Tư liệu về nhà văn Thạch Lam

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Tư liệu về nhà văn Thạch Lam
thachlam.jpg

Tiểu sử: Thạch Lam sinh ngày 7-7-1910, tức ngày 1- 6 âm lịch, năm Canh Tuất tại Thái Hà Ấp, gần Hà Nội; mất ngày 28-6-1942 tại làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây, vì bệnh lao. Bút hiệu khác: Việt Sinh. Là con thứ sáu trong gia đình, cha là Nguyễn Tường Nhu. Quê nội làng Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Quê ngoại: huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tên khai sinh hồi nhỏ là Nguyễn Tường Vinh, năm 15 tuổi làm giấy khai sinh lại, đổi tên là Nguyễn Tường Lân. Năm lên bảy, cha qua đời. Thủa nhỏ học trường sơ học Cẩm Giàng tới 14 tuổi. 15 tuổi, đỗ bằng cơ thủy, xin tăng 4 tuổi để được vào học ban thành chung. Ðỗ bằng Thành Chung năm 16 tuổi, sau đó, vào học trường canh nông, được một năm, xin thôi, vào học trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài phần thứ nhất, quyết định nghỉ trường, ở nhà học các anh.

Từ 1931, Thạch Lam bắt đầu làm báo, viết cho những tuần báo Phong Hoá, Ngày Nay, Tiểu Thuyết Chủ Nhật. Tác phẩm đầu tay Gió đầu mùa tuy được độc giả hoan nghênh, nhưng sách của Thạch Lam tương đối vẫn bán chậm nhất trong Tự Lực văn đoàn. Tập tiểu luận Theo giòng chứng tỏ Thạch Lam có một quan niệm rõ ràng về sáng tác và một lý luận văn học chặt chẽ.

Tác phẩm đã in: Gió đầu mùa, truyện ngắn, Ðời Nay, Hà nội, 1937. Nắng trong vườn, truyện ngắn, Ðời Nay, Hà nội, 1938. Ngày mới, truyện dài, Ðời Nay, Hà Nội, 1939. Theo giòng, tiểu luận văn học, Ðời Nay, Hà Nội, 1941. Sợi tóc, truyện ngắn, Ðời Nay, Hà Nội, 1942. Hà Nội băm sáu phố phường, Ðời Nay, Hà Nội, 1943.

Theo báo Thanh Nghị (số 17, ra ngày 16-7-1942), Thạch Lam còn để lại hai tác phẩm khác, nhan đề HuyềnThập niên đăng hỏa. Theo Ðỗ Ðức Thu, Thạch Lam muốn viết Thập niên đăng hỏa "Mười năm đèn lửa" nhưng cái chết đến quá sớm. Ðinh Hùng cũng nhắc đến thời kỳ thập niên đăng hoả: "Anh sẽ viết Thập niên đăng hoả, một thiên ký kể lại thời kỳ suốt mười năm anh dan díu với ả phù dung. Hiện anh đã ly dị cùng ả rồi, nhưng "mười năm đèn lửa biết bao nhiêu tình"? (xem bài Ðỗ Ðức Thu, Ðinh Hùng, trên Thế Kỷ 21, số này). Theo Tú Mỡ, Thạch Lam có viết kịch. Trong Từ điển văn học, Hà Nội, 1984, Nguyễn Hoành Khung nhắc đến tuỳ bút "Nghệ thuật ăn Tết", bên cạnh "Hà Nội băm sáu phố phường".

Khi Ðời Nay, cho in Hà Nội băm sáu phố phường, có hứa ở trang đầu: "Chúng tôi sẽ còn sưu tầm văn phẩm về đủ các loại của Thạch Lam để in ra Thạch Lam văn phẩm toàn tập. Tập Hà Nội băm sáu phố phường này là bước đầu trong công việc ấy". Tiếc rằng Ðời Nay đã không tiếp tục công việc sưu tầm văn bản của Thạch Lam, và ngày nay trở thành công việc của chúng ta.

Một chú thích: Trong Văn 36, tưởng niệm Thạch Lam, ra ngày 15-6-1965, có bài sưu tầm của Lãng Nguyên, tựa đề Thạch Lam ký giả và họa sĩ , với đoạn sau đây: "Ngoài tài viết văn, làm thơ, Thạch Lam còn là một hoạ sĩ. Khi vẽ ông ký tên thật là Nguyễn Tường Lân. Trong Ngày Nay số 2, ta thấy có bài phê bình tranh ông như sau: "Bức họa "Hiện vẻ hoa", cô con gái ngồi im lặng dưới bức dèm vừa cuốn của Nguyễn Tường Lân làm ta nghĩ đến những bức hoạ mỹ nhân, nét bút linh diệu nhẹ nhàng của hoạ sĩ Tàu và Nhật. "Trên đường Bắc Kạn" cũng là một bức họa đẹp nét vẽ giản dị, màu không nhiều. Ông Lân năm nay đã tỏ ra một họa sĩ có bản năng, các hình màu đã rõ rệt, không có mịt mù như trước nữa."

Tới năm 1939, tranh vẽ của Thạch Lam đã được họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung nhận xét rằng"Vẫn dí dỏm gẩy lên những nét vui tươi xinh xắn trên những đường toàn thể rất sơ sài"(Ngày nay, số 193, ra ngày 23-12-1939).

Khi còn sinh thời họa sĩ Lê Thị Lựu, chúng tôi có hỏi bà về vấn đề này, thì được biết: Bà có học cùng với Nhất Linh ở trường Mỹ Thuật Ðông Dương trong một thời gian và hoạ sĩ Nguyễn Tường Lân không phải là Thạch Lam. Mới đây, chúng tôi hỏi lại họa sĩ Phạm Tăng, thì ông cũng xác định: Họa sĩ Nguyễn Tường Lân không phải là Thạch Lam, ông đã từng gặp hoạ sĩ Nguyễn Tường Lân trong kháng chiến, và sau ông Lân bị Việt Minh thủ tiêu vì tình nghi có hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1947), là tác giả bức tranh lụa nổi tiếng "Hiện vẻ hoa" vẽ một thiếu nữ hay thiếu phụ ngồi trên đôn sứ, trước bức rèm cuốn, vẽ năm 1943, hiện để ở Viện bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội.
 
