• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tư tưởng của Phan Châu Trinh về nhà nước dân quyền ở Việt Nam

ĐINH HỒNG

New member
Xu
0

Tư tưởng Phan Châu Trinh về nhà nước dân quyền ở Việt Nam


1. Phan Châu Trinh và trào lưu dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX

1.1. Sự xuất hiện trào lưu dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX

Cuối thế kỉ XIX, đầu XX khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền- chủ nghĩa đế quốc thì hầu hết các nước ở khu vực Á, Phi, Mỹlatinh đều trở thành các thuộc địa hoặc phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản. Một phong trào diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ với nội dung: “Châu Á thức tỉnh” đã làm đổi thay nếp nghĩ của những người yêu nước đương thời. Điển hình là phong trào Duy tân ở Nhật Bản (1868), cuộc vận động Duy tân Mậu Tuất (1898) và cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc; Cải cách Ra ma ở Xiêm; phong trào “Lương tri xã” ở Indonexia; phong trào “Thổ Nhĩ Kỳ trẻ” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các phong trào đã giáng những đòn sấm sét vào chế độ phong kiến, mở đường cho nền kinh tế tư bản dân tộc phát triển, đưa Châu Á vào guồng quay của quỹ đạo thế giới.

Trước năm 1868, Nhật Bản cũng là một nước quân chủ chuyên chế, thi hành chính sách đóng cửa trước ảnh hưởng của phương Tây. Từ khi bị các nước Âu-Mĩ lăm le xâm lược, một lớp người thức thời ở Nhật đã đứng ra làm cuộc cải cách, đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Từ những năm 80 thế kỉ XIX, ở Nhật đã xuất hiện nhiều tập đoàn tư bản lũng đoạn như Mítsubisi, Mítxưi, Xumitômô…và đến cuối thế kỉ XIX, Nhật Bản đã có một nền kinh tế đủ mạnh để bước vào hàng ngũ của những nước đế quốc lớn, cũng tham gia xâm lược thuộc địa và bóc lột nhân dân các nước khác.

Cùng với các thay đổi về kinh tế, ở Nhật đã có những chuyển biến sâu sắc về chính trị, xã hội. Phong trào đòi tự do và dân quyền lên cao. Tháng 2/ 1889, Nhật ban hành Hiến pháp, cải tổ bộ máy nhà nước, lập Quốc hội. Giai cấp tư sản vươn lên nắm những quyền lực lớn. Một chính quyền độc tài quân sự ra đời.

Thực hiện âm mưu bành chướng của mình, tháng 2 năm 1904, Nhật tấn công hạm đội của Nga ở Lữ Thuận, cho quân đổ bộ lên Nhân Xuyên và đánh vào thủ đô Hán Thành.

Từ tháng 2 năm 1905 chiến tranh diễn ra ở Đông Bắc Trung Quốc. Hơn 30 vạn quân Nga bị đánh tan ở gần Thẩm Dương. Tháng 5 năm 1905, trận hải chiến quyết liệt đã diễn ra ở eo biển Đối Mã (Do Shima), quân Nga bị đánh bại hoàn toàn. Hòa ước Pomút được kí kết, Nga phải nhường cho Nhật nhiều quyền lợi quan trọng.

Sự lớn mạnh của Nhật Bản gây ra tâm lý phục Nhật, sợ Nhật ở nhiều quốc gia phương Đông. Họ coi Nhật là anh cả da vàng, có thể giúp mình thoát khỏi sự thống trị của các nước đế quốc da trắng.

Một khuynh hướng mong chờ Nhật giúp đỡ đã xuất hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ, Xiêm, Philippin, Việt Nam…Tuy nhiên, trội hơn cả là muốn học tập Nhật Bản để tự cường.

Ở nửa sau thế kỷ XIX, một lớp người Việt Nam xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” có điều kiện tiếp thu nền Tây học nên đã tiếp nhận được hệ thống Tân thư, Tân văn từ nước ngoài. Tân văn gồm những bài báo đăng tải các bài viết, tin tức do những nhà duy tân Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu sáng lập. Tân thư gồm những sách báo phổ biến ở Trung Quốc, tiêu biểu là “Thịnh thế nguy ngôn” của Trịnh Quan Ứng, “Hải quốc đô chí” của Nguỵ Nguyên. Đa phần những sách báo của phương Tây được dịch sang chữ Hán ở Trung Quốc như: “Khế ước xã hội” (Russo); “Tinh thần luật pháp”, “Những bức thư Ba Tư” (Mongtexkio). Trong các nguồn Tân thư, cũng dễ thấy những nhân vật anh hùng như Oasinhton, Napoleon, Gribandi được các tác giả đề cập khá nhiều.

Những nội dung trong Tân thư, Tân văn chính là sự cụ thể hoá những học thuyết của tư tưởng dân chủ tư sản ra đời vào thời điểm nửa sau thế kỷ XVIII ở Châu Âu. Các tầng lớp xã hội đại diện cho giai cấp tư sản Châu Âu đã sản sinh ra những tư tưởng đại biểu cho giai cấp ấy. Nước Pháp được coi là “kinh đô ánh sáng” của triết học. Nơi đã sản sinh những nhà tư tưởng xuất sắc là Mele, Von te, Mongtexkio, Russo...

