hoangphuong
New member
- Xu
- 110
Tư duy đồng thoại trong thơ hiện nay
Lê Lưu Oanh
(Bài viết chung với Đinh Thị Doanh)
Đời sống xã hội càng văn minh bao nhiêu, nỗi bất an của cuộc mưu sinh nặng nhọc ngày càng tăng, đời sống tâm hồn càng công thức, xơ cứng bao nhiêu, thì một trong những khao khát thẳm sâu của con người là tìm tới một nơi chốn trở về, mong tìm đến sự cân bằng, bình an, như một sự giải thoát trong tâm hồn. Vì vậy, trở về với cái tự nhiên của con người, và thể hiện những khát vọng ấy qua một điểm nhìn đặc biệt: cái nhìn đồng thoại về thế giới, là một trong những nội dung của thơ ca hiện nay.
Cái nhìn đồng thoại là cách nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ để trình bày một quan niệm độc đáo về thế giới và con người với một tấm lòng thành thực nhất. Có thể coi đây như là một kiểu tư duy thơ hiện đại: dùng cái khởi nguyên để làm thước đo vạn vật.
Đó là cái nhìn thế giới một cách tự nhiên, tươi tắn, ngỡ ngàng, nồng nhiệt như cái nhìn trẻ thơ với thiên hướng tìm về một thiên đường đã mất nhưng vẫn sống mãi trong tiềm thức tuổi thơ, một tuổi thơ của tất cả mọi người. Người ta vẫn nói: Thi ca là giấc mơ về tuổi thơ của nhân loại, có lẽ một phần vì lí do đó.
Hiện tượng này không hiếm trong nghệ thuật thế giới: tranh của M. Chagall, tranh H. Rousseau, thơ Êxênhin, thơ Cố Thành, văn xuôi của J. R. Jimenez. Người ta nhận xét về tranh của M. Chagall (họa sĩ Nga): “Nhờ cái nhìn đặc biệt về cuộc sống, tình cảm chân thành sâu sắc, với những cảm xúc tinh khiết và huyền ảo mang đầy phong vị cổ tích, nghệ thuật của Chagall mãi mãi thuộc về nhân loại” (1). Picasso cũng nói về Chagall: “Hẳn là có những thiên thần trong đầu họa sĩ Chagall” (2). Đó là những bức tranh vẽ ông già đang khăn gói đi trên nền trời, đôi vợ chồng hạnh phúc bay lơ lửng giữa không trung, những bông hoa trong vườn to tướng và đỏ rực… Bên cạnh đó là tranh của H. Rousseau (họa sĩ Pháp), người đã tạo nên trường phái hội họa Ngây thơ (Naif) ở Pháp. Trong tranh của H. Rousseau, toàn bộ thế giới không được vẽ theo nguyên tắc tả thực mà theo nguyên tắc ngây thơ hóa. Tranh vẽ thành phố thì “con tàu như gấp bằng giấy, những ngôi nhà mái đỏ nhấp nhô, mùa thu vàng đẹp đến nao lòng” (3). Vẽ rừng thì “cảnh tượng huyền bí mênh mông, một chất thơ bí ẩn, cái đẹp hoang sơ mộng mị” (4). Đặc biệt, trong tranh của cả Sagall và Rousseau, những ước mơ bình dị của con người hiện lên vừa trần tục vừa thuần khiết như trong cõi thần tiên, truyện cổ tích vậy.
Còn ở Trung Quốc, “Cố Thành nổi tiếng là nhà thơ mông lung, thơ anh là một thế giới đồng thoại, thế giới đồng thoại trong thơ anh được xây đắp bởi những giấc mộng, ánh mắt trẻ thơ, thiên nhiên thuần khiết, thanh âm tươi non và màu sắc sáng chói. Anh xem đấy là nơi ngụ cư của cái đẹp. Thơ anh thức tỉnh hồi ức và tiềm thức tuổi thơ, một tuổi thơ không thuộc về cá nhân riêng lẻ nào mà thuộc về nhân loại” (5). Anh nổi tiếng với những câu thơ như: Dịu dàng một trận gió, Trộm mất mái chèo của ta, Nước hồ xanh thẳm, Lấp lánh cười đùa, Có lẽ trận mưa mùa hạ, Làm hồ chứa nước mênh mang, Trên ngọn liễu thấp thoáng. Khuynh hướng này là sự hoàn nguyên hoàn toàn và ẩn đằng sau nó một cái nhìn mang tính triết lí và sự tồn tại của những chủ đề vĩnh cửu: con người tự nhiên.
