Trượt lớp 10, học sinh giỏi toán kêu oan
Đạt 48 điểm, Nguyễn Thành Long (số báo danh 1D0221) vẫn không trúng tuyển cả NV1 lẫn NV2 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Theo bố em Long, điểm thực chất của Long cao hơn thế nhưng do giám khảo làm việc thiếu trách nhiệm nên em bị rớt oan.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Vân (trái) cho rằng
con mình trượt lớp 10 do giám khảo thiếu trách nhiệm Ảnh: Phạm Yên.
Chênh gần 2 điểm
Trong lần báo điểm đầu tiên, em Long nhận được kết quả: 44,5 điểm, trong đó điểm môn Toán chỉ 5,75 điểm. Long cho rằng, điểm môn Toán của mình lẽ ra phải đạt 8,5 - 9,0 điểm. Trao đổi với Long sau khi kỳ thi kết thúc, thầy giáo chủ nhiệm của Long cũng chung niềm tin này bởi Long là học sinh giỏi Toán của lớp 9A, trường THCS Thái Thịnh năm học 2009 – 2010.
Không chấp nhận kết quả Toán 5,75 điểm, gia đình Long đã làm đơn xin phúc khảo môn Toán. Sau phúc khảo, điểm thi môn Toán của Long được nâng lên thành 7,5 điểm. Tuy nhiên, Long vẫn tin rằng điểm thực bài thi của em cao hơn thế. Gia đình Long tiếp tục khiếu nại lên Sở GD&ĐT. Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Đức Vui đã tiếp nhận đơn khiếu nại này.
Ông Nguyễn Thanh Vân, bố em Nguyễn Thành Long cho biết: “Khi gia đình lên Sở để hỏi kết quả giải quyết khiếu nại, ông Vui cho biết lãnh đạo Sở đã bàn bạc với phòng Khảo thí để đề nghị chấm lại bài cho cháu Long với mức điểm toàn bài là 8,5 điểm”. Với tổng điểm xét tuyển là 49, Long sẽ trúng tuyển lớp 10 THPT theo nguyện vọng 2.
Chấm điểm theo cảm tính?
Bình luận về vụ việc này, một giáo viên có thâm niên trong dạy và chấm thi môn Toán chia sẻ: “Chấm thi là một công việc có tính khoa học nên không thể thích cho bao nhiêu điểm thì cho. Tại sao cho 0 điểm, rồi cho 1,75 điểm, cần phải dựa vào các căn cứ cụ thể: bài làm của học sinh, thang điểm trong đáp án. Theo tôi lời giải thích “bằng 1/2 điểm bài hình” thiếu thuyết phục vì nó thể hiện cách cho điểm theo cảm tính”.
Tuy nhiên, trả lời khiếu nại của gia đình ông Vân, một cán bộ phòng Khảo thí cho biết, đề nghị của lãnh đạo Sở GD&ĐT không được tổ chấm phúc khảo chấp nhận. Theo vị cán bộ này, điểm thi phụ thuộc vào giám khảo. Một khi giám khảo không sửa điểm thì phòng Khảo thí cũng không có quyền thay đổi điểm cho thí sinh. Theo giải trình của tổ chấm phúc khảo môn Toán, kíp chấm sơ khảo đã chấm đúng ở 4/5 câu hỏi trong bài làm của Long. Riêng câu 4, trong khi điểm tối đa theo đáp án là 3,5 điểm (ý 1: 1 điểm; ý 2: 1 điểm; ý 3: 1 điểm; ý 4: 0,5 điểm) thì kíp chấm sơ khảo cho Long 0 điểm.
Tổ chấm phúc khảo mô tả là ở câu này, Long vẽ hình không có điểm D dù trong lời giải các câu đều liên quan đến điểm D. Tổ chấm phúc khảo đã cho câu này của Long được 1,75 điểm với giải thích kèm theo: bằng ½ số điểm bài hình. Dù không ghi rõ điểm các ý 1, 2, 3, 4 trong câu 4 của thí sinh là bao nhiêu nhưng tổ chấm phúc khảo khẳng định là mình chấm đúng.
Còn theo bút lục của ông Nguyễn Đức Vui đưa cho gia đình Long (để làm căn cứ cho phòng Khảo thí sửa điểm), ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Khảo thí đề nghị chấm câu 4 cho thí sinh Long được 2,75 điểm. Đề nghị này ghi rõ: “1- trừ 0,25 điểm phần vẽ hình, học sinh được 0,75 điểm; 2 - 1 điểm; 3 - 1 điểm; 4 - 0 điểm”. Các mục 1, 2, 3, 4 tương ứng với ý 1, 2, 3, 4 theo thang điểm trong đáp án.
Trao đổi với PV TP ông Nguyễn Đức Vui tỏ ra ngạc nhiên khi biết vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Một cán bộ Sở GD&ĐT Hà Nội nhận xét, kíp chấm sơ khảo làm việc chính xác. Thí sinh vẽ hình không có điểm D nhưng lời giải vẫn có điểm D. Do đó kíp chấm có quyền nghi ngờ có thể thí sinh chép bài của bạn nên cho thí sinh 0 điểm ở câu này.
Tuy nhiên, thầy Phạm Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Khối chuyên Toán – Tin trường THPT Chuyên, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Viện lý do, vì thiếu một điểm có ký hiệu là D trong hình vẽ mà cho thí sinh điểm 0, tôi cho đó là nguỵ biện.
Trong tình huống này, hoặc có thể giám khảo quên không chấm câu đó, hoặc chấm rồi nhưng quên cộng điểm thành phần vào điểm toàn bài. Nhiều học sinh vẽ hình rất sơ lược nhưng các em đó giải đúng thì giám khảo vẫn có thể cho điểm bình thường: các em làm được đến đâu cho điểm đến đó. Nếu bảo do nghi thí sinh chép bài càng không được. Trong thi cử không thể nghi ngờ này nọ mà cần có chứng cứ cụ thể”.
Theo TPO.