Từ những câu chuyện đắng lòng

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Vô lễ với thầy cô, đánh bạn, quậy phá trong lớp, bỏ học... những yếu tố trên đủ làm một học sinh thành “cá biệt” trong mắt thầy cô, gia đình và xã hội.

ImageView.aspx


Thử sức, kể cả hơi mạnh tay, là đặc điểm của giới trẻ - Ảnh: T.T.D. Đằng sau hai từ “cá biệt” lạnh lùng ấy là rất nhiều câu chuyện đắng lòng...

Những mầm cây chật vật lớn

Ở Trường dân lập ĐK, thỉnh thoảng T. lại đến lớp với cánh tay rướm máu. Ba mẹ T. ly hôn, mẹ có con với người khác, gửi T. sống với cậu. T. bị cậu đánh thường xuyên. Ở lớp, T. luôn nổi nóng khi có ai đến gần. Có lần T. bị giám thị bắt vì mang rượu và dao vào lớp. T. nói rất thích đánh nhau, ghét ai là “xử” liền.

A.T. (học sinh Trường TCĐ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ mới học lớp 6 nhưng đã nghiện thuốc lá từ năm... lớp 3. Trong cặp em lúc nào cũng có điện thoại đời mới và vài gói thuốc lá. A.T. thích thì đi học, không thích thì nghỉ, sẵn sàng gân cổ cãi giáo viên và là nỗi sợ hãi của cả lớp. Sau nhiều lần được nhà trường thông báo, ba của em vào trường tuyên bố: “Thầy cô muốn làm gì nó thì làm. Học được thì học, không học được thì thôi”.

Nhiều phụ huynh chúng tôi gặp nói rất thương con và làm lụng vất vả chỉ để lo cho các con được ăn học đàng hoàng. Bà X., mẹ một học sinh Trường THPT TB, kể: “Tôi sắm cho con tất cả những gì nó muốn: xe tay ga, điện thoại iPhone, laptop... để tạo điều kiện cho nó học hành tốt nhất. Nhưng lực học của cháu ngày càng kém, tính tình ngày càng ngang bướng, khó dạy.

Thú thật vợ chồng tôi bận rộn quá, ít có thời gian để mắt đến cháu. Đến khi nhà trường mời tôi đến thông báo rằng nó thường xuyên bỏ học, cặp kè với nhóm bạn xấu ở ngoài trường, luôn gây sự và sẵn sàng hành hung những người “nhìn thấy ghét”, tôi mới giật mình”.

Thậm chí, bà P.T., mẹ một học sinh Trường THPT NK, cho biết: “Nhiều người cứ đổ lỗi cho các bậc cha mẹ chiều con quá đáng nên nó mới hư. Riêng tôi, thương con thật nhưng vẫn áp dụng kỷ luật sắt. Mỗi lần nghe cô chủ nhiệm thông báo con đánh lộn trên lớp hoặc nó đi chơi đêm về khuya là tôi quất roi mây không tiếc tay. Vậy mà chỉ vài ngày sau là chứng nào tật nấy. Tôi không thể hiểu nổi tại sao nữa”.

Trong cuốn sổ ghi lý lịch học sinh của Trường THCS Lê Lai (quận 8), nơi vừa xảy ra vụ hai học sinh đánh một học sinh khác đến ngất xỉu, ở cột “tên phụ huynh” và “nghề nghiệp” xuất hiện khá nhiều chỗ trống. Đó là những em mất cha, mẹ hoặc mất cả hai vì nhiều lý do, có cả lý do cha mẹ bỏ đi.
Thầy Ngô Đức Bình, hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai, trần tình: “Phụ huynh ở khu vực này đều lam lũ, khổ cực, chật vật với miếng ăn. Khoảng 50% phụ huynh phó mặc con cho nhà trường, có những phụ huynh chẳng bao giờ thấy mặt. Con đánh nhau, bỏ học, có báo phụ huynh cũng như không”.
Trường hợp của T., nữ sinh lớp 8A3 trực tiếp đánh bạn đến ngất xỉu, lại khác. Bố mẹ T. đều mất trong tù vì nghiện ngập. T. sống với bà ngoại, phụ bán hủ tiếu, lột củ hành kiếm tiền. Gia cảnh em rất nghèo nên được miễn toàn bộ học phí. Thiếu ăn nên T. gầy còm. Thầy Nguyễn Văn Toại, hiệu phó Trường Lê Lai, nói thêm: “Hoàn cảnh của em quá thương tâm nên nhà trường vẫn cố gắng động viên để em đi học được chừng nào tốt chừng ấy. Chứ nếu đuổi học thì không biết tương lai của em sẽ thế nào”.