1. Thế giới đồng thoại – thế giới đậm màu cổ tích
Trong thơ, đó là một thế giới trong trẻo, nguyên sơ, thanh khiết như thời khởi nguyên của nó. Các tác giả đều viết về một làng quê riêng của mình, nhưng không gian, thời gian của làng quê ấy đều đã được đẩy vào những chiều kích khác thường của một thiên đường đã mất. Ở đó, con người hòa mình vào một thiên nhiên tinh khiết, chưa có sự can thiệp của đời sống công nghiệp, chưa có sự hủy diệt và tan rã. Tất cả còn nguyên vẹn, đơn sơ, lắng đọng kì lạ…Trăng, sao, cây, lá đều thuần khiết, trong sáng, tự nhiên: mùa xuân chưa có mưa phùn, cánh hoa chưa biết sương và cành lá chưa biết mưa… (Nguyễn Quyến), ngày chưa mở- lời chưa ngỏ -gió mây chưa về quần tụ (Nguyễn Bình Phương). Các tính từ tuyệt đối được sử dụng nhiều: hồ nước trong vắt, ý nghĩ trong vắt, ánh sáng quá trong, lá mơn mởn… Con người sống thân thiết êm đềm, hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được sự trinh nguyên của thiên nhiên ngấm vào mình:
Những xôn xao lùa qua hơi ẩm
Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mù sương
Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm
Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng
ơi…ơi…ơi, những con đường thân thuộc
Như những ngón tay người yêu lùa mãi vào chân tóc
Ai gọi đấy, ai đang cười khúc khích
Tôi lách mình qua khe cửa, ơi …ơi (Ban mai- Nguyễn Quang Thiều)
Thiên nhiên ấy vừa yên ả, thanh bình, vừa xa xăm huyền hoặc. Không có những biến cố lớn, chỉ có: chiều dịu dàng, những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình (Nguyễn Quyến). Có thể cảm nhận được mùi bùn ngai ngái, làn khói xanh âm ẩm dịu dàng (Ngân Hoa), Trăng cào ổ lá, Vàng ổi đường thơm; Mùa núm áo đơm bông, Con bướm vàng dạm ngõ; Hỏi thu qua bao cuống lá sen vàng, Lá sen nghiêng như mặt người quay lại; Sông trời sao trắng hoa cau (Bằng Vũ). Thiên nhiên ấy thật lộng lẫy, kì ảo, tươi thắm, đầy màu sắc và hương thơm với những hình ảnh tươi non, rực rỡ, sống động. Mùi hương tràn ngập với hương hoa bưởi, hoa táo, hoa thiên lí, hương cỏ... Màu sắc thiên về những màu tươi sáng, rực rỡ của tuổi trẻ: rơm vàng, bông cải cúc vàng, tóc hoe vàng, bãi ngô xanh, quả đồi xanh, tiếng chuông xanh, ngày xanh, cơm mưa buổi chiều vàng… Những tính từ cảm giác xuất hiện dày đặc: tim tím, lăng lắc, ngai ngái, lấp lóa, âm âm, dìu dịu, thiêm thiếp, heo heo xanh, mênh mang ánh sáng (Dương Kiều Minh), nhỏ nhoi, chập chững, dịu dàng, đo đỏ, rôn rốt, chun chít, ngai ngái (Ngân Hoa). Hầu như toàn tính từ giảm nhẹ, thế giới được miêu tả đầy chất biểu cảm, thân thiện và hiền hòa.
