Truyện kể Phật giáo

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tâm nhìn

Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hóa đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một bà lão trên 50 tuổi, còn khỏe mạnh.

Một hôm, khách qua sông ngạc nhiên thấy kẻ đưa đò không phải là bà lão nữa, mà là một thiếu nữ rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái ấy không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin bà lão ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông. Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão bà vô cùng thương mến.

Từ đó, khách sang sông thăm thầy Tỳ kheo ngoạn cảnh mỗi ngày một đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.

Lần sau, có việc phải xuống núi. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô gái mà úp mặt xuống lòng đò. Ðến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp bốn lần. Thầy Tỳ kheo hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô nên phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp bốn lần? Cô gái nói rất trang nghiêm: "Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm nay thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp bốn lần.

Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn bà lão đưa khách sang sông.

(Trích trong "Truyện Cổ Phật Giáo", Minh Chiếu Sưu tập, Tập 3, Thành Hội Phật Giáo TP. HCM ấn hành 1994, trang 87-88.)​
 
Mình thương ai nhất?

Phàm nói đến thương yêu thì những người được thương là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em... Ðó là những đối tượng được thương đứng hàng đầu mà không ai phủ nhận. Nhưng tại sao đây hỏi "mình thương ai nhất?" "Ai" mà mình thương nhất đó là nhân vật nào mà quan trọng đến thế?

Trong kinh A Hàm có đoạn ghi: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi phu nhân Mạt Lợi, "Trên đời nầy ái khanh yêu ai nhất?"

Phu nhân Mạt Lợi đáp: Dĩ nhiên, người thiếp yêu chính là bệ hạ.

Vua Ba Tư Nặc nói: Trẫm cũng đoán rằng khanh sẽ nói như thế.

Phu nhân Mạt lợi mĩm cười: Tâu bệ hạ, nếu thánh thượng cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một tí, nhưng xác thực hơn.

Vua Ba Tư Nặc bảo: Khanh cứ nói!

Phu nhân Mạt Lợi thưa: Tâu bệ hạ, người mà thần thiếp yêu quý nhất, chính là thần thiếp.

Vua Ba Tư Nặc ngạc nhiên: Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu khanh muốn nói gì?

Phu nhân Mạt Lợi thưa: Tâu bệ hạ, vì có ái trọng tự ngã mình, nên thần thiếp mới yêu thương bệ hạ, vì bệ hạ là người đem lại hạnh phúc cho cái tự ngã nầy.

Vua Ba Tư Nặc nói: Trẫm biết điều đó, nhưng vẫn chưa hiểu rõ ý của khanh.
Phu nhân Mạt Lợi dè dặt: Tâu bệ hạ, thần thiếp mạn phép nêu ra một câu hỏi, "Trên đời nầy bệ hạ yêu thương ai nhất?".

Vua Ba Tư Nặc cười: Ái khanh chứ còn ai!

Phu nhân Mạt Lợi hỏi tiếp: Giả sử thần thiếp yêu thương một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ làm gì?

Vua Ba Tư Nặc lúng túng: À, trẫm sẽ... trẫm sẽ...

Phu nhân Mạt Lợi tiếp lời: Bệ hạ sẽ nổi trận lôi đình, chém đầu thần thiếp ngay lập tức phải không?

Vua Ba Tư Nặc giả lả: Khanh hỏi rắc rối qúa! Rắc rối thật!

Phu nhân Mạt Lợi hỏi: Tâu bệ hạ, có đúng thế không ạ?

Vua Ba Tư Nặc đáp: À... à...

Phu nhân Mạt Lợi hỏi dồn: Ðúng, phải không bệ hạ?

Vua Ba Tư Nặc im lặng giây lâu, nói: Có lẽ khanh nói đúng.

Phu nhân Mạt Lợi nói: Thế là bệ hạ đã đáp câu hỏi của thần thiếp rồi!

Yêu người ta nhất đời mà người ta yêu kẻ khác thì chặt đầu. Như vậy có yêu nhất đời chưa? Nếu yêu nhất đời thật, thì dù người ta có thương ai khác, mình cũng vẫn thương người ta. Ðằng nầy người ta không thương mình thì mình chặt đầu, vậy thương đó là qua ai? Thương đó là vì mình! Mình chỉ thương mình thôi! Tất cả mọi đối tượng mà mình thương mến đều vì mình mà mình thương, thương người qua tự ngã của mình đó vậy.

