Chia Sẻ Truyện ngắn "Bạn Lộc" và Con sáo của Hoàn

Trang Dimple

New member
Xu
38
Các bạn lớp tôi thường gọi Lộc là “Lộc còi” vì Lộc bé lắm, mười một tuổi mà bằng đứa chín tuổi. Hẳn vì “còi” nên Lộc có vẻ yếu, thường hôm nào học năm tiết, tiết học hát cuối cùng là Lộc hát chẳng ra hơi, có khi cứ dựa vào tập thể mà Lộc chỉ lí nhí hoặc mấp máy mồm hát theo thôi. Người ta bảo thể lực yếu thì thường học kém, thế mà Lộc học chẳng kém. Còn tôi, trông tôi có vẻ cao lớn hơn Lộc thì học lại chẳng giỏi giang gì. Tôi kém nhất là môn toán. Cô giáo phân công Lộc giúp đỡ tôi về môn này. Không hiểu sao, mỗi lần giúp tôi học, Lộc thích đến nhà tôi hơn là tôi đến nhà Lộc. Nói cho đúng thì từ đầu năm học, tôi chưa đến nhà Lộc lần nào. Tính Lộc rủ rỉ ít nói. Mẹ tôi rất mến Lộc. Mẹ thường hay nêu Lộc để làm gương cho tôi. Mẹ làm tôi lắm khi tự ái. Mẹ nói là Lộc bé mà học giỏi, chăm, ngoan, lại nền nếp cẩn thận… Có thể những điều trên mẹ tôi nói đúng, nhưng riêng cái điểm cẩn thận thì tôi không chịu. Tôi nghĩ rằng Lộc “ki bo” thì có. Cả lớp tôi chúng nó đều nhận xét thế. Lộc có cái cặp sách đã cũ mà cứ quý như vàng, không bao giờ vứt cặp xuống đất, không bao giờ dám ngồi lên cặp. Có cái bút máy Trường Sơn nét đã to bè, thế mà cứ viết viết cất cất chi chút, chỉ dám viết cái bút ấy vào những buổi kiểm tra bài, còn ngày thường thì Lộc viết bút chấm mực. Có một số bạn trong lớp hay trêu Lộc là “Lộc ki”, “Lộc cộc đuôi”… Mỗi lần như vậy Lộc chỉ mỉm cười hiền lành. Khi nào tức quá thì Lộc tách khỏi chúng tôi, đi lùi lũi một mình.

Một hôm, tôi tự giải một bài toán ở nhà không sao giải được. Tôi tìm đến nhà Lộc trước giờ đến lớp buổi chiều. Vừa bước vào nhà, tôi trông thấy một người đàn ông tóc đã đốm bạc đang ngồi loay hoay giữa một đống dép nhựa ở góc nhà. Tôi đoán là bố Lộc:

- Cháu chào bác… Bạn Lộc có nhà không ạ?

Người đàn ông ngửng lên nhìn về phía tôi, tôi chợt nhận ra trong hai con ngươi của bác có hai đốm trắng nhỏ. Bác lên tiếng gọi:

- Lộc ơi, có bạn con đến này.

Lộc từ máy nước chạy vào, hai ống tay áo còn ướt sũng:

- A, Hoàng! Sao đến sớm thế, còn lâu mới tới giờ học.

- Biết rồi. Tớ muốn hỏi cậu một bài toán.

- Chờ tớ một tí nhé.

Nói rồi Lộc chạy ra chỗ máy nước.

- Cái thằng Lộc nhà bác nó mến cháu lắm đấy. – Chắc sợ tôi chán vì phải chờ Lộc nên bố Lộc chuyện trò với tôi. – Cháu ở phố Nguyễn Đình Chiểu phải không?

- Vâng.

- Đấy, cháu thấy chưa. Bác chưa đến nhà cháu bao giờ mà đã biết rõ cháu ở đâu, còn biết cả mẹ cháu làm ở nhà máy dệt kia. Thằng Lộc nó nói rất nhiều về cháu với bác.

Vừa lúc đó Lộc chạy vào:

- Con giặt xong rồi bố ạ. – Rồi Lộc quay sang tôi: – Nào bây giờ chúng mình học.

Lộc giảng giải cho tôi cách giải bài toán một cách dễ dàng và đơn giản đến mức tôi cảm thấy như đáng lẽ ra chính tôi cũng giải được như thế. Chẳng qua tôi lơ đãng một chút thôi.

Khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa, Lộc còn quay lại dặn bố:

- Mướp con gọt rồi. Quần áo bố, con phơi trên sân thượng, nếu mưa bố để ý cất hộ con. Thôi, chúng con đi học đây.

- Được rồi, các con cứ đi đi.

Ra tới đường, tôi nói với Lộc:

- Ở nhà tớ, mẹ tớ giặt hết. Tớ chả bao giờ phải giặt. Sao mẹ cậu không giặt cho cậu à?

- Mẹ tớ chết lâu rồi. Mà cậu thấy đấy: bố tớ thì sắp bị loà. Bác sĩ bảo là bị “đục thuỷ tinh thể”. Trước kia, bố tớ cũng là thợ tiện đấy chứ. Bây giờ thì nghỉ ở nhà, sửa dép cho hợp tác xã. Buổi tối về, tớ cũng phải làm thêm giúp bố. Tớ đang lo bố tớ mà mù hẳn thì tớ sẽ sống ra sao. Chắc chả tiếp tục học được nữa.

- Bố cậu sẽ khỏi thôi. – Thấy Lộc có vẻ lo lắng, tôi an ủi Lộc. – Mẹ tớ bảo ở Viện mắt bây giờ người ta giỏi lắm, chữa ối người đã mù hẳn thành người sáng.

- Ừ, tớ cũng nghe nói thế.

Nói vậy nhưng hình như Lộc chưa tin chắc vào điều đó. Lộc vẫn có vẻ lo buồn lắm. Tôi thấy thương yêu Lộc hơn từ hôm ấy và tôi đã hiểu được mọi điều tôi nghĩ chưa đúng về Lộc. Chúng tôi gắn bó với nhau, chú ý giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Cuối học kỳ hai, Lộc báo cho tôi một tin chả vui gì:

- Bố tớ sắp mù hẳn rồi, Viện mắt người ta bảo phải mổ mới khỏi. Mấy hôm nữa bố tớ vào viện. Tớ phải làm thay cả phần việc của bố ở nhà để kiếm sống, lại còn phải chăm sóc bố nữa chứ. Chắc tớ chả tiếp tục học được nữa. – Lộc giúi vào tay tôi cái bút Trường Sơn: – Cậu cầm lấy cái này mà dùng, tớ giữ mà không dùng nó phí đi!

Lúc này giọng Lộc đã run run, không còn bình tĩnh như trước. Tôi nắm chặt tay Lộc và nói:

- Cậu cứ giữ lấy cái bút này. Cậu cần phải tiếp tục học. Tớ sẽ giúp cậu trong thời gian bố cậu vào viện. Sau giờ học ở trường, tớ sẽ về nhà cậu, chúng mình cùng học, cùng làm. Vả lại cái việc sửa dép cũng dễ thôi, cậu bảo tớ vài lần là tớ làm được. Mẹ tớ sẽ rất vui lòng nếu như tớ giúp được cậu. Mẹ tớ quý và thương cậu lắm.

Hôm sau, cuối buổi học, Lộc cứ nài nỉ tôi sẽ qua về nhà Lộc một chút vì bố Lộc muốn gặp tôi. Khi tôi tới nơi, bác đã đứng chờ sẵn ở cửa. Tôi vừa chào bác, bác đã kéo tôi lại gần, ôm choàng lấy tôi, bác nói:

- Lộc nó đã nói hết với bác rồi. Cháu ngoan quá, tốt quá. Cháu học cùng lớp với em. Bác mong cháu che chở giúp đỡ nó. Khổ thân, nó bé bỏng và yếu đuối lắm!

Tôi nhìn hai giọt nước mắt lăn từ đôi mắt mờ đục của bác. Tôi nghẹn ngào nín lặng không nói được câu gì.

Nguồn: Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 2005
 
Đã từ lâu, Hoàn ao ước có một con chim sáo. Một con sáo chân chì, mỏ vàng, lông đen nhánh. Em sẽ bắt châu chấu, mua chuối chín cho sáo ăn, dạy sáo hót tiếng người, sáo sẽ biết chào mỗi khi mẹ Hoàn đi làm về… Hoàn đã có sẵn chiếc lồng rất đẹp, vót toàn bằng cật tre, sẵn cả một chiếc chén gốm xinh xắn để đựng nước cho sáo uống. Hoàn mê sáo đến nỗi đêm ngủ em cũng mê thấy chú sáo của em đập cánh hót lảnh lót bên tai…

Bố đã hứa: chủ nhật tới sẽ đưa Hoàn lên nhà một người bán chim ở Nghi Tàm, mua cho em con sáo nào đẹp nhất mà em thích.

