Tư duy kinh tế Hồ Chí Minh

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tư duy kinh tế Hồ Chí Minh

Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo đường lối đổi mới, hội nhập, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế vẫn còn nguyên giá trị và những bài học quý giá.

Dưới đây là một số luận điểm kinh tế của Người trong cuốn sách “Tư duy kinh tế Hồ Chí Minh” của tác giả Cao Ngọc Thắng do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008.


Độc lập dân tộc và tự chủ về kinh tế

Trong suốt quá trình trăn trở đi tìm hình hài nền độc lập của dân tộc, Hồ Chí Minh đã hiểu sâu sắc rằng, không có nền độc lập dân tộc thì không có nền kinh tế tự chủ. Tư tưởng độc lập - tự chủ của Người mang sắc thái riêng trong mỗi điều kiện cách mạng, song đều có nền tảng chung là huy động toàn dân hăng hái tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Ngay khi trở thành người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam độc lập, Người đã lãnh đạo Chính phủ bắt tay gây dựng một nền kinh tế tự chủ, sáng tạo và độc đáo bắt đầu từ con số không. Người kêu gọi toàn dân thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trước tiên là chống “giặc đói”, tổ chức “Tuần lễ vàng” và “Quỹ độc lập” để phục hồi sức người, sức của trong cảnh ngặt nghèo.

Tiếp đó, nền kinh tế của nước Việt Nam độc lập tiếp tục trải qua sóng gió của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ xâm lược. Tính tự chủ trong nền kinh tế thể hiện ở đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể, đảm bảo cho cuộc kháng chiến trường kỳ đi đến thắng lợi. Đây là một thực tiễn sinh động trong việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và tự chủ về kinh tế (cũng như tự chủ về chính trị và xã hội) của cách mạng Việt Nam.

Xây dựng nền kinh tế mở

Cùng với luận điểm độc lập dân tộc mới tạo nên nền kinh tế tự chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những luận điểm cơ bản nữa về một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển, đó là xây dựng nền kinh tế mở và xây dựng chiến lược con người, vì con người.

Luận điểm xây dựng nền kinh tế mở được cụ thể hoá bằng chính sách mở cửa của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà lúc bấy giờ được xem là đã mang một định hướng hết sức đúng đắn và sáng suốt. Đó là Việt Nam sẵn sàng đón các nhà tư bản vào cùng khai thác những tiềm năng kinh tế, đôi bên cùng có lợi, với điều kiện những nhà tư bản phải thừa nhận và tôn trọng nền đọc lập của xứ này.

Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1946 tại Paris, Người phát biểu: “Hoàn toàn độc lập quyết không có nghĩa là đoạn tuyệt. Nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng những lợi ích văn hóa và kinh tế của Pháp trên đất nước Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam còn sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực. Việt Nam độc lập, chẳng những không làm hại đến lợi ích của Pháp, mà còn tăng cường vị trí và củng cố uy tín của Pháp ở châu Á”.

Tư duy của Hồ Chí Minh cho thấy, khi giành được độc lập, Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập với thế giới trên tinh thần hiểu biết sâu sắc lẫn nhau và tầm nhìn hội nhập thời đại. Đó là một tư duy chiến lược về sự hợp tác nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho mọi quốc gia, dân tộc, xoá bỏ những hận thù, những âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ và quyền tự quyết của quốc gia này với quốc gia khác.

Nhưng tiếc thay, những tư duy cực đoan muốn đàn áp cai trị bằng sức mạnh, bằng vũ lực của chính quyền Pháp và Mỹ lúc bấy giờ đã làm mất đi cơ hội cho sự hợp tác và phát triển trong khoảng thời gian hàng chục năm, không những thế nó còn dẫn đến cuộc chiến tranh do kẻ địch “càng lấn tới” làm cho bao máu xương đã đổ.

“Nhiều, nhanh, tốt, rẻ”

Một trong những tư duy kinh tế độc đáo, quen thuộc của Hồ Chí Minh là về hoạt động sản xuất hàng hoá. Tháng 3/1960, Hồ Chí Minh có một số bài viết trên báo Nhân Dân giải thích về phương châm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Người, “nhiều” là phải làm nhiều của cải để vừa tăng tích luỹ mở rộng sản xuất, vừa nâng cao mức tiêu dùng của người dân lao động. Muốn vậy, phải có nhiều người sản xuất và mỗi người phải sản xuất được nhiều; “nhanh” là phải tiến bước không ngừng và bước sau phải dài hơn, vững hơn bước trước; “tốt” – theo tư duy Hồ Chí Minh - gắn liền với hạch toán tốt, hợp lý trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế; và “rẻ” là tiết kiệm sức người, sức của trong quá trình sản xuất.

Lâu nay, nhiều người nói “nhanh – nhiều – tốt – rẻ” và cho rằng, đã nhanh, nhiều thì khó tốt, mà đã tốt thì lấy đâu mà rẻ. Cách hiểu như vậy là xoay quanh lôgíc sản xuất đơn thuần, mà “rẻ” được hiểu là giá rẻ của một món hàng thông thường. Đó không phải là bản chất của tư duy “nhiều – nhanh – tốt – rẻ” Hồ Chí Minh đề xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phải trên cơ sở các đặc điểm cụ thể về điều kiện, hoàn cảnh của đất nước – tức là điểm xuất phát của nền kinh tế mà xác định bước đi, lập kế hoạch, thực hiện điều tra cơ bản và đề ra chính sách, có như vậy nền kinh tế mới có thể “tiến nhanh, tiến mạnh” lên hiện đại.

Người cũng đặc biệt coi trọng vấn đề tổ chức, quản lý sản xuất và sử dụng các đòn bẩy kinh tế (như thực hiện công bằng xã hội trong khâu phân phối, khoán sản phẩm, thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, chế độ lương, thưởng – phạt hợp lý...) để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo báo Đầu tư
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top