Từ "tùng cúc do tồn" đến "hoa đào năm ngoái"... (Phạm Ánh Sao)

hoangphuong

New member
Từ “tùng cúc do tồn” (Đào Uyên Minh) đến “hoa năm ngoái” trong bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến

Phạm Ánh Sao - Ths, Giảng viên khoa Văn học, ĐH KHXHNV HN​

1. Đọc chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, chúng tôi cho rằng, việc tiếp nhận theo nguyên tắc hệ thống vừa phải tính đến truyền thống văn học, vừa phải tính đến cả những truyền thống ngoài văn học, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với văn học, chẳng hạn như truyền thống văn hóa, trong đó nổi bật là truyền thống văn hóa ẩn dật. Truyền thống văn hóa và văn học nói ở đây không những là của nước ta, mà còn có thể truy ngược lên tới nền văn hóa và văn học có mối liên hệ thân thuộc, gần gũi với nước ta, đó là Trung Quốc (TQ). Đường, Tống thi cũng như văn hóa, văn học ẩn dật Trung Quốc thực sự là những liên hệ cần thiết giúp ta tìm hiểu trước tác cùng loại hình của cha ông ta.

Tính đến khi Nguyễn Khuyến trước tác chùm thơ thu ba bài: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm, thơ ca ẩn dật đã trải qua một chặng đường dài. Việc Nguyễn Khuyến trong chính bài thơ Thu vịnh nổi tiếng của mình viết: "Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, nghĩ ra lại thẹn với ông Đào", khiến chúng ta không thể không đặt ông và thơ ẩn dật của ông vào truyền thống văn hóa ẩn dật và thơ văn ẩn dật mang đặc tính vùng văn hóa, trong đó cội nguồn của nó chính là văn hóa và thơ văn ẩn dật của Trung Hoa.

Văn hóa ẩn dật Trung Hoa xuất hiện khá sớm so với thơ văn ẩn dật. Trước khi Đào Uyên Minh (ĐUM) được Chung Vinh tôn là "Cổ kim ẩn dật thi nhân chi tông"([1]), văn hóa ẩn dật Trung Hoa đã có một lịch trình khá dài, trong đó đáng chú ý là việc tổng kết và xác lập quan niệm, thái độ và phương thức ẩn dật của hai hệ tư tưởng lớn của Trung Quốc là Lão Trang và Nho gia. Những khái quát từ góc độ nhân cách học của học giả TQ gần đây về lĩnh vực văn hóa cho thấy điều đó([2]). Cả Lão Trang và Nho gia đều truy nguyên, tìm người đại diện cho lí tưởng nhân cách ẩn dật theo quan niệm triết học và tư tưởng luân lí của mình. Lão Trang đã tìm được Hứa Do, Sào Phủ, hai nhân vật trong truyền thuyết ở mãi thời vua Nghiêu, còn Nho gia thì gần gũi hơn, tìm được đại diện của mình là anh em Bá Di, Thúc Tề ở ngay thời Chu. Với câu chuyện về hành động cực đoan của Hứa Do và Sào Phủ khi từ chối ngôi thiên tử mà vua Nghiêu nhường cho, với câu chuyện về hành động cũng cực đoan không kém của Trang Tử khi từ chối chức vị tướng quốc mà Sở Uy Vương trao cho, triết thuyết Lão Trang muốn đưa ra một quan niệm về nhân cách ẩn dật - đó là sự khẳng định một cách triệt để nhân cách độc lập của bản ngã, quyết không chịu đánh đổi tự do của chính mình lấy một cái gì khác, dù đó là trọng lợi, tôn vị, thậm chí kể cả ngôi thiên tử. Nho gia, từ Khổng Tử đến những môn đệ kế vị học thuyết do ông sáng lập sau này, đều ra sức tô vẽ và mô hình hóa những hành vi ẩn dật của Bá Di và Thúc Tề thành những phẩm chất kiểu mẫu, khiến hai ông trở thành mẫu hình lí tưởng của kẻ sĩ ẩn dật theo quan niệm Nho gia. Họ có đủ mọi phẩm chất mà Nho gia đòi hỏi, từ lòng nhân, đến đức xả thân thủ nghĩa (Khổng Tử), từ "vô đạo tắc ẩn" (Tư Mã Thiên), đến "sĩ bất nhị tính" (Ban Cố) v.v. Thái độ đối với vương quyền của Đạo gia và Nho gia về mức độ phê phán và phủ định tuy khác nhau, cũng như về lí tưởng nhân cách ẩn dật tuy có điểm bất đồng, song hai triết thuyết này đều tương đồng ở chỗ hướng tới những giá trị tinh thần cao quý, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước lương tâm, chính nghĩa và các giá trị xã hội. Họ đều tâm niệm rằng, trên đời còn có những thứ quý hơn cả uy quyền, lợi lộc.

