Từ bếp lửa đến Bếp lửa - Đọc “Bếp lửa” của Bằng Việt
BÀI LÀM
Đọc “Bếp lửa” của Bằng Việt tôi đã mường tượng ra cảnh một chàng lưu học sinh trẻ tuổi trong cái giá lạnh của mùa đông Ki-ép ở đất nước U-crai-na xa xôi đương cặm cụi sưởi ấm những nguồn thương qua từng chữ, từng câu thơ mà thắp lên ngọn lửa đượm đà của một thời ấu thơ đẹp đẽ sống bên người bà yêu dấu ...
Đến nay đã hơn bốn thập kỉ kể từ khi bài thơ ra đời ta thực khó rõ đã có bao nhiêu trái tim rung cảm mỗi khi đến với “Bếp lửa”. Chỉ biết đằng sau mạch cảm xúc dạt dào của hoài niệm kia sẽ là gì nếu không phải một tình yêu lan toả với cái nóng, cái nồng đượm của “Bếp lửa quê nhà”, với sự ấm áp, ấp iu của “ngọn lửa lòng người”.
Có lẽ khi nhắc về quá khứ, nhất là những thời điểm đẹp đẽ, người ta vẫn thường kể nhiều hơn. Với “Bếp lửa”, nhà thơ Bằng Việt thực đã dắt dẫn người đọc vào sâu trong mạch kể, mạch hồi tưởng của ông. Hồi ức đẹp một đi không trở lại của tuổi thơ được tái hiện không phải bằng một trí nhớ lan man, chắp vá. Trái lại, ở sâu trong tiềm thức của tác giả, hình ảnh “bếp lửa” và “người bà” lúc nào cũng toả sáng lạ kì - trở thành một điểm đi về trong cõi nhớ. Dòng suy tưởng và hoài niệm của người cháu xa quê nhà có lẽ đều được khơi nguồn từ những hình ảnh ấy - giản dị mà thân thương, ấm áp vô cùng.
Việc đồng hiện hình ảnh “bếp lửa” và “người bà” trong bài thơ thực dễ khiến cho người ta có một sự liên tưởng về mối quan hệ lạ kì, thiêng liêng. Từ bếp lửa của củi rơm đến “Bếp Lửa” của lòng người (với hai chữ viết hoa !) có lẽ hơn bao giờ hết con người cảm nhận thật rõ về tình bà cháu, tình quê nồng ấm
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.
Cái “nỗi nhớ về bếp lửa” được nói trực tiếp song không vì thế mà giảm đi phần sâu lắng, tinh tế. Hình ảnh “bếp lửa” gợi nhớ bằng nhiều giác quan, bằng trí tưởng tượng. Thị giác (chờn vờn sương sớm), cảm giác (ấp iu nồng đượm) và khứu giác (sống mũi còn cay) rồi xúc giác (hun nhèm mắt cháu). Tác giả hướng mọi giác quan để quay về sống lại kỉ niệm trong trí tưởng tượng. Dường như không còn khoảng cách của thời gian ở đây nữa, mọi hình ảnh gắn với bếp lửa đã tái hiện chân thật, rõ ràng từ một thời kí ức xa xôi ! Hình ảnh bếp lửa còn gắn với người bà đầy thân thương. Tuy không trực tiếp nói ra song người đọc hình dung được công việc của người bà : “nhóm bếp”. Tuổi thơ của cháu gắn với bếp lửa, với mùi khói cay nhèm và cũng gắn chặt với người bà ấy. Phải chăng hình ảnh : “Một bếp lửa ấp iu nồng đượm” chính là hoá thân của tình cảm bà dành cho cháu. Vì vậy có lẽ tìm về với bếp lửa quê nhà cũng là tìm về tuổi thơ sống bên bà, trong sự chở che, nâng niu đầy trìu mến. Trong cảm nhận, nỗi nhớ đầu tiên của đứa cháu phương xa : “bếp lửa củi rơm” và “tình bà” cũng hiện lên với cái ấm áp, đượm đà, gắn bó đã sưởi ấm suốt thời thơ ấu của cháu. Sự tương đồng đẹp đẽ ấy dễ thường mấy ai nhận ra. Chỉ có Bằng Việt với khoảng thời gian đầu đời trong sáng được gắn bó bên bà mới có thể “cảm” sâu sắc đến thế cái tưởng chừng quá ư bình dị, mộc mạc. Ngụp lặn trong dòng hồi ức tươi mát của tác giả, chúng ta cũng muốn tìm đến với những tình thương yêu nồng hậu như thế :
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
...
