Điểm sàn, điểm chuẩn là gì? Muốn hiểu rõ hơn về xét tuyển NV2? Hệ CĐ của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội? Muốn thi vào Trường CĐ Y tế Nghệ An? Muốn thi vào trường CĐ không tổ chức thi?...
Thí sinh thi ĐH năm 2009. (Ảnh: Việt Hưng)
Thí sinh thi ĐH năm 2009. (Ảnh: Việt Hưng)
Hỏi: Theo em được biết thì có 4 mức để xét thí sinh thi đỗ đại học: Điểm sàn của Bộ; Điểm sàn của trường; Điểm xét tuyển; Điểm trúng tuyển. Vậy với 4 mức đó thì xét tuyển đỗ đại học như thế nào?
Em muốn hiểu rõ hơn về nguyện vọng 2( cách xét để trúng tuyển ), khi nào cần nộp hồ sơ xét tuyên NV2, điều kiện để xét tuyển? Giả sử một thí sinh thi không đỗ NV1 vào chuyên ngành Kinh tế của một trường đại học này thì có thể nộp hồ sơ xét tuyển NV2 ngành Tiếng Anh của một trường đại học khác được không? Giả sử điểm NV2 ngành Kinh tế của Trường KTQD lấy điểm sàn ngành là 20, em thi được 20 và nộp hồ sơ xét tuyển thì những thí sinh ở trường khác thi không đỗ nguyện vọng 1 cũng đăng kí xét tuyển vào chuyên ngành này như emlại có điểm cao hơn em vậy thì trường sẽ xét thế nào để có thể trúng tuyển ngành học này? Em có đỗ chuyên ngành đó không?
Có trường đại học xét tuyển theo điểm sàn của bộ, có trường lại xét theo điểm sàn của trường, có trường lại xét theo điểm chuyên ngành. Vậy ban tư vấn có thể tìm giúp em những trường như thế được không? Trường KTQD có hệ cao đẳng không?
Vì Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) không tổ chức thi cao đẳng nên Nếu em muốn thi vào hệ Cao Đẳng của ĐH Ngoại thương thì em phải thi đại học xét tuyển theo lịch chung của Bộ để xét tuyển. Giả sử em thi không đủ điểm đỗ đại học của trường thì lúc đấy trường mới xét tuyển xuống hệ cao đẳng đúng không? Lúc đăng kí hồ sơ xét tuyển cao đẳng thì em vẫn phải kèm theo bản phô tô số 1 mặt trước, Mục 2 không ghi mã ngành, mục 3 ghi đầy đủ đúng không?
*Trả lời:
Mặc dù em có rất nhiều thắc mắc nhưng Ban tư vấn vẫn quyết định trả lời toàn bộ nội dung này vì đây cũng là vấn đề nhiều bạn thí sinh khác quan tâm.
1. Em cần phải xác định được các khái niệm sau: Thế nào là điểm sàn? Thế nào là điểm trúng tuyển (còn gọi là điểm chuẩn)?
* Điểm sàn ĐH, CĐ là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Thí sinh phải có điểm thi ít nhất bằng điểm sàn thì mới được xét tuyển NV1 và nộp hồ sơ xét tuyển NV2 hoặc NV3.
Điểm sàn sẽ giúp các trường định ra mức điểm xét tuyển bằng cách căn cứ vào chỉ tiêu tuyển và điểm thi của thí sinh. Từ mức điểm sàn đã được quy định các trường sẽ xây dựng điểm xét tuyển còn gọi là điểm chuẩn với điều kiện điểm xét tuyển không được thấp hơn điểm sàn; đồng nghĩa với điểm xét tuyển NV sau sẽ không được thấp hơn điểm trúng tuyển NV trước. Đối với hầu hết các trường, điểm xét tuyển sẽ cao hơn điểm sàn.
* Điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường, từng ngành.
Như vậy, điểm sàn coi như điều kiện cần, còn điểm chuẩn là điều kiện đủ. Điểm chuẩn không được thấp hơn điểm sàn.
Ngoài ra một số trường ĐH còn có khái niệm điểm sàn vào trường. Đây là khái niệm dành cho các trường xây dựng điểm chuẩn dựa trên kết hợp giữa điểm chuẩn khối thi và điểm chuẩn ngành.
