Tư liệu về Tản Đà

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tản Ðà - Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939)
(trích Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến)


Tản Ðà là biệt hiệu (tên ghép của núi Tản và sông Ðà), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888 lại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (Bắc phần). Thân phụ là cụ Nguyễn danh Kế, thân mẫu là ả đào hát hay, thơ giỏi, thường gọi Phủ Ba.
Tản Ðà là con dòng thứ. Ông có hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn tài Tích và Nguyễn Cổn; ngoài ra, còn người anh cùng mẹ là Nguyễn Mạn.

Thuở nhỏ ông theo học Hán văn, sau nhờ người anh cả là Phó bảng Nguyễn tài Tích làm đốc học, hết lòng chỉ dẫn nên ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Ngay lúc còn học ở trường Quy thức ông nổi danh với bài Âu Á nhị châu hiện thế, được các báo Trung hoa ở Hương cảng đăng trong mục xã thuyết.

Năm 1909, ông bị hỏng ở khoa thi Hương (Kỷ dậu).

Năm 1912, ông yêu cô gái bán sách họ Ðỗ ở phố Hàng Bồ. Tản Ðà chiều theo ý muốn của nàng đã phải dùng bằng Ấm sinh để thi Hậu bổ, nhưng bị rớt vấn đáp. Mùa thu năm ấy, ông thi Hương lại hỏng luôn. Mối tình vì đó tan vỡ ; nàng đi lấy chồng; Tản đà đành ôm mối tình tuyệt vọng từ đây.

Sau khi ông anh cả Nguyễn tài Tích mất, Tản Ðà ra làm báo. Vừa viết cho Ðông dương tạp chí của ông Nguyễn văn Vĩnh (1913), vừa viết cho Nam phong thì bị ông Phạm Quỳnh vì muốn tranh thời danh mà thẳng tay mạt sát quyển Giấc mộng con nên không hợp tác được. Ra làm chủ bút tạp chí Hữu thanh (1921); nhưng vốn là nhà thơ, không quen nghề làm báo nên không bao lâu Hữu thanh đình bản. Ông lập Tản Ðà thư cục, rồi cho ra An nam tạp chí (1926); nhưng cũng đình bản. Tản Ðà vào Gia định (Nam phần) ở tại Xóm Gà viết cho báo Thần chung và Ðông Pháp thời báo của ông Diệp văn Kỳ. Nhưng rồi ông lại ra Bắc tái bản An nam tạp chí. Tờ báo này lại chết làm tan vỡ cái mộng "bồi lại bức dư đồ" của Tản Ðà. Ông đành quay về dịch thơ Ðường cho báo Ngày nay, chú thích truyện Kiều, dịch Liêu trai chí dị cho nhà xuất bản Tân Dân.

Tác phẩm của ông suốt 25 năm trong nghề văn, nghề báo gồm có:

Tiểu thuyết :Thề non nước, Trần ai tri kỷ ( truyện ngắn, 1932 ), Giấc mộng lớn, Giấc mộng con I (1916), Giấc mộng con II (1932).

Luận thuyết : Tản Ðà tùng văn (bản chính, bản phụ), Tản Đà văn tập (hai quyển gồm những bài viết ở Đông phương tạp chí in thành sách 1932), Tản Ðà xuân sắc (1934), Khối tình (1918).

Giáo khoa : Lên sáu, Lên tám, Đài gương truyện, Quốc sử huấn mông, Ðàn bà Tàu (trích dịch liệt nữ truyện).

Dịch thuật : Đại học, Ðường thi, Liêu trai chí dị (40 truyện).

Tuồng chèo : Tây Thi, Tỳ Bà hành, Lưu Nguyễn nhập Thiên thai.

Đến năm 1939, Tản Đà qua đời tại số 71 Ngã tư Sở, ngày 20 tháng 4 năm Kỷ mão Âm lịch, nhằm ngày 7 tháng 5 năm 1939 tại Hà Nội.

