ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN
- Đức tính nhân bản là những đức tính tự nhiên, giúp người có giáo dục và rèn luyện đạt được mức trưởng thành nhân bản.
- Đức nhân bản Á Đông, được trình bày ngắn gọn, dễ nhớ gồm 10 đức tính, trong 2 mối tương quan: Với bản thân: Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Dũng. Với tha nhân: Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín. Cách riêng về Tứ đức: Công – Dung – Ngôn – Hạnh dành cho các bạn gái.
- Phần II này còn trình bày thêm việc huấn luyện trưởng thành tình cảm, vấn đề tình bạn, tình yêu của tuổi trẻ va việc đối thoại ngày nay.
Siêng năng chính là chiếc chìa khóa đều tiên mở cánh của tương lai, là một trong những bí quyết thành công trong cuộc sống.
I. Ý nghĩa:
- Chuyên cần (diligence): Là ham thích làm việc, làm cách mau mắn, vui tươi và kỹ lưỡng.
- Một người chuyên cần là người siêng năng, chăm chỉ học hành, ham làm việc, làm đến hoàn tất.
- Chăm chỉ: Là chuyên tâm, chú ý vào một động tác, tập trung mọi hoạt động của tinh thần vào một công việc, Vd:
Chăm chỉ học hành; chăm chú cầu nguyện; chú ý một người lạ; chú ý đọc đúng giọng, hiểu lời đọc…
II. Lao động: làm việc:
1. Ý nghĩa:
- Lao động: Chính là làm việc có ý thức, nhằm cải tạo thiên nhiên, tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần, góp phần đem hạnh phúc cho con người, xã hội.
- Có 2 loại lao động: Lao động chân tay và lao động trí óc. Cả 2 đều có giá trị ngang nhau, không thể khinh thường loại nào, vì tất cả đều góp phần xây dựng cho cuộc sống văn hóa, tiến bộ khoa học của con người.
2. Giá trị của lao động:
- Giá trị tự nhiên (nhân bản): Làm việc nhằm mục đích để sinh tồn và văn hóa. “Tay làm, hàm nhai”, có làm mới có ăn! Từ cuộc sống ấm no, đầy đủ, con người muốn sống cao hơn, tốt hơn, nảy sinh ra lao động có nghệ thuật, khoa học, phát sinh các nền văn hóa, văn minh khác nhau.
- Giá trị siêu nhiên: Làm việc là định luật của cuộc sống. Thiên Chúa luôn làm việc (quan phòng). Qua lao động, con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa. Nhờ lao động, ta tiếp tục công trình sáng tạo của Chúa, làm cho thế giới nên hoàn thiện hơn.
- Giá trị cứu độ: Ý thức qua lao động, ta góp phần cứu rỗi bản thân và thế giới: Khi lao động, ta cầu nguyện, liên kết với Chúa, để việc ta làm được động hóa với sức mạnh sáng tạo của Chúa. Nhờ lao động, ta có khả năng tin tưởng, yêu mến nhiều hơn, phát triển tài năng (nén bạc) Chúa ban để sinh ích lợi cho nhiều người: “yêu thương là phục vụ”.
III. Chuyên cần và lười biếng:
- Người chuyên cần: Thì ham thích làm việc, không ngại mệt nhọc để chu toàn công việc được giao phó.
- Người lười biếng: Ham ở không, ngại nhận việc, sợ khó nhọc, sợ trách nhiệm.
- Người chuyên cần: Vui vẻ, mau mắn thi hành công việc, thiết tha với công tác.
- Người lười biếng: Ơ hờ, trễ nải, lừng khừng, không tha thiết công tác.
- Người chuyên cần: Làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng, làm việc đến nơi đến chốn.
- Người lười biếng: Làm cẩu thả, lấy có lấy rồi, bỏ dở công việc.
IV. Luyện tập chuyên cần:
- Về công việc: Luyện tập làm việc cách chu đáo, từ việc nhỏ đến việc lớn. Khi làm thì quyết làm cho xong việc, không bỏ dở giữa chừng.
- Về học hành: Chăm chỉ học tập, chăm chú nghe giảng dạy, siêng năng làm bài tập. Học và làm cho xong bài được giao.
- Về đạo đức: Siêng năng thực hiện việc đạo đức qui định hàng ngày. Ghi nhớ câu tâm niệm: “Hãy làm việc tầm thường cách phi thường”.
V. Luyện tập chăm chỉ:
- Lợi ích của chăm chỉ: Khi nào ta chuyên tâm, chú ý, chăm chỉ vào một việc, ta mới thực sự tự do và vui vẻ hành động, vì nó xuất phát tự lòng ưa thích, từ những dự định sau khi đã suy nghĩ, chọn lựa và quyết tâm. Nhờ thế, ta dễ dàng đạt đến hoàn tất và thành công.
Nhờ tập được chăm chỉ, ta được sự vui tươi, nhờ đó, ta có thể giải quyết mọi trắc trở, biến suy nghĩ thành hành động.
- Phương pháp luyện tập: giữ 2 điều:
. Bài trừ triệt để mọi tư tưởng tản mác về việc khác: Biết mình đang lo ra, chia trí, nên nỗ lực dẹp trừ ngay và dứt khoát.
. Quyết chăm chú vào việc đang làm: Tận tâm, tận lực lo việc hiện tại, như ‘chỉ có giây phút hiện tại quan trọng’
. Châm ngôn: “Chăm chỉ làm một việc thôi và làm tận tình”.
* Kết: làm việc là qui luật chung trong trời đất. “Chim có cánh để bay, người có tay để làm”. Có chuyên cần làm việc, thì tài năng Chúa ban mới có cơ hội phát triển.
___________________________________________________________________________________________________
Bài 2: KIỆM
TIẾT KIỆM TIỀN CỦA – SỨC KHỎE – THỜI GIỜ
I. Tiết kiệm là gì?
- Theo từ ngữ:
. Tiết: là giảm bớt, kìm hãm, hạn chế, dằn lại.
. Kiệm: là dành dụm, không hoang phí, có chừng mực.
- Nghĩa chung:
Tiết kiệm là việc hạn chế đúng mức, chi tiêu dè xẻn, không hoang phí, không xa hoa trong việc sử dụng tiền của, sức khỏe, thời giờ.
II. Lãnh vực tiết kiệm:
Tiết kiệm trên 3 lãnh vực: tiền của, sức khỏe, thời giờ.
A. Tiết kiệm tiền của: việc sử dụng tiền bạc và của cải cá nhân, tập thể:
1. Về tiền bạc:
- Tiêu xài điều độ: Đừng làm ít xài nhiều, ăn tiêu quá độ, hoang phí.
- Cần định mức chi thu rõ rệt: Lập sổ chi thu minh bạch, ghi chép, kiểm tra thường xuyên. Đừng để mang nợ, vì “nhất tội, nhì nợ”.
- Dùng đồng tiền cách phải lẽ, không bủn xỉn, hà tiện, nhưng để thỏa mãn nhu cầu cần thiết, và để dành lúc túng thiếu.
2. Về của cải:
Nhà cửa, đồ dùng, quần áo, điện nước, thức ăn, thức uống…
- Của tư: Liệt kê đồ dùng cá nhân, sử dụng đúng mức, cách cẩn thận, để đồ dùng được lâu bền, tiết kiệm tiền mua sắm
.
- Của công: sử dụng tiết kiệm điện nước, nhà trường, lớp học… sách vở ở thư viện.
“Cần biết giữ gìn nhà cửa, đồ dùng, tiết kiệm vật liệu, nhất là điện nước”.
B. Tiết kiệm sức khỏe:
Sức khỏe là cái quí báu của con người. Vì thế, cần bảo vệ sức khỏe bằng điều độ.
1. Về ăn uống: Cần ăn uống thức ăn bổ dưỡng, sạch sẽ, tránh tránh những gì hại sức khỏe như rượu mạnh… Khi ăn, cần nhai kỹ, để giúp dạ dày dễ tiêu hóa…
2. Về giấc ngủ: Tránh thức khuya, hoặc ngủ nướng…
3. Về làm việc: Làm việc chừng mực, đúng giờ, nên giải trí, tạm nghĩ, kẻo sinh bệnh.
4. Siêng tập thể dục: Mỗi lúc ngủ dậy, dành ít phút tập thể dục để khí huyết lưu thông, gân cốt vững chắc, tinh thần vững mạnh.
B. Tiết kiệm thời giờ: Đúng giờ, đúng hẹn
1. Đúng giờ:Là giờ nào việc ấy. Mỗi việc có một số giờ qui định, và sắp xếp sao cho công việc đúng vào thời gian của nó. “Giờ nào việc ấy, việc nào giờ ấy”.
2. Đúng hẹn:Đó cũng là một phần của chữ ‘Tín’, nghĩa là khi hẹn ước với ai về thời gian và công việc nào, thì ta có nghĩa vụ thi hành cho đúng hẹn.
Đúng giờ hẹn:
Là một cách tự trọng, thái độ lịch sự, biểu thị tấm lòng nhân từ, bác ái huynh đệ với người khác.
Bí quyết giữ đúng giờ:
- Qui định thời khóa biểu, sắp xếp đúng việc.
- Làm sổ Agenda: Ghi những việc làm và giờ thực hiện.
- Tập lo xa: Dự phòng cẩn thận những thiếu sót, bất thường.
III. Lãng phí: nết xấu nghịch Tiết kiệm.
- Lãng phí sức lao động: vì kém óc tổ chức, sắp xếp vụng về…
- Lãng phí thời giờ: làm công việc cứ câu giờ, ham mê trò giải trí quên việc chính yếu…
________________________________________________________________________________________
Bài 3: LIÊM
TRONG SẠCH TÂM HỒN VÀ THỂ XÁC
1. Liêm là gì?
Thanh liêm, thanh sạch: Nghĩa là trong sạch, được hiểu trong sạch thể xác lẫn tâm hồn.
Người thanh liêm còn được hiểu là người trong sạch trong khi thi hành chức vụ, không tham nhũng, không hối lộ.
2. Sạch sẽ tâm hồn:
- Tâm hồn sạch tội: Đó là một tâm hồn trong trắng, không vướng mắc tội lỗi, hoặc nếu có vướng mắc, thì biết ăn năn hối lỗi, và quyết tâm sửa đổi.
- Đức khiết tịnh: Là nhân đức giúp ta sống trong sạch trong tư tưởng, tâm tình, ngôn ngữ, cử chỉ và hành động.
- Lỗi đức khiết tịnh: Trong tư tưởng, lời nói, hành động: khi suy tưởng, ước muốn hay thực hiện điều dâm ô.
- Giữ tâm hồn trong sạch: 3 điều.
. Cầu nguyện, lãnh bí tích, trông cậy ơn Chúa.
. Sáng suốt làm chủ ngũ quan và trí tưởng tượng.
. Sống đoan trang trong ăn mặc, đi đứng, giao tiếp bạn bè, người khác phái, nhất là xa lánh dịp tội.
3. Sạch sẽ thể chất:
Sạch sẽ thể chất là sạch sẽ về thân xác và đồ dùng
“Sạch sẽ là mát mẽ con người”.
“Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”.
“Lành cho sạch, rách cho thơm”.
A. Sạch Sẽ Thân Xác:
- Người có giáo dục phải biết sống sạch sẽ, biết gìn giữ thân thể sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên, biết đánh răng, chải tóc, cạo râu, xỉa răng, cắt móng…
- Người có giáo dục cần lưu ý các vấn đề sau:
1. Khạc nhổ, không được làm nơi công cộng.
2. Khi hắt hơi, hỉ mũi, ngáp, ợ: Phải nhẹ nhàng, dùng khăn, tay che miệng.
3. Tránh gãi đầu, ngoáy tai, cắn móng tay, bẻ ngón tay, cạy mũi nơi công cộng và trước mặt người khác.
B. Sạch Sẽ Trang Phục:
- Quần áo ảnh hưởng trực tiếp đến cá tính con người. Ta có thể thay đổi cá tính nhiều lần trong ngày, bằng cách đổi áo quần.
- Quần áo còn biểu hiện nhân cách con người. Qua trang phục người ta biết bạn là thuộc hạng người nào: Nghiêm chỉnh hay cẩu thả, lịch sự hay vô lễ, đơn sơ hay cầu kỳ, trí thức hay dốt nát, văn minh hay quê mùa.
- Cách trang phục: Phải sạch sẽ, vén khéo, giản dị, đúng đắn: đó là điều căn bản. Tránh ăn mặc lôi thôi cẩu thả, lem luốc, rách nát, hôi hám… tránh ăn mặc lòe loẹt, hở hang, kỳ dị… Cài nút khuy, dây kéo cẩn thận.
- Trang phục đúng nơi: Mỗi nơi, mỗi việc cần trang phục khác nhau: khi dự lễ, khi đến trường, khi vui chơi, thể thao, tắm, ngủ…
C. Ăn ở Sạch Sẽ:
- Nơi ở: Nhà cửa, phòng ngủ, giường chiếu: cần sạch sẽ, gọn gàng. Cần quét, lau, chùi, dọn dẹp, bỏ rác vào thùng.