Hành trình cảm giác

Nếu Thạch Lam là họạ sĩ,

Nếu Thạch Lam là nhạc sĩ,

Nếu Thạch Lam là nhà thơ,

Thật ra Thạch Lam có thể là cả ba, bởi nhà văn ấy ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình ảnh. Thử ngắm và nghe bức tranh Thạch Lam vẽ Nắng trong vườn, một bức tranh rất tầm thường, nhìn qua ta có cảm tưởng như ai cũng có thể viết được:

"... tôi thong thả theo con sông Cống, chạy khuất khúc lên giữa các đồi. Một cái cầu gỗ mong manh bắc qua sông. Hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuôi xuống tận gần bờ, giữa luồng gió thoảng và cái tiếng rì rào như nhớ nhung của lá thông trái gió nhắc tôi nghĩ đến những cảnh rộng rãi, bao la.

Buổi chiều rất êm ả. Về phía tây, mây trời rực rỡ những màu sáng lạn và ánh nắng chiều loáng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ rào rào như trận mưa; tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây." (Nắng trong vườn, in lại tại Hoa Kỳ, trang 8)

Ngòi bút vờn phác một dòng sông, có cầu gỗ bắc ngang, chấm phá thêm hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuống, rồi điệu nhạc thầm nổi lên với âm chìm của tiếng thông "trái gió", tiếng nắng chiều "loáng" trên sông, họa cùng âm nổi trong tiếng chim vỗ cánh "rào rào" như mưa, tiếng chim "lặn" vào chân mây... tất cả nhịp nhàng giao hoà trong thanh lặng, như thể cây cọ vẽ đến đâu, nhạc đệm len lỏi đến đấy, nhạc thoát ra từ thanh âm thầm kín của những con sông chạy khuất khúc, những cây thông chạy từ đỉnh đồi xuống bờ sông, những lá thông trái gió/nắng chiều loáng/ đồi ruộng tím lại/ đàn chim vụt bay/ cánh vỗ rào rào như mưa,cho đến lúc vết đen của đàn chim lặn hẳn... nhạc cũng chìm vào chân mây.

Vậy mà dường như Thạch Lam không làm văn cũng không tả cảnh, ông chỉ đơn thuần ghi lại hành trình cảm giác. Ðối với ông, những ngõ dẫn con người ra khỏi trạng thái bình thường, tầm thường, để đến với những gì khác thường, có thể thay đổi toàn diện mạch sống, đôi khi phát xuất từ những cơ nguyên rất nhỏ như một tia nắng, vài cụm mây, mấy giọt sương, đôi mắt ngây thơ của đứa trẻ, tia lửa hồng trong lò sưởi... vô vàn hạt châu vây quanh quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thấy, chúng ta vô tình dẫm lên, quay lưng lại. Thạch Lam lặng lẽ nhặt lên "từng hột sáng" ấy, dẫn chúng ta trở về lối cũ, dưới gốc hoàng lan, hưởng lại những mùi xưa, mùi tuổi thơ, mùi quê hương đã tàn phai trong trí nhớ truân chuyên phủ nhiều bụi bặm chua chát của trưởng thành. Nhà văn bảo chúng ta thử "ngửi cái mùi cát, mùi đất, lẫn mùi khói rác người ta đốt ở đầu làng buổi chiều, theo gió với sương mà tràn vào trong phố." rồi Thạch Lam mách chúng ta nghe "tiếng tích tắc đều đều kêu se sẽ cái sống ban đêm của giây cót thép", cho ta biết "nước giữ cái mát của đêm trên mặt, và cây hồng giữ cái mát của đêm trong kẽ lá", tất cả những thứ đó tạm gọi là những "thủ pháp" sống, tiếng Pháp có chữ "truc", láu hơn; và những nhân vật của Thạch Lam đầy những "truc" nhỏ như thế, Bính (trong Buổi sớm) cảm thấy "cái yên" và cái mát" gặp nhau trong giác quan "thứ sáu" của mình: "yên tĩnh và mát quá, một cái yên tĩnh mát hay một cái mát yên tĩnh chàng cũng không biết nữa" (trang 116), Bính còn nhận ra cả "cái chấm đỏ thắm như màu mệt của một ngọn đèn lục lộ treo giữa lối, lặng chiếu từ đầu xa" (trang 116).

Phải thính và tinh lắm mới nhìn được những màu sắc như thế, nghe được những tiếng động như thế, hoặc bắt gặp được "đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần" như thế (trang 102).

Với giác quan "thứ sáu", Thạch Lam hay "chú sáu" có khả năng làm cho cái tĩnh trở thành cái động, cái động trở thành cái tĩnh, đôi khi cả tĩnh lẫn động cùng lên tiếng một lúc trong cõi giác vô âm: giác quan bí mật của nhà văn cộng hưởng với óc tưởng tượng của chúng ta; và để tạo nhạc, nhà văn không cần đến những tiếng động có sẵn, ồn ào bên ngoài.

Âm thanh, màu sắc, hương thơm, thoảng táp vào ngũ quản những bước âm thầm. Thạch Lam đã tìm ra con đường huyền bí nối liền thiên nhiên và con người, những huyền bí ấy đôi khi ta cảm thấy, nhưng không thể nói ra, không thể diễn tả một cách chính xác. Cuộc đi của Thạch Lam bao giờ cũng mở đầu bằng một ngẫu nhiên hết sức tầm thường:

"Gần hết mùa hè ... Tôi không rời bỏ Hà Nội một cách đột nhiên. Buổi sớm kia, khi trở dậy trong căn phòng nhà trọ, tôi thấy ánh nắng rực rỡ xuyên qua các khe lá đến nhẩy múa trên mặt tường.