*
Đem đặt Tản Đà lên hàng đầu chiếc chiếu thi đàn Việt nam ở giai đoạn tiền chiến mở màn cho kỷ nguyên thi ca mới, có lẽ các bạn sẽ gợn lên một thoáng ngạc nhiên; nhưng rồi sự cảm xúc ấy sẽ lắng dịu ngay khi chúng ta hiểu rằng Tản Ðà là một hồn thơ cũ đã sớm cảm thông hồn thơ mới của lớp người trẻ; thi nhân đã đóng vai trò của nhịp cầu nối liền hai thế hệ tân và cựu.

Sau khi thực dân chiếm xong giải đất này, đặt ngay guồng máy cai trị, nhốt chặt muôn triệu linh hồn Việt nam, tuy chậm tiến trước sức mạnh vũ bão của cơ giới văn minh, nhưng vẫn là những tâm hồn khao khát cái cao rộng của trời xanh. Tản-Ðà tuy không phải là chiến sĩ tích cực giải phá lao lung, nhưng cũng phát lộ được ý chí "bồi lại bức dư đồ", giãi tỏ niềm ưu ái đối với quốc gia, dân tộc.

Tiếp đấy là một cuộc tấn công mới của thực dân trên địa hạt văn hóa; họ đem cái học thuật Tây phương gieo rắc sự hiểu biết cần thiết của một trách vụ phục dịch để củng cố thế đứng vững chắc trên thực dân địa; tuy nhiên nó cũng có khả năng tiêu hủy căn bản văn hóa cổ truyền của một dân tộc nhỏ bé. Ðó là hồi chuông gióng lên báo hiệu sự bắt đầu suy tàn của nền học cũ. Hồn thể của Tản Ðà đã hấp thụ thâm đậm nền Nho học Ðông phương, những mong đem sự hiểu biết của mình để thi thố với đời. Nào ngờ, ngọn gió văn minh Tây phương thổi đùa cái căn bản tri thức của Tản Ðà tan như khói tỏa, cho nên Tản Ðà đã buồn đau khi phải chứng kiến sự thoái vị của nền cựu học.

Như để cứu vãng một thân bị lỡ làng, Tản Ðà đã không bắt chước các cụ thời xưa thường hay rút về an hưởng cảnh nhàn khi chán ngán một thực tế đắng cay, hoặc lấy tay bưng bít việc đời mặc kệ sự giả dối, lật lọng, phản trắc cứ tiếp diễn; Tản Ðà khác hơn, đã thả hồn mình trong "giấc mộng con", "giấc mộng lớn", làm một cuộc viễn du vòng quanh thế giới như cố tìm hiểu tận cội rễ cái mới mẻ của nền tân học. Sau đấy, ta thấy Tản Ðà như làm cuộc cách mạng trong tâm hồn, tư tưởng liền biến đổi, thu được khoảng cách trước bước tiến của lớp trẻ; tiếng lòng của thi nhân được diễn đạt thành tiếng tơ réo rắt giữa cái tân kỳ của lớp người mới mà ta không cảm mấy bị lỗi nhịp hoặc sượng sùng; vì lúc bấy giờ Tản Ðà đã trang bị cho mình những gì cần thiết trong cuộc hòa nhạc. Cũng có cái lãng mạn của J. Leiba hay Hồ Dzếnh sau khi "bị tiếng sét ái tình" của người con gái họ Ðỗ; cũng có cái mộng mơ hư thực của Lưu trọng Lư, Thế Lữ; cũng có nỗi niềm tha thiết với quê hương trong mấy vần thơ của Thâm Tâm, Trần huyền Trân; lại có cái say sưa của Vũ hoàng Chương; Tản Ðà còn vượt bực hơn thi nhân trẻ ở cái ngông. Một cái ngông mà Trời còn chạy mặt; nó đã trở thành một bản án của vị trích tiên Tản Ðà còn ghi rành rành trong quyển sổ Thiên tào:

Bẩm quả có tên "Nguyễn khắc Hiếu";
Ðày xuống hạ giới về tội ngông.
(Bầu Trời)

Bây giờ ta thử lượt qua khái quát những dòng tư tưởng của Tản Ðà.
Trước nhất, hãy nói đến khuynh hướng lãng mạn. Sau khi bị tan vỡ mộng tình cùng nàng Ðỗ thị, Tản Ðà đã dành cho tình yêu chiếm một chỗ quan trọng trong thi ca. Từ thuở ban sơ khi tim mình bắt đầu rung động, thi nhân tự hỏi:

Quái lạ vì sao cứ nhớ nhau ?;
Nhớ nhau đăng đẳng suốt đêm thâu.
Bốn phương mây nước người đôi ngả;
Hai gánh tương tư một gánh sầu.

Nhịp lòng dậy lên niềm thổn thức khi thẫn thờ cô độc đứng dưới ánh trăng suông, thảng thốt thi nhân kêu lên như than thở:

Mình ơi có nhớ ta chăng;
Nhớ mình đứng tựa ánh trăng ta sầu.

Nhớ thì vẫn nhớ đấy, nhưng từ lúc chàng trượt kỳ thi Hậu bổ, rồi lại thi Hương lần nhì hỏng nốt, con chim hồng của thi nhân vội tung cánh tuyệt mù, để lại một tâm hồn sầu tủi lỡ dở bước đường mây, tan rã giấc mộng tình. Ta hãy nghe thi nhân kêu đau trong những vần thơ nhẹ nhàng, gợi cảm:

Duyên hồ thắm bổng dưng phai lạt.
Mối tơ vương đứt nát tan tành.
Tấm riêng, riêng những thẹn mình.
Giữa đường buôn đứt gánh tình như không !.
*
Ái ân thôi có ngần này.
Thề nguyền non nước đợi ngày tái sinh ...

Thực tế quá đắng cay, chua chát! Thi nhân xoay đường tình vào cõi mộng. Một "giấc mộng con" cũng đã làm thỏa mãn yêu đương còn hơn mười năm nuôi dưỡng ái tình cùng người đẹp. Tản Ðà đã đem thực tế và cõi mộng ra so sánh:

Nhớ mộng.
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi.
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng.
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu.
Vài khi cánh điệp bốn phương trời.
Tìm đâu cho thấy người trong mộng.
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai?.
(Giấc mộng con).

Thất bại đường tình ở hiện thực, thi nhan xây giấc mộng tình cùng người con gái ở tận trời Tây, nàng Chu Kiều-Oanh, phải chăng là hình ảnh nàng Ðỗ thị? Ở Giấc mộng con, chúng ta còn thấy bóng dáng người con gái mến yêu; đến bài Tống biệt, tình ái của thi nhân lờ mờ trong sương phủ. Hãy đọc:

Tống biệt.
Lá đào rơi rắc lối Thiên thai.
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh.
Một bước trần ai.
Ước cũ duyên thừa, có thế thôi!.
Ðá mòn, rêu nhạt.
Nước chảy, huê trôi.
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Ðầu non,
Ðường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
*

Bàn đến tinh thần ái quốc, chúng ta thấy bộc lộ sự bất mãn (1) ngay từ khi Tản Ðà va chạm phải cái thối nát của đám quan lại ở chốn trường thi; chỉ vì tin ở tài bộ có thừa mà không chịu uốn mình theo khuôn phép nên bị đánh hỏng. Ðã đau lòng trước cảnh nước nhà gặp bước suy vong lụn bại trong vòng kiềm tỏa, cương thường đạo nghĩa nghìn xưa đảo lộn, lại thêm bọn sâu dân mọt nước tiếp tay với thực dân đục khoét mảnh giang san ra tơi tả, đau thương, thi nhân đã bày tỏ ý gì trong bài:

Vịnh bức dư đồ rách.
Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười,
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi!