Chế độ nhà nước với chính thể tiến bộ đảm bảo quyền tự do sở hữu tài sản và những quyền tự do công dân, tự do cá nhân, bình đẳng, bình quyền là những điểm nổi bật trong tư tưởng của những nhà khai sáng. Quyền dân chủ và dân quyền, họ coi đó là yếu tố tất yếu cần phải có trong xã hội. Trong thời kỳ bấy giờ, giai cấp tư sản đã sử dụng tư tưởng này như một thứ vũ khí sắc bén tấn công lật đổ ách thống trị của phong kiến chuyên chế; giành thắng lợi trong cách mạng tư sản và xác lập vị trí của mình trên vũ đài lịch sử. Vì vậy, nhân loại được biết tới những bài học kinh nghiệm cần thiết dựa vào tính chất pháp lý trong các đạo luật của thể chế tư bản để đấu tranh tự bảo vệ, từng bước trưởng thành về ý thức dân chủ.

Đối với những thế hệ yêu nước đầu thế kỷ XX, Tân thư, Tân văn có ảnh hưởng hết sức đặc biệt. Nó giống như những luồng ánh sáng mới làm thay đổi tư tưởng và nhận thức của các sỹ phu. Họ coi đó là một nguồn tư liệu phong phú về con đường cứu nước theo khuynh hướng mới.

Sự thức tỉnh của Châu Á và sự du nhập của luồng tư tưởng mới của phương Tây trở thành chất xúc tác rất quan trọng đối với các nước thuộc khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Những chuyển biến của phong trào cách mạng đã tạo ra môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy sự thâm nhập của tư tưởng mới, dân chủ tư sản vào Châu Á, hướng những phong trào đấu tranh của các nước theo lộ trình tư sản. Nó góp phần làm nảy sinh ở Việt Nam những tư tưởng mới và những phong trào đấu tranh theo trào lưu đó. Tuy nhiên, sự phát triển của phong trào còn tuỳ thuộc vào những điều kiện nội tại của Việt Nam.

Năm 1897 thực dân Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc khai thác thuộc địa đã đưa đến những chuyển biến về kinh tế, xã hội. Đó là sự xâm nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nền kinh tế trong cả công nghiệp và nông nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả đó là sự chuyển biến về mặt xã hội.

Giai cấp chịu sự phân hoá đầu tiên là địa chủ với 3 bộ phận: đầu hàng thực dân, chán nản trước hiện thực và những địa chủ có tinh thần yêu nước. Giai cấp nông dân rơi vào con đường bần cùng hoá. Cùng với sự phân hoá này, các tầng lớp, giai cấp vô sản, tiểu tư sản, tư sản dân tộc cũng đã hình thành. Ngoài tầng lớp tư sản mại bản, tư sản dân tộc chính là con đẻ của chế độ thuộc địa. Họ là những nhà buôn, thầu khoán, chủ đại lý, hoặc là những người đứng ra làm trung gian cho thực dân Pháp. Tiêu biểu cho tầng lớp ấy có Bùi Huy Tín, Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà. Nhìn chung, tư sản Việt Nam yếu về mọi phương diện, thương mại công nghiệp, tài chính rất hạn chế, vì vậy bản thân tư sản dân tộc dù có hệ tư tưởng riêng song chưa hẳn đã giác ngộ quyền lợi và nhiệm vụ chung của chính tầng lớp ấy.

Sự phân hoá giai cấp trong xã hội Việt Nam đã diễn ra, nhưng chưa sâu sắc, thuần thục vì sự chuyển biến của nền kinh tế vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra cơ sở xã hội của nó. Điều đó cũng chưa quy định thái độ rõ ràng của các giai cấp trước yêu cầu lịch sử. Trong khi yêu cầu lịch sử Việt Nam ở đầu thế kỷ XX là phải kết hợp đánh Pháp giành độc lập dân tộc, đánh đổ phong kiến giành ruộng đất và thực hiện những quyền tự do dân chủ cho nhân dân đồng thời với việc canh tân, xây dựng đất nước. Yêu cầu đó cần phải được thực hiện để giải quyết mâu thuẫn giữa nhân dân ta và thực dân Pháp xâm lược, tìm ra được con đường đấu tranh đúng đắn cho dân tộc. Trong sự phân hoá giai cấp và thái độ của những giai cấp, tầng lớp ấy, người ta vẫn chưa thể tìm thấy một giai cấp nào đủ sức đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng. Giai cấp địa chủ phong kiến đã lỗi thời bất lực, nông dân, tiểu tư sản, vô sản chưa được giác ngộ về mặt giai cấp, tư sản đại diện cho thời đại thì quá nhỏ bé và non nớt, rời rạc, chưa đủ điều kiện để sản sinh ra những đại biểu về tư tưởng của mình. Trong khi Việt Nam đang rơi vào sự khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo thì bộ phận sỹ phu phong kiến chịu ảnh hưởng của của những luồng tư tưởng mới ở bên ngoài đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và nhận thức. Những trí thức phong kiến được tiếp xúc với yếu tố tiến bộ của văn minh tân học đã nhận ra sự khủng hoảng của con đường cứu nước theo Nho. Họ cho rằng cần phải học tập phương Tây thì mới có thể phục hưng lại nền độc lập của dân tộc. Cứu nước theo con đường tư sản chính là phương pháp họ đang tìm kiếm.