- Ăn uống: Khoan thai, sạch sẽ, nhẹ nhàng khi ăn và uống… Học biết cách ăn với muỗng, nỉa, dao, đũa, chén dĩa… Nhường nhịn khi ăn chung, tránh xáo trộn để kén chọn thức ăn…
4. Lợi ích của người sạch sẽ:
- Thể chất sạch sẽ, thì thân xác khỏe mạnh, tránh đau ốm, bệnh tật.
- Tâm hồn sạch sẽ, sẽ thanh thản, thoải mái, minh mẫn, sáng suốt.
- Sự sạch sẽ thể xác sẽ giúp cho dễ dàng cầu nguyện, học hành, ngủ nghĩ. “Men sana in corpore sano” = tinh thần thanh thản trong thể xác tráng kiện.
5. Tai hại của kẻ dơ bẩn.
- Thường hay đau ốm, bệnh tật, truyền nhiễm.
- Gây phiền hà do mùi hôi hám là lỗi bác ái với người chung quanh!
- Biểu hiện thiếu văn hóa, giáo dục, bị khinh chê.
________________________________________________________________________________________
Bài 4: CHÍNH
CHÍNH TRỰC, THÀNH THẬT - CÔNG BẰNG
I. Chính Trực:
1. Chính trực là gì ?
- Là ngay thẳng, nghiêm minh, thành thật.
- Người chính trực là người sống theo công lý, biết nói và hành động cách nghiêm minh, không thiên tư,tây vị.
- Đức chính trực là đức tính cần thiết của người lãnh đạo,để quản trị và hướng dẫn nghiêm minh.
2. Lý do không chính trực:
- Vì tình cảm chi phối: Nhát sợ, yêu thương sái mùa...
- Vì ảnh hưởng của xã hội, văn hoá, kinh tế: Ham giàu, chức vị cao...
3. Luyện đức chính trực:
- Nghe theo tiếng lương tâm ngay thẳng.
- Cái nhìn đức tin: Tập nhìn sự vật, con người và các biến cố theo cái nhìn của Chúa Kitô.
II. Thành Thật:
1. Ý nghĩa:
- Các tên gọi khác: Chân thành, Chân thật, Thành tín ...
- Thành thật, theo ngôn ngữ bình dân nghĩa là:
“Bụng nghĩ sao nói vậy” không nói dối hầu lấy tiếng khen, hoặc che giấu cái dỡ của mình.
Người thành thật là người không tự dối lòng mình không dối gạt người khác. Trong cư xử, ngôn ngữ, hành động họ luôn tỏ ra thực tình, tín nghĩa.
2. Lỗi nghịch của đức thành thật:
a. Người không thành thật: Đó là hạn người: Giả hình, Dối trá, Lừa đảo, mưu mô, xảo quyệt, gian dối..
. b. Không thành thật trong sáng:
- Hành động : Làm chứng gian, thi cử 'copy', mua bán gian lận, lường gạt, chơi ăn gian...
c. Nguyên nhân của dối trá.
- Sợ sệt và khoe khoang, đó là 2 nguyên nhân chính của dối trá. Đôi khi nói láo cũng vì dã tâm, ác ý, đam mê bất chính.
- Muốn sửa trị dối trá, phải tìm nguyên nhân rồi nỗ lực bài trừ.
3. Lý do giữ thành thật:
- Trong cư xử, giao tiếp lịch sự, chân thành là căn bản để được mọi người tín nhiệm và yêu mến. Ai cũng sợ 'khẩu phật, tâm xà’, hoặc như lời của của Nguyễn Du: 'Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao'.
- Bình diện siêu nhiên, chân thành vì Thiên Chúa là chân lý “Ta là Đường, là Sự Thật và là sự sống”(Ga 14.6).
- Thật thật, vì là anh em của nhau: “Anh em hãy bỏ dối trá, mỗi người hãy nói thật với người đồng loại, vì chúng ta là chi thể của nhau'' ( Ep 4.25).
4. Lợi ích của thành thật:
- “Một con người chân thành luôn trọng chữ thành tín, nhất định sẽ được mọi người chung quanh ưu đãi, tha thiết”.
- Người thành thật thường được mọi người khâm phục, quí mến, tín nhiệm và cởi mở tâm tình.
- Trái lại, ngươi sống lừa dối, xảo trá, gian lặn, thì bị khinh bỉ và xa lánh.
- “ Bạn có thể lường gạt mọi người trong một thời gian và lường gạt vài người luôn mãi, song bạn không thể gạt luôn mãi hết mọi người (A.Lincoln).
- Sách Luận ngữ có câu: “Có 3 hạng bạn bè ích lợi: Bạn ngay thẳng, bạn nghe nhiều, bạn học rộng; và 3 hạng ngươi làm nguy hại: Bạn làm nhiều bộ tịch, bạn ưa chiều chuộng, bạn nịnh bợ gian xảo''.
III. Công Bằng:
Công bằng là của ai, trả cho người nấy.
1. Có 3 loại:
- Công bằng giao hoán: Tôn trọng quyền sở hữu, trao trả cho người khác những ai thuộc về họ: như mua bán...
- Công bằng pháp lý: Mọi cá nhân hoạt động theo những đòi hỏi của lợi ích chung.
- Công bằng phân phối: Phân chia nhiệm vụ và quyền lợi giữa các phần tử trong cộng đoàn cách chính đáng: nhà cửa, ruộng đất, việc làm.
2. Lỗi đức công bằng:
- Trộm cắp, cất giữ của người trái phép.
- Tham ô, lãng phí, lạm dụng của công.
3. Xây dựng công bằng xã hội:
Chu toàn nghĩa vụ, bổn phận, quan tâm đến lợi ích chung sống tình liên đới, tương trợ trong cộng đoàn xã hội.
* Lưu ý: Đời sống cộng đoàn tu sinh, tuyệt đối tránh TRỘM CẮP.
Dũng là thói quen tập trung ý chí và vận dụng sức mạnh tinh thần vào một mục đích đã định, quyết tâm vượt mọi trở ngại. Người có Dũng là người có nghị lực kiên cường, biết làm chủ lấy mình trong mọi tình huống, luôn hành động theo lý trí, quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Muốn tập chữ ''DŨNG'' cần rèn luyện ý chí.
I. Tự Chủ.
1. Tự chủ là gì?
- Tự Chủ là làm chủ lấy mình, khắc phục mọi lo âu sợ hãi, mọi dục vọng bất chính của mình.
- Người tự Chủ là con người luôn tỉnh táo đứng trước tình thế nguy nan, không lộ vẽ lo sợ, buồn bã, cuống cuồng.
a. Tự chủ trong lời nói: Người tự chủ thì trầm tĩnh, chỉ nói khi phải nói, nói cách thận trọng, không nói quá lời.
b. Tự chủ quả tim: Người tự chủ thì phải nhân từ, khoan dung, không để cho sở thích hay tính đố kỵ diều khiển mình.
c. Tự chủ trong ý chí: Là người có khả năng chế ngự dục vọng xấu và tính nóng nảy, nhưng điều khiển được ngôn ngữ, phản ứng và tâm tình của mình.Người tự chủ luôn giữ được thăng bằng đã suy nghĩ cẩn thận, trấn áp cảm xúc, diện mạo cử chỉ trầm tĩnh.
2. Lợi ích của tự chủ:
Người tự chủ luôn điều khiển được sinh hoạt của mình: Lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động... Tất cả đều nhờ lý trí hướng dẫn và ý chí điều khiển. Họ dạt dào tình cảm, nhưng không nô lệ chúng. Họ dồi dào tưởng tượng tràn đam mê, nhưng luôn hành động có ý thức và cương quyết. Còn người không biết tự chủ, thì tâm trí mê muội, mặc cho dục vọng, tính xấu triển nở, vì giận mất khôn, lo quá nên rối trí , mừng quá sinh ảo tưởng... Nhờ tự chủ, tinh thần càng được phấn khởi, ý chí càng đanh thép vươn lên và vượt thắng mọi trở lực.
4. Luyện tự chủ.
- Ngoài phương thế siêu nhiên như cầu nguyện, hi sinh, lãnh các bí tích, ta nên luyện tập trầm tĩnh, suy nghĩ và đọc sách.
a. Trầm tĩnh: Tục ngữ có câu: ''im lặng là vàng'' thật đúng trong trường hợp này. Lúc bị dao động ta nên dừng lại một thời gian im lặng, gọi là trầm tĩnh:
- Đừng làm gì cả: Đừng ra điệu bộ, giậm chân, múa tay....
- Đừng giãi bày tâm sự: đừng quyết định chi cả. Đợi khi tâm não lấy lại quân bình, ta mới quyết định. Vì:
- Khi bị xúc động mạnh, dễ lôi cuốn quyết định bồng bột.
- Có im lặng bên ngoài, bên trong dễ suy nghĩ, tăm não quân bình và phán đoán mới chính xác,
b. Suy nghĩ: Khi bị dao động mạnh, ý chí dễ bị thiên lệch, nên cần có lý trí soi sáng để suy nghĩ và có hành động hợp lý. Ta cần dừng lại để suy nghĩ :
- Nguyên nhân kích thích cảm xúc đến từ đâu?
- Tìm cách đối phó tức khắc hay chờ đợi?
- Nên nhớ: ''Thời gian là thầy dạy khôn ngoan”:
c. Đọc sách: Cần chọn vài loại sách có công dụng luyện tập tự chủ: Loại sách danh nhân, danh ngôn, lịch sử, hạnh thánh.
II. Cương Nghị.
1. Cương nghị:
Là khi đã quyết định thi hành một công việc nào, thì quyết tâm làm và nỗ lực làm tới cùng. “Việc gì thấy cần thì quyết tâm làm và khi đã quyết tâm làm thì làm cho tới cùng” (B Franklin)
- Người cương nghị: Trước khi bắt tay vào việc, họ suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hai, rồi sau đó tiến hành công việc cho đến khi hoàn tất chu đáo.
- Người thiếu cương nghị: Cũng suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại, nhưng lúc bắt tay vào việc, họ phân vân, vừa muốn vừa thôi. Kết cục làm lôi thôi, dang dở.
2. Tai hại do thiếu cương nghị.
- Không xong công việc.
- Luôn thay đổi, không hoàn thành công tác.
3. Luyện tập cương nghị.
- Muốn có cương nghị, ta cần rèn ý chí: Tập suy xét cẩn thận, và quyết định làm việc gì thì làm đến cùng.
- Tập quả quyết từ những việc nhỏ, đừng bao giờ khinh thường việc nhỏ “quyết định vẫn hơn xác định”.
- Tập đừng hối tiếc khi đã quyết định, đã thi hành.
Là nhân đức dạy ta biết yêu thương tha thứ và phục vụ người khác, theo gương Chúa Giêsu Kitô.
1. Lý do yêu người.
- Xét về tự nhiên: ''Tứ hải giai huynh đệ'' : Người trong bốn biển đều là anh em : cổ võ tình thương nhân loại.
- Xét về siêu nhiên: Từ Cựu Ước đến Tân Ước. Thiên Chúa, luôn dạy dỗ Dân Chúa, dạy chúng ta 'Hãy yêu thương nhau', như chúa đã yêu ta.
- Đức nhân ái dựa trên nền tảng: 'Chúa là Tình yêu, ai yêu thương nhau là ở trong Thiên Chúa'. Chúa đã dựng nên con người sống hình ảnh Chúa và Chúa đã chết để cứu chuộc loài người vì yêu con người. Vì thế, Chúa muốn con người sống yêu thương nhau: 'Hãy yêu nhau như Thầy yêu chúng con'.
2. Thực hành yêu người: "Yêu như Chúa yêu".
a. yêu cả xác và hồn:
- Thương xác 7 mối: Cho kẻ đói ăn, Cho kẻ khát uống, Cho kẻ rách rưới ăn mặc, Thăm kẻ bệnh tật, tù tội, Cho khách trọ nhà, chuộc kẻ làm tôi, Chôn xác kẻ chết.
- Thương linh hồn 7 mối: Lời lành khuyên người, dạy kẻ mê muội, An ủi kẻ âu lo, Răn bảo kẻ có tội, Tha thứ kẻ tù, Nhịn kẻ phiền ta, Cầu nguyện cho kẻ sống kẻ chết.
b. Yêu với mối tình phổ quát.
- Yêu mọi người, dù là người thù, ganh ghét, làm hại ta.
- Yêu bằng cách nhịn nhục và cầu nguyện cho người.
c. Yêu là dấn thân phục vụ:
- Chúa Kitô vì yêu ta, đã đến ở giữa chúng ta, sống trọn kiếp người như ta, ngoại trừ tội lỗi (IX.Dt 4,15)
- Yêu là dấn thân hoạt động: Tích cực góp phần đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người. Yêu không là trên chót lưỡi đầu môi, mà ''Yêu đi rồi hành động”:
- Yêu là phục vụ: Yêu là cho đi sức khoẻ, thời giờ, khả năng, của cải... Càng cho nhiều, là dấu càng yêu nhiều. Cho đi những gì? Bậc thấp thất của tình yêu là bố thí tiền của, vật chất. Bậc thứ 2 là cho đi thời giờ, sức khoẻ của mình. Bậc cao nhất là cho đi cả mạng Sống (phục vụ người cùi) 'Không có tình yêu nào cao quí hơn người thí mạng vì yêu'.