Tình yêu nước của Tản Ðà nhẹ nhàng, loáng thoáng. Sau khi người anh cả chết, ông nhất quyết ra làm báo vì nghĩ rằng đấy là phương tiện để ông dùng ngòi bút khí giới muôn đời của kẻ sĩ đóng góp với non sông. Tản Ðà đã lập chí như thế nào? Ta hãy nghe:

Phận nam nhi tang bồng là chí,
Chữ trượng phu ý khí nhường ai.
Non sông thề với hai vai,
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son.

Giá lúc bấy giờ lòng ông đen tối, ham chạy theo bả lợi danh, chỉ cần đồng ý với thực dân Vayrac, ra làm quan thì thoát ngay cảnh nghèo dễ như bỡn. Nhưng không, lòng ông đã nặng thề cùng non nước:

Thề non nước.
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời "nguyện nước thề non",
Nước đi chưa lại non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Trời Tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non, nước nước không nguôi lời thề.
*
Say và ngông của Tản Ðà phải đi đôi. Nó là trạng thái tất nhiên của một tâm hồn kết tụ bởi buồn, chán và bực tức. Buồn cho ái tình dở lỡ, bẽ bàng; chán cho tình đời đen bạc, thêm nghĩ mình sinh bất phùng thời, mang một kiếp tài hoa mà chẳng có đất thi thố để cho phường vô tài thiếu đức múa rối trên tấn kịch xã hội. Tản Ðà mới mượn câu thơ chung rượu khỏa lấp sầu tư để quên sự đời, quên cái thân hình phù du của con người. Tản Ðà vẫn viết "say sưa là hư đời", nhưng trong cái đau nhừ của thể xác thi nhân đã tìm được đôi khắc sung sướng ở tâm hồn. Nhiệt độ của men rượu quả có năng hiệu đốt cháy mọi phiền não của tâm cơ, nâng đẩy hình hài thoát khỏi thực tại chua chát, hồn phách bỗng trở nhẹ lâng lâng. Ta hãy đọc những vần dưới đây để biết tại sao Tản Ðà cần phải say:

Lại say
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thì hư vậy, say thì cứ say.
Ðất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy,
Nhìn non xanh chẳng thấy lại là say
Quái! Say sao? Say mãi thế nầy?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh,
Thê ngôn túy tửu chân vô ích.
Ngã dục tiêu sầu thả tự do.
Việc trần ai, ai tỉnh, ai lo,
Say lúy túy nhỏ to đều bất kể.
Trời đấy nhỉ! Cái say là sướng thế!
Vợ khuyên chồng, ai dễ đã chừa ngay,
Muốn say lại cứ mà say.

Từ say đến ngông chỉ là một bước lân cận. Nếu tình yêu đã choán nhiều chỗ trong tác phẩm của ông, thì tánh ngông cũng không chịu kém. Có người viết về cái ngông của Tản Ðà như sau:

"Nếu đọc thơ Tản Ðà trên mọi khía cạnh mà không đọc những bài thơ cũng như những đoạn văn về ngông của ông thì thật là một lỗi lầm rất lớn và có thể cho rằng như vậy chính là chưa đọc hết thơ của Tản Ðà!"

Nếu ở mười tám năm trước đây, một Trần tế Xương suốt đời phải lận đận lao đao vì khoa cử công danh mà nảy ra tư tưởng chán đời đến độ bất cần sự đời, đâm ra lêu lỏng ăn chơi, nổi tiếng là:

"Vị xuyên có bác Tú Xương,
Quanh năm ăn quỵt, chơi lường mà thôi."
hay:
"Một ngọn đèn xanh, một quyển vàng,
Bốn con làm lính, bố làm quan.
Quạt nước chưa xong con nhảy ngược;
Trống chầu chưa dứt, bố leo thang."
Thật ra ngông không ai hơn.

