TRUYỀN THUYẾT GIÁNG SINH
Giáng Sinh được tổ chức hằng năm vào ngày 25/12 để kỷ niệm ngày Ðấng Cứu Thế (Jesu Christ) ra đời. Nguồn gốc của ngày lễ cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng nó bắt nguồn từ những nghi lễ cử hành bởi những người Tiền Cơ Ðốc giáo ở Ðức và Âu châu để kỷ niêm ngày Ðông Chí (thường rơi vào ngày 22/12 ở Bắc bán cầu). Lễ hội Giáng Sinh được nhắc tới bắt đầu từ thế kỷ thứ IV bởi những người Cơ Ðốc. Ngoài những nghi thức của bản giáo, lễ hội còn du nhập những tập tục của người ngoại giáo như dùng nhánh cây Holly, cây Mistletoe để trang trí, khúc củi Yule đốt trong đêm và những chén rượu chúc mừng sức khỏe.
Sự tích ông già Noel
Theo một truyền thuyết, đây chính là hình ảnh của một vị Giám mục ở một vùng tuyết phủ Á châu. Ông được phong thánh nhờ giàu lòng nhân từ. Đó chính là Thánh Nicholas. Ông hay vác túi vải chứa đầy các sản phẩm và đồ chơi do chính ông làm, phân phát cho trẻ con các gia đình nghèo khó vào những ngày cuối năm lạnh lẽo.
Thủy thủ Hà Lan xưa kia gọi ông Thánh Nicholas là "Sinter Klass". Trong những chuyến trở về quê hương, họ đem câu chuyện kỳ thú về ông phổ biến khắp nơi. Từ đó, để khuyến khích trẻ con ngoan hơn, hàng năm cứ vào tháng 12, người Hà Lan lại dùng tên ông để gửi quà thưởng cho trẻ em (giả vờ như là do chính ông gửi tới).
Về sau, di dân Hà Lan đem theo truyền thuyết này qua Mỹ, nơi họ đã lập ra vùng "New Amsterdam" (thành phố "New York" ngày nay). Về sau, "ông già Noel" từ tên Hà Lan là "Sinter Klass" dần dần được gọi trại ra thành "Santa Claus".
"Santa Claus" từ Mỹ đã theo chân những người Anh hồi hương, vượt Đại Tây Dương đến với Anh Quốc. Ở đây ông được gọi là "Father Christmas".
Khi nói tới Santa Claus thì người ta nghĩ ngay tới xe trượt tuyết và những con tuần lộc (hươu tuyết) bởi đây chính là những phương tiện ông luôn dùng để đi lại, giao phát quà.
Một trong những cây chuyện về "Thánh Nicholas" kể rằng "ông đã đổ vàng xuống ống khói của nhà một gia đình nghèo khó và những thỏi vàng này đã rơi lọt vào những chiếc bít-tất (vớ) đan phơi trên lò sưởi". Từ đó mới có hình ảnh trong tâm trí trẻ thơ: ông già Noel chui xuống ống khói các nhà để phân phát quà cho trẻ con, bằng cách bỏ các phần quà vào trong những chiếc tất treo ở cuối giường hay ở bệ lò sưởi.
Cây thông Noel
Không ai biết chính xác việc trang hoàng cây Giáng Sinh được bắt đầu như thế nào, nhưng có không ít truyền thuyết về nó.
Một truyền thuyết kể rằng thánh Boniface, một thầy tu người Anh, người đã sáng lập ra nhà thờ đạo Cơ Ðốc ở Pháp và Ðức, một hôm trên đường hành hương tình cờ bắt gặp một nhóm những kẻ dị giáo đang tập trung quanh một cây sồi lớn. Họ dùng một đứa trẻ để tế thần. Ðể dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm! Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ dị giáo rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế.
Theo một câu chuyện khác, một lần thánh Martin Luther, người sáng lập đạo Tin Lành dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500. Trời quang và lạnh. Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Ngài thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Cảnh vật hôm đó đã làm Luther thực sự rung động. Vì thế, khi trở về ngài đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với trẻ con. Ðể tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao, ngài đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh.
Lại có một truyền thuyết kể rằng, vào một đêm Noel, có một người tiều phu nghèo khổ đang trên đường trở về nhà thì gặp một đứa trẻ bị lạc và sắp lả đi vì đói. Mặc dù nghèo khó nhưng người tiều phu đã chia cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi của mình và che chở cho nó yên giấc qua đêm. Buổi sáng, khi thức dậy, ông nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Hoá ra đứa trẻ đói khát tối hôm trước chính là Chúa cải trang. Chúa đã thưởng cho lòng nhân đức của người tiều phu tốt bụng bằng cây thông Giáng sinh đó.
Nguồn gốc thực của cây Giáng sinh có thể gắn liền với những vở kịch thiên đường. Vào thời Trung cổ, những vở kịch giảng dạy đạo đức được biểu diễn khắp Châu Âu. Thông qua các vở kịch ấy các nhà truyền giáo truyền bá các bài Kinh thánh. Những vở kịch nói về nguồn gốc của loài người và sự dại dột của Adam và Eve ở vườn Eden thường được diễn vào ngày 24 tháng 12 hàng năm. Cây táo là một đạo cụ trong vở kịch, nhưng vì các vở kịch được diễn vào mùa đông, các loài cây đều chưa kết trái nên các diễn viên phải treo những quả táo giả lên cành cây.
Phong tục cây Giáng sinh bắt đầu phổ biến ở Ðức vào thế kỷ XVI. Chẳng bao lâu sau, việc trnag hoàng cây Giáng sinh đã trở thành một phong tục ở các nước Châu Âu. Vào giữa thế kỷ XIX, hoàng tử Albert đã đưa phong tục cây Giáng sinh vào nước Anh. Khi cây Giáng sinh trở thành thời thượng ở Anh thì những gia đình giàu có đã dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí cho nó. Từ Anh việc trang hoàng cây Noel trong dịp lễ Giáng sinh cũng lan rộng trên khắp các vùng thuộc địa của đế chế Anh, tới cả những vùng đất mới như Canada.
