• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Tư liệu về hội họa mỹ thuật VIỆT NAM

  • Thread starter Thread starter zimmy
  • Ngày gửi Ngày gửi
Z

zimmy

Guest

....Vì em không biết nên phát biểu và viết thế nào.. nên em pót nên cho anh 1 số tư liệu về mỹ thuật hiện đại Việt Nam và một số thành công của những người họa sĩ nổi tiếng khác ở Viêt Nam vậy.....




Cuốn kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá” do Viện Mỹ thuật- Trường ĐHMTVN tổ chức, ở phần tham khảo có bài viết khá thú vị mang tên “Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại (CNHĐ)”1. Trong bài viết, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đã điểm qua các quan niệm và xu hướng nghệ thuật xung quanh phạm trù CNHĐ (CNHĐ là cách gọi ước lệ chỉ một số trường phái nghệ thuật cuối TK XIX- cho đến những năm 1970, nhiều ý kiến còn gọi là các trường phái nghệ thuật Tiền Phong : Avantgarde) trên thế giới, ở Phương Tây và Liên Xô cũ, đồng thời đề cập đến một hướng nghiên cứu về CNHĐ trong văn học VN.

Ảnh hưởng phần lớn và thừa hưởng phương pháp, kết quả nghiên cứu lý luận của Liên Xô, Trung Quốc, một thời gian dài trước đây những nhìn nhận của giới nghiên cứu phê bình VHNT Việt Nam về các hiện tuợng của CNHĐ không khác xa là mấy với các đồng nghiệp ở trong phe XHCN. Hiện nay, dưới những thay đổi tích cực trong xã hội về nhận thức và thông tin, CNHĐ đã phần nào được giới học thuật VN đánh giá khác trước.