Tất cả thế giới này đều là thế giới trong hoài niệm nên hết sức rực rỡ, đầy ánh sáng. Ở đó có bức tường ánh sáng, có ánh sáng nồng nàn trong trẻo bao la với trăng sao, chớp, đom đóm (Dương Kiều Minh). Thiên nhiên gần gũi nhưng vẫn lung linh huyền ảo. Gần gũi bởi có những hình ảnh quen thuộc của làng quê gắn với tuổi ấu thơ : đồng lúa, bụi hoa dại, vòm hoa, con đường hoa vối, giọt sương, đôi bướm, ngồng cải, cỏ may, bãi ngô, cây rơm (Dương Kiều Minh), bẹ ngô trắng, bãi cát, búp lá non, gốc rạ, đám rêu, sương đêm (Nguyễn Quang Thiều)… Nhưng thế giới đó lại đậm màu cổ tích bởi sự diệu kì của nó với bông súng thần tiên, khu vườn cổ tích, cánh bướm cổ tích (Nguyễn Quang Thiều), có vòm hoa rực rỡ, bức rèm hoa lấp lánh mơ vàng, tiếng sáo phiêu bồng (Dương Kiều Minh). Thời gian cũng bàng bạc diệu vợi, cỏ dịu dàng, trăng nhòa nhạt.
Thế giới ấy còn đậm vẻ thiêng liêng thành kính, cao khiết bởi có bóng đền đài uy nghiêm, chùa chiền, chuông thánh đường, buổi cầu kinh… Một vùng quê cụ thể đã được thăng hoa trong một cõi không gian khác, vừa tươi non đắm say, vừa thâm trầm cổ kính, như từ chốn thanh hư hiện về: Làng tôi tháng ba, Tiếng chuông ngân thành vệt sương mờ, Tháng ba, cánh đào rơi bậu cửa, Nghe tiếng chuông ngân, Hóa vết son mờ (Bằng Vũ).
Vẽ nên thế giới thiên nhiên trong sáng và tinh khiết này, các tác giả như muốn nói về chính bản chất của cuộc sống: cuộc sống là không điều kiện, là vĩnh cửu và tuyệt đối, là yếu tố thần diệu có mặt khắp nơi. Cảnh vật tỏa ra sự tươi mát và sức sống trường tồn.
2. Khát vọng hòa nhập vào thiên nhiên
Có hai con người trong thế giới đồng thoại. Tuổi ấu thơ là những cô bé cậu bé có tâm hồn nhạy cảm ham khám phá, giàu mơ ước và có tuổi thơ trong lành. Họ non tơ, trinh trắng như một thiên sứ, bằng đôi mắt hồn nhiên, mơ mộng, ngơ ngác, bắt đầu cảm nhận, khám phá thế giới, cội nguồn cái đẹp. Cái gì cũng như mới tinh, gặp gỡ lần đầu nên đều thanh sạch tinh khiết tuyệt đối. Sau này, dù đã lớn và trải nghiệm nhiều đắng cay, mất mát, song chất nhạy cảm, mơ mộng trong tâm hồn vẫn không mất đi, họ vẫn giữ đôi mắt hồn nhiên, thanh khiết khi nhìn về một thế giới thiên nhiên hiền hòa, êm dịu, như nơi chốn trở về, như bến lặng của tâm hồn, sau bao nhiêu chen chúc, bộn bề của đời thường.
Vì vậy, khát vọng trở lại cội nguồn, tìm về sự hồn nhiên trong trắng không ràng buộc là một chủ đề lớn trong dòng thơ này.
Trở về với cội nguồn, với thiên nhiên là trở về với những giá trị vĩnh cửu để xa rời cuộc sống ồn ào, vội vã của nền văn minh hiện đại, là sự kiếm tìm trạng thái bình yên, đối lập trạng thái bất an, khiếp sợ trước cái hỗn loạn của xã hội công nghiệp. Với tư cách là con người xã hội, con người phải tuân thủ theo những nguyên tắc luật lệ xã hội, có khi công thức, xơ cứng. Xã hội càng phát triển, sống giữa những tiện nghi vật chất, con người có lúc lại cảm thấy bất an, thì việc trở về với cội nguồn như tìm về sự cân bằng tâm lí.
Thơ thể hiện con người tự nhiên như tư tưởng trở về với thiên nhiên của Rousseau, Wordsworth, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ hàng trăm năm trước. Đây chính là một trạng thái hồi cố mang tính phổ quát.
Trở về cội nguồn là cuộc trở về vĩnh cửu. Ở đó, mơ và thực là một, hiện tại và quá khứ đồng nhất, con người tồn tại một cách tiên thiên đâu đó, trong cõi siêu nghiệm vĩnh cửu. Trước hết, đó là cuộc trở về với tuổi thơ của chính mình, về nơi chôn rau cắt rốn của mình, để tìm lại chính mình thưở non tơ, ngây dại, hồn nhiên.
