Tùy tiện "sáng tạo" Tiếng Việt

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
TUỲ TIỆN "SÁNG TẠO" TIẾNG VIỆT




"Trong khi chờ có luật, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có lẽ nên bắt đầu từ cách viết, cách dùng từ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi lẽ, ảnh hưởng xã hội của các phương tiện truyền thông là rất lớn, với hàng triệu người đọc, xem, nghe mỗi ngày", PGS.TS Ngữ văn Đỗ Thanh viết trong bài tham luận trên diễn đàn của Đất Việt.

Là người đã dạy Tiếng Việt nhiều năm cho sinh viên nước ngoài và dịch văn học nước ngoài, tôi nhận thấy, điều rất đáng báo động là hiện nay, Tiếng Việt trên sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng rất lộn xộn. Báo chí, truyền hình hiện nay có nhiều lỗi in ấn, dùng từ, đặt câu thiếu chính xác, lạm dụng từ địa phương, từ vay mượn, sáng tạo từ mới một cách bừa bãi, không có cơ sở.

“Sáng tạo” từ bừa bãi

Trước hết, cần nói tới hiện tượng từ vay mượn, lai căng. Theo tôi, ở đây có hai mặt tích cực và tiêu cực. Vay mượn từ, thậm chí vay mượn cả cách đặt câu, vay mượn các thành ngữ, tục ngữ của các ngôn ngữ khác (thông qua việc dịch nói, dịch viết…) để làm phong phú cho Tiếng Việt là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ vay mượn từ nào, kiểu câu nào, có được quần chúng đông đảo chấp nhận hay không. Không vay mượn bừa bãi, tùy tiện, nhưng cũng đừng quá khắt khe, bảo thủ. Rất nhiều lần, tôi đọc thấy trên sách báo các ý kiến bài xích lối nói: chiều cao "khiêm tốn", sắc đẹp "khiêm tốn"… Thực ra, đây là cách mở rộng nghĩa của từ, có thể chấp nhận được.

Một ví dụ nhỏ nữa là hai từ "đúng" và "chính xác" thường được dùng thiếu chuẩn xác trên các chương trình trò chơi trên ti vi. Từ trái nghĩa của "đúng" là "không đúng", từ trái nghĩa của "chính xác" là "không chính xác". Vì thế, không thể nói: Câu trả lời "đúng" câu trả lời "không chính xác".

Vấn đề dấu chấm câu cũng cần chú ý, nếu không, sẽ làm tiếng Việt thiếu trong sáng. Chẳng hạn, trong chương trình trò chơi có tên Hãy chọn giá đúng!, tốt hơn, theo tôi, nên đổi là Chọn giá đúng. Ngay cả tên chương trình trò chơi Ai là triệu phú? cũng không ổn. Theo tôi, cái tên này không thích hợp với nội dung của trò chơi. Từ lâu, người ta đã không đồng tình với chương trình có tên Đường lên đỉnh Olympia. Rõ ràng là sai mà người ta vẫn không sửa.



“Vô tư” dùng từ sai nghĩa

Yêu cầu của thông tin báo chí là rõ ràng, chính xác, có lượng thông tin cao, nhưng trên các báo, chúng ta thường gặp các tên bài kiểu: "Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 36 người chết và bị thương". "Bị thương" và "chết" là hai mức độ tai nạn hết sức khác nhau. Chết là chết, nhưng bị thương thì có thể là rất nhẹ, nhẹ và nặng, thậm chí nặng sẽ dẫn tới chết. Đúng ra là phải viết cụ thể số người chết, số người bị thương, chứ không thể nói gộp như vậy. Nếu không, thì khó mà biết vụ tai nạn đó có trầm trọng hay không.

Một hiện tượng rất hay gặp là lối viết tắt ở các tên bài trên các báo như: Vụ nhận hối lộ của Sở KH và ĐT (Kế hoạch và Đầu tư); Cơ quan THADS (Thi hành án dân sự) cấp tỉnh chính thức "tách" khỏi Sở Tư pháp… Điều lạ là, tại sao cùng một tiêu đề mà phần đầu lại viết tắt (THADS) và phần sau thì không (Sở Tư pháp)… Lối viết này quả là đánh đố người đọc vì họ chỉ hiểu những chữ viết tắt đó có nghĩa gì khi đọc hết bài báo. Còn nếu chỉ liếc qua tiêu đề thì rất khó hiểu, đặc biệt là đối với những người trình độ học vấn thấp, ít đọc báo.

Cuối cùng là vấn đề dùng sai nghĩa của từ. Đây là hiện tượng rất thường gặp trên các báo, được thấy qua các câu sau: "Thôi nào, Hải đừng quá trầm trọng vấn đề". "Trường hợp của người bạn tâm sự trên báo "Sinh viên Việt Nam" hôm nay là một cô gái yêu và thần tượng mẫu đàn ông nhiều tuổi, thành đạt". "Bạn đã yêu và quá yêu một thần tượng, khi không đạt được, bạn tự ái, tổn thương". "Hạ" (đúng ra là "") đã về trên khắp nẻo đường Hà Nội, "Cứ sục sôi hùng hục, thích thú như thể đó là những trò khoái lạc…"

Cùng một từ nhưng khi nào thì dùng được, lúc nào thì không. Chẳng hạn, từ "mời" của Tiếng Việt. Các câu như: "Xin mời đồng chí phát biểu!" 'Mời các đồng chí xơi nước, ăn kẹo"… là đúng. Thế nhưng ở chương trình dạy hát cho trẻ em ở tuổi nhi đồng trên đài, khi thầy giáo dạy hát nói: "Thầy mời bạn Thúy Nga hát lại nào!" thì nghe lại thấy chướng, sai phong cách.

Vấn đề dùng từ, đặt câu sai trên báo thì có thể dẫn ra rất nhiều. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chắc chắn tôi không thể liệt kê hết.



PGS.TS Ngữ văn Đỗ Thanh
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top