Cũng từ bài viết trên, đã gợi ý cho một nghiên cứu về CNHĐ trong MTVN. Câu hỏi đặt ra là: Có hay không những ảnh hưởng của CNHĐ vào trong MTVN? Tác động, ảnh hưởng của CNHĐ trong mỹ thuật đối với xã hội? và vị trí tương quan của CNHĐ trong mỹ thuật đối với VHNT nói chung.
Ở VN, nói chung tính từ Hiện đại thường được hiểu với nghĩa mới, hiện tại, thuộc về thời ngày nay và mặc nhiên bao hàm phẩm chất tiến bộ. Không ai muốn bị xem là bảo thủ, cổ hủ, “âm lịch” cả. Phương châm sáng tác VHNT cũng là làm sao kết hợp được “tính dân tộc và tính hiện đại”. Tính hiện đại ở đây tạm được hiểu là dùng những yếu tố kỹ thuật, chất liệu, hình thức… (có tính cách tân) Phương Tây để chuyển tải đề tài, nội dung, tư tưởng tình cảm, “hồn dân tộc”của đời sống xã hội VN hiện tại vào trong tác phẩm nghệ thuật. Và như vậy dù muốn hay không, những yếu tố CNHĐ Phương Tây có thể không được chấp nhận một cách công khai trong toàn bộ bình diện xã hội nhưng lại được chấp nhận như những thủ pháp đơn lẻ ở từng cá nhân, từng tác phẩm cụ thể để đi đến những sáng tác hội đủ tính chất “Dân tộc- Hiện đại”. Tuy nhiên, để đi đến sự nhận thức và dư luận xã hội chấp nhận những yếu tố CNHĐ hiện hữu trong sáng tác VHNT là một quá trình không đơn giản, đòi hỏi nỗ lực của bao thế hệ nghệ sĩ vật lộn trong sáng tạo, vượt qua thử thách của thời cuộc, định kiến… nhiều khi phải trả giá đắt cho những ước vọng cách tân nghệ thuật.
Trong lĩnh vực VHNT thì những sáng tác theo hướng CNHĐ ở Văn học và Mỹ thuật có phần nổi trội hơn cả so với các ngành nghệ thuật khác. Ở văn học, theo Lại Nguyên Ân “… Những hiện tượng đặc thù của văn học thế kỷ XX của Phương Tây như các phái Tiền phong, như khuynh hướng hiện thực XHCN, rốt cuộc đã có hình thành cụ thể ở văn học VN, ngay trước và sau thế chiến II.” Cho đến cuối những năm 1950, những sáng tác, tìm tòi Tiền phong chủ nghĩa (tức là thuộc làn sóng thứ nhất của CNHĐ) vẫn xuất hiện và hiện tượng này chỉ mất dần đi ở Miền Bắc với sự thắng thế của Chủ nghĩa HTXHCN được chính quyền cách mạng cổ vũ và định hướng cho mọi hoạt động VHNT chính thống. Trong hoàn cảnh đó, vẫn thấy lác đác có sáng tác nghệ thuật, cách tân ngôn ngữ thơ theo hướng CNHĐ của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… những tìm tòi lặng lẽ này hoàn toàn có tính chất cá nhân, riêng tư và một thời gian dài không được xuất bản chính thức.
Trong khi đó, ở Miền Nam, từ 1954 -1975 đời sống VHNT có sự liên thông nhất định với sinh hoạt văn hoá Phương Tây đương thời nên các sáng tác nghệ thuật theo CNHĐ được tự do phát triển trong kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…với nhiều xu hướng khác nhau. Những biểu hiện của chủ nghĩa Hiện sinh, kỹ thuật Tiểu thuyết mới…cùng những sáng tác của nhóm Sáng Tạo…là những ví dụ dễ thấy nhất của CNHĐ trong Văn học Miền Nam giai đoạn này.
Có thể thấy, CNHĐ trong MTVN xuất hiện vào khoảng giữa những năm 30 của thế kỷ XX, cùng với việc xuất hiện thế hệ hoạ sĩ tự do đầu tiên tốt nghiệp trường MTĐD và phát triển âm thầm, bền bỉ song hành theo tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, do những đặc điểm thời cuộc, chính trị xã hội và đặc tính dân tộc, một vài trường phái nghệ thuật CNHĐ không phát triển mạnh mẽ, đầy đủ thành trào lưu như ở xã hội Phương Tây mà chỉ là những yếu tố, những cá nhân nhỏ lẻ trong hoạt động mỹ thuật hoặc có thời điểm dường như những sáng tác CNHĐ trong mỹ thuật tạm lắng xuống… Mặc dù vậy, xét tương quan xuất hiện về mặt hình thức, khả năng tác động trong xã hội và số lượng nghệ sĩ tham gia thì CNHĐ trong mỹ thuật có tiềm năng và có phần gây ấn tượng mạnh mẽ, khí thế hơn cả so với các ngành VHNT khác.
Nảy sinh trên nền văn minh, văn hoá nông nghiệp lúa nước, Mỹ thuật Việt Nam có truyền thống từ lâu đời phẩm chất trang trí, ước lệ, trọng hiện thực, giản dị… với một số thành tựu đặc sắc. Mỹ thuật VN hiện đại được tính từ thời điểm sự kiện thành lập trường MTĐD năm 1925 ở Hà Nội, với kiến thức tạo hình Châu Âu, quan niệm sáng tác mỹ thuật khác các giai đoạn lịch sử trước…đã mở sang trang mới cho hoạt động mỹ thuật trong xã hội, chấm dứt giai đoạn khuyết danh trong sáng tác mỹ thuật, hình thành một lớp người mới trong xã hội: Hoạ sĩ tự do. Có thể coi đây cũng là mốc thời gian đánh dấu sự xâm nhập, tiếp thu những luồng tư tưởng, quan niệm của CNHĐ trực tiếp vào trong lĩnh vực mỹ thuật song song với chủ nghĩa cổ điển Pháp được giảng dạy trong trường MTĐD, mặc dù trước đó qua sách báo, qua sự truyền bá của người Pháp… những tư tưởng Tiền phong, những lý luận cách mạng đã được biết đến ít nhiều trong xã hội.
Cũng cần nói thêm rằng những yếu tố, tính chất trừu tượng, siêu thực, biểu hiện, tượng trưng…ít nhiều đều có thể có trong bất cứ nền nghệ thuật nào từ xa xưa, từ Phương Đông đến Phương Tây. Không phải chỉ đến khi nhiều trường phái Nghệ thuật tiền phong ra đời ở Phương Tây, những dạng này mới xuất hiện ở các nước khác nhờ được vay mượn, nhập cảng vào, mà từ xưa các nền văn hoá vốn đã có, chỉ chưa đặt thành tên từng xu hướng cụ thể và tận dụng khai thác triệt để thế mạnh của các yếu tố hình thức, tạo thành trào lưu.
Nhiều ý kiến của giới mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao hiện tượng lịch sử là hoạ sĩ Victor Tardieu (1870-1937)- Hiệu trưởng đầu tiên của trường MTĐD (Ông sáng tác theo chủ nghĩa Cổ điển nhưng chịu ảnh hưởng của các hoạ sĩ Ấn tượng), mở trường vào năm 1925, truyền thụ kiến thức tạo hình và quan niệm chủ nghĩa Cổ điển Pháp cho sinh viên, giúp cho các thế hệ hoạ sĩ trường MTĐD vững vàng về cơ bản tạo hình và sáng tác hoàn toàn phù hợp với thẩm mỹ dân Việt. Như vậy những sáng tác của các hoạ sỉ trường MTĐD cũng gần với truyền thống nghệ thuật hiện thực của VN hơn và xã hội dễ chấp nhận hơn. (Trong khi vào thời điểm những năm 1920 đang là giai đoạn phát triển bùng nố của các trường phái CNHĐ ở Châu Âu như chủ nghĩa Biểu Hiện (1905- 1920), chủ nghĩa Siêu Thực (1910- 1920), chủ nghĩa ĐaĐa (1916-1922), chủ nghĩa Vị Lai (1910-1920)…). Tuy nhiên, ngay hiện tượng xuất hiện đường sắt xe lửa, kiến trúc thuộc địa cũng như hình thức Hiện thực- Ấn tượng trên các sáng tác của các hoạ sĩ trường MTĐD và chất liệu sơn dầu với Pinceau, dao vẽ…cùng với một số điêu khắc của Vũ Cao Đàm,. George Khánh cũng đã là “Hiện đại” so với hoàn cảnh chung của xã hội lúc bấy giờ. Vào những năm 1940, một số sách báo xuất bản tại Pháp thường được nhập vào VN, trong đó có tờ L’ Illutration với nhiều phiên bản in màu đẹp đẽ tranh của Picasso, Braques, Matisse…là nguồn thông tin bổ ích cho các hoạ sĩ về mỹ thuật thế giới.
Do hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thói quen không lưu giữ tư liệu của nhiều người Việt cho nên những sáng tác CNHĐ trong mỹ thuật giai đoạn 1925- 1945 còn lại rất ít. Công chúng hầu như không được biết nhiều về các sáng tác loại này. Chỉ có thể qua một số thông tin từ các báo thời đó, một vài tác phẩm còn lại rải rác trong một số sưu tập tư nhân, bảo tàng…cũng đủ thấy số lượng hoạ sĩ thể nghiệm và các sáng tác theo CNHĐ là không nhiều so với số đông các hoạ sĩ MTĐD khác đang theo đuổi lối vẽ hiện thực. Trong hoàn cảnh đó, những sáng tác theo hướng CNHĐ của Trần Văn Luân (ở Pháp về), Tạ Tỵ *, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hầu, Vũ Dương Cư nhìn chung ít ỏi, lạc lõng, chưa hợp với thẩm mỹ chung, chìm nhanh trong những đòi hỏi mới của thời cuộc cách mạng và chủ nghĩa hiện thực.