Hôm sau vua Ba Tư Nặc xa giá đến tinh xá Kỳ Viên thăm Phật, và trình bày câu chuyện đối đáp giữa vua và hoàng hậu. Phật xác nhận ý kiến của phu nhân Mạt Lợi qua bài kệ như sau:

Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Ði tìm khắp phương trời
Cũng không tìm đâu thấy
Ai thân hơn tự ngã
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người

Ðó là lời xác nhận của Phật: Chúng sanh yêu tự ngã mình hơn hết. Ða số người đời thương tự ngã mình hơn hết mà không biết, cứ nghĩ thương người nầy hết lòng, thương người kia hết lòng. Hoặc giả có biết mình thương tự ngã mình cũng không can đảm nói thật, nói gạt thiên hạ là mình thương chúng sanh, chớ đích thực mình thương mình là gốc

(Sưu tầm)​
 
Ba bà hoàng hậu

Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua trẻ. Ðức vua cai trị một vương quốc giàu có, xinh đẹp, nhưng đẹp nhất có lẽ là ba bà hoàng hậu của đức vua.
Ba vị hoàng hậu này vừa có sắc lẫn có tài, nên cả ba đều được đức vua sủng ái như nhau, " Mỗi người một vẻ, mười phần vẹn mười". Cho đến một hôm, nhà vua bỗng nảy ra một ý nghĩ: Trong ba mỹ nhân này thế nào cũng có một người tuyệt diễm hơn hai người kia, nhưng ta không tài nào nhận ra được, có lẽ vì mình nhìn mãi nó quen mắt đi chăng? Hay là ta hỏi ý kiến bọn cung phi vậy".

Ðức vua bèn mở cuộc trưng cầu dân ý tại hậu cung để tìm xem trong ba mỹ nhân ai là người đẹp nhất. Kết quả cũng không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, vì ai cũng cho rằng cả ba vị hoàng hậu đều đẹp ngang nhau. Kẻ tám lạng, người nửa cân vậy.

Nhà vua lại đem nội vụ ra bàn với đình thần. Kết quả cũng tương tợ như trên. Quan tể tướng khuyên đức vua nên dừng cuộc giảo nghiệm lại, vì e nó chẳng ích lợi gì mà đôi khi mang đến hậu họa khó lường được.

Thay vì nghe lời khuyên sáng suốt của vị trung thần lão thành ấy thì đức vua của chúng ta lại nổi cơn thịnh nộ, truyền lịnh cho quan tể tướng phải giải quyết cho xong công việc trong vòng ba hôm. Sau một lúc im lặng, quan tể tướng kính cẩn tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, thần trộm nghĩ rằng, bọn hạ thần chỉ sở trường về chuyện cung kiếm văn thơ, còn chuyện đẹp xấu tướng hảo ra sao thì chắc phải nhường cho các vị bốc sư nổi tiếng. Hay là bệ hạ cho vời y vào, y sẽ phân biệt rõ ràng hơn không?

Nhà vua nguôi giận. Một ông thầy bói được lập tức triệu vào cung để chiêm ngưỡng dung nhan ba người đẹp. Vị bốc sư không chịu cho biết kết quả ngay mà xin khất lại ngày hôm sau để về "tra tự điển" lại.

Lão bốc sư đi rồi, quan tể tướng bèn tâu nhỏ với đức vua:

- Muôn tâu thánh thượng! Hạ thần trộm nghĩ rằng qúi đức bà, mỗi người có một vẽ đẹp riêng, tùy theo nhãn quan và sở thích của từng người. Ý kiến của chúng thần có thể bất đồng nhau, nhưng vì sợ uy quyền của quí đức bà, nên bọn hạ thần không dám nói lên ý kiến của mình mà chỉ kết luận chung chung rằng, cả ba đức bà đều tài sắc như nhau. Nếu thần không lầm thì lão bốc sư này cũng lâm vào một tình thế khó xử như bọn hạ thần, nên lão mới xin khất lại vào ngày mai đó thôi.

- Thế thì khanh giải quyết bằng cách nào?

- Muôn tâu! Ngu thần có một kế mọn là bệ hạ giả mạo bức thư, ký tên của ba đức bà, hẹn lão ấy đến ba địa điểm riêng. Nếu y đến địa điểm nào thì đức bà ấy sẽ là người đẹp nhất.

- Hay lắm, khanh hãy thi hành ngay cho trẩm.