II. Nhân Từ.
Sự Tha Thứ .Điều khó nhất trong sự yêu người : đó là sự tha thứ.
1. Tha thứ là gì?
- Tha thứ là nhìn nhận mình bị xúc phạm và đồng thời chấp nhận người phạm lỗi cần được yêu thương, tôn trọng, tha thứ.
- Tha thứ không là quên đi mọi lỗi phạm, sai trái, nhưng là để nó tan biến trong biển cả của tình thương, thiện hảo.
- Tha thứ không là yếu nhược, mặc kệ, bỏ qua... mà là can đảm làm cho sự thông cảm vượt qua tự ái cá nhân, tức giận, báo thù, để hoà giải với người xúc phạm đến mình.
2. Giá trị tha thứ.
- Tha thứ được gọi là 'tuyệt đỉnh của tinh yêu’, vì nó đòi ta vượt qua từ yêu bản thân đến yêu kẻ thù, một tình yêu giống như Chúa Kitô trên Thập giá.
- Tha thứ là một nhân đức anh hùng, một khả năng của Thiên Chúa tình yêu.
- Tha thứ là việc trao ban cao cả nhất, vì không chỉ là cho đi tiền của vật chất, mà cho đi lòng tự ái, sự bao dung, cho đi cả con người của mình.
- Tha thứ là dấu của yêu thương thật, dấu của người con cái Chúa. Không yêu thì khó mà tha thứ!
- Tha thứ là làm điều thiện cho người gây khổ mình, vì khi tha thứ, họ không sợ báo thù, làm cho cuộc sống chung bình an.
3. Lợi ích của tha thứ.
- Tạo niềm vui trong lòng: Vì ta làm được điều thiện, không còn bận tâm trả thù, tâm hồn được thư thái, được an vui vì tin chắc rằng: ''Chúa sẽ tha thứ cho người biết thứ tha'?
- Tha thứ giải toả căng thẳng, làm cho cộng đoàn ta sống được nhẹ nhàng, không căng thẳng hàn gắn vết sứt mẻ trong các mối quan hệ, phá vỡ oán thù.
- Tha thứ là liều thuốc bổ dưỡng tinh thần lạc quan, hy vọng và vươn lên trong cuộc sống chung.
- Tha thứ là chiến thắng trong cuộc chiến Tình yêu, là ''lấy tình yêu xoá bỏ hận thù', làm tình yêu lan toả khắp nơi.
4. Luyện tập tha thứ.
Thực ra, tha thứ là điều khó thực hiện, vì nó là khả năng của Thiên Chúa. Cần luyện tập và cậy trông vào ơn Chúa.
- Tập tha thứ từ những điều nhỏ nhặt thường ngày, để dễ dàng tha thứ những xúc phạm quan trọng đến danh dự, tự ái… Nên nhớ ''Yêu nhau lắm, cắn nhau đau''.
- Dám tha thứ là dám chịu thiệt thòi, dám tin rằng: Cuối cùng thì 'tình yêu sẽ thắng', tha thứ có sức hoán cải lòng người.
- Cần tập ánh mắt nhân hiền, biết chạnh lòng thương người, như Chúa đã chạnh lòng thương ta. Hãy tập tha những ''món nợnho nhỏ'' vì Chúa đã tha cho ta “món nợ khổng lồ''.
- Siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa, luôn tự nhủ trong lòng mỗi khi bị xúc phạm : “tha thứ sẽ được tha thứ”.: ''Không có hoà bình, nếu không có công lý, Không có công lý, nếu không có thứ tha” (G.P.II)
Một trong những giá trị cơ bản, bản chất nhất để một người xứng đáng làm người, đó là: lòng biết ơn, sống có tình nghĩa.
Đức Cha Bùi Tuần đã có những nhận định và suy tư về lòng biết ơn như sau: “ Tôi thích chó vì chó rất biết ơn… chỉ cho nó một miếng xương, nó cũng tỏ ra biết ơn. Nó nhìn triều mến, ngoe nguẩy đuôi, quấn quít người cho. Càng được cho, nó càng biết ơn, nó tự động bảo vệ chủ, nhà cửa và đồ đạc của chủ. Nhiều người không biết ơn bằng chó… đời là thế! Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Đếm người biết ơn dễ đếm hơn người vô ơn vì số này quá lớn. Có những con cháu vô ơn, có những học trò vô ơn, có đủ thứ vô ơn…” (nói với chính mình)
1. Biết ơn là gì?
Lòng biết ơn là hiểu biết, là bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị vật chất và tinh thần của những điều tốt, những tấm lòng, những món quà mà người khác đã trao tặng, đã giúp đỡ mình.
2. Bổn phận biết ơn.
Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, những kẻ đã chịu ơn phải có bổn phận đền đáp. Cho đi không mong nhận lại, nhưng kẻ đã nhận phải có bổn phận phải đáp trả bằng sự biết ơn.
Như vậy, có thể nói được: Kẻ chịu ơn phải có bổn phận biết ơn, và người làm ơn có quyền được biết ơn.
Bổn phận biết ơn phải tương xứng với giá trị biết ơn đã nhận, nếu không thực hiện tương xứng, thì cũng phải tỏ ra bằng lời cám ơn hoặc bằng cử chỉ chứng tỏ mình hiểu biết ơn.
3. Giá trị của ơn nghĩa.
Vật chất, tinh thần, thiêng liêng.
Thí dụ: Có người tặng cho chiếc áo đẹp, giá 100,000 đồng
- Giá trị vật chất: Được tính bằng giá trị mua món quà.
- Giá trị tinh thần: là biểu lộ tình thương, mang ý nghĩa sự cho đi phần nào nơi người tặng( thời giờ, suy nghĩ, tình thương).
- Giá trị thiêng liêng: Quà tặng đó có thể tặng cho người khác nhưng đã có sự lựa chọn cho chính tôi, với ý hướng mong muốn cho tôi nên tốt, khích lệ tôi thăng tiến trong cuộc sống.
4. Lợi ích của biết ơn:
- Biết ơn để xứng đáng làm người hơn ( có giáo dục).
- Biết ơn để xứng đáng với ơn đã lãnh nhận.
- Biết ơn để xứng đáng để nhận thêm các ơn khác.
5. Luyện tập lòng biết ơn.
- Nên nhớ, ta sống trong tình liên đới: Đời tôi hiện nay là do biết bao nhiêu công ơn đã lãnh nhận và sẽ còn hưởng nhờ bao nhiêu ơn khác, do người khác nâng đỡ, yêu thương, cung cấp…
- Đừng tưởng mình không chịu ơn ai! Con người của ta, từ vật chất đến tinh thần, đã, đang và sẽ được xây dựng bằng biết bao công ơn của người khác.
- Đừng tưởng rằng mình không mắc nợ ai! Tiền của vật chất, có thể trả được, nhưng ân nghĩa, tình thương, những giọt mồ hôi, nước mắt những gì thiêng liêng cao quý, làm sao cho hết, trả cho đúng được?
- Hãy tập nói lời “cám ơn” mỗi khi được giúp đỡ và cố gắng bày tỏ lòng biết ơn qua thái độ tôn trọng, yêu mến, thảo hiếu với người đã nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp đỡ ta hãy biên thư, gởi thiệp, tặng quà, cám ơn đến những thân nhân và ân nhân gần xa.
- Hãy bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa, ta sẽ dễ dàng biết ơn người khác, và nhờ sự biết ơn người khác, ta sẽ tăng lòng biết ơn Chúa. Hai tâm tình ấy sẽ làm cho cuộc sống hằng ngày của ta thêm phong phú, vui tươi và hạnh phúc hơn.
LỄ
Lễ là lễ độ, lễ phép: Là những hành vi nhã nhặn, lịch sự, khiêm tốn, thể hiện nơi người có văn hóa, giáo dục, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình trong cách cư xử giao tiếp. Lễ phép, lịch sự là những qui định giúp cuộc sống giữa người với người được êm đẹp. Nền tảng của phép lịch sự là công bằng – bác ái và cái hồn của lịch sự là sự chân thành. (Xem phần 1. Người lịch sự).
Người khôn ngoan là có bộ óc sáng suốt, biết nhận xét khách quan, suy nghĩ chính chắn, phán đoán chính xác, biết tiên liệu vấn đề. Muốn được khôn ngoan sáng suốt, ta cần tập luyện biết tiên liệu và óc thực tế.
1. Biết tiên liệu.
a. tiên liệu là gì?
- Đó là việc nhận định trước khi bắt tay làm việc: Việc gì, mục tiêu nào nhằm đạt đến, phương tiện nào chuẩn bị, khó khăn nào xảy đến, chướng ngại nào vượt qua, kết quả nào xảy ra?
Ví dụ: Việc xây nhà, công tác xã hội, việc học tập…
b. Lợi ích.
- “Làm việc gì có chuẩn bị trước thì thành tựu, không phòng xa thì hư hỏng. Lời nói thì chuẩn bị trước thì khống vấp váp, làm việc tính trước thì không thất bại, nết hạnh có tính trước thì không lỗi lầm”. (sách Trung Dung)
- “ Không biết lo xa ắt phải sầu gần” (sách Luận Ngữ).
c. Tập tuyên liệu.
- Biết mình sắp làm việc gì, rồi mới bắt tay làm việc.
- Phải điều tra, trước khi đầu tư vào việc.
- Phải biết phương pháp: Xem, Xét, rồi làm.
2 Sống thực tế.
a. Người thực tế.
- Đó là người thấy rõ, thấy đúng, thấy xa về một người, một việc.
- Là người biết mình, biết khả năng và giới hạn của mình.
- Là người biết nhìn toàn thể sự vật, một cách tổng quát, toàn bộ.
b. Cần thiết có óc thực tế.
- Trong học tập: Ta phải chú trọng đến phần thực hành, vì hiểu lý thiết mà chưa thực hành là chưa hoàn thành.
- “ Biết dùng cái không tránh được để tạo ra cái hữu dụng” (Talleyrands).
- Luyện tập “thấy rõ, thấy đúng, thấy xa”, vì đó là 3 nét đặc thù của người thực tế.
- Sống và làm việc cần có phương hướng đúng.
II. Sáng Kiến (Biến Báo)
1. Sáng kiến là gì?
- Đó là ý tưởng mới lạ và độc đáo do chính mình nghĩ ra, không bắt chước ai.
- Người có óc sáng kiến luôn suy nghĩ, luôn tìm tòi, khám phá, phát minh ra những điều mới lạ.
2. Nền tảng của sáng kiến.
- Do quan sát: Để thấy, để biết sự kiện.
- Do trí thông minh: Biết suy nghĩ, đặt vấn đề.
- Do kinh nghiệm: Nhờ từng trải, rút được kinh nghiệm, tạo mới.
3. Phát huy sáng kiến.
- Phải tự tin, nghĩa là cố gắng tìm hiểu để tự giải quyết.
- Học tập quan sát, thu thập kiến thức khoa học, thông tin kỹ thuật, theo dõi tiến bộ khoa học để cải thiện sinh hoạt.
- Rút kinh nghiệm của người để học cái hay, tìm cái mới.
- Luôn vượt khó, bằng cách tạo phương tiện thích ứng mới.
Luôn cải tiến việc học bài, làm bài, đường lối làm việc.
III. Óc Tổ Chức Làm Việc Có Phương Pháp.
1. Định nghĩa.
- Tổ chức: Là sắp đặt cho có trật tự, nề nếp, thể thức.
- Theo nghĩa ứng dụng: Tổ chức là sắp đặt công việc gì cho có đủ bộ phận, ngăn nắp hầu dễ tiến hành. Nói cách khác, tổ chức là làm sao cho công việc đỡ tốn thời gian, tiền bạc, nhân lực mà thu hoạch thành quả tối đa.
2. Hai lối tổ chức.
a. Tổ chức theo kinh nghiệm: đó là lối tổ chức kiểu “ cha truyền con nối” người trước để lại người sau. Kiểu nông dân…
b. Tổ chức theo khoa học: Đó là môn học dạy ta tìm kiếm những phương pháp chính xác, hợp với khoa học, để làm công việc
nào đó, dù lớn hay nhỏ, một cách ích lợi, đỡ tốn giờ, tốn tiền, tốn sức.
3. Phương pháp tổ chức khoa học.
Tổ chức theo khoa học gồm 6 khâu.
a. Chuẩn bị.
- Dự tính: Xác định công việc, nhắm mục tiêu, tìm phương tiện, xem nhân sự.
- Nên đặt các câu hỏi: Tôi muốn làm gì? Nhằm để làm gì? Tôi đang có gì? Tôi sẽ làm thế nào? Tôi sẽ làm được gì?
- Muốn chuẩn bị tốt, cần có óc thực tế và tiên liệu công việc, đừng khuếch đại và cũng đừng giảm thiểu, keo kiệt.
b. Phân công, phân nhiệm.
- Cần hiểu khả năng của mình và của người cộng tác. Đừng ôm đồm nhiều việc. Người có óc tổ chức cần biết phân công, phân nhiệm sao cho “ đúng người, đúng việc” phù hợp với khả năng, sở thích của từng người.
