Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Đề thi sẽ không quá khó
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 sẽ chính thức diễn ra. Vậy đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ khó hay dễ, có định hướng ra sao?
“Đề thi ĐH, CĐ phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi” - PGS-TS Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết.
Tỉ lệ “chọi” năm nay không cao vì số học sinh đậu tốt nghiệp THPT chỉ… nhỉnh hơn chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chút ít.
Đề sẽ kiểm tra kỹ năng thực hành
Theo PGS-TS Ngô Kim Khôi, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành (chủ yếu chương trình lớp 12), đồng thời phân loại được trình độ học lực của thí sinh.
Ngoài yêu cầu bám sát theo từng bộ môn, đề thi còn có nhiều câu hỏi kiểm tra bao quát chương trình trung học. Các câu hỏi này phải bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Ông Khôi nhấn mạnh: “Đề thi sẽ không ra vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Đề thi không ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Đề cũng không ra những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải; không ra đề quá khó, quá phức tạp”.
Thí sinh nhận giấy báo dự thi ĐH, CĐ năm 2011 ở Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM. Ảnh: QUỐC DŨNG
Thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay khoảng 1.964.600, gồm 1.471.800 hồ sơ thi ĐH (chiếm gần 75%) và 492.790 hồ sơ thi CĐ (chiếm 25%). Chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ hệ chính quy năm nay là 548.000, tăng thêm gần 33.500 (6,5%) so với năm 2010; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai của năm 2011 bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy, tức khoảng gần 330.000. Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ các loại hình gần 880.000.
Trong khi đó, số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ năm 2006 đến nay chỉ dao động từ 1 đến 1,2 triệu mỗi năm. Năm 2011, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp và có 994.029 thí sinh đậu tốt nghiệp. Con số thí sinh đậu tốt nghiệp năm nay chỉ nhỉnh hơn chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chút ít (chưa trừ số thí sinh tốt nghiệp nhưng không chọn thi ĐH, CĐ).
Như vậy, với hơn 1,9 triệu hồ sơ đăng ký dự thi năm nay, tỉ lệ “chọi” vào ĐH, CĐ chính quy trong cả nước không cao, chỉ 1 “chọi” 3,5 (tính cả hồ sơ ảo). Con số này so với nhiều năm trước là tương đương. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tỉ lệ “chọi” thấp, chỉ tiêu nhiều, nhiều trường tuyển sinh nhưng ba năm trở lại đây, dù phải tuyển cả nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mà nhiều trường ĐH, CĐ cả công lập lẫn tư thục vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu; nhiều ngành đào tạo ở các trường ĐH phải đóng cửa.
TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Cơ hội đậu ĐH, CĐ không quá khó nếu thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Lượng thí sinh thi đông, chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không đạt được mức điểm sàn theo quy định thì rất khó để vào được ĐH, CĐ”. Thực tế từ năm 2004 đến nay, điểm sàn khối A và D thường ở mức 13 điểm, điểm sàn khối B và C thường ở mức 14 điểm. Còn điểm sàn CĐ giảm 3 điểm mỗi khối thi so với ĐH.
PGS-TS Ngô Kim Khôi nói: “Theo quy định, thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ phải có tổng điểm thi ba môn bằng hoặc trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT và phải bằng hoặc trên điểm trúng tuyển của ngành theo quy định của từng trường. Yếu tố quyết định điểm trúng tuyển là năng lực, trình độ của chính mỗi thí sinh. Do đó, nếu có mức điểm từ sàn trở lên, không đậu vào các trường công lập, thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội tại các trường ngoài công lập”.
Hồ sơ khối A chiếm ưu thế
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2011 số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối A chiếm nhiều nhất (55%), kế đến là khối B (19,4%), khối D (15,5%), trong khi khối C chỉ chiếm 6,4%. Các khối khác chiếm 3,5%.
Trong tổng số hơn 480 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ cả nước, có đến hơn 360 trường có đào tạo nhóm ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính-ngân hàng...). Chính vì lẽ đó, phần lớn hồ sơ đăng ký dự thi đều tập trung vào nhóm ngành này và đây là nhóm ngành đang được rất nhiều thí sinh ưa chuộng. Trong khi đó, khối ngành khoa học xã hội chỉ khoảng 4,7% tổng số hồ sơ, khối ngành nông lâm ngư chiếm 2,5%, khối ngành sư phạm chiếm 6%.
Theo PLTP.