V.I.LÊNIN NÓI VỀ THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN ĐỐI VỚI TÔN GIÁO TRONG CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
ĐỖ LAN HIỀN (*)
Bài viết trình bày và luận giải quan điểm của V.I.Lênin về thái độ của người cộng sản đối với tôn giáo trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, tác giả cho rằng một đảng cầm quyền vô thần, duy vật không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo như một nhu cầu tinh thần, đức tin cho con người, song phải có thái độ dứt khoát với xu hướng và biểu hiện tiêu cực của tôn giáo, phải chống lại thứ chủ nghĩa thần bí, phê phán quan điểm coi tôn giáo là “việc riêng tư” không chịu sự quản lý của nhà nước.
V.I.Lênin là người đã kế thừa và phát triển học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác, vận dụng nó vào điều kiện cách mạng nước Nga những năm đầu thế kỷ XX. Bên cạnh những nguyên lý cơ bản mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu trong học thuyết của mình, V.I.Lênin cũng đã bổ sung và phát hiện thêm một số luận điểm, đặc biệt là những luận điểm về tôn giáo.
Đến V.I.Lênin, vô thần luận của chủ nghĩa Mác còn được phát triển thêm ở các vấn đề sau: thái độ của Đảng Cộng sản(1), của Nhà nước công nông cần được quán triệt đầy đủ trong nhận thức và xây dựng đường lối, chính sách đối với tôn giáo trong thời kỳ giai cấp vô sản nắm chính quyền; đấu tranh chống thứ triết học biểu hiện như một hình thái tế nhị và tinh vi của chủ nghĩa tín ngưỡng, hoặc đang có xu hướng chuyển hoá thành tín ngưỡng luận, hoặc mất hết “vũ khí” chống lại chủ nghĩa tín ngưỡng; chống lại thứ chủ nghĩa xét lại những quan niệm của C.Mác về tôn giáo; chống lại quan điểm coi tôn giáo là “việc riêng tư” đối với một đảng cầm quyền; chống lại chủ trương làm sống lại tôn giáo, nâng nhu cầu tôn giáo lên, tiêm nhiễm tôn giáo vào người dân, củng cố tôn giáo cho người dân theo cách mới dẫn tới việc tuyên truyền thuyết tạo thần mang tính chất chính trị - xã hội nhằm chống lại Đảng Cộng sản và phong trào xã hội chủ nghĩa; chống lại thứ chủ nghĩa thần bí được dùng để che đậy tinh thần phản cách mạng,… Do đó, những quan điểm của V.I.Lênin về tôn giáo có ý nghĩa hết sức to lớn cả về mặt nhận thức và phương pháp ứng xử đối với tôn giáo, cũng như đấu tranh, phê phán các biểu hiện tiêu cực của tôn giáo và việc lợi dụng tôn giáo để chống lại Đảng Cộng sản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.(1)
Trước hết, về vấn đề thái độ của Đảng Cộng sản đối với tôn giáo trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo V.I.Lênin, sự thừa nhận tự do tín ngưỡng nhưng đồng thời khẳng định rõ lập trường tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan duy vật, vô thần của Đảng Cộng sản là một việc làm hết sức khó khăn, phức tạp. Do đó, điều này phải được đặt ra ngay trong thời kỳ đầu và trong suốt quá trình giai cấp vô sản cầm quyền, không thể có thái độ trung lập đối với tôn giáo, vì đứng trung lập trong vấn đề đó tức là đồng nghĩa với việc “quỳ gối” và làm “nô lệ”(2) cho chủ nghĩa tín ngưỡng.
V.I.Lênin cho rằng, những kẻ phá hoại chủ nghĩa duy vật biện chứng, xét lại chủ nghĩa Mác thường gần với thuyết tín ngưỡng(3), họ đứng về phe đối lập chống lại Đảng Cộng sản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù, về vẻ bề ngoài, họ không phải là tín đồ tôn giáo, không tin vào Thượng đế, vào thế giới bên kia v.v., nhưng lại gần với chủ nghĩa tín ngưỡng vì có thái độ trung lập với ý thức hệ tôn giáo, ca tụng các nhà triết học tôn giáo. Thái độ đó không giống một chút nào, mà ngược hẳn lại với thái độ của C.Mác, Ph.Ăngghen và ngay cả của L.Phoiơbắc nữa(4).
