Truyền thông hiện đại làm hỏng tình bạn đẹp?

Giao Su Vọc

New member
Xu
0
Ngày nay, ngay cả “tám” trên điện thoại di động hay thư điện tử cũng đã trở nên lạc hậu. Đối với bọn trẻ, tình bạn được cho đi và nhận lại dường như chỉ thông qua những mẩu tin nhắn viết tắt trên điện thoại di động và cửa sổ chat.

"Ê, cậu là đồ dở hơi," cô gái nói và cười tủm tỉm. "Tớ chỉ muốn cậu biết thế thôi."

"Cảm ơn!" Cậu thanh niên đáp lời.

"Đùa đấy," cô gái lại mỉm cười lần nữa. "Cậu chỉ hơi hâm hâm một tẹo... thỉnh thoảng, cậu vẫn rất bình thường."

Cả hai cùng cười phá lên.

"Mai gặp lại nhé," cậu thanh niên nói.

"Uh, mai," cô gái tiếp.

Đó là một cuộc trao đổi khá điển hình của lứa tuổi mới lớn mà các thế hệ khác cũng chẳng lạ lẫm gì. Chỉ trừ một điều là nó diễn ra trên Facebook. Cười tủm tỉm là dấu hai chấm và ngoặc đơn còn cười phá lên thì là "ha ha".

Trẻ con trước đây thường nói chuyện thực sự với bạn mình. Chúng có thể dành hàng giờ buôn dưa lê trên điện thoại hoặc la cà cùng nhau sau giờ học. Nhưng cái thời đó đã qua lâu rồi.

Ngày nay, ngay cả "tám" trên điện thoại di động hay thư điện tử cũng đã trở thành lạc hậu. Đối với bọn trẻ, tình bạn được cho đi và nhận lại dường như chỉ thông qua những mẩu tin nhắn viết tắt trên điện thoại di động và cửa sổ chat, hoặc trên những diễn đàn công cộng nhưFacebook hay MySpace.


ResizedImage250149-11712-02BESTCA0-articleLarge.jpg


Đối mặt với Facebook, John Shumaker, 17 tuổi ở (Ảnh: NYT)
Lafayette, California

Chỉ chịu rời thiết bị cầm tay khi đi ngủ

Tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng một nửa trẻ em ở Mỹ trong lứa tuổi từ 12 đến 17 thường gửi ít nhất 50 tin nhắn mỗi ngày và một phần ba trong số đó gửi nhiều hơn 100 tin mỗi ngày.

Hai phần ba những em thường gửi tin nhắn nói rằng chúng dùng điện thoại để nhắn tin cho bạn bè nhiều hơn là để gọi. 54% thừa nhận chúng nhắn tin cho bạn mình ít nhất một lần mỗi ngày nhưng chỉ có 33% khẳng định là thường xuyên nói chuyện trực tiếp với bạn bè.

Những kết quả trên được tìm thấy chỉ vài tháng sau khi Tổ chức Gia đình Kaiser báo cáo rằng trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 8 đến 18 dành ra trung bình 7 ½ giờ mỗi ngày cho các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy chơi MP3, máy tính... Con số này khiến nhiều người lớn kinh ngạc, ngay cả những người không bao giờ chịu rời chiếc BlackBerry của mình nửa bước trừ khi đi ngủ.

Cho đến nay, phần lớn các mối lo ngại liên quan đến sử dụng công nghệ đều xoay quanh việc phát triển trí tuệ cho trẻ. Ngoài ra còn có những trăn trở về mặt xã hội tập trung vào mặt trái của thế giới ảo như đe dọa qua mạng hay tin nhắn quấy rối tính dục.

Công nghệ làm thay đổi tình bạn của bọn trẻ?

Tuy nhiên các nhà tâm lý học và nhiều chuyên gia khác đã bắt đầu nhận ra một hiện tượng ít gây chú ý hơn nhưng có ảnh hưởng sâu sắc hơn, đó là: liệu công nghệ có làm thay đổi cốt lõi của tình bạn giữa những đưa trẻ?

Jeffrey G. Parker, giáo sư khoa thần kinh trường Đại học Alabama phát biểu:" Nói chung, những lo ngại về các hiện tượng đe dọa trên mạng và tin nhắn quấy rối đã che lấp mối quan tâm về việc công nghệ đang ảnh hưởng thế nào đến sự gần gũi trong tình bạn."

Câu hỏi đặt ra giữa các nhà nghiên cứu là liệu tin nhắn, phòng chat và mạng xã hội có kết nối giới trẻ nhiều hơn và cho chép chúng giúp đỡ nhau tốt hơn - hay còn làm cho chúng thêm xa cách do thiếu đi sự thân mật và sự trao nhận tình cảm chỉ có được khi trẻ trực tiếp đối mặt với nhau?

Vẫn còn quá sớm để nói về câu trả lời, song các nhà tâm lý học Kaveri Subrahmanyam và Patricia M. Greenfield tại trường Đại học quốc gia California và trường Đại học California tại L.A đã lưu ý rằng: "Những bằng chứng định lượng ban đầu cho thấy việc giao tiếp trên các phương tiện điện tử khiến cho trẻ mất đi hứng thú với các cuộc nói chuyện trực tiếp cùng bạn bè. Cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu xem hiện tượng này đã lan rộng tới đâu và nó ảnh hưởng thế nào đến tình bạn của trẻ."

Những người nghiên cứu về các mối quan hệ đều cho rằng đây là một câu hỏi quan trọng, bởi vì tình bạn thân thiết thuở nhỏ chính là nền tảng giúp trẻ xây dựng lòng tin vào con người và vun đắp các mối quan hệ lành mạnh khi trưởng thành.

