồi tệ, và, nằm trong số những điều đặc biệt khác thường của biến cố này, ông đã tự cầm máu bằng cách đặt thuốc nhồi và giấy cuốn từ những mẩu thuốc lá vào những vết thương. Sau đó ông được trao tặng Silver Medal of Military Valor (tạm dịch: Huân chương Bạc cho Lòng dũng cảm trong Chiến đấu) (Tiếng Italia: medaglia d'argento) từ chính phủ Italia vì đã đưa người lính Ý bị thương tới vùng an toàn bất chấp những vết thương của mình. Ông được báo chí thời bấy giờ công nhận là người Mỹ đầu tiên bị thương tại Italia trong Thế chiến I nhưng có tranh cãi xung quanh tính chính xác của khẳng định này.

- Hemingway được điều trị trong một bệnh viện tại Milan được tài trợ bởi Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ. Bởi thiếu những trò tiêu khiển, ông thường xuyên uống rượu mạnh và đọc báo để giết thời gian. Ở đây ông đã gặp Agnes von Kurowsky tới từ Washington, D.C., một trong số mười tám y tá (mỗi người chăm sóc một nhóm bốn bệnh nhân), nhiều hơn ông sáu tuổi. Hemingway đã yêu cô, nhưng quan hệ của họ chẳng thể tiếp tục do ông đã trở lại Mỹ; thay vì quay trở về cũng ông như dự định ban đầu, cô này đã có cảm tình với một sỹ quan Italia. Điều này trở thành một dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí ông và tạo cho ông những cảm hứng. Câu chuyện này đã được hư cấu trong một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Giã từ vũ khí. Truyện ngắn đầu tiên của Hemingway dựa theo mối quan hệ này là "A Very Short Story," (tạm dịch: Một Truyện Cực Ngắn) ra mắt năm 1925.


****​

2. Những tiểu thuyết đầu tiên

- Sau chiến tranh, Hemingway quay trở lại Oak Park, [và trong năm 1920, ông chuyển đến một căn hộ tại 1599 Phố Bathurst, mà bây giờ được biết đến với cái tên The Hemingway, trong vùng Humewood-Cedarvale tại Toronto, Ontario. Trong khi sống tại đây, ông kiếm được một công việc tại tòa báo Toronto Star. Ông làm việc với tư cách phóng viên tự do, chủ bút, và thông tín viên nước ngoài. Hemingway đối xử rất tốt với người đồng chí Star - phóng viên Morley Callaghan. Callaghan đang bắt đầu viết những truyện ngắn vào thời điểm đó; ông đem chúng tới cho Hemingway xem, và Hemingway khen ngợi chúng là những tác phẩm hay. Sau này họ gặp lại nhau ở Paris.

- Trong vòng một thời gian ngắn từ cuối năm 1920 tới gần hết năm 1921, Hemingway sống gần mạn bắc Chicago, trong khi vẫn sắp chữ (filing stories) cho The Toronto Star. Ông cũng là trợ lý biên tập của Co-operative Commonwealth, một tờ báo tháng. Ngày 3 tháng 9, 1921, Hemingway cưới người vợ đầu tiên, Hadley Richardson. Sau tuần trăng mật, họ chuyển tới một căn hộ chật hẹp ở tầng trên cùng tại lô 1300 Phố Clark. Trong tháng 9, họ chuyển đến căn hộ trên tầng 4 (tầng thứ 3 theo tiêu chuẩn công trình của Chicago) tại 1239 North Dearborn ở một khu vực trong tình trạng đổ nát gần mạn bắc Chicago. Tòa nhà này hiện vẫn còn và trước cửa có một tấm biển đề "The Hemingway Apartment" ("Căn hộ nhà Hemingway"). Hadley thấy nó có vẻ tối và tạo cảm giác buồn nên vào tháng 12 năm 1921, gia đình Hemingway rời khỏi Chicago và Oak Park, không bao giờ sống ở đó nữa, chuyển sang sống ở nước ngoài.

