Đừng để giáo viên tủi thân khi xuân về

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Đừng để giáo viên tủi thân khi xuân về


Tôi xem trên báo, đồng thời tìm hiểu từ thực tế thì thấy, mức thưởng tết của giáo viên (GV) so với một số ngành như điện lực, dầu khí một trời một vực. Chưa kể đồng lương của những người hằng ngày đứng trên bục giảng chỉ ngang lương bảo vệ một số cơ quan - Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - bày tỏ.

ImageHandler.ashx


Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng. Ảnh: Q.Thanh (Tuổi Trẻ).

Ông nghĩ như thế nào về tình trạng ngay trong ngành giáo dục, mức thưởng tết cho GV đã khác nhau?

Cơ chế cấp phát ngân sách trên đầu học sinh như hiện nay sẽ làm phá sản mong muốn giảm sĩ số học sinh/lớp của ngành GD-ĐT để nâng chất lượng. Bởi nếu sĩ số học sinh thấp thì ngân sách cấp cho trường sẽ ít, tổng thu học phí cũng giảm, kéo theo tiền thưởng tết sẽ giảm. Trong khi tâm lý con người không ai muốn mình thu nhập thấp cả.

Tôi đọc rất kỹ dự thảo văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và đặt nhiều hi vọng vào câu “Đổi mới sâu sắc toàn diện GD-ĐT”. Như vậy là cần đổi mới từ triết lý giáo dục, quan điểm nhìn nhận và hành xử đối với giáo dục, đổi mới cả cơ chế đầu tư ngân sách, chương trình - phương pháp giáo dục học sinh và cách đào tạo giáo viên...

Theo ông, đổi mới như vậy sẽ cải thiện cuộc sống của nhà giáo?

Hiện nay, phụ huynh bậc trung học ở TP.HCM chỉ phải đóng học phí cho con bằng giá một tô phở (30.000 đồng/tháng/HS THPT, 15.000 đồng/tháng/HS THCS) nhưng họ phải chi thêm từ 4 - 10 khoản khác.

Mức học phí thấp như hiện tại nhìn bên ngoài tưởng là nhân đạo, nhưng việc phụ huynh phải đóng thêm nhiều khoản sẽ khiến họ bực mình mà lại gây tủi hổ cho GV.

Ngay cả việc thưởng tết, chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh không cam lòng để thầy cô giáo của con mình phải nhận khoản tiền thưởng thấp hơn bao lì xì nên họ sẽ dấm dúi “lì xì” cho thầy cô. Thật tủi quá!

Muốn giáo dục đi lên, trước hết hãy quan tâm đến đời sống nhà giáo, làm sao để họ có thể sống được bằng lương.

Bao nhiêu năm qua, GV ở ta vẫn chưa sống được bằng lương, điển hình nhất là mỗi lần tết đến, mức thưởng tết của người GV có khi còn thua bao lì xì dành cho trẻ em.

Đọc báo, tôi được biết, GV Trường tiểu học Điện Biên được thưởng tết chỉ có 300.000 đồng/người, trong khi nhiều gia đình bình thường bây giờ đã bỏ bao lì xì cho con cháu 500.000 đồng. Chưa kể có trường vẫn còn nợ lương GV.

Để sống được bằng lương, nhà giáo phải có thu nhập không thấp hơn thu nhập trung bình trên đầu người của khu dân cư họ đang sống.

Có thể tạm tính như thế này: theo văn kiện Đại hội Đảng ở TP.HCM, mức thu nhập bình quân trên đầu người của người dân TP là 2.800 USD/năm 2010, tính ra tiền Việt khoảng 56 triệu đồng. Một GV, ngoài việc phải nuôi sống bản thân, còn phải nuôi con và cha mẹ già. Tính một cách khiêm tốn, mỗi GV sẽ nuôi một đứa con và 1/2 cha mẹ già, 1/2 cha mẹ già còn lại để anh em khác cùng lo.

Như vậy, thu nhập một GV phải đủ để nuôi sống 2,5 người tính cả bản thân: 56 triệu đồng x 2,5 = 140 triệu đồng, tức mỗi GV ở TP.HCM phải có thu nhập 140 triệu đồng/năm hay khoảng 11,6 triệu đồng/tháng.