Cây Giáng sinh lần đầu tiên được dân chúng ở Mỹ biết đến là vào những năm 1830. Khi hầu hết người dân Mỹ còn coi cây Giáng sinh là một điều kỳ cục thì những người Ðức nhập cư ở Pennsylvania thường trang hoàng cây Giáng sinh vào các buổi biểu diễn nhằm tăng tiền quyên góp cho nhà thờ. Vào những năm 1890 nhiều đồ trang trí bắt đầu được nhập từ Ðức vào và tục lệ về cây Giáng sinh đã trở nên phổ biến tại Canada và Mỹ. Có một sự khác biệt lớn giữa cây Giáng sinh của Châu Âu và Bắc Mỹ, cây của Châu Âu nhỏ, hiếm khi cao hơn một mét rưỡi, chỉ khoảng 4 hoặc 5 feet trong khi cây của Bắc Mỹ cao tới trần nhà.
Ngôi sao Giáng Sinh
Tương truyền, lúc Đức Chúa vừa chào đời tại Bê-lem thuộc xứ Giuđa thì trên bầu trời xuất hiện một ngôi sao tỏa ánh sáng rực rỡ trải dài mấy trăm dặm.Ở các vùng phía đông xa xôi có ba vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ.Ba vị đi theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được thành Bê-lem nơi Chúa đã ra đời. Đến nơi, họ quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Người các lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược.
Về sau, ngôi sao trở thành biểu tượng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo ở chỗ sang trọng nhất ở các giáo đường như một sự nhắc nhở về sự tích trên. Ngôi sao còn mang ý nghĩa tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế.
Bánh Bûche de Noël (Bánh khúc cây)
Đây là một loại bánh được sử dụng trong dịp lễ hội Giáng sinh theo truyền thống Pháp. Chiếc bánh này thường được chuẩn bị và trang hoàng như là một khúc củi dùng để đốt trong lò sưởi. Chiếc bánh bûche truyền thống được làm từ bánh nướng xốp, cuộn lại thành hình trụ tròn sau đó được phủ kem bề mặt và xung quanh.
Theo tục lệ, trong đêm trước Giáng sinh, người ta hay chặt một khúc cây lớn và đem vào nhà để làm lễ. Khúc cây sẽ được đặt trên lò sưởi, người chủ nhà làm lễ dâng rượu bằng cách rắc lên khúc cây một ít dầu, muối, rượu nóng và đọc lên những lời cầu nguyện. Trong một vài gia đình, người con gái trẻ trong gia đình sẽ nhóm lửa đốt khúc cây bằng một ít gỗ vụn mà họ đã chuẩn bị và cất giữ từ năm trước. Ở một số gia đình khác thì người mẹ được ưu tiên thực hiện động tác này. Tương truyền rằng những bột than có từ khúc cây đã cháy này sẽ bảo vệ cho ngôi nhà khỏi thiên tai và sự xâm nhập của ma quỷ. Những chọn lựa về các loại gỗ khác nhau, cách đốt khúc cây và khoảng thời gian để làm nghi thức này thay đổi tùy theo những vùng khác nhau.
Từ thế kỷ thứ XII tục lệ này được áp dụng ở hầu hết các quốc gia tại Châu âu, đặc biệt tại Pháp và Italia. Tục lệ này vẫn còn được duy trì ở đếnnhững năm cuối thế kỷ 19. Sau đó nó dần biến mất khi những lò sưởi đá lớn được thay thế bởi những lò sưởi hiện đại bằng kim loại. Những khúc cây lớn được thay thế bởi những khúc cây nhỏ hơn, được trang trí xung quanh bằng những ngọn nến và cây cỏ, đặt giữa bàn như là một vật trang trí.
Ngày nay, bánh khúc cây Giáng sinh đã trở thành một món bánh ngọt truyền thống, được phủ bởi kem cà phê hoặc sô-cô-la và trang trí đẹp mắt.
Quà tặng:
Cuối năm là dịp trẻ em đi vòng quanh nhà ca hát & chúc mừng cả gia đình. Để thưởng công cho chúng, người lớn phát quà. Tập tục này bắt đầu là của giới quý tộc, sau đó lan rộng đến mọi giới. Ngày nay, nói đến Noel là nói đến quà tặng, thiệp chúc mừng.
Bài hát Giáng sinh:
Bài Jingle bell do nhạc sĩ J.Pierpont sáng tác nhưng lại đặt vào chùm bài hát trong danh sách những bản nhạc dân ca nổi tiếng của Mỹ với tên gọi American song bag của nhà thơ Carl Sandburg. Bài này không phải sáng tác cho đêm Noel như người ta lầm tưởng.
Lời bài hát đậm tính dân dã mộc mạc, diễn tả tâm hồn của người dân Mỹ hướng đến một mùa tuyết rơi thật tốt lành. Hình ảnh ông Noel với túi quà đồ chơi, ngồi trên xe tuần lộc với tiếng chuông leng keng diễn tả sinh động, quyến rủ làm cho người ta thích nghêu ngao, nó vô tình trở thành bài hát Giáng sinh.
Bài Silent Night, holy night có xuất xứ từ Đức với tựa đề “Stille Natch, Heiligo Natch” do linh mục Joseph Mohr sáng tác khi cuộc chiến Đức – Áo - Phổ kết thúc. Sau này được phổ biến sang Áo, Mỹ... nay đã được dịch ra gần 100 thứ tiếng.