• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Từ "ngủ dài cho đỡ đói" tới khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam

Giao Su Vọc

New member
Xu
0
Đầu thập niên 80, quá trình phát triển của Công ty Cholimex cũng như các công ty bạn là một bước đột phá vào cơ chế bao cấp: tạo ra những mầm tư duy mới về một nền kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của thể chế xã hội chủ nghĩa.


LTS: TP. Hồ Chí Minh có lẽ là nơi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất của cơ cấu khủng hoảng hồi cuối thập niên 80. Trong tình hình kinh tế của đất nước vô cùng bi đát, "Nhóm Thứ Sáu" được giao giải bài toán "chống lạm phát". Trong bối cảnh không mấy thuận lợi, họ hào hứng lao vào tìm số liệu, cần mẫn phân tích, thống kê, so sánh tỉ giá tiền đồng với đôla... để rồi cho ra đời một công trình mang tên: "các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế".

Tuần Việt Nam xin giới thiệu câu chuyện 3 kỳ của chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng với tựa đề: Từ "Ngủ dài cho đỡ đói" tới Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam.

  • Kỳ 1: Nhóm Thứ Sáu: Ra đời Công ty cổ phần đầu tiên sau năm 1975
"Ngủ dài cho đỡ đói"

Đời người ai cũng mong có một cuộc sống theo ước vọng, một dòng đời thuận lợi. Nhưng nhìn lại bước đường đã qua, ta luôn cảm thấy giai đoạn sống trong nghịch cảnh lại cho ta nhiều hiểu biết về khả năng thật sự của mình và mối quan hệ cộng sinh đa dạng tương tác nhau của mọi người, mọi sự vật. Sự tồn tại và phát triển của con người trong nghịch cảnh luôn là dấu ấn sâu sắc và cũng là điểm son đáng giá của cuộc sống mà chắc hẳn ai cũng có quãng đời đáng hồi tưởng như thế.

Tôi được sinh ra vào năm 1948 trong một gia đình nông dân, lớn lên tiếp cận với nghề buôn bán nhỏ tại một xóm thôn quê. Ước vọng của tôi là làm nghề thày giáo nhưng lại vào đời năm 17 tuổi với việc làm đầu tiên là làm công cho một nhà hàng. Công việc này đối với cậu bé thôn quê chỉ học hết cấp một thật ra cũng phải, nhưng điều này đối với tâm lý tôi lúc bấy giờ lại là một nghịch cảnh.


Phan-Chanh-Duong2.jpg


Ông Phan Chánh Dưỡng.


Quê tôi ở vùng Ông Đốc, Cà Mau, nơi chiến cuộc trở nên ác liệt vào những năm đầu thập niên 60. Năm 1965, các anh tôi đã tham gia công tác cách mạng cũng phải chuyển sâu vào vùng rừng đước Năm Căn, gia đình phải bỏ làng sơ tán. Tôi được các bậc trưởng thượng trong gia đình "quy hoạch" chạy lên Sài Gòn, tự tìm kế sinh nhai và, nếu làm ăn được còn phải chi viện tài chánh về quê nuôi sống gia đình. Tôi cũng ngầm hiểu rằng, người lớn dù không nói ra nhưng ai cũng nghĩ đến việc phải phân tán bọn con trai ra nhiều nơi để còn có người nối dõi tông đường. Tôi đã vào đời trong một tình cảnh xã hội tang thương, gia đình ly tán như thế. Mười năm ly loạn đất khách quê người, vừa làm vừa học vừa trốn lính, như cá đồng lạc giữa biển Đông, ba đào vượt sóng, vừa "tề gia" vừa "tu thân"; nghĩa là vừa kiếm tiền chi viện cho gia đình suốt mười năm liên tục, vừa nằm gai đèn sách. Kết thúc chiến tranh, đất nước được thống nhất, thì tôi cũng vừa học xong 4 năm đại học ngành vật lý tại Đại học Khoa học Sài Gòn, một kết quả mà mẹ tôi gọi là "phúc đức ông bà để lại".

Sau năm 1975, tôi được bố trí về làm công tác giáo dục theo đúng nguyện vọng. Năm năm trong ngành giáo tôi đã học được nhiều việc. Như vậy là cuộc đời cũng diễn ra đủ giai điệu: Sĩ, nông, công, thương, mỗi nghề biết một chút. Trong cái vui mừng của những ngày đất nước được thống nhất thì cái khó khăn trong cuộc sống lại nổi lên, sống trên vựa thóc của thế giới mà phải ăn độn bắp khoai.

Trong kháng chiến ta có "tiếng hát át tiếng bom" nhưng lúc này phải "ngủ dài cho đỡ đói". Nhưng sau đó có một sự cố đến với gia đình tôi, là ông anh cách mạng của tôi vượt biên và trong thời tiết chính trị của vụ "nạn kiều", lý tưởng làm nghề thày giáo của tôi cũng phải chấm dứt. Một lần nữa được lãnh đạo qui hoạch lại, tôi chuyển qua làm cán bộ nhân viên liên hiệp xã.
Người xưa nói "cùng tất biến, biến tất nông", khi gặp khó khăn vượt khỏi tầm khả năng thì "dĩ bất biến, ứng vạn biến" nên tôi không làm gì khác hơn là thúc thủ chờ thời.