Ba bức thư tức tốc được gởi đi và lão bốc sư đi đến chỗ hẹn với bà hoàng đẹp nhất.

Ðức vua truyền lệnh chém đầu lão thầy bói ... Và từ đó ngài đặc biệt sủng ái vị hoàng hậu vào chung kết nầy.

Hai bà hoàng hậu còn lại vô cùng tức tối, họ âm mưu với nhau dùng độc dược giết chết bà hoàng hậu đẹp nhất.

Chuyện bại lộ, đức vua truyền lệnh xử tử luôn hai bà hoàng hậu còn lại.
Ba vị hoàng hậu xinh đẹp nhất nước đều chết hết, đức vua còn lại một mình để thấy hoàng cung sao mà trống trải lạnh lẽo, bất kể Xuân Hạ Thu Ðông.

Lời bàn:

Vạn pháp trên thế gian này, mỗi pháp đều có một đặc tính riêng, nhưng khi chúng ta bắt đầu "ưu tiên một" cho pháp nào, tức là để tâm vào nó, thì sự việc bắt đầu trở nên rắc rối. Có lẽ vì vậy mà đức Phật thường khuyên chúng ta là hãy để yên cho các pháp trụ ở bản vị của nó. Chớ xen vào phân biệt để tự chuốc khổ cho mình và làm di hoạ cho người chung quanh.

Cũng thế, trong cuộc tương giao với bạn bè lân cận, mỗi người bạn của chúng ta đều mang một cá tính riêng biệt, chiếm một vị trí, cách thế khác nhau, chẳng ai giống ai. Và chúng ta cũng khó mà kết luận rằng ai quan trọng hơn ai. Mùa Xuân có hoa lan, mùa Thu có hoa cúc, mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng của nó, không thể nào bắt loại hoa này phải bắt chước hoa kia được. Chẳng phải rằng số phận rủi ro luôn luôn đến với người mà chúng ta đặc biệt ưu ái hay không?

Vậy thì, ta có nên ngu muội đem cái ý thức phân biệt của mình xen vào các mối tương giao ấy, để cảm thấy cuộc đời này sao mà lạnh lẽo bất kể bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông hay không?

(Sưu tầm)
 
Bát cháo lú

Một số sinh ra từ bào thai, kẻ ác thì đọa vào địa ngục, người chính trực thì sinh lên chư thiên, nhưng cõi Niết Bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử.
Pháp cú 126



Xưa, có một vị bác sĩ thú y mệnh chung, thần hồn xuống âm phủ. Sau khi được Diêm Vương xét xử, hồn ma được dẫn đến quán cháo lú ăn trước khi đi đầu thai. Vào quán cháo, hồn ma tình cờ gặp phải một bầy chó mà thuở sinh tiền, ông thường chữa bệnh cho chúng. Bầy chó vốn có nghĩa, rất mừng rỡ khi gặp lại ông. Ðến lúc bà hàng dọn cháo, ông nhịn phần mình cho bầy chó ăn.

Chức trách ở Diêm Phủ bắt hồn ma đi đầu thai làm một thằng cu. Nhờ không ăn cháo lú nên thằng cu này nhớ rõ tiền kiếp mồn một. Ðược năm tuổi, thằng cu khẩn khoản xin ba má dắt đi thăm thân bằng quyến thuộc cũ. Ba má nó thấy lạ nhưng cũng chiều con ... Cuộc tao ngộ giữa thân quyến và thằng cu diễn ra trong một bầu không khí éo le và cảm động. Thằng cu được gặp lại bà vợ cũ, con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại. Bằng giọng nói ngọng nghịu của đứa bé len năm, cu kể vanh vách tiền kiếp của mình, cùng thăm hỏi hàn huyên với vợ con, cháu chắt.

Sau câu chuyện này, thằng cu không thể sống bình thường như bao thằng bé khác, gánh nặng của tiền kiếp hằn sâu trên thân xác thơ dại của thằng bé. Những mối dây thân ái trong quá khứ khiến thằng bé quên mất nhịp sống hiện tại. Cuối cùng, ba má nó đành đưa nó vào chùa không phải để tu học mà để đi dưỡng tâm thần. Cậu con trai út của ông bác sĩ thú y cũng tình nguyện vào chùa để chăm sóc người cha bé con của mình và tu tâm dưỡng tánh luôn thể.

