TỪ CÂU SAI ĐẾN CÂU HAY: PHÉP LIÊN TƯỞNG
Tác giả viết bài này vì muốn lưu ý chúng ta: để có câu đúng, phải có sự tương hợp nghĩa giữa các từ trong câu; còn muốn có câu hay, phải dùng phép liên tưởng dựa trên những quan hệ logic – ngữ nghĩa khái quát giữa các từ ngữ.
Câu sai từ vựng: những từ không tương hợp nghĩa
Có sinh viên ngữ văn viết: “Mặc cho máy bay địch bắn phá, các ông bụt chùa Tây Phương vẫn phớt lờ ngồi trầm tư suy nghĩ”. Câu trên xem ra khá văn vẻ nhưng đọc lên cả lớp cười nôn ruột. Vì đã là ông bụt sao lại phớt lờ được? Trong câu trên, nếu thay ông bụt bằng những tay anh chị hoặc phớt lờ bằng điềm nhiên thì chúng ta được những câu đúng: “Mặc cho máy bay địch bắn phá, những tay anh chị vẫn phớt lờ ngồi đánh bài”; “Mặc cho máy bay địch bắn phá, các ông bụt chùa Tây Phương vẫn điềm nhiên ngồi trầm tư suy nghĩ”.
Theo cách miêu tả đơn giản nhất, từ phớt lờ là một hành vi có hai nét nghĩa: có chủ thể là người + bỏ qua, không để ý đến. Trong cuộc sống, có những điều không thể phớt lờ được. Một hệ quả: phớt lờ là thiếu lòng nhân ái. Mà bụt là “từ bi, nhân ái” trái ngược với “phớt lờ”. Vậy hai từ “ông bụt” và “phớt lờ” không tương hợp về nghĩa, có những nét nghĩa của từ này “chỏi” với nét nghĩa của từ kia.
Câu đúng về từ vựng là câu mà giữa các từ của nó có sự tương hợp nghĩa.
Từ câu đúng tới câu hay: phép liên tưởng
Bình thường, không thể nói “con gà phớt lờ”. Nhưng với mục đích “nhân hoá” như trong truyện đồng thoại cho thiếu nhi, có thể coi con gà như con người thì người viết đã thực hiện một phép liên tưởng và câu sau đây chấp nhận được: “Mặc cho anh gà trống cục cục tán tỉnh, con gà mẹ vẫn phớt lờ bới rác cùng đàn con”.
Chúng ta minh hoạ phép liên tưởng qua từ ngủ. Từ này có nét nghĩa “là sinh vật” và ba nét nghĩa cơ bản: (a) nhắm mắt + (b) bất động + (c) các giác quan tạm ngưng hoạt động. Nếu một đối tượng có ít nhất một trong các nét nghĩa trên đây thì chúng ta có quyền liên tưởng rằng đối tượng đó đang “ngủ”. Một con búp bê mở mắt khi đứng và lúc đặt nằm nhắm mắt sẽ có nét nghĩa (a). Chúng ta liên tưởng: “Con búp bê ngủ rồi kìa!” Một con quay, con vụ khi quay tít dường như đứng yên lại có nét nghĩa (b). Lúc đó, trẻ em nói: “Con quay của mình đang ngủ kìa”. Một thị trấn ban ngày tấp nập, náo nhiệt, chiều tối trở nên vắng lặng tức là có nét nghĩa (b). Chúng ta nói: “Chiều mùa đông thị trấn miền núi heo hút này đi ngủ sớm”. Con người thức và hoạt động ban ngày, ngủ về đêm. Mặt trời mọc và “làm việc” ban ngày, tối đến thì lặn nên “Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm” (Xuân Diệu).
Khi ngủ, giác quan tạm ngừng hoạt động (nét nghĩa c), chúng ta không nhận thức được thế giới chung quanh. Một người không biết gì tới những biến động của thời cuộc, là có nét nghĩa (c). Người ta nói: “Ông này đang ngủ mê hay sao ấy”. Một tổ chức thanh niên được lập ra cho có và chẳng hoạt động gì thì bị nói “Đoàn thanh niên ở đây ngủ suốt nhiệm kỳ rồi”. Những cách dùng từ ngủ trên đây còn được gọi là dùng theo phép ẩn dụ. Từ ngủ đã được mở rộng nghĩa.