Đầu năm 1980, tình hình kinh tế của thành phố vô cùng khó khăn, người thiếu ăn, máy thiếu nhiên liệu, thị trường thiếu hàng. Sau đợt cải tạo công thương nghiệp đợt II và hai lần đổi tiền, chúng ta thật sự tiến thẳng lên "xã hội vô sản" bỏ qua giai đoạn quá độ tư bản và giai đoạn cộng sản; tình hình này đã làm thức tỉnh nhiều người.
Thành phố Hồ Chí Minh, một nơi luôn đi trước về sau, nơi mà tàn dư "phong kiến tư bản" nặng nề nhất một lần nữa phải đi trước mở đường và thành phần đáng lên án nhất là "tư sản" được ta moi lên để cùng bàn bạc công việc tương lai của nền kinh tế. Thế là chủ trương xây dựng các công ty xuất nhập khẩu trực dụng ra đời tại đây, với nhiệm vụ làm mọi cách để có nguyên liệu, thiết bị phụ tùng thay thế cho ngành sản xuất công nghiệp. Các công ty đầu tiên như Cholimex, Direximco, Ficonimex, Pharimex ra đời.
Và tôi một lần nữa được chuyển về ngành thương nghiệp, tham gia xây dựng Công ty xuất nhập khẩu Cholimex tại Quận 5. Cuộc đời lại sang trang mới, đến giai đoạn "mất dạy, đi buôn".

Những mầm tư duy mới

Cuối năm 1980, công cuộc chuẩn bị thành lập công ty Cholimex rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng, vừa tiến hành kinh doanh nội địa vừa làm thủ tục pháp lý để thành lập công ty xuất nhập khẩu. Tôi gốc thày giáo nên được giao việc viết lách làm đơn từ, đề án.

Thật sự cho đến lúc bấy giờ tôi chưa hề biết gì đến nội dung của một hợp đồng đúng nghĩa chứ nói gì đến viết đề án kinh tế. Thế mà cũng phải viết! Sau khi nghe các anh thương gia người Hoa kể lại những gì họ biết về xuất nhập khẩu, tôi cứ việc tổng hợp lại cho ngăn nắp thành một tờ trình khoảng 7 trang đánh máy để trình lên trên, nào là xuất khẩu cán chổi, hột vịt muối, bong bóng cá, gỗ... Tờ trình đó qua 7 lần góp ý sửa đổi, cuối cùng được duyệt. Điều đáng nhớ nhất là chuyến hàng xuất khẩu được duyệt: khách hàng yêu cầu mua đậu phộng. Bảy mươi tấn đậu phộng xuất khẩu đi Hồng Kông, đổi về 10 tấn nhựa, 10 tấn sợi, 10 tấn bột ngọt mở màn cho Công ty đi vào hoạt động.

Như vậy là Uỷ ban Nhân dân Thành phố lúc bấy giờ cho phép Uỷ ban Nhân dân Quận 5 thành lập công ty gọi là "Công ty hợp doanh xuất nhập khẩu trực dụng, gọi tắt là Cholimex" và vào khoảng 15/4/1981 có giấy phép hoạt động.

Thật ra gọi công ty hợp doanh là không đúng, vì lúc bấy giờ lãnh đạo thành phố kêu gọi các công thương gia bỏ tiền vào thành lập công ty, Nhà nước chỉ có chủ trương, cử cán bộ và cho sử dụng những căn nhà tiếp quản, nên phải nói Công ty Cholimex là Công ty cổ phần đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975.

Ý nghĩa của sự ra đời Công ty Cholimex và các công ty khách như đã nêu trên tác động đến sự đổi mới mở cửa của thành phố Hồ Chí Minh và sau này là cho cả nước như thế nào tôi không nêu lên ở đây, nhưng nó rất có ý nghĩa với "Nhóm nghiên cứu chuyên đề - Nhóm Thứ Sáu" và nhất là cho cuộc đời tôi.

Nơi đây đối với tôi là một ngã rẽ cuộc đời, là một trường đại học lớn mang đến cho tôi bao sự hiểu biết mới, trong đó có cái quan trọng nhất và ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là cho tôi biết những gì tôi thật sự không biết. Tôi thật sự cần những người giỏi hơn tôi bên cạnh nếu tôi muốn làm một việc gì đó. Và tôi cũng ngộ được một điều nữa, nếu ngày nào ta còn có những người giỏi hơn ở bên cạnh ta, phê bình chỉ trích việc làm của, thì ngày đó ta còn sáng suốt, còn tiến bộ, sai sót trong công việc sẽ giảm đến mức tối thiểu nhất.