- Sự phân công phân nhiệm cần chính xác, rỏ ràng, xác định: Ai? “ với ai?” việc gì? Bao lâu? Bao nhiêu? Khi nào? Thế nào ?...
c. Hệ thống hóa. ( vẽ sơ đồ tổ chức)
- Là xếp đặt qui định rõ rệt các chức vụ và nhân viên trong khuôn khổ kỷ luật , trật tự, nhằm đảm bảo năng suất cá nhân và tập thể.
- Việc hệ thống hóa giúp đỡ cho mỗi người biết vị trí và vai trò của mình trong tập thể, trách nhiệm và bổn phận nào mình phải chu toàn, ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng… nếu vì lý do nào đó người lãnh đạo vắng mặt, công việc vẫn hoạt động.
d. Phối trí.
- Là nhiệm vụ tất yếu của người lãnh đạo, vì sau khi phân công, phân nhiệm, phải nối kết họ với nhau, để năng lực hoạt động cá nhân đều qui về thành công chung.
- Hai công tác phối trí: Một mặt gia tăng sự nổ lực cá nhân, nhờ đôn đốc, kiểm soát, một mặt liên kết năng suất cá nhân lại thành năng suất tập thể, nếu không sẽ mất quân bình.
đ. Kiểm soát.
- Là duyệt xét xem công việc tiến hành có đúng theo chương trình hoạt động không?
- Là đối chiếu kết quả thu hoạch với mục tiêu đề ra ban đầu.
- Duyệt xét để tìm thấy u khuyết điểm, sai trái mà điều chỉnh kịp thời, hoặc phát huy sáng kiến mới.
f. Chỉ huy.
- Là điều hành, lèo lái công việc, thúc đẩy mọi hoạt động đi đến thống nhất và thành công.
- Là người lãnh trách nhiệm cuối cùng của toàn công việc.
- Người chỉ huy cần: có trí thông minh, nhạy bén, có trí cương dũng, quyết tâm đi đến mục đích, có đắc nhân tâm bằng tình cảm tao nhã, tế nhị để thu phục lòng người.
- Người tự tin: Là người đã suy nghĩ và lãnh nhận công việc nào, thì vững chí, an tâm tin mình sẽ thực hiện được việc đó.
- Người thiếu tự tin thì cảm thấy mình bất tài, vô duyên, vụng về, rồi tự thâm tâm nghĩ rằng mình không thể thành công được. Chưa làm đã sợ thất bại!
2. Quan trọng của tự tin.
- Cần phân biệt: Tự tin không phải là tự phụ, tự đắc hay tự mãn, vì bộ 3 này là những tính xấu do kiêu căng cần loại bỏ.
- Tự tin để dám nghĩ, dám làm: Người tự tin một khi đảm nhận nhiệm vụ, họ đặt niềm tin vào hai lãnh vực, một bên là khả năng hiện có, một bên là nhiệm vụ được ủy thác. Khi công việc bắt đầu, họ tận dụng tài năng, ý chí, vượt khó và nổ lực tiến đến thành công.
3. Rèn luyện tự tin.
a. Về mặt tự nhiên.
- Dùng tự kỷ ám thị mà tiêu diệt tự ti mặc cảm: Ông kia bà nọ nên thánh, tại sao tôi không? (St. Augustin). Thay vào “ông kia bà nọ làm được việc, tại sao tôi không?”
- Muốn tự tin trong việc lớn, hãy tập tự tin trong việc nhỏ hằng ngày, nghĩa là tập trung lượng định công việc, xem khả năng của mình, tìm phương thế thích hợp, rồi bắt tay vào làm việc. Nhờ thành công việc nhỏ, thêm tự tin, kinh nghiệm để làm việc lớn.
- Lòng tự tin cũng hay lây, ta nên tiếp xúc với người có bản lãnh, tự tin, dạng dĩ, để ta cũng đạt được sự tự tin.
b. Về mặt siêu nhiên.
- Tự tin cũng đừng quên “Tin vào ơn Chúa”, hãy tin lời Chúa “Ơn ta đủ cho ngươi” Chúa sẽ ban ơn hiện sủng để trợ giúp ta chu toàn sứ mệnh một cách tốt đẹp. Ơn gắn liền với chức vụ: “grâces d’état”. Ta chỉ cần cộng tác với ơn Chúa là thành công.
II. Trung Tín.
1. Ý nghĩa.
- Là trung thành tuân giữ lời hứa.
- Là trước sau như một, không thay lòng đổi dạ với người mình kết ước, cho dù gặp biến cố, trắc trở.
2. Trung tín đối với ai?
a. Đối với Thiên Chúa: Ngày chịu Rửa tội, ta đã thời hứa từ bỏ Satan và tuyên tín vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
b. Đối với Giáo Hội: Trung tín với Giáo Hội, qua việc gắn bó với Đức Giáo Hoàng, các vị chủ chăn và gắn bó với nhau trong tình huynh đệ: “Chỉ một Chúa một đức tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha”. Sự trung tín còn đòi hỏi phải tích cực góp phần xây dựng và phát triển giáo hội trong nếp sống đạo đức công bằng, bác ái.
c. Đối với tha nhân: giữ lời hứa.
Vài qui tắc giữ lời hứa:
- Trước khi hứa phải suy nghĩ cẩn thận, phải xem mình có khả năng thi hành hay không. Tuyệt đối không nên “vì vui miệng, nên hứa lung tung, để rồi sau đó… không giữ lời”
- Đã hứa thì phải giữ, dù chịu thiệt thòi “người uy tính phải tiết kiệm lời hứa, và một khi đã hứa thì luôn giữ đúng lới.
d. Trung tín trong việc bổn hận.
“Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trung tín trong việc lớn…”
III. Tinh Thần Trách Nhiệm. “dám làm dám chịu”
1. Ý nghĩa.
a. Trách nhiệm là gì?
- Là phần việc được giao cho (hoặc coi như được giao), phải đảm bảo làm hoàn thành, và gánh chịu mọi hậu quả của việc đó.
- Là sự ràng buộc, bảo đảm đúng với lời nói, hành vi của mình, nếu sai trái, phải gánh chịu mọi hậu quả (tự điển Tiếng Việt, Thanh nghị, Tr 1228).
b. Ý thức trách nhiệm.
- Là hiểu biết nhiệm vụ vào việc làm của mình sẽ gây hậu quả nào cho chính mình và cho người khác.
- Từ đó, biết cân nhắc, chọn lựa kĩ lưỡng trước khi bắt tay vào việc và cố gắng chu toàn tốt đẹp nhiệm vụ được giao phó.
c. Tinh thần trách nhiệm.
Là tinh thần của người được giao phó một nhiệm vụ hay khi đã quyết định làm một việc gì, thì cố gắng chu toàn. Họ thi hành công tác cách có suy nghĩ, có lương tâm và dám nhận lãnh mọi hậu quả, dù thành cong hay thất bại, không thoái thác trốn chạy, hay đổ lỗi cho người khác.
2. Người lỗi trách nhiệm.
- Người sợ trách nhiệm: Là người nhút nhát, chưa dám bắt tay vào làm, “không dám làm mà dám xúi”.
- Người tắc tránh: Là thi hành nhiệm vụ cách lếu láo, không chuyên tâm, phải chú ý, không gắng sức là đến nơi đến chốn.
- Người đào nhiệm: Là người lãnh nhiệm vụ, rồi vì một lý do nào đó không chính đáng, lại bỏ nhiệm vụ, lý do có thể vì tình, tiền…
- Người phản trắc: Là người hèn kém, lãnh nhiệm vụ, không khắc phục khó khăn, nên gặp thất bại, rồi đổ thừa, đổ lỗi cho người khác.
3. Sự lợi hại.
- Bất cứ tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ, mỗi phần tử cần ý thức trách nhiệm, nghĩa là lo chu toàn phận sự được giao, cách hoàn hảo, thì tổ chức đó sẽ tiến hành trật tự và thu hoạch thành công.
- Nếu cấp trên thi hành nhiệm vụ, còn cấp dưới thì tắc trách hay đào nhiệm, hoặc cả cấp trên lẫn cấp dưới đều vô trách nhiệm, thì tổ chức đó luôn thất bại, đi đến đổ vỡ.
4. Người Kitô hữu có trách nhiệm nào?
Người Kitô có rất nhiều trách nhiệm:
· Trách nhiệm trước lương tâm và đời của mình.
· Trách nhiệm làm chứng cho Đức Kitô, bằng đời sống tốt.
· Trách nhiệm trước những người nghèo khổ.
· Trách nhiệm trong cuộc sống chung huynh đệ, hòa bình.
· Trách nhiệm phải dùng cuộc đời trần gian để: Phụng sự Thiên Chúa; nâng đỡ người nghèo khổ vật chất, tinh thần; để làm cho sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu thắng thù hận.
CÔNG – DUNG – NGÔN – HẠNH được coi là những đức tính “dành riêng” cho người phụ nữ Việt Nam. Nó là thước đo phẩm hạnh, là tiêu chuẩn tuyệt vời nơi người phụ nữ lý tưởng mà mọi người hằng mơ ước.
I. CÔNG.
Công việc, Nữ Công Gia Chánh:
- Công là gì? Được hiểu là công việc, những việc trong nhà chính yếu là người phụ nữ cần biết “nữ công gia chánh”, đó là sự khéo léo của đôi tay sáng kiến của bộ óc, thành thạo khi thực hiện, và trật tự, sạch sẽ khi hoàn tất.
- Những công việc nào? Đó là việc nội trợ như: Nấu nướng và trình bày các món ăn. Việc thiêu may quần áo. Việc quét dọn sắp xếp nhà cửa trật tự, sạch sẽ. Việc trang trí tranh ảnh, chưng bông hoa, cây kiểng. Việc xã hội nghề nghiệp.
- Điều kiện: Muốn đạt được sự khéo léo đòi hỏi người phụ nữ cần có kiến thức cơ bản về công việc bếp nút, về thẩm mỹ, về thêu may, được học hỏi thường xuyên và thực hành thường ngày.
- Giá trị: Do thiên chức làm mẹ, Thiên Chúa phú bẩm nơi người phụ nữ bản tính cần mẫn, siêng năng, quán xuyến từng chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong nhà (nội tướng) ‘vào một nơi, chỉ cần nhìn thoáng là biết có bàn tay phụ nữ hay không’, đó chính là do công của người phụ nữ mà người khó có được.
II. DUNG:
Dung nhan, sắc đẹp.
- Dung là gì? Dung nhan, sắc đẹp nơi gương mặt nói riêng và được hiểu là sắc đẹp ngoại hình của người phụ nữ. Dung cũng được gắn liền với dáng điệu đi đứng uyển chuyển, nhẹ nhàng.
- Thế nào là đẹp? tùy năng khiếu thẩm mỹ và văn hóa văn tộc, tùy thời đại mà vẽ đẹp người phụ nữ được đánh giá theo các tiêu chuẩn quan điểm khác nhau: mập, ốm, cao , lùn, khỏe…
- Làm đẹp thế nào? Nên làm đẹp cả bề ngoài lẫn bên trong tâm hồn (hạnh). Làm đẹp bề ngoài do trang điểm theo nguyên tắc: “nghệ thuật trang điểm là trang điểm nổi không ai biết mình trang điểm”. ngày nay, quan niệm phụ nữ đẹp không chỉ ở sắc đẹp mà còn có sức khỏe tốt và sống vui.
- Giá trị sắc đẹp phụ nữ: Phái nữ được mệnh danh là “phái đẹp” có câu nói “không có người phụ nữ xấu, chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp”. Thiên Chúa đã tạo dựng người phụ nữ với ngoại hình nhỏ nhắn, dáng dịu dàng, tươi đẹp như những “bông hoa biết cười” nhằm để tạo cho cuộc sống chung trở nên nhẹ nhàng, thổi mái, vui tươi. Tuy nhiên, nhan sắc là thứ mau phai tàn theo năm tháng, vì thế, người phụ nữ khi làm đẹp, cần biết trang điểm thêm sự duyên dáng, tinh tế, để sắc đẹp có giá trị bền lâu nơi người gặp gỡ.
III. NGÔN
Ngôn ngữ lời nói.
- Ngôn là gì? Là ngôn từ, ngôn ngữ, được hiểu chung là những lời nói, giọng nói, cách nói của người nữ.
- Nguyên tắc về ngôn từ: Nói đúng nơi, đúng việc, đúng người, đúng sự thật. Nói với lời lẻ lịch sự, chân thành, khiêm tốn, lễ phép. Tóm lại: Nói có văn hóa, giáo dục.
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe!
- Nên tránh: Đụng đâu nói đó, nói xía vào mọi chuyện của bất cứ ai, không coi trọng trên dưới, trước sau “ăn nói bạt mạng”, “phát ngôn bừa bãi”, “nói lẽo mép”, “nói giai như đĩa đói”, nói hành nói xấu, nói láo nói xạo, nói tục nói phét…
- Giá trị: Lời nói là quà tặng Chúa ban cho con người để truyền thông tư tưởng, tình cảm, để giúp hiểu nhau, an ủi, chia sẻ, cảm thông với nhau trong cuộc sống. Chúa còn ban cho chất giọng người nữ thanh cao, nhẹ nhàng để xoa dịu nổi đau thân thế. Khi sử dụng không tốt lời nói sẽ trở thành “con giao hai lưỡi”, hại người, hại mình.