Chân dung tư họa

Trong khi nhiều phụ huynh không hiểu vì sao con mình hư, nhiều học sinh “cá biệt” lại có sẵn câu trả lời. “Tôi cảm thấy cô đơn thật sự giữa cuộc đời này. Bố mẹ đi công tác nước ngoài triền miên, bỏ mặc tôi ở nhà với bà giúp việc” - K.T. kể chuyện mình. Dưới mắt thầy cô, bạn bè, K.T. là học sinh cá biệt nên em có cảm giác bị xa lánh. “Tôi chán cuộc đời này, cảm thấy mình sống không biết vì cái gì. Ngay cả một người bạn thân tôi cũng không có”.
H.H., học sinh lớp 9 một trường dân lập nội trú ở quận Tân Bình, kể với chúng tôi về lý do em chuyển ba trường khác nhau chỉ trong ba năm: “Lần đầu thì học yếu, đánh bạn nên bị đuổi. Lần thứ hai mẹ muốn cách ly tôi không cho chơi với bạn K., nói K. hư hỏng”. Từ khi bị ép chuyển đến trường mới, H. thường im lặng và không chịu chơi với ai. “Tôi giận mẹ, nhớ bạn bè cũ và thèm ra ngoài chơi một bữa cho đã” - H. lý giải chuyện mình lười học và chỉ thích ngồi tiệm net.

H.V., học sinh lớp 11 Trường THPT TB, “tự họa chân dung”: “Thầy cô cứ la mình hay phát biểu bừa bãi. Thằng bạn thân mình cũng góp ý không nên chơi trội như vậy, bị mọi người kêu bằng học sinh cá biệt chẳng hay ho gì. Mình thấy có gì ghê gớm đâu, chỉ là làm cho không khí lớp học vui vẻ, bớt nặng nề. Nếu phải ngồi im suốt 45 phút mình chịu không nổi, phải quay ngang, quay ngửa, nói, cười... thì mình mới tiếp thu bài được. Trong thế giới rất dễ bị stress như hiện nay, một nụ cười là mười thang thuốc bổ đấy nhé”. H.V. cũng cho rằng học sinh “cá biệt” chẳng có gì xấu vì “đâu phải tất cả học sinh cá biệt đều hư hỏng, học dốt”.

H., học sinh Trường THPT HĐ, lại nói em “rất mặc cảm khi bị gán ghép như vậy”. Bố mẹ ly dị, H. sốc nặng, không muốn học và sống bất cần. Em nói: “Mình biết là mình toàn làm những việc khác người, sẽ chẳng ai ưa mình đâu. Nhưng mục đích của mình là để cho nhà trường... đuổi học nên không sợ ai cả. Khi hết thảy mọi người, kể cả bố mẹ, đều cho mình là thứ bỏ đi, cô chủ nhiệm lại mang đến cho mình lòng yêu thương bao la, cô quan tâm và chăm sóc cho mình còn hơn mẹ mình nữa. Thế nên sau đó tất cả mọi việc mình đều theo lời cô...”.

Trích hai bức thư của hai học sinh gửi cô giáo chủ nhiệm (Trường THPT HH):

...“Con cảm thấy rất hối hận việc con đã gây ra... Con nhìn lại và thấy mình mất mát quá nhiều sau những lần mắc lỗi. Con nói thật cho cô biết là hai năm qua con bỏ nhà đi bụi đời rồi phiêu lưu khắp nơi, sống xa bố mẹ. Việc đi học lại là do con quyết định vì ước mơ sau này của con là làm cảnh sát. Mẹ con bây giờ chỉ hi vọng mình con thôi, mà cứ lâu lâu con lại gây chuyện. Ở cô, con cảm thấy sự yêu thương con, cảm hóa được bản tính con”...