Do vậy, theo V.I.Lênin, những người cộng sản phải đấu tranh chống tôn giáo, đó là điều sơ đẳng của toàn bộ chủ nghĩa duy vật, của chủ nghĩa Mác(5). Tuy nhiên, “chống” tôn giáo mà V.I.Lênin nói đến ở đây là với tư cách một cuộc đấu tranh triết học, đấu tranh trực diện với tư tưởng thần học về những vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan để bác bỏ uy quyền của tôn giáo khi được coi là chân lý tuyệt đối, duy nhất, giành lại quyền đó cho khoa học và triết học duy vật biện chứng. Đấu tranh chống tôn giáo mà V.I.Lênin đề cập đến là đấu tranh chống cái “thế giới” mà lạc thú tinh thần của nó là tôn giáo, là xoá bỏ cái hạnh phúc ảo tưởng mà con người đang trông chờ ở tôn giáo, phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó, vứt bỏ bông hoa giả trang điểm trên vòng xiềng xích trói buộc con người, giúp con người thoát khỏi ảo tưởng, suy nghĩ và hành động một cách hiện thực. Cuộc đấu tranh đó không phải chống tôn giáo theo kiểu “tung hiến binh ra để truy kích tôn giáo”, đập phá nhà thờ, vì đấu tranh với tôn giáo kiểu như vậy, không làm cho tôn giáo tiêu vong một cách thực sự, mà ngược lại, càng làm cho tôn giáo đi đến chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo. Và, theo V.I.Lênin, tuyên bố chiến tranh với tôn giáo theo kiểu như vậy là một luận điệu “vô chính phủ chủ nghĩa”(6). Muốn giải phóng con người khỏi đám mây mù tôn giáo, làm cho con người không còn tin vào cuộc đời ở thế giới bên kia thì khoa học triết học duy vật biện chứng phải làm rõ về mặt lịch sử nguồn gốc, bản chất của tôn giáo, phải xoá bỏ toàn bộ những cơ sở hiện thực làm nảy sinh tôn giáo, chứ không thể thanh toán tôn giáo bằng bạo lực, bằng luật pháp hay đơn giản tuyên bố nó là cái vô nghĩa, vì tôn giáo đã tồn tại và thống trị phần lớn nhân loại trong suốt hơn hai nghìn năm.
Thêm nữa, mặc dù về nguyên tắc, chủ nghĩa xã hội đồng thời cũng là biểu hiện kiên quyết nhất của thái độ không tín ngưỡng tôn giáo, chủ nghĩa xã hội khoa học không thể kết hợp với tôn giáo(7), những người cộng sản không theo bất kỳ tôn giáo nào, trong đời sống hàng ngày không tham dự vào bất kỳ liên minh nhà thờ nào và không theo tất cả mọi nghi lễ tôn giáo(8), song, theo V.I.Lênin, việc tuyên truyền thế giới quan khoa học, chủ nghĩa vô thần không có nghĩa là đặt vấn đề tôn giáo lên hàng đầu; bởi lẽ, đó không phải là chỗ của nó, hoặc khêu lên bất cứ ý kiến bất đồng thứ yếu nào. Và, không nên nhất luận bất cứ trường hợp nào cũng tuyên bố rằng các linh mục không thể trở thành đảng viên Đảng dân chủ - xã hội. Nếu có một linh mục nào cùng đi với chúng ta để cùng hoạt động chính trị, tận tâm làm tròn nhiệm vụ của mình trong đảng và không chống lại cương lĩnh của đảng, thì chúng ta có thể kết nạp người ấy vào hàng ngũ Đảng dân chủ - xã hội, bởi mâu thuẫn giữa tinh thần và các nguyên tắc của Cương lĩnh với những tín điều tôn giáo của họ chỉ là mâu thuẫn của riêng người đó mà thôi. Ngay bản thân việc kiểm tra xem trong số các đảng viên của mình, trong con người họ có mâu thuẫn giữa quan điểm của họ với Cương lĩnh của một đảng không cũng là một việc không thể làm được(9).
Nói tóm lại, ý nghĩa của những luận điểm của V.I.Lênin về vấn đề thái độ của người cộng sản đối với tôn giáo trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa là ở chỗ, đã là người mácxít phải là người duy vật, nhưng đó phải là người duy vật biện chứng, tức là, đặt vấn đề đấu tranh chống tôn giáo không phải một cách trừu tượng, thuần tuý lý luận, lúc nào cũng giống lúc nào, mà phải đặt vấn đề đó một cách cụ thể và trước hết, phải mang tính chất giáo dục quần chúng. Người mácxít phải biết vạch rõ ranh giới giữa chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa cơ hội, nhưng cũng không rơi vào phái những người sợ đấu tranh với tôn giáo với một suy nghĩ hèn nhát rằng, không nên làm mất lòng ai, không ruồng bỏ ai, không làm ai hoảng sợ, và hành động theo một châm ngôn “khôn ngoan” là “mình sống phận mình và để yên cho người khác sống”.