Thưở đó, tuổi thơ của họ sống trong cánh đồng mẹ đẹp như chiếc nôi màu thiên thanh (Dương Kiều Minh), trong những khu vườn mang dấu ấn làng quê ngàn năm sương khói. Trở về nguồn với Nguyễn Quang Thiều là tìm về sự hồn nhiên trong trắng của căn nhà có cậu bé lên mười với bầy cá bơi bằng đôi cánh đỏ, những đám mây màu vàng khổng lồ, những ngôi sao đang mọc, mọc cả những ngôi sao mù trong im lặng kim cương… Cậu bé có một niềm tin mãnh liệt: Ta tin có một mụ phù thủy biến ta thành một chú bê. Đó là cuộc trở về không mệt mỏi với những câu chuyện cổ tích làm nên sự phong phú tâm hồn của con người đã từng có một tuổi thơ đầy ấn tượng đẹp. Điều này ta càng thấy rõ trong một loạt bài Thư Thăng long của anh trên Vietnam.net những năm gần đây.
Với Nguyễn Quyến, khát vọng về nguồn là tìm đến với bản chất thiên nhiên hoang sơ nhưng đầy nhân tính, bụi bặm mà thanh khiết của con người. Thế giới tuổi thơ đồng nhất với vườn địa đàng – khu vườn tuổi thơ. Nơi đó, chuồn chuồn vẫn bay không thấp không cao, cỏ vẫn ra hoa không mùa không vụ, lá vẫn rơi không khoan không nhặt, và dòng sông không đục không trong. Đó là nơi hòa đồng tuyệt đối với thiên nhiên: Bàn tay con giấu trong nải chuối non, hai tai con giấu trong đám mộc nhĩ, ánh mắt con giấu trong đám lựu nửa đỏ nửa xanh, trong vườn nhà (Nguyễn Quyến).
Với Ngân Hoa, đó là những đứa trẻ cảm nhận sự nồng nàn của đất đai qua cảm giác của bàn chân trần trên vạt cỏ: Chúng đi tìm những lưỡi cày mang dáng vầng trăng; Con mang theo trong vạt áo của mình đôi mắt trái na xanh, Đầu tháng bảy ngập ngừng trong tán lá…
Với Bằng Vũ, đó là những trò chơi thưở nhỏ: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, đánh chuyền đánh chắt, rồng rắn lên mây, mặt nạ trung thu… Những trò chơi này có lẽ chỉ còn trong kí ức, nhưng nó luôn hiện về theo mỗi bước chân anh khi trở lại chốn quê mình.
Không ít nhà thơ đã viết về làng quê của mình. Nhưng miêu tả làng quê ấy dưới nhãn quan đồng thoại, tức một làng quê đẹp như trong cổ tích với cái nhìn trong sáng, trẻ thơ thì không nhiều. Nhiều nhà thơ, khi ở tuổi thấm đòn của văn minh thành thị, đã luôn hoài niệm, thương nhớ về tuổi thơ vụng dại, khát khao và trong trẻo không bao giờ trở lại, nhưng cũng chính vì thế mà giấc mơ ấy lại càng chói sáng, quyến rũ hơn bao giờ hết: Thơ ấu chạy trên cánh đồng tím nhạt, Giữa nước nôi giữa bờ cỏ dầm sương,Vụng dại khát khao và trong trẻo (Dương Kiều Minh), Nhớ đồng quê cá quẫy chiêm bao; Ta ngọn cỏ bên nhau nơi đồng cỏ, Tuổi thơ xanh ngút ngát chân trời (Bằng Vũ). Thế giới được nhìn qua con mắt hoài niệm nên hai lần đẹp: Một lần được khúc xạ qua lăng kính tuổi thơ, một lần qua hoài niệm nuối tiếc. Thời gian thường nhòa đi, quá khứ và hiện tại xen lẫn nhờ sự đột ngột xuất hiện của những kỉ niệm. Vì vậy, những hình ảnh thân thuộc bỗng trở nên lung linh kì ảo: khu vườn cổ tích, bông súng thần tiên, lưỡi cày mang dáng vầng trăng, chiếc cốc trong veo, đôi môi màu dâu chín, cơn mưa buổi chiều vàng (Ngân Hoa).
