Truyện Thủy Hử ( toàn tập )

thu hoang

Moderator
Xu
0
Thuỷ Hử
Tác giả: Thi Nại Am

Thủy hử hay Thủy hử truyện, nghĩa đen là "bờ nước", là một tác phẩm trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường gọi là nhóm tứ đại danh tác. Tác giả Thủy hử thường ghi là Thi Nại Am; cũng có người cho là của La Quán Trung. Truyện được viết dựa theo sách Đại Tống Tuyên Hoà di sự[1]

Cốt truyện chính là sự hình thành và những thành tích của một nhóm người chống triều đình mà trở thành giặc cướp, thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (cũng ghi là Lương Sơn Bạt).
 
Hồi Thứ Nhất
Vương Giáo Đầu, phủ Duyên lánh gót
Cửu Văn Long, thôn sử ra tay



Về đời nhà Tống, Triết Tôn Hoàng Đế làm vua, cách với đời của vua Nhân Tôn Hoàng Đế đã xa; Giữa phủ Khai Phong, ở ngay Đông Kinh, thuộc khu của thành Tuyên Vũ Quân nảy nồi một tên con nhà lông bông mất dạy, là dòng họ Cao, bày hàng đứng vào thứ hai. Anh ta thuở nhỏ không chịu làm ăn, chỉ thích múa thương đánh gậy, và đá cầu rất giỏi, bởi thế trong Kinh Sư gọi anh ta là Cao Cầu, đổi gọi Cao Nhị. Đoạn chữ cầu có chữ Mao là lông ở bên cạnh, sau phát tích khá lên, mới đổi chữ Cầu có chữ Nhân là người đứng cạnh.

Anh chàng này lại giỏi thổi sáo múa bộ, chơi bời nghịch ngợm đủ lối, mà còn học đòi thơ phú, võ vẽ sách vở, nhưng nói đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, hạnh trung lương, thì tuyệt nhiên không hiểu chút gì.

Suốt ngày anh ta chỉ ở trong thành ngoài thành Đông Kinh, bám vào những tay du thủ du thực, đánh đu với một anh con trai Sinh Thiết Vương Viên Ngoại, để kiếm tiền tiêu xài, đĩ bợm với nhau.

Bất đồ không bao lâu bị Viên Ngoại có đơn thưa kiện Cao Cầu trong phủ Khai Phong, quan Phủ cho bắt Cao Cầu kết án phạt đánh 20 trượng, trục xuất ra khỏi Đông Kinh, cấm nhân dân ở trong thành không ai được dung túng ở trong nhà.

Cao Cầu vô kế khả thi, đành phải đi sang miền Hoài Tây, chạy vào bám ở một nơi sòng bạc của Liễu Đại Lang gần đó. Anh này nguyên tên là Liễu Thế Quyền, bình sinh chỉ quen kết nạp những hạng bơ biếng phỉnh phờ, bao nhiêu hạng dông dài bợm bãi đâu đâu, cũng đều chứa chấp hết thẩy.

Cao Cầu tới đó được tới ba năm, nhân gặp khi Triết Tôn Thiên Tử đi lễ Nam Giao, cảm thấy mưa hòa gió thuận, gia ơn đại xá cho các tội tù, Cao Cầu cũng dự vào hạng ấy.

Được tin ân xá, Cao Cầu nhân muốn trở về Đông Kinh, liền nói cho Thế Quyền hay. Liễu Thế Quyền vốn có một người bà con, tên là Đổng Trương Sĩ mở hàng thuốc sống ở phía cầu Kim Lương trong Đông Kinh liền viết một phong thư và thu xếp ít tiền lộ phí, giới thiệu cho Cao Cầu sang ở với Đổng.

Cao Cầu được thư giới thiệu, từ giã Liễu Đại Lang đeo khăn gói tìm lối quay về Đông Kinh, thẳng đến cầu Kim Lương, kiếm hàng thuốc Bắc Đổng Sinh, đưa thư trình diện.

Đổng Trương Sĩ trông thấy Cao Cầu, lại thấy bức thư của Liễu Thế Quyền, trong bụng nghĩ thầm:

Thằng cha Cao Cầu này, nhà ta dung làm sao được. Nếu phải hắn là người có chí hướng thành thực, thì cũng có thể cho ở đây, quanh quẩn ra vào, kèm dạy cho mấy đứa nhỏ... Nhưng hắn lại là một tay du thu du thực, con nhà mất dạy, không một chút tín nghĩa gì, hơn nữa trước đây đã phạm tội phát phối, thì chứng cũ đã chừa sao được?

Nay ta để luôn trong nhà, không khỏi con trẻ tập theo những thói vô loại, rồi đây biết làm sao kịp? Mà nếu không dung hắn ở đây, thì đối với Liễu Đại Lang cũng hơi có điều bất tiện...

Nhân thế phải làm ra bộ vui vẻ tươi cười, hãy lưu Cao Cầu ở lại trong nhà, và hằng ngày cung đốn rượu chè rất là tử tế.

Cách 10 hôm sau, Đổng Trương Sĩ chợt nghĩ được ra một kế liền sắm sửa quần áo mới, viết một phong thư rồi bảo Cao Cầu:

- Nhà đệ ở đây, như ánh sáng của con đom đóm, không thể soi rõ được người, chỉ sợ sau này lầm lỡ cho túc hạ, nay tôi xin tiến túc hạ sang chỗ quan Học Sĩ Tiểu Tô, sau này sẽ có đường xuất thân cho túc hạ chẳng hay túc hạ nghĩ sao?

Cao Cầu nghe nói mừng rỡ mà cảm tạ Trương Sĩ, Trương Sĩ liền trao quần áo cho Cao Cầu mặc, và sai người mang thư sang phủ Học Sĩ.

Khi tới nơi môn lại vào báo cho Học Sĩ ra, sau khi trông thấy Cao Cầu, và đọc qua bức thư, Học Sĩ hiểu Cao Cầu là hạng người phù phiếm phỉnh phờ, liền nghĩ thầm:

- Nhà ta đây dụng hạng này thế nào được? Chi bằng ta lưu chút nhân tình, tiến cử anh ta sang phủ Phò Mã Vương Tấn Khanh, để làm người hầu thân tùy. Ông này vẫn thường gọi là Tiểu Vương, Đô Thái Úy, tất là ông ta ưa thích những hạng người này... "Liền viết thư trả lời cho Đổng Trương Sĩ, rồi lưu Cao Cầu ở trong phủ một đêm.

Sáng hôm sau, viết một bức trình, sai một tên gia nhân mẫn cán đưa dẫn Cao Cầu sang phủ Tiểu Vương Đô Thái Úy.
 
Vị Thái Úy này nguyên là chồng của bà chị Triết Tôn Hoàng Đế, và là phò mã vua Thần Tôn khi trước vốn là người thích những bọn phong lưu phóng đãng xưa nay, khi nhận được thư Học Sĩ đưa Cao Cầu đến, thì trong lòng lấy làm mừng rỡ liền viết thư trả lời quan Học Sĩ, mà lưu Cao Cầu ở phủ, để cho hầu hạ trân trọng.

Từ đó Cao Cầu được Đô Úy tin dùng, khi ăn ở lúc ra vào, chả khác chi người nhà thân mật vậy.

Một hôm gặp ngày sinh nhật Đô Thái Úy, trong phủ bày đặt yến tiệc để mời Đoan Vương sang dự tiệc.

Đoan Vương là con trai thứ II vua Thần Tôn, là em vua Triết Tôn, và là em vợ Đô Thái Úy, hiện giữ chức Đông giá, bài hiệu là Cửu Thiên Vương, vốn là người thông minh tuấn tú, am hiểu mọi cách chơi bời, những sự du nhàn, không gì là không thích, các ngón cầm kỳ, thi, họa, ca vũ, thanh âm, cùng là ngón múa gậy đá cầu là ngón chơi sở thi�ch nhất cả.

Hôm đó Đoan Vương sang dự tiệc ở phủ Đô Thái Úy, khi rượu đã vài tuần rồi, đứng dậy chạy vào thư viện để xem. Chợt trông thấy trên bàn sách có một đôi sư tử chặn giấy làm bằng thứ ngọc dương chi rất là tinh hảo, liền cầm tay ngắm nghía hồi lâu mà luôn mồm khen ngợi.

Vương Đô Úy thấy Đoan Vương có ý ưa thích liền nói:

- Ở đây có một cái giá bút rồng bằng ngọc, cũng một người thợ ấy chế ra, để mai xin đem sang dâng ngài dùng. Đoan Vương mừng rỡ tạ ơn, rồi lại cùng nhau quay ra dự tiệc, mãi đến chiều tan tiệc mới lui về vương phủ.

Ngày hôm sau, Tiểu Vương Đô Thái Úy, lấy đôi sư tử và cái giá bút rồng bằng ngọc, bỏ vào cái hộp nhỏ bằng vàng, lấy lụa bọc ngoài, và viết một phong thư sai Cao Cầu đưa sang vương phủ.

Cao Cầu vâng lệnh đem các lễ vật sang phủ Đoan Vương.

Khi tới cổng, báo cho người canh cổng vào bẩm báo với Đoan Vương.

Người canh cổng vào một lúc rồi chạy ra bảo Cao Cầu rằng:

- Có phải là ngươi bên phủ Phò Mã, thì cứ vào trong sân điện kia, ngài đương đánh cầu ở đấy.

Cao Cầu nghe nói, liền nhờ dẫn vào.

Khi tới sân điện, thấy Đoan Vương đầu đội mũ Sài Tiến, mình mặc áo long bào hoa tía, lưng thắt đai văn vũ, tay cầm một bên áo xốc lên, chân đi đôi giày bít gót, thêu phượng bay bằng kim tuyến, cùng với năm bảy tiểu môn đá cầu, Cao Cầu thấy vậy đứng núp đàng sau đám hoàng môn mà không dám thò mặt ra.

Chợt khi ấy quả cầu ở trên không rơi xuống đất. Đoan Vương đón không được, lại bắn đến bên cạnh Cao Cầu, chàng ta liều gan đá luôn một quả về cho Đoan Vương, Đoan Vương lấy làm thích, gọi đến gần mà hỏi là: Ngươi ở đâu?

Cao Cầu quì xuống đất kêu rằng:

- Con là người bên phủ Đô Thái Úy, sai đưa sang mấy bộ đồ ngọc, và bức thư sang dâng đại vương.

Nói đoạn liền lấy thư đưa lên, Đoan Vương xem xong mỉm cười ra dáng vui mừng, không kịp xem đến các đồ ngọc ngoạn, vội sai quân hầu đem cất đi, và lại hỏi luôn Cao Cầu rằng:

- Nhà ngươi tên là gì? Cũng biết đá cầu hay sao?

Cao Cầu cung kính bảo rằng:

- Con tên là Cao Cầu, thủa nhỏ cũng có học đôi chút.

Đoan Vương cười mà bảo rằng:

- Nếu vậy ngươi thử đá chơi với ta một chút xem sao?

- Con đâu dám vô lễ.

- Việc chơi phải như thế mới vui, cho phép ngươi cứ đá thử ngại chi?

Cao Cầu từ chối năm bảy lượt, Đoan Vương nhất định không nghe, sau bất đắc dĩ phải xin lỗi để vào đá.

Cao Cầu vừa mới đá luôn được mấy quả, Đoan Vương đã vỗ tay khen giỏi.

Bây giờ chàng mới giở hết tài bình sinh đá đông đỡ tây, tung cao hứng thấp, làm cho quả cầu kia hết lên lại xuống hết dọc lại ngang, con mắt nhanh nhẹn đến đâu cũng không theo kịp; Đoan Vương reo to lên lấy làm thích chí, rồi giữ riết Cao Cầu ở đấy mà không cho trở về nữa.

Về phần Đô Thái Úy từ khi sai Cao Cầu đi rồi mong mỏi suốt ngày hôm ấy, cũng không thấy về, trong lòng lấy làm nghi ngại, không hiểu cớ làm sao?

Chợt thấy sáng hôm sau, người nhà Đoan Vương đưa giấy đến mời sang vương phủ.

Đô Thái Úy thấy vậy vội vàng dóng ngựa đi ngay. Khi tới nơi Đoan Vương mừng rỡ đón chào, trước hết tạ ơn về những tặng đãi ngọc ngoạn, rồi sau mời vào dự tiệc.

Chè chén hồi lâu, Đoan Vương nói với Đô Thái Úy rằng:

- Tên Cao Cầu ở bên quý phủ có tài đá cầu rất giỏi, ý tôi muốn lưu hắn ở lại đây, để sớm khuya thưởng thức cho vui, chẳng hay Thái Úy có ưng thế cho chăng?

Đô Thái Úy vui cười đáp rằng:

- Nếu điện hạ bằng lòng cho hắn ở đây thì tôi đâu lại không thuận vậy từ nay xin cho hắn theo hầu.

Đoan Vương nghe nói tỏ lòng mừng rỡ, cảm ơn Đô Thái Úy, rồi cùng nhau chè chén, mãi khi mặt trời lặn mới tan

Từ đó Đoan Vương để cho Cao Cầu hầu hạ thân mật ở trong cung cấm, ngày đêm một bước không rời, cái cảnh tao tế của cậu đãng tử ngày xưa, nay đã bội phần vinh hạnh.

Được ngót hai tháng sau, vì Triết Tôn Hoàng Đế không có con trai, các quan trong triều thương nghị lập Đoan Vương lên làm Thiên Tử, xưng đế hiệu là Huy Tôn, gọi là Ngọc Thành Giáo Chủ, Vi Diệu Hoàng Đế.

Sau khi đã lên ngôi Thiên Tử, liền triệu Cao Cầu đến mà bảo rằng:

- Trẫm cũng muốn đãi ngươi lên quan chức, song tất phải đợi có công lao mới được, nay trẫm hãy giao cho viện Khu Mật, biên tên ngươi vào danh sách tùy giá thiên chuyển, rồi sẽ liệu thăng dần.