- Theo lời khuyên của Sherwood Anderson, họ định cư tại Paris, Pháp, và chính tại nơi đây Hemingway gửi tin về [Chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ (1919 - 1922)|Chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ]] cho tờ Toronto Star. Hemingway đã chứng kiến một trong những sự kiện nổi tiếng nhất của cuộc chiến có tầm quan trọng nhưng bị coi là vô nghĩa này, đó là cảnh Smyrna bị hỏa thiêu thảm khốc, một sự kiện mà ông đã đề cập trong nhiều mẩu truyện ngắn của mình. Anderson đã gửi cho ông một lá thư giới thiệu tới Gertrude Stein. Bà trở thành cố vấn của ông và giới thiệu ông với "Parisian Modern Movement" (tạm dịch: Phong trào Đổi mới Paris) đang tiến triển tại Khu Montparnasse; đây chính là sự khởi đầu của nhóm những người Mỹ xa xứ được biết đến với tên gọi "Thế hệ vứt đi" (Lost Generation), một thuật ngữ được truyền bá bởi Hemingway trong lời đề từ của một cuốn tiểu thuyết, Mặt trời vẫn mọc (tựa gốc: The Sun Also Rises), và cuốn tự truyện A Moveable Feast (tạm dịch: Một Ngày Lễ Đổi Ngày) của ông. Tính ngữ (epithet) "Thế hệ vứt đi" được cô Stein sử dụng lại từ một thợ sửa chữa ô tô người Pháp của cô khi người này vui vẻ đưa ra nhận xét về cô là "une génération perdue". (Cô Stein nói: "'Các bạn là thứ đó. Tất cả các bạn là thứ đó. Tất cả các bạn, những người trẻ phục vụ trong chiến tranh. Các bạn là một thế hệ vứt đi.'" ("That's what you are. That's what you all are,' Miss Stein said. 'All of you young people who served in the war. You are a lost generation.") - lấy từ cuốn tự truyện của Hemingway được xuất bản sau khi ông qua đời, A Moveable Feast.) Một người cố vấn có ảnh hưởng tới ông là Ezra Pound, [10] người sáng lập ra chủ nghĩa hình tượng. Hemingway sau đó đã nói về nhóm chiết trung này, "Ezra đã đúng trong phân nửa thời gian, và khi ông ấy sai, ông ấy sai đến mức bạn không bao giờ phải nghi ngờ về điều đó. Gertrude thì luôn luôn đúng." ("Ezra was right half the time, and when he was wrong, he was so wrong you were never in any doubt about it. Gertrude was always right.") Nhóm thường tới cửa hàng sách của Sylvia Beach, Shakespeare & Co., tại 12 Phố Odéon (Rue de l'Odéon). Sau lần xuất bản năm 1922 và lệnh cấm của Mỹ đối với cuốn tiểu thuyết Ulysses của người đồng sự James Joyce, Hemingway đã nhờ những người bạn tại Toronto mang lén những bản sao của cuốn tiểu thuyết về Mỹ (Hemingway viết về cuộc gặp mặt và trò chuyện với Joyce tại Paris trong A Movable Feast). Cuốn sách đầu tiên của ông, có tên Three Stories and Ten Poems (tạm dịch: Ba câu chuyện và mười bài thơ) (1923), được xuất bản tại Paris bởi Robert McAlmon.

- Sau nhiều thành công với tư cách là thông tín viên nước ngoài, Hemingway trở lại Toronto, Canada năm 1923 và viết dưới bút danh Peter Jackson. Trong lần thứ hai sinh sống (stint living) tại Toronto, ông có người con trai đầu tiên. Cậu bé được đặt tên là John Hadley Nicanor Hemingway, nhưng sau đó được quen gọi là Jack. Hemingway đã đề nghị Gertrude Stein làm cha đỡ đầu của cậu.

- Cũng vào thời điểm đó, có những bất hòa gay gắt xảy ra giữa Hemingway và người biên tập của ông - Harry Hindmarsh, người tin rằng Hemingway đã trở nên tồi tệ trong thời gian ông sống ở nước ngoài. Hindmarsh giao cho Hemingway những nhiệm vụ tầm thường (mundane assignments), khiến Hemingway thất vọng và ông quyết định viết đơn xin thôi việc vào tháng 12 năm 1923. Tuy nhiên, việc này không được chấp thuận, và Hemingway vẫn tiếp tục viết cho The Toronto Star nhưng không thường xuyên cho đến hết năm 1924.Hầu hết những bài mà Hemingway viết cho Star sau này được xuất bản trong tuyển tập Dateline: Toronto vào năm 1985.