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Cái ấm áp của “Bếp lửa” và “tình bà” trong sự tương đồng, ta đã biết. Đằng sau đó dường như còn có một sự tương đồng nữa. Bếp lửa và người bà đều là những gì gắn bó, thân thương nhất với kỉ niệm của cháu. Nếu “bếp lửa củi rơm” gắn với cảm nhận của cháu về : “mùi khói” với kỉ niệm “khói hun nhèm mắt cháu”, với dư âm : “sống mũi còn cay” thì người bà gắn với tuổi thơ cháu vừa như một người chăm sóc, vừa như một người bạn lớn. Những kí ức như ùa về trong tâm tưởng cháu. Đó là từ năm : “lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói”, lại cả những năm : “đói mòn đói mỏi”, những lúc : “Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế”, những khi : “giặc đốt làng cháy tàn, cháy rụi” ... Tự lúc nào tuổi thơ nhỏ bé của cháu đã được truyền hơi ấm từ bếp lửa, từ bà ! Một điều nhông thể ngẫu nhiên là : mỗi khi nhắc về bếp lửa lại thấy xuất hiện người bà và mỗi khi xuất hiện người bà lại thấy công việc của bà xoay quanh bếp lửa.
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Không nói mà tình vẫn dạt dào, không hô hào, bồng bột mà người ta vẫn không thể làm ngơ trước sự chân thành. Đó có lẽ là những gì BằngViệt đã làm khi dựng lên hai hình ảnh song song mà hoà hợp với nhau giữa : “bếp lửa” và “người bà”. Trong kỉ niệm, trong xúc cảm của một nỗi nhớ, lí trí đã nhường chỗ cho tình cảm và cái rõ ràng, minh bạch đã nhoè đi để được thêm những cái mơ màng, chập chờn của hồi ức. Hình ảnh bà và bếp lửa qua tâm trạng ấy đã đồng nhất, hoà quyện với nhau. Tuy một mà hai, tuy hai mà một để chỉ còn hiện lên trong tâm tưởng người cháu một cái gì thật ấp iu, nồng đượm.
Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ xét cho kĩ thì chính là điểm gợi hứng, là cầu nối để đứa cháu phương xa ngàn dặm gửi tình thương, nỗi nhớ về bà, về quê hương. Nhưng qua dòng hồi tưởng nhẹ nhàng, tươi mát của cháu, “bếp lửa của củi rơm” kia cũng không còn là “bếp lửa” bình thường như cái nhìn trước đó. Nó trở thành một hình ảnh cứ trở đi trở lại trong bài thơ, trong tâm trí người cháu và không lần nào cái bếp lửa bình dị ấy không gắn với hình ảnh người bà tảo tần, đầy thân thương. Và vì lẽ đó người ta có cảm giác bếp lửa kia chính là tình cảm người bà đôn hậu.
Nếu có một bếp lửa quê nhà vẫn “chờn vờn sương sớm” thì cũng có một ngọn lửa tình bà “ấp iu nồng đượm”. Có lúc hai thứ lửa ấy như tách ra, lại có khi như hợp cùng nhau. Khi tách ra nó gợi về những kỉ niệm : kỉ niệm về bếp lửa củi rơm (“khói hun nhèm mắt cháu”, “sống mũi còn cay”), kỉ niệm về bếp lửa tình bà (“Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế”; “Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”). Nhưng khi đã hoà hợp vào nhau nó trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng, kì lạ biết bao trong cái bình dị. Sống mũi còn cay là thực của ngày xưa ngồi cạnh bếp lửa , bên bà và là thực của hôm nay ( và chắc là mãi mãi ) của tình cháu.
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới xẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng - Bếp lửa.
Trong cái hoà hợp tuyệt vời người ta thấy cái nóng, cái đượm của bếp lửa củi rơm cũng như cả cái nồng, cái ấm áp của bếp lửa lòng người. “Bếp lửa” kì kạ, thiêng liêng ấy nhóm “khoai sắn ngọt bùi”, “nồi xôi gạo mới” cũng dành nhóm cả : “niềm yêu thương”, “tâm tình tuổi thơ” thì mới thực sự diệu kì. Tại sao nói đoạn thơ trên là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ, câu trả lời có lẽ nằm ở cái tình ấm lửa trong đó mà lúc nào cũng được ấp ủ:
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.
Tình cảm của bà rõ ràng đã được tượng trưng hoá với : “ngọn lửa”. Nếu nói “bếp lửa” e chưa thật trúng, còn nói “ngọn lửa” thì người ta cảm thấy cái linh hồn, tình cảm đã nằm ngay ở đó. Ngọn lửa ấy phải chăng là tâm huyết, nhiệt huyết (“chứa niềm tin dai dẳng”), phải chăng là tình yêu (“lòng bà luôn ủ sẵn”). Từ “Bếp lửa” đến “ngọn lửa” có lẽ hành trình từ cái đơn sơ, giản dị đến cái thiêng liêng, cao cả, từ cái thực đến cái linh hồn. Một lần nữa hình ảnh “bếp lửa” hay “ngọn lửa” đã tiếp tục tôn cao thêm tấm lòng chân chất, tình thương giản dị mà sâu sắc, đôn hậu của bà. Có thể chấp nhận được chăng khi ta hình dung “bếp lửa” trong kí ức tuổi thơ của tác giả chính là hiện hữu của một tình yêu nồng nàn, đượm đà bà dành cho Bằng Việt ? Cái chính là lòng bà lúc nào cũng ấp ủ một ngọn lửa vô hình song “dai dẳng”, “thiêng liêng” để lúc nào cũng vậy hễ nhắc tới “bếp lửa” cả tác giả và người đọc đều thấy thấp thoáng bóng bà đang hiển hiện.