Nhân thế mới trong nửa năm trời, Cao Cầu đã thăng lên chức Điện Súy Thái Úy, liền chọn ngày lành tháng tốt để đến phủ nhận việc quan.

Khi đó các hàng nha thuộc cùng các quân lính mã bộ đều hết thẩy phải vào bái yết quan Điện Súy mới.

Quan Điện Súy tra kiểm các hàng đủ mặt, duy còn thiếu tên Giáo đầu là Vương Tiến vì mắc bệnh hơn nửa tháng nay không thể vào hầu được.

Điện Súy ra oai giận dữ sai Bài Hầu đi bắt Vương Tiến đến ngay.

Bài Hầu vâng lệnh đến báo cho Vương Tiến biết, và giục phải vào hầu ngay, nếu không thì Điện Súy tất là quở trách.

Vương Tiến bây giờ tuy yếu đau mới khỏi, song thấy mệnh lệnh thúc bách như vậy, phải gượng vào soái phủ để yết kiến.

Khi tới nơi vừa mới cúi lạy được bốn lạy, thì Cao Cầu đã cất tiếng hỏi ngay rằng:

- Tên này có phải là con Vương Thắng, làm đồ quân Giáo Đầu không?

- Bẩm vâng.

Cao Cầu quát to lên rằng:

- Mày là đồ bán thuốc múa lao ở đầu đường xó chợ, còn biết võ nghệ gì, các quan trước đã suy cử xằng cho mày làm chức Giáo Đầu, thế mà nay mày dám khinh bỉ ta, không chịu đến đây để kiểm duyệt là nghĩa làm sao?

Mày cậy thần thế ai mà dám tự do như vậy?

Vương Tiến cúi đầu kêu rằng:

- Con đâu dám thế, thực là con bị bệnh chưa khỏi.

Cao Thái Úy không đợi nói hết, vội ngắt mắng ngay rằng:

- Mày đã đau bệnh chưa khỏi, sao mày còn đi được đến đây?

- Bẩm thấy lệnh cho đòi, nên con đã cố gượng dậy để đến hầu.

Cao Thái Úy không phân biệt phải trái, vội nổi giận thét tả hữu lôi cổ Vương Tiến đánh mấy chục roi, bấy giờ các nha tướng cùng các quân chính tư, thấy Thái Úy toan đánh Vương Tiến, liền đổ xô đến can rằng:

- Ngày hôm nay là ngày Thái Úy mới đến phó nhậm ở đây, xin ngài hãy rộng tha cho Giáo Đầu để được trọn sự vui mừng buổi mới.

Thái Úy thấy nhiều người khuyên giải thì gượng nguôi giận mà bảo Vương Tiến rằng:

- Ta nể mặt các tướng khuyên can, hôm nay ta hãy tạm tha cho người rồi mai sẽ liệu.

Vương Tiến lạy tạ, ngẩng đầu lên trông rõ mặt Điện Súy, thì bỗng ngạc nhiên run sợ, vừa bước chân lui ra vừa lẩm bẩm thở dài một mình:

- Trời ơi. Tưởng rằng Cao Điện Súy là ai, té ra chính là bác Cao Cầu ngày xưa, bác ta học múa gậy, bị phụ thân ta đánh cho một gậy, nằm sệt mãi đến ba bốn tháng không dậy được, vì thế bác ta sinh ra hiềm khích với nhà mình? Nay không biết bác ta vì cớ chi mà bác ta đã làm tới chức Điện Súy như thế? Nếu vậy thì tất là tính mệnh ta khó lòng mà chu toàn với hắn ta được.

Nhân thế trong lòng lo âu phiền muộn, lững thững về đến nhà lúc nào không biết. Vương Tiến vốn không có vợ con, chỉ có một bà mẹ già đã ngoài sáu mươi cùng ở.

Khi đó chàng về tới nhà, liền đem đầu đuôi câu chuyện thuật cho bà mẹ nghe, hai người lấy làm ách vận đến nơi, khó lòng mà thoát khỏi.

Bà mẹ sụt sùi than khóc hồi lâu, rồi bảo Vương Tiến rằng:

- Con ơi. Ba mươi sáu chước, chước nào là hơn? Bất nhược mẹ con ta trốn trước là ổn.

- Vâng, có lẽ kế ấy là tiện hơn cả.

- Đành vậy, nhưng con ơi biết tránh vào đâu bây giờ?

- Thưa mẹ, có quan Kinh Lược ở phủ Duyên An, các hàng quan quân của ngài, thường khi qua tới kinh sư, vẫn thích cái lối võ nghệ của con, vậy nay thử liều sang ở đó thì may ra cũng có cơ an thân mà lập nghiệp được.

Bà mẹ lấy làm phải, quyết kế trốn sang phủ Duyên An, nhưng lại nghĩ đi nghĩ lại mà bảo con rằng:

- Ở đây có hai tên Bài Quân là Trương và Lý là do Điện Súy cắt ra để hầu, nay nếu ta muốn đi, mà lở hai tên ấy biết thì làm thế nào cho thoát.

Vương Tiến cười mà đáp rằng:

- Cái đó con đã có cách xử trí, xin mẫu thân chớ lo.

Chiều hôm ấy, Vương Tiến gọi tên Trương Bài lên cho ăn cơm trước mà bảo rằng:

- Dạo trước ta yếu, có đến cầu Nhạc Miếu tại ngoài của Toan Tảo, ngày nay bệnh khỏi ta định sáng mai đi trả lễ, vậy ngươi ăn song phải đến đó trước, bảo Thủ Từ quét tước sạch sẽ, và làm lễ tam sinh để sáng mai ta ra lễ tạ.

Trương Bài vâng lời, cơm nước xong rồi, đi đến Nhạc Miếu trước:

Đêm hôm ấy hai mẹ con Vương Tiến sửa soạn hành lý; gói ghém tiền nong buộc làm hai túi rất to, chờ đến canh năm Vương Tiến gọi Lý Bài dậy, phân phó rằng: Ngươi mang lạng bạc này đến Nhạc Miếu, cùng với Trương Bài mua lễ tam sinh, làm cho sạch sẽ cẩn thận, để chờ ở đó, rồi ta đến sau.

Nói đoạn đưa tiễn cho Lý Bài đi, vào khoảng giữa trống canh năm trời còn sẩm tối, Vương Tiến soạn xong hành lý, khoác hai túi vào hai bên mình ngựa, buộc bịu cẩn thận đâu đấy, còn các đồ vật nặng nề, bỏ lại ở nhà, khóa chặt cửa lại, rồi dắt mẹ lên ngựa. Mình thì gánh một gánh hành lý nhỏ lén ra cửa Tây Hoa, trông đường đi về hướng Duyên An Phủ.

Sáng hôm sau hai tên bài quân Trương và Lý sắm các lễ vật sẵn sàng, đợi Vương Giáo Đầu mãi gần trưa cũng không thấy tới, tên Lý Bài lấy làm sốt ruột, mới chạy về nhà để tìm Vương Tiến.

Khi tới nơi thấy cửa đóng then cài, mà kiếm đâu cũng không ra Vương Tiến. Được một lát Trương Bài cũng sốt ruột ra về.

Sáng hôm sau hai tên quân bài lại đến khắp các nhà thân thích để tìm kiếm mẹ con Vương Tiến, song bóng hồng đã tếch tềnh tang, còn biết đâu là tung tích.

Sau bất đắc dĩ hai tên quân bài phải vào báo cho Điện Súy biết là mẹ con Vương Tiến đã khoá cửa bỏ nhà, mà trốn đi đâu mất.

Cao Thái Úy nghe báo cả giận mà rằng:

- Quân này gớm thật, để ta xem rõ nó trốn đi đâu?

Nói đoạn, sai viết văn thư tư đi các châu, để truy nã hai mẹ con Vương Tiến.

- Về phần Vương Tiến sau khi đi khỏi Đông Kinh thì đêm ngủ trọ ngày lên đường, dãi gió dầm sương, hai mẹ con rất là vất vả.

Đường đi được hơn một tháng, nghe chừng gần tới Duyên An, hai mẹ con lấy làm vui mừng, mãi nói chuyện với nhau, bất giác trời tối lúc nào không biết. Khi quay ra toan tìm chỗ trọ thì độ đường đã lỡ, không còn hàng quán đâu đây, trong bụng đã có phần lo sợ. May đâu chợt thấy đàng xa có khu rừng con, lại có bóng đèn sáng chiếu lập lòe, chắc rằng ở đó có nhà trọ được, liền cùng nhau rảo bước đến xem.

Tới nơi, quả nhiên là một trang viện lớn, có tường đất bao bọc chung quanh ngoài trồng toàn liễu, có tới ba bốn trăm cây, xanh biết chẳng khác chi một khu rừng tùng vậy.

Bây giờ hai người lần đến trang viện, gọi cửa hồi lâu, mới thấy người chạy ra hỏi.
 
Vương Tiến hạ gánh hành lý ở trên vai xuống, chắp tay vào người kia mà nói rằng:

- Thưa người, bà con tôi chẳng mai đi mất lỡ mất độ đường, không có quán hàng để trọ, vậy chúng tôi muốn phiền người cho vào ngủ trọ ở đây một tối, sáng mai xin nộp tiền trọ cẩn thận, có được chăng?

Người kia nói:

- Để tôi vào nói trang chủ xem sao, nếu được thì sẽ mời vào nghỉ.

Nói rồi vào trong nhà một lát chạy ra bảo Vương Tiến rằng:

- Ông chủ tôi đã ưng lời rồi, xin cứ vào trong nhà.

Vương Tiến quảy gánh lên vai, dắt ngựa đi theo người kia, vào bên cạnh chỗ nhà lúa, đặt gánh xuống rồi đỡ mẹ xuống ngựa, và dắt ngựa ra buộc gốc cây liễu gần đó. Đoạn cùng vào thảo đường để chào chủ nhân. Chủ nhân này đã ngoài sáu mươi tuổi, râu tóc bạc phơ, mình mặc áo rộng, chân mang giầy da, trông ra giống một ông trưởng giả, khi thấy mẹ con Vương Tiến tới nơi liền mời ngồi tử tế và hỏi tên họ.

Vương Tiến nói dối là người họ Trương, vốn ở kinh sư, vì buôn bán thua lỗ, phải đi tìm bà con ở phủ Duyên An để nương nhờ, nhân lỡ bước xin vào để trọ.

Người chủ nghe nói cũng yên chí cho là thực, liền sai người dọn cơm cho mẹ con Vương Tiến ăn.

Cơm nước xong rồi, chủ nhân đưa hai người sang phòng để nghỉ, Vương Tiến nói với chủ nhân rằng:

- Có con ngựa của mẹ tôi cưỡi, nhờ người bảo người nhà cho ăn uống cẩn thận, tôi xin tạ ơn sau.

Chủ nhân cười và đáp rằng:

- Được, nhà tôi cũng có ngựa để tôi bảo nó dắt ra chuồng cho ăn uống một thể.

Nói đoạn đi vào phòng nghỉ.

Sáng hôm sau khi mặt trời mọc đã cao, mà chưa thấy mẹ con Vương Tiến dậy, sau người chủ đi đến phòng khách, thấy tiếng mẹ Vương Tiến kêu rên mà cửa phòng chưa mở, liền hỏi lên rằng:

- Trời sáng đã lâu rồi mà các ngài chưa dậy hay sao?

Vương Tiến nghe tiếng hỏi, vội vàng chạy ra vái chủ nhân mà nói rằng:

- Thưa ngài chúng tôi dậy đã lâu, nhưng mẹ tôi đi đường mỏi mệt, hôm qua sinh chứng đau bụng, cho nên tôi chưa dám mở cửa đi ra.

Trang chủ nghe nói liền bảo Vương Tiến rằng:

- Nếu thế thì ông nói với cụ cứ yên tâm ở lưu lại đây mấy hôm, để tôi tìm thầy thuốc đến chữa.

Vương Tiến vui mừng cảm tạ, rồi lưu mẹ ở đó để phục thuốc, cách năm sáu hôm bệnh của mẹ đã khỏi.

Vương Tiến liền thu thập hành lý để sắp sửa ra đi. Khi ra ngoài tầu nom ngựa, thì thấy có một chàng thiếu niên cởi trần mặc quần đùi, to béo phục phịch, đương múa roi một mình ở sau sân.

Vương Tiến đứng xem một lát, bất giác bật miệng nói lên rằng:

- Roi múa đã khá lắm. Nhưng còn nhiều chỗ hớ hên, chưa có thể gọi là hảo hán được.

Người thiếu niên nghe nói, ngẩng lên thấy Vương Tiến, bỗng nổi giận quát:

- Anh là người nào, dám chê võ nghệ của ta? Ta đi học võ đã bảy tám ông thầy, có lẽ lại không bằng anh hay sao? Có giỏi vào đây đánh thử với ta vài hiệp xem sao?

Đương khi quát tháo ầm ĩ , thì thấy trang chủ ở đâu chạy ra mắng thiếu niên rằng:

- Mày không được vô lễ thế.

Người thiếu niên nói:

- Anh ta là người nào, mà dám chê võ nghệ của con?

Trang chủ quay lại hỏi Vương Tiến rằng:

Khách cũng biết đánh roi gậy chăng?

Vương Tiến đáp:

- Tôi có biết đôi chút nhưng thiếu niên kia là người nào?

- Thưa hắn là con của lão đấy.

- Nếu vậy thì tôi xin sửa giúp cho cậu ấy, nhưng không biết cậu ấy có bằng lòng hay không?

Trang chủ nói:

- Ngài có lòng như thế, thì còn gì hơn nữa?

Nói xong liền gọi chàng thiếu niên ấy đến bái chào Vương Tiến làm sư phụ. Thiếu niên nhất định không nghe, lại ra dáng tức giận mà rằng.

- Cha đừng nghe anh ta nói liều, nếu anh ta giỏi. Thì xin ra đây hãy đánh với con vài hiệp, có được thì con xin bái làm sư phụ ngay.