Điểm sàn vào trường sẽ là điểm chuẩn của ngành thấp nhất. Mục đích của việc lấy điểm sàn vào trường là để bố trí chất lượng đồng đều giữa các ngành đào tạo.
Như vậy đối với các trường xây dựng điểm chuẩn dựa trên kết hợp giữa điểm chuẩn khối thi và điểm chuẩn ngành/nhóm ngành thì em chỉ cần đạt mức điểm sàn vào trường là chắc chắn trúng tuyển. Đối với các trường còn lại thì em phải đạt từ mức điểm chuẩn trở lên mới thuộc diện trúng tuyển.
2. Đối với những thí sinh không trúng tuyển NV1 mà có điểm thi đạt từ mức điểm sàn ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT đưa ra trở lên sẽ được cấp giấy chứng nhận điểm thi số 1 và số 2 để làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2, NV3.
Nguyên tắc xét tuyển NV2 rất đơn giản: Sau khi hết thời hạn hồ sơ xét tuyển thì trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Theo nguyên tắc như vậy thì nhà trường sẽ đưa ra mức điểm chuẩn NV2. Những thí sinh đạt từ mức điểm chuẩn này trở lên sẽ thuộc diện trúng tuyển.
Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển NV2 sẽ bắt đầu từ ngày 20/8 đến hết ngày 10/9. Các trường sẽ công bố điểm chuẩn NV2 trước ngày 15/9. Hồ sơ xét tuyển NV2 sẽ bao gồm giấy chứng nhận điểm thi số 1 đã điền đầy đủ thông tin kèm theo một phong bì có dán tem và ghi địa chỉ rõ ràng (để nhận kết quả thông báo xét tuyển). Hồ sơ xét tuyển NV2 có thể gửi bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường muốn tham gia xét tuyển.
* Điều kiện để tham gia xét tuyển NV2: Ngoài việc phải đạt được điều kiện để nhận được giấy chứng nhận điểm thi số 1 và 2 thì khi tham gia xét tuyển NV2 vào một trường nào đó em cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Trường có thông báo xét tuyển NV2
+ Thuộc vùng tuyển sinh của trường
+ Có điểm thi đạt từ mức điểm sàn xét tuyển NV2 của một ngành/khối thi mà trường đó đưa ra trở lên. (thông tin điểm sàn xét tuyển NV2 sẽ được các trường công bố cùng chỉ tiêu xét tuyển NV2. Đây là mức điểm tối thiểu để thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường chứ không phải là mức điểm trúng tuyển).
+ Ngành đăng ký xét tuyển có tuyển khối mà em dự thi
3. Vấn đề này đã được Ban tư vấn trả lời rõ ở điều kiện tham gia xét tuyển NV2. Việc em trượt NV1 ngành Kinh tế muốn đăng ký NV2 ngành Tiếng Anh hoàn toàn được phép nếu em dự thi ngành Kinh tế khối D1. Sở dĩ nói vậy vì các ngành Tiếng Anh đều tuyển sinh khối D1.
4. Đối với các trường xây dựng điểm chuẩn theo phương thức điểm sàn theo khối kết hợp với điểm chuẩn ngành thì em chỉ cần nhớ một điều: Nếu em đủ điểm sàn vào trường thì chắc chắn em đã trúng tuyển NV1. Nếu không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký sẽ được bố trí sang các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn và còn chỉ tiêu.
Quay lại với trường hợp cụ thể mà em nêu: Em nên nhớ là ĐH Kinh tế Quốc dân không có điểm sàn ngành mà chỉ có điểm chuẩn ngành. Điều em nói có thể minh họa cụ thể như sau:
Giả sử năm 2010 điểm sàn vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 20 điểm. Em dự thi ĐH đạt được 20 điểm (tính cả điểm ưu tiên) như vậy em sẽ chắc chắn trúng tuyển vào trường.
