Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển!

NguoiDien

Người Điên
Xu
0
Đã lâu lắm rồi không viết một bài văn cho ra hồn! Nhân dịp Trung ương Đoàn phát động cuộc thi tìm hiểu về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Thường tự nhận mình là người đã đọc không dưới 10 lần tác phẩm “Đường mòn trên biển” từ thủa còn là học sinh cấp 2. Hơn nữa, tụi học trò cũng đang cần tài liệu để tham khảo và tìm hiểu. Tôi xin viết những gì mình biết (và cả những điều mới tìm hiểu thêm) nhằm khắc họa lại một thời hào hùng của con đường huyền thoại lịch sử. Có thể bài viết không hay nhưng chắc rằng sẽ có ích với nhiều bạn trẻ hôm nay!
Thời gian đã trôi qua nhưng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển với huyền thoại về những con tàu không số vẫn còn sống mãi một thời hào hùng, vẻ vang. Những năm tháng khó khăn, gian khổ và cả những mất mát lớn lao, tổn thất nặng nề, sự hi sinh thầm lặng của những con người anh dũng, quả cảm viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc làm chúng ta không khỏi xúc động mỗi khi nhớ lại.
Cách đây 48 năm, vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Chuyến tàu không số đầu tiên vận chuyển 30 tấn vũ khí mở lối cho hàng trăm chuyến tàu không số, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam ruột thịt đã lên đường và cập bến an toàn tại Cà Mau. Cũng từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển đã được hình thành.
Cũng từ đó, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến. Vậy con đường đó được hình thành như thế nào? từ bao giờ? và ai là người đã mở ra con đường Hồ Chí Minh trên biển? Đó là điều mà nhiều bạn trẻ hiện nay chưa hề biết đến.
Đường HCM trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải trên Biển Đông, được thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1959 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhằm mục đích vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho quân giải phóng miền Nam.
Trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, năm 1959, Bộ chính trị Việt Nam và quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển chi viện trực tiếp cho quân giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Bân là người đầu tiên truyền đạt chủ trương và được giao nhiệm vụ này, cũng đồng thời là thuyền trưởng của đoàn 559. Là người có kinh nghiệm mở đường vận tải xuyên Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp, ông cũng chính là người chỉ huy tàu gỗ vượt biển chở vũ khí mua từ nước ngoài về chi viện cho chiến trường Khu 5. Tháng 7 năm 1959, tiểu đoàn vận tải biển 603 được thành lập, đóng tại cửa sông Gianh – Quảng Bình với tên gọi “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Thuyền được ngụy trang giống như thuyền đánh cả của ngư dân miền Nam. Sau một thời gian luyện tập, thăm dò và chuẩn bị mọi mặt. Đêm 30 tết Canh Tý, ngày 27 tháng 1 năm 1960, chuyến tàu đầu tiên xuất phát gồm 6 người do đồng chí Nguyễn Bất chỉ huy. Đó là một buổi chiều mùa đông, tập đoàn đánh cá sông Gianh rời vị trí, tiếp nhận 5 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường quân khu 5. Địa điểm cập bến là bến Hồ Chồi, phía chân đèo Hải Vân. Để giữ bí mật, tiểu đoàn 603 đưa ra hai phương án tác chiến: Một là nếu tàu vào được bến an toàn sẽ bốc dỡ xong rồi phá tàu, các chiến sỹ sẽ theo đường bộ trở về đơn vị. Hai là, nếu lạc đường thì thả hàng xuống Biển để giữ bí mật. Nếu bị địch phát hiện và bao vây thì nổ mìn phá tàu, chấp nhận sự hi sinh.