Vương Tiến đáp luôn rằng:

- Được. Nếu cậu muốn thi tài, thì có khó gì.

Chàng thiếu niên nghe Vương Tiến nói, liền múa vung roi chạy thẳng tới chổ Vương Tiến mà nói rằng:

- Bác có giỏi cứ ra đây.

Vương Tiến thấy chàng ta hăng hái quá vậy, chỉ cười không nói gì.

Sau trang chủ quay sang nói với Vương Tiến:

- Nếu ngài có lòng bảo giúp cháu, thì xin ngài cứ thử cho nó biết tay, có ngại gì.

- Nhưng tôi e lỡ ra không tiện cho cậu ấy.

- Xin ngài cứ thử xem, nếu nó có gẫy chân gẫy tay, thì cũng là tại nó; còn kêu ai được nữa đây.

Vương Tiến bất đắc dĩ, phải ra chỗ giá cắm gậy, rút lấy một cây roi, đi ra giữa sân, múa qua mấy vòng cho thiếu niên xem.

- Chàng thiếu niên xem một lát, rồi cũng cầm roi xông ra đánh, Vương Tiến chạy giật lùi, rồi giơ tay ra đỡ, chứ không đánh lại.

Chàng thiếu niên lại sấn đến gần Vương Tiến. Vương Tiến liền giơ roi ra bộ đánh rất mạnh, chàng thiếu niên giơ roi vội lên đỡ, Vương Tiến lại trở đầu roi dí vào bụng thiếu niên, đẩy một cái thật mạnh, làm cho thiếu niên không kịp phòng bị, ngã một cái rất nên thân, Vương Tiến vội vất roi ra đất, chạy lại nâng người thiếu niên dậy, cười nói khuyên giải mấy câu.

Người thiếu niên bị một ngọn roi ấy, mới phục tài Vương Tiến, lóp ngóp bò dậy, vái lấy vái để mà rằng:

- Thưa ngài, thực là tôi đã uổng công học tập bao thầy, mà rút cục không thấm vào đâu với sư phụ cả. Vậy xin ngài tha lỗi mà dạy bảo cho?
 
Vương Tiến cười mà rằng:

- Tôi đến đây quấy quá cũng nhiều, không biết lấy gì đền ơn cho được. Nếu cậu muốn học tập thêm thì tôi xin hết lòng bảo giúp, không dám tiếc chi.

Trang chủ nghe nói cũng lấy làm mừng, bắt con trai đi theo Vương Tiến vào trong nhà, rồi sai gia nhân giết dê và dọn rượu, thiết đãi mẹ con Vương Tiến. Trong khi dự tiệc, trang chủ cất tiếng mời Vương Tiến rồi hỏi rằng:

- Tôi xem ngài võ nghệ cao cường như vậy, tất là ngài đã làm chức Giáo Đầu thì phải? Bố con nhà tôi thực là có mắt mà không trông thấy núi, xin ngài xá lỗi cho.

Vương Tiến cười mà đáp rằng:

- Chẳng dám dấu chi cụ, tôi nay thực không phải là người họ Trương, mà chính là Giáo Đầu Vương Tiến dạy tám mươi vạn Cấm Binh ơ Đông Kinh. Chỉ suốt ngày múa đao cầm gậy, còn kém chi ai. Nay nhân vì Cao Thái Úy mới đến nhậm chức có lòng thù ghét với tôi. Tôi tự nghĩ mình không địch lại nổi, cho nên hai mẹ con phải bất đắc dĩ trốn sang phủ Duyên An, để vào hầu quan Trung Kinh Lược. Bất đồ lỡ bước tới đây nhờ được lão nhân có lòng hậu đãi, lại mời thầy chữa bệnh cho mẹ tôi, như thế thật là nghĩa nặng ơn sâu, biết lấy gì báo đáp. Nếu công tử nhà có muốn học tập cho hoàn toàn, thì tôi xin bảo giúp cho, còn như những ngón gậy đó, chẳng qua chỉ trông cho đẹp mắt, chứ đến khi ra trận, thì chẳng vào đâu.

Trang chủ nghe nói càng bội phần trân trọng, gọi con trai bảo rằng:

- Nếu vậy con phải lạy tạ sư phụ lần nữa mới được?

Chàng thiếu niên đứng dậy lạy tạ Vương Tiến rồi lại cùng ngồi dự tiệc.

Trang chủ kể chuyện lại với Vương Tiến rằng:

- Nguyên tổ phụ tôi từ xưa vẫn ở địa hạt huyện Hoa Âm này, đàng trước có dãy núi Thiếu Hoa, thôn này tên gọi là Sử Gia Thôn, có tới bốn trăm nhà ở, đều là họ Sử ở cả. Nhà tôi chỉ được thằng cháu đây, nhưng tính nó du đãng, không chịu cày cấy làm ăn, chỉ thích múa côn đánh gậy, mẹ nó ngăn mãi không được, thành ra lo quá mà chết, còn tôi đây cũng phải chìu lòng nó vậy. Từ xưa đến nay phí tổn kể biết bao nhiêu tiền, để đón thầy học võ, rồi lại thuê thợ chế cho một chiếc áo giáp, đằng trước có thêu chín con rồng rực rỡ, nhân thế ở quanh đây, ai cũng gọi nó là Cửu Văn Long Sử Tiến. May nay lại được ngài quá bộ đến đây, vậy xin ngài làm phúc dạy dỗ giúp cho, lão tôi xin hết lòng cảm tạ.

Vương Tiến cả mừng đáp rằng:

- Vâng cụ đã dạy thế, thì từ nay tôi xin lưu lại đây, để bảo giúp cho cậu ấy thành tài, rồi tôi sẽ xin từ biệt.

Khi cơm rượu xong, trang chủ lưu hai mẹ con Vương Tiến ở lại đó, để cho con học tập.

Từ đó, hàng ngày Vương Tiến bắt Sử Tiến học tập mười tám thứ võ nghệ, giảng dạy kỹ càng, luật phép nghiêm chỉnh, thắm thoát trong nữa năm trời, không gì mà không tinh không kín đáo.

Được ít lâu Vương Tiến thấy Sử Tiến khá rồi, mọi môn đều giỏi cả, tự nghĩ mình ở đây lưu luyến mãi thì không tiện, liền ngỏ lời với trang chủ và Sử Tiến cáo từ, để sang Duyên An Phủ kiếm kế lập thân.

Trang chủ cùng con là Sử Tiến cố ý vật nài lưu lại, song Vương Tiến nhất định không nghe, bất đắc dĩ phải đặt tiệc tiễn hành, và đưa ra mấy tấm vải đoạn cùng hai trăm lạng bạc, để tặng Vương Tiến lên đường.

Sáng hôm sau Vương Tiến sửa soạn hành lý, chỉnh đốn cung ngựa, từ giã hai bố con Sử Tiến ra đi, Sử Tiến bắt người gánh đồ hành lý, hết trong một ngày, đưa chân mẹ con thầy học, ra khỏi 10 dặm rồi mới bái biệt trở về.

Sử Tiến từ khi sư phụ đi rồi, thì ngày ngày luyện tập một mình, hết đao lại thương, hết cung lại ngựa, có khi nửa đêm diễn võ ở vườn sau, có lúc ban ngày múa chơi ở sân trước, tháng ngày lẩn thẩn, cơ hồ quên cả tấm thân.

Cách nửa năm sau, trang chủ bị cảm rất nặng Sử Tiến sai người đi đón thầy thuốc khắp mọi nơi, chữa chạy không thiếu gì phương cách, nhưng mình già tuổi yếu, bệnh thế triền miên, được mấy hôm thì ông về nơi tiên giới. Sử Tiến đau đớn khóc thương, nhất diện sắm sanh khâm niệm quách quan, nhất diện đón thầy về làm chay cúng Phật, cho tĩnh độ siêu sinh, rồi chọn tháng tốt ngày lành, làm lễ mai táng ở ngọn núi bên tây.

Từ đó Sử Tiến trong lòng buồn bã, lại càng không thiết đến công việc nông, chỉ đêm ngày lẩn thẩn tìm ngươi đấu võ thi tài làm thích.

Một hôm vào khoảng trung tuần tháng sáu, trời đang bức nực lạ thường, Sử Tiến vác cái ghế ra gốc cây liễu ở gần cạnh bục thóc để ngồi hứng mát. Chợt thấy ở dưới gốc cây tùng bên kia, có người ngấp nghé nom dòm, chàng lấy làm ngạc nhiên quát hỏi lên rằng:

- Quái! Anh nào nom dòm nhà ta thế kia?

Hỏi đoạn, đứng dậy chạy ra xem, thì thấy tên Lý Cát, là tay đi săn đương đứng ở đó. Sử Tiến lại hỏi luôn rằng:

- Lý Cát! Ngươi nấp nom gì đấy? Hay là muốn thử võ với ta chăng?

Lý Cát dạ! Mà đáp lại rằng:

- Thưa cậu, tôi đến đây để săn mấy con cầy, để kiếm rượu, nhưng thấy cậu ngồi đó, nên tôi không dám vào.

- Sao dạo trước săn bắn được cái gì, anh cũng mang đế đây bán, tôi chưa từng chịu tiền của anh bao giờ? Thế mà lâu nay không thấy mang đến đây bán cho tôi nữa. Hay là anh khinh tôi không có tiền chăng?

- Có đâu dám thế, vì dạo này săn không được cái gì, cho nên không dám đến đây thôi.

Sử Tiến quát lên rằng:

- Anh nói cuội, núi Thiếu Hoa rộng lớn như vậy, mà lại không có con vật gì hay sao.

Lý Cát nói rằng:

- Thưa cậu, Nguyên ở núi Thiếu Hoa bây giờ, có một bọn cướp đến đóng, người đầu đảng là Thần Cơ quân sư Chu Vũ, tự xưng làm Đại Vương; người thứ hai là Khiếu Giản Hổ Trần Đạt; còn người thứ ba là Bạch Hoa Sà Dương Xuân, tụ đến năm bảy trăm lâu la, và mấy trăm cỗ ngựa, để đi cướp bóc kiếm ăn. Quan huyện Hoa Âm cấm mãi không được, phải treo giải ba nghìn quan tiền để thưởng người bắt cướp, nhưng nào có ai dám đụng đến chúng nó đâu? Bởi thế lâu nay chúng tôi không dám lên núi, nên không kiếm được gì.

Sử Tiến lắc đầu nói rằng:

- Ta cũng thấy nói có bọn cướp ở đấy, nhưng không ngờ nó hống hách như vậy. Lý Cát ôi! Hôm nay nếu có kiếm được cái gì, thì ngươi phải mang đến đây bán cho ta mới được.

Lý Cát vâng dạ luôn mồm rồi đi.

Sử Tiến quay vào nhà trong suy nghĩ một mình:

Bọn cướp nó lộng hành như vậy, thì tất nhiên có phen quấy rối đến chỗ ta, vậy bất nhược ta phải phòng bị ngay mới được.

Chàng nghĩ như vậy, liền sai người nhà mổ thịt hai con trâu, rồi cho mời mấy trăm nhà trong thôn đến chén.

Khi dưới trên đã tề tựu cả rồi, Sử Tiến cất chén rượu mời, nói với hàng thôn rằng:

- Tôi nghe thấy trộm cướp đến đóng trên núi Thiếu Hoa, đây quân gia có tới năm bảy trăm người, sức mạng người đông, không ai cản nổi thế tất sau này phải quấy nhiễu đến ta, vậy tôi muốn mời đồng dân đến đây, để bàn kế phòng bị, kẻo lỡ khi nguy hiểm đến nơi, khó lòng tránh khỏi. Từ nay các nhà ở trong hàng thôn, ai ai cũng phải phòng bị khí giới, và đặt mõ làm hiệu, nếu có động dạng gì cứ đánh mõ lên, thì các nhà khác phải đổ đến ứng cứu cho mau.

Các thôn dân nghe nói, đều đồng thanh rằng:

- Chúng tôi là nông dân, không biết chút gì, vậy các việc xin nhờ Đại Lang tất cả, hễ có động dạng ở đâu, chúng tôi xin vâng lời đến cứu.

Khi chè chén xong rồi, các dân thôn đâu đấy về nhà, sửa soạn võ khí theo như lời Sử Tiến đã dặn, còn Sử Tiến thì sửa sang cổng ngõ ngăn ngừa giậu vách, và sắp sẵn các đồ đai giáp cung ngựa, để dự bị chống giặc.

Nguyên bọn giặc này, đến đóng ở núi Thiếu Hoa, có ba người làm trùm, một người tên là Thần Cơ Quân Sư Chu Vũ, vốn người ở đất Định Viễn, sai khiến hai cây song đao, võ nghệ dẫu không ra gì, song cũng biết ít nhiều trận pháp, lại mưu lược cũng hơi thông. Một người tên là Trần Đạt; quê ở Nghiệp Thành, vốn hay dùng cây cương sang để ra trận; còn một người thứ ba tên là Dương Xuân, người đất Bồ Châu, huyện Giải Lương, thường cầm một thanh đại đao rất lớn.

Một hôm Chu Vũ bảo với Trần Đạt, Dương Xuân rằng:

- Nghe nói huyện Hoa Âm có treo giải ba nghìn quan tiền để thưởng người tróc nã bọn ta, vậy thì bất nhật tất có quan quân kéo đến, thế mà trong trại ta lương thảo không có là bao, chỉ e khi binh hỏa đến nơi, thì khó lòng chống cự. Nay nhân khi nhàn hạ, sao ta không liệu kế đi tảo vác lấy lương thảo đem về mà phòng bị, sẵn sàng cho vững dạ.

Khiêu Giản Hổ Trần Đạt gật đầu đáp rằng:

- Phải lắm, bất nhược ta đến huyện Hoa Âm mượn ngay họ một ít lương thảo, xem họ xử trí ra sao đã.