Như vậy, ở Việt Nam đầu thế kỉ XX đã xuất hiện một trào lưu mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Và thành phần đứng ra giữ vai trò tiên phong khởi xướng là những người yêu nước thuộc thế hệ cũ tiếp thu tân học – đó là những sĩ phu phong kiến tư sản hóa.

1.2. Phan Châu Trinh và trào lưu dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX

Phan Châu Trinh hiệu là Tây Hồ, Hy Mã , tự là Tử Cán, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam.

Cha ông là Phan Văn Bình, làm chức Quản cơ sơn phòng, sau tham gia phong trào Cần Vương trong tỉnh, làm Chuyển vận sứ đồn A Bá (Tiên Phước) phụ trách việc quân lương. Mẹ ông là Lê Thị Trung (Chung ?), con gái nhà vọng tộc, thông thạo chữ Hán, ở làng Phú Lâm, huyện Tiên Phước.

Thân mẫu ông mất sớm vào năm ông lên 6 tuổi. Quê nhà bị quân Pháp đốt cháy trong cuộc trấn áp phong trào Cần vương, nên ông phải theo cha, được cha dạy chữ và dạy võ. Sau khi cha mất[SUP],[/SUP] ông trở về quê sống với anh là Phan Văn Cừ và tiếp tục đi học. Ông nổi tiếng học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý CápHuỳnh Thúc Kháng.

Khoa Canh Tý (1900), Phan Châu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên. Năm sau (1901), triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khoảng thời gian này, người anh cả mất nên ông về để tang, ở nhà dạy học đến năm Quý Mão (1903) thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.

Đầu thế kỉ XX, trước những ảnh hưởng từ bên ngoài, Phan Châu Trinh là một sĩ phu có học vấn nên đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều tân thư, tân văn với những tư tưởng tiến bộ. Năm 1905, ông từ quan, rồi cùng với hai bạn học là Trần Quý CápHuỳnh Thúc Kháng (cả hai đều mới đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Từ đây ông tiếp thu và hoạt động sôi nổi trong trào lưu dân chủ tư sản ở nước ta.

Đầu thế kỉ XX, lịch sử Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Tương ứng với điều kiện hoàn cảnh mới, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc cũng mang tính chất khác trước. Cắt nghĩa thực tiễn, Phan Châu Trinh đã tìm ra những phương pháp khả dĩ cứu nước, cứu nước theo những khuynh hướng khác nhau. Một trong những khuynh hướng nổi bật trong giai đoạn này là các tri thức khởi xướng phong trào duy tân. Hoạt động cơ bản của phong trào là nhằm cổ vũ ý thức tự cường dân tộc, thúc đẩy những cải cách văn hóa và xã hội, trước hết là cải cách giáo dục và thi cử. Trọng tâm của phong trào đặt vào sự đổi mới đầu óc của mọi người, đổi mới tri thức, từ bỏ cái học cũ và những tri thức lỗi thời cổ xưa để hướng đến nền học vấn Âu Tây trong khoa học kĩ thuật. Phan Châu Trinh là một trong những nhân vật tiêu biểu cho phong trào này đã đề cao nâng cao dân trí, dân khí và kêu gọi các tầng lớp nhân dân cải cách phong tục hăng hái tham gia vào những hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông đề xướng cải cách hệ thống chính trị với tất cả tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề này. Ông đả kích hệ thống quan lại mục nát, tham nhũng, hủ lậu và bất lực. Ông nêu ra vấn đề chức trách, phẩm giá và cơ chế hoạt động của cả tập đoàn quan liêu từ triều đình đến những tên nha lại hào lý hằng ngày sách nhiễu đè nén những người dân lương thiện. Nhưng ông không dừng lại ở sự phê phán tầng lớp quan liêu hào lý mà còn phê phán cả quyền chuyên chế của nhà vua, nhất là "tám mươi năm trở lại đây, vua thì dốt nát ở trên, bầy tôi thì nịnh hót ở dưới; hình pháp dữ dội, luật lệ rối loạn, làm cho dân không còn biết sống theo cách nào”. Ông còn chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đồi bại của bộ máy quan liêu là sự "dung túng của chính phủ Bảo hộ". Duy ở đây có điều là ông không thấy chính sách sử dụng bộ máy quan liêu sâu mọt như vậy để nô dịch nhân dân là bản chất của thực dân Pháp. Vì thế ông đã cố gắng thuyết phục chính phủ Bảo hộ thay đổi chính sách và tiếp thu những đề nghị của ông về cải cách hệ thống quan lại và mở rộng dân chủ cho nhân dân. Nhưng sự thuyết phục đó không thể thành công. Khi đề xuất những yêu cầu cải cách chính trị đối với xã hội Việt Nam lúc đương thời, Phan Châu Trinh đã nêu ra tư tưởng dân chủ như một định hướng cho cuộc cải cách này. Có thể nói rằng, từ sự phê phán hệ tư tưởng phong kiến, Phan Châu Trinh đã đề xuất tư tưởng canh tân vào cuối thế kỷ XIX và sau đó, khởi xướng tư tưởng dân chủ tư sản vào đầu thế kỷ XX, điều này tạo nên “dấu ấn” lớn đối với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần chuyển tiếp hình thành nên khâu trung gian để chuyển từ hệ tư tưởng phong kiến sang hệ tư tưởng vô sản.

Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh được thể hiện thông qua con đường là nâng cao dân quyền, là xây dựng thể chế chính trị và hệ thống pháp luật để bảo đảm cho dân quyền. Đó chính là tư tưởng về xây dựng nhà nước dân quyền ở Việt Nam – tư tưởng sáng chói mà Phan Bội Châu đã nhận xét khi Phan Châu Trinh mất : "Ông Phan Hy Mã ta ra đời nghiên cứu học thuật ông Lưa Thoa, phát minh ra lời ông Mạnh Tử, đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang, làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy, mà dân tộc ta từ nay dần dần mới biết mình có quyền. Quyền dân cao hơn thì quyền vua sụt xuống... Nay ông đã qua đời rồi mà cái chủ nghĩa ông ngày càng sáng chói. hết thảy đồng bào trong nước từ đứa trẻ con cũng lạy ông, khấn vái ông. Vậy là cái nghĩa "dân quyền" dạy bảo con người đã in sâu vào trong óc rồi đó!” [7]

2. Tư tưởng của Phan Châu Trinh về nhà nước dân quyền ở Việt Nam.

Thời đại Phan Châu Trinh là thời đại mà đất nước ta đã bị thực dân Pháp xâm lược và bị biến thành thuộc địa, nửa phong kiến. Do đó nhiệm vụ lúc bấy giờ là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến.

Ý thức được điều đó, suốt cuộc đời mình nhà yêu nước Phan Châu Trinh lúc nào cũng đấu tranh vì vận mệnh dân tộc. Sâu sa hơn thế, Phan Châu Trinh còn ý thức được rằng không chỉ cần phải thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi đế quốc, phong kiến mà còn phải làm cho đất nước giàu mạnh, tự cường, dân ta không còn nghèo đói, ngủ mơ nữa. Chính vì thế ông lúc nào cũng đau đáu về tương lai đất nước. Phan Châu Trinh chủ tương không chỉ phải “khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh” mà sau khi đã đánh đổ được đế quốc, phong kiến còn phải thay đổi cả chế độ chính trị. Và Phan Châu Trinh cũng đã nêu lên tư tưởng của mình về một nhà nước mới khác hoàn toàn nhà nước quân chủ chuyên chế, đó chính là tư tưởng về nhà nước dân quyền ở Việt Nam – chế độ mà Phan Châu Trinh gọi là “dân trị”.

Sống vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu XX với những sự kiện lịch sử trên thế giới tác động mạnh mẽ vào Việt Nam như cuộc Đại cách mạng Pháp 1789, cách mạng Trung Hoa 1911, chính sách duy tân của Minh Trị Nhật Bản và những tư tưởng cải cách trong nước của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, lại được tiếp xúc với tân thư, tân văn, đặc biệt là chuyến đi Pháp 1908 đã giúp Phan Châu Trinh tiếp thu được tư tưởng dân chủ tư sản ở phương Tây. Đó là tư tưởng về dân chủ, dân quyền, về chế độ cộng hòa tư sản. Do đó, Phan Châu Trinh kịch liệt phản đối chế độ quân chủ và đề xướng xây dựng một nhà nước dân quyền. Tư tưởng về nhà nước dân quyền ấy được Phan Châu Trinh thể hiện rõ nét nhất trong bài diễn thuyết “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”(1925).

Trong tư tưởng về nhà nước dân quyền ở Việt Nam của Phan Châu Trinh thì trước hết đó phải là một nhà nước có hiến pháp để bảo vệ cho dân quyền.

Phan Châu Trinh coi đó là công cụ pháp lý để hạn chế quân quyền độc tôn và hà lạm của chế độ quân chủ chuyên chế phương Đông. Ông nói: “lấy theo ý riêng một người hay một triều đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác gì một đoàn chiên, được ấm no vui vẻ hay là phải đói lạnh khổ sở, là tuỳ theo lòng rộng hay hẹp của người chăn chiên.”, hay “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tùy theo lòng vui, buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không”. “Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo chung cho mọi người…”[3]

Lấy mẫu mực là nền dân chủ ở nước Pháp lúc bấy giờ, ông phân tích quan hệ giữa Tổng thống và Nghị viện đặt trên cơ sở Hiến pháp.

Chính Hiến pháp xây dựng và bảo vệ sự ổn định của chế độ dân chủ pháp trị: “Khi Tổng thống đã được bầu cử rồi, thì phải thề trước hai viện ấy: “Cứ giữ theo hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy, thì dân nó truất ngay. Trước thì có Macmahon, sau thì có Millerand bị cách chức cũng vì vi phạm hiến pháp”[3].