Sau Cách mạng tháng 8 -1945, sự phân hoá của các nghệ sĩ lựa chọn hai con đường Nghệ thuật vị nghệ thuậtNghệ thuật vi nhân sinh càng rõ nét. Trong 9 năm kháng chiến, ở vùng chiến khu đã có sự thay đổi sâu rộng từ quan niệm cho đến các sáng tác văn nghệ. Văn học nghệ thuật giờ đây được xác định nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, phục vụ giai cấp công nông binh. Lý luận về chủ nghĩa HTXHCN của Liên Xô và bài nói của Mao Trạch Đông tại Diên An (Trung Quốc) ảnh hưởng khá mạnh trong các cuộc học tập, đại hội của giới văn nghệ sĩ. Kết qủa là chủ nghĩa HTXHCN được coi là “Phương pháp sáng tác duy nhất đúng…”, dần trở thành kim chỉ nam, chiếm vị trí độc tôn trong sáng tác VHNT, phục vụ sự nghiệp cách mạng cho đến tận sau này. Lời nhận định của đồng chí Trường Chinh : “…Ta không lấy làm lạ trên gốc cây gỗ mục của chủ nghĩa đế quốc hiện thời mọc lên những cái nấm sặc sỡ: chủ nghĩa lập thể (cubisme), chủ nghĩa ấn tượng (impressionnisme), chủ nghĩa siêu thực (surréalisme), chủ nghĩa đa đa (dadaisme)… Có người cho rằng với những thứ chủ nghĩa ấy, “một kỷ nguyên kỹ thuật đã thay thế cho kỷ nguyên của chủ nghĩa nhân văn”. Nhưng thật ra những chủ nghĩa kia chỉ là những hình thức văn nghệ phản khoa học, phản tiến hóa, khoác cái áo hào nhoáng của thẩm mỹ để mua vui cho một số ít người bóc lột…” cũng đủ cho thấy vị thế yếu kém của các tìm tòi theo hướng CNHĐ thời kỳ này, trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Mặc dù vậy, ở vùng tạm chiếm Hà Nội, Sài Gòn chắc chắn vẫn có những hoạ sĩ sáng tác theo hướng CNHĐ mà đến giờ chúng ta mới chỉ biết được một số tác phẩm có tính chất siêu thực của Hs. Nguyễn Tiến Chung trong những năm 1950 , và lập thể của Hs.Tạ Tỵ…
Giai đoạn 1954- 1975, đất nước bị chia cắt thành hai miền, chiến tranh và chế độ chính trị khác nhau đã đẩy hoạt động VHNT hai miền sang những thái cực khác nhau. Ở miền Bắc, trong hoàn cảnh chiến tranh, điều kiện kinh tế thiếu thốn và tâm lý chung của cả xã hội đang hừng hực khí thế cách mạng, chiến đấu giải phóng miền Nam thì VHNT cũng là một phương tiện tuyên truyền cho mục đích chung đó. Chủ nghĩa HTXHCN với tinh thần phơi phới, lạc quan cách mạng trở thành cách diễn đạt chung nhất cho mọi hoạt động VHNT, những sáng tác theo hướng CNHĐ không được Đảng, nhà nước, các đoàn thể xã hội cổ vũ, trở thành cá biệt, thường không có cơ hội xuất hiện công khai trong dòng chảy chung. Người VN có đặc tính không bao giờ tiếp thu, ảnh hưởng toàn bộ một luồng tư tưởng triết học, một chủ thuyết nào một cách trọn vẹn mà chỉ rút tỉa, rồi tiếp biến, ứng dụng những gì phù hợp cho những mục đích trước mắt của mình. Với chủ nghĩa HTXHCN cũng vậy, các hoạ sĩ VN cũng không bê nguyên xi toàn bộ các nguyên tắc, đặc tính, yêu cầu qui phạm…của hình thức HTXHCN trong mỹ thuật Liên Xô, Trung quốc...mà đã lược giản đi, kết hợp với cái nhìn của nghệ thuật dân gian truyền thống lạc quan, xởi lởi tạo nên được một số tác phẩm đẹp của chủ nghĩa HTXHCN mang sắc thái VN, không quá kinh viện, căng thẳng và kịch tính. Trong quá trình hướng về truyền thống dân tộc, với sự tự tôn văn hoá sâu sắc, một số hoạ sĩ thế hệ MTĐD với kinh nghiệm nghề nghiệp già dặn, học vấn uyên bác như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đỗ Cung...và người có cá tinh nghệ thuật rất mạnh như Nguyễn Sáng bằng những sáng tác cụ thể đã chỉ ra con đường kết hợp giữa tính Dân tộc và tính Hiện Đại, để từ đó nhiều thế hệ hoạ sĩ tiếp tục tìm kiếm, đào xới con đường họ đã phát quang. Các hoạ sĩ tìm thấy những yếu tố tương đồng nghệ thuật lập thể trong trang trí nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn, điêu khắc Đình Làng, tính chất thô mộc, giản dị của hình tượng, màu nguyên sắc trang trí, rực rỡ…của phái Dã thú trong tranh dân gian Đông Hồ, tính chất kỳ bí, tượng trưng, siêu thực tâm linh trong các điêu khắc tôn giáo cũng như tượng nhà mồ Tây Nguyên lại gợi những liên hệ đến trường phái nghệ thuật lập thể, nghệ thuật ngây thơ…điều này dẫn đến những biểu đạt khác lạ nhất định về mặt hình thức trong một số sáng tác theo chủ nghĩa HTXHCN, cũng như vài yếu tố của nghệ thuật CNHĐ có cơ hội góp mặt vào dòng chảy chung của hình thức HTXHCN ở VN. Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm từng nói, đại ý: Khi quay trở về tìm hiểu, sáng tác theo nghệ thuật điêu khắc Đình Làng, tôi gặp Picasso...
Mặt khác, những tìm tòi có tính chất riêng tư về CNHĐ vẫn xuất hiện (thường chỉ giới thiệu trong nhóm bạn bè thân, gia đình, thậm chí có người còn không dám ký tên vào tác phẩm…) trong một số sáng tác của Bùi Xuân Phái (loạt tranh trừu tượng những năm 1970 -1972), Trần Trung Tín, Trọng Kiệm, Lê Huy Hoà, Ngọc Thọ, Văn Cao (ngoài một số ít tranh sơn dầu vẽ cho riêng mình, ông còn xuất hiện trước công chúng bằng những tranh minh hoạ báo có phong cách độc đáo, lồng ghép khéo léo hình thức CNHĐ, tạo được ấn tượng giản dị và sang trọng). Đặc biệt, duy nhất có trường hợp triển lãm cá nhân bày toàn tranh sơn dầu vẽ trừu tượng của Hs Lưu Công Nhân tại Hàng Đào (Hà Nội) vào khoảng đầu những năm 1970 ?. Thế nhưng, triển lãm này không được dư luận xã hội cùng bạn nghề đánh giá cao và bản thân hoạ sĩ về sau cũng gần như chối bỏ những sáng tác như vậy. Nhiều khi vẽ theo CNHĐ trở thành một thứ thời thượng, khoe nhau thì thào bí mật như đồ “quốc cấm”. Và chưa cần biết chất lượng nghệ thuật xấu đẹp thế nào, những người tạo nên nó thì vẫn cứ hơn người khác ở chỗ “hiện đại, cách tân” chịu chơi đi trước thời đại. Chính ở trong hoàn cảnh này , mới bộc lộ nhân cách nghệ sĩ của từng con người.
Có lẽ ảnh hưởng nghệ thuật của “đồng chí” Picasso với những tìm tòi CNHĐ ở miền Bắc là đáng kể nhất, bên cạnh những danh hoạ của chủ nghĩa HTXHCN như Gerasimov, Deneyka, Sarian… và các điêu khắc gia Friz Kremer; E.V Vuchechiv; Salikhanov được nhiều nghệ sĩ VN học hỏi.
Ở miền Nam, lối sống Phương Tây được du nhập cởi mở cùng nhiêù dạng thức văn hoá của nó. Các trường phái CNHĐ như Siêu thực, Biểu hiện, Lập thể, Đađa, Pop art…đều được các nghệ sĩ trẻ tham khảo mặc dù lối dạy của trường MT Gia Định vẫn trường quy không khác nhiều với chương trình học của trường MTĐD. Những năm 1960, một số hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư VN du học từ Châu Âu trở về Sài Gòn, mang theo những quan niệm của CNHĐ, tạo nên sự đa dạng trong đời sống mỹ thuật. Các danh hoạ thế giới từ Paul Gauguin, Vincen Van Gogh, cho đến Chagall, Miro, Matisse…đều gây nên sự cuốn hút nhất định với giới nghệ thuật, trong đó Paul Klee, Modigliani có ảnh hưởng hơn cả. Sự kiện triển lãm mỹ thuật Đệ nhất triển lãm Quốc tế năm 1962 tại Sài Gòn với sự tham gia của nghệ sĩ từ hơn 20 nước và vùng lãnh thổ đã tạo cho các nghệ sĩ VN được dịp tận mắt thấy những lối biểu đạt nghệ thuật hiện đại khác nhau, giúp họ tự tin hơn trong việc tìm kiếm con đường riêng để thể hiện được bản sắc nghệ thuật dân tộc. Khởi đâù xu thế cách tân nghệ thuật hướng đến các sáng tác CNHĐ phải kể đến Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Ngô Viết Thụ, Văn Đen, điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ…Tiếp sau là Hội Hoạ sĩ trẻ (thành lập 1966) tập hợp nhiều gương mặt nghệ sĩ mà những sáng tác của họ sau này vẫn theo hướng CNHĐ như Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Vị Ý, Ngy Cao Nguyên, Hồ Hữu Thủ, Nguyên Khai, Đinh Cường, điêu khắc gia Mai Chửng…Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí với những bức sơn mài lộng lẫy, kỹ thuật bậc thầy vẽ phong cảnh, thiếu nữ… thì dường như không có thay đổi gì nhiều về bút pháp nghệ thuật đã tạo nên một vị trí hàng đầu “Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn” những năm 1940 trong giới MTVN hiện đại, nhưng vào những năm 1960 ông có triển khai rất nhiều tranh trừu tượng trên giấy, sơn mài và cho rằng hội hoạ trừu tượng mới bộc lộ đầy đủ nhất tâm trạng cũng như con người nghệ thuật của nghệ sĩ**. Sự kiện nghệ thuật có tiếng vang, gây “sốc” trong dư luận xã hội phải kể đến triển lãm năm 1970 của nghệ sĩ Phạm Văn Hạng mang tên “Chứng tích” bởi hình thức có tính Avant-Garde và nội dung tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh của nó, khi tác giả đã gắn những phần da thịt, di thể còn lại của các nạn nhân chiến tranh thành một tác phẩm trưng bày trước công chúng…