ResizedImage443295-11712-02best-2-popup.jpg


Andy Wilson, 11 tuổi, trái và anh trai Evan, 14 tuổi đang truy cập Facebook
trong ngôi nhà cây chúng ở Atlanta. Ảnh: NYT




Giáo sư Parker khẳng định: "Chúng ta không thể để trẻ mất đi những mối quan hệ gần gũi và thân thương này. Đây là những yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển sự cân bằng trong tâm lý, trải nghiệm các cảm giác, và thể hiện tình cảm... chuẩn bị cho các mối quan hệ trưởng thành sau này."

Lori Evans, nhà tâm lý học tại Trung Tâm Nghiên Cứu Trẻ Em, trường Đại học New York, phát biểu:" Đây là những điều mà chúng ta vẫn thường bàn đến. Nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đủ lớn để khẳng định những điều mà chúng ta quan sát được là đúng."

Evans cũng như rất nhiều những người làm việc với trẻ em khác đều nhận thấy các cuộc chuyện trò trong giới trẻ hiện nay đã trở nên hời hợt và công khai hơn trong quá khứ. "Khi còn nhỏ chúng ta thường buôn cháo điện thoại với bạn bè nhiều giờ liền. Ngày nay, các cuộc trao đổi chủ yếu diễn ra trong phòng chat chung trên mạng."

Không giống như cha mẹ mình trước đây thường có bạn thân tri kỷ để kể cho nhau nghe hết mọi bí mật, giới trẻ ngày nay không được trải nghiệm những mối quan hệ giúp chúng phát triển lòng cảm thông, sự thấu hiểu và cách nhận biết các tín hiệu giao tiếp như nét mặt, cử chỉ.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cùng với đà phát triển của công nghệ, ngay cả những đứa trẻ mẫu giáo rồi cũng chơi với nhau bằng laptop, thế giới quan của chúng cuối cùng sẽ được định hình lại và những kĩ năng kết bạn bên ngoài sẽ mất dần đi.

Theo Gary Small, giáo sư thần kinh học tại Đại học California LA: "Lớp trẻ ngày nay giỏi công nghệ hơn nhưng kĩ năng giao tiếp trực tiếp thì lại kém đi."

Tranh cãi

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu về tình bạn khác lại tranh cãi rằng công nghệ đang mang trẻ em lại gần nhau hơn. Elizabeth Hartley-Brewer, tác giả của cuốn sách Thấu hiểu và nuôi dưỡng tình bạn của trẻ tin rằng công nghệ cho phép trẻ kết nối với bạn bè mọi lúc và mọi nơi. "Tôi cho rằng không có gì sai khi nói truyền thông điện tử đang giúp trẻ em kết nối với nhau nhiều hơn bao giờ hết."

Một số bậc phụ huynh cũng đồng tình như vậy. Beth Cafferty, giáo viên tiếng Tây Ban Nha tại một trường trung học ở Hasbrouck Heights, N.J., ước tính rằng đứa con gái 15 tuổi của cô gửi đi hàng trăm tin nhắn một ngày. "Tôi thực sự nghĩ rằng chúng trở nên thân thiết hơn bởi vì chúng có thể liên lạc với nhau nhiều hơn - khi có bất cứ ý nghĩ nào lóe lên trong đầu, chúng lập tức nhắn tin để kể cho nhau nghe."

Nhưng Laura Shumaker, mẹ của 3 cậu con trai ở vùng ngoại ô Bay Area, nhận thấy rằng gần đây John - cậu con trai 17 tuổi của bà "mải đeo đuổi bạn bè trên Facebook nhiều đến nỗi trở nên lãnh đạm và khó tính khi tiếp xúc với mọi người bên ngoài."

Mới đây khi đến ngày sinh nhật một người bạn của John, Shumaker hỏi cậu:"Thật tuyệt, con có định gọi cho bạn và chúc mừng không?" John trả lời:"Không, con sẽ viết lên tường của cậu ấy" - chính là bảng tin trên Facebook mà ở đó bạn bè có thể gửi các tin nhắn và người khác có thể nhìn thấy. Shumaker nói rằng từ đó bà đã khuyến khích John tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa hơn và rất vui khi thấy cậu gia nhập câu lạc bộ ca hát gần đây.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng tính chất khách quan của tin nhắn hay giao tiếp trên mạng có thể khiến cho những đứa trẻ nhút nhát dễ dàng kết nối với người khác hơn. Robert Wilson ở Atlanta có hai cậu con trai là Andy, 11 tuổi học lớp 6 và Evan, 14 tuổi. Trái với Andy yêu thể thao và năng nổ trong các hoạt động xã hội, Evan lại là một cậu bé hay thẹn thùng và hướng nội. Sau khi thấy Andy kết nối với rất nhiều bạn bè trên Facebook, Wilson đề nghị Evan thử đăng ký một tài khoản trên trang web này. Vài ngày sau đó ông đã rất hài lòng khi thấy Evan ngồi chat với một cô bạn học cùng trường cũ.

"Tôi cho rằng Facebook đem lại nhiều lợi ích cho các con của tôi," Wilson chia sẻ." Đối với Evan, lý do số 1 chính là nó đã giúp thằng bé bước ra khỏi vỏ ốc của mình và bắt đầu phát triển các kĩ năng xã hội. Trước đây thằng bé quá nhút nhát, tôi không thể chỉ đẩy vai nó và bảo 'Hãy ra ngoài và gặp gỡ ai đó.'"


Tác giả: Vân Anh (Theo NYT)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top