Công ty Cholimex đi vào hoạt động, Phòng kế hoạch là bộ phận quan trọng nhất, tôi được cử làm Trưởng phòng, tiếp đó là anh Trần Bá Tước vào và được phân công làm Phó phòng. Rồi một loạt các anh em khác như anh Luật (đã qua đời), anh Phan Thành Chánh, anh Đỗ Trung Đường (đã qua đời) và một số anh em khác làm cộng tác viên như Võ Hùng, Lê Mạnh Hùng, Võ Văn Huệ, Nguyễn Chấn Hưng, Nguyễn Đình Lộc, v.v... Tất cả đều là những anh em thuộc các ngành kinh tế kỹ thuật được đào tạo nghiêm túc trong và ngoài nước trước 1975. Do đó, danh nghĩa tôi làm trưởng phòng, nhưng thật sự anh em làm kế hoạch là chính.

Như vậy là Cholimex đã tập hợp được một đội ngũ anh em trí thức (cũ), và anh Hồng Tôn Như là Giám đốc. Sau này anh Phan Lê Đoàn làm Giám đốc, anh Nghê Ký Thuật, anh Trần Bỉnh Giang (Phó giám đốc), những thương gia tư sản (cũ) cũng rất tôn trọng anh em. Đây là cái mầm đầu tiên cho cuộc hội ngộ anh em Nhóm Thứ Sáu.

Công ty Cholimex tuy được giấy phép cũng như điều lệ ghi thời hạn hoạt động là 15 năm, nhưng chỉ mới được 2 năm thì Trung ương vào kiểm tra thành phố Hồ Chí Minh về những "hữu khuynh" cho tư nhân tham gia vào công ty xuất nhập khẩu và dám áp dụng cơ chế giá thị trường... Kết quả là các công ty xuất nhập khẩu trực dụng bị cải tổ thành công ty quốc doanh, Công ty Cholimex cũng không ngoại lệ.

Sự biến đổi này hết sức to lớn nhưng không thể xoá đi dấu ấn là chỉ trong 2 năm hoạt động, hiệu quả kinh doanh cũng như sự đóng góp của công ty Cholimex cho nền sản xuất thành phố hết sức lớn, ảnh hưởng lan rộng khắp cả nước. Quá trình phát triển của Công ty Cholimex cũng như các công ty bạn lúc bấy giờ quả là một bước đột phá vào cơ chế bao cấp: tạo ra những mầm tư duy mới về một nền kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của thểchế xã hội chủ nghĩa. Sự kiện này nếu được viết lại sẽ là sử liệu kinh tế về tiền thân của chính sách Đổi Mới hiện nay thật đáng được nghiên cứu.

Sự gần gũi của lãnh đạo làm ấm lòng trí thức

Sau khi anh Hồng Tôn Như qua đời, anh Phan Lê Đoàn về công tác tại Quận uỷ Quận 5, tôi được lên làm Giám đốc, anh Trần Bá Tước làm phó. Việc tập hợp nhóm chuyên viên trí thức cũ được mở rộng hơn.

Khi Công ty Cholimex đi vào chiều sâu của tổ chức hợp tác sản xuất ở nhiều lĩnh vực, từ việc sản xuất mì ăn liền, bột ngọt, bột giặt, rượu bia cho đến việc lắp ráp radio, cassette, tivi, xây dựng trung tâm điện toán, cho đến việc sản xuất nông nghiệp như trồng mì, trồng đậu phộng, trồng mè, nuôi tôm, lập xí nghiệp đông lạnh, xí nghiệp nông sản, xí nghiệp gia công chế biến gỗ, sản xuất thuốc đông dược, rượu Trường Xuân Tửu, hợp tác kéo sợi, dệt vải, xây dựng xí nghiệp may, xí nghiệp đan len, v.v... Từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho anh em trí thức cũ, các nhà công thương cũ cùng tham gia. Và trong thời gian này, các anh Đỗ Hải Minh, Lê Đình Khanh, Nguyễn Chánh Đoan, Trương Quang Sáng cùng với anh em vào Công ty trước đó hình thành ra nhóm chuyên viên tư vấn cho Công ty.

chuduongtvn3.jpg


Năm 1986, trong dịp tôi đến thăm anh Võ Trần Chí, lúc bấy giờ vừa lên phụ trách Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, anh hỏi thăm về Công ty và anh em chuyên viên, đồng thời trao đổi một số vấn đề về phát triển kinh tế thành phố. Tôi đã mạnh dạn đề nghị cho phép anh em có kiến thức về kinh tế được đào tạo trong và ngoài nước trước năm 1975 nghiên cứu các đề tài kinh tế chuyên đề, nếu Thành uỷ cần. Ý kiến này được anh Võ Trần Chí đồng ý ngay và còn đề nghị Ban Kinh tế Thành uỷ - anh Năm Ẩn là Trưởng ban- có một văn bản xác nhận Nhóm nghiên cứu kinh tế (nghiệp dư của Ban Kinh tế Thành uỷ) gọi là Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề Quận 5- Cholimex, trong đó có ghi tên 3 người: Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn (ba người đang có biên chế nhà nước).

