Truyện kí: Sao đổi ngôi

small star

Moderator
Xu
94
Gió bấc tiếp tục tràn về, nhưng mưa phùn đã dứt cơn. Mây màu chì đã lang thang về nơi vô định nào không rõ. Bầu trời sáng dần, xa xa lấp lánh những ánh sao. Tôi nhìn thấy bầu trời đang dần dần đầy sao, ở đó có một ngôi sao đổi ngôi

Một ngày đầu tháng Chạp, không trung như một chảo sữa màu chì. Lúc về chiều mây thêm dày đặc và thấp đến mức tưởng giơ tay lên là níu được bầu trời. Gió bấc thổi vi vút từng cơn. Mưa phùn rơi giăng giăng không ngừng hạt. Rét như cắt ruột.

Thời tiết xấu là thế, nhưng giữ đúng lời hẹn, tôi và Trường vẫn quyết tâm tìm đường đến thăm Chí, một bạn cũ cùng tổ ba người những ngày đầu nhập ngũ. Hai anh em xuống ôtô từ một điểm đỗ ngang đường thì trời đã sâm sẩm tối. Chúng tôi còn phải qua một con đò, một cánh đồng, một xóm trại áng chừng đường đến làng còn 5 – 6 km nữa.

Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, tôi bị đạn pháo địch “xẻo” mất một cánh tay, còn Trường thì bị mìn lá “xơi” mất một bàn chân. Hai đứa tựa vào nhau lom khom đi. Trong ký ức gợi lại bao kỷ niệm thời chiến tranh. Trước chuyến đi, chúng tôi chuẩn bị hành trang rất chu đáo, khoác lên người nào áo bông, áo len, áo mưa, khăn quàng cổ, mũ biên phòng, giầy cao cổ. Vậy mà vẫn run cầm cập. Có lẽ do tuổi đã ngả về già nó mới thế chăng?

Cánh đồng chúng tôi đi qua rộng hút chân trời, bà con nông dân vừa gặt xong vụ lúa mùa, chỉ còn trơ lại những cuống rạ trên mặt ruộng nẻ khô. Xen vào đó là những lô ruộng gieo đậu tương vụ đông đã mở hai, ba lá. Màu xanh của lá đậu tương non hoà vào màu hoàng hôn chiều đông ở miền quê khiến ta cảm giác có một cái gì đó vừa thiêng liêng, vừa huyền bí.

Nhìn về làng, thấy ngõ trên, xóm dưới đã lên đèn, ánh điện sáng như sao lấp lánh kéo dài. Tiếng loa truyền thanh phát đi những tin tức hoạt động trong ngày của làng vang vang trong thinh không, làm cho không khí chiều đông nông thôn thêm sôi động.

Đường về làng đang được cải tạo, nâng cấp. Mỗi bước đi thường vấp phải những tảng đất sét xắn từ đáy ao đắp lên mở rộng mặt đường. Hai bên vệ đường hiện dần những bóng đen thẫm của hàng cây xà cừ, phi lao, bạch đàn nên độ tối trên mặt đường như tăng lên.

Chúng tôi mải miết đi, chỉ mong chóng đến làng. Vượt qua đoạn đường vừa cày ủi nham nhở, Trường phải ngồi bóp chân. Tôi đứng làm điểm tựa cho anh đứng lên ngồi xuống. Bỗng thấy một bóng đen xuất hiện, đang đi ngược chiều. Với thói quen của lính trinh sát, Trường áp thấp xuống mặt đường để nghe và quan sát. Một lát, anh bấm tay vào vai tôi, nói nhỏ:

- Có người anh ạ.

Chưa kịp hỏi người đó đi đâu thì bóng đen đã xuất hiện ngay trước mặt, giọng thân thiện:

- Các bác đi đâu trong cảnh mưa phùn gió bấc, đường trơn, trời lại tối như bưng thế này?

Đoán chắc là người tốt, tôi trả lời:

- Chúng tôi tìm đường về làng Lai, thăm bạn.

- Cả vùng này chỉ có một làng tôi có tên gọi làng Lai. Các bác đã đến địa phận của làng rồi đấy. Ngưng một lát, bác ta hỏi lại:

- Hai bác đến thăm nhà ai?