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, hoạ sĩ hai miền có điều kiện giao lưu, trao đổi và nghệ thuật cũng dần trở lại không khí đời sống thời bình hơn. (Từ đây người biết yêu người...Văn Cao) Trong khi chủ nghĩa HTXHCN được khuyến khích và ảnh hưởng đến các sáng tác VHNT của nghệ sĩ miền Nam thì sách báo Phương Tây, hàng hoá tiêu dùng, những quan niệm của nghệ thuật CNHĐ… cũng theo những đoàn tàu xâm nhập dần ra Bắc. Các hoạ sĩ miền Nam vất vả làm quen trước chủ nghĩa HTXHCN, trứơc đối tượng nghệ thuật mới và cố gắng sáng tác nhập cuộc với không khí xã hội đương thời nhưng với thời gian nhìn lại thì rõ ràng quá ít sáng tác thành công. Sự không thành công này có thể có nhiều nguyên nhân: từ quan niệm của nghệ sĩ, ngỡ ngàng trước yêu cầu và đối tượng mới của nghệ thuật hoặc là cách sáng tác bị đóng khung trong “tháp ngà”, thậm chí có thể đào tạo trong trường mỹ thuật miền Nam trước đây không chú trọng đến các vấn đề bố cục, ánh sáng, dáng động…của con người hiện thực trong bối cảnh thiên nhiên?. Trong khi đó, các hoạ sĩ miền Bắc, đặc biệt là lớp hoạ sĩ thế hệ thứ ba của MTVN hiện đại lại hân hoan dò dẫm, thể nghiệm những yếu tố hình thức CNHĐ trong sáng tác của mình. Và họ đã thành công, bước đầu mang lại cho mỹ thuật một sắc thái mới ngay cả trong những tranh về đề tài công nông binh. Điều này được ghi nhận qua các triển lãm MTTQ năm 1976, 1980, 1985. Bên cạnh ảnh hưởng từ các danh hoạ HTXHCN, các hoạ sĩ đã có thể học tập (rút tỉa, không bài bản) qua sách, báo hình thức của các hoạ sĩ CNHĐ khác. Picasso, F. Leger, Henri Moore, các hoạ sĩ tranh tường cách mạng Mexico như Rivera, Siqueros được chú ý tham khảo. Có thể thấy rõ những yếu tố CNHĐ như lập thể, siêu thực, đồng hiện, biểu hiện, trừu tượng, Naiv…qua các sáng tác của Lê Công Thành, Kim Bạch, Lê Anh Vân, Lê Huy Tiếp, Bửu Chỉ, Đặng Thị Khuê, Đặng Đức Sinh, Đỗ Sơn, Phạm Viết Hồng Lam, Trọng Kiệm, Kim Thái, Đỗ Thị Ninh, Nguyễn Quân, Mai San, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Cương…Những yếu tố CNHĐ không còn là kỵ huý, mà manh nha tồn tại công khai để sau 1986, thời kỳ Đổi Mới phát triển mạnh ở trên nhiều loại hình, thể loại với số lượng nghệ sĩ tham gia ngày càng đông. Năm 1988, hoạ sĩ Trương Bé bày tranh trừu tượng trong triển lãm nhóm cùng họa sĩ Vĩnh phối, Đỗ Kỳ Hoàng tại Hà Nội. Hành động này đã là một thái độ “dũng cảm” về nghệ thuật vào thời điểm đó, thế nhưng với các nhóm nghệ thuật xuất hiện như Tác phẩm mới, Gang of Five, New Faces (những năm 1990), P-art, Hanoi links, Wonderfull district…sau này thì câu chuyện nghệ thuật đa dạng hơn nhiều. Các trường phái, các lối biểu đạt tự do thể hiện và không chỉ dừng ở hình thức CNHĐ mà đã có những sáng tác mang tâm thế Hậu hiện đại và Hi- tech với những nội dung mới của xã hội đương đại và nghệ thuật Trừu tượng (có một triển lãm toàn quốc năm 1992 tại Gallery Hoàng Hạc, Tp.HCM), đã không còn là “mốt” nữa. Bên cạnh đó, nghệ thuật hiện thực vẫn tồn tại với số lượng lớn các nghệ sĩ tham gia.
Nhìn chung, chưa bao giờ CNHĐ chiếm ưu thế so với nghệ thuật hiện thực trong MTVN hiện đại. CNHĐ vào VN không phát triển được có thể vì hai nguyên nhân:
- Điều dễ nhận thấy nhất là thắng lợi của lực lượng Cách mạng cùng những tư tưởng của Đảng Cộng Sản với quan điểm Nghệ thuật Vị Nhân Sinh khiến cho CNHĐ không phát triển trong VHNT nói chung và mỹ thuật nói riêng. Có thời kỳ Kim chỉ nam của nghệ thuật cách mạng là phải ưu tiên phục vụ quần chúng, phục vụ công nông binh. Nghệ thuật trở thành một vũ khí chính trị phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, diễn đạt các đường lối của Đảng Cộng Sản cầm quyền. Điều đó dẫn đến vị thế độc tôn của chủ nghĩa hiện thực XHCN.
- Nguyên nhân sâu xa phải xét trên hoàn cảnh của VN giai đoạn 1920-1980 với chiến tranh liên miên, kinh tế kiệt quệ, cơ sở vật chất KHKT lạc hậu, dân trí thấp. Xã hội phát triển thiên lệch, gần như “bế quan toả cảng” đối với thế giới bên ngoài, tàn dư của một nếp sống tiểu nông, của chế độ phong kiến, thuộc địa khá nặng nề, các điều kiện dân chủ của một xã hội dân sự kiểu Phương Tây rất hạn chế…
Mặt khác, dân trí, tâm lý thụ cảm thẩm mỹ của phần lớn người dân (nông dân chiếm tới hơn 80%) vẫn ưa chuộng những hình thức nghệ thuật dễ hiểu, có tính hiện thực, màu sắc trong sáng, nhẹ nhàng. Nếu có tính chất trang trí, ước lệ hay đôi chút phẩm chất siêu thực, tượng trưng cũng chẳng sao, cái cần nhất của tác phẩm nghệ thuật là phải có hình tượng nhân vật rõ ràng, cụ thể, có tích truyện, hiện thực, mang đến những ước vọng lạc quan về một đời sống thanh bình. Điều đó dẫn đến hệ qủa là sự thống trội hiển nhiên của nghệ thuật hiện thực- ấn tượng thời kỳ trường MTĐD những năm 1925-1945 và chủ nghĩa hiên thực xã hội chủ nghĩa sau này. (Đã có nhiều ý kiến chỉ rõ trong suốt tiến trình lịch sử MTVN, rất hiếm gặp những hình ảnh về sự đau khổ, vất vả, về chiến tranh tàn khốc đầu rơi, máu chảy, về cái chết…ngay khi thời kỳ 1930- 1945, văn học VN hiện đại đã có những tác phẩm hiện thực phê phán của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng…nhưng các tác phẩm mỹ thuật VN thời kỳ này vẫn tìm kiếm vẻ đẹp mơ màng, hoài niệm bình lặng). Rõ ràng, tính chất lạc quan phơi phới, dễ hiểu của hình thức HTXHCN đã tìm được một chỗ dựa vững chắc “thuận lý” của tâm lý thụ cảm thẩm mỹ nông dân. Những năm sau 1975, CNHĐ có cơ hội phát triển hơn giai đoạn trước một chút vì điều kiện kinh tế, KHKT có cải thiện, thông tin VHNT nước ngoài vào VN có nhiều hơn và đặc biệt vì hình thức chủ nghĩa HTXHCN sau một giai đoạn dài phát huy tác dụng đã bộc lộ một số nhược điểm như công thức, sơ lược…dẫn đến các nghệ sĩ muốn tìm những cách thức biểu đạt khác để phù hợp hơn với tâm thế xã hội đã thay đổi.
“…Xét về giá trị thẩm mỹ nghệ thuật, ngày nay đã rõ ra rằng phần lớn các nghệ sĩ hiện đại chủ nghĩa chỉ tạo ra được những tác phẩm có ý nghĩa nhất thời, ý nghĩa thể nghiệm thuần túy. Tuy vậy, chính chủ nghĩa hiện đại lại cống hiến những gương mặt lớn của thế kỷ XX đã đi vào lịch sử văn nghệ thế giới: Kandinsky, Chagall, Malevich, Picasso, Matisse, Modigliani, Dali, Joyce, Proust, Kafka, Eliot, Ionesco, Beckett, Schoenberg, Stockhausen, J. Cage, Le Corbusier, và nhiều tên tuổi lớn khác.