Hoàn sốt ruột đếm từng ngày: thứ hai, thứ ba, thứ tư… mỗi ngày sao dài dằng dặc. Thứ sáu, thứ bảy, dường như vô tận. Đến thứ bảy, trời mưa to. Hoàn nằm khó ngủ, lo nếu mai vẫn mưa, việc đi mua sáo sẽ bị bố hoãn lại. Đến khuya, Hoàn ngủ thiếp đi. Khi em tỉnh dậy, trời đã sáng bạch. Ngoài cửa sổ, ánh sáng chói chang. Hoàn nhảy khỏi giường, gọi váng lên:

- Bố ơi, muộn rồi! Đi mua sáo đi bố ơi!

Thế mà bố lại chẳng đi ngay, bố còn phơi quần áo cho mẹ, hí hoáy vặn lại cái yên xe đạp. Rồi bác hàng xóm lại sang chơi, hai người uống trà, nói chuyện gì có vẻ vui vẻ say sưa lắm. Hoàn đứng ngoài cửa, sốt ruột đến phát điên: thế này thì biết bao giờ mới đi mua sáo được?

Nhưng rồi, cái giờ phút mong mỏi bao lâu ấy cũng phải đến, ông khách ra về. Bố lấy xe đạp, gọi Hoàn:

- Nào, ta đi con!

Hoàn xách cái lồng chim chạy như bay ra. Bây giờ thì không thể nào thoát được nữa, nhất định hôm nay Hoàn sẽ có một chú sáo xinh đẹp trong cái lồng này!

Nhà người bán chim ở cuối một cái ngõ sâu rợp mát. Hoàn như lạc vào một thế giới của chim. Vô số lồng chim treo dọc hiên, dưới bao cành cao cành thấp trong vườn. Mấy cái lồng bằng lưới kẽm to như mấy cái phòng con đặt dưới đất. Những chú hoàng yến lông vàng óng, bạch yến lông trắng muốt, cả một chú yến lửa đỏ rực, mắt, mỏ và chân cũng đỏ như lửa. Nghe đâu giống yến này ở mãi tận những hòn đảo ở bên kia Philippin xa xôi. Hoạ mi to nhỏ thi nhau hót, hàng trăm con chào mào, ri đá, sẻ đồng mới bẫy về kêu loạn xạ, lông tơ rụng bay lả tả, những đôi uyên ương hiền hậu mơ màng, chụm đầu vào nhau, lông ức óng ánh sắc cầu vồng. Rất nhiều vẹt đậu trên xà gỗ, chân buộc những sợi xích sắt nhỏ xíu. Những con vẹt lộng lẫy kêu khàn khàn the thé, nửa như cãi cọ, nửa như càu nhàu nhiếc móc. Hoàn giật bắn người, có ai giật tóc em: một chú vẹt to, mỏ khoằm, gườm gườm nhìn vào mặt em bằng con mắt nghiêm khắc.

Người bán chim vồn vã mời hai bố con Hoàn vào nhà. Ông xoa tay:

- Bác với em cứ xem cho khắp lượt. Muốn chọn con nào tuỳ thích.

Hoàn lặng người vì say mê. Hai bố con đi giữa dãy lồng chim đủ loại. Ông bán chim nhanh nhảu đi bên cạnh. Trông ông cũng hơi giống một bác chim già với mái tóc hói trụi ở đỉnh đầu, những sợi tóc xám dựng ngược, đôi mắt tròn xoe, cái miệng nhọn luôn chúm lại huýt sáo. Một sợi lông chim dính ở lông mày ông. Cái áo dạ vàng mà ông mặc cũng vương đầy hạt trấu mà chim nhằn ra, lấm tấm những vệt cứt chim trắng mốc.

- Sáo đâu ạ? Hoàn hỏi.

Ông chủ đưa em ra chái nhà. Chao ôi, ngỡ như mơ: bao nhiêu là chim sáo trong hàng chục cái lồng. Con nào cũng đẹp, con nào Hoàn cũng thích. Bố chỉ con này, Hoàn lại thấy một con khác hay hơn. Sau cùng ông chủ bắt cho Hoàn một chú sáo sậu còn non nhưng đẹp tuyệt. Bộ lông mượt mà đen nhấp nhánh, những chấm trắng nổi bật ở cổ, ở chân, đỏm dáng như thắt nơ và đi tất trắng. Cái mỏ vàng óng ánh, đôi mắt nhỏ trong veo, cái đầu ngẩng cao vừa kiêu hãnh vừa thơ dại. Ông bán chim bảo: con sáo này ông mới bẫy được hôm qua, trên ngọn đa cạnh hồ. Đúng là con sáo Hoàn ao ước! Ngực em đập mạnh, môi se lại, không nói được lời nào nữa. Em ôm chặt cái lồng có con sáo vào ngực.