Trời trong và gió mát quá, khiến tôi chợt nhớ đến cánh đồi, ruộng ở chỗ ông Ba ở mà đã lâu năm tôi chưa về thăm." (Nắng Trong Vườn, trang 7).

Ðó là lối kết hợp ngẫu nhiên và thiên nhiên, một bí quyết nghệ thuật thường thấy trong tác phẩm của Thạch Lam: Hôm nay trời nắng, nẩy ra ý đi chơi, từ đó sinh ra bao "sự" khác: gặp lá, gặp hoa, gặp người... Hôm nay trời mưa, giở quyển sách cũ ra đọc, lạc lối đến một chỗ khác, vào những quanh co rắm rối khác của tư tưởng...

Bên kia sông, quê tác giả, qua con cầu gỗ, có một chốn bí mật gọi là bến Sen, cậu sáu hồi đó muốn sang khám phá lắm nhưng chưa dám. Tình cờ có anh bạn ở bên Sen xin vào học cùng trường. Thế là có dịp sang chơi bên Sen, gặp và yêu chị Thúy... Bà Cả (trong Ðứa con) là một người đàn bà không có con, keo kiệt và đanh ác. Bỗng một hôm được bế một đứa bé kháu khỉnh, lòng dịu đi, bà thay đổi thái độ, trở nên rộng rãi gần như nhân từ... Chỉ cần một chút than hồng, khơi thêm ngọn lửa trong lò sưởi, Vân (trong Bóng người xưa) đã thấy hiện lên hình ảnh một người vợ khác - người đàn bà trẻ chàng đã yêu ngày xưa - khác hẳn người vợ già mà chàng luôn luôn dày vò và hành hạ bây giờ. Ðổi hẳn cách sử xự với vợ, từ lãnh đạm tàn ác chàng trở lại với âu yếm săn sóc... Chỉ cần một hôm dậy sớm, tiếp nhận"cái yên tĩnh mát" của buổi sáng và "một thứ ánh sáng lạnh và biêng biếc như thiếc mới" là Bính thấy "máu bắt đầu chẩy mạnh như xô nhau đi đón khí trời trong" và chàng đã tìm lại được "buổi sáng" mà từ lâu, sống đời trác táng giang hồ, chàng đã "quên không biết buổi sáng thế nào"...

Thạch Lam khác với những người cùng thời, kể cả các anh. Trong khi mọi người thi nhau viết tiểu thuyết luận đề, hoặc hiện thực xã hội, với những mục đích chính xác: lên án xã hội hoặc cổ vũ quần chúng theo con đường mới. Thạch Lam cũng muốn "tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác" đấy, như ông viết trong "Lời nói đầu" tập Gió đầu mùa, nhưng Thạch Lam không cải thiện, giáo huấn mà ông nhờ thiên nhiên, nhờ tình cờ nói hộ để gián tiếp "gơị ý" cho ta biết chỉ một "sự" cỏn con như vậy cũng có thể thay đổi định mệnh con người; ta có thể sống cao hơn, nhân ái hơn, tại sao không nghĩ ra? Và tất cả chỉ chênh vênh trên một "sợi tóc", ai cũng có thể "làm nên" hay "làm xuống" những truyện tầy đình. Từ chối chỉ đạo mà chỉ gợi ý, Thạch Lam đã làm công việc của một nhà thơ trong văn và ông coi ngẫu nhiên như một tất yếu của cuộc sống.

Phê bình Tchekhov, Nabokov có những nhận xét tinh vi: ông phân biệt Tchekhov với Gorki, theo ông, Tchekhov là nghệ sĩ đích thực (artiste authentique) còn Gorki là nghệ sĩ giáo khoa (artiste didactique); và Nabokov thuật lại một giai thoại về Tchekhov, theo lời nhà báo Korolenko, lúc hai người mới quen nhau, Tchekhov hỏi:

- Anh có biết tôi viết truyện như thế nào không?
- Như...

Korolenko còn đang lưỡng lự chưa biết trả lời thế nào. Tchekhov nhìn quanh bàn, thấy ngay chiếc gạt tàn thuốc lá, cầm để trước mặt Korolenko và bảo:

- Nếu anh muốn, ngày mai tôi sẽ có một truyện cho anh, nhan đề "Chiếc gạt tàn thuốc lá".

Lập tức, chiếc gạt tàn thuốc lá, đối với Korolenko, đã biến dạng trở thành cái gì thần diệu: những tình huống hư ảo, những cuộc phiêu lưu nào đó chưa thành hình, bắt đầu kết tinh chung quanh cái gạt tàn thuốc lá để trước mặt ông...

Thạch Lam có nhiều điểm giống Tchekhov: như Tchekhov, Thạch Lam cũng chỉ viết được đoản thiên (truyện dài duy nhất Ngày mới chỉ là một truyện ngắn kéo dài) và Thạch Lam không viết luận đề cũng không bịa ra những tình huống éo le cho hợp với "chủ đề". Thế Lữ kể: Thạch Lam không cần tìm "đầu đề", tìm "câu chuyện". Ðúng vậy, với Thạch Lam, cái gì cũng có thể là một "đầu đề", kể cả sợi tóc. Hơn nữa, một nhà văn đích thực, trên nguyên tắc, không thể "bí" được, tại sao? vì họ có thể "xoay" được trong tất cả mọi tình huống. Trong đời sống, mỗi thực thể đều có một "sự sống" riêng, kể cả sợi tóc, kể cả chiếc gạt tàn thuốc lá... vấn đề là bạn có đủ tinh tế để nhận ra và đủ óc tưởng tượng để kếtnối những tương quan trong trời đất, trong đồ vật, sự vật và con người với nhau không. Nếu đầy đủ những khả năng ấy thì lúc nào và ở đâu, bạn cũng có thể viết được, nếu thực sự muốn viết.