Có lẽ, một thế giới đẹp như vậy cũng chỉ là thế giới trong mơ, trong hoài niệm. Nhà thơ Cố Thành (Trung Quốc) cũng vậy, anh đã vẽ nên một thế giới như mình mong muốn: đôi mắt mãi mãi không biết rơi nước mắt, tình yêu không biết đến khổ đau, ban mai và những giọt sương biết cười… Vậy nên, thế giới đẹp như trong cổ tích đó hay mơ ước về cội nguồn vĩnh viễn là chỉ là những giấc mơ: Thơm giấc mơ xưa (Bằng Vũ).
Gắn chặt với thế giới tiềm thức ấy là hình ảnh cố hương như những ám ảnh không nguôi: Cố hương ấy tụ vào và tan ra. Cố hương ấy là sự ra đi và cuộc trở về: Xa hơn nữa một mùa thu thắm đỏ, Con rắn nâu trườn qua lớp lá vàng cong, Xa hơn nữa tôi khóc cùng mùa hạ, Khi có một tôi đâu đó quanh vườn (Nguyễn Quang Thiều)… Hình ảnh khu vườn mẹ, nơi che chở và lưu giữ kí ức tuổi thơ: cây rơm vàng, làn khói dịu dàng, chiều thắm, hoa dong riềng tím đỏ, hàng thủy lan, cào cào châu chấu (Ngân Hoa). Khu vườn mẹ đẹp như giấc mơ này ta đã từng thấy trong thơ Exênhin- hoàng hôn màu đỏ, vòm hoa trắng xóa mảnh vườn xuân, hoa mùa hè tỏa ngát hương; trong văn của Juan Ramon Jimenez (Tây Ban Nha) với khung cảnh thanh bình yên ả và nguyên sơ tựa như chỉ có trong giấc mơ con người: Một đám mây đen lớn, giống như con gà mái khổng lồ đẻ trứng vàng, đẻ ra một vầng trăng trên đồi, làng mạc cô tịnh với cây và bóng cây, chỉ nghe toàn ca khúc của dế và tiếng dạ đêm của những con nước ngầm, những cánh đồng trồng đậu. Ở đó có những bầy ong vàng cánh đen lách tách trong khóm nho (Con lừa và tôi- J.R.Jimenez). Một thế giới trong lành, hiền hòa và sạch sẽ.
Trong sự trở về này, con người luôn hòa nhập với thiên nhiên, lắng nghe những tiếng nói sâu thẳm của thiên nhiên với niềm tin thiêng liêng: vạn vật hữu linh. Con người tìm ở đó không chỉ chính mình mà còn cả những giá trị tinh thần làm nên chính thế giới tinh thần họ.
Chỉ có trong đối sánh, hòa nhập với thiên nhiên, con người mới trở lại bản chất hồn nhiên trong nhân cách chính mình. Thiên nhiên đẹp như thực như mơ ấy, những giá trị vĩnh cửu thân quen và sự trẻ trung và tinh khôi của nó để lại dấu ấn vĩnh cửu về tâm hồn nguyên sơ, bản thiện.
Đó là cảm giác tìm thấy mình trong tự nhiên. Con người vô tư diễn tả những cảm giác tự nhiên, buông thả mình trong thiên nhiên, gần gũi với đất trời: Ta ngọn cỏ bên nhau nơi đồng cỏ, Tuổi thơ xanh ngút ngát chân trời, Em chân trần chạy giăng khắp bãi, Gió bóc ngô non thơm bãi ngoài (Bằng Vũ). Nơi đó con người đồng nhất mình với thiên nhiên trong cảm nhận sự sinh sôi nảy nở của đất đai, loài vật bằng tất cả giác quan, một giác quan không phải chỉ của con người mà là giác quan tạo vật: cảm giác của cỏ cây, côn trùng, trăng nước, đồng bãi: Ta hít mãi mùi cỏ loang loáng nước, Nghe mái rạ mơ màng ngủ nói mê; Thuở ngực đồng non tựa vai, Hồi hộp đợi mưa về; Trăng cào ổ lá, Vàng ổi đường thơm (Bằng Vũ). Họ cảm nhận được mùi đất ẩm, linh hồn những hạt mầm mệnh yểu, tiếng rống khàn khàn của những luống cày úp mặt (Nguyễn Quang Thiều), nghe tiếng lắc lắc những cành khô vặn mình đang vụn gẫy, hạt mướp hương cựa mình tỉnh giấc (Ngân Hoa). Đây chính là sự quyến rũ của ngôn ngữ cảm giác. Theo Z. Heinade, những cảm xúc mang tính nguyên sinh thường bắt đầu bằng các giác quan. Con người khi đắm mình trong thế giới và cảm nhận thế giới bằng các giác quan – đó là kinh nghiệm bên trong- dẫn đến những mối liên hệ với tinh thần, cái thiêng liêng, cao hơn thế giới vật chất và sự tồn tại trần thế (6). Chính những ngôn ngữ cổ xưa và nguyên thủy của cảm giác: hương thơm, sắc màu, âm thanh, mùi vị…, đã kết nối con người với quá khứ một cách hữu hiệu nhất.