Lời bàn:

Nhớ được tiền kiếp là một khả năng mà bất cứ người nào cũng có. Các bậc đắc đạo gọi là "túc mạng minh". Trong kinh đức Phật cũng thường khuyến cáo các hành giả tu tập, nếu chưa được "lậu tận thông" (tức là khả năng hóa giải hết thảy phiền não) mà lại có thần thông thì phải xả bỏ đi lập tức. Có lẽ Ngài e rằng chúng ta sẽ lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như thằng cu trên đây. Trong quãng đời hiện tại chúng ta đã bi lụy, khổ sầu vô hạn rồi. Huống chi là nhớ lại những ân oán buồn vui trong tiền kiếp. Ðức Phật và các bậc đắc đạo nhớ rõ quá khứ với từng tình tiết chi li mà tâm các Ngài hoàn toàn bình thản, trong khi chúng ta nhìn lại quá khứ với biết bao là tiếc nuối, buồn thương. Càng sống với dĩ vãng, chúng ta càng rối bời xao xuyến, mắt mở mà vẫn chiêm bao ... Có lẽ vì thế mà chư tổ Thiền Tông đã khuyên chúng ta:

"Việc qua rồi chẳng nhớ. Việc chưa đến chẳng lo. Việc hiện tại chẳng đem lòng vọng tưởng." chăng? Có nghĩa là, nếu chưa có khả năng hóa giải phiền não, chúng ta phải ăn cháo lú mỗi ngày để tâm ta khỏi hối tiếc dĩ vãng, khỏi có những xao xuyến khi hoài vọng về tương lai.

Hay nói cho rõ hơn, quá khứ hoặc tương lai, có hay chăng là do những vọng niệm rối bời trong hiện tại chiêu vời đến mà thôi. Cũng vì thế mà thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đã bảo người đệ tử, khi chú này xin lên đường đi tham học rằng:

"Niệm khởi đừng tiếp tục còn hơn là mười năm tham thiền học đạo"

(Sưu tầm)
 
Cầu được ước thấy

Xưa, có một chúng sanh đang chịu quả khổ ở địa ngục. Trong cơn đau tận mạng, y van vái Phật luôn miệng: "Xin Ngài cứu con, cho con thoát khỏi cái chảo dầu sôi này. Làm thân ngạ quỷ cho đỡ khổ hơn".

Bụt và Diêm vương nghe lời van xin, mủi lòng cho y được như nguyện. Làm ngạ quỷ được vài hôm, y lại kỳ kèo:

- Xin Ngài làm phúc cứu cho con được làm thân súc sanh, một con chó cũng được, chứ ngạ quỷ ... khổ quá trời ơi!

Y liền được mang thân một con chó tên là Nô. Nô lại than van:

- Hỡi ơi! Thân chó nào có sướng gì! Ước chi con được thân người ... Gâu! Gâu!

Nô liền được như nguyện, mang thân một chị đàn bà xấu, bán ve chai, sống qua ngày. Chị ve chai lại rên rỉ:

- Trời Phật ơi! Khổ thân tôi. Xấu xí thế này sống chi cho thêm nhục! Ước chi tôi dễ coi một chút, để kiếm được một ông chồng mà nương tựa tấm thân liễu yếu. Hu! hu!

Chị ve chai lại biến thành một thiếu nữ khá mặn mà ... và có vô số anh hùng rắp ranh bắn sẻ. Sau mấy năm kén cá chọn canh, treo cao giá ngọc, chị lên xe hoa với một người trong mộng. Mười năm sau chị lại than thở:

- Trời ơi! Chồng với con, ước gì tôi được như thời con gái, không có cả đống phụ tùng rắc rối, tui sẽ cạo đầu vô chùa tu quách. Ứ! Ự!

Cầu được, ước thấy, chị thành một tu sĩ. Người ta lại nghe Sư cô này than van:

- Ứ hự! Phải chi mình được "Sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư" thì tu mới không ngán. Ðàng này không ai chỉ dạy, tu gì mà chỉ thấy phiền với não.

Sở cầu hợp pháp này được chuẩn y lập tức. Sư cô được gửi vào một Phật học ni viện. Lần này các ni sinh bạn cô lại nghe cô kể lể:

- Học chi mà lắm thế! Học mà không tu thì như mang đãy sách nói ăn mà không no. Ước chi tôi được gặp một thiền sư, ở trong một thiền viện để vừa học vừa tu, tri hành hợp nhất ... Hi, hi!