Thứ hai,V.I.Lênin phê phán thái độ xem tôn giáo là việc “riêng tư” đối với một đảng cầm quyền. Một nguyên tắc bất di bất dịch như V.I.Lênin đã chỉ rõ là, đối với nhà nước thì tôn giáo phải là việc tư nhân (10), tức là phải giải phóng nhà nước ra khỏi tôn giáo, nhà thờ tách khỏi nhà nước và độc lập với chính quyền. Cần phải gạt bỏ mọi ảnh hưởng của giáo hội đối với trường học. Tất cả các đoàn thể tôn giáo đều được nhà nước coi là những hội tư nhân, không được trợ cấp bằng công quỹ, không có địa vị thống trị trên tất cả. Mọi tôn giáo và các tổ chức giáo hội đều bình đẳng trước pháp luật. Còn đối với một tổ chức đảng thì tôn giáo, bất luận thế nào, không thể coi là một việc tư nhân được( 11). Điều đó có nghĩa, tôn giáo chỉ là việc của tư nhân theo nghĩa, mỗi người có quyền tin hay không tin vào bất cứ thánh thần nào, nhưng với một tổ chức đảng thì không thể thờ ơ trước tình trạng người dân hay đảng viên của mình thiếu giác ngộ, dốt nát hoặc bị mê muội bởi tôn giáo. Một đảng cầm quyền không thể dung hoà trước việc tuyên truyền thuyết tạo thần mang tính chất chính trị - xã hội nhằm chống lại Đảng Cộng sản và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một đảng cầm quyền không thể coi việc đấu tranh chống tôn giáo với tư cách “thuốc phiện” của nhân dân, chống các hiện tượng mê tín dị đoan là một việc làm không cần thiết hoặc là việc của tư nhân(12). Nếu đảng cầm quyền thờ ơ với những biểu hiện tiêu cực của tôn giáo hay sự lợi dụng tôn giáo thì sẽ mất hết sức đề kháng, mất hết uy tín và trở thành nô lệ, phụ thuộc vào tôn giáo.
Ngược lại, một đảng cầm quyền phải kiên trì thực hiện giải phóng thực sự quần chúng nhân dân khỏi những thiên kiến tôn giáo, khỏi đám mây mù tôn giáo, khỏi tình trạng bị nô dịch tinh thần mà tôn giáo là một nguyên nhân, bằng cách lật đổ một cách thực tế tất cả những quan hệ xã hội hiện thực đã sản sinh ra tôn giáo - xoá bỏ chế độ tư hữu để con người có thể thoát ra khỏi tình trạng nô lệ về kinh tế mà giai cấp thống trị lợi dụng tôn giáo làm phương tiện để lý giải và mê hoặc con người. Cùng với đó, khoa học tự nhiên và triết học phải vén mở bức màn bí ẩn của giới tự nhiên, chỉ ra những quan hệ rõ ràng giữa con người và tự nhiên; vứt bỏ bức màn thần bí mà chính con người tạo ra cho tôn giáo. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao sự hiểu biết cho con người; tạo lập một xã hội nhân đạo, phồn vinh, công bằng, bình đẳng để con người thoát ra khỏi những ảo tưởng tôn giáo, giúp họ tin rằng con người không chỉ có khả năng “mưu sự” mà còn có khả năng “thành sự” nữa.
Song, trong công cuộc “giải phóng” con người khỏi tôn giáo đó, theo V.I.Lênin, những người cộng sản phải thật thận trọng, không được xúc phạm đến tình cảm tôn giáo của người dân, không được phế bỏ tất cả những yếu tố của sự thờ cúng, hay tung cảnh sát ra để truy kích tôn giáo. Bởi lẽ, làm như vậy sẽ gây thiệt hại lớn, làm cho quần chúng tức giận, gây chia rẽ trong quần chúng(13); thậm chí, càng kích động lòng cuồng tín và sự quan tâm của người dân đến tôn giáo, càng giúp cho tôn giáo kéo dài thêm sự tồn tại của nó.
Như vậy, V.I.Lênin đòi hỏi những người cộng sản chúng ta phải nghiền ngẫm những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về tôn giáo một cách nghiêm túc. Và, sách lược của một Đảng Cộng sản đối với tôn giáo trong thời kỳ nắm chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội phải thật chín chắn, triệt để, không thể trở thành kẻ “thông thái rởm” hay “ôn hoà chủ nghĩa” đối với tôn giáo, vì điều đó đồng nghĩa với sai lầm lớn(14).
Thứ ba, theo V.I.Lênin, người mácxít nào tuyên bố tôn giáo là một vấn đề chưa thể giải thích được, khoa học và triết học duy vật không có thẩm quyền trong các vấn đề về “chỗ bắt đầu và kết thúc của sự vật, về bản chất bên trong của tinh thần chúng ta, về tự do ý chí, về tính bất diệt của linh hồn...” (15), thì đó là những người muốn điều hoà tôn giáo với chủ nghĩa duy vật biện chứng, là sự biện hộ cho chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo quan, là những biểu hiện điển hình của tính vô nguyên tắc khi nghiền ngẫm những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về tôn giáo.
