Trường lớp xuống cấp, giáo viên thiếu

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
nghi-quyet.jpg


Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng đoàn giám sát đang phát biểu với lãnh đạo UBND quận 12

Ngày 23-3, Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM đã làm việc với một số trường học thuộc quận 12 về việc thực hiện chương trình “Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và kết quả thực hiện Nghị quyết 65/2006/NQ-HĐND TP.HCM”. Tại đây, đoàn đã phát hiện nhiều cơ sở trường lớp xuống cấp, tình trạng thiếu giáo viên rất nhiều…

Trường xuống cấp - thiết bị thiếu


Đoàn đã đến giám sát một trường tư thục và hai trường công lập. Tại Trường THCS – THPT tư thục Lạc Hồng, hầu như không một đại biểu nào tỏ lời chê, ngược lại tại hai cơ sở công lập là Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp và Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, các thành viên trong đoàn đều bày tỏ sự bức xúc. Tại buổi họp với lãnh đạo UBND quận 12 và các phòng ban liên quan chiều 23-3, đại biểu Nguyễn Văn Ngai nói: “Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp đưa vào sử dụng đã 16 năm, hiện nay cơ sở vật chất quá xuống cấp, phòng chức năng và bộ môn thiếu quá nhiều, trang thiết bị còn nghèo nàn. Cụ thể phòng bộ môn lý – hóa – sinh lại dồn chung (?) và thiết bị lèo tèo…”. Đại biểu Phạm Quý Cường tiếp lời: “Đi quanh một vòng Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp, tôi nhận thấy cơ sở xuống cấp trầm trọng, nhìn đau xót quá. Tôi nói điều này để chúng ta tập trung quan tâm cho trường này”. Còn đối với Trường Tiểu học Hà Huy Giáp chỉ mới đưa vào sử dụng vài năm nhưng đã xuống cấp nhiều nơi. Tường rào mặt tiền của trường không hiểu vì lý do gì, đơn vị thi công không xây tường gạch mà chỉ rào chắn bằng cọc sắt? Cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng cho biết: “Chỉ vài năm cọc sắt làm hàng rào đã mục nát, học trò leo trèo rất nguy hiểm, vì thế nhà trường phải mua tôn để rào tạm. Nhiều lần trường làm văn bản xin sửa chữa nhưng vẫn chưa được duyệt!”. Đáng nói hơn là vị trí của trường nằm sát rạch Trùm Bích nên rất dễ bị triều cường gây ngập. Nhưng đến khi xây trường mới lại xây nền quá thấp nên việc trường thường xuyên ngập trong nước trước đây giờ vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, thầy trò nhà trường phải sống chung với nước. Ngay cả chiều 23-3, khi đoàn giám sát đang làm việc với nhà trường thì nước triều cường bắt đầu dâng và nước từ từ tràn vào các phòng học! Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao khi thi công xây dựng, đơn vị thi công không nâng cao nền?

Triển khai dự án: Chậm hơn “rùa bò”

truong-tieu-hoc.jpg


Học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, quận 12 trong giờ học. Ảnh: T.T.Q

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận 12, số lượng học sinh tăng mỗi năm hàng ngàn em. Chỉ riêng bậc tiểu học năm học 2006-2007 có 19.592 em đến năm học 2009-2010 số học sinh đã vượt lên 25.471 em, tăng gần 6.000 học sinh. Trong khi đó số trường xây mới quá ít, không đủ đáp ứng về chỗ học cho con em nhân dân. Từ đó số lớp học 2 buổi/ngày của bậc tiểu học cũng giảm dần. Đại biểu Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn xã HĐND TP.HCM đặt vấn đề: “Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng nói đến năm 2010, 100% học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày, nhưng hôm nay, tỉ lệ học sinh bậc tiểu học học 2 buổi/ngày của quận lại giảm dần. Số học sinh tăng, số lớp 2 buổi giảm kéo theo chất lượng giảm là tất yếu!”. Hiện nay ở quận 12 còn ba phường: Thạnh Lộc, Thới An và Tân Hưng Thuận không có trường THCS, trong khi đó số lượng học sinh bậc THCS tăng không kém. Riêng bậc mầm non, sức ép về chỗ học không cao do nhờ quận thực hiện xã hội hóa khá tốt, hàng trăm cơ sở mầm non ngoài công lập tiếp nhận gần 10.000 cháu, giải tỏa sức ép trường lớp. Ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch UBND quận 12 thừa nhận: “Dân số của quận tăng hàng năm; 12 năm trước quận chỉ có 112.000 dân nhưng hiện nay đã hơn 400.000 dân. Dù quận đã dồn hết sức cho GD-ĐT, nhưng với sức ép về việc tăng dân số quá lớn cũng gây cho quận những khó khăn nhất định. Đây là bài toán không thể giải quyết một sớm một chiều. Việc đầu tư trang thiết bị cho một số trường thực hiện chưa tốt do có trường quá chật hẹp nên không thể đầu tư trang thiết bị, cũng có trường do thiếu kinh phí”. Theo bà Trần Thị Thanh Nguyệt, Trưởng phòng Tài chánh quận 12: “Kinh phí dành để sửa chữa trường học tăng hàng năm. Năm 2009 hơn 7 tỉ đồng để thực hiện công việc này”. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Văn Minh: “Việc sửa chữa manh mún như muối bỏ biển, tại sao không dồn hay tập trung sửa chữa lớn cho một vài trường. Chẳng lẽ hàng năm bỏ ra tiền tỉ chỉ để quét vôi hay sơn cửa?”

Giải pháp khẩn trương


Trưởng đoàn giám sát, đại biểu Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn xã HĐND TP.HCM ghi nhận: “Đầu tư kinh phí cho các trường mỗi năm mỗi cao, thể hiện sự quan tâm của UBND quận đối với ngành GD-ĐT. Nhiều mặt mạnh như xã hội hóa giáo dục, phổ cập giáo dục, khuyến học… quận 12 làm rất tốt, đặc biệt xã hội hóa bậc mầm non”. Dù vậy, bà Ngọc Anh cũng đề nghị: “Quận 12 phải khẩn trương đầu tư cho Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Theo như báo cáo của đại diện Phòng GD-ĐT quận rằng chuẩn bị đầu tư cho trường này một phòng máy vi tính, vậy hãy nhanh chóng đầu tư trang thiết bị gấp cho trường này”.

Đoàn giám sát cũng đề nghị quận 12 chú ý quan tâm đến vấn đề lương của bảo mẫu, nhà ở của giáo viên. Đặc biệt tình trạng thiếu giáo viên tiểu học vẫn còn tồn tại (thiếu 118 giáo viên). Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận12 ghi nhận: “Vấn đề thiếu giáo viên, ngoài việc đề xuất với Sở GD-ĐT bổ sung giáo viên tiểu học, chúng tôi còn đề xuất với UBND quận cho phép hợp đồng với những người đã qua đào tạo và có nguyện vọng phục vụ tại quận nhà”.

Bài, ảnh:
Trần Thanh Quang
Theo báo GD TPHCM
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top