- Tập nói chuyện: Quyết tâm trau dồi nhân cách, thể hiện nơi giọng nói, cách nói chuyện, lễ phép, dịu dàng, nói lời xây dựng, tránh những lời dối trá, nịnh hót, phê bình, chỉ trích, noi xấu nhau. Hãy tập biết cách nói chuyện, gợi chuyện và nhất là “biết nghe nhiều hơn nói”
IV. HẠNH.
Hạnh kiểm, tiết hạnh.
- Hạnh là gì? Là hạnh kiểm, tiết hạnh gồm những nét đẹp nới tâm hồn của người nữ như: Nết na, duyên dáng, dịu dàng, đoan trang, thùy mị, vị tha, chung thủy, chân thành, vui tươi…
- Sự duyên dáng, dịu dàng: Đó là phẩm tính đặc biệt dành cho người nữ thôi “đàn ông bản lĩnh, đàn bà duyên dáng”. Cái duyên là một thứ sắc đẹp tâm hồn khiến cho người nữ trở nên hấp dẫn phong phú cho cuộc sống chung. Cái duyên người nữ bao gồm cả các tính tốt như: nết na, đoan trang, thùy mị, chân thành, vui tươi, quan tâm giúp đỡ người khác. Người nữ mà bị coi là “vô duyên” thì kể như là “quá tệ” có thể “bị ế” người nữ được coi là duyên dáng là họ đã tạo được thiện cảm, ấn tượng đẹp nơi người họ gặp gỡ.
- Vị Tha: Cũng là đức tính thiên phú tiêu biểu của người phụ nữ, vị tha là biết quan tâm, lo lắng và phục vụ cho người khác, muốn làm vui lòng người khác. Họ thể hiện lòng vị tha qua việc chăm sóc chu đáo, tinh tế, qua việc hy sinh tự nguyện, qua công việc nội trợ đảm đang. Tính vị tha làm cho người nữ có lòng thương người, đọng lòng trắc ẩn trước những nỗi đau khổ nơi thể xác và tâm hồn người khác, nơi họ sẵn sàng “ra nước mắt để cảm thông, chia sẽ, an ủi…”
- Chung thủy: Đó là son sắc một lòng, trung thành giữ đã lời hứa. Sự chung thủy làm cho người nữ kiên tâm chịu đựng, nhịn nhục, chịu thiệt thòi để cho gia đình êm ấm, hạnh phúc. Sự thủy chung gìn giữ người nữ không thay lòng, đổi dạ, trước sau như một…
Đó là cuộc gặp gỡ, nói chuyện, trao đổi tư tưởng, tình cảm, ý kiến cho nhau, nhất là biết nói và biết nghe những gì đang chất chứa, đang xảy ra, thậm chí trong những ngôn ngữ không lời, những gì ở giữa và ở sau lời nói.
2. Nền tảng của đối thoại.
Chính là sự tôn trọng tình người.
- Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên chuyến bay từ Rôma sang Habana thăm Fidel Castro, Tổng thống nước Cuba, các ký giả coi đó như là cuộc đối đầu giữa thiên thần và ma quỉ, nhưng ĐGH khẳng định: “Đây chỉ là cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hai con người”.
3. Thế nào là đối thoại thật sự?
Theo Gregory Bateson, có 3 điều kiện thiết yếu hình thành cuộc đối thoại thật sự:
- Chấp nhận ngồi lại với nhau.
- Chân thành trình bày các quan điểm của mình.
- Lắng nghe, tìm hiểu, trân trọng những khác biệt của nhau, không bắt ép đối phương thay đổi.
4. Thế nào để cuộc đối thoại hữu ích?
Cần có 3 điều căn bản:
- Biết mình, biết người: Tôi muốn nói gì? Tôi nói với ai?
- Biết tìm chân lý: Tôi đã và đang biết gì? Tôi cần biết những gì?
- Biết trình bày và đón nhận quan điểm: Tôi cần nói và nghe thế nào? Tôi nhận xét quan điểm của họ thế nào? Điều tôi đã biết, tôi thêm xác tín kiện toàn. Điều hay, mới tôi chưa biết, thì tôi cần đón nhận cách khiêm tốn, can đảm.
II. Tầm Quan Trọng.
- Tinh thần đối thoại: Là điều rất cần thiết cho đời sống của Hội Thánh thời nay, ĐGH Gioan Phaolô II được mang danh là “Con người của đối thoại”. Đối thoại là con đường mà Chúa Giêsu đã dùng để mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Hơn bao giờ hết, con người của thế giới hôm nay khao khát được đối thoại. Các cộng đoàn tu rất cần tinh thần đối thoại.
- Bài học đối thoại: Là một bài học rất khó, nhưng là một bài học thú vị hữu ích. Độc thoại dài là điều mà con người thời nay không ưa thích. Tinh thần độc thoại làm cho con người thời đại chán ngán. Ta cần học biết đối thoại.
- Vấn đề đối thoại là một vấn đề gay go, rộng lớn và phức tạp trong mọi lĩnh vực sống: chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội, văn hóa, Dòng tu… Trong phạm vi bài này, ta chỉ nêu lên vài khía cạnh đối thoại trong lãnh vực nhân bản và tu đức.
III. Lý Do Phát Sinh Đối Thoại.
1. Nhu cầu gặp gỡ đối thoại.
Con người được mang danh là “con vật xã hội”, do tính liên đới, con người cần gặp gỡ và đối thoại. Họ cần tìm đến nhau, trao đổi kinh nghiệm, đối chiếu quan điểm, chia sẻ cuộc sống vui buồn… để được phong phú hơn trong cuộc sống.
2. ý thức về giới hạn và ước muốn hoàn thiện.
Chỉ có ý thức về giới hạn mới làm nảy sinh đối thoại. Con người tự mãn không có khả năng đối thoại, chỉ biết độc thoại. Con người đối thoại là con người cầu tiến, muốn nhận ra điều sai để sửa chữa, nhìn thấy khiếm khuyết để bổ sung. Con người tự mãn chỉ có thể tranh luận hay bắt bẻ, không có khả năng đối thoại.
3. Tinh thần xây dựng lợi ích chung:
muốn tìm giải pháp tốt nhất, muốn cho việc chung được tốt đẹp, cần thiết phải có đối thoại. Chỉ những người có tinh thần công ích mới có khả năng đối thoại. Những người ích kỷ không đối thoại bao giờ.
4. Tìm hiểu một con người:
Có những lúc cần phải hiểu kỷ một con người và con người không chỉ là đối tượng để điều tra hay thẩm vấn. Vì thế, cần tìm hiểu con người bằng con đường đối thoại chân thành.
5. Thao thức tìm kiếm chan lý:
Không ai làm chủ chân lý, nhưng cần phải tìm kiếm chân lý. Đối thoại là cùng nhau đi tìm chân lý. Ánh sáng chân lý chỉ chiếu dọi cho những tâm hồn cởi mở và thao thức tìm kiếm. ( x. Nicôđêmô)
6. Thao thức mang ơn cứu độ đến cho người khác.
Bận tâm rao giảng Nước Trời. Đó là những đối thoại, những lần gặp gỡ siêu nhiên. Đối với người tông đồ của Chúa, mỗi lần gặp gỡ tha nhân là mỗi lần mang lai ân sủng cho cả hai bên. Gặp gỡ và đối thoại là con đường của ân sủng. Mọi Kitô hữu điều là trung gian của ân sủng Thiên Chua cho người khác.
IV. Nghệ Thuật Đối Thoại.
Đối thoại là một nghệ thuật và nghệ thuật thì bao giờ cũng sáng tạo, nhưng nghệ thuật cũng có vài “thể loại” và tuân theo một vài qui luật. Ta có thể nêu 5 bước diễn tiến của Đối Thoại.
1. Bước một: Gặp gỡ trong mến tin.
- Đối thoại bao giờ cũng khởi đầu từ một thái độ nội tâm sự mến tin đối với người mình gặp gỡ.
- Bắt đầu đối thoại là bắt đầu mở cửa tâm hồn, mở con tim để đón nhận người khác, chính vì thế mà đối thoại đôi khi khởi sự bằng một nụ cười, bằng một ánh mắt chứa chan tình thương mến.
- Thái độ hoài nghi, thiếu tin tưởng và nhất là thánh kiến xấu ngay từ đầu, là chướng ngạy cho cuộc đối thoại, tương giao không thể thiết lập được giữa hai người thiếu tin tưởng lẩn nhau.
2. Bước thứ hai: “Gợi chuyện” và “ Chờ đợi”.
- Gợi chuyện là một nghệ thuật đòi hỏi sự tế nhị đồi đa. Có những cách gợi chuyện rất vụng về, làm cho người đối thoại bực mình ngay từ đầu. Khi gợi chuyện, cần sự nhẹ nhàng và tôn trong người đối thoại. Cách gợi chuyện không được gượng ép, nhưng phải biểu lộ sự thiết tha muốn thiết lập tương giao…
- Người gợi chuyện phải biết chờ đợi, không được hấp tấp. Muốn thiết lập tương giao phải có thời gian. (x. Phụ nữ bên bờ giếng)
3. Bước thứ ba: Nghe và nói: Nghe khi nào? Nói lúc nào?
- Người đối thoại phải là người biết lắng nghe, không chỉ bằng đôi tai, nhưng với cả tâm hồn, cả trái tim. Thái độ lắng nghe làm cho ta trở nên rất tinh ý. Ta nghe khi người đối thoại muốn nói và nói khi thấy họ muốn nghe.
- Người không biết lắng nghe thì không thể đối thoại được. Nghe cách lãnh đạm, dửng dưng, cũng không đối thoại được. Nghe để bắt bẻ là hành vi đối đầu chứ không đối thoại. Cần nghe cách chăm chú và nghe với cảm tình, dù tha nhân đôi khi nói điều không đúng như ý ta. (x. Chuyện Nicôđêmô)
- Phải nói khi người đối thoại muốn nghe hay đang chờ đợi. Một sự thinh lặng không đúng lúc sẽ làm cho cuộc đối thoại trở nên nặng nề. Dù ta ích nói bao nhiêu đi nữa, hãy cố gắng trả lời câu hỏi và nói đôi điều khi thấy người khác chờ đợi. Nếu ta không nói gì thì người đối thoại khó tiếp tục câu chuyện với ta.
- Bước thứ ba này được coi là bước chính yếu của đối thoại, ít nữa là về phương diện nội dung. Những lần nghe và nói cần xen kẽ nhau, phải biểu lộ được thiện chí muốn lắng nghe, trao đổi tìm hiểu…
4. Bước thứ tư: Biểu lộ lập trường.
- Không phải lúc nào ta cũng biểu lộ lập trường, nhất là trong những chuyện không quan trọng. Khẳng định lập trường trong những việc nhỏ nhặt đôi khi lại có hại.
- Có những lúc ta không thể không nói ra lập trường, quan điểm của mình, dù lập trường ấy khác biệt với quan điểm của đối thoại.
- Cách biểu lộ quan điểm của ta cần từ tốn, khiêm nhường, không áp đặt. Dù không đồng ý với quan điểm của người đối thoại, ta vẫn tán đồng con người họ, vẫn đón nhận, yêu thương tôn trọng con người ấy.
- Có khi phải từ chối đề nghị, không chấp nhân tư tưởng của người đối thoại, nhưng không bao giờ ta được khước từ, khinh dể bản thân con người ấy. ( x. lui đi Satan!)
- Bước thứ tư này cũng có thể là lúc các người đối thoại cố gắng thống nhất ở những điểm chung và không để cho rạn nứt vì những điểm bất đồng.
5. Bước thứ năm: Lời nói tỏ lòng biết ơn.
- Đó là biểu lộ sự sung sướng đã được trải qua một khoảng thời gian trao đổi, tiếp xúc. Phải coi cuộc gặp gỡ như một hồng ân, một cơ hội mang lại niềm vui và nhiều lợi ích.
- Trong phần cuối này, ta biểu lộ ước mong gặp lại người đối thoại. Cuộc đối thoại kết thúc với một thái độ nội tâm giống như bước khởi đầu, đó là thái độ yêu thương và tin tưởng. Giờ đây tình yêu còn đậm đà hơn và sự tin tưởng sau sắc hơn trước. (x. Đàn bà ngoại tình)
V. Bài Học Đối Thoại.
Một trong những cách mà Thánh Thần thích dùng nhất là con đường đối thoại. Người Kitô hữu tập đối thoại trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần. Cần nhận ra giá trị bài học về đối thoại.
1. Trước hết, muốn đối thoại, ta cần phải học sẵn sàng từ bỏ “cái tôi quan trọng” của mình, bằng thái độ tin tưởng. Muốn đồi thoại, là chấp nhận ngay từ đầu không sợ thiệt thòi, không sợ bị lừa, bị mất mát. Nếu ngay từ đầu mà coi bản thân là quan trọng, thì cuộc đối thoại chắc chắn sẽ thất bại. Đối thoại phải là một hành vi hoàn toàn hướng tha. Người quan trọng là tha nhân, chứ không phải là “tôi”.