Tchekhov có thể viết dễ. Còn Thạch Lam, vẫn theo Thế Lữ, cũng viết dễ: "cái người tối hôm trước trả lời tôi rằng chưa biết viết gì, sáng hôm sau đã cho tôi cảm động vì một tập truyện viết đều hàng, nét chữ nhỏ và nhanh, câu văn đằm thắm... "(Thế Lữ, Tính cách tạo tác của Thạch Lam, Thanh Nghị số 39, in lại trong Văn số 60, tháng 6-1966); nhưng Hồ Dzếnh lại bảo Thạch Lam viết rất khó: "Thạch Lam là người viết rất khó khăn và thận trọng. Có những truyện anh phải viết đi và sửa lại tới bốn lần như truyện Sợi tóc, Một cơn giận, Nhà mẹ Lê" (Hồ Dzếnh, Với Thạch Lam, tạp chí Sông Hương, số 31 tháng 5-6, 1988, in lại trong Tự Lực Văn Ðoàn trong tiến trình văn hoá dân tộc, nxb Văn hoá Thông Tin, Hà Nội 2000, trang 506).

Cả Thế Lữ lẫn Hồ Dzếnh đều có lý, bởi cái dễ và cái khó có thể hiểu theo nhiều cách, ngay khi Tchekhov tuyên bố như trên cũng chưa chắc là ông viết dễ. Nói là dễ, bởi trong đầu những nghệ sĩ đích thực luôn luôn có nhiều tia sáng lóe ra về bất cứ một đề tài, một bối cảnh, một nhân vật, một tình huống... gì, có thể gọi là những tia sáng tạo, là cảm hứng này khác, Lâm Ngữ Ðường gọi là những "con trùng" nó đục, nó thúc, bắt buộc phải viết, phải vẽ, phải làm thơ... nếu không thì không thể chịu được. Nhưng sau cái "khâu" trùng phá hoại hay "xúi dại" đến công việc đứng đắn hơn, tức là sửa lại văn bản, một mình khổ sai với chữ nghĩa, Lê Ðạt gọi là "phu chữ", việc ấy nhanh hay chậm tùy người.

Phê bình Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan cho rằng Thạch Lam "tiến bộ" rất nhiều từ hai tập truyện ngắn Gió đầu mùa, Nắng trong vườn sangđến Sợi tóc. Theo ông, trong Sợi tóc có năm truyện thì chỉ có Dưới bóng hoàng lan là tầm thường còn bốn truyện kia thuộc loại những truyện ngắn hay nhất Việt Nam. Cảm nhận như thế, có thể bởi Vũ Ngọc Phan không tinh tế như Thạch Lam, cho nên ông đã không tiếp nhận được những cái hay khác của Thạch Lam, trong Gió đầu mùa, nhất là Nắng trong vườn, mà ông cho là nhà văn chỉ "chuyên tả cảnh", hết "nương chè bên sườn đồi" lại đến "vườn sắn bên sườn đồi"... và rất tiếc là nhiều người viết sau hay chép lại nhận định của Vũ ngọc Phan mà không suy xét, kể cả một người khá thận trọng như Ðỗ Ðức Thu... Còn một hướng khác, đến từ một số nhà phê bình muốn kéo Thạch Lam vào hàng ngũ những nhà văn "đấu tranh giai cấp" và có lẽ "nhờ đó" mà Thạch Lam là nhà văn trong Tự Lực văn đoàn được "phục hồi" sớm nhất. Tuy nhiên kéo vĩnh cửu xuống nhất thời cũng là điều chẳng nên làm, hãy để Thạch Lam giữ nguyên địa vị nhà văn đích thực của ông, với những tư tưởng nghệ thuật và nhân văn vượt trên mọi yếu tố tranh chấp nhất thời của các cuộc cách mạng này khác.

Số sáu có nhiều gắn bó với Thạch Lam, sinh vào tháng sáu âm lịch, mất tháng sáu dương lịch, là người con thứ sáu trong gia đình Nguyễn Tường, trong cuộc đời ngắn ngủi 32 năm, kể cả đoản thiên đầu tay Cô áo lụa hồng, in trên Phong hoá, số ngày 4-10-1935, là hơn sáu năm đích thực viết văn, Thạch Lam đã để lại sáu cuốn sách nhỏ, trung bình mỗi năm một cuốn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn(1938), Ngày mới, tiểu thuyết (1939), Theo giòng, tiểu luận (1941), Sợi tóc (1942), Hà Nội băm sáu phố phường (1943). Những truyện ngắn của Thạch Lam trong ba tập Gió đầu mùa, Nắng Trong vườn, Sợi tóc và tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường là một chuỗi tác phẩm viết khá đều tay, mỗi quyển đều có một số truyện thật hay, xứng đáng xếp vào loại những truyện ngắn giá trị của Việt nam trong thế kỷ hai mươi.

Một tác giả viết đều đều, với phẩm chất cao như thế là nhiều chứ không phải ít. Nhiều người trách Thạch Lam viết ít, cũng là trách vội. Có lẽ Thạch Lam chỉ cho in những gì ông biết là sẽ trụ được, trong khi khá nhiều tác giả nổi tiếng thường hay tham lam, lạm dụng tên tuổi của mình, gì cũng in, làm ô nhiễm những tác phẩm giá trị của chính mình và trong một chừng mức nào đó đánh lừa độc giả.
 