Ý nghĩa văn hóa lịch sử của chủ nghĩa hiện đại còn chưa bộc lộ hoàn toàn, tuy vậy người ta thấy rõ ràng là :

− Chủ nghĩa hiện đại cho thấy tính tương đối hiển nhiên về văn hóa lịch sử của các hình thức, cách thức, phương tiện và kiểu thức ý thức thẩm mỹ nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ nghệ thuật, biểu cảm thẩm mỹ nghệ thuật;

− Chủ nghĩa hiện đại đẩy đến sự hoàn tất logic (thường là đến chỗ phi lý) mọi hình thức cơ bản của các loại hình nghệ thuật của châu Âu từ cận đại, do vậy chỉ ra một cách thuyết phục rằng chúng đã lỗi thời xét về mặt là những hiện tượng văn hóa cấp thời, chúng không còn phù hợp với trình độ hiện tại (và cả tương lai) của tiến trình văn minh văn hóa, không còn biểu đạt được tinh thần thời đại, không còn đáp ứng được những nhu cầu tinh thần- thẩm mỹ- nghệ thuật vốn rất biến đổi, năng động của con người hiện tại và do vậy của con người ở xã hội công nghệ cao tương lai;

− Chủ nghĩa hiện đại đã tạo ra theo lối thử nghiệm nhiều yếu tố, hình thức, thủ pháp, tiếp cận, giải pháp... nhằm biểu đạt, trình bày, vận hành (một cách nghệ thuật và phi nghệ thuật) cái mà đến giữa thế kỷ XX đã được gọi là "văn hóa nghệ thuật", cái mà ngày nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp toàn cầu sang một thứ khác hẳn, được xem là một văn minh mới nảy sinh thay chỗ cho nghệ thuật;

− Chủ nghĩa hiện đại trợ giúp cho sự phát sinh và thành hình những loại hình nghệ thuật (kỹ thuật) mới như nhiếp ảnh, điện ảnh, truyền hình, nhạc điện tử, nghệ thuật vi tính, các show trình diễn đa năng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trên cơ sở kỹ thuật hiện đại.