Thế rồi không bao lâu, nhà thơ Tản Ðà lại tiếp tục sự nghiệp ngông ấy. Cái ngông trong thơ Tản Ðà gần như là một vấn đề phải có đối với ông, vì nó đã phản ảnh được cá tính cũng như cuộc sống lúc bấy giờ của tác giả.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Như mọi người đều biết, Tản Ðà làm văn nghệ nhưng suốt đời vẫn sống trong cảnh túng thiếu, nghèo nàn không thua gì ông tú làng Vị xuyên, nghèo đến nước:

"Ôi trời! ôi đất! ôi là tết!
Tháng cận năm cùng, gạo cũng hết."
(Than tết)

hay:
"Tết đến năm nay nghĩ cũng buồn,
Tiền thì không có, nợ đòi luôn."
(Tết than việc nhà)

Với cảnh nghèo cùng quẫn, tiền bạc không có, vay trước trả sau, Tản Ðà quá chán chường cuộc sống, nảy sinh tư tưởng bất cần đời, vì ông tin rằng "bôn ba chẳng qua thời vận" rồi ông đâm ra liều lĩnh, ăn chơi cho thỏa thích, mặc đến đâu thì đến. Làn văn chương chẳng cần mực thước, vui thì làm, buồn thì nghỉ. Những điều vừa nói, ta thấy tâm trạng của thi nhân qua bài Còn chơi, tiêu biểu khuynh hướng ngông của tác giả:

Còn chơi.
Ai đã hay đâu tớ chán đời,
Ðời chưa chán tớ, tớ còn chơi.
Chơi cho thật chán, cho đời chán,
Ðời chán nhau rồi, tớ sẽ thôi.
Nói thế, can gì tớ đã thôi,
Ðời đương có tớ, tớ còn chơi.
Người ta chơi đã già đời cả,
Như tớ năm nay mới nửa đời.
Nửa đời chính độ tớ đương chơi,
Chơi muốn như sao thật sướng đời.
Người đời ai có chơi như tớ,
Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi.
Chơi văn sướng đến thế thì thôi,
Một mảnh trăng non chiếu cõi đời.
Văn vận nước nhà đương buổi mới,
Như trăng mới mọc, tớ còn chơi.
Làng văn chỉ thiếu khách đua chơi,
Dan díu, ai như tớ với đời.
Tớ đã với đời dan díu mãi,
Muốn thôi, đời cũng chửa cho thôi.
Ðời đương dang díu, chửa cho thôi,
Tớ dám xa xôi để phụ đời.
Vắng tớ bấy lâu, đời nhớ tớ,
Nhớ đời, nên tớ vội ra chơi.
Tớ hãy chơi cho qúa nửa đời,
Ðời chưa quá nửa, tớ chưa thôi.
Tớ thôi, tớ nghĩ buồn cho tớ,
Buồn cả cho đời vắng bạn chơi.
Nào những ai đâu, bạn của đời?
Sao mà bỏ vắng, ít ra chơi?
Chớ ai chờ mãi, ai đâu tá?
Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi?
Nếu tớ như ai: cũng ngán đời,
Ðời thêm vắng bạn, lấy ai chơi?
Cuộc đời tớ nghĩ chưa nên ngán,
Nếu ngán thời xưa tớ đã thôi.
Tớ nhớ năm xưa nửa ngán đời,
Nghĩ đi, nghĩ lại, lại ra chơi.
Mê chơi cho tới thành dan díu,
Ðời dẫu cho thôi, tớ chẳng thôi.
Nghĩ tớ bao nhiêu, lại nghĩ đời,
Nghĩ đời như thế, dám nào thôi.
Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi,
Chơi mãi cho đời có bạc chơi.
Tớ muốn chơi cho thật mãn đời,
Ðời chưa thật mãn; tớ chưa thôi.
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng!
Dù chóng hay lâu, tớ hãy chơi.
Trăm năm, tớ độ thế mà thôi,
Ức, triệu, nghìn năm chửa hết đời.
Chắc có một phen đời khóc tớ.
Ðời chưa khóc tớ, tớ còn chơi.
Trăm năm còn độ bấy nhiêu thôi,
Ngoài cuộc trăm năm, tớ dặn đời.
Ức, triệu, nghìn năm đời nhớ tớ.
Tớ thôi, tớ cũng hãy cùng chơi.
Bút đã thôi rồi, lại chửa thôi,
Viết thêm câu nữa, hỏi đời chơi:
"Lộng hoàn"này điệu từ đâu tới?
Họa được hay không? Tớ đố đời.