Tàu nhổ neo lúc 18 giờ chiều 30 tết Canh Tý, đồng chí Nguyễn Bất là thuyền trưởng, đồng chí Trần Mức là thuyền phó, bốn thuyền viên còn lại là Nguyễn Sơn, Nguyễn Ngữ và hai đồng chí khác. Tất cả đều tuổi từ 19 đến 23. Đại đội trưởng Nguyễn Bất nói với anh em: “Cuộc vượt biển 30 tết là trái tim người lính, tiền tuyến đang chờ chúng ta, cả miền Nam đang chờ chúng ta. Các đồng chí hãy nén việc riêng mà hoàn thành nhiệm vụ”. Nhưng sau đó, do gặp bão nên thuyền bị thủng, đồng chí Nguyễn Bất quyết định phi tang 5 tấn thuốc men, súng đạn rồi đánh chìm tàu. Địch ập tới, sáu đồng chí bị bắt và bị tra tấn dã man nhưng không hé nửa lời, tuyến đường vận chuyển vẫn được giữ bí mật tuyệt đối. Sau chuyến đi không thành công đó, quân ủy Trung ương nhận thấy việc dùng thuyền gỗ chạy bằng buồm chở vũ khí vào chiến trường có rất nhiều khó khăn và không an toàn. Từ đó, Bộ quốc phòng đã chỉ thị cho tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động để tìm phương thức hoạt động mới. Ngày 23 tháng 10 năm 1961, trước tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt, theo chỉ thị của Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập lữ đoàn 759, tiền than của lữ đoàn 125 Hải quân với tên gọi “Đoàn tàu không số” để vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam.
Gọi là “Tàu không số”, nhưng thực ra mỗi con tàu đều có số hiệu tại đơn vị. Chỉ khi xâm nhập miền Nam, tiếp nhận vũ khí, đến hải phận nào tàu sẽ thay biển số của hải phận đó. Ngày mồng 8 tháng 4 năm 1962, chuyến tàu đi trinh sát và mang chỉ thị của Trung ương về việc mở đường vận chuyển chiến lược trên biển do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy đã đến miền Nam. Bắt đầu từ đây xuất hiện những con tàu không số, lúc ẩn lúc hiện tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 11 tháng 10 năm 1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1 dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn – Hải Phòng, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên Biển, nối liền hai miền Nam, Bắc. Nhưng việc khai thông con đường đã khó thì việc giữ bí mật con đường càng khó bội phần. Để đảm bảo bí mật, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng về việc mở đường vận chuyển chi viện cho miền Nam, các chiến sỹ Hải quân đã có những phương thức vận chuyển độc đáo, ngụy trang khéo léo, bí mật, thọc sâu vào bến nhanh chóng và bất ngờ. 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên con đường vận chuyển mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh, lực lượng vận tải biển của Hải quân đã trưởng thành, binh đoàn vận tải chiến lược trên Biển được hình thành, nhiều tuyến mới, hàng chục các bến bãi khắp các tỉnh ven Biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường khu 5, đến tận cửa ngõ Sài Gòn vận chuyển vũ khí cho tiền tuyến đánh giặc.
Đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử với những bến bãi trên tuyến đường này như: Bến tàu không số K15 Đồ Sơn – Hải Phòng; bến tàu không số Lộc An – Bà Rịa Vũng tàu; bến tàu không số Vũng Rô – Phú Yên; bến Vàm Lũng – Cà Mau … đã trở thành những khu di tích lịch sử thu hút du khách và một số nơi đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Ngoài ra, nhiều bến khác như Bạc liêu, Lộ Diêu (Bình định), Đạm Thúy (Quảng Ngãi), Bình Đáo (Quảng Nam), Rạch Kiến (Cà Mau), Trà Vinh, Bà Rịa …
Ngày 11 tháng 10 năm 1962. Chuyến tàu đầu tiên do đồng chí Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một chỉ huy đã rời bến Đồ Sơn – Hải Phòng, đến ngày 16 tháng 10, qua gần một tuần đối mặt với những gian nguy, thử thách, tàu đã cặp bến Vàm Lũng – Cà Mau an toàn. Chuyến đi lịch sử đó đánh dấu sự hình thành con đường Hồ Chí Minh trên Biển, mở lối cho hàng trăm chuyến tàu không số vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam để thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Mở đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược chi viện cho miền Nam ruột thịt. Cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam đã dày công nghiên cứu, tìm ra phương thức vận chuyển độc đáo, sáng tạo dọc con đường biển này. Từ những con thuyền gắn máy, trọng tải nhỏ, đi dọc ven biển đã phát triển lên những đội tàu sắt, có trọng tải hàng trăm tấn, vươn rộng ra Biển Đông. Ngày ấy, địch phong tỏa gần bờ, đoàn tàu phải đi trên vùng biển xa. Địch phong tỏa đường biển dài, đoàn tàu lại đi phân đoạn, đồng thời khéo léo ngụy trang, bí mật thọc sâu vào bến, nhanh chóng và bất ngờ. Khi thời cơ đến là tập trung toàn lực dốc sức cho nhiệm vụ vận chuyển, chi viện cho chiến trường. Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ cùng 38 cán bộ, chiến sỹ nòng cốt trong những ngày đầu thành lập, chặng đường 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên con đường biển mang tên Bác, lực lượng vận tải biển của Hải quân đã phát triển thành một binh đoàn vận tải trên biển, hình thành nhiều tuyến đường mới, len lỏi vào chiến trường khu 5 khốc liệt, đến tận cửa ngõ Sài Gòn chi viện cho tiền tuyến đánh giặc. Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết quân dân giữa các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam với nhân dân các địa phương trên biển. Chiến công anh dũng của các chiến sỹ Hải quân là thể hiện trình độ tác chiến, chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng và các cơ quant ham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần theo hệ thống đảm bảo . Đoàn 125 Hải quân với tên gọi thân thương “Đoàn tàu không số” vinh dự được nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến chi viện chiến lược đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử vẻ vang mới cho dân tộc, là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối “chiến tranh nhân dân”. Thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng tự hào của dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất tổ quốc. Là trí tuệ quyết chiến quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước.
Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, duy nhất có trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Trên con đường này, đoàn tàu không số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sứ mạng lịch sử mà dân tộc giao phó.
Tháng 3 năm 1954, sau hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, trong khi chờ tổng tuyển cử ở Việt Nam, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng vũ trang hai bên tập kết. Tháng 6 năm 1954, đế quốc Mỹ lập ra và viện trợ kỹ thuật, quân sự cho chính phủ Ngô Đình Diệm, ban hành luật 10-59 và luật số 21, lê máy chém. Đi khắp miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, hội nghị lần thứ 15 bộ chỉ huy Trung ương Đảng khóa II họp tại Hà Nội đã xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường “cách mạng bạo lực”. Theo chỉ thị của Bộ chính trị, tháng 5 năm 1959, tổng quân ủy Trung ương quyết định thành lập phòng nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam. Thực hiện chủ trương của Đảng và quân ủy Trung ương, ngày 19 tháng 5 năm 1959, đoàn công tác quân sự đặc biệt (đơn vị tiền thân của đoàn 559) được thành lập. Tháng 7 năm 1959, tiểu đoàn 603 được thành lập có nhiệm vụ nghiên cứu tìm ra phương thức vận chuyển trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1959, tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến vượt biển đầu tiên với nhiệm vụ chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường khu 5. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, chuyến đi không thành công, quân ủy Trung ương quyết định cho tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Từ năm 1959 đến năm 1961, quân ủy Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tìm con đường vận tải trên biển với mục đích chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ tổng tư lệnh ra quyết định số 97QP thành lập đoàn 759 vận tải thủy. Lực lượng ban đầu có 38 đồng chí cán bộ chiến sỹ do trung tá Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng. Ngày 23 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của đoàn 759 trước đây, lữ đoàn 725 hải quân ngày nay, đồng thời cũng là ngày mở ra tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau nhiều chuyến trinh sát, đêm ngày 11 tháng 10 năm 1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên xuất phát với 30 tấn vũ khí đã được vận chuyển tới bến Vàm Lũng – Cà Mau an toàn. Đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam đã thành hiện thực, tạo tiền đề cho những chuyến vận chuyển thành công tiếp theo của cán bộ, chiến sỹ đoàn 759. Để đảm bảo bí mật, những chiếc tàu của đoàn 759 phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Qua những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Cà Mau thắng lợi đã khẳng định ta có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài. Vì vậy cần có những phương tiện vận chuyển tốt hơn để có thể ra khơi ngay trong những ngày thời tiết xấu. Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư trang bị cho đoàn loại tàu vỏ sắt có trọng tải 50 đến 100 tấn. Ngày 17 tháng 3 năm 1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí lên đường đã vào bến Trà Vinh an toàn. Tháng 8 năm 1963, quân ủy Trung ương quyết dịnh giao đoàn 759 trực thuộc quân chủng Hải quân. Ngày 29 tháng 1 năm 1964, Bộ quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu đoàn 759 thành đoàn 125. Với phương châm táo bạo, bí mật, bất ngờ, các cán bộ chiến sỹ của những con tàu không số đã vượt qua những thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn để vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam trong 11 năm từ 1961 đến 1972 làm nhiệm vụ vận chuyển, đoàn 125 đã tổ chức gần 600 chuyến tàu, vận chuyển gần 33 nghìn tấn hàng hóa, bao gồm súng ,đạn, thuốc chữa bệnh và các trang bị quân sự cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh thắng các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Trong 2 năm 1973 và 1974, đoàn đã huy động 380 lượt tàu ra khơi, chuyên chở trên 43 nghìn tấn hàng hóa, đưa 2042 lượt cán bộ, chiến sỹ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo vượt qua chặng đường 158292 hải lý an toàn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần “thần tốc, táo bạo” chở người và vũ khí vào mặt trận. Tháng 3 và tháng 4 năm 1975, đoàn đã vận chuyển 17473 cán bộ, chiến sỹ các đơn vị chủ lực vào chiến trường, 40 xe tăng và 7786 tấn vũ khí, nhiên liệu … góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày mồng 3 tháng 6 năm 1976, đoàn 125 đã được Đảng, nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ hai. Tóm lại, trong suốt 14 năm liên tục (1961-1975), tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, huyền thoại quả lực lượng Hải quân đã có 1789 chuyến tàu không số, vận chuyển 150 nghìn tấn vũ khí trang bị và 80 nghìn lượt cán bộ vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4000 quả Thủy lôi, chống chọi với hàng chục cơn bão, chiến đấu trên 30 lần với tàu địch, đánh trả 1200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu, xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cho đến nay, mỗi khi nhắc lại những chuyến tàu không số thì không khỏi bồi hồi khi nhớ về thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh – người anh hùng, người con của đất Quảng Nam và chiến công của ông. Trước sự đóng góp lớn lao cho cách mạng, cho đất nước, năm 1970, ông được nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và tên ông được đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường sa. Đó chính là đảo Phan Vinh.
Ông sinh năm 1933 trong một gia đình cách mạng, tại thôn Bình Ninh, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19 tháng 2 năm 1946), ông tản cư vào sống ở Tam kỳ, là học sinh trường Trung học Tam kỳ II tại làng Khánh Thọ. 21 tuổi ông nhập ngũ. Sau đó, ông tập kết ra Bắc đến năm 1963, ông là trung úy thuyền trưởng Hải quân. Đầu năm 1967, ông chỉ huy “đoàn tàu không số” vượt đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiệm vụ chuyên chở vũ khí quân dụng chi viện cho miền Nam. Đến tháng 7 năm 1968, ông đã anh dũng vượt qua bao thử thách, gian khổ để chỉ huy được 11 chuyến tàu tới đích an toàn. Ông hi sinh khi vừa tròn 35 tuổi.
Trong cuộc tiến công chiến lược tết Mậu thân năm 1968, quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là tiếp tế vũ khí cho quân dân miền Nam. Đơn vị nhận nhiệm vụ này là đoàn 125 – “đoàn tàu không số” của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Trước tình hình nóng bỏng của chiến trường, lãnh đạo đoàn khi đó đã táo bạo cho 4 tàu cùng xuất phát một thời điểm tới 4 vùng biển khác nhau để đánh lạc hướng địch. Tàu C235 do trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng hướng vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) mang theo 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho Khánh Hòa. Quân số trên tàu gồm 20 người. 18 giờ ngày 29 tháng 2 năm 1968, tàu C235 cách Nha Trang khoảng 10 hải lý, phát hiện một máy bay trinh sát lượn vòng quanh tàu rồi chạy về đất liền. Xác định tàu đã bị lộ nên các thành viên tranh thủ thời cơ đưa tàu về bến vì cự ly không xa. Nếu lùi thì không còn cơ hội. Thuyền trưởng Phan Vinh cho tàu thẳng hướng Hòn Hèo, cả tàu chuẩn bị thả hàng và sẵn sàng chiến đấu.