Nhưng để thận trọng hơn, tôi có làm ngay một lý lịch trích ngang của 24 anh em trong Nhóm để đưa lên Thành uỷ và báo cáo cho Thành uỷ biết hàng tuần Nhóm làm việc vào các tối thứ Hai, Tư, Sáu tại Xí nghiệp Đông lạnh 19 An Điềm thuộc Công ty Cholimex. Lúc bấy giờ xí nghiệp này do anh Trần Văn Kiện làm Giám đốc; các anh đã tạo mọi điều kiện vật chất cho Nhóm họp hành với ba buổi cơm tối vào những ngày họp.

Như vậy, Nhóm nghiên cứu đã có "giấy khai sinh" khai với Bí thư Thành uỷ và bà đỡ là Ban Kinh tế Thành uỷ.

Thời kỳ từ năm 1986, Nhóm nghiên cứu chính thức hoạt động với đông đảo anh em: Lâm Võ Hoàng, Phan Tường Vân, Hồ Xích Tú, Nguyễn Thanh Bạch, Đỗ Nguyên Dũng, Võ Gia Minh, Nguyễn Hữu Thư, Lâm Tuấn Anh, Võ Hùng, Nguyễn Ngọc Hồ, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Trọng Thức, Lê Văn Bĩnh, v.v... cùng với các anh em chuyên viên trong Công ty Cholimex và sau đó là anh Hoàng Thoại Châu, Mai Kim Đỉnh, v.v...

Các vị lãnh đạo thường đến dự cùng nhóm nghiên cứu là anh Võ Trần Chí, anh Sáu Tường, anh Năm Ẩn, anh Tám Hồ, anh Hai Đoàn, anh Lữ Minh Châu. Đôi khi anh Phan Chánh Trực, ông Trần Bạch Đằng, ông Tư Triết (Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại lúc bấy giờ) cùng đến dự.

Ngoài ra, còn có nhóm chuyên viên phụ tá của ông Võ Văn Kiệt như anh Vũ Quốc Tuấn, anh Nguyễn Thiệu cũng đến tham dự. Nhóm nghiên cứu thực sự có được một cơ hội đối thoại trực tiếp với các vị lãnh đạo cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh và cũng có dịp trao đổi trực tiếp với các chuyên viên cao cấp gần gũi với lãnh đạo Nhà nước Trung ương. Và cũng chính nhờ có không khí cởi mở này mà anh em đã mạnh dạn đề xuất ra nhiều ý kiến sáng tạo để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế lúc bấy giờ.


  • Mời theo dõi tiếp kỳ 2
  • Theo Tuanvietnam.net
 
Sau khi chính sách giá lương tiền được thực hiện, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, trong khi đó tiền mặt khan hiếm, chính quyền các cấp kêu gào kéo giá xuống. Thành uỷ đề nghị Nhóm nghiên cứu chuyên đề nghiên cứu biện pháp làm cách nào để kéo giá xuống.


Tôi còn nhớ rõ trong buổi họp, khi tôi nêu yêu cầu này của Thành uỷ với anh em thì anh Hồ Xích Tú đặt câu hỏi: "Ta lấy cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo xuống!".

Thế là bắt đầu một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi. Thú thật, lúc bấy giờ tôi chỉ là một cậu học trò ngồi nghe 24 ông thầy tranh luận về nội dung kinh tế "tầm vĩ mô", trong khi các từ ngữ chuyên môn trong kinh tế thì tôi hoàn toàn chưa biết.

Thì ra chuyện mua bán khác với chuyện kinh tế và nhờ đó tôi được biết cái tôi chưa từng biết, cái tôi cần phải học. Và đối với tôi, đây là trường kinh tế học đặc biệt nhất, có thể nói là duy nhất. Cảm nhận này làm tôi nhớ đến câu chuyện của Kim Dung: nhân vật Quách Tỉnh học võ với Giang Nam Thất Quái, rồi sau đó học với khắp mọi cao thủ võ lâm, trong nhiều trường hợp khác nhau; anh ta rất khờ khạo nhưng được gặp nhiều danh sư nên đã thành đạt.

Việc đặt lại vấn đề thực trạng và bản chất giá cả hiện nay như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta là bác sĩ, không thể chỉ nghe bệnh nhân khai bị bệnh phổi vì thường bị ho là ta cho thuốc ngay được mà lúc nào cũng phải xét nghiệm lại. Tương tự như vậy, lúc bấy giờ giá cả tăng hàng ngày, Nhà nước cứ đổ lỗi cho người bán hàng tăng giá, nên phải dùng biện pháp hành chánh kéo giá xuống.

BenthanhTVN.jpg


Anh Huỳnh Bửu Sơn đề nghị phải có một bản so sánh sự biến đổi giá của nền kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ, và anh đã đưa ra một phương pháp là so sánh từng nhóm hàng với tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ; đồng thời chọn thời điểm chuẩn để so sánh. Phương pháp là chia các nhóm hàng ra thành 5 nhóm và lấy giá thị trường làm căn cứ: - Nhóm 1: hàng nhập khẩu (phân urê, xi măng, xăng v.v...)

- Nhóm 2: hàng công nghệ phẩm sản xuất tại Việt Nam với nguyên liệu nhập khẩu (sữa hộp, bột giặt...)

- Nhóm 3: hàng nông sản lương thực thực phẩm (gạo, thịt, trứng...)