Bất mãn với thời thế, Tản Ðà cũng như bao nhiêu người khác, những lúc quá ê chề chán nản cho cuộc sống hẩm hiu, người ta thường sống trong cõi mộng, nuôi một hy vọng ở tương lai sẽ sáng sủa, thắm tươi hơn, vì tin rằng "hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai" nên thi nhân tự hỏi: "có lẽ ta đâu mãi thế này", bởi thế cho nên Tản Ðà mơ mộng thật nhiều, mơ mộng cuộc sống sẽ huy hoàng, tên tuổi sẽ sáng chói, những tác phẩm sẽ bán thật nhiều để điểm tô cho cuộc đời thêm khởi sắc, đây ta hãy nghe thi nhân kể lại giấc mơ đó trong bài:

Hầu Trời
Ðêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn, thật phách, thật thân thể,
Thật được lên tiên sướng lạ lùng!
Nguyên lúc canh ba nằm một mình,
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh.
Nằm buồn ngồi dậy đun nước uống,
Uống xong ấm nước nằm ngâm văn.
Chơi văn ngâm chán, lại chơi trăng,
Ra sân cùng bóng đi tung tăng.
Trên trời bỗng thấy hai cô xuống,
Miệng cười mủm mỉm cùng nói rằng:
"Trời nghe hạ giới ai ngâm nga,
"Tiếng ngâm vang cả sông Ngân hà.
"Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng
"Có hay lên đọc, Trời nghe qua."
Ước mãi bây giờ mới gặp Tiên!
Ngườ Tiên nghe tiếng lại như quen
Văn chương nào có hay cho lắm,
Trời đã sai gọi thời phải lên.
Theo hai cô Tiên lên đường mây,
Vù vù không cánh mà như bay.
Cửa son đỏ chói oai rực rở!
Thiên môn Ðế khuyết như là đây?
Vào trông thấy Trời, sụp muốn lạy,
Trời sai Tiên nữ dắt lôi dậy,
Ghế bành như tuyết, vân như mây,
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đây.
Tiên đồng pha nước, uống vừa xong,
Bỗng thấy chư Tiên đến thật đông,
Chung quanh bày ghế ngồi la liệt,
Tiên bà, Tiên cô, cùng Tiên ông.
Chư Tiên ngồi quanh đã tỉnh túc,
Trời sai pha nước để nhắp giọng.
Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe,
"Dạ, bẩm lạy Trời, con xin đọc."
Ðọc hết văn vần, sang văn xuôi,
Hết văn thuyết-lý, lại văn chơi.
Ðương cơn đắc ý đọc đã thích,
Chè trời nhắp giọng càng tốt hơi!
Văn dài, hơi tốt ran cung mây,
Trời nghe trời cũng lấy làm hay.
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi.
Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày.
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Ðọc xong mỗi bài, cùng vỗ tay.
"Bẩm con không dám man cửa Trời,
"Những các văn, con in cả rồi:
"Hai quyển "Khối tình" văn thuyết lý:
"Hai "Khối tình con" là văn chơi:
"Thần tiên", "Giấc mộng" văn tiểu thuyết:
"Ðài gương", "Lên Sáu" văn vị đời;
"Quyển "Ðàn bà Tàu" lối văn dịch;
"Ðến quyển "Lên Tám" nay là mười,
"Nhờ Trời văn con mà bán được,
"Chửa biết con in ra mấy mươi!"
Văn đã giàu thay, lại lắm lối,
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười.
Chư tiên ao ước, tranh nhau dặn:
"Anh gánh lên đây bán chợ trời."
Trời lại phê cho: "Văn thật tuyệt!
"Văn trần được thế chắc có ít?
"Lời văn chuốt đẹp như sao băng!
"Khi văn hùng mạnh như mây chuyển!