Hai bố con chào ông bán chim ra về. Tới cửa, bỗng nghe tiếng chim kêu cuống quýt. Một con sáo từ cao lao xuống, sà quanh Hoàn và cái lồng, nó hót nấc lên, sợ hãi và giận dữ bay quanh người Hoàn.

- Gì thế?

- Con chim mẹ, nó thấy con nó bị mang đi. Không sao cả, cháu cứ về đi!

Hai bố con lên xe. Hoàn vui sướng ôm lồng sáo ngồi sau. Con sáo mẹ vẫn bay theo, chốc chốc lại liệng xuống sát đầu Hoàn. Con sáo trong lồng cũng nhận ra mẹ. Nó hối hả kêu rối rít, nhảy lên đập cánh loạn xạ. Cái lồng run lật đật dưới tay Hoàn. Em cúi xuống, dỗ dành chú sáo non:

- Sáo à! Đừng sợ! Đừng theo mẹ nữa! Sáo về với anh thích lắm! Sáo muốn gì cũng được. Đừng theo mẹ nữa mà!

Mặc những lời âu yếm của Hoàn, con sáo con vẫn nghển cổ kêu tìm mẹ. Hoàn lo âu nhìn lên: xe đạp đi nhanh, con sáo mẹ vẫn bay theo, có quãng đông người sáo mẹ bay lên, chuyển từ cây này sang cây khác, nhưng không lúc nào rời chiếc xe đạp có lồng sáo con.

Dỗ dành mãi không được, Hoàn im lặng bần thần. Con sáo con cố chui cánh ra khỏi lồng, cái đầu bé bỏng của nó đập mạnh vào những nan cứng, vài sợi lông rụng xuống vạt áo Hoàn.

Tới gần nhà, bố đỗ xe lại, hai bố con đi bộ vào ngõ. Dường như biết rằng sắp đến lúc phải xa hẳn con, sáo mẹ tuyệt vọng kêu lạc cả tiếng. Quên cả sợ, nó sà xuống đập phải chiếc xe đạp, lao xuống đất, cánh đập tung bụi cát. Sáo con vặn mình, cái mỏ vàng há ra run rẩy. Hoàn đứng im, đầu cúi xuống.

- Thế nào, ta vào nhà chứ! – Bố nhắc khẽ.

Hoàn cứ đứng lạng như thế mãi, rồi rụt rè nói:

- Bố ạ, hay là… hay là… ta thả con sáo ra…

- Con nói sao? – Bố ngạc nhiên. – Thả con sáo ra ư?

- Vâng. – Hoàn nói một cách khó nhọc. – Thả nó ra, kẻo tội bố ạ.

Im lặng một lát, em thở dài:

- Phải xa mẹ, nó chết mất…

Bố ngồi xuống, đặt hai tay vào má Hoàn, nâng mặt em lên, nhìn lâu vào mắt em, bố hỏi:

- Con đã nghĩ kỹ chưa?

- Nghĩ kỹ rồi ạ.

- Thế thì con tự tay mở lồng cho sáo ra đi!

Hoàn cắn môi. Em nhìn lại con sáo yêu quý của em, rồi, như đã quyết, em quay mặt đi, đưa tay nhấc cái cửa lồng. Con sáo nhỏ lùi lại, ngơ ngác, rồi vội vã bay vút ra như một viên đạn. Con sáo mẹ lao đến, hai mẹ con bay chấp chới, quấn quýt rồi đậu lên một cành xoan cao. Sáo mẹ rối rít xỉa lông cho con, hai cái mỏ vàng lấp lánh dưới mặt trời.

Hoàn lặng lẽ nhìn lên. Em vẫn còn bàng hoàng, mắt nheo lại vì chói nắng.

Hai mẹ con con sáo đã chuyển lên ngọn bàng, bay về phía những rặng sấu cao. Hai chấm đen nhỏ khuất hẳn vào những vòm lá cây rực rỡ ánh sáng.

Như hiểu rằng không thể đứng mãi ở đây được, Hoàn bảo bố:

- Về thôi bố ạ.

Bố em cúi xuống, xách cái lồng chim rỗng không. Hai bố con đi vào nhà. Bàn tay to lớn của bố nắm chặt bàn tay bé nhỏ của Hoàn.


Nguồn: Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 2005
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top