...“Con biết từ đầu năm đến giờ đã gây ra nhiều lỗi lầm khiến cô và ba mẹ phải buồn lòng. Làm cho cô phải cực khổ khi ở lại chờ con học bài mỗi khi con học chậm. Thưa cô, không phải con không chịu học đâu. Không biết sao dù cố mấy con học cũng khó trả bài sớm được. Còn chuyện con nói dối mẹ để đi chơi vào chiều thứ bảy thì thật sự con có lỗi vô cùng”...

Nếu chỉ “thích an toàn”...

Coi “cá biệt” từ góc độ tâm lý là không giống người bình thường, không như mong muốn của mình, chứ không hẳn là xấu, bà Nguyễn Thị Hoa - giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng (Viện Tâm lý học) - trao đổi với TTCT.

* Theo bà, đâu là cách ứng xử phù hợp với học sinh “cá biệt”?

- Có những em bé não phải phát triển hơn, mà vùng não ấy là vùng não của sáng tạo, nghệ thuật. Cô giảng trên lớp mà trò cứ nhìn đâu đâu, thế là cô khó chịu và trò thành “cá biệt”. Trong học sinh có em thế này, em thế khác, nếu chúng ta hiểu và cảm thông, gần gũi trẻ thì mọi chuyện sẽ khác. Nhiều khi hành vi tiêu cực bắt nguồn từ chuyện tại sao bạn ấy lại được sung sướng, cô giáo yêu quý, nói sai cô cũng châm chước... Trong những con người hào phóng nhất cũng có tính ghen tị. Sự rộng lượng sẽ làm cho cảm xúc tiêu cực ấy bị chôn vùi.

* Nhiều bậc cha mẹ hay tìm cách làm cho trẻ ngồi yên trong cái “vòng” định sẵn, cho thế là thành công. Bà nghĩ gì về quan điểm này?

- Nhiều khi nói mình vì con, nhưng thật ra mình làm điều đấy vì mình, để mình yên tâm. Trong các thang bậc nhu cầu của con người, ngoài ăn, mặc, ở, đi lại thì nhu cầu an toàn đứng vị trí thứ hai. Ở VN nhu cầu an toàn cao lắm, mình không cho con đi đây đi đó cũng do nhu cầu an toàn. Ở trường, thầy cô giáo lại sợ nếu mình thay đổi cách giáo dục, ví dụ như gần gũi từng em, tìm hiểu nguyên nhân vì sao cá biệt... thì vừa mất thì giờ, mà nếu không thành công thì đồng nghiệp lại cười chê. Thôi thì lớp đi trước làm thế nào, mình cứ làm như thế...

* Theo bà, đặc điểm “thích an toàn” ấy đang nặng ở nhà trường hay gia đình và cách ứng phó với nó như thế nào là hiệu quả?

- Trong các buổi tập huấn cho giáo viên, nhiều thầy cô nói không có tư duy tích cực với học sinh cá biệt, các em toàn bỏ học, phá phách... Tôi hỏi các cô nếu gia đình không có vấn đề gì, nhà trường và bạn bè không xa lánh thì một đứa trẻ bình thường có bỏ học không? Vấn đề của mình không chỉ là thích an toàn, mà cũng không phải ở trường hay ở nhà thích an toàn hơn. Vấn đề là chúng ta quá sợ thất bại, mình xem thất bại là nặng nề, mà thật ra thất bại là bài học.

Nhà trường phải thay đổi

Rất nhiều ý kiến cả từ ngành giáo dục cũng như các chuyên gia tâm lý xã hội và gia đình đều nói đến việc cần có sự thay đổi trong cách hiểu, cách giáo dục và giúp đỡ học sinh cá biệt.

ImageView.aspx


Tiết học về kỹ năng sống ở Trường THPT Thái Bình. Môn học này do giáo viên của trường tự biên soạn chương trình giảng dạy - Ảnh: H.HG.

Đừng để các em một mình

Lời khuyên này của bà Phùng Thị Hương Nga, chuyên viên tâm lý ở Trung tâm tư vấn giáo dục, tâm lý, thể chất (Sở KH&CN TP.HCM), bắt nguồn từ nỗi lo về game bạo lực. “Những hình ảnh bạo lực trong game ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý các em, khiến khi có những đụng chạm nhỏ xảy ra, các em không kiềm chế được và bắt chước những trò mình đã chơi” - bà Nga nói.