Văn hóa ẩn dật đi vào thơ văn cũng khá sớm, song phải đến khi văn học bước vào giai đoạn tự giác và xuất hiện loại hình tác giả văn học thi nhân - ẩn sĩ, khi ấy thơ văn ẩn dật mới thực sự xác lập địa vị của mình. ở TQ, thơ ca ẩn dật đã manh nha xuất hiện trước ĐUM, chẳng hạn thơ Khảo bàn trong Thi Kinh, hay Ngư phủ trong Sở từ, một tác phẩm được coi là do Khuất Nguyên nhuận sắc (!?); sau đó là thơ của Nguyễn Tịch - Vịnh hoài, Tả Tư - Vịnh sử, Quách Phác - Du Tiên. Nhưng thực sự phải đến ĐUM, thơ văn ẩn dật mới được coi là trưởng thành. ĐUM không chỉ trước tác những tác phẩm thơ, văn, từ phú nổi tiếng, mà điều quan trọng không kém là, chính bản thân ông còn là ẩn sĩ với nhân cách ẩn dật rất tiêu biểu và có tính hình mẫu. Từ Khuất Nguyên- thi nhân- chính trị gia, đến ĐUM - văn nhân- ẩn sĩ là cả một chặng đường dài đánh dấu sự trưởng thành của nhân cách ẩn sĩ và thi ca ẩn dật. Nếu như đại chính trị gia Khuất Nguyên tuẫn thân vì lí tưởng chính trị của mình, thì đến ĐUM, ông đã có cách hóa giải những xung đột về nhân cách và lí tưởng của cá nhân mình với chế độ chính trị đen tối đương thời bằng cách ẩn cư. Phương thức ứng xử đó của ĐUM là cách ứng xử của văn nhân, vì thế sau này đã trở thành hành vi ứng xử mang tính hình mẫu cho văn nhân TQ và cả văn nhân Việt Nam (VN). Không phải ngẫu nhiên mà ĐUM từ rất sớm đã được các thế hệ văn nhân suy tôn là "ông tổ của các nhà thơ ẩn dật". Đọc thơ Nguyễn Khuyến cũng như các thi nhân ẩn dật khác thời trung đại của VN, chúng ta thấy rất rõ điều đó.

Nguyễn Khuyến khi trở thành ẩn sĩ, dù bất đắc dĩ, song ông không thể không nằm trong vùng ảnh hưởng - trong đó ông là chủ thể tiếp nhận chủ động - của văn hóa ẩn dật qua những tấm gương ẩn sĩ tiền bối của cả TQ và VN; tất nhiên, là một văn nhân, ông cũng không thể không tiếp nhận thành tựu thơ văn ẩn dật của tiền nhân. Trước khi Nguyễn Khuyến viết chùm thơ thu của mình, ở TQ, Đỗ Phủ đã từng trước tác chùm thơ tám bài Thu hứng bát thủ nổi tiếng. Cũng với suy nghĩ đó, khi đọc Thu vịnh, chúng ta thấy tác giả gọi tên ĐUM rất thân mật là "ông Đào", cái tên gần gụi chẳng khác gì người nhà. ĐUM đối với văn nhân TQ và VN, trong đó có Nguyễn Khuyến, là hình mẫu lí tưởng về nhân cách ẩn dật, là đối trọng và là hệ quy chiếu khi suy ngẫm và ứng xử đối với hiện thực, đồng thời thơ văn của ĐUM cũng là những mẫu mực, từ sớm đã đi vào ngôn ngữ văn chương, trở thành thi văn liệu trong văn thơ ẩn dật. Chúng ta hãy thử đọc Thu vịnh của Nguyễn Khuyến trong mối liên hệ có tính hệ thống với mẫu hình ẩn sĩ ĐUM và Đường thi xem ở đó có mối liên hệ nội tại hay không?