- Sự nghiệp văn chương tại Mỹ của Hemingway bắt đầu với việc tập truyện ngắn Trong thời đại của chúng ta (tựa gốc: In Our Time) của ông được xuất bản (1925). Những đoản văn tạo nên các chương của phiên bản tại Mỹ (that now constitute the interchapters of the American version) ban đầu được xuất bản ở châu Âu với tựa in our time (1924). Tác phẩm này rất quan trọng đối với Hemingway, vì nó tái khẳng định với ông rằng văn phong cực kì đơn giản của ông vẫn có thể được chấp nhận bởi giới văn học. "Big Two-Hearted River"(tạm dịch: Dòng Sông Rộng Có Hai Tâm Hồn) là truyện nổi tiếng nhất của tuyển tập này.

- Vào tháng 4 năm 1925, hai tuần sau khi The Great Gatsby (tạm dịch: Gatsby Vĩ đại) được xuất bản, Hemingway đã gặp F. Scott Fitzgerald tại quán bar Dingo. Fitzgerald và Hemingway đã trở thành bạn thân ngay lần đầu gặp mặt, và từ đó họ thường xuyên uống rượu và trò chuyện cùng nhau. Thỉnh thoảng họ trao đổi cho nhau những bản thảo, cùng với đó Fitzgerald đã cố gắng rất nhiều để giúp công việc Hemingway tiến triển và đưa tuyển tập truyện đầu tiên của ông ra công chúng. Hemingway và vợ của Fitzgerald - Zelda tỏ ra không hề ưa nhau khi Zelda gọi Hemingway là một kẻ "đểu giả" (gốc: "phony"). Quan hệ vợ chồng Fitzgerald và Zelda xuất hiện những bất hòa trong trong thời gian này, và Zelda đã nói với Scott rằng đời sống tình dục của họ đã xuống dốc bởi vì ông là một kẻ đồng tính (gốc: "a fairy") và có quan hệ luyến ái với Hemingway. Chưa có bắng chứng rằng hai người là đồng tính, nhưng dù sao Scott đã quyết định ngủ với một người gái điếm để chứng minh mình là đàn ông thực sự.

- Nhà hàng La Closerie des Lilas (ảnh năm 1909), nơi Hemingway viết một phần của Mặt trời vẫn mọc Những mối liên hệ của Hemingway ở Pháp tạo cảm hứng cho sự ra đời của cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên, Mặt trời vẫn mọc (tựa gốc: The Sun Also Rises) (1926) (được xuất bản tại Vương Quốc Anh với tựa đề "Fiesta").Đây là một tiểu thuyết có tính chất nửa tự truyện, kể về một nhóm những người Mỹ xa xứ quanh Paris và Tây Ban Nha. Bối cảnh của truyện được đặt tại Pamplona, trong kì lễ hội. Tiểu thuyết trở nên nổi tiếng khắp Châu Âu và Mỹ và nhận được nhiều lời khen trong giới phê bình.

- Hemingway ly dị với Hadley Richardson năm 1927 và cưới Pauline Pfeiffer, một người sùng đạo Thiên Chúa đến từ Piggott, Arkansas. Pfeiffer là một phóng viên thời trang không thường xuyên, làm xuất bản trong các tạp chí như Vanity Fair và Vogue. Hemingway cũng trở thành một tín đồ Thiên chúa giáo vào thời gian này. Đây là năm mà tuyển tập truyện ngắn Men Without Women] (tạm dịch: Đàn Ông Không Đàn Bà) được xuất bản, trong đó The Killers(tạm dịch: Những Kẻ Sát Nhân) là một trong những truyện ngắn nổi bật nhất và được chọn in nhiều lần nhất của ông. Năm 1928, Hemingway và Pfeiffer chuyển đến Key West, Florida, để bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên, cuộc sống mới của họ sớm rạn nứt bởi bi kịch khác lại đến với cuộc đời ông.