Nhiều chuyên viên tâm lý khác đồng quan điểm với bà Nga về tầm quan trọng của việc hướng các em vào những trò chơi tập thể có ý nghĩa, những câu lạc bộ, đội nhóm sinh hoạt chung, tránh để các em chơi một mình (như chơi game) hoặc xa lánh bạn bè. Bà Nga, cũng là một giáo viên đang giảng dạy môn giáo dục công dân tại một trường THPT, khuyên các giáo viên tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh của học sinh cá biệt và gần gũi, trò chuyện với các em như bạn thân. “Đừng thấy các em ngỗ nghịch hay co mình mà vội đánh giá và khi dạy đạo đức, kỹ năng sống rất cần những câu chuyện, dẫn chứng thực tế, cho các em thực hành, trải nghiệm thay vì chỉ đọc ra rả “lễ phép là gì”, “trung thực là gì”.

“Trước hết, bản thân nhà trường phải thay đổi” - ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói. Khẳng định biện pháp tốt nhất vẫn là phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội, song ông Minh nhấn mạnh việc đội ngũ sư phạm cần được bồi dưỡng để nâng cao nhận thức và kỹ năng giáo dục học sinh.

Hiểu con nhiều hơn

Trò chuyện với con để hiểu con nghĩ gì, đánh giá ra sao về một vấn đề, thích làm một việc gì đó theo cách nào... là những tiếp cận đầu tiên mà các bậc cha mẹ phải làm để đến gần con mình hơn. Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy cho rằng điều này sẽ giúp người lớn có những tác động giáo dục phù hợp, không gây căng thẳng và làm mất cân bằng đời sống tinh thần của các bạn trẻ.

Chia sẻ góc nhìn này, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng (khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM) khuyên các bậc cha mẹ nhận thức đúng giá trị thực, mục tiêu của cuộc sống gia đình và điều chỉnh lối sống gia đình để gia tăng sự gắn bó mật thiết với con. Cha mẹ cũng phải là người dạy con kỹ năng sống, cách ứng xử khi bị gây hấn, khi gặp chuyện bất hòa. “Làm quen với bạn của con là một cách tốt để có thể tham gia giải quyết vấn đề của chúng, các bậc cha mẹ cũng cần liên kết với các phụ huynh khác để hỗ trợ giải quyết khi chúng có hiềm khích với nhau” - tiến sĩ Hồng nói thêm.

Cần có tư vấn học đường

Trường Diên Hồng trước đây nổi tiếng vì có quá nhiều học sinh cá biệt. Tình hình ngày càng phức tạp khiến trường phải nhanh chóng tìm một cử nhân tốt nghiệp khoa tâm lý (ĐH Sư phạm TP.HCM) mở phòng tư vấn học đường. Lúc đầu thấy học sinh ngại vào vì sợ thầy cô bạn bè trông thấy, chúng tôi bèn trổ một cửa độc lập cho học sinh tiện ra vào phòng tư vấn.
Từ đó, phòng tư vấn đón khách ngày càng nhiều, nhờ vậy chúng tôi nắm được tâm tư của các em, kịp thời xử lý nhiều vụ việc liên quan đến bức xúc của các em đối với giáo viên, cha mẹ và bạn bè, ngăn chặn được nhiều vụ việc đáng tiếc. Số học sinh cá biệt giảm hẳn. Cũng nhờ phòng tư vấn mà chúng tôi nhận ra một sự thật: thầy cô ít nói chuyện với học sinh, cha mẹ ít nói chuyện với con cái quá.

Tác dụng của phòng tư vấn ai cũng thấy nhưng để thực hiện trong thời điểm như hiện nay lại không dễ dàng. Mặc dù UBND TP.HCM đã duyệt biên chế cho mỗi trường một giáo viên tư vấn tâm lý nhưng năm vừa qua sở chỉ tuyển được vài người. Chưa kể, đến thời điểm này các trường sư phạm vẫn chưa mở mã ngành giáo viên tư vấn tâm lý mà chỉ đào tạo giáo viên dạy tâm lý học thôi.

Ông VĂN CÔNG SANG
(trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, Q.10)


Theo TTO.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top