Các phát hiện và sáng chế của chủ nghĩa hiện đại đang được một thế hệ mới sử dụng để xây dựng một "văn hóa nghệ thuật" (hoặc một hệ hình văn hóa có tên gọi khác) mới, chủ yếu theo các hướng: 1/ tạo dựng một môi trường sống của con người được tổ chức về thẩm mỹ, trên cơ sở các thành tựu khoa học công nghệ mới và tổng hợp các yếu tố của nhiều loại nghệ thuật truyền thống; 2/ tạo dựng các show trình diễn kỹ thuật cao; 3/ tạo dựng analogue văn hóa nghệ thuật điện tử (video, CPU, laser) toàn cầu, đặt cơ sở ở việc đưa người tiếp nhận vào thực tại ảo.

Chủ nghĩa hiện đại không bao trùm toàn bộ văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX; ở văn hóa thời này vẫn thấy có chỗ đứng nhất định cho những nghệ thuật tiếp tục truyền thống văn hóa quá khứ, những hiện tượng trung lập, tựa như cầu nối giữa văn hóa truyền thống và chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, chính chủ nghĩa hiện đại đã làm lung lay và phá hủy các chuẩn mực và nguyên tắc thẩm mỹ truyền thống, các hình thức và phương pháp biểu hiện nghệ thuật truyền thống; chính chủ nghĩa hiện đại đã mở ra khả năng cho những cách tân không giới hạn trong lĩnh vực này, thường là dựa vào các thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật; chính chủ nghĩa hiện đại đã mở đường cho sự chuyển tiếp văn hóa nghệ thuật sang một chất mới, vẫn còn chưa định hình. Chủ nghĩa hiện đại đã hoàn tất sự tồn tại của mình như một hiện tượng toàn cầu vào những năm 1960-1970. Chứng tỏ điều này là sự nảy sinh chủ nghĩa hậu hiện đại…” 1
Ảnh hưởng và tiếp biến văn hoá luôn là nền tảng phát triển của văn hoá VN và VHNT với cơ chế riêng của nó, nhiều khi không vận hành song trùng với điều kiện kinh tế, xã hội. Khi người Pháp thành lập trường MTĐD năm 1925 được cho là mở đầu cho MTVN hiện đại thì lúc đó cơ sở xã hội, phương thức sản xuất ở VN vẫn còn ở giai đoạn phong kiến, chưa bước sang thời kỳ hiện đại hoá. Tương tự, gần đây có những nghệ sĩ một số ngành VHNT sáng tác tác phẩm mang tâm thế Hậu hiện đại thì cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng ở VN chưa phát triển hết giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì vậy chưa thể có nghệ thuật Hậu hiện đại ở VN và những sáng tác như vậy chỉ có thể là bắt chước, không có nguyên cớ từ nội tâm nghệ sĩ cũng như thực tại xã hội? Hiện tại, những tranh luận chưa có thể đi đến kết luận nhưng xin dẫn ý kiến của Hs Trần Trọng Vũ: “… Hậu hiện đại tồn tại từ hơn nửa thế kỷ nay trên thế giới. Nếu một nghệ sĩ VN tìm được ở đó những phẩm chất phù hợp cho nhu cầu và ý tưởng sáng tác của mình, tại sao lại không có quyền sử dụng? Có nhất thiết phải lái thành thạo loại xe hơi đầu tiên mà con người sáng chế ra thì mới lái được loại xe mới sản xuất ngày hôm nay hay không? Loại xe nào phù hợp hơn với thời đại và nhu cầu ngày nay?...”
Và như vậy, vấn đề chủ nghĩa Hậu hiện đại ở VN lại là một câu chuyện khác.



TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- Xem: Một số vấn đề xung quanh phạm trù Chủ nghĩa hiên đại, Lại Nguyên Ân (Kỷ yếu Hội thảo Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá, Nxb Mỹ Thuật- Trường ĐHMTVN- Viện Mỹ Thuật, 2008)
2- Xem thêm: Mỹ thuật Việt Nam Hiện Đại (Trường ĐHMT Hà Nội- Viện Mỹ Thuật, 2005)
3- 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân biên soạn (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2004)
<!--[if !supportLists]-->4- <!--[endif]-->Văn hoá thế kỷ XX Từ điển Lịch sử - Văn hoá, Michael Fragonard (Nxb Chính trị Quốc Gia, 1999)
<!--[if !supportLists]-->5- <!--[endif]-->Nghệ thuật tạo hình VN giai đoạn 1930-1945, Tư liệu Viện Mỹ thuật NC-113/hd75.
6- Xem: Chủ nghĩa Mác và vấn đề Văn hóa Việt Nam, Trường Chinh- Hội văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 1949. Nguyễn Phúc trích dẫn lại trong sách “Những khuynh hướng chủ yếu của Hội họa tư sản hiện đại”- trang 64 - Nxb Văn hóa – Hà nội,1978).
* Hoạ sĩ Tạ Tỵ theo đuổi hội hoạ Lập thể từ trước 1945. Năm 1951, Tạ Tỵ bày triển lãm cá nhân tại Hà nội mang tên Hội Hoạ Hiện Đại. Năm 1956, Ông bày triển lãm cá nhân tại Sài Gòn, được cho là triển lãm tranh Lập thể đầu tiên tại miền Nam. Từ 1960, Hoạ sĩ chuyển sang vẽ hội hoạ Trừu Tượng và trở đi, trở lại kết hợp hai hình thức trong sáng tác cho đến cuối đời
* Xem Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí nói về Sáng tạo (Nxb Văn học, 1998)
- (Năm 1941, hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn đóng một chiếc xe ngựa lấy tên là “Lăn Mê Ly” cùng gia đình cùng một người bạn làm cuộc hành trình nghệ thuật từ Bắc vào Nam, vừa đi vừa vẽ tranh và dừng chân triển lãm ở các địa phương dọc đường Nam tiến…Hành động này, gần đây có ý kiến đánh giá rằng đó đích thực là một phương thức nghệ thuật trình diễn- Performance art ?).