- Năm 1928, cha Hemingway, Clarence, gặp rắc rối với bệnh tiểu đường (gốc: Diabetes mellitus) và tình trạng mất ổn định về tài chính, nên đã tự vẫn bằng một khẩu súng lục cũ từ thời Nội Chiến. Điều này khiến Hemingway đau đớn tột cùng và có vẻ đã được ông tái hiện qua chuyện cha của Robert Jordan tự tử trong cuốn tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai. Ông ngay lập tức tới Oak Park để làm lễ mai táng và gây ra tranh cãi khi nói rằng theo quan điểm Thiên chúa giáo, ông nghĩ cha ông sẽ phải xuống địa ngục. Cũng trong khoảng thời gian đó, Harry Crosby, người sáng lập Black Sun Press và một người bạn của Hemingway khi ông ở Paris, cũng quyết định tự tử.
Nhà Hemingway-Pfeiffer, được xây dựng năm 1927

Cùng năm đó, người con trai thứ hai của Hemingway, Patrick, sinh ra ở Kansas City (người con trai thứ ba của ông, Gregory, ra đời vài năm sau đó). Cậu bé được sinh ra nhờ cách phẫu thuật (gốc: Caesarean section) do vợ ông bị khó sinh. Chi tiết của sự việc này đã xuất hiện trong phần cuối củaGiã từ vũ khí. Hemingway sống và viết phần lớn tiểu thuyết Giã từ vũ khí và vài ba truyện ngắn ở nhà của cha mẹ Pauline tại Piggott, Arkansas. Nhà của Pfeiffer và Nhà của Carriage nay đã trở thành viện bảo tàng thuộc sở hữu của Đại học bang Arkansas.

Được xuất bản năm 1929, Giã từ vũ khí (tựa gốc: A Farewell to Arms) kể lại chuyện tình lãng mạn giữa Frederic Henry,một sỹ quan Mỹ, và Catherine Barkley, một y tá Anh. Tiểu thuyết mang nặng tính tự truyện: cốt truyện lấy cảm hứng trực tiếp từ mối quan hệ của ông với Agnes von Kurowsky ở Milan; quá trình sinh con của Catherine lấy cảm hứng từ những cảm giác rất đau đớn của Pauline khi sinh ra Patrick; cuộc đời thực của Kitty Cannell là cảm hứng cho nhân vật Helen Ferguson; người linh mục dựa theo Don Giuseppe Bianchi, một linh mục trong trung đoàn thứ 69 và 70 của Brigata Ancona. Trong khi đó, cảm hứng về nhân vật Rinaldi khá mơ hồ, nhân vật này đã từng xuất hiện trong Trong thời đại của chúng ta. Giã từ vũ khí đã được xuất bản trong thời điểm mà những cuốn sách viết về Chiến tranh thế giới I khá nhiều, như Her Privates We của Frederic Manning, All Quiet on the Western Front của Erich Maria Remarque, Death of a Hero của Richard Aldington, và Goodbye to All That của Robert Graves. Sự thành công của Giã từ vũ khí giúp cho Hemingway ổn định hơn về tài chính.


****​

3. Tự sát

- Hemingway đã dự định tự sát vào mùa xuân 1961, và tiếp tục được chữa trị bằng liệu pháp sốc điện (ETC) (Electroconvulsive therapy). Vào buổi sáng ngày 2 tháng 7 năm 1961, vài ba tuần trước sinh nhật lần thứ 62 của mình,ông đã chết tại nhà riêng tại Ketchum, Idaho, sau khi tự nã đạn vào đầu mình bằng một khẩu súng săn (shotgun). Chưa được phán xét chịu trách nhiệm về mặt tinh thần đối với hành động cuối cùng này, ông được mai táng tại một nghĩa trang của đạo Thiên chúa La Mã.

- Người ta tin rằng Hemingway đã mua khẩu súng săn của Boss & Co., khẩu súng ông đã sử dụng để tự sát, tại Abercrombie & Fitch - sau này là một nhà bán lẻ các đồ dùng phục vụ dã ngoại và nhà cung cấp các loại súng cầm tay. Đó là một vụ tự sát thực sự khủng khiếp, ông đặt báng của khẩu súng săn hai nòng trên sàn của tiền sảnh nhà mình, tựa trán mình lên hai họng súng rồi kéo cò. Nhân viên điều tra theo yêu cầu của gia đình đã không tiến hành khám nghiệm tử thi.

- Những người gần gũi nhất trong gia đình của Hemingway cũng quyết định tự sát, gồm có cha của ông, Clarence Hemingway, chị em gái của ông Ursula và Leicester, cô cháu gái Margaux Hemingway. Một số tin rằng một vài thành viên trong dòng họ Hemingway nhiễm một bệnh di truyền mang tên haemochromatosis (một dạng bệnh tiểu đường - bronze diabetes), trong đó một sự dư thừa về tập trung sắt trong máu gây tổn thương tuyến tụy và cũng gây ra sự suy nhược hay bất ổn định trong não bộ. Cha của Hemingway đã phát bệnh haemochromatosis trong thời gian trước khi ông tự sát ở tuổi năm mươi chín. Suốt cuộc đời mình, Hemingway là một người nghiện rượu nặng, và không thể kháng cự chứng nghiện rượu (alcoholism) trong những năm tiếp đó.

