• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Truyện Kiều qua các thời đại

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

--- không rõ tác giả ---



Truyện Kiều ra đời đã được chừng một trăm tám mươi năm (1). Những ý kiến phát biểu về Truyện Kiều nhiều không kể xiết. Bài này chỉ điểm qua một số thơ văn khen chê Truyện Kiều viết trước Cách mạng Tháng Tám.

Tương truyền khi sáng tác xong Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), Nguyễn Du đưa bản thảo cho người bạn văn chương tri kỷ của mình là Phạm Quý Thích xem. Phạm rất tán thưởng, nhuận sắc lại một vài chỗ, đổi tên sách thành Kim Vân Kiều tân truyện, làm bài thơ ề từ, rồi cho đem khắc ván in ở phố Hàng Gai, Hà Nội.

Bài thơ đề từ ấy, sau này được khắc lên đầu tất cả các bản Kiều nôm, và hơn một trăm năm sau được in lại nguyên văn trên bản Kiều quốc ngữ của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Vĩnh Hưng Long xuất bản năm 1925:

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bản thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc
Băng tâm tự khả đối Kim lang
Đoạn trường mộng tỉnh căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương


Dịch nghĩa:

Người giai nhân (Kiều) ví chẳng đến sông Tiền Đường (thì) cái nợ yên hoa nửa đời vẫn chưa trả xong. Nét mặt ngọc của nàng sao lại phải vùi xuống dưới nước; tấm lòng trong sạch của nàng lúc nào cũng không thẹn với chàng Kim. Giấc mộng đoạn trường khi đã tỉnh ra thì cái căn duyên cũng đã giũ sạch; tiếng đàn bạc mệnh tuy đã hết khúc mà nỗi oán hận vẫn còn dài. (Thế mới hay) một mảnh tài tình là cái lụy chung muôn đời. (Vậy thì) quyển Tân thanh này cốt để thương xót ai? (2)

Bài thơ trên đây là bài thơ vịnh Kiều đầu tiên, cũng là bài tựa Truyện Kiều đầu tiên.

Ngày từ khi ra đời, Truyện Kiều đã được dùng làm đề tài cho một trào lưu văn nghệ cung đình. Ngoài bài thơ đề từ của Phạm Quý Thích còn có những lời bình luận của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng, bài tổng thuyết của Minh Mệnh, 30 bài thơ đề vịnh của Hà Tông Quyền, tập Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng, bài tổng từ của Tự Đức...

Nhưng đánh giá cao nhất Truyện Kiều lại là một bài tựa Truyện Kiều, bài của Tiên Phong Mộng liên đường (3) viết vào cuối thời Minh Mệnh.

Mộng liên đường hết sức đề cao tầm nhìn của Nguyễn Du, hết lời ca ngợi tấm lòng của Nguyễn Du: "Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõ, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có các bút lực ấy (4). Có thể nói Mộng liên đường đã khám phá được tâm sự của Nguyễn Du vậy.

Mộng liên đường cũng hết lời ca ngợi thiên tài nghệ thuật của Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều "Dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột". (5)

Cuối thế kỷ XIX, với bài tựa Đoạn trường tân thanh viết năm 1898, Đào Nguyên Thổ cũng hết sức đề cao thiên tài Nguyễn Du và nêu tác dụng kỳ diệu của Truyện Kiều:

(Truyện Kiều) "Nói tình thì vẽ được hình trạng hợp ly cam khổ, mà tình không rời cảnh, tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa mà cảnh tự vướng mình, mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói, khiến người khóc, khiến người vui, khiến người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc lại càng không biết chán, thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng. Ngày nay nào khách văn chương, bạn thoa quần, cho đến kẻ buôn bán, người thôn hào, không ai là không có một quyển Kiều cầm tay để thưởng thức. Ngay như cả những người không biết lấy một chữ mà cũng học thuộc dăm câu, cũng thường khi nằm khi ngồi đem ra ngâm ngợi. Ôi! Sao mà lại có thứ văn làm say người đến thế!..." (6)

Thật đúng! Biết bao nhiêu người đã mê Truyện Kiều. Ngay Tự Đức tuy rất bất bình khi đọc những câu ca ngợi "tên giặc" Từ Hải (7) cũng phải nói:

Mê gì? - Mê đánh tổ tôm
Mê ngựa hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều


Nhưng mê Truyện Kiều thì không ai bằng Chu Mạnh Trinh. Chu Mạnh Trinh không chỉ mê Truyện Kiều, mê văn chương Truyện Kiều, mà chính là mê cả nàng Kiều, y như mê một giai nhân có thật.