- Nhóm 4: dịch vụ lao động phổ thông đơn giản (bốc xếp, xích lô...)

- Nhóm 5: vàng.

Thời điểm chuẩn được so sánh là:

- Năm 1973 tỷ giá: 1USD # 493 VNĐ.

- Năm 1986 tỷ giá: 1USD # 455 VNĐ.

Khi chọn được hai điểm chuẩn ở hai thời điểm (1973 và 1986) có tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam tương đương nhau thì ta thấy được giá thị trường của nhóm hàng thứ nhất (hàng nhập khẩu):

- Xi măng: 1973 là 1.500 đồng/bao và 1986 là 1.600 đồng/bao.

- Phân Urê: 1973 là 79.160 đồng/tấn và 1986 là 70.000 đồng/tấn.

- Xăng: 1973 là: 125 đồng/lít và 1986 là 100 đồng/lít.

- V.v...

Như vậy, giá chênh lệch nhau giữa hai thời điểm (1973 và 1986) là không đáng kể, có thể xem như tương đương. Ta đã có một mặt bằng giá cả của nền kinh tế Việt Nam một cách tổng quát, từ đó có thể so sánh giá của các nhóm hàng còn lại, xem loại nào đang tăng loại nào đang giảm.

Sau nhiều ngày tranh luận và cuối cùng anh em đưa ra được kết luận theo phương pháp cũng như số liệu thống kê của anh Huỳnh Bửu Sơn, thì tôi cũng ngộ ra rằng: Sự hỗn loạn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ giống như mọi vật đang trong trạng thái rơi tự do của vật lý, trong đó thu nhập của người lao động ăn lương là rơi nhanh nhất.

Nhưng trong vật lý, các vật rơi đều bị sức hút của trọng trường trái đất, nghĩa là đã có sẵn mặt phẳng quy chiếu để só sánh nên ta dễ nhận thấy. Còn trong kinh tế, mọi yếu tố đều biến động theo các hệ qui chiếu khác nhau, nghĩa là không gian n chiều, do đó ta phải xác định lại một mặt phẳng qui chiếu để so sánh. Và chính hai thời điểm (1973, 1986) và đường thẳng tỷ giá USC/VNĐ # (493 - 455) đã xác định được một mặt phẳng qui chiếu để so sánh.

Nếu giá mặt hàng nào nằm trên mặt phẳng thì giá đó đã lên, thoát ly nền kinh tế, nếu mặt hàng nào giá nằm dưới mặt phẳng nền thì nó đang sụt giảm, đây là cách suy luận theo kiến thức vật lý của tôi.

Kết quả sau khi so sánh:

Giá 2 thời điểm 1973 và 1986 với tỷ giá USD/VNĐ (493 đồng/USD, 455 đồng/USD):

- Giá nhóm 1 năm 1986 tương đương năm 1973

- Giá nhóm 2 năm 1986 thấp hơn khoảng 2,5 lần giá năm 1973

- Giá nhóm 3 năm 1986 thấp hơn khoảng 3 lần giá năm 1973

- Giá nhóm 4 năm 1986 thấp hơn khoảng 4 lần giá năm 1973

- Giá nhóm 5 năm 1986 cao hơn khoảng 4 lần giá năm 1973

(Vàng 1986 là 190.000 đồng/lượng và 1973 chỉ còn 50.204 đồng/lượng)


Từ bảng so sánh này ta thấy giá cả năm 1986 đã tụt xuống quá thấp so với mặt phẳng nền, trừ nhóm 5 và vàng thì ngược lại. Nếu ta lấy giá dịch vụ lao động tự do mà xét, thì nếu năm 1973 một lượng vàng nuôi sống gia đình được 1 tháng thì năm 1986 nó nuôi sống một gia đình được 16 tháng (thời đó ai có vàng thì đỡ khổ là vậy).

Cuộc tranh luận về kéo giá xuống hay phải đẩy giá lên đã rõ. Nhà nước đã đứng vào vị trí của người tiêu dùng và trên nền tảng tư duy bao cấp tiền lương, nên thấy mọi giá cả đều lên, nhưng nếu đứng ở góc độ sản xuất nghĩa là cái gốc của nền kinh tế lúc bấy giờ thì giá đã làm cho mọi ngành sản xuất đều lỗ, đều ăn vào vốn, cả nền kinh tế đang tan rã.

Thế là công trình nghiên cứu đầu tiên của Nhóm là "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" được biên soạn, đến tháng 3 năm 1987 là in ấn xong. Đây là một kiến nghị với Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương mà nội dung hoàn toàn không đồng tình với việc dùng biện pháp hành chính kéo giá xuống, trong khi giá đã xuống đến mức làm tan rã nền kinh tế Việt Nam.

Từ công trình này, Nhóm nghiên cứu Cholimex gây được tiếng vang tại Hà Nội qua cuộc thuyết trình của ba anh em Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn trước 30 cán bộ cấp Bộ, Thứ trưởng, Vụ trưởng do ông Võ Văn Kiệt tổ chức cho anh em trình bày nội dung đề án. Tiếp theo đó là các công trình nghiên cứu khác ra đời với đề tài:

- Đổi mới hệ thống ngân hàng.

