ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH KĨ SƯ AN NINH MẠNG CỦA CHÀNG THỦ KHOA NGHÈO
BCăn nhà không có số nằm khuất sâu trong ngõ trên đường Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) những ngày qua đầy ắp tiếng cười khi Trần Nhật Hoàng (học sinh chuyên Toán, trường Lê Quý Đôn). Hoàng đậu thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng với 27 điểm (Toán 9,25; Lý 8, Hóa 9,5).
Hoàng kể 23h ngày 25/7, khi đang về quê Quảng Bình chơi, em được người bạn nhắn tin báo đậu thủ khoa. "Lúc đó em không tin nên nói với bạn rằng nếu đậu thủ khoa sẽ đãi một chầu nước ngọt. Sáng hôm qua, tụi bạn gọi điện cho em ra trả tiền nước đấy ạ", cậu thủ khoa nói.
Niềm vui của gia đình Hoàng khi nghe tin em đậu thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Riêng mẹ Hoàng vẫn lo lắng về chặng đường trước mắt của con khi kinh tế gia đình còn hạn hẹp. Ảnh: Nguyễn Đông
Người đầu tiên Hoàng gọi điện báo tin là mẹ, bà Nguyễn Thị Tuyết (41 tuổi). "Sau cuộc điện thoại của cháu, tôi không ngủ được, chỉ muốn hét một câu thật lớn cho cảm xúc vỡ òa", bà nói.
Bố Hoàng, ông Trần Đăng Sinh (công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh) kể trong giờ nghỉ trưa mấy người bạn cùng chỗ của ông làm đọc báo, hỏi "ĐH Đà Nẵng mới công bố thủ khoa, con ông tên gì để tôi xem". Ông trả lời và không tin vào mắt mình khi thấy tên con trên báo. "Cả buổi chiều tôi nóng hết cả ruột, chờ hết buổi làm để về gặp con", ông Sinh nói.
Lấy tập giấy khen của cậu con trai, ông Sinh cho biết ngoài thành tích 2 năm lớp 11 và 12 đạt giải nhì kỳ thi môn Toán cấp thành phố, Hoàng luôn là học sinh giỏi đứng đầu lớp.
Hiện ông làm lao động phổ thông, vợ làm hành chính tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Vợ chồng ông động viên con bằng việc mua chiếc xe đạp khi Hoàng thi đậu trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với vị trí thứ 7, mua cây đàn ghita khi Hoàng đậu tốt nghiệp.
"Hoàng biết gia đình kinh tế eo hẹp nên ba năm nay cháu đi một đôi dép đến trường. Cháu cũng không đua đòi gì, nhưng cũng kén ăn lắm, người cao 1m73 mà cân nặng chỉ được 49kg", ông Sinh nói về con và cho biết căn nhà mái tôn, nền nhà sụp lún do nằm trong dự án giải tỏa "treo" của gia đình thiếu ánh sáng là lý do tân thủ khoa này mang cặp kính cận thị 3,5 độ.
Không nhận mình ngoan như lời bố, Hoàng nói thi thoảng em cũng thích chơi game. Suốt một tháng trước ngày thi, cậu học bài miệt mại đến đêm, nhiều lúc thức quá mẹ cậu phải nhắc nhở vì lo con không đủ sức khỏe cho kỳ vượt vũ môn.
"Em luôn động viên mình phải gắng học để thoát nghèo", Hoàng tâm sự. Em dành toàn bộ học bổng 260.000 đồng một tháng để nộp tiền xe bus đi học. Nhiều hôm đi học bồi dưỡng môn Toán, bố mẹ bận đi làm, em lại túc tắc xe đạp hơn 12km đến trường. Về nhà, cậu học sinh chuyên toán lại giúp em trai học bài.
Sở trường học môn Toán, Hoàng cho biết ngoài những bài tập trong sách giáo khoa, em cũng đọc thêm các sách tài liệu để tìm ra lời giải và áp dụng cho những bài toán tương tự.
"Khi làm bài thi, điều cần thiết là phải định hướng sẽ làm câu nào trước, phân bổ thời gian cho từng câu cho hợp lý để không bị trễ giờ và cần thiết phải dành thời gian đọc lại bài. Như những câu phương trình, tưởng chừng đơn giản nhưng dễ mắc những lỗi về dấu, lý luận", Hoàng nói.
Không nhớ mình đã làm bao nhiêu bộ đề trước kỳ thi đại học, Hoàng kể nhà có bộ máy vi tính để bàn cũ do người anh nhà bác cho nhưng không có điều kiện nối mạng nên em ra quán internet tải đề rồi in mang về nhà làm. Câu hỏi nào chưa làm được em lại điện thoại hỏi trực tiếp thầy giáo để không bỏ dở buổi ôn luyện.
Lúc đầu Hoàng dự định thi vào ngành Toán vì sở thích và ước mơ sẽ trở thành một nhà toán học nhưng khi đọc được thông tin về an ninh mạng đang bị đe dọa, em quyết định chọn ngành công nghệ thông tin. Em cũng đăng ký dự thi khối B vào trường ĐH Y dược Huế nhưng phần vì sợ bố mẹ tốn thêm tiền, phần vì không muốn xa nhà nên chỉ thi vào ĐH Bách khoa.
"Luật bản quyền ở nước ta đang bị xâm phạm nghiêm trọng, phần mềm nào vừa nghiên cứu ra vài tháng đã bị xâm nhập, bẻ khóa "xài chùa". Em muốn trở thành kỹ sư tin học để góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà nước và đặc biệt là chất xám của những người đã mất nhiều công sức sáng chế ra các phần mềm đó", Hoàng nói.
Tân thủ khoa cũng chia sẻ rằng khi có thêm kiến thức về tin học, em sẽ bắt tay vào việc nghiên cứu các phần mềm để ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Hoàng cũng không muốn dừng lại ở chiếc bằng cử nhân mà dự định sẽ học tiếp để có kiến thức làm chủ tương lai và giúp ích thiết thực cho việc bảo mật thông tin trên mạng Internet.
vnexpress