Sau khi có điểm sàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ đưa ra điểm chuẩn ngành. Nếu điểm chuẩn ngành Kinh tế là 20 thì chắc chắn em trúng tuyển vào ngành này vì khi làm hồ sơ ĐKDT em chọn NV1 là ngành Kinh tế. Nếu điểm chuẩn ngành này cao hơn 20 điểm thì em không thể trúng tuyển vào ngành này mà sẽ được nhà trường bố trí vào các ngành học khác có điểm chuẩn là 20 và còn chỉ tiêu.
5. Việc các trường xây dựng điểm chuẩn theo phương thức nào được công bố rất rõ ràng trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”. Em chịu khó tham khảo để biết thông tin. Ở phạm vi này Ban tư vấn xin cung cấp em thông tin sau:
Hiện nay khối các trường ĐH, CĐ Việt Nam xây dựng điểm chuẩn theo các 3 hình thức chính. Một là điểm chuẩn theo khối thi, hai là điểm chuẩn theo ngành và ba là điểm chuẩn theo khối thi kết hợp với điểm chuẩn ngành.
6. Thông tin trường nào có tuyển sinh hệ CĐ thì được thông báo rất chi tiết trong cuốn “Những điều cần biết…”. Em chỉ cần đọc qua sẽ cho kết quả là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không đào tạo hệ CĐ.
7. Ở đây em không nên dùng khái niệm “muốn thi vào trường hệ CĐ của Trường ĐH Ngoại thương”, cách nói này hoàn toàn không đúng.
Xin nhấn mạnh lại với em: Nếu em muốn đăng ký NV1 vào hệ CĐ của Trường ĐH Ngoại thương thì có thể làm hồ sơ ĐKDT “nhờ” như cách em trình bày ở trên. (do hệ CĐ của Trường ĐH Ngoại thương không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển).
Nếu em không xác định NV1 của em là hệ CĐ của Trường ĐH Ngoại thương mà xác định dự thi vào hệ ĐH nếu bị trượt thì xét xuống hệ CĐ thì cách làm hồ sơ của em là sai lầm rất nghiêm trọng.
Em chỉ cần nhớ kỹ điều này: Nếu muốn đăng ký NV1 vào các trường có tổ chức thi thì chỉ ghi mục 2 và bỏ trống hoàn toàn mục 3.
Quay lại trường hợp cụ thể của em: Em hãy làm hồ sơ ĐKDT vào hệ ĐH của Trường ĐH Ngoại thương (nhớ bỏ trống mục 3 hoàn toàn vì hệ ĐH có tổ chức thi tuyển). Sau khi trượt NV1 hệ ĐH thì muốn được học hệ CĐ em phải làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào hệ này. Nguyên tắc xét tuyển NV2 tuân thủ theo như trả lời của Ban tư vấn ở trên.
Em muốn thi vào Trường CĐ Y tế Nghệ An nhưng trường này không tổ chức tuyển sinh. Bây giờ em muốn đăng kí ở Đại học Y Hà Nội để lấy điểm xét vào CĐ Y Nghệ An được không? (khoahut@gmail.com)
Tất nhiên là hoàn toàn được phép. Xin lưu ý với em lại: nếu đăng ký NV1 vào trường CĐ Y tế Nghệ An thì em điền cả mục 2 và 3 trong hồ sơ ĐKDT.
Em ở Hải Phòng, em muốn hỏi năm nay có trường ĐH hay CĐ nào tuyển sinh lớp tiếp viên hàng không không?( p3_quynh.0nljn3@yahoo.com)
Hiện nay chưa có trường ĐH, CĐ nào đào tạo ngành tiếp viên hàng không. Thông thường để trở thành tiếp viên hàng không thì ngoài thể hình, chiều cao và cân nặng (có giới hạn độ tuổi) thì ứng viên phải có trình độ tiếng anh khá cao. Ngoài khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh thì biết các ngoại ngữ khác sẽ là một lợi thế.
Các hãng hàng không khi có tuyển dụng tiếp viên sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể (trở thành tiếp viên chỉ cần tốt nghiệp trình độ THPT trở lên). Sau khi xét trên hồ sơ thì ứng viên sẽ được phỏng vấn trực tiếp. Nếu đạt yêu cầu sẽ được cử đi học nghiệp vụ tiếp viên trong thời gian khoảng 3-6 tháng.
Theo Dân trí.
Theo Dân trí.