Những luận điểm trên của V.I.Lênin có ý nghĩa trong việc luận chứng và khẳng định chủ nghĩa Mác được đúc bằng một khối thép duy nhất, chúng ta (những người mácxít) không thể vứt bỏ một tiền đề cơ bản hay một phần chủ yếu nào hết, tính đảng trong triết học hiện nay cũng như hai nghìn năm về trước là không thay đổi. Những người mácxít nhất quyết không được rơi vào vòng tay của chủ nghĩa tín ngưỡng, kiên quyết chống lại chủ nghĩa xét lại hiện đại về triết học hiện nay đang có xu hướng xuyên tạc chủ nghĩa Mác, cố xoá đi ranh giới giữa khoa học và tôn giáo dưới những luận điệu: cả khoa học và tôn giáo đều có chung một mục đích là tái hiện lại hiện thực theo cách riêng của mình, và có thể tồn tại đồng thời hai loại chân lý với hai phương pháp nhận thức riêng biệt, một của khoa học duy lý, một của tôn giáo, vì thế giới được phân chia thành hai loại, một là thế giới vật lý hữu hình hay vô hình, hai là thế giới của tâm linh – đây là loại thế giới mà nhận thức lý tính và kinh nghiệm không bao giờ đạt tới được, nó vượt ra khỏi tầm với của giác tính, và con người chỉ có thể học được cách nhận thức thế giới đó, hiểu được thế giới đó nhờ bàn tay giúp đỡ của Thượng đế....
Tất cả những luận điệu kiểu đó đều là sai lầm và muốn dung hoà khoa học triết học duy vật biện chứng với chủ nghĩa tín ngưỡng. Thế giới, theo Ph.Ăngghen, chỉ tồn tại với một thực thể duy nhất, đó là vật chất. Song, chính bản thân con người - với một năng lực tư duy trừu tượng, trong quá trình nhận thức của mình đã thấy sự vật là phức tạp và không dễ hiểu, nên đã gán cho thế giới (chỉ tồn tại trong tư duy của chính mình) một phẩm chất cao hơn và gọi nó bằng một cái tên khác là “thế giới của cái siêu tự nhiên”. Thực chất, cái “thế giới siêu tự nhiên” đó không nằm ngoài hiện thực, chính con người đã sáng tạo ra tôn giáo, thánh thần theo hình ảnh và sự mong ước của chính mình. Cái mà con người cho là Thượng đế chính là tinh thần, tâm hồn, trái tim của họ. Từ Thượng đế có thể suy ra con người và từ con người có thể suy ra Thượng đế của họ. Hai cái đó chỉ là một, vì con người suy nghĩ ra sao, tâm tư như thế nào thì Thượng đế của họ sẽ đúng như vậy. Ý thức về Thượng đế là sự tự ý thức của con người, sự nhận thức về Thượng đế là sự nhận thức của con người, chứ không phải Thượng đế sáng tạo ra giới tự nhiên, xã hội và con người như những gì mà chủ nghĩa tín ngưỡng tuyên bố.
Tóm lại, một đảng cầm quyền vô thần, duy vật không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo như một nhu cầu tinh thần, tình cảm, đức tin cho cuộc sống con người, nhưng cần phải có thái độ dứt khoát với xu hướng và biểu hiện tiêu cực của tôn giáo, phải chống lại thứ chủ nghĩa thần bí được dùng để che đậy tinh thần phản cách mạng, phê phán quan điểm coi tôn giáo là “việc riêng tư” không chịu sự quản lý của nhà nước. Chủ nghĩa duy vật biện chứng chống tôn giáo không phải để tước đi cái quyền tồn tại của nó như một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, mà là tước đi cái quyền giáo điều hoá bản chất của thế giới, cái quyền thủ đắc chân lý, tước đi cái quyền xem xét lại chủ nghĩa Mác hoặc điều hoà giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa tín ngưỡng.q
(*) Tiến sĩ, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1) V.I.Lênin gọi là Đảng Công nhân.
(2) V.I.Lênin. Toàn tập, t.18. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.427.
(3) V.I.Lênin. Sđd., t.18, tr.10.
(4) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.18, tr.427.
(5) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.17, tr.514.
(6) V.I.Lênin. Sđd., t.17, tr.511.
(7) V.I.Lênin. Sđd., t.47, tr.198.
(8) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.737.
(9) V.I.Lênin. Toàn tập, t.17. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.519-520.
(10) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.12, tr.170-171.
(11) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.12, tr.170-171.
(12) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.17, tr.521.
(13) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.37, tr.221.
(14) Xem: V.I.Lênin. Sđd., t.17, tr.514.
(15) V.I.Lênin. Sđd., t.18, tr.373.
Theo Tạp Chí Triết Học