- Nhà anh Chí.

- Ở đây có hai Chí. Chí Nụ là giáo viên nghỉ hưu. Chí Dũng là một thương binh hỏng mắt. Hai bác đến nhà Chí nào, tôi chỉ lối cho.

- Chúng tôi đến thăm Chí thương binh.

Nghe trả lời vậy, bác ta vỗ tay đánh đét:

- Ô! Thế thì may cho hai bác rồi. Hai bác đã hỏi đúng nơi, đúng chỗ đấy.

Chúng tôi ngạc nhiên về câu bác vừa nói và thực sự chưa biết bác ấy định nói gì. Như đoán được ý nghĩ của tôi, bác chậm rãi nói:

- Đây là khu vực trang trại của anh Chí. Anh thầu đất mở trang trại 5 – 6 năm nay rồi. Nhà “chủ trại” ở có bóng điện cao áp sáng rọi kia. Từ đây về đấy chỉ con cây số thôi. Hai bác đi đến gần cổng trại nhớ đánh tiếng trước để người nhà ra đón. Ở đấy có đàn chó nuôi giữ trại, chúng dữ lắm. Người lạ đến dễ bị nó vồ, cắn đấy.



Dặn dò chúng tôi những điều đáng quý như thế, chưa kịp tỏ lời cảm ơn thì bác cho biết có việc gia đình cần đi gấp, chào vội hai anh em tôi rồi rảo bước. Nhìn theo, bóng người chỉ giây lát hoà vào bóng đêm.

Gần đến trang trại, tôi đã nghe rõ hàng phi lao gió thổi rì rào. Nhìn vào, các ngôi nhà trang trại như đang ngủ say. Mặt của con đầm bao quanh khu nhà ở nước dậy sóng lao xao. Từng đàn thiêu thân soi mình trước bóng điện rơi xuống như đàn cá đến tranh mồi, bật lên những âm thành “ù oẵng” nghe thật vui tai.

Đến gần cổng trại, cả hai đồng thanh:

- Chí ơi! Chí ơi!

Tiếng gọi về đêm nơi đồng trống thường to và vọng đi xa, văng vẳng như có người bắt chước, gọi lại. Nghe tiếng người lạ, đàn chó trong trại sủa inh ỏi phá tan cảnh tĩnh mịch của đêm đông nơi điền dã.



Anh em chúng tôi nhìn Chí bây giờ, so với hồi ở trại thương binh thấy anh có sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Hồi ở trại thương binh, Chí thuộc loại “thấp bé nhẹ cân” nhất so với hai chúng tôi. Chí trước mặt chúng tôi đây có thể trẻ hơn 7, 8 tuổi so với độ tuổi 62 của mình. Anh mới sửa lại con mắt giả nên trông gần như mắt thật. Da dẻ hồng hào, bắp thịt săn chắc như một vận động viên. Anh nói:

- Lao động nơi đồng ruộng, lại đủ ăn, nó cho tôi cái sức khoẻ như thế này.

Ngoài kia trời đã tạnh mưa, nhưng chuyển sang rét ngọt. Cơm nước xong, chúng tôi ôm nhau ngủ chung một giường. Không đợi tôi và Trường hỏi chuyện gia đình vợ con như thế nào, anh đã hể hả ôn lại những khúc gian truân mà đời anh từng nếm trải. Chí nói:

- Tôi nhớ, lúc còn độ tuổi ấp vú mẹ, có lúc mẹ đi làm đồng về muộn, tôi đói sữa khóc ra rả. Chị dỗ mỏi miệng tôi chẳng chịu nín. Chị doạ: “Em cứ khóc thế này, ông ba bị chín quai, mười hai con mắt hay bắt trẻ con đến đây, ông bắt em ra để đứng ở đồng Ma cho khóc chán, không ai dám ra đấy mà dỗ em đâu”. Mặc dù mới hơn hai tuổi, chỉ nghe chị dọa thế, tôi đã sợ và nín thít. Chị thì tủm tỉm cười, còn tôi sợ phát khiếp. Không biết ông ba bị là ai, đồng Ma ở đâu. Lớn lên tôi mới biết, ông ba bị là ông ăn xin, còn đồng Ma chính là cánh đồng tôi đang làm trang trại đây.