- Hemingway có thể đã rất đau đớn bởi rối loạn thần kinh, và rồi được chữa trị bằng liệu pháp sốc điện (electroshock therapy) tại Mayo Clinic.[40] Sau đó ông đổ lỗi cho những phiên ETC đã gây nên việc mất trí nhớ của mình - cũng là một lý do khiến ông không muốn sống nữa.

- Hemingway yên nghỉ tại một nghĩa trang ở cuối phía bắc thị trấn Ketchum, Idaho. Một bia tưởng niệm đã được dựng năm 1966 tại một địa điểm khác, nhìn ra Trail Creek, phía bắc Ketchum. Trên đó được khắc một bài thơ chúc tụng mà Hemingway viết tặng một người bạn của ông, Gene Van Guilder:

Best of all he loved the fall
The leaves yellow on the cottonwoods
Leaves floating on the trout streams
And above the hills
The high blue windless skies
Now he will be a part of them forever

(tạm dịch:
Trên tất cả anh ấy yêu mùa thu
Những chiếc lá nhuộm vàng những cây bông vải
Những chiếc lá trôi theo những dòng cá hồi
Và ở phía trên những ngọn đồi
Những khoảng trời cao xanh lặng gió
Giờ đây anh sẽ mãi mãi là một phần của chúng)

Ernest Hemingway - Idaho - 1939

Để tưởng nhớ tình yêu mà Hemingway đã dành cho Idaho và vùng ngoại vi nơi đây, Lễ Ernest Hemingway [41] được tổ chức hàng năm tại Ketchum và Sun Valley vào cuối tháng 9 với sự góp mặt của những nhà nghiên cứu, một buổi diễn thuyết dành cho người được trao Giải thưởng PEN/Hemingway và nhiều sự kiện khác, bao gồm những tour tham quan di tích lịch sử, những đêm open mic và một bữa tối từ thiện tại nhà của Hemingway tại Warm Springs mà nay đang được Uỷ ban bảo vệ tự nhiên tại Ketchum bảo quản.


****​

4. Những tác phẩm được xuất bản sau khi ông qua đời

- Hemingway viết nhiều thư, năm 1981, phần nhiều trong số chúng được Scribner cho in thành sách với nhan đề Ernest Hemingway Selected Letters(Tuyển tập thư Hemingway). Cuốn sách đã vấp phải phản ứng trái chiều vì Hemingway trước đó đã không muốn cho xuất bản những bức thư của mình . Những bức thư khác được in trong một cuốn sách tập hợp các bức thư mà ông đã từng trao đổi với biên tập viên của mình - Max Perkins,tựa đề The Only Thing that Counts 1996.

- Giờ đây một dự án nhằm xuất bản hàng ngàn bức thư mà Hemingway viết khi ông còn sống đang được tiến hành. Dự án được thực hiện với sự hợp tác của Đại học bang Pennsylvania và Quỹ Ernest Hemingway . Sandra Spanier, giáo sư Tiếng Anh - vợ ngài hiệu trưởng Đại học bang Pennsylvania Graham Spanier, đóng vai trò là tổng biên tập của tổng tập này.

- Hemingway vẫn tiếp tục sáng tác cho tới khi ông mất; hầu hết các tác phẩm đơn lẻ của ông được in sau khi ông qua đời; bao gồm A Moveable Feast (tạm dịch: Một Ngày Lễ Đổi Ngày), Islands in the Stream, The Nick Adams Stories (vài phần của tác phẩm này chưa được xuất bản trước đó), The Dangerous Summer, và The Garden of Eden (tạm dịch: Vườn địa đàng).Trong lời tựa cho cuốn Islands in the Stream, Mary Hemingway cho biết bà đã cùng với Charles Scribner, Jr. để "chuẩn bị xuất bản các tác phẩm từ bản thảo gốc của Ernest ". Bà cũng cho biết "ngoài việc vẫn thường làm là sửa lỗi chính tả và dấu câu , chúng tôi cũng cắt một số chỗ trong bản thảo, tôi cảm thấy chắc chắn rằng nếu còn sống ông ấy cũng sẽ là vậy. Tất cả nội dung cuốn sách vẫn là của Ernest. Chúng tôi không hề thêm thắt gì cả." Còn một số tranh cãi xung quanh việc xuất bản những tác phẩm này, cho rằng không cần thiết phải có sự quyết định của người thân Hemingway hay các nhà xuất bản đối với việc có hay không đưa những tác phẩm này ra công chúng. Ví dụ, một số học giả phản đối việc tác phẩm The Garden of Eden (Vườn địa đàng) được xuất bản bởi Charles Scribner's Sons năm 1986, mặc dù chắc chắn là nguyên bản của Hemingway, nhưng bị cắt mất hai phần ba so với bản thảo.


