Theo quy luật của tự nhiên, một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, trong đó mùa Xuân là mùa đẹp nhất, mùa khởi đầu của một năm với bao hy vọng, đợi chờ! Mùa Xuân - mùa của vạn vật, cỏ cây, hoa lá sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc, mùa của sức sống mới! Hoà vào nhịp sống của tự nhiên, tuổi trẻ được xem là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người - mang trong mình bầu nhiệt huyết, lý tưởng sống, chất lửa hăng say, mong muốn được sống, yêu thương và cống hiến. Tuổi trẻ là tuổi của những ước mơ, hoài b ão và khát vọng vươn tới những giá trị đích thực: chân, thiện, mỹ… cũng là khoảng thời gian để cống hiến sức trẻ, trí tuệ, xung kích đi đầu với lý tưởng cao đẹp “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Vì vậy, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[1]. Bác coi“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Và, Người đã gửi gắm niềm tin yêu ấy vào thế hệ trẻ của đất nước: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Từ khát vọng tuổi trẻ, lòng yêu nước thiết tha, thương dân sâu sắc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi, tìm cho dân tộc Việt Nam con đường cứu nước, giải phóng đất nước ra thoát khỏi “đêm trường trung cổ”. Sau bao năm bôn ba tìm kiếm, hoà mình vào cuộc sống những người lao động lầm than ở các châu lục, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin - chiếc cẩm nang thần kỳ cứu nước, cứu dân mà bấy lâu Người mong ước. Vì vậy, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhanh chóng theo Người về đất Việt!
Đối tượng đầu tiên Nguyễn Ái Quốc chọn để truyền bá lý tưởng cộng sản - Chủ nghĩa Mác-Lênin là thanh niên - lực lượng trẻ đầy lòng yêu nước, sáng tạo và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Tháng 6-1925, tại Quảng Châu - Trung Quốc, Người đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, xuất bản tờ báo Thanh Niên - thể hiện niềm tin mãnh liệt vào thế hệ Thanh niên Việt Nam đối với dân tộc. Năm 1926-1927, Người trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước. Sau khoá huấn luyện, Bác đã lựa chọn giới thiệu nhiều thanh niên ưu tú, gửi đến học tại Trường Đại học Phương Đông, Trường quân sự Hoàng Phố, hầu hết những thanh niên còn lại trở về nước, hoà mình vào phong trào công nhân, xây dựng phát triển phong trào cách mạng.
Được trang bị lý tưởng cộng sản, những chiến sĩ cách mạng trung kiên nhanh chóng lãnh đạo các phong trào đấu tranh của dân tộc, không chỉ vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, phấn đấu rèn luyện trở thành những người cộng sản tiền bối, những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng sau này mà còn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử giao phó, tiêu biểu như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… Họ đã góp một phần không nhỏ cùng dân tộc Việt Nam làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám “long trời lở đất”, giành chính quyền về tay nhân dân,mở ra kỷ nguyên mới để dân tộc Việt Nam tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đi đếnnhững mùa Xuân bất tận của dân tộc.
Tiếp nối sự nghiệp cách mạng của thanh niên cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện lời thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, lớp lớp thanh niên trưởng thành nối tiếp nhau chiến đấu, giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các thế hệ thanh niên Việt Nam không ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu quên mình vì mục tiêu: độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Biết bao tấm gương thanh niên đã anh dũng hy sinh trên chiến trường: Tô Vĩnh Diện - lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót - lấy thân mình lấp lỗ châu mai… và chàng trai cô gái tham gia phục vụ chiến đấu với niềm lạc quan phơi phới: Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan thịt nát/Không sờn lòng không tiếc tuổi xuân… Sức trẻ của họ đã cùng dân tộc kết thúc 9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.
Nhà văn Nga N.A Ostrotesky đã viết “Cái quý giá nhất của con người là cuộc sống, đời người ta chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận về những tháng năm đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn… Để khi nhắm mắt xuôi tay ta c ó th ể nói rằng: “Cả đời ta, cả sức ta đã dâng hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Những dòng văn này đã thấm vào máu và đã trở thành lẽ sống, mệnh lệnh trái tim của cả một thế hệ trẻ Việt Nam được sinh ra, lớn lên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, trong đó có người giỏi văn nhất miền Bắc - Nguyễn Văn Thạc, bác sỹ trẻ Hà Thành Đặng Thùy Trâm, Lê Anh Xuân, Vũ Xuân… thôi thúc họ lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ là những người luôn nêu cao khẩu hiệu: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh; nhằm thẳng vào quân thù mà bắn, tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”… góp phần không nhỏ làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội.
Bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, thanh niên Việt Nam tiếp tục phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, phát triển theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Tuy vậy, một bộ phận thanh niên do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng, vọng ngoại, chủ nghĩa cá nhân, dao động, tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cổ suý cho chủ nghĩa tư bản, hoài nghi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta… đã ảnh hưởng lớn đến con đường lập thân, lập nghiệp của thanh niên Việt Nam. Trước tình hình đó, bên cạnh việc chủ động nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng thanh niên, động viên khuyến khích, chỉ ra sự lệch lạc để kịp thời uốn nắn, tuyên truyền làm cho thanh niên hiểu rõ những luận điệu sai trái; tích cực đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, Đảng ta còn chỉ rõ: Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) khẳng định: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước; tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hội nghị cũng chỉ ra mục tiêu cho thanh niên phấn đấu là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, các cấp, các ngành không chỉ từng bước đổi mới nội dung và phương thức giáo dục, nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thanh niên, giúp họ nhận thức đầy đủ, đúng đắn tính khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, giá trị trường tồn của truyền thống yêu nước, lòng tự hoà, tự tôn dân tộc… Động viên, cổ vũ thanh niên tích cực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống và tổ chức hoạt động về nguồn làm cho thế hệ trẻ hiểu rõ được truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, về những tấm gương thanh niên đã hy sinh vì Tổ quốc: Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Viết Xuân… để trân trọng, học tập và noi theo. Tổ chức để thanh niên học tập, tham quan nhà bảo tàng và những di tích lịch sử cách mạng: Thành cổ Quảng Trị, Ngã Ba Đồng Lộc, Địa đạo Củ Chi, nhà tù Côn Đảo, Chiến khu D… Giáo dục tinh thần đoàn kết, làm cho thanh niên nhận rõ được vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong lịch sử dân tộc cũng như trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, bồi đắp tình cảm uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc để khơi dậy tinh thần “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”...
Thực tiễn cho thấy, trên nhiều lĩnh vực, thanh niên Việt Nam đã vươn tới đỉnh cao, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Thanh niên hôm nay chính là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề và bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Nhiều chương trình, dự án lớn, đậm chất đặc thù và lãng mạn của thanh niên ra đời như: Xây dựng các cung đường TNXP trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; xoá hàng ngàn cầu khỉ thay thế bằng cầu nông thôn mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tình nguyện đi lập nghiệp tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, Cồn cỏ với những công trình hiện đại như: đóng mới tàu cao tốc Bạch Long, xây dựng trạm điện sức gió, xây dựng công viên tuổi trẻ Sông Hồng trên đảo xa, xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới, thanh niên góp đá xây dựng Trường Sa… Bên cạnh đội hình TNXP lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” trên trường quốc tế và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình.
Năm 2000 được Đảng, Chính phủ nước ta chọn là “Năm Thanh niên” và gửi “Thông điệp Tháng Ba” đến bạn bè trên toàn thế giới. Những năm qua thanh niên Việt Nam luôn mở rộng quan hệ bè bạn và hợp tác với các tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Chủ động đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia, Cu-Ba, Liên bang Nga; tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên, sinh viên thế giới... Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, hoá học, thể thao… Hiện nay, có hàng chục vạn lao động Việt Nam mà chủ yếu là thanh niên đang học tập và làm việc tại nước ngoài, không chỉ đóng góp xây dựng quê hương, mà còn đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học.
Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước thịnh hay suy phụ thuộc vào phần lớn sức mạnh của tuổi trẻ. Để xứng đáng với vị trí, vai trò đó, thanh niên Việt Nam không chỉ phải luôn luôn ra sức học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, tri thức, nghiệp vụ mà còn khắc sâu mục tiêu, lý tưởng của người thanh niên cách mạng “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Và, mỗi thanh niên Việt Nam luôn khắc dạ ghi tâm lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Làm được điều đó, thanh niên sẽ góp một phần lớn cùng dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng bè bạn năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong.
SƯU TẦM