- Sao lại gọi là đồng Ma nhỉ? Trường hỏi xen vào.

Câu hỏi gợi lại bao kỷ niệm còn in nguyên trong dạ, Chí không phải nghĩ lâu, đã kể:

- Đồng Ma là cánh đồng trũng nhất của làng, lại ở xa đến 3 – 4 cây số. Ngày xưa nó là ruộng riêng của hai nhà điền chủ giầu nhất nhì làng. Mỗi năm cánh đồng này chỉ cấy được một vụ, nhưng cũng chỉ ở chân ruộng quanh đầm thôi, năng suất lúa ngày xưa chỉ 40 – 50 kg/sào/vụ đã là khá lắm rồi. Nhiều năm gặt chưa xong, nước lũ tiểu mãn đã đổ về biến cánh đồng thành biển nước mênh mông. Các loại cỏ lăn, cỏ lác, cỏ nùng, cỏ bợ tha hồ ngoi lên. Dưới đầm thì cây sang, cây súng ken đầy. Cá tôm nhiều như đất, cua, ốc bám đầy lá sang, lá súng, chỉ cần đưa cái vợt ra mà xúc là được. Cái loại chim ăn nước như cò, diệc, giang, sếu, le le, bồ nông, vịt giời từng đàn về ăn; rắn, rái cá đến tìm mồi cũng lắm. Làng ở xa, người thời bấy giờ ít, chẳng mấy người đến đây làm gì nên cánh đồng vắng tanh, vắng ngắt. Có lẽ vì thế mà làng gọi là đồng Ma, gọi mãi thành tên đến bây giờ.

Cánh đồng này năm 1956 cải cách ruộng đất, làng lấy ra chia cho dân. Năm 1958, dân lại đưa vào hợp tác xã. Đến nay hiệu quả kinh tế không cao, hợp tác xã lại cho đấu thầu. Mục tiêu phấn đấu là làm ra 50 triệu đồng/ha/năm. Tôi đã tham gia đấu thầu và thắng thầu.

Chí ký hợp đồng làm trang trại này 20 năm, diện tích 20 ha, gồm đất làm màu 0,8 ha, ruộng cấy một vụ lúa 4 ha, còn lại là đầm lầy thả cá, trồng sen.

Anh kể chuyện thắng thầu phải lo ngày lo đêm. Nhớ lại quãng đời thơ nhỏ của mình, lên 10 tuổi anh đã theo bố ra đây ở đợ cho chủ ruộng. Sáng dắt trâu ra cho bố cày, còn anh đi cắt cỏ. Đủ cỏ cho trâu ăn bữa trưa thì đi mò cua đem về đóng thành xâu cho mẹ đi chợ bán, ron tiền lại hai ba ngày đem đong gạo. Cuộc đời cứ quẩn quanh như thế cho đến khi lớn lên đi bộ đội, đi chiến đấu, bị thương, điều trị, an dưỡng, về gia đình rồi lấy vợ, rồi sinh con, rồi chạy cho con ăn học chứ chưa quản lý một cơ ngơi lớn như thế này bao giờ. Vì vậy lo, lo lắm. Chuyện của ba anh em cứ thế rỉ rả mãi rồi thiếp đi lúc nào chẳng rõ nữa.



Suốt đêm gió bấc cứ tự do luồn vào, luồn ra nơi có ba chúng tôi đang ngủ ở giữa đồng không mông quạnh. Ngôi nhà cất lên trên nền cao của khu trang trại. Kết cấu nhà gồm gạch, xi măng, sắt thép, mái lợp tôn dày, nền lát gạch hoa.

Căn nhà vừa là “văn phòng” giao dịch, vừa là nơi ở của chủ trại. Ở đó có phòng khách, phòng nghỉ của những người đến làm công hàng ngày. Mỗi đợt gió mạnh cả mái nhà phát ra âm thanh đến lạ tai. Nằm bên Chí, tôi không ngủ được. Chí cùng tâm trạng, hai anh em lại dậy ra bàn ngồi uống nước, trò chuyện.

- Hồi mới ở trại thương binh về, anh gặp khó khăn gì nhất? Tôi chủ động hỏi.