"Êm như gió thoảng, tinh như sương!
"Ðầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
"Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?
"Người ở phương nao? Ta chửa biết!"
- "Dạ, bẩm lạy Trời, con xin thưa:
"Con tên "Khăc Hiếu" họ là "Nguyễn"
"Quê ở Á-châu về Ðiạ-cầu.
"Sông Ðà, núi Tản, nước Nam Việt."
Nghe xong, Trời ngợ một lúc lâu,
Sai bảo Thiên-Tào lấy sổ xét.
Thiên Tào tra sổ xét vừa xong,
Ðệ sổ lên trình Thượng đế trông:
"Bẩm quả có tên "Nguyễn khắc Hiếu"
"Ðày xuống hạ giới về tội ngông"
Trời rằng: "Không phải là trời đày,
"Trời định sai con một việc này:
"Là việc "thiên lương của nhân loại"
"Cho con xuống thuật cùng đời hay."
- "Bẩm trời, cảnh con thật nghèo khó,
"Trần gian thước đất cũng không có.
"Nhờ trời năm xưa học ít nhiều,
"Vốn liếng còn một bụng văn đó.
"Giấy người, mực người, thuê người in,
"Mướn cửa hàng người bán phường phố.
"Văn chương hạ giới rẻ như bèo!
"Kiếm được đồng lãi thật rất khó!.
"Kiếm được có ít, tiêu phải nhiều,
"Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.
"Lo ăn, lo mặc suốt ngày tháng,
"Học ngày một kém, tuổi càng cao!
"Sức trong non yếu, ngoài chen rấp,
"Một cây che chống bốn năm chiều.
"Trời lại sai con việc nặng quá,
"Biết làm có nổi, mà dám theo?"
- Rằng: "Con không nói, Trời đã biết,
"Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết.
"Cho con cứ về mà làm ăn,
"Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết.
"Cố xong công việc của Trời sai,
"Trời sẽ cho con về Ðế khuyết"
Vâng lời Trời dạy, lại xin ra,
Trời sai Khiên Ngưu đóng xe tiễn.
Xe trời đã chực ngoài Thiên môn,
Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt.
Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi,
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi.
Thiên tiên ở lại, Trích tiên xuống,
Theo đường không khí về trần ai.
Ðêm khuya khí thanh, sao thưa vắng,
Trăng tà đưa lối về non Ðoài.
Non Ðoài đã tới quê trần giới,
Trông lên chư tiên không còn ai!
Tiếng gà xao xác, tiếng người dậy,
Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi.
Một năm ba trăm sáu mười đêm,
Sao được đêm đêm lên hầu Trời.

Ðọc qua ta thấy cái ngông của Tạn Ðà nhẹ nhàng, ý nhị, không quá trắng trợn như cái ngông của ông Tú Vị xuyên Trần tế Xương:

Vị xuyên có bác Tú Xương,
Quanh năm ăn quỵt chơi lường mà thôi.

hay là:

Ông trông lên bảng thấy tên ông,
Ông tớp rượu vào, ông nói ngông,
Cụ Sứ có cô con gái đẹp,
Lăm le xui bố cưới làm chồng.

Trình bày cái ngông của mình, trước mặt Trời thi nhân kể lể tâm sự của một khách văn chương như ông, văn rất hay nhưng khổ nỗi "văn chương hạ giới rẻ như bèo", bởi thế cho nên:

Kiếm được đồng lãi thật rất khó!

nhưng:
Kiếm được có ít, tiêu phải nhiều.
Chính vì thế mà:
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.
Lo ăn, lo mặc, suốt ngày tháng.
Trong khi đó thì:
Sức trong non yếu, ngoài chen rấp,
Một cây che chống bốn năm chiều.