Nhà nước phải có hiến pháp thì mới có bình quyền, không ai được lạm dụng quyền lợi:“Trong nước đã hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp. Cái quyền chính phủ cũng bởi hiến pháp qui định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng Thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau.”

Còn về chế độ chính trị, Phan Châu Trinh kịch liệt phản đối chế độ quân chủ chuyên chế mà ông gọi là “quân trị”, ông giải thích “Quân trị chủ nghĩa tuy có pháp luật mặc lòng, nhưng cứ tự tay ông vua lập ra, chứ còn dân thì chẳng biết gì hết. Vậy cho nên khi nào gặp một ông vua thông minh, anh hùng, hiểu rõ cái sự quan hệ dân với nước là thế nào mà trừng trị những cái lũ tham quan, lại nhũng để dân được yên lặng làm ăn, thì dân giàu nước mạnh…” Ông cũng nói: “Nhân trị nghĩa là cái phép luật thi hành rộng rãi hay là nghiêm ngặt là tuỳ theo cái lòng vui, buồn, thương ghét của một ông vua mà thôi, còn pháp luật tuy có cũng như không”[3]. Năm 1922, trong Thư thất điều gửi Hoàng đế Khải Định ông đã buộc tội nền quân chủ chuyên chế là nguyên nhân sâu xa làm cho dân tộc ta suy yếu và để mất độc lập, chủ quyền. Ông nêu ra 7 tội đáng phải chết của Khải Định là:

1. Tôn bậy quân quyền;

2. Thưởng phạt không công bình;

3. Chuộng sự quỳ lạy;

4. Tiêu xài hoang phí;

5. Phục sức không đúng phép tắc quân vương;

6. Chơi bời vô độ;

7. Chuyến này đi Pháp với mục đích ám muội, duy trì quân quyền.[3]

Công kích Khải Định ông viết: “Đó chẳng phải là công kích cá nhân Bệ hạ mà là công kích một hôn quân, cũng không phải vì tư kỹ của Trinh này mà làm, mà vì hai mươi triệu đồng bào xô ngã chuyên chế, ủng hộ tự do vậy”[3].

Và theo Phan Châu Trinh thì “Cái độc chuyên chế cùng cái hủ nho nhà ta đã trở thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do, dân quyền Âu Tây là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó"[3]. Ông cho rằng, bên châu Âu người ta đã thực hành từ lâu rồi chính thể “Quân dân cộng trị mà Tàu dịch là quân chủ lập hiến”, tức như chính thể “nước Anh, nước Bỉ, nước Nhật đang theo hiện nay”. Từ đó Phan Châu Trinh nêu lên mô hình lý tưởng cho Việt Nam sau khi công cuộc duy tân hoàn thành. Đó là mô hình nhà nước mà ông gọi là “dân trị”.

Tổng quát, nhà nước ấy được tổ chức và điều hành theo nguyên tắc cơ bản là “tam quyền phân lập”, với cơ chế 3 quyền độc lập với nhau: lập pháp giao cho Nghị viện, hành pháp đứng đầu là Giám quốc (Tổng thống) do Nghị viện bầu ra, và tư pháp giao cho các cơ quan xét xử độc lập đối với hai ngành trên. “Đó là theo cái lẽ ba quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đều riêng ra, không hiệp lại trong tay một người nào”[3].

Bộ máy nhà nước ấy bao gồm các bộ phận chủ yếu sau đây:

Nghị viện: Gồm có hai viện: Hạ nghị viện và Nguyên lão viện.

Hạ nghị viện với số lượng Hạ nghị viên trên dưới 60 người, do dân trực tiếp bầu ra, có nhiệm vụ làm Hiến pháp và luật “Số phận của nước Tây cầm ở trong tay cái viện ấy”. Công dân từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền bầu cử, 25 tuổi trở lên có quyền ứng cử. Về nguyên tắc bầu cử, trong bài “Tỉnh quốc hồn ca” Phan Châu Trinh cũng đã nêu lên tư tưởng dân quyền:

"Người ta chẳng tưởng mơ quyền tước

Làm quan vốn giúp nước, giúp dân

Những người khanh tướng công thần

Ai ai cũng phải lấy dân làm nề

Nào là kẻ đủ bề tài trí

Nào là người cả khí kinh luân”[3]

Nguyên lão viện không do dân bầu. Song viện này phối hợp với Hạ nghị viện để bầu chọn Tổng thống (Giám quốc) và nội các Chính phủ.

Tổng thống và nội các: Chức vụ Tổng thống (hay Giám quốc) đứng đầu ngành hành pháp do Nghị viện bầu ra với nhiệm kỳ 7 năm, bầu theo nguyên tắc đa số. Nếu nước có vua thì vua được truyền ngôi theo chế độ thế tập (cha truyền con nối).