Khái quát: có hai đối tượng A, B. Nếu A có thuộc tính x còn B có thuộc tính y giống x về bản chất hoặc hình thức, thì ta được quyền liên tưởng B cũng là A.
Tôi mượn những ví dụ từ bản dịch truyện của nhà văn Đan Mạch H.C. Andersen để làm rõ một điều: bản chất của phép liên tưởng dựa trên những quan hệ logic – ngữ nghĩa khái quát giữa các từ ngữ.
Ví dụ 1: không gian có quan hệ trên dưới, từ đây tạo ra cặp từ đối lập cao thấp. Quan hệ không gian chuyển thành quan hệ xã hội, ở đây cũng có những cặp từ đối lập về tôn ti, thang bậc xã hội cao thấp. Nghĩa của những từ trỏ không gian được dùng cho những từ trỏ quan hệ xã hội. Ấy thế nên một con lợn bằng sành để đựng tiền đặt trên một chỗ cao là nóc tủ liền được Andersen liên tưởng thành “một con lợn bụng đầy tiền có một chỗ vắt vẻo trên cao có thể mua được tất cả những thứ đồ chơi có trong phòng, nó chẳng còn nghe thấy ai nữa, dù có kêu to lên mời mọc”. Nhảy cao trong điền kinh được liên tưởng tới leo cao trong các nấc thang xã hội: truyện Các hiệp sĩ nhảy cao viết về một cuộc thi nhảy cao. Con nhảy (cơ giới) đã suy nghĩ rất nhiều và nó đã nhảy để rơi vào lòng công chúa. Con bọ chét có tài nhất, nhảy cao nhất lại thua cuộc. “Hờn giận, bọ chét bỏ ra đi và nghe đâu đã chết nơi đất khách quê người”.
Đằng sau những câu chuyện trẻ em này là những câu chuyện người lớn trong xã hội ngày nay về đối nhân xử thế, về quyền năng của đồng tiền, về sử dụng người tài…
Ví dụ 2: trong Chú lính chì dũng cảm, có “Chiếc thuyền chui vào cống, thấy vật lạ, con chuột cống bò ra đánh hơi”. Khi ra kiểm soát giấy tờ người ta cũng phải tiến lại gần, giống như chuột cống bò ra đánh hơi. Hành động này khiến Andersen liên tưởng: “Có giấy thông hành không? Đưa trình mau lên!” Về bản chất, chuột cống hôi hám và ăn bẩn giống như tính cách của người có quyền kiểm soát và ban phát giấy tờ. Tất nhiên, thuyền cứ lặng lẽ trôi qua trong cống hôi hám. Hiện tượng này gây ra sự liên tưởng chú lính chì khinh bỉ con vật đó. Khi khinh bỉ người ta im lặng. Và một loạt bảy cách liên tưởng độc đáo khác liên quan đến sự im lặng: “Lính ta im lặng, với địa vị của chú, chú muốn tránh mọi quan hệ với con vật kinh tởm này”; “Kể từ đó, chú tha hồ ngắm (chứ không bắt chuyện làm quen – Nguyễn Đức Dân) cô nàng xinh đẹp”. Thấy vậy con quỷ lùn nói: “Thằng nhóc con què quặt kia, sao lại dám nhìn những người ở địa vị cao quý…?” Chú lính ta vẫn lặng thinh chẳng nói chẳng rằng. Bị rơi xuống khe gạch, người ta xuống tìm, để báo hiệu chú định kêu lên, nhưng sực nhớ tới điều lệnh của quân đội cấm nói khi đang bồng súng, chú lại im bặt. Sau khi bị cá đớp, tình cờ được trở về với chủ cũ, được thấy lại nàng vũ nữ xinh đẹp… “chú nghẹn ngào cảm động suýt khóc nhưng lại thôi, vì nếu khóc thì nước mắt sẽ là những giọt chì và như vậy sẽ không nghiêm chỉnh”. Bị ném vào lửa, “chú chỉ ngước mắt về phía vũ nữ xem thái độ nàng ra sao”.
Vậy đấy, Andersen đã tài tình liên tưởng quan hệ cao thấp, sự im lặng tới hàng loạt hiện tượng khác nhau tạo ra những câu hay và những thiên truyện hay.
GS.TS Nguyễn Đức Dân - Minh hoạ: Hồng Nguyên
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị Online