Bạch Hoa Sà Dương Xuân gạt ngay đi rằng:

- Ta không nên đến huyện Hoa Âm cứ kéo vào Bồ Thành có lẽ lại thanh thỏa hơn.

Trần Đạt nói:

- Huyện Bồ Thành người thưa lương ít, lấy được bao nhiêu, chi bằng đến huyên Hoa Âm nhân dân giàu có, tiền thóc sẵn sàng, có thú hơn không?

Dương Xuân nói:

- Đành vậy, nhưng anh phải biết rằng, đường đi Hoa Âm, tất phải qua thôn Sử gia, ở đấy có anh Cửu Văn Long Sử Tiến cũng là một tay đại bợm, nếu không trừ được nó, thì sao nó để cho đi.

Trần Đạt làm bộ mạnh bạo mà rằng:

- Sao chú bé mật thế; một thằng nhãi con còn sợ, thì địch thế nào nổi với quân quan.

Dương Xuân nói:

- Anh chớ nên khinh người ấy mới được.

Chu Vũ nói:

- Tôi cũng nghe thấy nói hắn ta anh hùng mà võ nghệ rất giỏi, có lẽ đừng nên phạm vào đấy thì hơn.

Trần Đạt có ý không bằng lòng:

- Các ông thật là chỉ biết tâng bốc chí khí người ta, mà làm nhụt mất cả uy phong của mình, nó bất quá là người, chứ có ba đầu sáu tay gì mà sợ.

Nói đoạn, thét ngay đám lâu la:

- Chúng bay sắp ngựa đem đến đây, ta hãy phá thôn Sử Gia rồi lấy huyện Hoa Âm cho mà xem.

Chu Vũ và Dương Xuân thấy vậy, tỏ ý can ngăn, song Trần Đạt nhất định không nghe, vác thương lên ngựa, dẫn hơn một trăm lâu la, đánh trống khua chiêng, thẳng vào thôn họ Sử. Sử Tiến đương khi chuẩn bị sẵn sàng để chờ giặc đến, bỗng nghe tin báo, thì khua mõ ra lệnh cho thôn dân đổ đến.

Khi thôn dân nghe tiếng hiệu, thì ba bốn trăm nhà đều tay gươm tay gậy bảo nhau kéo đến cứu ứng, tới nơi thấy Sử Tiến đầu đội khăn chữ nhất, mình mặc áo giáp hồng, chân đi giày tía, lưng thắc dây da, trước sau ngực đều có kính yểm tâm, lưng đeo bao tê, tay cầm cây đao ba mũi, rất là oai vệ. Bấy giờ người nhà dắt ra một con ngựa đỏ, Sử Tiến nhảy lên mình ngựa, đàn trước có hơn bốn mươi gia nhân tráng kiện dàn hàng, lại có tám chín mươi người thôn trang khỏe mạnh đi kèm hai bên, còn bao nhiêu thôn dân đi theo sau cùng kéo ra cửa thôn. Vừa đi tới chỗ sườn núi đã thấy Trần Đạt đầu đội khăn hồng, mình mặc áo giáp sắt bọc vàng, chân đi đôi giày ống, cưỡi con ngựa trắng cao đầu, tay vác thanh cương mâu, dẫn lâu la kéo tới.

Sử Tiến trông thấy quát lên hỏi rằng:

- Các ngươi ở đâu dám đến đất này quấy nhiễu lương dân? Tội ấy cũng đã đáng chết, nay còn muốn cả gan xâm phạm đến chỗ ta ở hay sao?

Trần Đạt ngồi trên mình ngựa đáp rằng:

- Vì trong trại chúng tôi thiếu ăn, muốn sang huyện Hoa Âm để vay lương thực, đường đi qua quý thôn đây, muốn phiền ngài cho đi nhờ, khi trở về tôi xin hậu tạ.

Sử Tiến nghe dứt lời quát lên rằng:

- Các ngươi nói dễ chưa, ta đây đương tính đi tróc nã các ngươi, nay mi tự dẫn đến đây, tất là không thể nào tha ra được.

Trần Đạt lại nói:

- Ngài ơí! Trong bốn bể đều là anh em hết cả, hẹp chi mà ngài không cho chúng tôi mượn lối để đi?

Sử Tiến cười đáp:

- Đành vậy, nhưng có một vật kia, nó không chịu cho các ngươi mượn đường để đi, ngươi thử hỏi xem nó có bằng lòng, thì ta sẽ dung cho các ngươi.

Trần Đạt nghe nói cả giận mà rằng:

- Anh này giỏi, anh bảo ta hỏi ai?

- Ngươi hỏi thanh đao trong tay ta đây này, xem nó có bằng lòng không?

Trần Đạt hầm hầm không đợi nói dứt lời, vội múa cương sang xông vào, đánh thẳng. Bên kia Sử Tiến cũng giơ đao, xông ngựa ra chống cự.

Đôi bên đánh lộn bậy hồi lâu, Sử Tiến giả cách hớ hênh, Trần Đạt liền cầm thương nhằm Sử Tiến đâm một nhát thật mạnh. Sử Tiến quất ngựa nhảy rất nhanh, để tránh mũi thương, rồi quay ngoắt ngay vào Trần Đạt, Trần Đạt còn luống cuống toan quay đầu để đỡ bỗng bị Sử Tiến quăng dây nhợ quấn chặt lấy mình, giật ngã xuống ngựa. Bọn lâu la thấy chủ tướng đã thua, đứa nào đứa nấy đều thục thân mà chạy cả. Sử Tiến hô tụi thôn trang khiêng Trần Đạt về trói ở sân, để đợi khi bắt được hai tên kia, thì sẽ giải quan một thể, đoạn rồi đem rượu thịt khao thưởng tại thôn trang rất là vui vẻ.

Bên kia Chu Vũ, Dương Xuân từ khi Trần Đạt đem lâu la ra đi, trong lòng vẫn áy náy không yên, hai người còn đương bàn bạc nghĩ ngợi, thì bỗng thấy một lũ lâu la hớt ha hớt hải, chạy về đem chuyện Trần Đạt bị bắt, giải bày cho nghe.

Chu Vũ nghe nói biến sắc mặt kêu lên rằng:

- Hắn không nghe lời ta, quả nhiên tai họa tới nơi, còn làm sao cho kịp?

Chu Vũ lắc đầu mà rằng:

- Khó lòng, Sử Tiến không phải là người vừa, anh em ta địch làm sao nổi?

- Bây giờ tôi có một khổ kế này, nếu mà không cứu được Trần Đạt ra thì tôi với anh cũng là chịu chết cả thôi.

- Khô� kế là thế nào?

Chu Vũ ghé vào tai Dương Xuân nói thầm mấy câu, rồi lại bảo rằng:
 
- Trừ phi như thế, thì may ra có thể được mà thôi.

Dương Xuân hơi có dáng mừng mà rằng:

- Nếu vậy thì ta phải mau lên, chứ trì hoãn làm sao được nữa?

Nói đoạn hai người cùng đi.

Bấy giờ Sử Tiến khao thưởng trong thôn, vừa đoạn, trong lòng đương nóng nảy mong bắt được hai tên kia, để cùng đem với Trần Đạt giải quan một thể. Bỗng thấy tráng đinh vào báo rằng:

- Có hai người đến ngoài cổng, nói là Dương Xuân, Chu Vũ đến hầu.

Sử Tiến nghe nói cả mừng rằng:

- "Nếu vậy thì ta thành công rồi, hai thằng ấy có lên trời cũng không thoát được" đoạn nhất diện sai người đánh hiệu cho dân thôn kéo đến, nhất diện sai lấy ngựa để ra cổng trại xem sao? Đương khi sắp sửa cung ngựa, thì đã thấy Dương Xuân cùng Chu Vũ đi bộ bước vào hiên trại, quỳ xuống đất khóc sướt mướt mà không nói gì?

Sử Tiến thấy vậy quát hỏi:

- Các ngươi định làm kế sách gì ở đây? Chu Vũ sụt sùi nói rằng:

- Thưa ngài: Ba anh em chúng tôi chỉ vì nhiều khi bị quan trên ức hiếp, bất đắc dĩ phải đem nhau đi cướp bóc kiếm ăn. Kỳ thủy có nguyện với nhau, không cầu được cùng một ngày sống, mà chỉ cầu sao được cùng chết một ngày, tình thân ái của ba chúng tôi không dám đâu ví với Đào Viên Tam Nghĩa, song sự tử sinh cố kết, thì cũng hơi giống như nhau. Nay em Trần Đạt chúng tôi, chỉ vì không nghe lời tôi bảo, thuận tiện tới đây, phạm đến uy ngai, để ngài bắt được, sự ấy tự nó làm ra, đành là tự thân phải chịu, không còn kêu thán được ai. Vì vậy chúng tôi xin đến đây để nộp thân cho ngài, ngài nghĩ đến tình cố kết cùa chúng tôi mà cho đem nộp quan trên tất cả, để anh em chúng tôi được cùng trông thấy nhau, tức là hạnh phúc cho chúng tôi lắm. Chúng tôi được chết về tay một người anh hùng như ngài, không dám có một điều chi là hối hận.

Sử Tiến nghe nói, tự nghĩ một mình:

- Ừ ba thằng này nó có nghĩa khí với nhau như thế, nay nếu ta đem bắt mà giải quan, thì tất nhiên bọn hảo hán ở đời phải cười ta là người hẹp lượng, xưa nay thường nói, làm đấng anh hùng phải dung kẻ dưới, việc này có lẽ ta phải xử trí sao đây?

Nghĩ đoạn liền bảo hai người kia rằng:

- Các ngươi đi theo ta vào trong này,

Chu Vũ, Dương Xuân ung dung đi theo Sử Tiến vào đến nhà sau; rồi lại quì xuống mà kêu xin chịu trói. Sử Tiến đôi ba phen bảo cứ đứng dậy, xong hai người nhất định không nghe, cứ chăm chăm quì nguyên như trước.

Sử Tiến thấy vậy trong lòng rất cảm động không yên, liền sẽ bảo hai người rằng:

- Các ngươi đã có nghĩa khí đối đãi với nhau như thế, ta đây cũng không nỡ bắt làm chi? Vậy ta muốn tha cho Trần Đạt trở về, thì các ngươi nghĩ sao?

Chu Vũ nói:

- Có đâu chúng tôi lại để lụy anh hùng như thế? Thà rằng xin ngài cứ giải chúng tôi mà lấy thưởng còn hơn.

Sử Tiến nghe nói, lại càng mủi lòng, liền kéo hai người đứng dậy, rồi tha trói cho Trần Đạt, sai người đem rượu thịt ra cho ba người cùng uống và hứa cho về.

Khi uống rượu say sưa, ba người cùng ân cần tạ ơn Sử Tiến rồi quay về trại. Tới trại, Chu Vũ bảo hai người kia rằng:

- Nếu ta không làm cái khổ kế như vậy, thì khó lòng mà cứu được tính mạng cho toàn. Nhưng thế nào mặc lòng, Sử Đại Lang cũng là một tay nghĩa khí lạ thường, cho nên mới đãi chúng ta như thế. Vậy nay mai ta phải kiếm lễ vật gì, mà tạ ơn người ấy mới được.

Cách mươi hôm sau, Chu Vũ sai mấy tên lâu la, vào hồi chập tối, mang ba mươi nén vàng đến để tạ ơn Sử Tiến. Thoạt tiên, Sử Tiến thấy vậy còn từ chối không nhận. Sau thấy tên lâu la kêu nài thảm thiết, thì cũng cảm lòng tốt mà thu lấy. Đoạn, sai lấy cơm rượu cho tên lâu la ăn uống, mà thưởng tiền cho về.

Vào khoảng nửa tháng sau, lũ Chu Vũ kiếm được một hạt minh châu rất lớn, cũng lại sai người đến dâng Sử Tiến.

Sử Tiến nhận minh châu trong lòng lấy làm nghĩ ngợi:

Ba người này thành thực trọng đãi ta như thế, nếu ta không có gì xử lại với họ thì tất nhiên họ không tâm phục vớí mình.

Nghĩ đoạn liền sai người nhà đi mua gấm, đặt may ba cái áo, để tặng ba người.

Cách mấy hôm sau áo đã may xong, Sử Tiến lại mua ba con dê béo, quay chín tử tế rồi cho tên Vương Tứ đem áo gấm và dê béo vào trại, để tặng bọn Chu Vũ, Dương Xuân, vương tứ là một tay người nhà rất thông thạo ở trong trang viện, nhân thế Sử Tiến mới tin dùng mà sai đến những việc bì mật như vậy.

Vương Tứ tới sơn trại, bọn Chu Vũ nhận được lễ vật mừngrỡ cảm tạ, đoạn rồi cũng sai lấy rượu ngon thịt béo cho Vương Tứ ăn, và lại thưởng cho mươi lạng bạc đem về.

Từ đó Sử Tiến cùng với bọn Chu Vũ thường tặng đưa lễ vật cho nhau, tình ý xem ra cũng hơi có chiều thân mật.

Ngày đi tháng lại, mọt hôm gần đến tết Trung thu, Sử Tiến muốn tìm bọn Chu Vũ đến để nói chuyện cho vui, liền viết một bức thư sai Vương Tứ đưa sang sơn trại, hẹn với Chu Vũ, Dương Xuân và Trần Đạt, đến hôm giữa tết Trung thu, thì cùng đến thôn trang để trông trăng đánh chén. Chu Vũ nhận được thư, trong lòng mừng rỡ vô cùng, liền viết thư đáp, xin đến hôm ấy thì cả ba anh em cùng y lời phó ước. Viết xong thư đưa cho Vương Tứ, sai lấy rượu cho uống, và thưởng cho năm nén bạc rồi mới cho về. Vương Tứ bỏ phong thư vào túi vái tạ ba người. Vừa ra đến cổng bỗng gặp một tên lâu la vẫn hay đưa lễ vật sang trang viên xưa nay. Tên ấy trông Vương Tứ thì vội mừng hớn hở, lôi kéo vào hàng rượu con con ở gần đấy để thiết đãi, Vương Tứ vừa mới uống rượu của bọn Chu Vũ thưởng xong, lại bị tên lâu la ép luôn mươi chén nữa, thì thấy chếnh choáng muốn say, liền đứng dậy từ giã lâu la vội vã ra về.