Tổng thống được chọn trong số các thành viên của Nghị viện. Tổng thống được bầu xong phải tuyên thệ trước hai viện, đại khái rằng: “Cứ giữ theo Hiến pháp dân chủ, không phản bạn, không theo đảng này chống lại đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có làm bậy thì dân nó truất ngay”.[3]

Chính phủ (nội các) do Nghị viện bầu ra, gọi là Quốc vụ viện. Nội các gồm khoảng 20 Bộ trưởng hoạt động tích cực trong trách nhiệm về lãnh vực chuyên môn của mỗi người (“chứ không phải ăn rồi ngồi không như các ông Thượng thư ở ta”).[3]

Viện tư pháp: Viện này quản lý các quan chức xử án và công việc xét xử trong nước. Các quan xử án không phải do các quan cai trị (hành chính) kiêm nhiệm như ở xứ ta thời quân chủ mà là những người đã học thông thạo luật lệ Cơ quan tư pháp có quyền xét xử cả thường dân lẫn chính phủ nữa. Tư pháp có quyền độc lập, khi xét xử, quan xử án chỉ tuân theo pháp luật và lương tâm của mình. Phan Châu Trinh nói : Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử đoán thì giao cho các quan án là những người đã học giỏi luật lệ, có bằng cấp. Các quan ấy thì chỉ coi về việc xử đoán, có độc quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân.[3]

Ngoài ra, trong cơ chế quyền lực ấy, có những điểm đáng lưu ý sau đây:

Vai trò của đảng phái chính trị: Theo Phan Châu Trinh, chế độ nhiều đảng cần thiết để đảm bảo chế độ dân chủ. Đảng đa số trong Nghị viện làm hậu thuẫn của Chính phủ, đồng thời thường xuyên có sự đối lập của Đảng thiểu số Nhờ đó tránh được những sai lầm: “Còn Chính phủ thì cũng bởi do 2 viện ấy mà ra. Nhưng mà phải giao quyền cho cái Đảng nào chiếm số nhiều trong hai viện ấy thì mới được tổ chức Quốc vụ viện (…). Nếu cái gì mà làm không bằng lòng dân thế nào cũng có người chỉ trích. Bởi vì ở trong Hạ nghị viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả, một đảng hữu, nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu nó xem xét, chỉ trích, cho nên muốn làm bậy cũng khó lắm”.[3]

Vai trò của pháp luật: Chế độ “dân trị” được xây dựng trên một nền pháp luật hoàn chỉnh, ổn định. Ông viết: “Dân trị tức là pháp trị”. Pháp luật định ra quyền hạn, nhiệm vụ của nhà cầm quyền, của từng chức vụ, cơ quan trong bộ máy nhà nước, từ người thấp nhất đến người cao nhất. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Phan Châu Trinh viết: “Nhưng mà thế nào mặc lòng, trong nước đã có pháp luật kỹ càng, cái quyền chính phủ có hạn định, khi nào vượt ra khỏi cái quyền hạn của mình thì không được, nên dẫu muốn áp chế cũng không biết thò ra chỗ nào. Vả lại,khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nấy, từ ông Tổng thống cho đến một người dân nhà quê cũng đều chịu theo pháp luật như nhau”.[3]

Có thể thấy Phan Châu Trinh đã tiếp thu tư tưởng về nhà nước của John Locke và Montesquieu của nước Pháp. Nhưng ông lại hoàn toàn chống lại những người tiếp thu một cách máy móc tư tưởng phương Tây. Trong bài diễn thuyết "Đạo đức và luân lý Đông Tây", ông gọi những người nho học cũ bảo thủ là "hủ nho" còn loại người tây học mất gốc, sùng bái nước ngoài vô lối là "hủ tây" ông nói cả "hủ nho" "hủ tây" đều là loại người dân nước phải biết phân biệt để tránh xa, kẻo mang hoạ cho dân nước. Như vậy có thể thấy tư tưởng về nhà nước của ông là phải biết gạn lọc những cái tiến bộ tinh tuý của tư tưởng dân chủ phương Tây cũng như những yếu tố dân chủ tốt đẹp của công xã nông thôn và đạo đức luân lý thuần khiết của phương Đông để xây dựng nền Hiến pháp và pháp luật cho nước nhà khi dân ta làm chủ đất nước.

Nhà nước dân quyền là nhà nước đảm bảo được quyền dân chủ của nhân dân. Như vậy có thể thấy trong mô hình nhà nước của Phan Châu Trinh vai trò hay quyền dân chủ của người dân đã được thể hiện rõ nét. Không phải như chế độ quân chủ, người dân không có chút quyền lợi gì mà cũng không ý thức được quyền của mình thì ở đây Phan Châu Trinh đã giúp cho dân ta thức tỉnh, ý thức được quyền lợi của mình. Phan Châu Trinh nói : “dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân nào ngu dại cứ ngồi yên mà nhờ trời mà mong đợi mà trông cậy ở vua, ở quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay là một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường.[3]. Với tư tưởng về nhà nước dân quyền như trên Phan Châu Trinh đã mang lại cho người dân ý niệm về quyền dân chủ của mình, đó là quyền về mặt chính trị - quyền bầu cử, ứng cử, làm chủ đất nước, cái mà ở chế độ quân chủ không bao giờ có được.