Bụt liền giúp cô ... cô trở thành một thiền sinh trong một thiền viện "bất tác bất thực". Thiền sinh này thường chống cuốc than thở:

- Chèn ơi! Quanh năm chỉ thấy cào với cuốc. Làm mãi không có thì giờ để tu. Ước gì tôi được nhập thất để giải quyết sanh tử, nhất đao đại đoạn, ... hừ hừ!

Bụt lại ra tay. Một cái thất được dựng lên cấp tốc. Một, hai, ba, bốn ... thí chủ hùn tiền giúp cô an tu. Ngồi bó rọ trong thất, đương sự loay hoay suy tính:

- Phải chi có ai tu "dư" rồi mình ké vô để thành Phật thì sướng biết mấy. Sư cô chưa kịp ao ước thì bỗng bắt được cái điện tín của Diêm Vương gởi qua một cái răng sâu ... và cả tiếng thì thầm của bọn quỷ sứ dưới âm phủ:

- Tâu Diêm Chúa, chảo dầu này hai đứa con chụm sắp sửa sôi rồi. Chừng nào Diêm Chúa lôi cái tên đại sư cô đó về đây?

(Sưu tầm)
 
Chú rể đa sự

Ngày xửa, ngày xưa ... có một chàng trai nọ, tên gọi là An .

An được cha mẹ hứa hôn với một cô gái đồng trang lứa. Hai đàng chưa hề giáp mặt nhau. An chỉ nghe phong thanh rằng vị hôn thê của mình là một thiếu nữ khá diễm lệ, tam tòng tứ đức đều đầy đủ. Và các bạn chàng vẫn thường kín đáo tỏ bày niềm ao ước được một người bạn đường tốt đẹp như chàng.

Ðể chứng tỏ cho cô dâu, và mọi người biết rằng đàng gái đã không lầm khi chọn mình làm rể đông sàng, An cương quyết sẽ không bao giờ rước vợ nếu chưa lập công danh với đời.

Từ đó, người ta thấy An đêm ngày sôi kinh nấu sử, luyện võ ôn văn.
Ngày tháng dần qua ... Biết bao lần đàng gái bắn tin cho An biết rằng họ không đòi hỏi nơi chàng gì hết, rằng tân nương sẽ được đưa đến vô điều kiện, như lời giao ước năm xưa ... Nhưng lòng tự tôn của An đã không cho phép chàng hành động như bao nhiêu con người tầm thường khác ... Chàng vẫn thường hình dung đến nhan sắc diễm lệ của nàng để tự an ủi và sách tấn mình trong những lúc thất chí, sa cơ ... Tất cả những gian truân khổ nhọc mà chàng đã vượt qua, há chẳng phải là vì nàng đó sao? Người thiếu nữ mà dung nhan còn mơ hồ đó dần dần trở thành một điểm tựa, một lý tưởng, một hải đăng định hướng cho đời chàng.

Mười năm trôi qua ... An tạm hài lòng với con đường công danh của đời mình. Và một hôm, hôn lễ được cử hành rất tưng bừng. Cô dâu được đưa về nhà chồng với vô số đồ trang sức, và, một tấm khăn voan che kín mặt.

Và trước mặt rất đông quan khách, An đưa tay giở tấm khăn che mặt tân nương ... Bỗng nhiên, người ta nghe tiếng kêu thảng thốt của An:

- Chèn ơi! Tưởng ai đâu xa lạ, té ra nàng chính là người vẫn thường cắt chuối cho heo ăn, và vớt bèo nuôi vịt mà tôi vẫn thường thấy hằng ngày qua song cửa đấy ư?

Lời bàn:

Người ta không đồng ý với nhau về đoạn kết của câu chuyện. Có người cho rằng sau đó An bỏ nhà ra đi biền biệt vì tân nương đã làm cho chàng quá thất vọng. Nàng đã không chịu ăn hoa, uống sương và thêu vàng giắt ngọc như chàng hằng mơ tưởng mà lại là một thiếu nữ hoàn toàn bình thường và đảm đang như bao nhiều người vợ khác.

Nhưng có kẻ quả quyết rằng, sau ngày hôn lễ An đã tuyên bố rằng tân nương tuy không giống người trong mộng của chàng nhưng nàng cũng không đến nỗi xấu xí ... và chàng kết luận rằng chỉ vì tính khí cao ngạo ngông cuồng mà chàng đã phí mất 10 năm dài lao khổ trong khi nàng lúc nào cũng ở bên cạnh chàng, v.v... và v.v...