Một trong những con đường hòa vào thiên nhiên một cách rất bản năng là thông qua ngôn ngữ loài vật. Loài vật làm đưa con người trở về tuổi thơ một cách tự nhiên, ngây thơ và giàu trí tưởng tượng. Bởi đó là sự năng động của thế giới tự nhiên: Những con sẻ nâu tha rơm về làm tổ, Lũ trẻ chạy giữa bầy châu chấu xanh, Chúng đốt rạ, đàn chuột đồng cay mắt; đàn sẻ giật mình, đám cưới chuồn chuồn kim, lũ ếch dại khờ (Ngân Hoa). Trò chuyện với loài vật, là trạng thái hòa nhập vào thiên nhiên tuyệt đối. Ở đây ta thấy có sự giao thoa với J.R.Jimenez: người và vật gắn bó với nhau như đôi bạn, cùng mơ những giấc mơ giống nhau, cùng chia sẻ lòng yêu thương những vẻ đẹp phù du nhất: Kìa Larô, thúy yến của bọn trẻ sáng nay chết trong lồng bạc rồi. Ta buồn, Larô ơi, đẹp làm sao, quả lựu đây này!
Sự chú ý tới loài vật trong thơ Nguyễn Quyến dường như là việc quay trở về với con người tự nhiên cùng cái nguyên sơ thanh khiết và bụi bặm, thấy trong bản tính con người luôn có bản tính loài vật bởi con người là kết tụ của các tinh hoa cũng như phần thô nháp, dữ dằn của thiên nhiên: Mẹ nhặt con từ tiếng gà thảng thốt, Mẹ nhặt con từ tiếng tru gầy guộc của con chó con (Nguyễn Quyến). Có phải vì con người luôn ước ao tìm về cội rễ trong tự nhiên đã sinh ra mình ?
Loài vật còn giúp thể hiện một cảm quan đặc biệt, đánh thức phần tâm linh sâu thẳm con người. Trong thơ Bằng Vũ, có rất nhiều hình ảnh, âm thanh của các loại côn trùng. Thứ ngôn ngữ côn trùng này, như dựng lại một thế giới tâm linh sâu thẳm không dễ dàng được biểu đạt. Có lẽ, khi tư duy bị đình trệ trong nhận thức về tự nhiên, thì chỉ có trực giác mới có thể giúp con người thâm nhập những bí ẩn của vũ trụ, bởi “một sự chuyển động nhỏ nhất của không khí cũng là sự chuyển động của linh hồn chúng tôi” (7). Đó là những cảm nhận về sự nở sinh mãnh liệt của đất trời, là bước đi thầm lặng mà hân hoan của mùa vụ, là niềm quyến luyến ngất ngây của tạo vật, là mọi cung bậc âm thanh, hương sắc, mùi vị của đồng bãi quê hương, là tiếng vọng của quá khứ: Anh lẫn vào cỏ, Lẫn vào khúc đồng dao giun dế, …, Theo dòng chảy thời gian, Mùa nở sinh trứng cá, Anh lẫn vào bọt trứng nổi trôi; Ta lạch về từ nguồn mưa, Quả trứng rơi vòng số phận, Linh hồn trước khi mọc cánh, Quẫy đuôi trong dạ biển tròn. Đây chính là khúc đồng ca Dương thế mà anh không nguôi khao khát hòa nhập. Có những cảm xúc sâu thẳm nhất, chỉ có thể diễn đạt gián tiếp qua loại hình ngôn từ trực giác này: Thả thuyền trăng giữa sông trời xa, Thả bèo sao trôi giạt Ngân Hà, Thả hương mùa về căng áo sữa, Thả mắt tìm tăm bọt cá, Người đi…; Buồn trong trứng nhện buồn ra, Giăng tơ gặp hạt sương sa rụng vào; Mỗi chiều sương giăng cánh đồng cỏ mọc, Mỗi đêm âm thanh mênh mang liên tục, Lòng đất mở ra tai mắt côn trùng; Ta như cánh kiến bò ngược cành non, mỗi lần ái ân một lần phải chết; Không em, Anh lạc giữa loài người, Anh lẫn vào sâu bọ, Anh ở cùng giun dế … Thế giới ấy vừa thực vừa không thực, như những cung bậc mơ hồ, xa xôi, thầm kín, khó giải mã nhất. Và trong thế giới ấy, con người và các sinh vật khác bình đẳng cùng tạo hóa.