2. Khác với Đào Uyên Minh (365- 427) ở đời Tấn sáng tác bằng cổ thể thi, Nguyễn Khuyến (1835- 1909) sáng tác Thu vịnh bằng thể tài đã thành thục ở đời Đường, đó là thể thất ngôn luật thi, chỉ có điểm khác là viết bằng chữ Nôm:

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như làn khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.([3])


Bài thơ in đậm dấu ấn của thi pháp Đường thi trong cách mô tả không - thời gian, cũng như có những đặc điểm tương đồng về loại hình với loại thơ sơn thủy điền viên trong thơ cổ trung đại của TQ. Tuy nhiên, trước tác nổi tiếng này cũng cho ta thấy, Nguyễn Khuyến đã tiếp thu chủ động, sáng tạo thế nào đối với thành tựu văn học truyền thống của TQ cũng như của VN trước đó, sáng tạo nên một mùa thu rất VN, từ đó mà bộc lộ tư tưởng, tình cảm mang rõ dấu ấn của tâm hồn Việt.

Bốn câu thơ đầu, tác giả mô tả cảnh từ cao xuống thấp và từ xa đến gần; bức tranh thiên nhiên được tả thực theo những cảm nhận của thị giác, không thời gian thì vừa thực lại vừa hư và mang tính ước lệ về cảnh thu, đó là trời thu, nước thu, trăng thu. Qua bức tranh thu ấy, người đọc vừa cảm nhận những tác động từ những tín hiệu thẩm mĩ do cảnh vật được mô tả qua con mắt thi nhân đưa lại, vừa cảm nhận những nỗi niềm tác giả kí ngụ kín đáo trong đó. Bài thơ gợi cho chúng ta thấy rất rõ sự tĩnh lặng đến xao xác của cảnh thu qua vài nét vẽ đầy gợi cảm của tác giả: trời thu xanh trong vời vợi, cành trúc phất phơ trước gió thu hắt hiu thổi, trăng thu lành lạnh hững hờ chiếu qua song cửa sổ. Không gian- thời gian ở đây mang tính vũ trụ và không hoàn toàn cụ thể xác định. Ta cảm nhận được nó đúng là không gian thu ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ của VN, nhưng khó biết rõ cụ thể là ngày hay đêm, sáng trưa hay chiều tối. Đó có thể nói là không thời gian tâm tưởng, không thời gian cho cái tôi suy ngẫm bộc lộ mình, không phân biệt hư thực, hòa trộn quá khứ và hiện tại, tất cả cùng lúc hiển hiện trong suy tư của tác giả. Điều này càng thể hiện rõ khi chúng ta đọc liên thơ thứ ba:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.


Có thể nói, đây là liên thơ cô đúc nhất, là hạt nhân của bài thơ, ý nghĩa cũng rất phong phú và sâu kín. Không gian được cảm nhận từ cao xuống thấp, từ xa lại gần ở hai liên thơ đầu, đến đây đột ngột chuyển hướng sang từ thấp lên cao, từ gần ra xa, thể hiện rõ sự chuyển hóa từ không thời gian tâm trạng sang không thời gian suy tư và triết lí. Hình ảnh tĩnh tại "hoa năm ngoái" đột ngột xuất hiện cùng tiếng kêu thảng thốt "ngỗng nước nào" buông thõng giữa trời thu tịch mịch, không chỉ cho ta thấy tâm trạng thi nhân, mà còn cho ta thấy thi nhân dường như muốn nói một điều gì đó rất sâu kín tự đáy lòng. Tuy nhiên, cách bộc lộ kín đáo giàu sắc thái hứng tượng của Đường thi này khiến chúng ta không dễ cảm nhận chính xác. Điều đó khiến bài thơ được tiếp nhận theo những cách khác nhau.

Ngô Ngọc Ngũ Long trước đó trong bài viết Ba bài thơ thu([4]) cảm nhận thật chính xác liên thơ này khi cho rằng: "... Mấy chùm trước giậu bước vào cảnh như một nỗi gợi nhớ, nhắc nhở; tác giả nhắc đến hoa, nhưng không phải để tả cảnh nên hoa không có màu sắc, hoa chỉ để làm chứng cho sự chuyển động tuần hoàn của năm tháng, nên chi hoa chỉ có màu sắc của thời gian..." hay "hoa năm xưa là biểu tượng cho những năm tháng cũ, hình ảnh tươi đẹp, bình yên (P.A.S nhấn mạnh) của đất nước khi chưa có bóng bọn thực dân xâm lược. Nên chi nỗi nhớ hoa cũng là nỗi niềm cố quốc: Một tiếng trên không ngỗng nước nào. Cả câu thơ 5-6 cùng mang mạch tư tưởng liền nhau: chùm hoa xưa gợi nhớ nỗi nhớ nước; tiếng chim càng làm tăng thêm tâm trạng u hoài."