Khi đi được mấy bước, thấy hơi rượu ngày càng bốc, dần dần choáng váng ngả nghiêng như muốn ngã, Vương Tứ cố gượng toan đi về đến nhà. Bất đồ mới đi độ mươi dặm được, đến một khu rừng con gần đó, thì mê mệt say sưa, nằm vật ngay xuống, không biết trời đất chi nữa.

Bấy giờ có tên Lý Cát đương đi săn ở khu rừng ấy, khi thấy động, chạy đến xem, thì biết ngay Vương Tứ là người nhà của Sử Tiến, liền cố sức dìu dậy muốn đưa về, song dù làm thế nào, cũng không dìu dắt đi được, bất đắc dĩ phải đành mặc đấy. Dè đâu Vương Tứ say quá đến nỗi có mấy lạng bạc của bọn Chu Vũ cho, và bức thư trả lời của bọn họ cũng đánh rơi cả ra mà không biết. Lý Cát bất thình lình nom thấy, liền tự nghĩ trong bụng: " Ta làm gì một lúc mà được bằng nầy tiền, bất nhược gặp cơ hội này, ta thủ phăng của anh nầy, để mà chè chén, có thú hơn không? "Nghĩ xong nhặt lấy tiền đút vào túi, rồi lại cất lấy phong thư để xem. Lý Cát cũng hơi võ vẽ được năm ba chữ, mở thư ra xem thấy trên đề: "Chúng tôi Chu Vũ, Dương Xuân và Trần Đạt, ở Thiếu Hoa Sơn, kính thưa ông Sử Tiến..."Còn ở dưới, liên chi hồ điệp, không hiểu là chữ nghĩa gì, trong bụng nghĩ thầm, nói lẩm bẩm một mình:" Cái này chắc ba chú ở Thiếu Hoa Sơn lại kết giao với Sử Tiến, mà thông tin tức cho nhau đây hẳn? Ư� Sử Tiến, hôm nọ ta đến qua sơn trang hắn còn giậm dọa quát tháo với ta, ai ngờ chính hắn lại thông đồng với bọn giết người lấy của, mà nạt chúng ta? Được lắm; ta cứ giữ nghề thả lưới mò trăng mãi, thì đến bao giờ cho phú quý? Âu là đương dịp quan trên đương thưởng tiền bắt cướp, ta đem bức thư ra tố giác, họa may có cơ hội tốt thì cũng nên". Nghĩ đoạn liền đút luôn bức thư vào túi, đi ngay lên huyện Hoa Âm để tố cáo.

Khi Vương Tứ cựa mình tỉnh dậy, mở mắt trông thấy trăng sáng lờ mờ, bốn bên toàn là cỏ cây rừng núi, bấy giờ mới biết là mình bị chén đã quá say, mà nằm ở đó, liền đứng dậy sờ đến túi, thì tiền không thấy mà giấy cũng không. Trong bụng bàng hoàng tìm khắp chung quanh không còn tăm hơi chi cả? " Trời ơi! Không biết đứa nào tinh khôn đến thế, ai xui cho nó đến đây mà lấy cả của mình? Ừ thì tiền nong mất chẳng cần chi, nhưng còn bức thư kia, ngộ nhỡ ra đứa nào biết đến thì sao?

Vương Tứ nghĩ vậy, vò đầu vò tóc, tính quẩn toan quanh, chợt nghĩ ra một kế: "Nếu bây giờ ta nói thực với Sử Đại Lang thì tất là không yên được, vậy bất nhược ta phải nói phăng là không có thư từ gì cả là xong"

Định kế xong rồi, đi thẳng một mạch, vào khoảng đầu trống canh năm về tới nhà, vào báo cho Sử Tiến biết, Sử Tiến thấy Vương Tứ về liền hỏi:

- Sao ngươi đi lâu lắm vậy?

- Dạ! Bẩm cậu, con đi vào đến đó, ba ông ấy còn lưu lại cho con uống rượu thật say, cho nên bây giờ con mới về được.

- Có giấy má gì không?

- Bẩm không! Các ông ấy toan viết thư trả lời, nhưng sợ lỡ đi đường say rượu, mà đánh rơi mất thì khốn. Vì thế con bảo các ông ấy cứ dặn miệng thôi cũng được, vậy các ông ấy có dặn con nói để cảm tạ Đại Lang, và hẹn rằng hôm ấy thế nào cũng đến sớm.

Sử Tiến khen rằng:

- Anh tinh lắm, nếu thế thì không phụ lòng ta tin cậy thực; nhưng đã vậy, thì mai sớm phải đi lên huyện mà sắm sửa hoa quả, và các thức rượu chè sẵn cho ta.

Vương Tứ vâng lời lui ra, cách mấy hôm đến ngày Rằm tháng tám, khí trời mát mẻ, cảnh vật em đềm, lũ Chu Vũ, Dương Xuân và Trần Đạt, giao việc trại cho bọn lâu la coi sóc, rồi đem mấy người thân tín đều dắt đỏan đao thủ thân mà cùng sang Sử thôn phó ước.

Buổi chiều hôm ấy, ở nhà Sử Tiến đã bày tiệc sẵn sàng để đợi. Khi bọn Chu Vũ tới nơi, Sử Tiến rất mừng rỡ, đón rước mời chào, cùng nhau đàm đạo hồi lâu, rồi mới rước vào dự tiệc. Bấy giờ vừa khi sẩm tối, bốn bên mây tạnh trời quang, bóng Hằng Nga vằng vặc ở phương đông đã lù lù kéo đến, soi sáng vào bàn tiệc Trung thu, Sử Tiến cùng bọn Chu Vũ, Dương Xuân cất chén thù tạc với nhau, rất là đắc chí, chợt đâu có tiếng người ồn ào, ở phía ngoài tường, đoạn rồi thấy đóm đuốc sáng quắc tứ bề, Sử Tiến ngạc nhiên kinh lạ, đứng dậy bảo với ba người kia rằng:

Ba bác hãy ngồi đây xơi rượu, để tôi chạy ra xem việc chi huyên náo thế kia? Nói xong chạy ra quát người nhà đóng chặt cổng người ngõ lại, rồi lấy thang trèo lên tường nom, thì thấy quan Huyện Úy huyện Hoa Âm đương ngồi trên mình ngựa, dẫn hai tên Đô Đầu, Đốc Xuất và ba bốn trăm thổ binh vây bọc quanh nhà mình, Sử Tiến thấy vậy, chạy vào báo cho ba người kia biết, ai nấy đều kinh hoàng sợ hãi, chưa biết định kế ra sao?


Rượu còn chếnh choáng,
Người đã xôn xao,
Vì không tỏ mặt anh hào,
Bỗng nhưng đâu có lụy vào đến thân?
Đã nên có dũng có nhân,
Nặng lòng nghĩa hiệp, nhẹ cân bạc tiền,
Nước non đã vực anh tài,
Sá chi luồn cuối thiệt đời bồng tang;
Tiếng hào còn để làm gương,
Trăm năm thẹn chết những phường tham ngu.


Lời bàn của Thánh Thán:

Một bộ sách lớn gồm bảy mươi hồi, sắp tả ra một trăm linh tám anh hùng. Khi mới mở đầu câu chuyẹ�n không thề tả ngay ra hết, hãy tả một người Cao Cầu như khởi điểm. Nếu chẳng tả Cao Cầu, lại tả ngay một trăm linh tám vị anh hùng, thì ra mối loạn bắt đầu tự lũ dưới. Nay chẳng tả ngay lũ anh hùng ấy, mà tả Cao Cầu trước, thì thấy mối loạn sinh ra vốn tự người trên. Xét loạn tự lũ dưới sinh ra, sao dung thứ được? Đó là điều kiêng kị của tác giả đối với mọi chuyện. Nay mối loạn tự người trên sinh ra, không nên để cho to lớn, đó cũng là điều lo sâu của tác giả đối với mọi chuyện. Một bộ sách lớn bảy mươi hồi, mở đầu thấy tả Cao Cầu mới viết vậy.

Cao Cầu trở lại Đông Kinh đắc dụng, khiến Vương Tiến bỏ quan chức trốn đi, Vương Tiến kia là bậc thế nào? Vốn người chẳng bỏ nghiệp cha, khéo nuôi chí mẹ, tức là con hiếu đấy! Khiến ta càng nhớ đến câu: Muốn cầu tôi trung, phải xem ở đám con hiếu. Như thế Vương Tiến cũng bậc tôi trung, từ xưa con hiếu tôi trung, được coi như tường lân oai phượng, hay như ngọc bích tròn, với ngọc khuê vuông, tìm khắp bốn bể chưa lấy nổi một người, thế mà đánh sịch một cái lại có đây, thì đáng tôn quý, đáng vinh dự lắm chứ? Sao mà sinh sự oán ghét, lại toan đánh mắng, đến điều muốn giết chết, bức bách cho phải bỏ đi, thế là tại đâu? Đó là Vương Tiến bỏ đi, đem lại một trăm linh tám người tới vậy.

Như thế Cao Cầu khởi xướng cho một trăm lẻ tám người sinh chuyện. Vì sau Vương Tiến bỏ đi, lại tiếp đến Sử Tiến, chữ Sử là họ kia cũng chữ sử là sách sử vậy, ý nói quan Tỳ Sử cũng chỉ chép sử. Hỡi ơi! Từ xưa có sử để mà chép mọi việc, thì nay quan Tỳ Sử chép gì, hãy chép việc của một trăm lẻ tám người vậy, chép đám người ấy, cũng cho là sử ư? Cho là sử vì lời bàn của dân chúng, cũng là sử được, kể ra dân chúng đâu dám cãi bàn việc nước, bấy lâu nay dân chúng đâu dám cãi bàn, một khi dân chúng chẳng dám cãi bàn, mà lại cứ dám cãi bàn, thì tại đân nhỉ? Theo như thiên hạ có đạo, thì dân nào dám cãi bàn, thì cũng đủ biết thiên hạ không còn đạo nữa! Cũng như Vương Tiến phải bỏ đi, vì Cao Cầu được trở lại vậy.

Họ Sử cũng như sách sử vậy, vốn có chuyện vậy, còn Tiến thì nghĩa sao đây? Xét rằng kẻ kia vốn tự hứa ra tên, dù chẳng phải quan Tỳ Sử chép truyện, song đã tiến dẫn thành sử vậy, ngươi Sử Tiến để tiến dẫn truyện thành ra sử, vốn có vậy. Còn Vương Tiến là nghĩa làm sao? Xét rằng phải được người như thế, ngõ hầu bậc thánh ở ngôi vua, để dạy dân tiến lên vương đạo, phải là như người Vương Tiến, rồi dạy dân tiến lên vương đạo, thế thì một trăm lẻ tám người kia, theo vương đạo phải đem giết bỏ.

Một trăm lẻ tám người kia, theo vương đạo phải đem giết bỏ, sao còn cho hiện lẫn ra một Vương Tiến đáng là dân của bậc thánh minh? Xét rằng Vương Tiến chẳng bỏ nghiệp cha, khéo nuôi chí mẹ, đáng xuất hiện trung gian, để làm gương lắm? Thế rồi chẳng hiện ở trung gian như điểm danh chẳng tới, chẳng thấy từ đâu diễn mãi ra, trốn một bước Diên An; Lại chẳng thấy hiện ra sau cuối nữa, chả có từ đầu tới cuối, cũng như con thần long đó ư? Để cho một trăm lẻ tám người kia, đều hiện ra hết, ta thấy rằng họ khỏi với tội chết vậy, nhưng vẫn chưa bằng Vương Tiến, một trăm tám người kia, xét chưa bằng ấy, vậy sau mới biết khó làm nổi như Vương Tiến. Xét, chẳng hiện làm đầu, để bảo cho người ta, đời loạn nên ẩn, chớ xuất đầu ra; Xét chảng hiện ra cuối nữa cũng bảo cho người ta, đời loạn quyết không thu tàn cục.

Một bộ sách bảy mươi hồi, với một trăm lẻ tám người, theo 36 vị Thiên cương, thì ngôi sao Tống Giang làm chủ; mà khi trước làm trộm cướp vậy, lại theo 72 vị Địa Sát, có ngôi sao Chu Vũ, dẫu rằng bút lục tung hoành của tác giả rất khéo, song cũng ngược với đạo trời mà làm ra vậy.

Thứ diễn đến Khiêu Giản Hổ Trần Đạt, Bạch Hoa Sà Dương Xuân là ẩn nhiên bao quát một bộ sách bảy mươi hồi, có một trăm lẻ tám người đều như hùm, như rắn, chả quý gì mà biết tới. Đã biết sự ẩn quát một bộ sách bảy mươi hồi, với trăm lẻ tám người, thì dùng để làm gì? Nói rằng đấy là Khế Tử, để diễn ra một bộ sách, mà Thợ Trời hoá hiện, mới có một rắn một hùm, khiến độc giả thấy Trần Đạt, Dương Xuân, làm danh hiệu bao gồm một trăm lẻ tám vị anh hùng hảo hán vậy.
 
Hồi Thứ Hai
Sử Đại Lang nửa đêm đốt trại
Lỗ Đề Hạt giữa chợ giết người



Sử Tiến hỏi Chu Vũ rằng:

- Bây giờ các bác tính làm sao cho tiện?

Chu Vũ đứng lên nói:

- Ngài là một người lương thiện vô tội, chỉ vì chúng tôi làm cho liên lụy đến người, vậy xin ngài cứ trói ba chúng tôi đem nộp cho quan Huyện, thế là không còn lôi thôi nữa?