Nắng trong vườn

Nhận xét về Thạch Lam, Khái Hưng đưa ra một nét rất chính xác: Thạch Lam dám viết hết những cảm nghĩ trong đầu: "Ở Thạch Lam sự thành thật trở nên sự can đảm, đọc nhiều đoạn văn của Thạch Lam, tôi rùng rợn cả tâm hồn. Tôi xin thú thật rằng những điều nhận xét gay go về mình và những người sống chung quanh mình, tôi cũng thường có song vị tất đã dám viết ra. Tôi vẫn ước ao có cái can đảm ấy nhưng không sao có được cái can đảm mà tôi thấy ở Tolstoi, mà trong đám văn sĩ mới ở nước ta tôi thấy ở Thạch Lam. Lòng ta là một thế giới mênh mông, nếu ta để trí suy xét của ta len vào các ngách các nơi kín tối chăm chỉ tìm tòi, ta sẽ thấy nhiều mới lạ. Tưởng sống tới trăm tuổi ta cũng không biết thực rõ được lòng ta" (trích theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III , Ðại Nam in lại, trang 495)."

Ðúng là Thạch Lam có bạo hơn các anh, bạo hơn những nhà văn cùng thời. Ông dám viếtdám sống những gì ít ai dám làm, trong thời ấy: Thạch Lam là người duy nhất trong gia đình lấy vợ vì yêu (theo Thế Uyên). Các anh Nhất Linh, Hoàng Ðạo đều hô hào tự do hôn nhân, nhưng các ông lại lấy vợ theo diện bà mối, thậm chí các ông còn chẳng thèm đi xem mặt cô dâu, mà nhờ em gái xem hộ (hồi ký Nguyễn Thị Thế). Sự kiện này, làm cho chúng ta hiểu rõ hơn thái độ cực kỳ mới của Thạch Lam trong Nắng trong vườn với những đoản văn có tính chất tự truyện đầy nét tính dục: Các cô chỉ 15, 16; chàng "tuổi chỉ mới mười ba" đã yêu lần đầu. Thời ấy, trong văn chưa có "nhà nào" bạo thế, trừ đám nhà thơ vẫn quen yêu sớm: Nguyễn Bính chả biết mấy tuổi đã yêu "Chị Trúc", Hoàng Cầm, 7 tuổi đã biết yêu, 12 tuổi yêu da diết "chị Vinh" (lá diêu bông), nhưng cả hai đàn em này vẫn chưa bằng anh Thạch Lam, ở tuổi 13 (vào khoảng năm 1923) đã dám yêu "chị Thuý", tức là cậu sáu hồi đó bằng "tuổi của nàng", Nguyên Sa ba mươi năm sau! Yêu sớm cũng chẳng có gì ghê gớm, thiếu gì người làm được, kể cả anh Khái Hưng, nhưng cái tái táo bạo của Thạch Lam là dám viết phăng ra trên giấy trắng mực đen điều đó ở thời điểm nghi lễ tôn nghiêm, anh cả, anh hai, anh ba, anh tư đều mẹ đặt đâu, con xin ngồi đấy; đám cưới anh Tam áo the khăn đoạn, xe rước râu chạy mấy vòng Hà Nội. Có phải chính ở cái chỗ "can đảm" ấy mà em Sáu đã làm cho anh Hưng phải "rùng rợn cả tâm hồn" chăng?

Rùng rợn hay không, Thạch Lam là người đi trước thời đại, tự do trong một xã hội đầy cấm kỵ và thành kiến. Thạch Lam không đòi hỏi tự do như những người khác mà ông thể hiện tự do qua cách sốngyêu một cách hồn nhiên, không gượng ép, không mảy may nề hà đến nền đạo lý chặt chẽ bao bọc chung quanh: Hậu trong truyện Nắng trong vườn, mới 15, 16 tuổi đã không ngừng tấn công cậu Bính rất sát: "Hậu ngồi sát lại bên tôi, tôi nghe thấy hơi thở của cô rồn rập. Buổi sớm cô mặc cái áo lụa mỏng màu đỏ, càng tươi bên nước da trắng muốt của Hậu. Tôi đoán thấy cái thân hình mềm mại, hai cánh tay chắc rắn, đôi vú nhỏ và tròn. Người Hậu như thoảng ra một thứ hương thơm ngát và say sưa" (sđd, trang 20)."Hậu đưa tay nắm lấy tay tôi, lần lên vai rồi kéo tôi lại gần mình. Mái tóc chúng tôi vướng vào nhau, tôi thấy trước môi tôi cái miệng xinh thắm của nàng. Chúng tôi lặng lẽ ôm lấy nhau, say sưa trong cái hôn đầu tiên đắm đuối của linh hồn".(trang 21)

Một đêm trăng rằm, cả gia đình đi xem hội bắt cá ở làng Vị, được người anh họ giữ lại xem hội đêm, mình Hậu phải về trông nhà, Bính cũng "tìm cớ thoái thác xin về", và "Thế là chỉ có hai chúng tôi xuống thuyền. Bấy giờ trời đã tối, trăng bắt đầu lên, một mặt trăng vàng đỏ, to như một cái nia, từ từ nhô lên sau rặng thông ở chân đồi. Tôi đỡ Hậu xuống thuyền, rồi chúng tôi cởi giầy, để mặc thuyền theo giòng suối (... )

Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy tôi, kê đầu vào má tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dang của Hậu quấn lấy tôi như một giây leo. Chúng tôi hoà hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xoã trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm.

Khi tiếng trống hội làng Vị đã nghe không rõ, Hậu ngồi dậy ở đầu thuyền, một tay dúng xuống sông? Nàng nghịch tung những hạt nước long lanh sáng như hạt ngọc" (trang 24).

So sánh đoạn văn này (viết khoảng những năm 36-37), với những đoản văn khác của những người cùng thời viết về tình yêu, về sự gần gũi thể xác, mới thấy Thạch Lam đi trước thời đại.

