• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Từ việc tuyển sinh đại học, cao đẳng 2011 nghĩ về đào tạo môn ngữ văn

Như Bình

New member
Xu
0
Đọc một số bài báo thời gian này, có một điều tôi thấy trong đợt tuyển sinh 2011 cũng như những đợt tuyển sinh trước đó, những ngành học “hot” tiếp tục dẫn đầu là những ngành: tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, ngành y, ngành dược và một số ngành kinh tế khác, thế nhưng lại không thấy bóng dáng của các ngành khoa học xã hội nhân văn (KHXH&NV) đâu cả. Điều này thật sự đáng lưu tâm và chú ý.

Tại sao học sinh lại ít chú ý đến
các ngành KHXH&NV đặc biệt là môn Văn ?

Nguyên nhân xuất phát vấn đề này từ đâu ? Truy nguyên vấn đề, có một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam, các ngành KHXH&NV ít được chú trọng, ít được đầu tư, thậm chí kém phát triển. Đây là nguyên nhân vì sao mà học sinh lại ít chú ý đến các môn học thuộc về lĩnh vực này ngay từ những năm học phổ thông.

Nền giáo dục của ta từ trước đã dựa trên KHXH&NV để xây dựng nước nhà. Trong một khoảng thời gian dài, chế độ phong kiến luôn lấy Văn là thước đo để tìm kiếm nhân tài, phục vụ đất nước. Thế nhưng, khi đất nước bắt đầu chuyển mình đổi mới thì các ngành khoa học tự nhiên lại lên ngôi và chứng tỏ “bản lĩnh của mình” đồng thời các ngành KHXH&NV dần dần mất đi thế đứng, ngày càng lu mờ. Kể từ đó cho đến nay, theo Trần Ngọc Vương, “có một định kiến, ít nhất lưu hành trong vô thức của giới chuyên gia các lĩnh vực chuyên môn hẹp thuộc các khoa học tự nhiên và kỹ thuật, rằng “nói trắng ra, các lĩnh vực được gọi là khoa học xã hội – nhân văn không phải là những khoa học đích thực”. Bởi không ai chính thức nói và viết thành “giấy trắng mực đen” những lời như vậy, càng không có bất cứ cơ quan có thẩm quyền xã hội nào khẳng định điều ấy, nên định kiến ấy chỉ có thể lưu hành một cách “dân gian”, nhưng với những gì lưu trong cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng đó là một định kiến có quy mô ảnh hưởng sâu rộng, gieo rắc những sai lầm và gây họa khủng khiếp ! Tôi không bịa đặt, không vu khống hay nghiêm trọng hóa chuyện tồn tại một định kiến như thế, mà đã trải nghiệm nó một cách nhức nhối qua cả một thời gian dài, qua cửa miệng của nhiều người, hoặc họ là bạn bè làm việc trong phạm vi các khoa học tự nhiên – kỹ thuật, hoặc nhiều hơn nữa trong giới trẻ chuẩn bị chọn nghề nghiệp khi bước vào đời. Định kiến đó chỉ bị thu hẹp hoặc trở nên lố bịch trong môi trường nào văn hóa khoa học cao, có thể rất mờ nhạt hay thậm chí không tồn tại ở các nước có trình độ dân trí phát triển. Rất đơn giản, ở những môi trường như vậy, người ta có điều kiện để kiểm chứng sòng phẳng và tức khắc việc thiếu vắng những hiểu biết có hệ thống và cơ bản các lĩnh vực tri thức thuộc KHXH&NV đã/hay sẽ mang lại những hậu quả gì”.

Chúng ta thử lấy môn Văn học (Ngữ văn) để bàn luận cho bài viết ngắn này. Văn học là một trong những môn học chính trong chương trình đào tạo của nhà trường từ cấp học nhỏ nhất đến Đại học và Sau đại học. Tầm quan trọng của môn học này là vô cùng to lớn. “Văn học trang bị những cảm xúc nhân văn, giúp con người hướng tới Chân – Thiện – Mỹ. Nhờ có Văn học mà đời sống tinh thần của con người ngày càng giàu có, phong phú, tinh tế hơn. Tâm hồn trở nên bớt chai sạn, thờ ơ, bàng quan trước những số phận, cảnh đời diễn ra xung quanh mình hàng ngày, trước thiên nhiên và tạo vật. Điều này càng quan trọng khi chúng ta đang sống trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Văn học bồi đắp cho học sinh lòng yêu nước, thái độ trân trọng truyền thống, và ngôn ngữ mẹ đẻ... Thời nào cũng vậy, tác phẩm Văn học chân chính có khả năng kì diệu là thanh lọc tâm hồn con người, làm người gần người hơn. Môn Văn học còn có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, cách thức tạo lập các loại văn bản phục vụ cho quá trình giao tiếp trên mọi lĩnh vực của mỗi người trong cuộc sống”. Với tầm quan trọng như vậy, môn Văn học thực sự là không thể thiếu trong cuộc sống của loài người.