Sử Tiến lắc đầu đáp rằng:

- Nếu làm thế, thì ra tôi đánh lừa đến đây, để bắt các bác mà lấy thưởng hay sao? Đại trượng phu ở đời có đâu như thế, mà để tiếng chê cười cho thiên hạ hậu thế, vậy bây giờ chỉ có là sống cùng sống, mà chết cùng chết là hơn, được các bác cứ ngồi đó, để tôi ra hỏi lại xem sao, rồi chúng ta sẽ liệu.

Nói đoạn chạy ra bờ tường, trèo lên thang quát hỏi:

- Bớ các ngươi, đêm hôm khuya khoắt, các ngươi định đến đây cướp phá nhà ta đó, hay sao?

Hai tên Đô Đầu ở ngoài thấy tiếng Sử Tiến liền đáp:

- Đại Lang ơi! Đại Lang không cần hỏi, đã có tên nguyên cáo là Lý Cát ở đây.

Sử Tiến quát lên rằng:

- Tôi có biết gì đâu? Nhân hôm nọ tôi nhặt được cái thư của Vương Tứ, đánh rơi ở trong rừng, tôi vội đem lên nộp quan, thì ngài sai tôi dẫn đến đây để bắt đấy thôi.

Sử Tiến nghe nói cả giận, quay lại quát hỏi Vương Tứ rằng:

- Sao ngươi bảo với ta, không có thư trả lời, mà bây giờ lại xảy ra như thế?

Vương Tứ luống cuống trả lời:

- Đại Lang tha lỗi cho tôi, hôm ấy vì say rượu đánh rơi mất thư lúc nào không biết.

Sử Tiến bầng bầng quát mắng rằng:

- Quân súc sinh này, như thế còn tin cậy được việc gì nữa?

Rồi quay ra bảo với lũ Đô Đầu ở ngoài rằng:

- Nếu vậy thì hãy cứ đợi ở ngoài, để tôi sẽ trói phạm nhân đem ra nộp vậy.

Ngoài kia hai tên Đô Đầu sợ uy thế của Sử Tiến, cũng đành phải vâng lời đứng ở ngoài, không ai dám ho he gì cả.

Sử Tiến nói xong, quay xuống gọi Vương Tứ ra vườn sau, đưa cho một nhát dao vào cổ, chết thẳng còng queo, rối trở vào gọi người nhà thu xếp các đồng tiền nong tế nhuyễn, gói lấy một ít vào tay nải, còn thì vất để nguyên cả đó. Đoạn rồi cùng với bọn Chu Vũ, mỗi người dắt một con dao sau lưng, sai các gia nhân đều cầm dao cầm gậy, khoác tay nải lên vai, lấy lửa đốt trang viện, rồi mở thẳng cổng xông ra. Sử Tiến đi trước, Chu Vũ, Dương Xuân đi giữa, còn Trần Đạt cùng với bọn lâu la và gia nhân đi chặn sau. Vừa ra khỏi cổng, thì bắt gặp ngay hai tên Đô Đầu và Lý Cát đương luống cuống ở đó, Lý Cát thất kinh toan chạy, bị Sử Tiến đưa một dao chém làm hai đoạn. Còn hai tên Đô Đầu cũng bị Dương Xuân, Chu Vũ tặng cho mỗi kẻ một đao kết quả hai tính mạng.

Huyện U�y thấy vậy, sợ hãi kinh hoàng, tế ngựa chạy trốn, không dám quay cổ lại nữa, bọn dân thổ cũng tản mác chạy mau cho thoát mạng nốt?

Sử Tiến cùng bọn Chu Vũ chạy về trại Thiếu Hoa Sơn để nghỉ. Khi về tới trại, Chu Vũ sai lâu la giết dê trâu làm tiệc ăn mừng, rồi lưu Sử Tiến ở đó, Sử Tiến ở được mấy hôm, chợt trong bụng nghĩ: "Mình chỉ vì cứu ba người này, mà nhất đán đốt mất cả cửa nhà cơ nghiệp, lại gây vạ với thổ quan, thì bây giờ ở đây, sao cho tiện". Nhân nói với Chu Vũ rằng:

- Tôi có ông sư phụ là Vương Giáo Đầu, hiện theo ở bên phủ Kinh Lược Châu Quan Tây, tôi định ý đi tìm đã lâu, song ngặt vì phụ thân mới mất, cho nên tôi chưa quyết định xong, tới nay đã xảy ra câu chuyện thế này, dẫu muốn không đi không được. Vậy tôi xin từ giã anh em để đi tìm sư phụ.

Chu Vũ va hai người kia đều có ý muốn lưu lại:

- Xin quan bác hãy tạm ở đây ít bữa để bàn định xem sao? Nếu quan bác không thích cái nghề lạc thảo này, thì xin đợi khi yên lặng rồi, chúng tôi sẽ theo về sửa sang trang viện để liệu cách làm ăn có được không?

Sử Tiến nói:

- Đành vậy, nhưng bây giờ tôi nóng lòng muốn tìm thấy ngay sư phụ, mà kiếm xem có kế gì xuất thân, để được hả lòng một chút.

- Vậy thì quan bác ở đây làm ông Trại Chủ, lại chẳng khoát hoạt lắm sao? Chỉ e trại đây nhỏ hẹp, không đủ cho quan bác ở thôi.

- Có lẽ nào thế? Ông cha tôi khi xưa vốn là người lương thiện, nay tôi đem thân đến đây, làm cho ô nhục hay sao? Cái đó xin đừng nói đến nữa.

Bọn Chu Vũ thấy vậy cũng không dám lưu lại, Sử Tiến để cho bọn trang đinh ở lại đó, còn mình thu thập hành lý gói vào khăn gói mà sắp sửa đi tìm Vương Tiến. Bấy giờ Sử Tiến đầu đội mũ dương chiên lớn, có cái mào đỏ ở trên, mình mặc áo chiến bào, lưng thắt dây đay đỏ rất lớn, chân đi đôi giày gai, đeo khăn gói lên vai, giắt dao lưng vào mình, rồi từ biệt Chu Vũ, Dương Xuân và Trần Đạt mà lên đường. Lũ Chu Vũ đưa chân đến tận dưới núi, gạt hai hàng nước mắt, bái biệt mà về.

Sử Tiến đi đường được nửa tháng trời, tới đất Vị Châu, ở đấy cũng có dinh quan Kinh Lược, Sử Tiến ngờ là sư phụ Vương Giáo Đầu ở đó, liền tìm vào một hàng nước, để tạm nghĩ và thăm hỏi dò la. Sử Tiến vào tìm ngồi một chỗ bàn ghế sạch sẽ, gọi nhà hàng pha nước uống rồi hỏi:

- Phủ Kinh Lược đây ở vào phía nào?

Nhà hàng đáp:

- Ở phía đàng trước mặt.
 
Trong phủ Kinh Lược, có ông Giáo Đầu tên là Vương Tiến phải không?

- Trong đó có nhiều ông Giáo Đầu mà cũng có tới ba bốn ông họ Vương, nhưng không hiểu ông nào là Vương Tiến.

Nhà hàng vừa nói dứt lời, thì có một người lực lưỡng ở ngoài đi sồng sộc bước vào, Sử Tiến ngẩng lên trông người ấy, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, hai bên mép có một hàng râu xoăn xoắn, mình cao tám thước, vai rộng đẫy ôm, cách ăn mặc ra đàng một tay quan võ.

Người ấy vừa vào đến trong, thì nhà hàng vội trỏ vào bảo Sử Tiến rằng:

- Nếu ngài muốn hỏi viên Giáo Đầu nào, thì cứ hỏi ông Đề Hạt đây sẽ biết.

Sử Tiến nghe vậy, vội vàng đứng dậy chấp tay vái chào mà nói:

- Xin rước ngài vào ngồi xơi nước.

Người ấy thấy Sử Tiến mặt mũi khôi ngô, sức lớn mình cao, võ vẻ đường đường hảo hớn, thì cũng chấp tay đáp lễ, rồi cùng ngồi uống nước một bên. Sử Tiến hỏi:

- Tôi thế này là không phải, nhưng xin dám hỏi cao tính đại danh ngài là gì?

Người kia đáp:

- Tôi họ Lỗ, tên là Đạt Tư, hiện làm Đề Hạt ở phủ Kinh Lược gần đây, vậy dám hỏi quan bác là thế nào?

- Tôi họ Sử tên Tiến muốn đi tìm sư phụ là ông Vương Tiến, trước đã từng làm chức Giáo Đầu, dạy tám vạn quân ở đất Đông Kinh, ngày nay không biết rằng có ở trong phủ Kinh Lược đây không?

Lỗ Đề Hạt ân cần ra ý hỏi:

- Chẳng hay có phải ngài là Cửu Văn Long Sử Đại Lang ở Sử Gia Thôn đó chăng?

Sử Tiến cúi đầu đáp:

- Vâng! Chính tôi đây.

Lỗ Đề Hạt vội mừng cung kính mà nói rằng:

- Người ta thường nói, nghe tên không bằng thấy mặt, thấy mặt gấp mấy nghe tên, nay mới biết quả nhiên như thế. Nhưng nay ngài muốn tìm ông Vương Tiến, có phải là ông Vương Tiến bị quan Cao Cầu Thái Úy ở Đông Kinh ghét đó chăng?
- Chính phải!

- Tôi cũng nghe danh ông ấy, nhưng mà không có ở đây. Nghe nói ông ấy hình như ở bên phủ Kinh Lược Lão Trung ở Diên An thì phải, chứ dinh quan Kinh Lược Tiểu Trung tôi đây không có.

Đoạn rồi bảo Sử Tiến rằng:

- Ngài đã là Sử Đại Lang, tôi thường nghe ngài là tay hảo hán vậy mời ngài ra phố uống với tôi vài chén rượu đã.

Nói đoạn dắt tay Sử Tiến đi ra, bảo nhà hàng rằng:

- Tiền nước để đó, rồi sau ta sẽ trả.

Nhà hàng vâng dạ, � mà bảo rằng:

- Xin Đề Hạt cứ tự nhiên cho.

Hai người dắt tay nhau ra phố, ước chừng dăm ba mươi bước, thì chợt một đám người đứng bao bọc xúm xít vào một chỗ, Sử Tiến bảo với Lỗ Đề Hạt rằng:

- Ta thử vào đây xem họ làm gì?

Nói đoạn gạt rẽ đám đông mà vào thì thấy có một người, tay cầm một nắm gậy, trên mặt đất bảy mươi thứ thuốc cao, lại có một cái bàn dán đặc giấy giao hàng ở đó.

Sử Tiến trông thấy nhận nhận ra là một người, tên gọi Đả Hổ Tướng Lý Trung, vẫn xưa nay múa gậy bán thuốc dong duổi giang hồ, mà trước kia đã từng dạy cho mình học võ, liền đứng ở ngoài mà gọi lên rằng:

- Sư phụ ơi! Sao lâu nay không được gặp thế?

Lý Trung nghe tiếng ngẩng đầu lên nom, bỗng hớn hở mà rằng:

- Kìa; Hiền Đệ đi dâu mà lại tới đây?

Đề Hạt đứng bên cạnh, thấy hai người nhận nhau là sư đệ, thì bảo rằng:

- Nếu có phải ông là sư phụ Sử Đại Lang thì xin mời cùng đi với chúng tôi, xơi vài chén rượu cho vui.

Lý Trung đáp:
 
- Vâng! Xin để cho tôi bán ít thuốc cao, kiếm lấy ít tiền, rồi xin theo Đề Hạt cùng đi.

- Ai mà đứng đây đợi được, có đi thì xin đi một thể cho vui.

- Đành vậy, nhưng cơm áo của tiểu đệ, trông cậy vào đâu, xin mời Đề Hạt cứ đi trước, tôi sẻ tìm đến sau, Sử Tiến hiền đệ cứ theo Đề Hạt đi trước đi.

Lỗ Đạt nghe nói nóng ruột, không sao chịu được, vội gạt đuổi những người đứng xem chung quanh mắng rằng:

- Chỉ tại lũ thối thây này, xúm xít vào đây. Ta lại đánh tuốt cho một mẻ bây giờ.

Bọn người đứng xem thấy vậy đều tránh gạt đi mất, còn Lý Trung thấy Đề Hạt ra dáng hung tợn, thì cũng hơi có ý giận, song không dám nói ra, chỉ cười gượng nói rằng:

- Đề Hạt nóng tính quá.

Đoạn rồi thu thập thuốc men gói gấp gửi để một nơi cẩn thận, mà cùng với Lỗ Đề Hạt và Sử Tiến, đến phố Châu Kiều. Khi tới nơi Lỗ Đề Hạt đưa vào nhà tửu điếm họ Phan, là một hàng rượu có tiếng ở đó, tìm một gian sạch sẽ để cùng ngồi.

Lỗ Đề Hạt ngồi chủ vị, Lý Trung ngồi đối diện, còn Sử Tiến thì ngồi vai dưới, tên tửu bảo trông thấy bọn khách Đề Hạt tới nơi, thì vội vội vàng vàng đến bẩm rằng:

- Kính chào đề Hạt, dùng bao nhiêu rượu?

Lỗ Đạt nói:

- Hãy lấy bốn chai rượu, và các rau quả đến đây!

Tửu bảo lại hỏi:

- Các quan xơi cơm gì?

Lỗ Đạt gắt mà rằng:

- Hỏi gì lắm thế? Có thì cứ mang đây, ăn rồi ta trả tiền chứ sao, mày lắm điều quá.

Tửu bảo cúi cổ đi ra, một lát đem rượu thịt bày la liệt trên bàn, rồi ba người cùng nhau đánh chén, rượu được vài tuần, ai nấy có vẻ chếch choáng hơi men, bây giờ mới giở các món côn quyền ra khoe lẫn với nhau rất là đắc chí.

Bỗng đâu bên kia vách, ở gần bàn rượu có tiếng người rền rỉ khóc than, Lỗ Đề Hạt nghe thấy lấy làm bực mình, liền cầm ngay chén rượu còn đang uống, mà vất xuống sàn gác, đánh soảng một cái.
- Vâng! Xin để cho tôi bán ít thuốc cao, kiếm lấy ít tiền, rồi xin theo Đề Hạt cùng đi.