Người bạo nhất, có lẽ là Khái Hưng trong Hồn Bướm mơ tiên, từ 1933, đã cho Ngọc tán sát chú tiểu Lan, dụ chú tiểu ngủ cùng, nhiều lần cố tình đẩy chú tiểu ngã vào lòng mình, Khái Hưng đưa ra cảnh "chạy đàn" bất hủ, cảnh Ngọc đằng co với chú tiểu, Lan ngã, bị xổ áo, rất sexy, nhưng Khái Hưng chưa dám cho các nhân vật hôn nhau, kể cả trong Trống Mái. Nguyễn Tuân mới chỉ lơ mơ nhắc đến các "cố nhân". Nhất Linh trong Ðoạn tuyệt, Ðôi bạn, gần như yêu chay, đến Bướm trắng,Trương chỉ được tiếp xúc thể xác một cách rất hàm thụ với Thu qua trung gian chiếc áo cánh, và khi được hôn Thu là đã tự cho mình đi đến "một mực cao cực điểm và từ nay trở đi chỉ là lúc tàn dần" (Bướm trắng, in lại ở Hoa Kỳ, trang 151).

Nắng trong vườn là một truyện tình mùa hè giữa người con gái 15, 16 và cậu học trò 18, từ Hà Nội về quê nghỉ hè ở nhà người bạn cũ của cha trên đồn điền trồng sắn và trà. Hậu là con gái trại chủ. Nắng trong vườn, giữa thập niên ba mươi, Thạch Lam không viết một truyện tình lãng mạn kiểu cũ nữa, không yêu thầm, nhớ trộm trong tim, trong óc, mà là một truyện tình consommer, tình đi tới đích thể xác và không "có hậu". Các nhân vật của Thạch Lam không sử sự với nhau như Dũng, Loan trong Ðoạn tuyệt, Ðôi bạn, như Mai, Lộc trong Gánh hàng hoa, họ đi thẳng vào "thực chất vấn đề", không qua trung gian lễ nghi, cưới hỏi, đạo đức xã hội.

Truyện của Thạch Lam có không khí tự do của thập niên 60, những năm "đợt sóng mới" (nouvelles vagues) trong Bonjour tristesse-Buồn ơi chào mi, với những mối tình mùa hè, hết hè chia tay, rất thực tiễn, không thề thốt yêu nhau trọn đời, bởi ở tuổi ấy đã biết thế nào là trọn đời, mà thề thốt? Rồi xa nhau vì chính họ quyết định như thế: hết hè, Bính về Hà Nội, không thư từ cho Hậu nữa. Trước khi yêu Bính, Hậu cũng biết rồi sẽ như thế, nhưng vẫn bước vào cuộc tình. Sự đắm đuối ở những mối tình trong tập Nắng trong vườn đậm chất thể xác "Hậu quấn lấy tôi như một giây leo", người con gái biết thân xác mình là thuộc về mình chứ không thuộc về cha mẹ, và đó là một trong những yếu tính căn bản của ý thức tự do. Trong truyện "Ðêm sáng trăng", Mai đã sống với người yêu những đêm trăng thần tiên trước khi đi lấy chồng và trước ngày cưới người ta thấy "nàng nằm chết dưới vệ ao, mái tóc xổ ra vướng lẫn với cánh bèo" (trang 73).

Ðêm sáng trăng là một huyền thoại mới về tình yêu, với những bức tranh tuyệt đẹp:" Trong cái vườn nhỏ bên bờ ao, Tuấn nằm trên chiếc chõng kê vào bóng tối, ngửa mặt lên trời. Chàng nhìn trăng qua cành là tre, cành lá sắc và đen như mực vắt qua mặt trăng như một bức tranh tàu. Rêu ở tấm đá gần đó bốc lên hơi lạnh. Bức tường hoa giữa vườn sáng ánh trăng lên, lá lựu dầy và nhỏ lấp lánh như thuỷ tinh.

Bóng cây trông mát quá, thân mật và kín đáo. Tim chàng đập mạnh lên. Tuấn với tay và lắng tai nghe; như có tiếng là động, tiếng chân đi nhẹ nhàng, và nhỏ nhắn. Một cành cây cong xuống, rồi vụt lên, lá rung động ánh trăng như ánh nước.

Khóm hoa đơn rẽ ra, một bóng trắng mơ hồ tiến lại. Tuấn giơ tay ôm lấy, cảm động thì thầm:

- Mai... em...

Nàng không trả lời, đến gần rồi yên lặng ngả người vào lòng chàng.

Tuấn cúi mặt vào đống tóc thơm, ngạt ngào một mùi hương quen mến. Tay ôm chặt lấy nhau, quấn chặt. Chàng tìm đôi môi xinh đẹp của nàng, hé ra, hai hàm răng chạm vào nhau trong một cái hôn say mê và đắm đuối.

Hồi lâu, hai người buông nhau ra. Mai gỡ tay vuốt lại mái tóc rối, những sợi tóc tung ra vuốt buồn trên da mặt chàng, vì hai người vẫn gần nhau quá. Họ nhìn nhau bàng hoàng, Tuấn thấy trong bóng tối của vành khăn, hai con mắt Mai long lanh yêu mến. Chàng đỡ lấy nàng, uốn xuống để ánh trănh soi tỏ mặt... " (trang 66-67)

Và đêm cuối cùng trước khi Tuấn trở về Hà Nội:

"Nàng vòng tay qua cổ Tuấn kéo chàng cúi xuống nàng hoà hợp trong một cái hôn lặng lẽ. Ðôi môi nàng chảy máu và đau đớn. Mai sung sướng chịu đau, gửi thác trong cánh tay Tuấn tất cả thân thể và tâm hồn trong sạch của nàng" (trang 72).