Loài vật còn là hiện thân của con người và là sự đối trọng giữa một thiên nhiên hoang sơ, hồn nhiên ngây dại với nền văn minh công nghiệp trong nhịp điệu đời sống thị trường và nhân tính thời thực dụng. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều: hình ảnh bầy kiến đen bò qua bàn tiệc lúc tàn là biểu tượng cho con người trong đời sống sinh tồn nhọc nhằn. Rồi những người đàn bà vác dậm như những con cào cào khuất dần sau đám cỏ. Đó là những kiếp người hoang sơ không dính dáng gì đến văn minh hiện đại. Loài vật trong thơ anh như là sự đối chiếu xem xét lại khả năng nhân tính của con người thời hiện đại, là sự trở lại của các bản năng thô sơ vừa mang tính dữ vừa mang tính thiện của con người.
Tiếp đến là niềm khát khao một đời sống tự nhiên không ràng buộc. Nền văn minh công nghiệp, bên cạnh những ưu thế rất rõ, còn dẫn đến con người đến niềm tin mù quáng vào công nghệ, đến trạng thái bất an thường trực: ô nhiễm, thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn…luôn rình rập, bủa vây Quay trở lại, tìm đến đời sống tự nhiên chính là một cách phản ứng với cuộc sống bất an thời hiện tại, vừa thể hiện cuộc sống khát khao không ràng buộc. Vì thế, các nhà thơ thường thấy mình trong sự hòa tan của trời đất: Em thả thu cuối nước, Úp mặt sông nghe chiều đi (Bằng Vũ); Em chạy qua những dòng sông, cánh đồng, ngôi nhà lá, qua đất đai âm ẩm hạt mầm (Ngân Hoa). Những trạng thái vốc cát ấp vào mặt, đứng vùi chân trong cát, nước mắt buồn bay ướt triền sông, mặt người nhòa vào mặt cây, ngã xuống sông chảy xiết, bước những bước chân trần… là niềm mong muốn cởi bỏ những công thức, quy ước cứng nhắc, được thể hiện chân thật là mình, được thấm đẫm trong tự nhiên, ngập chìm trong thế giới nguyên sơ, hoang dại.
Đến cả con người hiện ra cũng thường trong trạng thái trường cửu cổ sơ, mang dáng vẻ hình hài như lúc cha mẹ sinh ra: Em vô tư một thời như mưa, Trần truồng cùng cây cỏ, Những giọt mưa rơi xuống ta, Tinh khiết không dối lừa (Bằng Vũ). Trong dáng vẻ đó, con người như cân bằng với tự nhiên, thanh sạch và bình đẳng giữa tự nhiên.
Khát khao về cuộc sống tự nhiên không ràng buộc còn thể hiện bởi những từ ngữ mang tính chất mơ ước: đợi chờ, hy vọng, niềm tin, mơ mơ, tự do hát vang: tự do cao lớn, bất chấp những tị hiềm xứ sở, chỉ những gì một đi không trở lại-làm nên vẻ đẹp cõi người (Dương Kiều Minh); khát thèm, chạy trốn những khuôn mặt hình tivi, những chiếc caravát, những đôi giày đen, những kế hoạch, những chữ kí, chạy trốn tiếng gõ cửa, chìa khóa, bát đĩa và sách dạy nấu ăn, chạy trốn điện thoại, xalông mút, lễ sinh nhật, chạy trốn seduxen, anagin, thuốc kháng sinh mạnh (Nguyễn Quang Thiều). Nghĩa là chạy trốn nền văn minh hiện đại và những hệ lụy của nó.