- Ai mà đứng đây đợi được, có đi thì xin đi một thể cho vui.

- Đành vậy, nhưng cơm áo của tiểu đệ, trông cậy vào đâu, xin mời Đề Hạt cứ đi trước, tôi sẻ tìm đến sau, Sử Tiến hiền đệ cứ theo Đề Hạt đi trước đi.

Lỗ Đạt nghe nói nóng ruột, không sao chịu được, vội gạt đuổi những người đứng xem chung quanh mắng rằng:

- Chỉ tại lũ thối thây này, xúm xít vào đây. Ta lại đánh tuốt cho một mẻ bây giờ.

Bọn người đứng xem thấy vậy đều tránh gạt đi mất, còn Lý Trung thấy Đề Hạt ra dáng hung tợn, thì cũng hơi có ý giận, song không dám nói ra, chỉ cười gượng nói rằng:

- Đề Hạt nóng tính quá.

Đoạn rồi thu thập thuốc men gói gấp gửi để một nơi cẩn thận, mà cùng với Lỗ Đề Hạt và Sử Tiến, đến phố Châu Kiều. Khi tới nơi Lỗ Đề Hạt đưa vào nhà tửu điếm họ Phan, là một hàng rượu có tiếng ở đó, tìm một gian sạch sẽ để cùng ngồi.

Lỗ Đề Hạt ngồi chủ vị, Lý Trung ngồi đối diện, còn Sử Tiến thì ngồi vai dưới, tên tửu bảo trông thấy bọn khách Đề Hạt tới nơi, thì vội vội vàng vàng đến bẩm rằng:

- Kính chào đề Hạt, dùng bao nhiêu rượu?

Lỗ Đạt nói:

- Hãy lấy bốn chai rượu, và các rau quả đến đây!

Tửu bảo lại hỏi:

- Các quan xơi cơm gì?

Lỗ Đạt gắt mà rằng:

- Hỏi gì lắm thế? Có thì cứ mang đây, ăn rồi ta trả tiền chứ sao, mày lắm điều quá.

Tửu bảo cúi cổ đi ra, một lát đem rượu thịt bày la liệt trên bàn, rồi ba người cùng nhau đánh chén, rượu được vài tuần, ai nấy có vẻ chếch choáng hơi men, bây giờ mới giở các món côn quyền ra khoe lẫn với nhau rất là đắc chí.

Bỗng đâu bên kia vách, ở gần bàn rượu có tiếng người rền rỉ khóc than, Lỗ Đề Hạt nghe thấy lấy làm bực mình, liền cầm ngay chén rượu còn đang uống, mà vất xuống sàn gác, đánh soảng một cái.


Tửu bảo nghe tiếng vội vang chạy đến, nom thấy Đề Hạt có ý hầm hầm giận dữ, thì đem giọng ngọt mà hỏi rằng:

- Quan muốn truyền mua thức gì, để nhà hàng tôi đem đến.

Lỗ Đạt quát lên rằng:

- Ta muốn thức gì? Ngươi không biết ta hay sao? Sao dám cho đứa nào đến bên kia khóc lóc, làm nhiễu cả cuộc rượu anh em ta thế? Xưa nay ta có thiếu tiền không?

Tửu bảo vội lễ phép nói rằng:

- Chúng tôi đâu dám xuôi ai đến đây khóc, để quấy nhiễu đến tai ngài, đây chẳng qua là hai cha con đứa hát bên kia, nó không biết có ngài ở đây, cho nên nó thở than khóc lóc với nhau, xin ngài tha lỗi cho.

Lỗ Đề Hạt trừng mắt nói:

- Nói làm gì quái lạ thế? Bây gọi nó sang đây ta xem.

Tửu bảo vâng lời đi, một lát đã thấy dẫn một người con gái chừng 18- 19 tuổi đi theo một ông lão già, vào trạc 60 tuổi, tay cầm bộ phách, cùng đến đó.Người con gái trông cũng tầm thường không lấy gì nhan sắc cho lắm, khi đến trước mặt Đề Hạt, thì lấy tay lau nước mắt, rồi cúi chào Vạn Phúc; Đề Hạt hỏi:

- Bây người ở đâu, làm gì ở đây khóc lóc như thế? Người con gái nói:

- Bẩm ngài, nguyên chúng tôi là người ở Đông Kinh theo cha mẹ sang Vị Châu để tìm người họ, bất đồ sang tới nơi thì người họ đã dọn sang ở Nam Kinh mất, đoạn rồi mẹ tôi bị bệnh giữa đường mà chết, thành ra hai cha con tôi phải lưu lac� đến đây, khi đến đây trót nhờ ông tài chủ là Trấn quan Tây Trịnh đại nhân giúp đỡ ít chút, sau ông ấy thấy tôi còn trẻ tuổi, có ý muốn ép làm lẽ liền bắt cha tôi viết bức văn tự bán tôi là 3.000 quan, mà sau rút cục không đồng tiền nào cả, sau bắt tôi ở đấy được non ba tháng, bị người vợ cả ghen tuông quá đỗi, bắt duổi tôi phải đi nơi khác, mà không cho lẩn quẩn trong nhà, đoạn rồi đem văn tự ra đòi tiền cho kỳ được, cha tôi đã già yếu, không có kế chi chống lại được với y, vả chăng khi trước không nhận được của y một đồng tiền nào, thì ngày nay lấy đâu mà trả được. May sao thuở xưa cha tôi có dạy cho tôi một vài bản hát, nay bất đắc dĩ phải tìm đến tửu lâu bên kia, để quanh co hát xướng, kiếm lấy ít tiền, mà trả bớt cho người ta, còn thì cha con đùm bọc lấy nhau, nhưng chẳng may, mấy ngày hôm nay khách hàng thưa vắng, không sao kiếm được đồng nào, chỉ sợ đến hẹn mà không có tiền đưa trả, thì phải khổ với người ta, bởi vậy cha con tôi lo khóc, không ngờ lại xúc phạm đến uy ngài, xin ngài rộng ơn mà tha thứ.

Lỗ Đạt lại hỏi:

- Tên họ nhà ngươi là gì? Ở Tửu điểm nào? Trấn quan Tây Trịnh đại nhân là người nào? Ở đâu?

Lão già khép nép thưa lên:

- Chúng tôi tên là Kim Nhị, con cháu tên là Thúy Liên, trọ ở hàng rượu đối diện bên đông kia, còn Trịnh đại nhân tức ông Trịnh Đồ, bán hàng thịt ở dưới cầu Trạng Nguyên.

Lỗ Đạt nghe nói tắc lưỡi mà rằng:

- Ta vẫn tưởng Trịnh quan nhân nào; té ra chính là thằng Trịnh Đồ bán hàng thịt lợn. Thằng gớm thực? Nó nhờ thế quan Kinh Lược ta được mở cái hàng thịt lợn ở đó, ai ngờ nay dám lộng quyền đến láo quá chừng.

Nói đoạn quay lại bảo Lý Trung, Sử Tiến rằng:
- Các ông hãy ngồi đây, đợi tôi một lát, tôi đi sửa cho thằng này một trận, rồi lại xin đến đây ngay.

Sử Tiến, Lý Trung đều dìu lại mà khuyên rằng:

- Quan bác hãy nguôi giận, để sáng mai sẽ hay.

Hai người khuyên giải đến năm bảy lượt rồi, Lỗ Đạt mới chịu thôi, lại quay bảo bố con Kim Nhị rằng:

- Tôi đãi tiền cho lão già, ngày mai về Đông Kinh được không?

Hai bố con Kim Nhị nói:

- Nếu ngài cứu cho được về cố hương, thì thực ơn bằng cha mẹ, song làm thế nào được chủ hàng cơm cho đi, và nếu khi Trịnh đại nhân theo đuổi đòi tiền thì biết làm sao?

Lỗ Đề Hạt nói:

- Cái đó không cần, tôi sẽ có cách xử trí cho.

Nói đoạn móc tay vào túi lấy ra lạng bạc, để trên bàn, rồi bảo Sử Tiến rằng:

- Tôi có ít tiền quá, quan bác có đấy cho tôi mượn thêm một ít, rồi sáng mai tôi xin trả lại.

Sử Tiến cười mà rằng:

- Có thì bác lấy, đáng bao nhiêu mà nói chuyện trả.

Nói xong, lấy một đỉnh bạc ra để trên bàn, Đề Hạt lại trông Lý Trung mà bảo rằng:

- Bác có cho mượn thêm đây mới đủ.

Lý Trung móc túi mãi, mới được có hai lạng đưa ra. Lỗ Đạt cầm lấy đưa cho Kim lão 15 lạng bạc mà bảo rằng:

- Tiền này cha con giữ để tiêu dùng, rồi thu xếp hành lý cẩn thận, để sáng mai tôi đến đây sớm, tôi sẽ bảo cách cho mà đi, xem đứa nào giữ lại được nữa?

Hai cha con Kim lão nhận tiền rồi, lạy tạ mà lui ra, Lỗ Đạt đưa hai lạng bạc trả lại cho Lý Trung, rồi lại cùng nhau uống rượu một lúc lâu rồi mới tan. Khi đứng dậy Lỗ Đạt lại gọi nhà hàng đến mà bảo rằng:
 
- Tiền rượu để sáng mai ta sẽ trả.

Chủ hàng vâng lời rằng:

- Xin Đề Hạt để đến bao giờ cũng được.

Đoạn ba người dắt tay đi chơi phố, hồi lâu Lý Trung, Sử Tiến mới từ giã Lỗ Đạt mà đi tìm chỗ trọ riêng.

Cha con Kim lão từ khi nhận được món tiền của Lỗ Đề Hạt, liền trở về trang trải tiền cơm nước vặt vãnh, rồi lại ra ngoài thành thuê một cỗ xe, và sắp sửa các đồ hành lý, để sáng hôm sau đi sớm.

Sáng hôm sau vào khoảng đầu trống canh năm, thì hai cha con Kim lão trở dậy ăn cơm nước xong xuôi, rồi đợi Lỗ Đề Hạt đến, thì sẽ cất gói ra đi. Khi trời vừa tảng sáng, đã thấy Lỗ Đề Hạt ở đâu sồng sộc bước vào, gọi tên hầu ở nhà hàng mà bảo rằng:

- Kim lão trọ ở phòng nào?

Tiểu nhị nghe tiếng, vội vàng gọi Kim lão, mà bảo ra tiếp ứng. Kim lão nghe nói, liền mở cửa phòng, rồi mời Lỗ Đề Hạt vào ngồi chơi.

Đề Hạt ra dáng vội vàng mà nói:

- Thôi, cần chi ngồi chơi, cha con nhà ông có đi thì đi ngay chứ, còn chờ đợi đến bao giờ nữa.

Kim lão vâng lời quảy hành lý lên vai, rồi dắt con gái ra bái tạ Đề Hạt mà đi ra. Vừa bước chân tới cữa thì tên tiểu nhị giữ lại mà hỏi rằng:

- Kim lão đi đâu bây giờ thế?

Lỗ Đề Hạt thấy vậy mà quát hỏi:

- Lão ấy còn thiếu tiền trọ của ngươi hay sao?

- Bẩm, tiền trọ thì hôm qua ông ta tính trả rồi, song ông ta còn nợ của Trịnh đại quan nhân đàng kia, ngài có giao cho tôi để đòi hỏi cho nên tôi phải giữ lại ở đây.

Lỗ Đề Hạt mắng rằng:

- Tiền của Trịnh Đồ để rồi ta trả nó, mày cứ để cho lão ấy đi mới được.

Tên tiểu nhị dùng dằng không chịu cho Kim lão đi, Lỗ Đề Hạt cả giận giơ tay tát tiểu nhị một cái hộc máu mồm ra, rồi lại tát luôn cho vài cái nữa, gãy phăng mất hai cái răng cửa; tiểu nhị thấy vậy kinh sợ chạy lủi vào trong nhà, không dám thò mặt ra ngoài để ngăn trở, hai cha con Kim lão liền thừa thế chạy thẳng ra thành, lên xe đi cho mau thoát.

Lỗ Đề Hạt thấy Kim lão đi rồi, lại e khi tên tiểu nhị ở điếm còn tức mà đuổi theo, để quấy nhiễu, liền bắc ghế trước cửa điếm ngồi giữ ở đó, ước chừng khi Kim lão đi xa rồi, mới đứng dậy mà đi sang cầu Trạng Nguyên, để tìm vào nhà Trịnh Đồ.

Bây giờ Trịnh Đồ đương đứng ở bên quầy, để trông nom cho mấy đứa đồ tể bán thịt, chợt nghe tiếng Lỗ Đề Hạt đến nơi, liền quay ra ra chào hỏi, rồi kéo ghế mời vào ngồi chơi nói chuyện.

Lỗ Đề Hạt ngồi phịch xuống ghế bảo Trịnh Đồ rằng:

- Ta thừa lệnh quan Kinh lược truyền ra lấy 10 cân thịt nạc, thái nhỏ ra từng miếng, mà phải không có một tý mỡ nào dính vào mới được.

Trịnh Đồ vâng lời, rồi sai gọi lũ đồ tể ra cắt thịt. Đề Hạt không nghe mà nói:

- Không để cho chúng nó được, ngươi phải đứng lên cắt ngay cho ta. Trịnh Đồ không dám trái lời, phải đứng dậy đi thái 10 cân thịt. Bây giờ tiểu nhị ở hàng cơm kia, dương lon ton chạy lại nhà Trịnh Đồ, toan báo chuyện Kim lão cho Trịnh Đồ biết, bất đổ vừa đến cửa đã trông thấy Lỗ Đề Hạt, ngồi chễm chệ ở đó, liền đứng thụt ở bên ngoài, mà không dám thò mặt vào nữa.

Khi Trịnh Đồ cắt thịt xong, rồi lấy lá sen gói bọc cẩn thận, đem đến đưa Lỗ Đề Hạt mà nói:

- Thịt đây xin Đề Hạt cho mang về.