Nhiều yếu tố cổ điển có mặt trong truyện ngắn này: cô hàng xóm, bé tý đã "lách rào chui sang vườn nhà Tuấn, rủ nhau ngồi thì thầm trong bóng tối như hai đứa trẻ phạm lỗi. Ðến khi tiếng mẹ gọi vọng bên kia, Mai mới bỏ tay Tuấn lách hàng rào chạy về" (trang 67). Năm mười ba tuổi, Tuấn lên tỉnh học, quên dần cô láng giềng... Cho đến hôm mẹ chàng từ quê ra, tình cờ kể chuyện cô Mai hàng xóm sắp về nhà chồng, Tuấn mới quyết định trở về thăm Mai...

Thạch Lam khởi đi từ sự táo bạo rất Nguyễn Du xắn tay mở khoá động đào,bước qua tình láng giềng Nguyễn Bính nhà nàng ở cạnh nhà tôi, và tìm đến cái chết bi kịch Roméo et Juliette để viết một truyện tình. Một truyện tình giản dị phi thời gian không gian: nếu không có "bóng tối của vành khăn", người đọc không thể xác định được Tuấn và Mai đang sống ở thời nào, họ chỉ là hai kẻ yêu nhau, và Mai, một mình, yêu đến chết.


Hai đứa trẻ (chuyện thật của hai chị em Thạch Lam, theo Nguyễn Thị Thế), một trong những truyện ngắn hay nhất của Thạch Lam dựa nền trên sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Những điểm sáng loé lên trong đêm tối tựa như những ánh diêm soi đêm đông buốt giá sưởi ấm những giấc mơ của đứa nhỏ trong truyện cổ tích Andersen. Thạch Lam viết về hai đứa bé sống ở một huyện lỵ, tối tối, sau khi đóng cửa hàng tạp hóa nhỏ và nghèo của mẹ, hai chị em ngồi chõng ngắm sao, ngắm phố... Trong bóng tối, hai đứa bé nhìn, đếm những ánh sao trên trời và chờ đợi những đốm lửa hiện ra ở chung quanh; mỗi lần gặp một đốm sáng, cuộc sống nội tâm của hai chị em lại bừng lên. Mỗi đêm, chúng sống một hiện thực đầy mộng tưởng, mỗi hình ảnh tạt ngang qua mắt, mỗi âm thanh vẳng đến bên tai gieo vào lòng hai chị em một mảnh đời, gợi lại trong ký ức chúng những lam lũ chung quanh. Hai đứa bé nghèo không có gia sản gì, trừ bóng tối, và từ bóng tối ấy, dấy lên những đốm lửa soi rạng tâm hồn chúng.

Câu chuyện bắt đầu từ ban chiều, buổi chiều tàn với những nét rực rỡ: "Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Giẫy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời" (trang 102). Các nguồn sáng toả ra từ một đám cháy: mặt trời và mây cùng bốc hoả, đốt dãy tre làng đen lại -đen lại chứ không phải đen- từ đen đến đen lại đã có chuyển động, rồi chính rặng tre đen, lại cắt hình trên nền trời như một nghệ sĩ tạo hình. Và chuyển động vẫn tiết tục: "Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại xẫm đen hơn nữa, giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tý, và cái bếp lửa của bác Siêu; chiếu sáng một vùng đất cát. Trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa." (trang 109).

Thạch Lam đi từ vĩ mô đến vi mô, thoạt tiên, ống kính nhà văn hướng về mặt trời, từ từ chuyển sang mây rồi di xuống những con đường làng và "zoom" lại trên ngọn đèn của chị Tý, quay sang bếp lửa bác Siêu, dừng lại trên ngọn đèn con của chị em Liên rồi chiếu xuống cả những "hột sáng" lọt qua phên nứa. Ðấy mới là phần "ngoại cảnh". Về phía "nội dung", ngòi bút của Thạch Lam nhẹ nhàng lướt qua phố huyện ban đêm "Các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo trong nhà bác phở Mỹ, đèn hoa kỳ leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn giây sáng xanh trong hiệu khách... Những nguồn ánh sáng ấy đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối.

Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã miá. Một mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này" (trang 103).

Bút dạo một vòng phố huyện, đến từng trạm sáng, ở mỗi trạm bút rực lên một chút, như để táp sáng cho người và vật, tỏ sự hân hoan mừng rỡ chào đón một nguồn sáng mới: "Về phiá huyện, một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra. An trỏ tay bảo chị:

- Kìa, hàng phở bác Siêu đã đến kia rồi." (trang 108)

Không ai bị bỏ quên, từ hạt cát, hòn đá, đến vỏ bưởi, vỏ nhãn, vỏ thị, lá nhãn, bã mía, rồi chuyển sang mùi: mùi cát bụi, mùi đất, và mùi quê hương, lần này nhà văn lại đi từ cái nhỏ nhất, hạt cát, để đến cái lớn nhất, mùi quê hương. Ðời sống phố huyện đêm, từ từ mở ra với những điểm sáng lác đác ở nhà bác phở Mỹ, nhà ông Cửu, ở hiệu khách... càng về đêm càng khép lại, càng thu nhỏ đi, tàn lụi dần với những điểm sáng cô đơn cuối cùng, leo lét bên những thân phận nhỏ nhoi, xoay quanh ngọn đèn chị Tý, bếp lửa bác Siêu, gia đình bác Xẩm với chiếc thau sắt trắng và ngọn đèn con của chị em Liên. Úp trên những chấm sáng nhỏ nhoi ấy, là một "vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là trên mặt đất hay len vào cành cây"(trang 108), "Qua khe lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. (... )

Trống cầm canh ở huyện đang tung lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào trong tối. Người vắng mãi; trên hàng ghế chị Tý mới có hai, ba bác phu ngồi uống nước và ăn thuốc lào" (trang 111). Ðặt ngàn sao bên một con đom đóm, hài hoà cái lớn và cái nhỏ, nhà văn tạo sự tương phản không những trong thân phận con người mà còn tìm đến những tương phản trong thiên nhiên, vũ trụ. Nghệ thuật của Thạch Lam trong toàn thể truyện ngắn này là giao cảm, chỉ trong ba chữ "người vắng mãi", ông đã tạo được một vùng bí mật của chốn không người, rồi trống cầm canh tung lên, ngàn sao ganh nhau lấp lánh, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ...