Ấy thế mà hiện nay, ngay từ những năm đầu, các trường trung học phổ thông lại vất vả, khó khăn tuyển sinh cho các ngành xã hội (Văn, sử, địa), thậm chí ngay cả các trường phổ thông chuyên cũng rất lúng túng trong công tác này. Vì sao các em lại không quan tâm đến những môn học quan trọng ấy ? Điều đầu tiên ta bắt gặp là khung chương trình đào tạo quá đồ sộ nhu cầu dạy, học và khả năng tiếp nhận của học sinh là quá sức. Qúa trình dạy thì khô khan, thiếu sinh động. Ngoài ra, như nói ở trên, các em mang trong mình tâm lý chung là học các môn xã hội (đề cập ở đây là môn Văn học) chẳng biết để làm gì để phục vụ cho cuộc sống, nghề nghiệp sau này và một điều quan trọng rằng, ra trường sẽ khó kiếm được việc làm, mà dẫu rằng có tìm được công việc đi chăng nữa thì tiền lương cũng chẳng đáng là bao, khó làm giàu bằng những ngành học khác (điều mà ông bà ta thường bảo nhau rằng nhà văn – nhà giáo – nhà báo nghèo). Điều này thật sự đáng sai lầm, sai lầm một cách nghiêm trọng.

Trước hết, xin thưa rõ rằng học Văn học hiện giờ ra trường chẳng thiếu chi công việc để làm. Có điều các em có năng động và thích nghi với từng công việc đó hay không mà thôi. Các em hãy từ bỏ ý nghĩ rằng học Văn học xong chỉ có mỗi công việc giảng dạy (làm giáo viên) hay đi nghiên cứu. Vì sao ư ?

Điều thứ nhất, Văn học có sự liên hệ mật thiết, ảnh hưởng và chi phối rất nhiều với sáu ngành nghệ thuật là: Kiến trúc, Điêu khắc, Hội hoạ, Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh…

Điều thứ hai, ngày nay với sự ra đời của các công ty truyền thông, các báo, tạp chí, đài truyền hình, đài phát thanh, các nhà xuất bản… nên cơ hội nghề nghiệp mở rộng với rất nhiều công việc tốt. Thử làm một phân tích nhỏ, mỗi tỉnh thành đều có một đài truyền hình và nhiều đài phát thanh; các tờ báo và tạp chí ngày càng xuất hiện nhiều với nội dung phong phú và đa dạng; các nhà xuất bản, các công tuy truyền thông đua nhau ra đời như nấm mọc sau mưa… từ đó nhu cầu cần một lực lượng nhân sự là rất lớn nếu không nói là khổng lồ. Ngoài việc làm giáo viên, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nghiên cứu, chúng ta có thể làm biên tập viên, dịch thuật, quảng cáo, Maketing, phóng viên, viết kịch bản phim, kịch bản sân khấu, viết phê bình, làm thư ký, trợ lý, làm xuất bản, công tác tại các sở ban ngành liên quan đến văn hoá nghệ thuật… và vô số các ngành nghề khác. Có thể nói rằng, không có một lĩnh vực nào trong xã hội mà ngành Văn học không len lỏi vào được. Chỉ một vài ví dụ nhỏ như thế thôi cũng đủ cho chúng ta có một cái nhìn cận cảnh về nghề nghiệp mà ngành Văn học mang lại.

Như vậy, ngành Văn học nói riêng và các ngành KHXH&NV nói chung hiện nay không thiếu việc làm. Tuy nhiên, có một trái ngoe rằng số lượng nhân sự đào tạo chính quy cho những công việc này lại vô cùng khan hiếm. Hy vọng rằng, trong thời gian gần nhất chúng ta sẽ có cái nhìn tốt hơn cho các ngành KHXH&NV, đồng thời giải quyết được vấn đề nhân sự cho lĩnh vực này.

Cuối cùng xin dẫn lời GS.TSKH Trần Ngọc Thêm để kết thúc bài viết ngắn: “KHTN và KHXH&NV đều cần thiết cho cuộc sống. KHTN (theo nghĩa rộng) nghiên cứu các quy luật của tự nhiên và công nghệ, kỹ thuật để phục vụ đời sống vật chất của con người. Còn KHXH (theo nghĩa rộng) nghiên cứu các quy luật hoạt động của xã hội và con người để phục vụ đời sống tinh thần và cả đời sống vật chất của con người. Mà tự nhiên và các quy luật của tự nhiên thì đơn giản, còn xã hội và các quy luật của xã hội thì vô cùng phức tạp. Vì vậy, những tri thức dù là đạo đức theo kiểu phương Đông hay KHXH theo kiểu phương Tây thì lúc nào cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền Xô Viết, L.L.Lénin đã đánh giá rất cao vai trò của KHXH&NV trong việc hoạch định chính sách để xây dựng xã hội mới. Từ giữa thế kỷ XX, cuộc giao lưu Đông – Tây đã khiến cho các hoạt động khoa học có chuyển biến mạnh trong việc lấy con người làm trung tâm, xét con người trong mối quan hệ tổng hoà với tự nhiên, nhờ đó mà hạn chế được phần nào cách nhìn máy móc và phiến diện”.
_______________________________
Bài được viết bởi Nhật Bình Nguyễn Như Bình.

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top