- Xây dựng chánh sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam.

- Qui hoạch vùng để phát triển kinh tế.

Đối với tôi, sau khi cùng tham gia vào 4 đề tài nghiên cứu trên, có thể nói là như đã học xong 4 năm đại học kinh tế. Và từ đó tôi đọc say mê sách về kinh tế như đọc tiểu thuyết chưởng của Kim Dung. Các hiện tượng kinh tế tôi biết đến đều được suy luận theo phương pháp tư duy vật lý, từ đó bắt đầu có thể tham gia bàn luận với anh em trong các lãnh vực kinh tế.

  • Mời theo dõi tiếp kỳ 3: Nhóm Thứ Sáu: Gắn cuộc đời với thời vận đất nước
 
Nhóm Thứ Sáu: Gắn cuộc đời với thời vận dân tộc


Với Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, sự gắn bó như một duyên phận không cần một hợp đồng hay một hẹn ước. Tuy mỗi người có những cảnh ngộ trong cuộc đời khác nhau, nhưng đều có cùng tâm tư, đó là những băn khoăn trăn trở, lo âu cho vận mệnh và tương lai của dân tộc.


Sự hình thành Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề đối với anh em trong Nhóm có thể là một câu lạc bộ xả hơi vui vẻ, nhưng đối với chúng tôi thì hết sức có ý nghĩa. Nó không những cung cấp cho tôi những kiến thức cũng như lý luận về kinh tế vĩ mô, đồng thời đã giúp tôi tự tin để tham gia xây dựng các chương trình phát triển kinh tế cụ thể như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước sau này.
Sau Nghị quyết VI- nghị quyết về Đổi Mới - nền kinh tế chuyển động từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, trong đó cải cách giá là vấn đề then chốt, kế đến là việc giải toả tình trạng ngăn sông cấm chợ lâu nay làm cản trở sự lưu thông hàng hoá tự do trên thị trường; đồng thời phải để quy luật cung cầu được vận hành đưa hàng hoá từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nhà nước cũng kịp thời đề ra chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế bắt đầu khởi sắc.

Và anh em chuyên viên trong Nhóm đã tích cực hơn nữa, từ việc nghiên cứu các chuyên đề kinh tế, tiến lên phát biểu ý kiến của mình qua các báo cáo, góp phần cho việc xoá cơ chế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường. Và tôi cũng một lần nữa với sự khuyến khích của anh em tham gia vào việc phát biểu trên báo những vấn đề mà mình quan tâm.

Tam-sec-dau-gia-AsusLA.jpg



Ông Phan Chánh Dưỡng (người ngoài cùng phía bên phải).

Nói đến viết báo, viết những đề tài về kinh tế xã hội, ít ai biết rằng các bài viết của tôi luôn phải nhờ anh Phan Thành Chánh, các anh chuyên viên trong công ty đọc qua để sửa cho tôi các lỗi chính tả, hay có thể sửa một đoạn văn tối nghĩa. Quả thật hình như trong suốt 20 năm qua, khi từ ngành giáo dục chuyển qua ngành kinh tế, từ quản lý một công ty, xí nghiệp cho đến tiến hành xây dựng những chương trình phát triển kinh tế cấp quốc gia từ Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, tôi luôn luôn được Nhóm chuyên viên ủng hộ, trong đó có người cộng tác liên tục gần 20 năm như anh Chánh, và trên 10 năm như anh Tước, anh Khanh, anh Sáng, anh Minh. Nhóm chuyên viên đã đóng góp vô cùng to lớn cho tất cả chương trình kinh tế tôi đảm nhận. Nếu không có các anh, chắc là các chương trình kinh tế đó không thể có được và sự nghiệp và cuộc đời tôi sẽ vô cùng khác so với hôm nay. Nói đến mối quan hệ giữa người với người, tôi không chỉ có những người bạn có kiến thức nhiều hơn tôi như Nhóm chuyên viên nghiên cứu chuyên đề Thứ Sáu, mà còn có các nhóm bạn có kiến thức ít hơn tôi nhiều lần, những đứa bạn học từ tiểu học, những người bạn hàng xóm trước kia ở quê.

Điều lạ lùng là dù rằng gặp lại nhau, tôi nói - các anh bạn nghe là chủ yếu, nhưng khi các anh kể các câu chuyện về cuộc sống quanh họ thì nơi đó cũng có những bài học rất đáng quí cho tôi. Do đó chúng tôi luôn giữ mối quan hệ gắn bó nhau cả mấy chục năm qua, những kiến thức, thông tin của họ cho tôi lúc nào cũng thật cụ thể, nói lên trạng thái thật của xã hội.
Một quan hệ khác liên quan với Nhóm Thứ Sáu và có ảnh hưởng lớn đến tôi đó là những người lãnh đạo tôi hay cấp cao hơn, xin trân trọng ghi lại:

- Anh Hồng Tôn Như, Giám đốc công ty Cholimex đầu tiên, cũng là người sáng lập công ty. Tôi quen với anh từ năm 1976 và anh đã chọn tôi làm cán bộ phụ tá giúp việc xây dựng Cholimex.