Chẳng phải vô tình mà trong suốt bài thơ, hình ảnh “bếp lửa” cứ ám ảnh tâm trí Bằng Việt như vậy. Không dưới mười lần tác giả nhắc tới hình ảnh đó và lần nào cũng kèm theo sự xuất hiện của bà. Tác giả đang làm cái công việc của người đi so sánh, tỉ dụ hai giá trị hai vẻ đẹp : “bếp lửa” và “người bà” chăng ? Không hẳn như vậy ! Đọc kĩ lại ta thấy Bằng Việt đã làm một mĩ từ pháp có hiệu quả cao nhất : ẩn dụ. Hình ảnh bếp lửa là ẩn dụ của tình cảm nồng hậu nơi người bà, và tình cảm người bà chính là ẩn dụ của ngọn lửa - một thứ tình yêu cao cả nhất. Ta đã biết “người bà” và “bếp lửa” là hai giá trị chẳng thể nào tách rời trong hồi ức của tác giả thì lẽ nào tác giả lại đi làm cái công việc trái ngược kia : phân tách hai hình ảnh để so sánh ? “Bếp lửa” tượng trưng cho cái đơn sơ, khiêm nhường - đã bao giờ chúng ta nghĩ về bếp lửa nhà mình như thế này chưa : nó giản dị, đơn sơ (chỉ vài que củi, một ôm rơm, một cái kiềng là thành một “bếp lửa” nhỏ bé thôi !), nó cũng thật khép nép khi thu mình trong góc bếp chật chội ? Nhưng bếp lửa cũng là một cái gì đó rất ấm áp, nồng đượm (- những ngày đông lạnh thấu da thịt được ngồi bên bếp lửa sưởi ấm có lẽ là hạnh phúc lớn nhất !). Người bà cũng vậy : thật chân chất, mộc mạc, dân dã, quê kiểng song ẩn chứa tình yêu vô bờ, thiết tha, chan chứa. Qua con mắt nhà thơ, bếp lửa và bà đều là những gì tuy thật bình dị song ẩn giấu điều cao quí, thiêng liêng. Lấy hình ảnh của bếp lửa để nói về tình cảm của bà dành cho mình, thiết tưởng Bằng Việt phải nặng lòng với bà, với quê hương lắm lắm !
Một đứa con xa quê hương, một đứa cháu xa bà luôn thường trực trong tim nỗi nhớ về “bếp lửa” - về tình yêu ấm nồng tưởng như cái lạnh, cái cô đơn ở quê người cũng đôi chút vợi đi vậy ... Nhưng nhớ về bếp lửa phải chăng cũng đồng nghĩa với nhớ về quê nhà, nhớ về bà đồng nghĩa với nhớ về tổ ấm gia đình với niềm vui sum họp. Cái ẩn nghĩa cao nhất có lẽ là tình cảm về đất nước, quê hương mà chung qui vẫn kết tụ ở “bếp lửa” :
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà. Niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ? ...
Trong tình cảm của bà có tình cảm của đất nước, tác giả nhớ đến tình bà cũng là nhớ yêu đất nước, quê hương. Có người từng nói : “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Nói như vậy có nghĩa tình cảm của bà là một ẩn dụ của tình cảm đất nước dành cho những người con xa. Và có nên chăng khi ta coi : “bếp lửa” ấy cũng là một ảnh hình của quê nhà, đất nước ? Từ tình cảm với “bếp lửa”, với bà, tình đất nước, quê hương đã biểu hiện. Như vậy có nghĩa trong suốt cả bài thơ ta đã đi theo một hành trình cao cả : từ bếp lửa của củi rơm đậm vị mùi quê nhà, tới bếp lửa, ngọn lửa của lòng bà đậm đà, ấm áp và cuối cùng là đến lửa của quê hương, của tình cảm với Tổ Quốc ... Hành trình từ bếp lửa đến Bếp lửa tựa như hành trình của những giọt nước hoà vào suối, suối đổ vào sông, sông ra biển vậy... Càng ngày càng thiêng liêng, cao cả!
“Bếp lửa” là một dòng hồi tưởng song mang nhiều lớp lang, cấu trúc đa tầng nghĩa. Nó còn “chờn vờn”, “nồng đượm”, rực sáng mãi không thôi trong lòng những người dù chỉ đến với nó một lần.
... Đọc “Bếp lửa” của Bằng Việt, tôi vẫn mường tượng ra cảnh một chàng lưu học sinh trẻ tuổi trong cái giá lạnh của mùa đông Ki-ép đương cặm cụi nhen nhóm ngọn lửa lòng ấm áp, nồng nàn, nóng bỏng. Sống lại tuổi ấu thơ cảm động bên người bà yêu dấu với tình thương bao la, sâu đậm ở một miền quê còn nhiều gian khổ của đất nước chúng ta một thời ...
Một ngọn lửa mãnh liệt như vậy liệu có bao giờ lụi tắt được chăng ? !
( Lê Minh Phương )