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, hàm nghĩa của hoa năm ngoái ở bài thơ này còn phong phú hơn, tức không chỉ gợi ý niệm về những "hình ảnh tươi đẹp..." trong quá khứ, từ đó bộc lộ sự tiếc nuối, mà còn gợi mở cho chúng ta biết những suy ngẫm, thậm chí cả những bối rối trong suy tư của tác giả về phẩm chất, tiết tháo của bản thân và trách nhiệm, sứ mệnh của mình đối với dân tộc và lịch sử. Nguyễn Khuyến sử dụng biểu tượng thiên nhiên trong thi liệu văn học truyền thống, song ông đã thực hiện một cách rất sáng tạo, đó là hòa đồng được các sắc thái tâm lí và suy tư phức tạp, sâu kín của mình vào biểu trưng thiên nhiên giàu tính ước lệ đó. Các hệ quy ước trong truyền thống văn học, vào khoảng khắc thăng hoa của trí tuệ và dạt dào về tình cảm, dường như bất chợt đồng hiện trong khối óc và trái tim của tác giả, tạo nên trường nghĩa phong phú, đạt hiệu quả nghệ thuật cao đến bất ngờ.

Biểu trưng hoa năm ngoái, theo chúng tôi, là có hai quy ước và hai quy ước đó bao quanh một hạt nhân, đó là sự "phản tư" về nhân cách và hành xử trong quan hệ đối với thực tại của dân tộc lúc bấy giờ. Quy ước thứ nhất có lẽ phải truy ngược lên tới biểu tượng về hoa mà ĐUM đã sáng tạo nên trong câu thơ: "Tam kính tựu hoang, tùng cúc do tồn"([5]). ĐUM xuất sĩ lần cuối cùng năm ông 41 tuổi, với chức huyện lệnh Bành Trạch và sau 80 ngày nhận chức, ông đã từ quan ẩn dật hẳn, ca khúc Quy khứ lai hề từ. Trong khúc ca đó, ông bộc lộ niềm vui khôn tả khi sớm nhận thấy cái sai lầm của ngày hôm qua, đồng thời khi nhìn nơi ẩn cư, thấy "dị thảo biến hoang" (cỏ dại hoang vu), song cây tùng và hoa cúc vẫn là "sương hạ kiệt"(bậc hào kiệt dưới sương giá), xanh tươi như xưa, lòng ông vô cùng đắc ý và ngạo nghễ. Cúc hoa, thanh tùng trong thơ ĐUM chính là biểu trưng cho nhân cách cao khiết và tiết tháo kiên trinh của ẩn sĩ, đối lập sâu sắc với thế tục. Không những trong Quy khứ lai hề từ, tác phẩm được coi là tuyên ngôn ẩn dật, mà ở cả chùm thơ ẩm tửu 20 bài, ĐUM cũng nói về hoa cúc với ý nghĩa đó dưới hình thức bộc lộ quan niệm nhân sinh:

Thái cúc đông li hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn.([6])
(Bài 5)


Việc ĐUM một mình hái cúc dưới dậu đông (ông tin "cúc năng chế đồi linh" - hoa cúc ngâm rượu uống có thể tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ), an nhiên tự tại nhìn núi Nam- tức Lư Sơn- ngọn núi nổi tiếng ở quê hương ông, trung tâm Phật giáo và Đạo giáo bấy giờ, nơi bọn quyền quý khi ấy đua nhau cầu trường sinh bất lão, cầu lên cõi Niết Bàn- chính là biểu hiện cô đúc quan niệm nhân sinh của ông. ĐUM không chỉ phê phán chế độ chính trị đương thời, mà còn chế nhạo và không hùa theo những kẻ được coi là danh lưu sĩ tộc đang hốt hốt hoảng hoảng cầu Tiên đầu Phật, cầu trường sinh bất lão ở cõi Tiên và cầu cực lạc ở Tây phương. Câu thơ trên được người đời truyền tụng, vì vậy mà hoa cúc dưới dậu đông sau này đi vào thi văn liệu, thành biểu tượng về triết lí nhân sinh tích cực, không hùa thói tục, an nhiên tự tại sống thuận theo lẽ tự nhiên của ẩn sĩ. Họ tin vào năng lực dưỡng sinh của bản thân chứ không tin vào thuyết trường sinh.
Đến đời Đường, rất nhiều thi nhân đã dùng hoa - hình ảnh đẹp đẽ, hình tượng thiên nhiên bất biến - qua phương thức đối lập với thực tại của con người, để biểu trưng cho những gì tốt đẹp đã từng tồn tại trong quá khứ. Và đây được coi là quy ước thứ hai về hình tượng hoa. Nó được thi nhân đời Đường tái hiện nhất quán trong nhiều tác phẩm. Chẳng hạn, Đỗ Phủ khi ở Tràng An, vì cảm thương thời thế, nên nhìn hoa mà rơi lệ xót đau, nuối tiếc về những tháng năm thịnh trị của một triều đại; cũng như sau này vì xiêu dạt tránh loạn xuống tận đất Thục, nên khi nhìn khóm cúc mấy lần nở hoa mà ông rơi lệ hoài niệm về những ngày được sống bình yên, đoàn tụ, hạnh phúc ở quê hương:

Cảm thời hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm
(Xuân vọng)

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Thu hứng bát thủ) - Bài 1


Sầm Tham cũng diễn tả cái ý "tích cổ thương kim" (tiếc xưa đau nay) đó khi nói tới "cựu thời hoa" (Sơn phòng xuân sự - Cảnh xuân trong núi), còn Thôi Hộ thì bộc lộ sự nuối tiếc về những kỉ niệm đẹp nhất về tình yêu qua câu thơ:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.([7])
(Đề đô thành nam trang)


Hình ảnh hoa năm ngoái trong thơ Nguyễn Khuyến có những nét tương đồng về ý nghĩa biểu trưng không chỉ với "tùng cúc do tồn", hay hoa cúc dưới dậu đông mang triết lí về nhân sinh, thể hiện những suy tư về nhân cách, tiết tháo trong thơ ĐUM, mà còn có những nét tương tự về ý nghĩa tượng trưng với hoa, cựu thời hoa, đào hoa y cựu v.v ở Đường thi, gợi ý niệm về những gì tốt đẹp từng tồn tại trong quá khứ. Hình ảnh biểu trưng đó vừa bộc lộ những dằn vặt, mâu thuẫn của Nguyễn Khuyến về nhân cách ẩn sĩ, vừa bộc lộ hoài niệm xót xa của ông về những tín niệm, giá trị mà ông sùng thượng đang dần đổ vỡ trong thực tại đất nước buổi giao thời á - Âu. Ông noi theo Đào Tiềm về phương thức ứng xử trước thời thế- ẩn dật, song cũng chính do thời thế và hoàn cảnh khác nhau, mà Đào Tiềm, tuy bất đắc dĩ, song vì đã nếm trải đủ cay đắng và nhận thức được sự xấu xa, đen tối ở chốn quan trường, nên đã dứt phăng được áo mũ, thanh thản đến mức vui say, ca bài Quy khứ lai hề từ, ngâm ngợi thú Quy điền viên cư, an nhiên tự tại với cuộc sống tự cung tự canh để thỏa "tâm nguyện" của mình; còn Nguyễn Khuyến, ông cứ mãi băn khoăn, dùng dằng giữa xuất và xử. Vì sao vậy? Câu trả lời phải chăng vì Nguyễn Khuyến là ẩn sĩ của dân tộc Việt Nam? Một mặt, cũng như bao kẻ sĩ Nho gia khác, ông đau đớn chứng kiến cảnh đời loạn, các giá trị bị đảo lộn; mặt khác là cột trụ, là lương đống của triều đình, trước cảnh triều đại mà ông tôn sùng đang dần suy sụp, trước cảnh đất nước rơi vào tay giặc ngoại bang, tinh thần tự nhiệm của kẻ sĩ đã khiến trái tim ông không thể yên được. Ông rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, trở thành người bất lực trước những thách thức quá lớn của đất nước, thời đại và lịch sử. Nguyễn Khuyến không thể đầu bút tòng quân như ĐUM từng dời nơi ẩn cư, xuất sĩ tòng quân đánh quyền thần Hoàn Huyền (kẻ ông coi là có dã tâm thoán đoạt ngôi vua chính thống của nhà Tấn); ông cũng không thể ẩn dật giữ đạo theo đúng ý nghĩa của từ này được. Do vậy mà trái tim ông luôn động dù ông đã cố gắng ẩn thân, náu mình vào không gian mùa thu yên tĩnh nơi quê hương. Một tiếng trên không ngỗng nước nào phải chăng là tiếng lòng bất giác dội ra từ trái tim thảng thốt, bất an của Nguyễn Khuyến. Đọc thơ Đào Tiềm, chúng ta thấy ông mô tả cái động, đó là câu chuyện sôi nổi của ông với những người nông dân về dâu gai tốt xấu trái ngược với thứ "tạp ngôn" ở chốn quan trường: "Tương kiến vô tạp ngôn, đãn đạo tang ma trưởng"([8]), nhưng trái lại ông đã thể hiện được cái tĩnh ở trong tâm, còn thơ Nguyễn Khuyến thì ngược lại, ông tả cái tĩnh của cảnh vật mà vẫn không sao dấu được cái động trong lòng. Đọc nhất mạch cả bài, chúng ta dường như cảm nhận thấy cái nhàn, tĩnh đến mức như hờ hững, buông xuôi; cảnh thu trong thơ ông không có cái vẻ tráng mĩ như thơ thu của Đỗ Phủ, tình cảm của ông buồn bã nên cảnh thu của ông cũng trống trải, rời rạc theo. Các số từ và tính từ trong những cụm từ như: mấy từng cao, cần trúc lơ phơ, mấy chùm trước dậu, một tiếng trên không thể hiện khá rõ điều đó. Chính vì cái lẽ ẩn thân nhưng không sao ẩn được tâm như Đào Tiềm mà Nguyễn Khuyến, về khía cạnh nhân cách ẩn sĩ, thấy mình không được như tiền nhân. Bởi thế chăng mà ông giãi bày thành thực:

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.


Nếu chúng ta hiểu thái độ khâm phục của Nguyễn Khuyến trong tư cách là kẻ sĩ văn nhân đối với việc xuất xử tỉnh táo, dứt khoát của Đào Tiềm thế nào, thì không những sẽ hiểu mà lại càng trân trọng và kính ngưỡng nỗi thẹn đáng quý của ông. Kẻ sĩ rất trọng nhân cách và hành xử, vì vậy đây có thể được coi là sự "phản tư" về nhân cách của Nguyễn Khuyến, một ẩn sĩ - thi nhân có phẩm cách cao khiết và đầy tinh thần tự nhiệm trước dân tộc và lịch sử. Chính ứng xử văn hóa này đã khiến Nguyễn Khuyến trở thành thi nhân mang đặc điểm và tầm vóc thời đại.
Như vậy, qua bài thơ Thu vịnh, chúng ta thấy Nguyễn Khuyến đã tiếp nhận truyền thống văn hóa và văn học từ ĐUM, cũng như các đời Đường, Tống v.v của TQ trong quá trình tiếp xúc, giao lưu. Ông đã tiếp nhận không chỉ văn hóa ẩn dật (trên phương diện quan niệm nhân sinh và hành xử văn hóa), mà còn tiếp nhận một cách sáng tạo truyền thống văn học (trên phương diện thể loại, hệ thống hình ảnh biểu trưng, thi liệu), sáng tạo nên tuyệt tác của bản thân, vừa giàu tính kí thác về nội dung vừa bình đạm, giản dị về hình thức, không kém gì hình mẫu lí tưởng của mình./.


Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1/2004.​
________________________________________
[1] Ông tổ của các nhà thơ ẩn dật xưa nay.
[2] Chẳng hạn như cuốn sách ẩn dật nhân cách của Trần Hồng (TQ), Trường Giang Văn Nghệ Xuất bản xã, xuất bản và in lần 1 tháng 11/1996.
[3] Trích theo Văn học 11, tập 1-Phần văn học Việt Nam (sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000), Nguyễn Đình Chú - Trần Hữu Tá (chủ biên), Nxb Giáo dục, tái bản lần thứ 3, H. 2003.
[4] In trong cuốn Thi hào Nguyễn Khuyến- đời và thơ, Nxb Giáo dục, H.1994. In lại trong Nguyễn Khuyến- Thơ, lời bình và giai thoại, Nxb Văn hóa - Thông tin, H. 2000.
[5] Nơi ẩn cư của ta đã sắp hoang vu, nhưng cây tùng vẫn xanh và hoa cúc vẫn tươi vẻ xưa. Đây là câu thơ nổi tiếng của ĐUM trong bài Quy khứ lai hề từ.
[6] (Ta) hái hoa cúc dưới dậu phía đông, an nhiên tự tại nhìn núi Nam (tức núi Lư Sơn).
[7] Người xưa không biết đã đi đâu rồi, chỉ còn hoa đào vẫn đang khoe sắc trong gió xuân.
[8] Gặp nhau không nói những lời xấu xa (như ở chốn quan trường), chỉ bàn chuyện dâu gai tốt xấu. (Quy điền viên cư - Bài 2).
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top