Chính vì những ý nghĩ đó mà Tản Ðà ngông và muốn:

" Tớ muốn chơi cho thật mãn đời,
Ðời chưa thật mãn, tớ chưa thôi.
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng?
Dù chóng hay lâu tớ hãy chơi."

Tình và ý thơ của Tản Ðà còn bàng bạc trong các tác phẩm. Một phần nhỏ mọn của quyển sách này không làm sao luận cạn. Từ cái hướng nhắm của hai tác phẩm Lên sáu và Lên tám, tác giả đã lấy sự giáo dục làm lợi khí trong việc đào tạo tinh thần đoàn kết và lòng thương nước của trẻ con; qua Ðài gương truyện và Ðàn bà Tàu đã nói nhiều về trách vụ người phụ nữ; đến lòng ái quốc của tiên sinh được bộc lộ rải rác trong những văn thi phẩm mà chúng tôi đã luận qua khái quát ở phần trên.

Riêng phương diện tình ái, ta thấy tình yêu của Tản Ðà tuy nhẹ nhàng nhưng không kém đậm đà, tha thiết. Ngọn lửa yêu đương đã thành hình và bốc cháy trong tâm can cũng như đã trải ra trên trang thơ nét chữ là thứ tình yêu mang màu sắc của người phương Ðông; mặc dù yêu nhau nặng, tình cảm đã trào dâng nhưng không dám thổ lộ quá cởi mở như người phương Tây.

Nói đến cái ngông. Từ khi Tản Ðà đã lỡ bước đường mây, thua thiệt trong tình ái, lại thấy trên sân khấu đời nhởn nhơ phường bất tài bất trí, thương cho một thân chứa đựng tài hoa mà đành khoanh tay chịu cảnh nghèo, nhìn mọi diễn biến chán ghét trong vở bi hài kịch xã hội; ngần ấy bất mãn đã nung sôi lòng bực tức, ông đâm ra ngông nghênh, nói theo danh từ thời đại nó là cái bốc đồng nhất thời vậy. Ngông là cái thói khinh đời, ngạo thế. Nó là cái trạng thái khi cái tri thức bị rượt đuổi đến bước đường cùng. Bị uất ẩn mà không làm sao giải tỏa; ước định lo cho đời mà đời chẳng cho lo; những tâm hồn bị đè nén đâm ra tư tưởng cóc cần đời. Vì thế, Tản Ðà quyết định: vậy thì cứ ăn chơi cho thỏa thích, chơi đến đời chán mới thôi; nhưng như vậy là đã thiên về vật chất; cái tình vị tha vị xã trườc kia nay bị co rút vào tháp ngà của cuộc sống hiện hữu được gói ghém kỹ trong một cá thể.

Nói chung, cái ngông này, Tản Ðà quyết định mang đến kỳ cùng hơi thở. Nó là một hình thức chống đối thời thế đã không chìu lòng người, mà còn hất hủi xô đẩy Tản Ðà trở thành một con người bất đắc chí vì chưa thỏa mãn được sứ mạng thi hành cái "thiên lương (*) " mà Trời đã giao phó.


***

Chú thích.
(*) - Thiên lương gồm ba chất:
1) Lương tri là cái tri thức người ta vốn biết , không cần phải suy nghĩ và học tập.
2) Lương tâm là cái thiện tâm của người ta sẵn có.
3) Lương năng là cái tài năng người ta không học mà có.
Thiên lương nằm trong học thuyết Vương Dương Minh.
Tản Ðà chủ trương : muốn cho nước tiến bộ phải cải thiện xã hội; muốn cải thiện xã hội phải cải thiện con người; muốn cải thiện con người phải phát triển thiên lương.
Ðây là một khía cạnh yêu nước của nhà thơ họ Nguyễn.

Bài liên quan : Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

( Theo Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top