Tư liệu hay về nhà văn Nguyễn Tuân

Ngọc Suka

Cộng tác viên
“Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo, thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như tôn giáo của mình” (Trần Đình Sử). Hầu hết các sáng tác của Nguyễn Tuân là hành trình đi tìm cái đẹp trong thiên nhiên và con người. Bằng phong cách tài hoa, uyên bác không quản khó nhọc để khai thác “kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề nhằm tìm ra những chữ xác đáng nhất có khả năng lay động người đọc nhiều nhất”.

Chúng ta cùng nhau đọc bài viết “Một số giai thoại về Nguyễn Tuân” của Trần Bảo Hưng.

Tư liệu hay về tác giả Nguyễn Tuân - vnkienthuc (1).png


MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ NGUYỄN TUÂN (1910 - 1987)

Nguyễn Tuân nổi tiếng là khó tính và cẩn thận khi sử dụng chữ nghĩa. Nhà văn Hoàng Thao có thời gian là biên tập viên của NXB Văn học cho tôi biết: Trong tập tùy bút “Sông Đà” khi tả dốc Ô Quy Hồ, Nguyễn Tuân viết: “Ngựa leo dốc phì rắm”. NXB sợ viết như thế tự nhiên chủ nghĩa, thuyết phục mãi ông mới chịu chữa thành: “Ngựa leo dốc móng gõ tóe lửa” nhưng xem ra vẫn khó chịu lắm! Lần ấy báo Văn nghệ đặt ông viết bài nhân dịp kỷ niệm năm chẵn thành lập Thủ đô Xôphia của nước bạn Bulgari, Nguyễn Tuân viết một bài tùy bút khá hay có tên “Hương hoa hồng Bun”. Ban biên tập ngại viết tắt như thế có thể bị hiểu lầm là không tôn trọng bạn, yêu cầu Nguyễn Tuân sửa lại, nhưng ông không chịu. Cuối cùng hai bên đi đến thỏa thuận, Nguyễn Tuân đồng ý thêm hai chữ “gari”, nhưng phải để trong ngoặc đơn. Tên bài tùy bút sau đó được in là: “Hương hoa hồng Bun (gari)”, bài ở cuối trang 1 và tiếp vào trang trong. Trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều viết là Máy bay mỹ, riêng Nguyễn Tuân trong các tùybút của mình đều gọi là tàu bay Mỹ. Ông còn thói quen là quy giá trị nhuận bút ra phở: Quyển sách này trị giá X bát phở, tùy bút kia được trả y bát phở… Đó là những chuyện có thật về cá tính và thói quen của Nguyễn Tuân mà tôi được nghe kể lại và có khi được chứng kiến. Nhưng công tác ở nơi “lui tới đi về” của giới văn nghệ sĩ, tôi còn được nghe khá nhiều giai thoại về Nguyễn Tuân và điều thú vị là có nhiều giai thoại ông không hề được biết. Trong những lúc hai bác cháu nói chuyện, tôi đã kể cho Nguyễn Tuân nghe giai thoại về ông. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên và thú vị lắm, lần nào cũng: Ồ, à! Họ nói về mình thế à! Rồi ông cười, nụ cười mới hồn hậu làm sao, cái vẻ tinh quái và khinh bạc thường thấy ở ông dường như biến mất…

Xin ghi lại một số giai thoại về Nguyễn Tuân mà chúng tôi đã kể cho ông nghe lúc sinh thời:

NGUYỄN TUÂN KHÓ TÍNH:

Con gái nhà văn Nguyễn Tuân hẹn người yêu đến nhà để bố gặp mặt. Lần đầu tiên ra mắt bố vợ tương lai, Anh chàng chỉ sợ muộn giờ nên nhảy 3 bước một làm chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ rung lên bần bật. Đến cửa, anh vừa thở, vừa gõ cửa. Người ra mở cửa chính là nhà văn Nguyễn Tuân, ông liếc nhìn anh chàng từ đầu đến chân, rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa thủng thẳng: “Đi với đứng, cứ rầm rầm như thằng ăn cướp!”.

Lần sau đến nhà, anh rút kinh nghiệm đi thật sớm, bước lên cầu thang nhẹ nhàng, hầu như không gây ra tiếng động. Anh sẽ sàng gõ cửa. Người mở cửa lại là nhà văn Nguyễn Tuân. Ông lại liếc xéo anh từ đầu đến chân rồi lẳng lặng đi vào, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Đi với đứng, cứ rón ra rón rén như thằng ăn trộm!”.

Nghe nói sau lần ấy, anh chàng sợ không dám đến nữa.

NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN MỪNG HỤT:

Láng giềng của nhà văn Nguyễn Tuân một bên là ông thợ gò, bên kia là ông thợ rèn. Hai ông suốt ngày gõ đập chí chát đến đinh tai nhức óc, khiến nhà văn Nguyễn Tuân không viết lách gì được, nhiều hôm phải đợi đến đêm khuya ông mới có thể ngồi vào bàn làm việc.

Một hôm sáng sớm đã thấy ông thợ rèn sang nhà Nguyễn Tuân: “Hôm nay em xin phép bác cho em được chuyển nhà!”. Nhà văn Nguyễn Tuân mừng lắm, bởi bớt được tiếng động ầm ĩ một bên nhà, nhưng mặt vẫn tỏ ra rầu rầu tiếc nuối người bạn láng giềng lâu năm.

Vừa lúc ấy, ông thợ gò cũng sang xin phép được chuyển nhà. Đồ đạc của hai nhà hàng xóm đã được khuân ra để đầy sân. Nguyễn Tuân không giấu được nỗi vui mừng: Thế là từ nay tha hồ yên tĩnh, tha hồ mà làm việc. Và ông đã lánh đi cả ngày hôm ấy vì sợ để lộ ra nỗi vui mừng mà đáng ra phải bịn khi chia tay.

Buổi chiều về đến nhà, Nguyễn Tuân thấy đồ đạc ngoài sân đã được thu dọn hết. Nhưng ông bỗng choáng váng vì mình đã mừng hụt: Thì ra ông thợ gò đã chuyển sang nhà ông thợ rèn, còn ông thợ rèn lại tiếp quản nhà ông thợ gò.

CHÁU XIN PHẦN CHO ÔNG CHÁU

Năm ấy nhà văn Nguyễn Tuân tròn 60 tuổi, Hội Nhà văn Việt Nam dự định tổ chức lễ mừng thọ ông thật trọng thể. Giấy mời bạn bè, quan khách đã được gửi đi, bia hơi, bánh kẹo đã được lo liệu đầy đủ.

Đúng ngày kỷ niệm, phòng họp của Hội Nhà văn được trang hoàng lịch sự, các dãy bàn được phủ khăn trắng muốt, quan khách đã có mặt đông đủ, chỉ còn thiếu có nhà văn… Nguyễn Tuân. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua. Mọi người đều lo lắng không biết có sự cố gì, nhưng vẫn ráng đợi. Đúng 30 phút sau, thấy cháu gái nhà văn Nguyễn Tuân lễ mễ xách làn đến:

- Thưa các ông, các bà! Ông cháu xin lỗi vì bị cảm đột ngột không đến dự được, ông cháu bảo phần của ông cháu, các ông, các bà bỏ vào cái làn này để cháu mang về cho ông cháu.

Mọi người vừa bực vừa buồn cười. Ông Nguyễn lại chơi khăm chúng mình đây. “Đất không chịu trời thì trời chịu đất”, Ban tổ chức đành gói ghém bánh kẹo lại rồi mời mọi người đến nhà Nguyễn Tuân và tổ chức kỷ niệm ngay tại đấy.

Khi mọi người đến nhà, Nguyễn Tuân ra mở cửa và tỏ vẻ ngạc nhiên: “Quý hóa quá, các anh các chị đến chơi lại còn cho nhiều bánh kẹo thế này!”.

DI CHÚC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN

Về di chúc của nhà văn Nguyễn Tuân, người ta có nhiều lời đồn đại. Người thì bảo, ông yêu cầu đốt cho ông hình nộm một nhà phê bình, để xuống dưới đó ông sẽ hỏi: Xuống đây rồi, ông đã nói thật chưa? Người lại bảo ông để lại một danh sách: Những người nhất thiết không được đến dự lễ tang, những người đến cũng được mà không đến cũng được và cuối cùng là danh sách những người nhất thiết phải có mặt trong tang lễ thì ông mới nhắm mắt được.

Chuyện đến tai Nguyễn Tuân, ông bảo: Mọi lời đồn đều không đúng. Mình di chúc lại thế này: Số tiền các cơ quan, đoàn thể dự định mua vòng hoa và để vào phong bì viếng mình, xin dùng để mua một téc bia, mời anh em bè bạn uống bia, mừng cho Nguyễn Tuân về cõi vĩnh hằng.

(Trần Bảo Hưng / Theo Nhân đạo và Đời sống)

Qua bài viết “Một số giai thoại về Nguyễn Tuân” đó chính là những câu chuyện thật về cá tính và thói quen của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân nổi tiếng là khó tính và cẩn thận khi dùng chữ nghĩa nên nhà văn Thạch Lam đã từng nhận xét Nguyễn Tuân là nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp”.
 
Sửa lần cuối:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top