****​

5. Những giải thưởng và vinh danh

Trong suốt cuộc đời mình, Hemingway đã được nhận các giải thưởng, vinh danh:

* Silver Medal of Military Valor (Huân chương Bạc cho Lòng dũng cảm trong Chiến đấu) (medaglia d'argento) trong Chiến tranh thế giới I;

* Bronze Star Medal (Huân Chương Sao Đồng) (cho Phóng viên quân đội không chính quy trong Chiến tranh thế giới II), 1947;

* Giải Cống Hiến của Học viện Văn học - Nghệ thuật Hoa Kỳ, 1954;

* Giải Pulitzer cho Ông già và biển cả, 1953;

* Giải Nobel Văn học cho những cống hiến văn học trọn đời của ông, 1954;

* Hai huy chương cho đấu sĩ bò tót.

Một tiểu hành tinh, được tìm ra năm 1978 tại Liên bang Soviet bởi nhà thiên văn học Nikolai Stepanovich Chernykh, được đặt theo tên của ông — 3656 Hemingway.

Vào 17 tháng 7, 1989, Sở Bưu Chính Hoa Kỳ phát hành một loại tem bưu chính mệnh giá 25-cent để vinh danh Hemingway.

Nguồn: Internet
 
Trình bày vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp của Hemingue

HƯỚNG DẪN

a.Cuộc đời

Heminhgue là nhà văn Mĩ, sinh năm 1899, mất năm 1961, sinh trưởng trong một gia đình trí thức khá giả, la người từng đoạt Nobel về văn học.

Ông yêu thích thiên nhiên hoang dại, thích phiêu lưu mạo hiểm, sống giản dị, gần gũi quần chúng và từng tham gia nhiều cuộc chiến tranh.

Heminhgue có cuộc đời đầy sóng gió, một cây bút xông xáo không mệt mỏi. Ông là người đề xướng ra nguyên lí “Tảng băng trôi” (Đại thể là nhà văn không trực tiếp phát ngôn cho ý tưởng của mình mà xây dựng hình tượng có nhiều sức gợi để người đọc rút ra phần ẩn ý).

b.Sự nghiệp

Sự nghiệp văn chương của ông khá đồ sộ, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu: Giã từ vũ khí, Ông già và biển cả, Chuông nguyện hồn ai,…
 
TRÌNH BÀY TÓM TẮT VỀ TÁC GIẢ HEMINGWAY

Hêminguây (1899 – 1961) là văn hào Mĩ, được Giải thưởng Nobel về văn chương năm 1954. Từng tham gia Thế chiến I, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha và Thế chiến II với tư cách là người lính, là phóng viên mặt trận. Ông để lại dấu ấn trong cả 3 thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch.


Có tác phẩm nói lên tâm trạng một thế hệ thanh niên trong và sau chiến tranh như “Giã từ vũ khí”. Có tác phẩm kể chuyện săn bắn, đấu bò như “Chết vào buổi chiều”, “Những ngọn đồi xanh châu Phi”,… Với 2 kiệt tác “Chuông nguyện hồn ai”, “Ông già và biển cả”, tên tuổi Hêminguây lừng danh trên thế giới.

Văn phong của Hêminguây giản dị, trong sáng, ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về thế giới tự nhiên và con người. chất liệu sống ngồn ngộn, độc thoại nội tâm, tình huống biến hóa, căng thẳng, đa nghĩa và đa thanh, mà ông gọi là nguyên lí “tảng băng trôi” có một phần nổi và 7 phần chìm, mang hàm nghĩa và triết lí sâu xa, thú vị.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top