Tôi tha thiết mong Đại hội Đảng toàn quốc lần này đặt ra nhiệm vụ là làm cho người GV sống được bằng lương. Sống được bằng lương từ đó mà còn thấy yêu nghề, có động lực để sống chết với nghề. Cấp ủy nào để mức thu nhập cho GV thấp hơn thu nhập trung bình của địa phương mình (như tạm tính ở trên), coi như phạm khuyết điểm không hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo dục.

Nhà giáo không thể sống bằng tinh thần mãi.

Bước chân vào một nghề mà biết chắc nó sẽ nghèo hơn những nghề khác thì lấy đâu ra người giỏi vào học sư phạm! Khi ngành sư phạm không thu hút được người giỏi thì chính xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Thế nhưng làm sao có thể bảo đảm mức thu nhập cho GV như trên khi ngân sách dành cho giáo dục hiện đã đạt 20%?

Đừng nói 20% ngân sách chi cho giáo dục là nhiều, là hết mức. 20% có vẻ cao, nhưng nếu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu sống còn để đưa đất nước đi lên thì chừng đó là không cao.

Bên cạnh đó, ta vẫn chưa huy động hết nguồn lực của nhân dân. Nếu tôi nhớ không lầm thì hơn 10 năm nay học phí vẫn “neo” một chỗ trong khi vật giá tăng vùn vụt theo từng năm. Mức học phí cần phải tính theo nguyên tắc: GV muốn sống được bằng lương thì cần bao nhiêu tiền một tháng, trong đó ngân sách chi được bao nhiêu, phần còn lại sẽ do người dân đóng góp thông qua học phí.

Cách tính học phí hiện nay là đặt “cái cày đi trước con trâu”: có mức học phí rồi mới tính đến lương GV. Do vậy mà mức lương của GV cho đủ sống vẫn chỉ là lời hứa của lãnh đạo ngành giáo dục và là nỗi ao ước của hầu hết GV.

Như vậy, ngoài mức lương đủ sống, theo ông cần có chính sách như thế nào để mỗi độ xuân về nhà giáo không phải chạnh lòng khi so sánh với các ngành nghề khác?

Chính sách cần quy định lương tháng 13 cho nhà giáo. Xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao. Công việc của người GV là công việc đầy thử thách của người “làm dâu trăm họ”.

Họ có mặt mọi nơi trên địa bàn dân cư, tiếp xúc với mọi thành phần xã hội. Họ phải chịu trách nhiệm và áp lực công việc rất lớn, cường độ lao động rất cao, đặc biệt đối với GV mầm non. Chỉ lỡ sơ sẩy chút xíu là phải... bỏ nghề. Bất kể gia đình nào cũng cần thầy cô, vai trò của người GV đặc biệt quan trọng đối với xã hội.

Chỉ cần lịch nghỉ lễ, tết của học sinh lệch với lịch nghỉ của phụ huynh là công việc các cơ quan gặp khó, lịch sinh hoạt trong gia đình thay đổi. Thế thì tại sao họ không có lương tháng 13 như bao ngành nghề khác?

Giáo viên gánh thiệt thòi

Nghị định 49 của Chính phủ đã đưa ra nguyên tắc xác định học phí: Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, mức học phí và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng.

Chỗ cần bàn ở đây là thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Khi tính bình quân thì thu nhập của các hộ có thu nhập hàng triệu đồng hay vài trăm ngàn đồng mỗi ngày được cộng với thu nhập của các hộ chỉ thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày. Kết quả thành con số trung bình: 5% của con số đó là con số rất nhỏ, một mức trần rất thấp gọi là học phí.

Hậu quả: người được hưởng lợi nhiều nhất là các gia đình có thu nhập cao - chỉ phải đóng một khoản học phí mang tính tượng trưng.

Sự ưu ái cho các gia đình nghèo khó ngược lại trở thành cái gánh thiệt thòi mà giáo viên phải chịu đựng. Thiệt thòi kế đến là học sinh nghèo vì con nhà giàu hơn có thể được bù lại bằng việc học thêm với ai đó. Không lạ gì khi các tổ chức nghiên cứu kinh tế nước ngoài cho rằng chính sách y tế và giáo dục của VN là ưu tiên cho người... giàu!




Theo TTO.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top