Trong quá trình làm việc chung, anh luôn là người lãnh đạo chuẩn mực, bản lĩnh, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Anh đã "dám" sử dụng anh em trí thức được đào tạo trước năm 1975 một cách thật sự, đó là sự khởi đầu một điểm tựa đầu tiên của anh em.

- Anh Võ Trần Chí, tôi biết anh lúc anh làm Bí thư Quận uỷ Quận 5. Vào năm 1979, gia đình tôi có người vượt biên, tôi vô cùng lo lắng nên đã tìm đến anh nói rõ sự việc trên. Anh đã tiếp tôi và nói một câu làm tôi vô cùng cảm kích: "Mỗi người có hoàn cảnh và có ý chí riêng, không có gì phải buồn, tôi cũng có bà con gặp phải tình cảnh đó".

Không biết có phải anh nói có phải để an ủi tôi hay không nhưng câu nói anh cũng có bàn con có cùng cảnh ngộ với tôi làm tôi cảm thấy gần gũi, ấm lòng. Và chính từ sự việc này, về sau, bất cứ vấn đề gì tôi đều trình bày với anh một cách chân thật và thẳng thắn, cái nào thấy đúng thì nói đúng, cái nào thấy sai thì nói sai, không có một chút dè dặt giữ kẽ gì cả.

Chính vì thế khi anh giữ chức Bí thư Thành uỷ, tôi luôn mạnh dạn nghĩ ra những gì có thể đóng góp cho thành phố (trong tâm tôi nghĩ là đóng góp với anh nghĩa là đóng góp cho thành phố). Rõ ràng chính anh là người khai sinh ra Nhóm nghiên cứu chuyên đề.

- Anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Anh Sáu cũng thường xuyên thăm Nhóm chuyên viên sinh hoạt khi Nhóm còn ở Cholimex. Anh cũng rất trọng anh em trí thức. Tôi lại có dịp cùng anh đi khảo sát thị trường nước ngoài từ năm 1987.

Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, tôi có dịp trình bày hết tất cả gia cảnh thân thế cũng như những suy nghĩ của tôi về kinh tế, về tình hình thành phố và những điều tôi ước muốn làm cho thành phố, như xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ Đài Loan.

Ý kiến đóng góp của Nhóm chuyên viên luôn được tôi trình bày lại với anh. Và chính anh đã quyết đoán: kiến nghị với Trung ương cho thành lập Khu chế xuất Tân Thuận và sau đó với sự lãnh đạo của anh Hai Chí và sự chỉ đạo trực tiếp của anh Phạm Chánh Trực, Khu chế xuất Tân Thuận đã từng bước phát triển như ngày hôm nay.

Đề án này được xem như nhóm chuyên viên đã đóng góp một chương trình cụ thể cho thành phố Hồ Chí Minh.

- Chú Võ Văn Kiệt. Lần đầu tiên tôi được gặp mặt là năm 1987 khi ông với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về kế hoạch có buổi nói chuyện với anh em trí thức (cũ).

Cuộc họp diễn ra hai ngày trong phạm vi khoảng ba chục người, do đó mọi người đều có cơ hội phát biểu ý kiến của mình. Buổi chiều đến lượt tôi phát biểu, tôi còn nhớ rất rõ là đầu tiên tôi xin đặt câu hỏi với đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: "Vì sao nói kế hoạch từ dưới lên?". Ông đã hỏi ngược lại: "Thế thì anh hiểu nó như thế nào?"

Tôi mạnh dạn nói: "Kế hoạch luôn phải từ trên xuống, nhưng phải trên cơ sở số liệu thống kê chính xác, trung thực từ dưới lên". Ông bật cười lớn và cho phép tôi phát biểu luôn trên nửa giờ, một thời gian gấp đôi các anh em khác. Sự thẳng thắn của tôi ắt đã được đồng chí lãnh đạo ghi nhận.

Từ đó trong những lần gặp mặt khác trong các buổi họp, mọi vấn đề bức xúc trong xã hội, trong kinh tế đều được tôi phát biểu mạnh đạn không còn e dè gì nữa. Nhưng cũng có nhiều anh em can tôi không nên nói quá thẳng thừng như vậy, phải nhớ ta đang ở xã hội gì và đang nói với ai, nói có đúng quan điểm của lãnh đạo hay không?

Trong tình hình xã hội lúc bấy giờ lời khuyên đó không phải sai, nhưng tôi nghĩ rằng những dịp gặp được lãnh đạo Trung ương là rất hiếm, tại sao ta không tranh thủ nói nhưng sự thật đã xảy ra trong xã hội, những gì mà mình suy nghĩ để lãnh đạo biết? Còn nói theo quan điểm, theo ý của lãnh đạo thì đã có nhiều người chung quanh các vị ấy nói rồi và nói còn hay hơn ta nhiều, do đó lãnh đạo chắc cũng không cần nghe thêm.