2. Đối thoại đòi hỏi tinh thần sẵn sàng đón nhận người khác, xem họ ngang bằng với mình, đón nhận ý kiến, tư tưởng của người khác, mặc dù có khác biệt, nhưng có thể bổ túc và thêm lợi ích cho mình.
3. Đối thoại sẽ tập cho con người biết lắng nghe cách chân thực, biết để cho lời của người khác đi vào trong tâm hồn của mình… Đối thoại không là “chiếm đài”, không tranh nhau nói, nhưng là cuộc trao đổi đầy kính trọng, một sự nhường nhịn lẫn nhau, một tự nguyện thinh lặng và đón chờ. Đôi khi cả hai bên cùng thinh lặng và trong thinh lặng đó, họ lắng nghe tiếng nói và lời giải đáp chung.
4. Đối thoại tập cho người bớt chủ quan. Người muốn đối thoại phải biết coi mình là nhỏ bé trước sự thật. Nếu chua biết rõ sự thật, ta cần khiêm nhường chờ đợi và tìm hiểu. Việc đối thoại không cho phép con người tự mãn, nhưng bắt con người phải chờ đợi. Sự chờ đợi là thái độ của người khôn ngoan, luôn tự coi mình còn khiếm khuyết.
5. Cuối cùng: “cho đi” và “giữ lại trong lòng”, là bài học hết sức quan trọng rút ra từ các cuộc đồi thoại đúng nghĩa:
a. Cho đi những gì?
- Không nên nghĩ rằng ta phải có rất nhiều điều để cho đi khi đối thoại. Một người chỉ cho đi mà không biết lãnh nhận, là con người không biết đối thoại. Nói nhiều quá, cho nhiều quá có thể làm cho người khác ngán sợ và không muốn gặp lại lần nữa.
- Điều mà tha nhân chờ đợi khi đối thoại với ta không là một mớ kiến thức, nhưng có khi chỉ là một lời khuyên, một ý kiến. Quan trọng hơn, là tha nhân muốn gặp gỡ ta. Chính vì thế, trong đối thoại, ta phải biết cho đi chính bản thân mình. Đối thoại là một hành vi tự hiến.
- “Đời sống cầu nguyện” có thể là mẫu mực cho đối thoại trong cuộc sống. Cao điểm của cầu nguyện là “đối thoại tự hiến” với Đấng yêu mến chúng ta. Do đó, đối thoại thực sự tự nó tạo ra một bầu khí vừa thiêng liêng, vừa ấm cúng, trong đó những người đối thoại tự hiến bản thân mình cho nhau.
b. Giữ lại những gì?
- Có những người rất hời hợt, sau khi tiếp xúc với người khác hằng giờ, ra về không giữ lại gì cả. Có lẽ vì trong khi đối thoại, họ đã không nghe được gì cả. Cuộc đối thoại của họ chỉ là độc thoại dưới hình thức đối thoại.
- Người khác, khi ra về chỉ giữ lại trong lòng những lời cay đắng. Họ nghiền ngẫm những lời ấy và chúng trở thành độc dược giết chết tâm hồn họ. Cuộc đối thoại của họ đã thất bại vì họ không biết quên đi bản thân mình, nên bản thân họ đã bị những vết thương làm nhức nhối vì những lời vô tình hay hữu ý của người khác.
- Vậy sao một cuộc đối thoại, ta phải giữ lại gì? Khi nói về Đức Maria, Tin Mừng Luca có một thành ngữ thật tuyệt diệu, làm bài học cho ta trong việc đối thoại: “Bà giữ kỷ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).
- Ta cần lưu giữ một lời nói, một tư tưởng sau cuộc đối thoại. Có thể đó là một lời nói có sức biến đổi cuộc đời ta theo nghĩa tốt. Có thể đó là một lời khích lệ, cũng có thể là một lời phê bình. Lời mà ta giữ lại phải là lời có tác dụng làm cho ta hoán cải. Càng suy nghĩ lại trong lòng những lời ấy, chúng ta càng canh tân đổi mới cuộc sống.
- Nhưng quan trọng hơn nữa là “ giữ lại tha nhân” trong lòng mình, nhớ tới tha nhân, yêu tha nhân, cầu nguyện cho tha nhân. Như thế, một tình yêu, một tình bạn đã thật sự nảy nở trong tâm hồn với người đối thoại.
- HUẤN LUYỆN TÌNH CẢM được hiểu là sự rèn luyện đức Tự chủ và đức Tiết độ, nhằm chế ngự các khuynh hướng thái quá hay bất cập, để tình cảm luôn quân bình và thuần phục theo mệnh lệnh của lý trí.
- ĐỨC TIẾT ĐỘ: là đức Tự chủ được siêu hóa, có nhiệm vụ điều hòa, tiết chế các khuynh hướng, tạo sự quân bình các loại tình cảm nơi con người.
- Đặc điểm của đức Tiết độ, chính là “quân bình hóa” các nhân đức, các biểu lộ tình cảm, các khuynh hướng nơi con người, giữ cho các nhân đức và tình cảm ở mức độ trung dung: không thái quá, không bất cập. ví dụ: Hiền lành là nhân đức: nếu hiền quá thành nhu nhược; nếu thiếu hiền lành là dữ tợn.
- Vui vẻ là đức tính tốt: Vui vẻ quá độ thành “mal mal”; buồn quá mức nên ủ rũ, thất vọng.
* THẤT TÌNH: Theo lãnh vực cảm tính, người Á đông phân chia có 7 loại tình cảm:
1. Hỉ tình: vui ve, lạc quan.
2. Nộ tình: giận dữ
3. Ái tình: Yêu thương
4. Ố tình: ghét ghen
5. Ai tình: Buồn bã, bi quan
6. Cụ tình: sợ hãi
7. Dục tình: ham muốn
- Trong phạm vi bài này, ta chỉ đề cập đến:
1. Hỉ tình và Ai tình: lạc quan và bi quan.
2. Nộ tình và Ố tình: giận dữ và hiền lành
3. Cụ tình: sợ hãi và can đảm
I. Bi Quan Và Lạc Quan.
A. Bi quan.
1. Bi quan:
Là cái nhìn buồn rầu.
Người bi quan: Là người có cái nhìn lệch lạc, nên chỉ thấy toàn khía cạnh xấu của sự việc. Có thể ví người bi quan “mang kiến đen”, nên thấy điều gi cũng đen tối cả.
2. Tai hại của Bi quan.
- Người bi quan luôn mang tâm trạng buồn sầu, chán nản cuộc sống, nó hại cho thân mà còn lây lan cho người chung quanh, qua những tiếng thở dài, những lời chán nản, bộ mặt u sầu… Tâm trạng buồn nản sẽ đưa đến các hậu quả tai hại khác:
- Tâm lý: Chủ quan, sai lạc, đưa đến hành động sai lạc , hại.
- Thể lý: Dễ sinh bệnh, rối loạn thần kinh.
3. Trị liệu: Cần điều trị tận căn, tìm ra nguyên nhân:
- Nếu bi quan do bệnh tật thể lý: Cần đến bác sĩ
- Nếu do di truyền hay do hoàn cảnh làm cho bi quan: Hãy tạo trang thái vui tươi, thoải mái, nhất là rén đức tính lạc quan, yêu đời. (xem: để vơi nổi buồn, Tr. 106)
B. Bi Quan.
1. Lạc quan:
Cái nhìn vui vẻ, yêu đời.
- Người lạc quan là người có cái nhìn vui vẻ, yêu đời, yêu người. Họ bình tĩnh cứu xét vấn đề dưới mọi khía cạnh, cách vô tư, không khinh thường mà cũng không quan trọng hóa vấn đề, nhưng cân nhắc sự việc cách cẩn thận. Khi thi hành công việc, họ làm đến hoàn tất, với nụ cười vui tươi, do ý chí quả cảm và đanh thép.
2. Lạc quan giả hiệu và đích thực.
- Lạc quan có phải là nhìn đời cách dễ dãi. “mackeno”, không quan tâm, luôn cười hề hề, giao công tác cứ ừ hữ cho xong chuyện? Không!
- Lạc quan có phải là đầu óc vô tư như trẻ con, mải mê vui đùa mà bỏ bê công việc? không!
- Lạc quan có phải là luôn nhìn đời toàn là màu hồng, thấy mọi việc đều êm xuôi, dễ dàng, thấy người nào cũng là tri âm tri kỷ mà không biết dè dặt, sống khôn ngoan? Không!
3. Rèn luyện tính lạc quan.
- Giữ trí tuệ minh mẫn: Dùng trí khôn để nhận xét kỹ càng, nhìn mọi khía cạnh và phán đoán chính xác về người, về các biến cố và sự việc.
- Giữ cảm giác tinh tường: Cần chế ngự tính nhạy cảm bằng im lặng, thay đổi vị trí hay làm việc, để trở về thế quân bình.
- Giữ ý chí vững bền: là tập kiên nhẫn, cố gắng liên tục.
- Giữ thể chất tráng kiện: Vì thể chất khỏe mạnh là điều kiện tạo nên lạc quan. “Một tâm hồn lành mạnh trong một thể chất tráng kiện”.
- Giữ nụ cười trên môi: Vui cười làm cho tâm hồn nhẹ nhàng, tạo thiện cảm cho người chung quanh, làm cơ bắp duỗi ra, thần kinh căng thẳng, hạch bài tiết dễ dàng.
4. Bí quyết vun trồng tính lạc quan:
- Sống tin tưởng phó thác: Thiên Chúa luôn yêu thương, chăm sóc mọi người: “sợi tóc trên đầu rơi…”
- Luyện khiêm nhường: Vì đức khiêm nhường nuôi lạc quan. Ai khiêm nhường thật sự sẽ thấy bình an trong tâm hồn.
- Tính hài hước: Tạo vui cười ý nhị trong cuộc sống chung.
II. Nóng Giận Và Hiền Lành.
A . Nóng giận.
1 . Nóng giận là gì?
- Đó là thái độ nóng nảy, bực tức trong lòng hoặc biểu lộ ra ngoài, khiến ta phẫn nộ người khác và muốn báo thù. “Nóng giận là cơn điên ngắn” (Seneca). Quả thực, khi nóng giận, mặt đỏ lên hoặc tím ngắt, mắt trừng, môi mím, tay nắm chặt, giọng nói run rẩy, gân cổ gân tay nổi to, tim đập mạnh, nhanh gấp 3 lần bình thường (180 - 220/phút)…
2 . Hai loại nóng giận:
- Giận dữ: Thường la ó, chửi rủa, đay nghiến, đấm đá...
- Nguồn gốc sinh ra thù hằn, báo oán, chia rẽ, giết người, loạn lạc trong gia đình và xã hội.
- Làm mất quân bình, mất khôn,làm tâm thần rối loạn, cản bước tiến trên đường trọn lành, khó cầu nguyện…
4. Phương thế diệt trừ nóng giận:
- Thể chất: Ăn uống chừng mực, kiêng món ăn kích thích như rượu, thịt, gia vị, siêng tắm mát sạch sẽ.
- Tinh thần: Tập tự chủ, luyện đức hiền hòa.
- Nội tâm: Cầu nguyện.
- Câu chuyện “ngậm ngụm nước khi nóng giận!”
B. Hiền lành.
1. Hiền lành là gì?
- Là nhân đức luân lý có đặc tính chế ngự và kiềm hãm khuynh hướng nóng giận, giúp ta nhịn nhục, chịu đựng những trái ý và đối xử hòa dịu với mọi người. hiền lành hình thành nhờ 3 yếu tố:
- Tự chủ: Đề phòng và chế ngự xúc động của tín nóng nảy.
- Nhịn nhục: Chịu đựng nết xấu tha nhân.
- Tha thứ: Đối xử khoan dung với người, cả kẻ thù.
2. Hiền lành giả hiệu:
- Là hạng người có cử chỉ hiền hòa, khiêm nhu, nhưng chỉ cần một lời nói khích hay một sỉ nhục nhỏ, thì tức khắc lên mặt kiêu hãnh không ngờ. Một hạng giả hiệu khác là người nhu nhược.
3. Luyện tính Hiền lành.
- Diệt trừ tính nóng giận ngay lúc đầu.
- Tỏ ra tế nhị trong lời nói, cử chỉ, hành động.
- Cầu nguyện, suy niệm và sống Lời Chúa, hạnh Thánh.
- Quyết tâm không bao giờ tức giận, vì thấy mình còn nhiều khuyết điểm.
III. Nhát Sợ Và Can Đảm.
A . Sợ hãi.
1. Sợ hãi là gì?
- Đó là tình cảm bất an vì lo âu, khi đứng trước một nguy hiểm sắp xảy ra. Nguy hiểm đó có thể thuộc tinh thần hay vật chất, có thể sự thực hay tưởng tượng, tự cảm thấy không thắng nỗi nên sinh lo âu, sợ hãi.
2. Nhát đảm là gì?
- Nhát đảm là hình thức của sợ hãi, nhưng thường là loại sợ hãi khi gặp nguy hiểm tinh thần, phát sinh do óc tưởng tượng.
3. Nguyên nhân sợ hãi, nhát đảm.
- “Sợ hãi là căn bệnh tinh thần, phát sinh từ những nguyên nhân tâm – sinh lý và xã hội phức tạp” (Waterstone)
a. Thể lý:
- Bệnh tật, dị thường, nên sinh tự ti mặc cảm, xấu hổ sợ sệt.