Những chữ: mãi, tung, ganh, nhấp nháy... ở đây, giữ nguyên chất quyến rũ bí mật của chúng, tại sao lại mãi, lại tung, lại ganh, lại nhấp nháy? Bởi vì những chữ ấy đã tách biệt thế giới Thạch Lam với những thế giới khác, một thế giới thuần túy nghệ thuật, có những ngôi sao ganh nhau, những tiếng trống cầm canh tung lên rồi chìm vào bóng tối, những con đom đóm tỏa vùng ánh sáng xanh nhấp nháy bung ra như những cánh hoa khe khẽ "rụng " xuống... vai Liên. Ở đấy, người vắng mãi, một chữ mãi ẩn bao nhiêu ngụ ý: người chờ người, người mong người, quán đêm vắng chờ khách, chờ sự sống, chờ ngày mai... Phố huyện Thạch Lam thầm thì những tiếng bí mật như thế, tiếng của thanh vắng, của đêm khuya, của thiên nhiên và con người im lặng giao cảm với nhau trong vũ trụ. Ðối diện với cái nhỏ nhoi tăm tối của người dân nghèo trong phố huyện là một vũ trụ bao la đầy ánh sáng huyền ảo của thiên nhiên và vạn vật, nhưng với chị em An, Liên trạm sáng đẹp nhất của mỗi đêm là chuyến tầu qua tỉnh lỵ.

Hai chị em đêm nào cũng cố thức chờ tầu, không chỉ để vâng lời mẹ đón khách mua hàng. Thằng nhỏ buồn ngủ nhíp mắt, nhưng vẫn dặn chị nhớ gọi em dậy khi tầu đến, vì sao, vì tầu sẽ đưa chúng viễn du ra khỏi phố huyện, đem chúng vào những giấc mơ:

"Chuyến tầu đêm nay không giống như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng, Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo.

Con tầu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu. Ðêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng." (trang 112).

Phố huyện với từng ấy tâm hồn "trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ" và ánh sáng Hà thành do con tầu chở đến, đem lại cho huyện nhỏ vài phút mộng mơ. Nhưng con tàu chở ánh sáng ấy, chưa đến đã vội bước đi, như một niềm vui vừa bùng lên đã lụi tàn trong khoảnh khắc, "chiếc tầu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre." (trang 112).Con tầu như chiếc que diêm của đứa bé trong truyện cổ tích Anderson, lóe lên ánh lửa rồi tàn ngay trên những kiếp người cô đơn bỏ lại trong con phố tịch mịch và đầy bóng tối.


Nếu trong một số truyện ngắn Thạch Lam cố ý đứng riêng, đứng ngoài, để khách quan viết về các nhân vật của mình, thì trong truyện Người đầm, như một người viết "sơ hở" tác giả để lộ lòng mình. Cơ sự xẩy ra là do lỗi của một người: người đầm.

Người ấy đi xem ciné mà lại không ngồi lô, không ngồi hạng nhất, "một người Pháp, mà lại là một người đàn bà, ngồi ở hạng nhì lẫn với người!" chữ người sau cùng thật ghê, chỉ một mình nó đã nói thay bao chữ lớn lao về nhân quyền, về chế độ thực dân, về những đàn áp... mình nó bao trùm lên những thái độ, những chế độ không coi người là người.

Người đầm này cùng chung làn sóng với Thạch Lam, đã dám làm những việc mà người khác không làm: bởi thời ấy, các người đầm không bao giờ ngồi lẫn với "người" như thế.

Thạch Lam tình cờ gặp gỡ "người đầm", người đàn bà Pháp mới đến, lạ lẫm, không giống ai, một mình với đứa con bơ vơ trên mảnh đất xa lạ đầy cạm bẫy. Lướt qua những ánh mắt "lãnh đạm và ác cảm" chiếu vào hai mẹ con, Thạch Lam, cũng một mình, can đảm đi ngược chiều "cộng đồng", dám biện hộ cho "kẻ thù" dân tộc. Trút mọi thành kiến, hận thù, để chỉ nhìn con người trần trụi dưới lăng kính của cảm thông: người đàn bà tội nghiệp ấy với những ngơ ngác, nhũn nhặn, tế nhị và nhân ái đã làm đảo chao mọi thành kiến về người Pháp và dẫn nhà văn đến một mối tương quan khác, lên trên và ra ngoài tương quan thực dân - thuộc địa, để trụ lại ở sự cảm thông, lòng trắc ẩn giữa người và người, đến tình nhân loại.

Thạch Lam khám phá ra những vùng bí mật ấy của con người bằng một bút pháp sẽ sàng, gần như thầm lặng. Những chữ bé nhỏ ấy hoá ra lại có khả năng tỏa sáng bằng bao nhiêu lời lẽ ồn ào, chúng dịu dàng chiếu vào những tương phản, tạo sáng-tối trong bức tranh đời sống. Nhà văn thường nhặt nhạnh ở chỗ chúng ta không ngờ nhất: một chút sương, vài ba gáo nước, hai gốc thông, mấy tượng đá dấu trong cỏ... những dấu ấn nhỏ nhoi đưa chúng ta vào hành trình cảm giác đôi khi có thể làm thay đổi cả một lẽ sống, một mấu chốt suy tưởng.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top