(Chuyên khảo của Huỳnh Như Phương, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2007)
PGS.TS. Phan Thu Hiền
Trường Đại học KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh
PGS.TS. Phan Thu Hiền
Trường Đại học KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh
Tiếp sau Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (Phương Lựu), Nghệ thuật như là thủ pháp, Sự đỏng đảnh của phương pháp (Đỗ Lai Thúy), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học (Trịnh Bá Đĩnh)… Trường phái hình thức Nga của Huỳnh Như Phương thuộc về số không nhiều lắm các cuốn sách quý giới thiệu những thành tựu quan trọng của lý luận phê bình văn học hiện đại thế giới. Các tác phẩm này cùng với những dịch phẩm chuyển ngữ một số công trình kinh điển (bản dịch R. Jakobson: Ngôn ngữ và thi ca của Cao Xuân Hạo; bản dịch Yu. Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật của nhóm Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thuỷ; bản dịch Tuyển tập V. Ya. Propp của nhóm Chu Xuân Diên…) có thể nói thực sự cần thiết và hết sức quan trọng, góp phần xây dựng nền lý luận phê bình văn học Việt Nam, khắc phục nguy cơ tụt hậu trong tiến trình hội nhập.
Dẫu có thể có những người không chia sẻ ý kiến nồng nhiệt của Jean-Yves Tadié xem chủ nghĩa hình thức Nga là “trường phái cách tân nhất thế kỷ XX”, nhưng chắc chắn phần đông vẫn thừa nhận trường phái này đã mang tới sự thay đổi quan trọng trong cách nhìn về đối tượng của văn học, dẫn đến một lối phê bình khác hẳn truyền thống. Như mọi cách tân, bên cạnh những đóng góp, chủ nghĩa hình thức Nga, lúc này lúc khác, ở tác giả nọ tác giả kia, cũng không tránh khỏi một số cực đoan. Phủ nhận sạch trơn những cống hiến của trường phái này là thái độ thiển cận nhưng tuyệt đối hóa khuynh hướng nhấn mạnh những yếu tố hình thức, yếu tố thủ pháp của nó cũng lại là bất cập.
Với tất cả sự cẩn trọng, Huỳnh Như Phương đã trình bày có hệ thống quá trình hình thành, phát triển; phân tích sâu sắc những quan niệm văn học; đánh giá toàn diện thành công cũng như hạn chế, vị trí, ý nghĩa của trường phái hình thức Nga. Độ tin cậy của công trình được đảm bảo bởi khối lượng phong phú những văn bản lý thuyết của các nhà hình thức luận cũng như những tác phẩm chú giải, bình luận về trường phái này mà người viết đã tham khảo và kế thừa.
Công trình không dừng ở mức độ tổng thuật mà có thể nói mang tầm vóc của một chuyên khảo. Tác giả đã sử dụng có hiệu quả phương pháp lịch sử (khảo sát trường phái hình thức Nga trong bối cảnh lịch sử - văn hóa Nga ba thập niên đầu thế kỷ XX và trong tiến trình phát triển chung của nghiên cứu văn học, thi pháp học thế giới), phương pháp hệ thống (xem xét những quan niệm văn chương của các nhà hình thức Nga như một hệ thống lý luận nhất quán), phương pháp so sánh (cả lý luận văn học so sánh - khi phân tích chủ nghĩa hình thức Nga trong quan hệ với các trường phái lý luận khác, lẫn văn học so sánh - khi di chuyển khá phóng khoáng trong những thí dụ minh họa từ văn chương Việt Nam và thế giới). Đặc biệt, cố gắng của tác giả nhìn chủ nghĩa hình thức Nga từ chỗ đứng của văn học Việt Nam hôm nay đáng được ghi nhận như một đóng góp cần thiết.
Công trình được cấu trúc hợp lý, sáng rõ với 5 chương. Chương 1 giới thiệu lịch sử chủ nghĩa hình thức Nga với những lý luận gia tiêu biểu mà tránh được ấn tượng phẳng, đơn điệu của lối biên niên hay tiểu sử là do đã làm sống lại không khí đối thoại của trường phái này với các trường phái khác, đi trước hoặc đồng thời với nó (chủ nghĩa vị lai, trường phái văn hóa-lịch sử, chủ nghĩa tượng trưng, phê bình ấn tượng, chủ nghĩa thực chứng…), đã trình bày sự sáng tạo của các nhà cách tân như “hành động nhận thức chính bản thân mình trong dòng lịch sử”. Chương 2 cho thấy cách hiểu mới về hình thức văn chương trên cơ sở nhất thể hóa nội dung và hình thức với tư cách nguyên lý cốt lõi nhất của trường phái này là kết quả của một quá trình ý thức ngày càng sâu sắc về đặc trưng bản thể luận của văn học và tính tự trị của chức năng thẩm mỹ. Chương 3 và 4 góp phần làm rõ quan niệm “Nghệ thuật như là thủ pháp” của chủ nghĩa hình thức Nga qua sự lựa chọn đích đáng: tập trung vào nhịp điệu trong thơ và cấu trúc tự sự trong văn xuôi. Chương 5 kết nối đến hiện tại để có thể đánh giá về chủ nghĩa hình thức Nga qua sự thẩm định nghiêm nhặt của thời gian, trong quá trình phát triển tư duy lý luận, và gợi suy nghĩ về những khía cạnh khả thủ vẫn nguyên tính thời sự của nó cũng như việc nghiên cứu vận dụng ở Việt Nam.
Viết về một vấn đề học thuật khá phức tạp, nhưng công trình của Huỳnh Như Phương không khô khan, nặng nề. Các ý kiến lý luận được chọn lọc tiêu biểu và được dịch đảm bảo “tín” đồng thời “nhã”. Các dẫn chứng văn chương đều rút ra từ những tác phẩm nổi tiếng, quen thuộc, được thẩm bình nhẹ nhàng mà tài hoa, giúp làm “xanh tươi” cho lý thuyết. Điều đó cho thấy đọc một công trình vừa sâu rộng tầm lý luận, vừa tinh tế chất văn chương là một cuộc hành trình thú vị qua các chương sách .