Đừng dạy theo tư duy “sản xuất hàng loạt”

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Đừng dạy theo tư duy “sản xuất hàng loạt”

Tại hội thảo khoa học “Giáo dục phổ thông trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện”, do Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 29-3, ông Nguyễn Quang Kính, nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, nhận định: “Giáo dục phổ thông có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng đến nay vẫn chỉ tập trung vào việc ứng thí (thi hết cấp, thi vào trường, thi tốt nghiệp). Quá nhiều nội dung buộc học sinh phải ghi nhớ một cách máy móc”.


ImageView.aspx

Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu trong giờ giải lao tại hội thảo - Ảnh: MINH ĐỨC



Đột phá ở TP.HCM?
“TP.HCM đã xác định sáu chương trình đột phá, trong đó chương trình cốt lõi nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực đạt trình độ cao thì phải bắt đầu từ hệ thống giáo dục phổ thông. Ngoài những cơ chế chính sách hiện có, TP.HCM phải đi đầu, phải tạo ra những gì mà hiện các tỉnh, thành khác chưa có mới là đột phá. Tháng 9-2010, thường trực Thành ủy đã làm việc với Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ GD-ĐT về phát triển GD-ĐT trong việc này. Tại buổi làm việc, cả Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ GD-ĐT đều mong muốn TP đi đầu trong công tác cải cách giáo dục”.
(Trích phát biểu của ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM - tại hội thảo)
Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học giáo dục VN: “Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được xây dựng dựa trên những cứ liệu về tâm sinh lý trẻ em cách đây 20 năm. Bây giờ không những thể lực mà động cơ, sự hứng thú, đặc điểm nhân cách, định hướng giá trị sống của học sinh phổ thông đã thay đổi nhiều. Qua chín năm triển khai, mặc dù có cải tiến (như hạn chế tính hàn lâm, lý thuyết, tăng cường thực hành, đổi mới phương pháp giảng dạy...) nhưng chương trình giáo dục phổ thông hiện tại vẫn bộc lộ sự bất cập, đó là tình trạng quá tải”. Ông cho rằng sự bất cập thể hiện ở chỗ chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, thiên về trang bị kiến thức khoa học bộ môn, chưa chú trọng đúng mức tới việc rèn luyện phương pháp tự học, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn... cho HS.

Hướng tới học suốt đời


Tại hội thảo các đại biểu cùng đồng tình: “Cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”. Nói như ông Nguyễn Quang Kính: “Đổi mới căn bản, toàn diện hay cải cách giáo dục chỉ là một nội dung nếu chúng ta có đề án tổng thể do người đứng đầu hội đồng quốc gia như Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ soạn thảo. Đề án này phải được Quốc hội thông qua và có bố trí ngân sách, tránh tình trạng cải cách nhưng không có tiền thực hiện như ngày xưa”.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã “phác thảo” mô hình trường phổ thông VN trong tương lai: thay thế việc dạy hướng tới thi cử bằng việc dạy hướng tới học suốt đời. Thay thế chương trình giáo dục mang dấu ấn của tư duy sản xuất hàng loạt sang chương trình chú trọng năng lực cá nhân. Nếu trước đây nhà giáo đóng vai trò nguồn cung cấp tri thức thì tương lai phải là người dẫn dắt học sinh tới các nguồn tri thức. Việc đánh giá HS nhằm vào kết quả học tập sẽ được đổi bằng đánh giá vào định hướng học tập. Tức là cần tìm hiểu xem HS học yếu chỗ nào, học tốt môn gì, định hướng học tập của các em ra sao để giúp đỡ các em chứ không giáo dục theo kiểu hàng loạt, cứ đến cuối kỳ thi em nào đạt thì tiếp tục lên lớp, không đạt thì thôi.

Điều đặc biệt là các đại biểu nhắc nhiều đến việc thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. TS Vũ Trọng Rỹ đề xuất: “Chương trình giáo dục phổ thông phải được thiết kế theo một chỉnh thể từ mầm non đến hết THPT theo hướng tiếp cận phát triển năng lực như: năng lực tính toán và giao tiếp bằng ngôn ngữ nói và viết, năng lực tư duy logic, phê phán, sáng tạo, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực tự học, tự đánh giá, tự điều chỉnh và học tập suốt đời, năng lực hợp tác và làm việc theo nhóm, năng lực sử dụng công nghệ thông tin”.

Bắt đầu từ trường sư phạm


Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam - khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông thực chất là cải cách giáo dục bởi nó cần một cuộc rà soát tổng thể. Trước đây, với cương vị bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi từng phụ trách công tác cải cách giáo dục. Điểm yếu của những lần cải cách trước là chúng ta lo cải cách chương trình, lo viết sách mới nhưng không lo về giáo viên, không lo cải cách việc đào tạo của trường sư phạm”.

Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu cho rằng đội ngũ giáo viên chính là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục phổ thông. Vì thế, củng cố, tăng cường, phát triển đội ngũ nhà giáo là vấn đề quan trọng bậc nhất cần tập trung giải quyết trong cải cách giáo dục.

Ông Nguyễn Quang Kính phân tích: “Nhất thiết phải có những sửa đổi trong tất cả các khâu: đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo. Phải khắc phục cho được quan niệm dạy lớp thấp không cần trình độ cao. Từ đó, thay đổi chuẩn đào tạo đối với nhà giáo theo hướng đại học hóa toàn bộ đội ngũ giáo viên phổ thông. Sự trì trệ của hệ thống các trường sư phạm trong tiến trình cải cách giáo dục từ trước đến nay chính là lực cản đối với mọi ý định cải cách nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông”.

Theo ông Kính: “Chỗ yếu nhất trong khâu đào tạo giáo viên hiện nay là kiến thức về bộ môn đang được coi trọng hơn kiến thức, kỹ năng sư phạm, mặc dù yếu tố này mới khiến dạy học trở thành một nghề”.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đề nghị xem lại cách tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng theo biên chế đối với các trường công lập đã tạo ra sức ì trong việc sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ. Chưa kể cũng dẫn đến thiếu đồng bộ trong cơ cấu ở một trường. Về chế độ đãi ngộ, mức lương thấp đã buộc các nhà giáo phải dạy thêm và nảy sinh không ít hiện tượng tiêu cực/tham nhũng trong ngành giáo dục.

“Đã đến lúc cần thấy việc tồn tại tình trạng thầy dạy thêm để thu tiền, trò đóng tiền để được học thêm chính là cách hủy hoại tính chân chính của nền giáo dục. Muốn khắc phục tận gốc, không có cách nào khác là phải cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên” - ông Nguyễn Quang Kính đề nghị.


HOÀNG HƯƠNG - TTO


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top