Niềm khát khao gìn giữ những vẻ đẹp tự nhiên gắn với chiều sâu văn hóa và tâm linh. Trong thơ, đó là niềm hoài niệm không nguôi về làng quê, nơi gìn giữ những kỉ niệm ấu thơ và một nền văn hóa cổ xưa mang nhiều giá trị tinh thần: Mai khôn lớn quên cười quên khóc, Sao chưa nguôi thương nhớ đồng quê; Quê tôi – hồn cào mặt đất, Hương trong, Ngây ngất trần gian (Bằng Vũ). Dạo này, tôi đã được đọc khá nhiều tản văn đồng điệu, khóc thương những cánh đồng rau khúc, những dòng sông, những mùa sen, những cây thị… như những giá trị tinh thần của một thiên đường tuổi thơ đã mất.
Bên cạnh đó, từ chỗ đứng của một nền văn minh khác, văn minh hiện đại, các nhà thơ nhìn thấy tình trạng đáng thương của kiếp sống thôn quê, nơi có những con người nghèo khó, bất lực, đang sống kiếp đời tự nhiên ngây dại: Những người đàn bà gánh nước sông, Những người đàn bà xuống bến, Những ngón chân xương xẩu, Móng dài đen và tõe ra như những móng chân gà mái, một bàn tay của họ bám vào đầu đầu gánh bé bỏng, chơi với, bàn tay kia bấu vào mây trắng….(Nguyễn Quang Thiều). Trong tập Bài ca những con chim đêm của anh, con người bị vò xé bởi thế gian dung tục, tội lỗi. Ở đó, con người đánh mất nhiều thứ, mất dần bản tính thực: làng quê trong màu trắng đơn điệu đồng loạt của những bức tường, dòng nước hiền lành trở thành quái vật rùng rợn, cây xanh bị chặt nát… Những tiếng chim đêm – tiếng ca trong giấc mơ mong manh của bầy trẻ trở thành tiếng chim khai sáng khiến thế giới như bừng tỉnh và những giá trị trinh nguyên ban sơ như được phục sinh thoát khỏi những tha hóa, ảo tưởng và ngộ nhận, nó là tiếng nói của cái đẹp, chất thơm của sự thanh bình trong sạch. Ngôn ngữ đồng thoại đã giúp nói lên những khát khao nhân bản này.
Trở lại với quê hương, với tự nhiên, đó là con đường gìn giữ nhân tính của con người.
Bằng cái nhìn trong sáng, hồn nhiên, chân thực, các nhà thơ đã thể hiện cấu trúc thế giới đồng thoại: thế giới hiện lên với tất cả những gì lung linh, tươi mát, lộng lẫy, một đời sống thú vị, mà cái gì cũng mang tính lí tưởng và tỏa sáng từ bên trong, trả lại cho thế giới cái bộ mặt thật ban đầu của nó, trả lại cho chủ thể trữ tình cái nhìn trong trẻo, tinh khiết về cuộc đời.
Tiếng nói đồng thoại là tiếng nói phản ứng lạ: chối từ lối tư duy công thức, sáo mòn, bộc lộ phần duy cảm rất mạnh. Đó không phải là một hướng đi tích cực theo quan niệm nhà thơ phải dấn thân… Nhưng nó mới đích thực là thơ – thứ nhạc điệu trong sáng, lung linh, thuần khiết nhất của tâm hồn của con người
Chú thích :
1, 2. Phạm Quang Vinh, Chagall. Nxb Kim Đồng, HN, 2001, tr. 17-24
3, 4. Phạm Quang Vinh, Rousseau. Nxb Kim Đồng, HN, 2002, tr. 3-14
5. Trần Đình Sử (dịch và giới thiệu), Cố Thành, TC Văn học nước ngoài, 5/1996
6, 7. Z.Heinade, Sự quyến rũ cảm giác của ngôn từ trong “Cuộc đời Arseniev- Thời thanh xuân” (Bunin), TC Những vấn đề văn học, Nga, 1/2009
Nguồn: Lythuyetvanhoc