Tiếp theo là chương trình xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận. Lúc bấy giờ thành phố đã xin Trung ương cho xây dựng khu chế xuất ở Cát Lái (Saigon Sepzone), nhưng không tiến triển được nên đề nghị Trung ương cho thành lập thêm Khu chế xuất Tân Thuận. Do đó việc thông qua quyết định của Trung ương vô cùng gian nan, nhưng cuối cùng chúng tôi đã cố gắng giải trình thành công.

Tan-Thuanzing.vntvn3.jpg


Ảnh: zing.com

Khu chế xuất Tân Thuận được Thủ tướng phê duyệt, cấp giấy phép và trở thành Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam. Từ đó một loạt các đề án khác do tôi phụ trách được triển khai bên khu vực Nhà bè - Bình Chánh, tạo nên một hệ thống các dự án đầu tư ở phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, làm thay đổi cả bộ mặt nghèo khổ của vùng đất ngập mặn. Các đề án này đã tạo ra tiền đề quan trọng nhất cho việc phát triển thành phố ra biển Đông. Trong thời gian này, tôi có thêm cơ hội làm việc trong Tổ tư vấn Thủ tướng trong suốt nhiệm kỳ chú Sáu Dân làm Thủ tướng. Điều tôi cảm thấy tự hào nhất là luôn được dịp bày tỏ tấm lòng, ý chí đóng góp sức mình cho đất nước bằng những lời nói thẳng thắn nhất với Thủ tướng. Và cũng được Thủ tướng cho phép thực hiện các đề án phát triển kinh tế quốc gia lớn như các chương trình phát triển thành phố Hồ Chí Minh ra biển Đông như đã diễn ra.
Người ca sĩ hạnh phúc nhất là được hát cho thính giả mình nghe, người cán bộ luôn mong được làm việc hết mình với người thủ trưởng, người lãnh đạo anh minh luôn lo cho dân cho nước. Người trí thức luôn muốn trí tuệ và tri thức của mình được sử dụng có ích cho xã hội.

Nhưng giới trí thức khó có thể tự sử dụng khả năng của mình mà phải cần một môi trường, một điểm tựa, một minh chúa mới có thể thi thố tài năng. Khi xưa, Khổng Minh ra giúp Lưu Bị vì gặp người tri ngộ nên dù cãi lại mệnh trời nhưng cũng quyết thử một phen.

Gắn cuộc đời với thời vận đất nước

Đã hơn hai chục năm trôi qua, điều đáng băn khoăn khi nhìn lại anh em trong Nhóm, kẻ đã đi xa, người đã theo ông bà, anh em còn lại và bổ sung sau này khoảng 15, 16 người, những tuổi đời cũng đã xế chiều. Tôi thuộc loại trẻ trong Nhóm cũng đã quá sáu mươi. Làm thế nào để trí tuệ và kiến thức của anh em được đóng góp cho đất nước này thêm nữa, làm gì để có người nối sự nghiệp "nghiệp dư" này, một sự nghiệp "ăn cơm nhà vác ngà cho vua"?

Bước qua thế kỷ mới, Nhà nước ta đang đề ra chủ trương mới quyết tâm tiến vào nền kinh tế tri thức, để theo kịp bạn bè năm châu bốn biển; để xứng danh con Rồng cháu Lạc. Nhà nước đã bỏ ra nhiều tiền của đưa người ra nước ngoài để truy lùng tri thức, nhưng thật trớ trêu, cái gì bỏ tiền ra mua thì có giá trị, và giá càng cao càng quí, nhưng cái tri thức có sẵn trong nước vì không bỏ tiền mua nên không quí trọng! Nhưng thôi, anh em ta cứ làm nghiệp dư, miễn tri thức ta hữu dụng cho xã hội là được, không cần phải định giá làm gì!

Cuộc đời con người tuy ngắn ngủi, nhưng nếu chúng ta lạc quan tích cực đem một phần sức mình đóng góp cho xã hội như Nhóm nghiên cứu kinh tế Thứ Sáu làm trong 24 năm, thì ít ra cũng có một số sự kiện đáng được ghi lại như các anh em đang làm.

Nhớ lại năm 1983, khi tôi nhận được giấy của anh tôi bảo lãnh gia đình đi định cư ở nước ngoài, tôi có do dự một vài ngày, sau đó đã quyết định ở lại. Quyết định đó tôi xem như một sự cá cược cả cuộc đời, tôi đã gắn cuộc đời mình với thời vận của đất nước.

Đối với Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, sự gắn bó như một duyên phận không cần một hợp đồng hay một hẹn ước. Tuy mỗi người có những cảnh ngộ trong cuộc đời rất khác nhau, nhưng tôi nhận ra anh em đều có cùng một tâm tư, đó là những băn khoăn trăn trở, lo âu cho vận mệnh và tương lai của đất nước. Phải chăng đây mới là lý do tại sao Nhóm anh em chuyên viên có thể ngồi với nhau trong mỗi buổi tối thứ Sáu và có mặt trong các chương trình kinh tế do Công ty tôi đảm trách suốt hơn hai chục năm qua.


Tác giả: Phan Chánh Dưỡng
Nguồn :Tuanvietnam.net
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top