Nhưng nơi đây người kể không cốt ý trình bày một câu chuyện tình có hậu của thế gian giới mà chỉ thừa hứng nghĩ lan man về tu hành giới, về chuyện hạ thủ công phu của nhà thiền. Cũng như những lao tâm khổ trí, những niềm sầu, nổi chán trên đường tầm đạo ... Chân lý là một cái gì khi ẩn, khi hiện, như thực, như hư ... Hành giả thường không phân biệt biết mình đang làm gì và ở đâu trên đường tìm kiếm, đang đi hay sắp đến.

Ðạo ở nơi đâu, ra sao mà thiền sư Nam Tuyền lại khẳng định rằng: "Tâm bình thường là đạo". Và Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lại dạy: "Càng cố tâm tìm càng chẳng biết"; nhất là câu nói sau đây của Cổ Ðức:

"Ðáo xứ phùng nhân mạch diện khi".

Có nghĩa nôm na rằng: Sau khi lội suối trèo non, mất bao nhiêu năm cầu tìm kiếm, rốt cuộc ta sẽ gặp lại người mà ta vẫn thường khinh dễ mỗi khi gặp mặt hàng ngày ... Giống hệt như anh chàng An trên đây. Sau 10 năm khổ nhọc tìm sính lễ, đã rước về một vị tân nương khác xa người trong mộng của chàng là người mà chàng hằng thấy thấp thoáng qua song cửa mỗi ngày, khi xắt chuối cho heo, lúc vớt bèo nuôi vịt!

(Sưu tầm)
 
Đạo sĩ Am Mây

Xưa, có một đạo sĩ sống ẩn dật tại một thâm sơn cùng cốc đầy mây phủ nọ. Rau rừng, nước suối, quạt gió, đèn trăng, tuy đạm bạc nhưng thật đầy đủ đạo vị đối với con người tri túc, cắt đứt duyên trần như đạo sĩ. Trở ngại duy nhất của nhà tu là các chú chuột nhắt trong hang động thường khuấy phá gặm nhấm bất kể đêm ngày.

Ngày lại tháng qua, bọn chuột sinh sôi nẩy nở đông đúc và mỗi ngày mỗi một lộng hành. Chịu hết nổi, đạo sĩ đành mang một chú mèo về ở chung.

Nhờ sự cảm hóa của đạo sĩ, chú mèo chỉ hăm he lũ chuột nhắt, chứ riêng chú hoàn toàn trường chay khổ hạnh. Lâu ngày mèo chỉ còn da bọc xương. Chạnh lòng, đạo sĩ phải hạ sơn đi xin sữa bò về để bồi dưỡng cho ân nhân, cũng là bạn đồng hành trên đường cầu đạo.

Ðể tránh tối thiểu sự đi lại thường làm gián đoạn công phu tu tập, đạo sĩ xin một con bò sữa về nuôi để lấy sữa cho mèo uống. Nhân vật mới này thật là ngu như ... bò, ả ta cứ nhởn nhơ đi dạo khắp vùng núi ẩn cư và thường quên lối về.

Một chú mục đồng được vời đến để trông nom con bò và vắt sửa mỗi ngày ... Rừng núi hoang sơ xem chừng không thấy thích hợp lắm với một chàng trai mới lớn và nặng lòng trần tục ... Ðạo sĩ đành mượn sợi tóc nhi nữ cột chân chàng trai trẻ ...

Bằng cách đó, chẳng bao lâu vùng núi ẩn dật biến thành một thôn trang trù phú với đông đảo những tập đoàn chuột, mèo, bò, đàn ông, đàn bà, và con nít.

Không ai biết đạo sĩ đắc đạo khi nào, tịch ở đâu và truyền pháp cho ai ... lâu dần người ta cũng quên mất tên tuổi ông và chỉ gọi nhà tu là "Ðạo sĩ Am Mây".

Lời bàn:

Như vậy, thì không phải là khi không mà đức Phật dạy hàng tu sĩ chúng ta nên tu hạnh "thiểu dục tri túc" tức là hãy bằng lòng với tình trạng vật chất hiện có của mình. Lâu lâu, có lẽ chúng ta nên kiểm kê tài sản một lần xem nó đã sinh sôi nẩy nở đến đâu rồi, kẻo mà "cái sẩy nó nẩy cái ung". Biết đâu chừng! Có phải thế không?

:big_smile:
(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top