- Thiếu sức khỏe, giai đoạn tuổi dậy thì, mất quân bình giữa thần kinh và cảm xúc.
b. Tâm lý:
- Tham danh, tự ái: Muốn được chú ý. Nhưng sợ bị phán đoán, muốn được hoan hô, nhưng hoài nghi khả năng, nên mất tự chủ.
- Tự ti mặc cảm: Nghĩ mình thua kém, không đủ nghị lực, tự chủ để vượt qua.
c. Xã hội:
- Nô lệ dư luận, sợ dư luận phê phán, chỉ trích. Muốn giải thoát tính sợ dư luận, cần có thái độ khiêm tốn, nhìn nhận khiếm khuyết và luôn cần phục thiện. Khi gặp lời phê bình, chỉ trích, ta thận trọng kiểm điểm đời sống, tham khảo, bàn luận với người khôn ngoan, kinh nghiệm để hành xử cho đúng.
- Ảnh hưởng gia đình: Thường bị dọa nạt, đánh đập….
- Chế độ học đường dùng phương pháp hành hạ, đe dọa để học sinh chăm học…
4 . Tai hại của nhát sợ.
a. Cá nhân.
- Hại cơ thể: “Sợ hãi nhiều ảnh hưởng đến cơ thể, máu tứ chi rút về thần kinh trung khu, mặt tái, tim đập mạnh và nhanh, hơi thở hổn hển, run người, thất thanh, chân mềm quỵ ngã…” (Felix Thomas)
- Hại trí tuệ: Bị ám ảnh, phán đoán sai, quyết định mù quáng, óc tưởng tượng tự do hoành hành…
- Hại ý chí: Làm nhục chí, kiệt quệ khả năng tiến bộ.
b. Hại tập thể: Nhục hại cộng đoàn, gia đình, quốc gia.
5 . Vượt thắng tính nhát sợ.
a. Tiêu cực:
- đừng sống theo óc tưởng tượng, kẻo sinh ra nản chí, mất tự tin.
- Đừng phán đoán chủ quan về giá trị chính mình và ngoại vật.
- Đừng quá nô lệ dư luận, vì “ Dư luận là luận dư”
b. Tích cực:
- Thể lý: Tăng cường sức khỏe, tập thể dục, bổ dưỡng.
- Tâm lý: bài trừ sợ hãi: bằng óc suy luận, ví dụ: Tại sao tôi sợ? Tôi sợ ai? Bằng ý chí: cương quyết chiến thắng nhát đảm: tự kỷ ám thị để thắng và can đảm.
- Siêu nhiên: Tín thác nơi Chúa Quan Phòng, mến Chúa hết lòng, hết trí khôn. “Nơi nào có lòng mến thì không sợ hãi”. “Thầy đây đừng sợ!”.
B . Can Đảm.
1 . Can đảm là gì?
- Can đảm (gan-mật) là đức tính giúp con người mạnh mẽ trong tinh thần và ý chí, cố vượt thắng mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ.
- Đức can đảm là giữ mực trung dung giữ hai thái cực sợ hãi và táo bạo (bướng bỉnh). Vì táo bạo phát sinh hành động liều lĩnh, khinh thường; còn sợ hãi đưa đến nhục chí, rút lui, ngại làm, cả hai đưa đến thất bại.
- Can đảm là dám làm dám chịu: Dám làm: Vì muốn thành công trên mọi lãnh vực, phải dám đương đầu với cái khó, cái khổ. Dám chịu: Là dám chấp nhận hậu quả, gian nan, thử thách, không nản chí, rên rỉ, đổ thừa…
2 . Lợi ích can đảm.
- “Đó là bể khổ”, có can đảm để chập nhận cuộc sống và biến lao khổ để trở thành niềm vui, tạo hạnh phúc cho mình và cho người.
- “ Có chí thì nên, có gan làm giàu”, can đảm giúp ý chí vững mạnh đưa đến thành công trong cuộc sống.
- Can đảm để chiến thắng 3 thù, hầu bảo vệ và phát huy tài năng, ân sủng Chúa ban.
- Để theo Chúa, để chiếm hữu Nước Trời, cần có sức mạnh thiêng liêng, đức can đảm giúp ta. “Từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày và theo Chúa…” (x. Mt 11,12; Lc 8,23).
3 . Rèn luyện đức can đảm.
- Cương quyết chế ngự tính nhát sợ.
- Tập lạc quan: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”
- Cầu nguyện, xin ơn sức mạnh, dũng cảm để dám làm dám chịu, dám nhận chân giá trị để thi hành, dám nhận khuyết điểm để sửa sai.
- Gương Thánh Gioan Kim Khẩu khi bị kế hoạch hại:
+ Kế hoạch 1: Bỏ tù: ông coi đó là dịp để tĩnh tâm, cầu nguyện và chịu khó vì Chúa.
+ Kế hoạch 2: Lưu đày: đối với ông, đâu cũng là đất Chúa.
+ Kế hoạch 3: Tử hình: chết là Tử đạo, được về bên Chúa.
+ Kế hoạch 4: Bắt phạm tội! ông khiếp sợ nhất: Nhưng không được, người sợ tội là người mạnh nhất! “Nếu con chỉ sợ tội, thì không người nào mạnh hơn con” (Fx. Thuận. ĐHV).
- Con người sinh ra mang tính xã hội, họ cần được sống liên đới với nhau. Ngoài những người thân trong gia đình, họ cần có những người thân thiết, gọi là Bạn Bè. Tình bạn thật đáng quý và cũng rất cần thiết cho cuộc sống.
- Ta cần có bạn bè để chia sẻ tâm tình, trao đổi tư tưởng, gánh vác công việc và giải trí thoải mái. Dù trẻ hay già, mọi người chúng ta đều cần có bạn.
2 . Bạn bè là ai? Các loại bạn bè.
Không phải chỉ những ai ta thích, ta mới coi là bạn. Thật ra:
- Bạn là những người có những nét gần gũi: Về tuổi đời, về tính tình, về nghề nghiệp, về hoàn cảnh, về môi trường…
- Tình bạn được gắn bó theo cấp độ: Bạn sơ sơ hay bạn thân, bạn tri kỷ hay bạn xã giao.
- Tình bạn được đánh giá theo phẩm cách: Bạn tốt hay bạn xấu. Trẻ có bạn trẻ, gì có Bạn già, cũng có thứ bạn “Vong Niên” giữa già-trẻ.
Một người có thể có nhiều loại bạn:
a. Bạn học: Là những người cùng trường lớp. Cần có quan hệ tốt để cùng học, cùng chơi, cùng giúp nhau tiến bộ. “Học thầy không tầy học bạn”. Nhiều bạn học sau này thành bạn chí thân.
b. Bạn đồng nghiệp: Do làm chung một công việc làm ăn, mua bán, nên cần quan hệ. Cần chọn lựa người có uy tín, đáng tin cậy. Nếu chí quan hệ làm ăn, thì cần sòng phẳng, thành thật, tránh lừa đảo.
c. Bạn giải trí: Gặp ở những nơi giải trí, thể thao, tiệc nhậu.
d. Bạn đồng chí: Là người cùng chung chí hướng, liên kết trong lý tưởng, có thể sống chết với nhau.
e. Bạn tâm tình, hay bạn tâm giao (Tri âm tri kỷ): Đây là loại bạn hiểu nhau, tin nhau, và có thể đem những tâm tình riêng tư ra kể cho nhau nghe, để giúp ý kiến nhau. Để chọn bạn tâm giao, ta cần chọn người đặc biệt: Có tâm hồn quảng đại, trung tín.
3 . Những ảnh hưởng của Bạn Bè.
“Chỉ cần biết bạn chơi thân với ai, tôi sẽ đoán được bạn là người như thế nào”.
a. Ảnh hưởng về tiền bạc: “Giàu vì bạn, sang vì vợ”
- Nếu là bạn tốt, sẽ chung lưng, giúp vốn, góp ý để làm ăn. Nghèo túng, có bạn bè giúp đỡ nên giàu, nhưng cũng có nhiều bạn lợi dụng, gây khó khăn, thiệt hại đến tốn tiền, tốn sức, tốn giờ: như rủ rê đi ăn chơi, nhậu nhẹt, hút xách.
b. Ảnh hưởng về đạo đức, uy tín:
- Nếu có người bạn tốt, đạo hạnh, thì đó là điều đáng quý. Họ sẽ làm gương, an ủi, nâng đỡ tinh thần. Còn những bạn xấu, theo chơi với họ, ta sẽ dễ bị ảnh hưởng vào đường ăn chơi, trụy lạc, nghiện ngập, trộm cướp.
c. Ảnh hưởng đến tương lai:
- Nếu trong giai đoạn học hành mà chạy theo bạn xấu an chơi, lêu lỏng, bỏ học, thì tương lai sẽ mù tối, do bệnh hoạn, yếu đuối, thiếu khả năng. Còn nếu gặp những bạn tốt sẽ giúp đỡ, thúc đẩy ta học hành, nhờ đó, ta tiến bộ và tương lai sẽ tươi sáng.
d. Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình:
- Biết bao gia đình tan nát vì ảnh hưởng của bạn xấu: rủ nhau ăn nhậu, say sưa, đánh vợ, đợ con, phá nhà cửa. Nếu bạn lương thiện, họ sẽ góp ý xây dựng hạnh phúc, gia đình nên đầm ấm.
II . Cho Bạn.
Ai cũng muốn có bạn tốt và mỗi người đều có những tiêu chuẩn chọn bạn khác nhau. Nếu mục đích việc chọn bạn là để chia sẻ, giúp nhau thăng tiến, thì có những tiêu chuẩn:
1 . Chọn bạn theo các tiêu chuẩn:
- Chọn bạn chăm chỉ, đạo đức: Để không bị ảnh hưởng xấu.
- Chọn bạn chân thành, trung tín: Để tình bạn được bền vững.
- Chọn bạn hơn mình về tài năng và đức độ: Để học hỏi, để thăng tiến.
- Chọn bạn có ý tưởng, có chí hướng tốt: Để cuộc đời có ý nghĩa.
2 . Thế nào là Người bạn tốt?
- Người bạn thân với ta, chưa hẳn là người bạn tốt, nếu họ không phải là người bạn trung thành, tín nghĩa, luôn gắn bó với ta trong mọi hoàn cảnh, khi vui như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại.
- Người bạn chiều theo ý muốn của ta, cũng chưa hẳn là người bạn tốt thật sự, người bạn tốt thẳng thắn, chứ không nịnh bợ, góp ý chân thành xây dựng, chứ không hùa theo hay phá đổ, nhạo cười.
Bạn tốt là người bạn:
- Biết giúp đỡ, khuyên tránh xấu, khích lệ khi làm tốt.
- Biết hi sinh, quảng đại, tha thứ vì bạn, cho bạn.
III . Sống Đẹp Tình Bạn.
1 . Cách cư xử trong tình bạn:
- Tình gia đình bền chặt với nhau nhờ chung một dòng máu. Còn tình bạn là hoàn toàn tự do, chẳng có gì ràng buộc với nhau, ngoài tấm lòng. Bởi vậy, tình bạn rất mong manh và dễ tan vỡ. sống đẹp đẹp tình bạn, ta cần có những đức tính:
a. Chân thật:
- Là cư xử công bằng, hợp lý, không nói dối hay nịnh hót, lừa gạt nhau. Cần chấp nhận sự thật để cầu tiến và phục thiện. Tuy nhiên, chân thật không có nghĩa là phải kể ra hết mọi chuyện thầm kín. Có những điều ta chỉ có thể cho người khôn ngoan, hoặc với bạn chí thân, sau khi đã cân nhắc.
b. Trung tín:
- Luôn giữ đúng lời hứa với bạn. Những gì bạn tâm sự, không được tiết lộ, nếu không có sự đồng ý trước. Luôn thủy chung, những khi hoạn nạn, thất bại là lúc cần bạn nhất!
c. Biết nhớ và biết quên.
- Đó là điều làm cho tình bạn được bền bỉ. Cần nhớ những tình cảm, kỷ niệm đẹp, sự giúp đỡ của bạn dành cho ta. Nhớ ngày sinh nhật, ngày bổn mảng, kỷ niệm vui buồn bên nhau.
d. Tôn trọng bạn như tình ruột thịt.
- Tình bạn chân thật thể hiện qua việc quan tâm, tôn trong và giúp đỡ nhau, cách đặc biệt đối với bạn kém tài, kém sắc hoặc khuyết tật.
I . Tình Yêu Là Gì?
“Con người không thể sống nếu không có tình yêu”.
- Tình yêu gắn liền với cuộc sống con người, đó là một thứ tình cảm (Ái tình) vô cùng phong phú, bao hàm nhiều mặt nên khó định nghĩa cách rõ ràng, khoa học được!
- Tình yêu thường được hiểu theo nghĩa đẹp, đó là một quan hệ giữa hai người khác giới, cảm thấy có nhu cầu quyến luyến nhau, muốn gắn bó với nhau để sống, muốn chiếm hữu và hiến dâng cho nhau.