23 giờ cùng ngày, tàu cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì gặp 5 tàu tuần tiễu của Hải quân ngụy dàn hang ngang cùng 3 chiếc tàu lớn của hạm đội hải quân ngụy. Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù cho tàu đến đúng vị trí bến quy định là một địa điểm thuộc xã Ninh Phước, Ninh Hòa. Ông cho tàu thả hàng xuống bến và nhanh chóng cho tàu sang vùng biển Ninh Vân nhằm không để lộ vị trí thả hàng để sau này quân ta còn ra vớt. Tàu địch khép chặt vòng vây, lại có máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ, cuộc chiến không cân sức diễn ra quyết liệt, máy chính của tàu đã bị hỏng, tàu không thể cơ động được nữa. Thuyề trưởng Phan Vinh hội ý với anh em trên tàu quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch. Ông cho các đồng chí của mình rời khỏi tàu tìm cách vào bờ, còn bản thân mình và ký thuật điện Ngô Văn Thứ ở lại trên tàu trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ. Một tiếng nổ kinh hoàng cắt vụn tàu C235, một nửa thân tàu hất văng lên triền núi Bà năm gần đấy. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến sáng hôm sau, sau khi đã hết đạn, hai ông đã dùng quả lựu đạn cuối cùng cho mình, không để bản thân rơi vào tay địch. 14 cán bộ chiến sỹ của tàu C235 đã vĩnh viễn nằm lại trên biển Hòn Hèo.
Trận chiến đấu của tàu C235 trở thành một điểm son trong lịch sử non trẻ của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải chiến lược lớn tồn tại trong suốt 14 năm ròng. Nó được tổ chức vô cùng bí mật và chặt chẽ, từ việc đóng tàu, lựa chọn thủy thủ, thuyền trưởng, tàu vượt biển, đến bãi dỡ hàng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của quân ủy Trung ương và Trung ương cục miền Nam. Nói là tàu không số, nhưng mỗi con tàu đều có những số hiệu cụ thể, rõ ràng đăng ký tại chỉ huy sở. Từ tàu buồm tàu gỗ nhỏ đến tàu sắt, trọng tải 50 đến 100 tấn, 200 tấn, từ đi gần bờ đến đi xa, vượt ra cả hải phận quốc tế …
Đi trên những con tàu không số đó là những cảm tử quân, vượt Biển Đông vào Nam là đi vào nơi tử địa, nhiều chuyến tàu, trước khi ra khơi, đơn vị phải làm lễ truy điệu sống các thủy thủ đề phòng tình huống xấu xảy ra. Có những chuyến tàu gặp những trắc trở, không còn một giọt nước ngọt, các thủy thủ phải uống chính nước tiểu của mình và dồng đội để duy trì sự sống. Vượt qua bao vòng vây dày đặc tàu chiến và máy bay của địch. Những con tàu với trọng tải nhỏ, trang thiết bị thô sơ ấy có thể vượt qua hàng ngàn hải lý chi viện cho miền Nam trong suốt 14 năm trời là chuyện chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới. Họ chính là những người anh hùng đích thực. Từ chỗ miền Nam đánh giặc bằng hầm chông, súng kíp, nhờ có những con người gan dạ, dũng cảm và con đường huyền thoại mà bộ đội chủ lực và dân quân miền Nam có đầy đủ những loại vũ khí hiện đại như DKZ, B40, B41, Đại liên 6,7li, AK47, … Thủy lôi sừng chạm của Liên Xô nặng đến 1070Kg. Chính những quả Thủy lôi này đã nhận chìm tàu vận tải quân sự Baton Rouge Victory của Hải quân Mỹ trên song Lòng tàu ngày 23 tháng 8 năm 1966, mang theo cả hàng trăm thiết giáp M113, 3 máy bay chiến đấu và rất nhiều hàng hóa tiếp viện cho Ngụy quyền Sài Gòn.
Thế mới hiểu được tầm quan trọng lớn lao của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhờ có con đường huyền thoại này mà miền Nam hoàn toàn giải phóng và đất nước Việt Nam thống nhất, ngày càng phát triển và phồn thịnh.
Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển là con đường huyền thoại mang tên vị lãnh tụ của dân tốc Việt Nam. Đó là con đường vận tải chiến lược, tồn tại suốt 14 năm. Trên con đường ấy là những cảm tử quân. Bao chiến công rực rỡ đã được sử sách ghi nhận, và theo đó, cũng không ít những mất mát, đau thương, không ít xương máu phải đổ xuống để duy trì con đường vận tải chiến lược đó. Những người anh hùng ấy, mặc dù đã hi sinh, nhưng sự hi sinh của họ không là vô ích vì sự hi sinh đó đã cho chúng ta sự hòa bình, thống nhất hôm nay. Mang lại cho chúng ta cộc sống hiện tại chính là những con người bằng xương bằng thịt ấy, họ quá đỗi gan dạ, quá đỗi phi thường. Họ đã anh dũng, không ngần ngại đi vào nơi tử địa chỉ với một lý tưởng duy nhất thống nhất đất nước, đem lại hòa bình cho toàn dân. Những người chiến sỹ ấy, trong họ chắc hẳn phải có một lòng yêu nước tột cùng, long yêu nước đã thấm vào từng giọt máu, vào từng tế bào trên cơ thể, tràn đầy trong những trái tim nhiệt huyết. Những hành động và ý chí quyết tâm đó thật đáng để cho thế hệ trẻ hôm nay phải nhìn lại mình, học tập và noi theo. Trong tôi lúc này , khi đọc lại, tìm hiểu thêm về những con người, những chiến công trên con đường huyền thoại ấy, cũng như bao người khác, trước hết là trào dâng niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc. Hơn cả là lòng cảm phục và quý trọng đối với thế hệ cha anh, những con người không tiếc thân mình hi sinh cho tổ quốc, cho lý tưởng của Đảng và của toàn dân tộc. Tất cả họ đều là những người anh hùng đích thực, vô cùng dũng cảm của đất nước. Để xứng đáng với thế hệ cha anh, bản thân tôi cũng như thế hệ trẻ hôm nay cần phải học tập thật giỏi, đóng góp một phần nhỏ bé trí tuệ, công sức của mình trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc thân yêu. Đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới, không phụ công những người anh hùng đã hi sinh cho tổ quốc hôm qua. Chắc hẳn, đó cũng là ước nguyện của những người đã ngã xuống vì mục đích độc lập dân tộc, vì sự hòa bình, yên vui của cả dân tộc. Hỡi những bạn trẻ! Chúng ta hôm nay phải làm gì? Hãy chung tay góp sức để thực hiện ước nguyện của thế hệ cha anh, những người đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường, những người đã ngã xuống để chúng ta có được một nền hòa bình độc lập. Hãy sống, cống hiến sao cho xứng đáng với công lao của các chiến sỹ năm xưa. Hãy cùng tiếp bước cha anh viết lên những trang sử hào hùng tiếp theo của dân tộc Việt Nam!
Trong chiến công của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, tôi có được đọc một tài liệu cũng như chính trong tác phẩm “Đường mòn trên biển” chi tiết thuyền trưởng Nguyên Phan Vinh cùng kỹ thuật viên Ngô Văn Thứ ở lại chiến đấu trên tàu, sau khi hết đạn, đồng chí Ngô Văn Thứ đã bị thương nặng, trên tàu còn 500Kg thuốc nổ, Nguyễn Phan Vinh đã cầm lái lái tàu đâm thằng vảo tàu địch, chiếc tàu C235 nổ và đồng thời nhấn chìm một tàu địch, thông tin này tôi chưa có dịp kiểm chứng, nhưng hầu hết các tài liệu hiện tại đếu không nêu ra chi tiết này nên tôi không dám mạo muội đưa vào bài viết.
Một số hình ảnh về những người chiến sĩ quả cảm và những bến cảng, những con tàu của con đường huyền thoại:
ben-K15-do-son.jpg

Bến K15 Đồ Sơn - Hải phòng




cua-vam-lung.jpg
Cửa biển Vàm Lũng - Cà Mau
Bong-van-dia.jpg
Đại tá Bông Văn Dĩa
nguyenphanvinh1.jpg
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh
Ben-con-tau.jpg
Di tích lịch sử bến Cồn Tàu
sau-chien-si-dau-tien.jpg
Sáu chiến sĩ đâu tiên của "Đoàn tàu không số"
taukhongso.jpg
Những con tàu không số

taukhongso01.jpg
Những con tàu không số

Bùi Quỹ


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top