tinhvat.jpg

Tĩnh vật là một thể loại tranh tương đối mới so với mỹ thuật truyền thống của dân tộc ta. Trước thế kỷ 20, ở Việt Nam tranh tĩnh vật chưa có một sự tồn tại độc lập với ý nghĩa là một thể loại tranh riêng biệt. Trong mỹ thuật dân gian, chủ yếu của dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, “Ngũ quả” là một trong những tranh tĩnh vật hiếm hoi còn thấy được. Ngoài ra còn có dạng tranh tứ bình (mai, lan, cúc, trúc) cũng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, có thể nói tranh tĩnh vật như một thể loại chỉ thực sự xuất hiện và phổ biến ở nền hội họa hiện đại. Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời một vài tác giả Việt Nam cũng đã vẽ tranh tĩnh vật, tuy điều này về mỹ cảm khác với quan niệm truyền thống. Tranh sơn dầu “Tĩnh vật” của Nam Sơn vẽ năm 1923 là một trong những bức tranh như vậy.
Tác phẩm “Lọ hoa” của Lê Phổ (1907 – 2001), diễn tả một lọ hoa màu trắng với những bông hoa và lá trên nền phông màu vàng đậm theo phong cách xưa cũ, thể hiện bằng màu nước trên nền lụa tơ tằm là một sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa mảng và nét, giữa những sắc độ tinh tế của màu kết hợp với những vệt màu chấm phá theo lối tranh thủy mặc, gợi sự rung động huyền ảo trong không gian hội họa giữa thực và hư.
Phạm Hậu là một nghệ sĩ nổi tiếng về tranh sơn mài với tinh thần khác hẳn tranh của Nguyễn Gia Trí, người đã dùng kỹ thuật sơn mài thể hiện thật tuyệt vời những cảm hứng mộng mơ của mình, thì ông lại là người diễn tả rất tinh vi với màu sắc hài hòa, tạo nên nhiều tác phẩm có tính chất trang trí rất đẹp, bức tranh sơn mài “Gió mùa hè” (1940), diễn tả cơn gió thổi qua hồ sen. Hòa sắc của tranh là màu đặc trưng sơn mài truyền thống: màu đỏ đậm của nền gợi đến cảm giác nóng nực, đồng thời tạo độ sâu của đêm. Nhịp điệu nghiêng ngả và màu sáng nổi bật của những cánh sen gợi tả cái lung linh, sinh động như vũ điệu ánh trăng trên những cành hoa sen. Tất cả những đối tượng được miêu tả trong tranh cùng chao nghiêng về một hướng trước ngọn gió, cái động của tranh được họa sĩ nhấn mạnh thêm bằng những cánh hoa rơi rụng bay theo gió, con chuồn chuồn mỏng manh đang cố gắng bay đậu vào cành hoa sen. Đây có lẽ là một trong những bức tranh thành công ở thể loại tĩnh vật theo dạng tranh hoa điểu – thảo trùng của phương Đông cổ họa trong buổi đầu hình thành nền hội họa Việt Nam hiện đại.
tinhvat1.jpg

Giai đoạn sau của nghệ thuật Việt Nam, nhất là từ năm 1954 đã phát triển một cách mạnh mẽ, trong đó có mảng tranh tĩnh vật. Tranh sơn mài “Tĩnh vật” của Lê Huy Hòa tuy là một bức tranh nhỏ nhưng có dấu ấn rất lớn cho thể loại này giai đọan thập niên 60 thế kỷ trước. Với không gian chật và đơn giản, cái động và tĩnh trong tranh được thể hiện qua sự tinh tế và chắt lọc của hình theo ngôn ngữ hội họa phương Đông. Những nét mảnh và rối của cánh hoa màu trắng chuyển động trong cái khung tĩnh của chiếc ghế tre, đường cong của chiếc bình ẩn trong hình vuông của ghế và thổ cẩm, tạo ra từng cặp đối xứng giữa tĩnh và động làm thành một không gian vừa lặng lẽ vừa vui tươi.
Ở phía Nam, tranh tĩnh vật cũng rất phát triển vì tính trang hoàng, nhẹ nhàng của chúng phù hợp với thị hiếu công chúng. Nguyễn Văn Rô là một họa sĩ sơn mài tên tuổi, trong số ít bức tranh còn lại của ông, bức “Tĩnh vật” là một bức tranh đẹp. Những cái ly thủy tinh trong không gian đặc trưng của then và vàng, cái động được thể hiện bằng những nét mảnh của ly trên nền lặng lẽ sâu thẳm của màu đen. Động và tĩnh ở trong tranh này nằm trong cái quý của chất liệu.
Nghệ thuật Cách mạng Việt Nam cũng hình thành và phát triển với tất cả những tâm huyết và sức trẻ của các thế hệ nghệ sĩ, những người lính vừa cầm súng vừa cầm bút vẽ. Có thể đơn cử ở đây trường hợp của họa sĩ Lê Trí Dũng với tranh tĩnh vật “Chân dung người lính”. Trên nền vải “toan” thô, không sơn lót, giữa những bệt màu đỏ sẫm như máu là những vật dụng quen thuộc của người lính: ba lô con cóc, mũ tai bèo, đôi dép cao su, chiếc thắt lưng quấn lấy cái bi đông tróc sơn gắn với con dao găm mòn lưỡi. Đặc biệt có khẩu tiểu liên AK47 rỉ sét, đứng tựa vào balô, báng súng vỡ toác, chốt cắm luỡi lê gãy cụt. Phương pháp xử lý chất liệu sơn dầu bằng kỹ thuật trét những bệt màu dầy (en pleind), chắc, khỏe, chủ yếu bằng dao, vẽ như trát vữa, màu đơn sắc chủ yếu là xanh và đen tương phản mạnh mẽ với những bệt màu đỏ bao bọc xung quanh hệ thống hình tượng, nhất quán và hợp lý, rất phù hợp với ý tưởng và nội dung bi tráng của tác phẩm, tạo nên sự đồng cảm, xúc động cho người xem.
Sự vững tin vào chiến thắng tạo nên tinh thần lạc quan, dù trong mọi hoàn cảnh của chiến tranh, người nghệ sĩ – chiến sĩ cách mạng Việt Nam vẫn phát hiện ra những vẻ đẹp độc đáo, lãng mạn. Tranh khắc gỗ theo phong cách dân gian “Phía sau trận đánh” của Đinh Lực, thể hiện một cây đàn được làm từ những mảnh bom, lọ hoa được làm từ quả bom bi và chậu trồng hoa là chiếc nón lính Mỹ, từ đây những bông hoa mọc vút lên như ánh sao trong bầu trời đầy mây trắng, như khát vọng được sống trong hòa bình.
Từ 1975 đến nay, nền mỹ thuật Việt Nam đã trưởng thành và phát triển mạnh. Nhiều xu hướng nghệ thuật xuất hiện, nhiều tác giả – tác phẩm có giá trị ra đời trong không khí sôi động của các hoạt động mỹ thuật. Trong số đó tất nhiên phải kể đến những tác phẩm về đề tài tĩnh vật.
“Ngũ quả” là một đề tài thường được nhiều họa sĩ yêu thích trong khi vẽ tĩnh vật. Vẻ đẹp của các loại trái cây khơi nguồn cảm hứng cho việc sáng tác. Và hơn thế nữa, người Việt Nam là những cư dân của vùng nhiệt đới, quanh năm bốn mùa hoa trái … vốn chịu ảnh hưởng triết lý “Tam tài - Ngũ hành”. Tác phẩm “Tĩnh vật” của họa sĩ Phạm Văn Đôn sử dụng những nét đen trong tranh - vốn là yếu tố đặc trưng của tranh khắc gỗ truyền thống – rất hiệu qủa: khỏe nhưng cũng không kém sự mềm mại, tự nhiên, vừa có tác dụng định hình, vừa làm vai trò liên kết các màu, nhất là những màu nguyên sắc; làm tăng cái “động” của tranh, tạo nên sự rộn ràng rạo rực của ngày Tết; gợi cho ta một cảm giác mộc mạc thân quen, thường vẫn gặp trong tranh Đông Hồ!
Ngoài sự nổi tiếng của loạt tranh Phố Phái, thế giới hội hoạ của Bùi Xuân Phái cũng tạo ấn tượng mạnh với những tác phẩm về đề tài tĩnh vật. Ông phát hiện những điều tinh tế, rất cảm xúc trong cái bình dị, thường nhật mà mọi người hay dễ dàng bỏ qua, mặc dù chúng luôn nằm trong tầm nhìn cảm thụ. Trong tranh của ông, bồng bềnh những thực và hư,, dường như ông đã tạo nên sự kết nối không gian với thời gian. Ông đọc những tâm sự của chiếc đèn dầu, ống điếu thuốc lào nghiêng ngả trong hoà sắc xám được sử dụng một cách tinh tế. Loạt tranh về ống điếu hút thuốc lào với những biến tấu khác nhau tạo cho người xem mối đồng cảm suy ngẫm vào tâm tư của chính bản thân mình. Chỉ với những vật tĩnh rất bình thường, nhưng ở trong tác phẩm của ông, nó đã nói lên lịch sử và thân phận của con người, với nắng mưa và thời gian, niềm vui và nỗi buồn và những dấu ấn của kỷ niệm.
tinhvat3.jpg