- Vài định nghĩa diễn tả tình yêu:
+Yêu là muốn điều tốt cho nhau (St Thomas)
+ Yêu là cùng nhìn về một hướng.
+ yêu là sống cuộc sống của người mình yêu.
+ Yêu là cho và nhận, là dâng hiến và khước từ, và tin tưởng và tha thứ. Yêu là dấn thân và phục vụ…
- Có nhiều loại tình yêu: Tình phụ tử, mẫu tử, tình huynh đệ, tình gia đình, tình bè bạn, tình nam nữ, tình vợ chồng… và trên hết là Tình Yêu Chúa.
- Tình yêu có những tính chát nào? Khi hai người yêu nhau: họ luôn nhớ nhau, thương nhau lo lăng cho nhau, mong gặp gỡ nhau, muốn chia sẻ vui buồn và hợp nhất với nhau từ thể xác đến tâm hồn.
II . Tầm Quan Trọng Của Tình Yêu.
“Con người sẽ không hiểu mình, hiểu cuộc đời, nếu họ không gặp tình yêu, không có kinh nghiệm về tình yêu, không làm cho tình yêu trở thành của mình và không còn tham dự mãnh liệt vào tình yêu”. ( G.P. II).
- Tình yêu đem đến hạnh phúc, niềm vui, thêm động lực để phát triển, giúp biến đổi nên hoàn thiện.
- Tình yêu là sức mạnh vượt gian khổ, thăng hoa con người.
- Tình yêu khởi điểm để liên kết 2 người nam nữ từ xa lạ đến gắn bó mật thiết và đưa vào hôn nhân. Và hôn nhân chỉ hạnh phúc bền vững khi có và còn tình yêu: Vì tình yêu giúp họ muốn sống bên nhau, tha thứ, chấp nhận, nuôi dưỡng, trách nhiệm, chu toàn bổn phận.
III . Vài Chân Dung Tình Yêu Nam Câu.
- Tình lý tưởng: Đối tượng như ý muốn: Đẹp, duyên, tài năng, địa vị, tiền của, nhân hậu, yêu trọn vẹn, chung thuỷ.
- Tình ngộ nhận: Do lịch sự, hợp nhãn, sắc đẹp, có tài, đạo đức giả tạo của đối tượng, họ nâng cảm xúc lên tình yêu.
- Tình lợi dụng: Dùng tình yêu che mục đích lợi dụng, chinh phục vì tiền của, tài sản, muốn đi nước ngoài…
- Tình si mê: Do quan điểm yêu thương lệch lạc, cảm xúc, rung cảm nhục dục, yêu theo phong trào, yêu thử nghiệm.
- Tình vị kỷ: Yêu mình qua người khác, chỉ lo cho mình.
- Tình vị tha: Quan tâm, lo lắng, tạo hạnh phúc cho người yêu.
IV . Vài Lệch Lạc Trong Lối Yêu Ngày Nay.
- Lầm lẫn yêu hay lợi dụng yêu: Coi tình dục là tình yêu, yêu thử nghiệm. Lầm lẫn tình bạn và tình yêu.
- Yêu cuồng, sống vội, tò mò, muốn hưởng lạc thú, không cần tương lai.
- Muốn thoả mãn tự ái: Có người yêu mới từng trải, sợ ế!
a. Nguyên nhân:
- Thiếu giáo dục, thiếu đạo đức, bị ảnh hưởng bạn xấu, sách báo, phim ảnh xấu…
- Không niềm tin vào Chúa, kém đạo đức, lười cầu nguyện, bí tích.
- Không lý tưởng sống, mặc cảm tự ti, tự tôn.
b. Hậu quả:
- Suy tàn sức khoẻ, mất sinh lực, bạc nhược thể xác, bệnh.
- Suy thoái tinh thần, mất tự tin, hết hăng sai học tập.
- Mất uy tín, mặc cảm tội lỗi, phá thai, si đa, thất tình, tự tử.
V . Tình Yêu Chân Chính.
“Hãy yêu như Chúa yêu”. Tình yêu chân chính có ít nhất 3 yếu tố:
- Tính quảng đại, vị tha: Yêu biết tin cậy và tôn trọng nhau, biết hi sinh và tha thứ, được chứng minh bằng hành động cụ thể: Tận tình giúp đỡ thông cảm, an ủi. Không chiếm hữu mù quáng, bạo lực, lợi dụng, thiếu tôn trọng.
- Tính đạo đức, trong sáng: Yêu là muốn điều tốt cho nhau, giúp nhau thăng tiến, yêu có trách nhiệm, không sợ hãi, lén lút, không làm tổn thương nhân cách và đạo đức.
- Tính hiệp nhất: Là tình yêu dẫn đến hôn nhân, đôi lứa có chung cuộc sống, được xã hội và Giáo hội công nhận, tình yêu được nở hoa kết quả trong hôn nhân và gia đình.
VI . Giáo Dục Tình Yêu Người Trẻ.
1 . Người trẻ sống vươn lên.
- Cần tập trung sức lực, thời giờ cho việc học tập, rèn luyện, để đạt trưởng thành về tình cảm, trí tuệ, làm chủ cảm xúc, dùng lý trí thắng đam mê, biết tu thân, tích đức. Cần chọn bạn tốt, có giải trí lành mạnh, tránh thời gian nhàn rỗi.
- “Tình yêu không là tất cả, chỉ có Chúa mới là tất cả!”
- Cần học hiểu tình yêu để biết yêu. Không nên yêu quá sớm, đừng vội thất vọng khi bị “phụ tình”.
2 . Người trẻ bước vào tình yêu
- Cần có thời gian tìm hiểu nhau, theo tiến trình: Quen bạn à Bạn thân à Nhân tình à Nghĩa vụ VC.
- Cần tìm hiểu, cân nhắc, chọn lựa, cầu nguyện, bàn hỏi người khôn ngoan trước khi quyết định chọn người yêu.
- Yêu với ý thức trách nhiệm, xây dựng, chung thuỷ, không ích kỷ, lợi dụng, mù quáng.
- Yêu theo gương mầu tình yêu của Thiên Chúa: Vị tha, hi sinh, tạo hạnh phúc cho người yêu. Yêu nên một với người yêu, trong một tâm tình, cuộc sống, trách nhiệm cao.
VII. Xây Dựng Văn Minh Tình Yêu.
(Bài nói với giới trẻ của ĐGH GP. II)
- Hãy tin vào tình yêu: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta tin vào tình yêu đó”.
- Xây dựng nền văn minh của tình yêu: Trong tin thần liên đới quảng đại, tha thứ và chia sẻ. Cần có cá tính mạnh mẻ và kiên trì, biết hi sinh, vượt qua những chia rẽ của hưởng thụ, khoái lạc để tình yêu phong phú và cao thượng.
- Hãy mở lòng ra với tình yêu Đức Kitô: “Chúng ta yêu thương, vì Người đã yêu ta trước”. Mức độ tình yêu của chúng ta là yêu mến theo trái tim Đức Kitô.
- Làm chứng nhân tình yêu kiến tạo hoà bình: Thế giới ngày nay đang kiến cần niềm vui và việc phục vụ, sức mạnh và sự hiến nộp đời mình để biến đổi lịch sử, xây dựng xã hội mới công bằng, huynh đệ, nhân đạo và cong giáo hơn.
Đã là người, ai cũng muốn được xem là người trưởng thành, thông minh, người ta gắn liền sự trưởng thành với tuổi tác. Thật ra, trưởng thành vốn là một giá trị phổ quát mà mọi người đều mong đạt được, nhưng được xem như là trưởng thành và thật sự là người trưởng thành là hai thực tại khác nhau.
I . Ngộ Nhận Về Trưởng Thành.
Người ta dễ dàng gán cho sự trưởng thành những yếu tố không phù hợp với bản chất của nó. Sau đây là ngộ nhận về trưởng thành:
1. Trước hết, người ta cứ tưởng trưởng thành không hề bị ảnh hưởng sự xấu:
Xã hội ngày nay cứ xem chuyện sai trái là chuyện của trẻ con, còn người người lớn thì không bị cám dỗ, như ghi chú: “Phim dành cho người lớn: Cấm trẻ em dưới 18” như thể người lớn “không hề bị cám dỗ”. Thật ra, người trưởng thành thật sự thì biết thế náo đúng sai, không cần ai nhắc nhở họ chuyện ấy nữa. Người trưởng thành thì hành động theo sự xác tín cá nhân và theo lương tâm ngay thẳng.
2. Thứ hai:
Người ta tưởng rằng người trưởng thành thì không thể sa lầm. Thật ra trưởng thành không hề có nghĩa là miễn chuẩn trước sai lầm và có câu trả lời đúng cho tất cả mọi sự. Socrate có nói: “người khôn ngoan nhất là người biết nhận ra sự ngu dốt của mình”. Như vậy, càng trưởng thành, càng tỏ ra khiêm tốn. Người không bao giờ chấp nhận mình có sai lầm và không chấp nhận sự phê bình hay quan điểm của người khác, họ khó có thể là một người trưởng thành, bởi họ luôn xem mình đúng, mình là trọng tâm của vũ trụ.
3 . Cuối cùng, trưởng thành không hề đồng nghĩa với cứng nhắc:
Có người tưởng rằng trưởng thành thì luôn luôn nghiêm trang. Thật ra, nét đẹp của sự trưởng thành chính là sự hài hoà. Người trưởng thành là người biết lúc nào cần nghiêm chỉnh, khi nào cần tươi cười, biết nhận ra sự khác biệt và giá trị của người khác, của mỗi hoàn cảnh, trường hợp, thời điểm khác nhau. Người trưởng thành như vậy là người biết linh động thích ứng, chứ không khư khư bám vào pháo đài cổ lổ của mình và khước từ mọi khoan nhượng trước những quan điểm của người khác.
II. Trưởng Thành Đích Thực.
1. Theo nghĩa thông thường nhất, trưởng thành là sự thành toàn của bản tính, là đỉnh cao của tiến trình tăng trưởng nên loài vật và cây trái, trưởng thành hay chín muồi là hiện tượng thể lý. Còn nơi con người, ngoài bản chất thể lý còn có bản chất tinh thần. Nói đến trưởng thành là nói đến sự chín muồi của trong bản chất tinh thần. Sự trưởng thành ấy dĩ nhiên không lệ thuộc vào tuổi tác và thể lý. Người ốm đau có thể trưởng thành hơn lực sĩ; người thất học có thể thưởng thành hơn khoa bảng; một em bé 10 tuổi cũng có thể đạt trưởng thành, nghĩa là đạt bản chất tinh thần cao hơn những người có chức vị, lớn tuổi.
2. Thứ đến, người trưởng thành là người biết biến những tiêu chuẩn và nguyên tắt ngoại tệ tại thành những sát tính cá nhân trong hành động. Tiến trình này còn được ý thức và tự do. Trẻ con cần phải áp đặc những, bởi vì chúng thường chiều theo khuynh hướng tự nhiên, cảm hứng nhất thời, hơn là nghĩ đến trách nhiệm tương lai. Biết nhìn xa, trông rộng, biết khép mình vào kỷ luật chung, đó là đức tín của người trưởng thành. Mọi hành động, không vì sợ người khác nhưng theo nguyên tắt và xác tín riêng.
3. Sự trưởng thành cũng đồng nghĩa với sự hoài hoà trong bản thân. Trưởng thành chính là nhờ sự kết hợp của nhiều đức tín nhân bản để làm nên nhân cách của ta. Ý chí tình cảm, trí khôn, tất cả kết hợp hài hoà để tạo thành nhân cách con người. Bao lâu thiếu sự hài hoà ấy, con người vẫn chưa đạt trưởng thành. Bộ óc vĩ đại, nhưng lại có tâm hồn nhỏ bé; trí khôn bác học nhưng không làm chủ cảm xúc thì chưa đạt trưởng thành. Trưởng thành là vun trồng mọi đức tín và tổng hợp của nhiều giá trị mà con người đeo đuổi đạt sự hài hoà cho bản thân.
4. Cuối cùng, trưởng thành là trung thành sống những cam kết của mình. Sống phù hợp với bậc sống của mình và chịu mọi trách nhiệm về hành động, lời nói của mình. Khi đã suy nghĩ và đã đoan thề thì giữ lời hứa xét cho cùng, trưởng thành thiết yếu, là người biết sống theo tiếng nói dân tộc và chân chính của mình.
III. Chân Dung Người Trưởng Thành.
- Người trưởng thành là người đạt sự thành toàn trong nhân cách, biết vun trồng mọi đức tính nhân bản, biết linh động thích ứng trong cuộc sống và cư xử hài hoà với mọi người.
- Người trưởng thành biết suy nghĩ chín chắn, phán đoán chính xác, hành động có ý thức và tự do, theo lương tâm chân chính của mình.
- Người trưởng thành chịu trách nhiệm và hành vi, lời nói, việc làm của mình, chấp nhận phê bình và sửa sai.
- Người trưởng thành khiêm tốn chấp nhận sự thật về mình, luôn gia tăng học hỏi, trau dồi kiến thức, tu luyện bản thân.
- Người trưởng thành luôn trung thành với lời cam kết kiên trì đeo đuổi mục đích biết tự chủ dục vọng và sống phù hợp với vật sống của mình.