Chu Mạnh Trinh ca ngợi đạo đức Thúy Kiều là "Người thục nữ đủ đường hiếu nghĩa", ca ngợi tài sắc Thúy Kiều "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh, vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu trăn măm cũ còn ghi tên tuổi hão, người chép sách tiếc vì tài sắc, ngàn thu sau còn nhặt chút phấn hương thừa". Chu Mạnh Trinh mơ tưởng sẽ dựng một ngôi nhà vàng cho Kiều, mơ tưởng mượn cỏ thơm gọi hồn Kiều về, rồi như thấy bóng Kiều hiện về đâu đó: "Hỡi ơi! Hồn còn biết hay chăng? Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc Phố!" (8)

Mê Kiều không ai bằng Chu Mạnh Trinh thì bênh vực Kiều, Chu Mạnh Trinh cũng đã bênh vực một cách tài tình hơn ai hết. Để bênh vực cái việc Kiều tự tiện thề thốt với Kim, Chu Mạnh Trinh đã mượn ý hai câu thơ cổ (9) tả một cái vườn đóng kín với một cành hạnh đỏ vươn ra ngoài tường nở hoa. Hoa hạnh đã nở ngoài tường chỉ vì sắc xuân trong vườn đầy dẫy không sao giữ lại được. Kiều tự tình với Kim thì chẳng qua cũng như bông hạnh kia. Ai lại nỡ khe khắt với một cành hoa vươn ra nở ngoài tường, nhất là nó vẫn giữ được tiết sạch giá trong: "Cũng có kẻ bảo tại nước chảy mây trôi lỡ bước, nên cành đưa lá đón quen thân. Nào biết đâu bông hạnh nở ngoài tường chưa để con ong qua tới".

Nếu có nhiều người mê Truyện Kiều thì số người chê Thúy Kiều cũng không phải ít. Trong số những người ấy ta thường nhắc đến Nguyễn Công Trứ. Trong một bài hát nói, Nguyễn Công Trứ đã dõng dạc lên án Thúy Kiều:

Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!


Ai tà dâm? Người con gái phải bán mình chuộc cha hay người khách làng chơi đi tìm thú vui trụy lạc? Phong tình có tiếng như Nguyễn Công Trứ đáng lẽ nên dè dặt mới phải!

Tản Đà rất thích Truyện Kiều nhưng đối với nhân vật Thúy Kiều, nhà thơ mang một thành kiến nặng nề thể hiện trong bài Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến:

... Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan
Tổng đốc có thương người bạc phận
Tiền đường chưa chắc mả hồng nhan...


Thật là tàn nhẫn! Rõ ràng Tản Đà không thông cảm một chút nào với nỗi đau đớn của Thúy Kiều sau khi Từ Hải bị giết.

Chê Thúy Kiều không chỉ có Nguyễn Công Trứ, Tản Đà mà còn nhiều nhà nho nữa. Ngay trong thôn xóm ngày xưa cũng lưu hành lời lên án Truyện Kiều:

Đàn ông chở kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều
Nói về thân phận Thúy Kiều, sư Tam Hợp có câu:
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.


Có thể nói lịch sử Truyện Kiều cũng long đong như thế!

[...]

Đúng là tiếng thơ ấy, yêu thương như tiếng ru của mẹ, thân thiết như tiếng gọi của quê hương, nghìn năm sau sẽ còn vọng mãi.


-------------------------------------------------------------------

(1) Cho đến nay vẫn chưa biết đích xác năm ra đời của Truyện Kiều.
(2) Bản dịch trong quyển Truyện Kiều - Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích.
(3) Tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển, người huyện Tiên Du - Bắc Ninh (không rõ năm sinh và năm mất), đậu tú tài năm Minh Mệnh thứ 17, làm sử quán biên tu rồi tri phủ Thuận Thành (theo Lược truyện tác gia Việt Nam).
(4, 5) Theo bản dịch của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim.
(6) Theo bản dịch của Trần Lê Nhân.
(7) Tương truyền Tự Đức đòi đánh Nguyễn Du ba chục roi giá thử Nguyễn Du còn sống, vì Tự Đức không thể chịu được cái ngang tàng của Từ Hải.
(8) Thanh Tâm tài nhân thi tập tự Đoàn Tư Thuật dịch.
(9) Xuân sắc mãn viên quan bất trú
Nhất chi hồng hạnh xuất tương lai
(Sắc xuân đầy vườn đóng cửa không giữ được
Một cành hồng hạnh vươn ra ngoài tường).

Nguồn: Sưu Tập
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Trong bài trên có viết "Mộng liên đường hết sức đề cao tầm nhìn của Nguyễn Du, hết lời ca ngợi tấm lòng của Nguyễn Du"
Thứ nhất, tên Mộng Liên Đường là tên riêng phải viết hoa.
Thứ 2, trong các bài nghiên cứu về Nguyễn Du, đôi khi có dẫn ra lời trích nhận xét của Mộng Liên ĐƯờng, vậy Mộng Liên ĐƯờng là ai? Có quan hệ với Nguyễn Du như thế nào ?
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top