Vâng! Nhưng để nâng cao được dân quyền, để đạt được mô hình nhà nước như vậy thì phải làm thế nào? Đó cũng chính là nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ta lúc bấy giờ. Bởi muốn hiện thực hóa tư tưởng về một nhà nước như trên ắt cần phải thoát khỏi ách thống trị của thực dân và lật đổ chế độ quân chủ, nghĩa là nhà nước phải có độc lập và chủ quyền.

Nếu Phan Bội Châu yêu nước bằng chủ trương bạo động để giành độc lập, thì Phan Chu Trinh trái lại, xuất phát từ quan điểm “dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình, bây giờ mới có thể dần dần mưu tính việc khác”, ông chủ trương bất bạo động, bất ngoại vong mà dựa vào thực dân Pháp để thực hiện “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để từ đó giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi vì theo Phan Châu Trinh lúc bấy giờ dân quyền không thể có được là do nó còn nằm trong tay vua quan thối nát, vì thế phải lật đổ phong kiến trước. Mà muốn lật đổ phong kiến thì không còn con đường nào khác là phải dựa vào thực dân Pháp – những kẻ đang thống trị vua quan ta bấy giờ.

Chủ trương cơ bản của Phan Chu Trinh là: “ỷ Pháp cầu tiến bộ” tức là dựa vào thực dân Pháp mà cầu tiến bộ để từ đó tranh đấu với Pháp về các mặt kinh tế, văn hoá, chính trị. Chủ trương ấy gọi là “Pháp – Việt đề huề”. Nhận xét về tư tưởng của Phan Chu Trinh, trong Phan Bội Châu niêu biểu, Phan Bội Châu đã viết: “Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, dựa vàn Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế mà đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ (…) Cụ thì muốn đi theo lối dựa Pháp đánh đổ vua, tôi ưng đi theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là vì thể”.[4]

Phan Chu Trinh đề xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân. Ông có ý định thiết lập ở Việt Nam một chế độ dân chủ tự trị. Tự trị nghĩa là tách khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Trong Pháp – Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Chu Trinh viết: ‘Tôi đã chủ trương tự trị, tin cậy Pháp. Đã muôn cậy Pháp ắt không lợi dung lòng dân oán Pháp (…). Tôi đã chủ trương cậy Pháp thì thủ đoạn không thể do tự trị mà ra. Tự trị cũng chẳng là việc dễ lắm đâu, việc hỏng ắt cũng chết…”[3]

Như vậy, chủ trương của Phan Chu Trinh là dựa vào Pháp để tự trị, còn Phan Bội Châu thì bài Pháp để độc lập. Mặc dù Phan Chu Trinh chưa có lần nào giải thích rõ ý nghĩa của chế độ “tự trị” ấy, nhưng qua con đường tranh đấu của ông cũng cho phép xác định được nội dung “tự trị” ấy là tự cai trị mình, tách khỏi sự thống trị của thực dân Pháp, tự trị cũng nguy hiểm như độc lập. Cho nên một tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương đã viết: “Mặc dầu khuynh hướng có vẻ khác nhau ở bên ngoài như thế, người ta vẫn phải công nhận rằng các hoạt động kia khớp với nhau chặt chẽ và đều nhằm mục đích cuối cùng là đánh đuổi người nước ngoài đi”.

Phan Châu Trinh nói : “nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh của hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên tâm về mặt khai tự trị sinh, các việc thực dụng, dân trí đã mở rộng, trình độ ngày sẽ một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đây”.[7]

Cùng với đó, Phan Châu Trinh hô hào hai chữ dân quyền trong nước, làm cho người dân ý thức được quyền dân chủ của mình, từ đó nhận thức được quyền về mặt chính trị để tương lai có thể xây dựng được một nhà nước độc lập trong đó người dân được bình đẳng, bình quyền về mọi mặt. Ông nói : “khắp thế giới tôn dân làm chủ” và dân làm chủ các quyền công dân, quyền lợi và nghĩa vụ là những điều cần phải tuyên truyền cho mỗi công dân.

Phan Châu Trinh là “người đã bước thứ nhất trên con đường cải cách chính trị của quốc dân ta”[7] đã viết những dòng sau : “Từ khi sách mới châu Âu du nhập mới hiểu rõ tiền đồ sống chết của dân tộc ở trong cái đại thế mạnh yếu của năm châu”[7]. Tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản từ phương Tây và đặc biết là tư tưởng của các nhà khai sáng Pháp, cùng các nhà cải cách Việt Nam thế kỉ XIX như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh đã mạnh dạn nêu lên tư tưởng của mình về một mô hình nhà nước mới- một nhà nước có chủ quyền, có luật pháp, hiến pháp để bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân; nhà nước nêu cao tư tưởng dân quyền mà ở đó người dân có quyền làm chủ về mặt chính trị, kinh tế, xã hội; nhà nước mà các cơ quan quyền lực không tập trung trong tay một ai cả.

Đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, tư tưởng của Phan Châu Trinh như một đòn giáng vào chế độ phong kiến ươn hèn, hủ bại. Khi nêu lên tư tưởng về một nhà nước dân quyền theo “tam quyền phân lập” chính là Phan Châu Trinh đang đánh trực diện vào bè lũ vua quan phong kiến, vào chế độ quân chủ chuyên chế nước ta. Đồng thời với tư tưởng về một nhà nước có độc lập, chủ quyền, nhà nước do nhân dân làm chủ, dân có quyền cũng chính là Phan Châu Trinh đang nói với thực dân cướp nước hãy trả lại độc lập, hãy để nhân dân nước Nam được tự do, được hưởng quyền dân chủ của mình. Giá trị quan trọng nhất ở đây chính là việc tiếp thu và truyền bá những tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Với những tư tưởng trên của Phan Châu Trinh lần đầu tiên người dân nước ta biết tới hai chữ “dân quyền”, ý thức được những quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Ông cũng được coi là người đầu tiên truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng lập hiến ở nước ta. Đó chính là tư tưởng xây dựng hiến pháp và một nhà nước dân chủ. Những tư tưởng đó là rất tiến bộ và còn có giá trị đối với xã hội ta ngày hôm nay

Là một nhà yêu nước đại diện cho khuynh hướng dân chủ tư sản, Phan Châu Trinh lựa chọn con đường cải cách, khai dân trí để giành độc lập cho dân tộc. Mặc dù có những hạn chế về phương pháp cách mạng nhưng những tư tưởng của Phan Châu Trinh về dân chủ, dân quyền, tư tưởng lập pháp, lập hiến thực sự rất tiến bộ và có giá trị vô cùng to lớn.

Phan Châu Trinh cho rằng dân phải giác ngộ được dân trí mới có thể có dân quyền và dân mới xây dựng được chính thể từ sự giác ngộ ấy. Và ông cũng nêu lên tư tưởng về một chính thể tiến bộ, văn minh, đảm bảo được quyền dân chủ cho nhân dân. Đó là nhà nước hoạt động theo mô hình tam quyền phân lập ở phương Tây, đại diện tiêu biểu là nước Pháp mà Phan Châu Trinh đã lấy làm mẫu mực, nhà nước hoạt động tuân theo hiến pháp và tất cả mọi người dân đều được bình đẳng, đều được pháp luật bảo vệ như nhau. Đó thực sự là một nhà nước dân quyền mà nhân dân ta hằng mơ ước.

Có thể thấy tư tưởng của Phan Châu trinh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các nhà khai sáng Pháp. Phan Châu Trinh tâm niệm nước Pháp là “gốc của nhân quyền”, hết lời ca ngợi cách mạng Pháp:

Đùng đùng một tiếng long trời

Làng sa cách mạng rụng rời cõi Âu

Những phường vua chúa lắc đầu

Lòng người sôi nổi như hầu vỡ đê

(Giai nhân kì ngộ) [7]

Tư tưởng của Phan Châu Trinh về nhà nước dân quyền ở Việt Nam như đã tìm hiểu ở trên hầu hết ông đều lấy Pháp làm mẫu mực : “đây tôi nói về chính thể bên Pháp”.

Tuy nhiên Phan Châu Trinh đã không thấy được mặt trái của nền cộng hòa tư sản Pháp. Phan Châu Trinh đã lầm tưởng giữa thực dân Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp. Ông ngộ nhận khi coi nước Pháp vào thời điểm đó vẫn là mẫu mực cho những giá trị dân quyền, dân chủ, trong khi trên thực tế thực dân Pháp đã phản bội lại các thành quả do cha ông họ đạt được.
Những tư tưởng tiến bộ của Phan Châu Trinh về nhà nước dân quyền đã tạo ra nhận thức mới cho người dân ta về một chế độ chính trị công bằng, dân chủ, về những quyền lợi mà họ được hưởng và được bảo vệ. Tư tưởng ấy cũng góp phần xóa bớt khoảng cách văn minh Đông-Tây, giúp cho những giá trị tiến bộ của nhân loại được nảy mầm ở một mảnh đất mới. Phan Châu Trinh cũng là người đặt nền móng cho tư tưởng lập hiến ở nước ta. Người dân giác ngộ được thế nào là dân chủ, dân quyền từ đó họ mới có động lực để đấu tranh giành quyển lợi vốn có và cơ bản của mình. Đó chính là động lực cho cuộc chiến đầu của nhân dân ta chống lại thực dân cướp nước để xây dựng chính thể dân chủ sau này.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Ngọc Cơ (chủ biên) (2010), Lich sử Việt Nam, tập IV, nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

2. Trương Văn Chung, Doãn Chính (2005), Bước chuyển tư tưởng Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu XX, nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

3. Nguyễn Văn Dương (biên soạn) (1995), Tuyển tập Phan Châu Trinh, nxb Đà Nẵng.

4. Dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa (1991), nxb Sự thật, Hà Nội.

5. Đỗ Hòa Hới (1996), Tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh, nxb Khoa học xã hội.

6. Huỳnh Lý (1993), Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, nxb Đà Nẵng.

7. Thử tìm hiểu về tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh với tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp (1989), Tạp chí triết học, số 4.

NGUỒN :DIENDDANKIENTHUC.NET*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top