- Đói. Nhà 5 khẩu ăn mà công điểm chỉ đủ trừ lao động xã hội, còn lại là điều hoà 13 kg thóc mỗi người một tháng. Đó là đối tượng thương binh như anh em mình mới được thế. Cái khó nữa là, mẹ thì già, hai con bé, vợ mắc bệnh mãn tính. Tất cả trông cậy vào đồng phụ cấp thương tật của tôi. Thời kỳ đó bí quá tôi phải tập chạy chợ buôn củ sắn, củ khoai, gánh giang kiếm đồng lãi chi dùng hàng ngày.

Tưởng Trường đã ngủ say, té ra anh cũng mơ màng. Thấy chúng tôi trò chuyện, Trưởng ra uống nước, ngồi cùng nghe chuyện.

Chúng tôi ngồi lặng yên nghe Chí kể, lắm đoạn đến phì cười. Đặc biệt là cảnh đi chợ chạy trốn thuế: Một lần đi chợ Ba Hàng Đồi, người ta bán nhiều giang, toàn là giang đẹp, lóng dài, tuổi bánh tẻ. Tết đến nơi rồi, anh nghĩ giang này mà bán cho dân chẻ làm lạt gói bánh chưng hẳn đắt như tôm tươi. Anh mua một gánh. Khi ngang đường mới biết qua Chợ Bến là phải nộp thuế. Trường “cậy thế” từng là lính trinh sát của bộ đội đặc công thời đánh Mỹ đã có lần qua vọng gác giặc giữa ban ngày mà còn đi lọt, thì nay ta với ta cả, sợ gì. Đến gần chợ Bến chờ lúc đông người qua lại, anh đi lẫn vào số đã kiểm tra và nộp thuế, nhưng anh nhanh trí biết người làm thuế phát hiện, anh gánh quay trở lại rẽ vào ngõ xóm gần trạm thuế, đem gửi vào nhà dân. Chờ tối khuya sẽ vượt qua trạm. Đến giờ định đi, anh ra chuẩn bị về thì gặp anh trạm trưởng trạm thuế về nhà ăn bữa tối. Thì ra nhà này là nhà anh trạm trưởng trạm thuế. Tình huống thật bất ngờ. Chí phân vân chưa biết xử trí ra sao thì anh trạm trưởng trạm thuế đã tươi cười, vỗ vai Chí. Anh nói:

“Tôi cũng là bộ đội chuyển ngành làm việc này. Tôi biết anh trốn thuế. Loại hàng này thuế không đáng bao nhiêu đâu. Song, linh tín mách bảo tôi, anh là thương binh hỏng mắt. Chắc gia đình khó khăn lắm mới phải chạy chợ thế này. Thôi, anh rửa tay đi, thông cảm, ăn với tôi bữa cơm tạm buổi tối rồi về. Thế là chuyến chạy chợ đầu tiên trót lọt.

Trường hỏi một câu, lái cuộc chuyện trò sang hướng khác:

- Nghèo khó là thế, anh làm cách nào mà được như bây giờ: hai con học xong đại học, đã có cơ quan nhận xếp việc, trả mức lương cao, tài sản ở trang trại và vốn liếng như anh nói có tới 4 – 5 tỷ đồng?

- Cũng là vận may của mình gặp vận đi lên của đất nước thôi. Tôi nói không giáo điều đâu. Tôi không bao giờ quên được cảnh mình đã phải chăn trâu cắt cỏ, ở đợ ngày xưa. Tôi mơ ước có một ngày nào đó mình cũng làm ăn được giầu có. Ngày đó Đảng đã đem đến cho ta. Đón nhận được nó hay không và đón nhận rồi có làm ra được của cải nhiều hay ít là do chính bàn tay và suy nghĩ của mình.

Chúng tôi không biết nói gì để động viên sự nỗ lực làm giầu của anh. Chỉ biết khâm phục nghị lực của một con người như anh.

Gió bấc tiếp tục tràn về, nhưng mưa phùn đã dứt cơn. Mây màu chì đã lang thang về nơi vô định nào không rõ. Bầu trời sáng dần, xa xa lấp lánh những ánh sao. Tôi nhìn thấy bầu trời đang dần dần đầy sao, ở đó có một ngôi sao đổi ngôi./.
ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top