Lỗ Đạt nói:

- Mang đi đâu? Phải cắt lấy 10 cân thịt mỡ nữa, rồi cũng thái nhỏ ra, nhưng không dính một tý thịt nạc nào mới được.

Trịnh Đồ lấy làm lạ mới hỏi:

- Trong phủ dùng thịt nạc để nấu nướng thì tốt, chứ thịt mỡ dùng sao được?

Đề Hạt trừng mắt nói:

- Tướng công truyền như vậy, ai dám vào đấy mà hỏi được.

Trịnh Đồ đành phải vâng lời, lại đi ra thái 10 cân thịt mỡ, gói bọc tử tế rồi gọi người nhà bảo cầm theo Đề Hạt để đưa vào trong phủ.

Lỗ Đạt lại quát lên rằng:

- Lấy mười cân sườn nữa thái nhỏ ra, không cho một tý thịt nào bám được.

Trịnh Đồ thấy vậy liền hỏi rằng:
 
- Chẳng hay Đề Hạt đùa tôi hẳn?

Lỗ Đạt nghe nói vội đứng dậy, tay cầm hai gói thịt, rồi trợn mắt nhìn Trịnh Đồ nói:

- Ta lại đùa với lũ ngươi hay sao?

Nói xong cầm hai gói thịt ném toét vào mặt Trịnh Đồ. Trịnh Đồ bừng bừng nổi giận không sao chịu được, liền với lên bàn thịt cầm lấy con dao nhọn, nhảy sả vào toan đâm, Lỗ Đề Hạt thấy vậy lùi bước đi thẳng ra ngoài phố, hai bên phố xá cùng bọn đồ tể ở trong không ai dám bén mảng đến can ngăn gì cả, bao nhiêu những khách bộ hành đều đứng lại để xem, còn tên tiểu nhị ở hàng cơm đến đấy cũng kinh sợ vô cùng.

Trịnh Đồ tay hữu cầm dao, tay tả thì níu lấy Lỗ Đạt chạy theo toan đánh. Lỗ Đạt thừa thế nắm lấy tay tả Trịnh Đồ, đá vào bụng dưới một cẳng chân ngã lăn xuống phố, rồi lại xông vào giở quả đấm ra hiệu mà bảo rằng:

- Tao đây theo hầu quan Kinh lược Đại tướng, làm đến chức quan tây Ngũ Lộ Liêm Phóng Sứ mới được gọi là Trấn Quan Tây, còn như mày chỉ là một đứa cầm dao bán thịt, thân danh như một con chó, thế mà cũng học đòi gọi Trấn quan tây, rồi lại lừa đảo ép nài bố con Thúy Liên là nghĩa làm sao?

Nói đoạn đánh cho một đấm vào giữa mũi, vẹo về một bên, máu chảy ra lênh láng. Trịnh Đồ không sao bò dậy được, bỏ vất con dao ra mặt đất, trong mồm chỉ lẩm bẩm nói:

- Được lắm! Đánh giỏi!

Lỗ Đạt mắng luôn rằng:

- Mày lại há miệng ra nữa đấy à?

Nói xong lại đánh cho một đấm chính giữa mí mắt, lòi cả con ngươi ra ngoài, rồi lại đấm vào thái dương một cái rất mạnh.

Đoạn thấy Trịnh Đồ nằm sóng soạt ra đất, chỉ thở hơi ra, không hít vào được nữa, Lỗ Đạt liền nói tảng đi rằng:

- Mày giả cách chết à? Ông đánh cho một chập nữa bây giờ.

Dè đâu trông sắc mặt Trịnh Đồ càng ngày càng tái nhợt mãi đi. Lỗ Đạt biết là tất chết, trong bụng nghĩ:

- Ta chỉ định đánh cho đau đớn, ai ngờ mới có ba cái đấm, mà nó đã chết hay sao? Nếu thế thì ta bị quan Tư giam chấp, thì lấy ai đưa cơm nước cho ta? Âu là bất nhược ta liệu trước là xong.

Nghĩ đoạn, rảo bước ngoắt đi, lại còn quay lại trỏ vào xác Trịnh Đồ mà nói rằng:

- Mày giả cách chết, để rồi tao liệu cho mày.

Lỗ Đạt miệng thì tức mắng, chân thì cất gót cho mau, phố xá xóm giềng không ai còn dám đến ngăn cản nữa. Khi về tới nhà trọ, thu nhặt tiền nong gói vào một gói. Tay cầm một cái gậy đỏan rồi lén bước ra cửa Nam môn rồi cút đi thẳng.

Lũ đồ tể thấy Lỗ Đạt đi rồi, liền cùng với tiểu nhị và xóm làng, túm vào khua gọi Trịnh Đồ mà đỡ dậy. Không ngờ kêu gọi đến nửa ngày trời cũng không thấy tỉnh, than ôi!


Biết đâu cái đánh vô tình
Xuôi hồn biển tử tan tành như chơi!

Các người lân bang thấy vậy, vội làm đơn đi trình quan Phủ.

Quan Phủ xem đơn trình, biết Lỗ Đề Hạt là người nhà quan Kinh Lược, không dám thiện tiện bắt ngay, bèn lên kiệu vào phủ Kinh lược để trình.

Quan Kinh Lược nghe lời trình của quan Phủ, thì giật mình kinh lạ mà tự nghĩ:

- Lỗ Đạt tuy võ nghệ giỏi, nhưng tính tình vẫn thô mãng xưa nay, nay lại xảy ra có việc án mạng thế này, thì ta che chở làm sao cho tiện, bất nhược ta cứ giao mặc cho tra hỏi là xong.

Liền bảo với quan Phủ rằng:

- Tên Lỗ Đạt vốn là quân quan ở bên dinh Kinh Lược phụ thân tôi, nhưng vì tôi thiếu người sai dùng, cho nên mượn hắn sang đây để làm chức Đề Hạt, nay chẳng may lại phạm việc án mạng như thế, xin cứ theo phép công mà đòi hỏi, xem hắn khai báo ra sao? Rồi sẽ định tội. Nhưng thế nào cũng phải cho phụ thân tôi biết trước, rồi mới quyết đoán được, kẻo nhất lỡ sau này phụ thân tôi cho gọi đến hắn thì thêm rầy.

Quan phủ vâng lời mà rằng:

- Chúng tôi xin tra hỏi căn do, đệ trình lên quan Lão Kinh Lược tướng công, rồi mới dám thi hành, chứ có đâu chúng tôi lại tự xử ngay được.

Quan Phủ Doãn chào quan Kinh Lược, rồi lên kiệu về nha, sai thảo công văn giao cho bọn bộ tập đi bắt Lỗ Đạt. Bấy giờ Vương Quan Sát lĩnh công văn dẫn hai mươi tên công sai, đi đến nhà trọ của Lỗ Đạt, thì thấy chủ nhà nói rằng:

- Lỗ Đạt vừa mới khoác khăn gói, cầm gậy đỏan ra đi lúc nãy. Chúng tôi vẫn tưởng là có công sai gì, cho nên không dám hỏi han đến nữa.

Vương Quan Sát sai phá cửa phòng của Lỗ Đạt ra xem, thì chỉ thấy có một ít quần áo tồi tàn, và chiếu chăn còn bỏ lại ở đó, liền bắt chủ hàng dẫn đi các nơi để tìm bắt, nhưng nào có thấy tung tích ở đâu? Vương Quan Sát bất đắc dĩ phải bắt hai tên lân bang, cùng chủ trọ của Lỗ Đạt mà đem về giải phủ.

Quan Phủ Doãn ra hỏi đầu đuôi xong, nhất diện phái người khám xét tử thi Trịnh Đồ, nhất diện làm thành án văn, viết tên tuổi tướng mạo Lỗ Đạt cho đi dán khắp nơi, nếu ai bắt được phạm nhân sẽ thưởng tiền 2.000 quan, còn các nguyên cáo cùng xóm giềng đều cho về cả.

Lỗ Đạt từ khi đi khỏi Vị Châu rồi, vội vàng hất hải, đi đến chỗ nọ chỗ kia, không biết nơi đâu là định sở, thực là đói không chọn cơm, rét không chọn áo, lạc không chọn đường, nghèo không chọn vợ, tình cảnh bấy giờ thật là nan bách. Mê man vơ vẫn vừa nửa tháng trời mới tới Huyện Nhạn Môn, bước chân vào trong thành thấy phố phường náo nhiệt, xe ngựa tưng bừng, các hàng quán bán buôm rất là tề chỉnh, tuy là một chốn huyện thành, mà lại có phần hơn mọi châu phủ.

Lỗ Đạt đương đi lững thững một mình, bỗng thấy một đám đông người xô lại vào bên đường, để xem bảng yết thị, nên cũng len bước vào xem.

Lỗ Đạt tuy không biết chữ nhưng cũng lắng tai nghe thấy người ta đọc rằng:

- "Châu huyện Nhạn Môn, vâng lệnh quan phủ Thái Nguyên, yết thị cho nhân dân biết: Tên Lỗ Đạt tức là viên Đề Hạt ở phủ quan Kinh Lược Vị Châu, phạm tội đánh chết Trịnh Đồ, rồi trốn mất, ai mà chứa chấp trong nhà, quan trên bắt tội sẽ xử tội như phạm nhân, bằng ai bắt được đem ra nộp thì sẽ được thưởng 1.000 quan ... "

Lỗ Đạt vừa nghe đến đó, chợt thấy đàng sau lưng có người kêu to lên rằng:
Trương Đại Ca ôi! Bác đi đâu đến đây?

Đoạn rồi người ấy ôm lưng Lỗ Đạt mà kéo đi ra khỏi đám người đông đúc. Mới hay:


Anh hùng tiếng đã gọi rằng.
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.
Bốn phương đâu chẳng là nhà.
Sao cho thảo mộc sơn hà biết tên?
Chắc đâu là họa là duyên,
Chắc đâu oán trả ơn đền là đâu?
Ở đời thấm thoát bao lâu,
Biết nhau tế độ cho nhau mới là ...


Lời bàn của Thánh Thán:

Hồi này vừa tả xong Sử Tiến anh hùng, tiếp taỷ tả luôn Lỗ Đạt anh hùng. Vừa tả xong Sử Tiến thô tháo; Tiếp tay tả luôn Lỗ Đạt thô tháo. Vừa tả xong Sử Tiến quên Lợi, tiếp tay tả luôn Lỗ Đạt quên lợi; Vừa tả xong Sử Tiến nóng nảy, tiếp tay tả luôn Lỗ Đạt nóng nảy. Tác giả gặp chỗ bí chạy theo đường nghẽn, cho rõ tài bút lục của mình, độc giả cũng nên xem xét từng chỗ, để phân định hai kẻ khác nhau, không phải chỉ tả một thứ con người, mới khỏi phụ lòng khốn khổ của nhà viết nên sử!

Một trăm lẻ tám vị anh hùng, kể đầu từ Sử Tiến, một kẻ xuất danh lãnh chúng sau này. Thế mà tác giả chép ở Thiếu Hoa Sơn, một đoạn văn đặc biệt, rằng:" Ông cha tôi khi xưa, vốn là người lương thiện, có đâu tôi đem thân đến đây, mà làm ô nhục hay sao? ... " Điều đó há phải sơ tâm riêng một con người như Sử Tiến sự thực cũng là sơ tâm của một trăm lẻ tám người kia. Chỉ vì một tay tài điệu, không chỗ giở ra một thân khí lực, không nơi dùng đến, mà tíng con thuồng luồng đâu chịu chết khô trên ruộng cạn, lại thêm những cái oán của đời gian giảo, mới nổi lên một đám với nhau, như vậy con nhà lương thiện đã chả được dùng đến, phải đành chịu tiếng nhơ ở trong thanh giá, cũng chả tiếc được nữa, khiến một trăm lẻ tám người, lạc cả vào Bến Nước. Hỡi ôi! Những tài điệu kia, đều tài điệu của triều đình, những khí lực kia, đều khí lực cho chiến trận, đã phải bất đắc dĩ sa vào Bến Nước (Thủy Hử),đó là lỗi tại ai? ? ?

Chủ đề về Sử Tiến hồi này, cốt tìm tới chốn Lão Trung quan Tướng Công Kinh Lược, để hỏi thăm sư phụ Vương Tiến, chợt đâu biến thể, trật ra ngoài nơi Lão Trung Kinh Lược Tướng Công, mà chuyển sang chốn Tiểu Trung Kinh Lược Tướng Công, ngoài sự tìm sư phụ Vương Tiến, lại hóa hiện ra một sư phụ Lý Trung, đọc đến đây thấy như bức mây đỏ trên vòm trời biến hiện muôn hình vạn trạng, chả phải cứ nhìn theo một con mắt, mà để nhận ra đâu.

Tả cái chỗ làm người của Lỗ Đạt, một bầu máu nóng phát ra, càng thẹn cho những kẻ thư sinh ăn bám của người, chưa dám thò tay liều giúp ai một việc. Đức Khổng Tử nói:Đọc Kinh Thi có thể nổi lên, thì ta với các Tỳ quan, cũng thấy hay lắm vậy!

Đánh chết Trịnh Đồ, thực vội vàng lắm thay, chỉ thêm vào từng chỗ tên tiểu nhị báo tin, làm cho sốt ruột, thấy một lần đầu tiểu nhị nói ra, lần thứ hai ngoài tiểu nhị ra, lại thêm sự mua thịt nữa, lần thứ ba lại thêm ra những kẻ đi đường ... Không ngờ tình văn như lụa, tình sự lại như gương, khiến ta muốn vạch ra mà xem tới trong lòng vậy.

( Còn tiếp )
 
T k thích ông Tống Công Minh,thông minh đâu k thấy đủ,tự nhiên chiêu an đi phục vụ lão hàng thượng chỉ thích nịnh nọt.Hết phim chỉ còn vài ba anh hùng sống sót.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top