Họa sĩ Đường Ngọc Cảnh rất có duyên với nghệ thuật tranh khắc. Ông thường gởi gắm lòng mình vào tranh tĩnh vật như với bức “Hoa lan y” được khắc thạch cao, ông đã tạo nên một bức tranh tĩnh vật rất động, có hồn, vừa đẹp về nghệ thuật, vừa gần gũi với tâm tình người Việt, đặc trưng trong tinh thần nghệ thuật Á Đông.
Tranh của Trần Lưu Hậu có cái nhìn hội họa lãng mạn, tươi sáng và trẻ trung.Với chất liệu có khi là bột màu, đôi lúc là sơn dầu, trong tay ông là một bảng màu phong phú, sự tương phản với những tiết điệu khoáng hoạt; dùng những nét to, thô làm tăng nhịp điệu mạnh mẽ cho bức tranh, gây ấn tượng trong trẻo, hồn nhiên, vừa tĩnh lại vừa động làm vui mắt người xem, nên tác phẩm của ông tựa như những cuộc lễ hội tươi vui, sinh động của màu sắc. Tâm hồn Trần Lưu Hậu thể hiện qua hội họa của ông dung dị, khỏe khoắn. Tranh của ông như một bữa tiệc của màu sắc, tự chúng chuyển động, tạo ra không khí cho bức tranh, vượt qua ranh giới của hình.
Trần Khánh Chương là người năng động, tự tin trên cuộc hành trình tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, ông luôn vượt chính mình để tự khẳng định qua nhiều tác phẩm với chất liệu khác nhau từ gốm đến khắc gỗ, khắc thạch cao, vẽ giấy gió, sơn dầu … Xem loạt tranh “Hoa” của ông, có bút pháp giàu tính động, biểu cảm, thiên về gợi tả, với chất liệu tempera của phương Tây, và lụa – một chất liệu nền thông dụng của phương Đông tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo với một hình thức mới cho nghệ thuật lụa hiện đại.
Hứa Thanh Bình rất thành công trong bức sơn dầu “Ngựa giấy”, bằng kỹ thuật vẽ màu dày, với bút pháp mạnh mẽ, sinh động, giàu cảm xúc. Chỉ với hình ảnh con ngựa giấy hàng mã, tác giả đã tạo bất ngờ về cái động của tác phẩm, cho người xem bằng thủ pháp sử dụng các mảng màu xám lung linh, phóng khoáng trong chủ sắc trắng, cuồn cuộn trải rộng khắp mặt tranh kết hợp với sự định hình của những nét đen, điểm màu cam vàng, được chắt lọc nương theo dòng cảm xúc rất tự nhiên.
Lê Anh Vân là một họa sỹ sáng tác khỏe, với cách xử lý bố cục thông minh, gọn và chắc chắn, những hình tượng nghệ thuật tự nhiên, đơn giản, súc tích, giàu sức biểu cảm và gợi tả, mang nhiều ý nghĩa tượng trưng sâu sắc chứng tỏ sự uyên thâm trong kiến thức hội họa. Cái động trong bức tranh sơn dầu “Không gian tĩnh” là sự tương phản có chủ ý rõ ràng giữa ý tưởng và hình thức thể hiện, giữa những hình ảnh đàn chim đang đậu trên con bù nhìn, tạo tiền đề cho người xem liên tưởng đến nhiều cặp phạm trù khác nhau có tính chất biểu tượng trong cuộc sống. Dùng những vệt màu đa sắc gợi tả tiếng gió, tiếng vỗ cánh của chim khi bay đến đậu lên con bù nhìn trong không khí xôn xao của tác phẩm để diễn tả sự yên tĩnh. Sự yên tĩnh dường như là do vắng bóng con người, chứ không phải thiên nhiên đang tĩnh
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top