Trường chuyên tuyển sinh “linh hoạt”
Theo phản ảnh của nhiều bạn đọc là phụ huynh học sinh, có đến 30 trường hợp được tuyển vào Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) không theo quy chế hiện hành.
Điều này khiến dư luận băn khoăn về tính minh bạch, khách quan của kỳ thi tuyển vào trường THPT có chất lượng nhất ở Hải Phòng.
Làm sao để môi trường giáo dục tôn vinh được vẻ đẹp người thầy và nhân cách người trò - Ảnh từ internet
Vào trường chuyên không cần thi môn chuyên
Điều tra theo phản ảnh của bạn đọc, chúng tôi được biết trong kỳ thi tuyển sinh 2010-2011, Trường THPT chuyên Trần Phú đã tuyển sinh bổ sung theo bốn đợt bằng hình thức xét tuyển vào lớp chuyên Pháp của trường. Theo hiệu trưởng Bùi Văn Phú, đối tượng được tuyển là những học sinh dự thi một môn chuyên khác của trường nhưng không đỗ, có điểm môn văn, toán (theo đề đại trà) đủ để vào một trường công lập của thành phố. Cách xét tuyển là lấy từ trên xuống dưới.
Đáng nói là trong 38 học sinh được tuyển có đến 30 học sinh được tuyển các đợt sau và tổng cộng chỉ có tám em học tiếng Pháp từ THCS, 30 em còn lại chưa hề biết gì về tiếng Pháp. Điểm thi văn, toán (theo đề đại trà) của các học sinh trên không cao, chủ yếu chỉ đạt điểm trung bình. Đơn cử như học sinh P.T.L. chỉ đạt 12 điểm/hai môn văn, toán, V.M.N. đạt 12,75 điểm, T.T.D. đạt 12 điểm, trong đó có môn chỉ đạt 3,5 điểm. Kết quả thi các môn chuyên khác của 30 học sinh được tuyển bổ sung cũng rất thấp, phổ biến ở mức dưới trung bình, trong đó có những trường hợp chỉ đạt 0,75-2 điểm/môn chuyên.
Do quy chế không bao hết tình hình thực tế?
Giải thích về việc tuyển đến bốn đợt, ông Phú cho biết do số lượng học sinh dự thi vào chuyên Pháp quá ít (mười học sinh thi, chín em đỗ nhưng chỉ có tám em nhập học) nên trường phải tuyển thêm nhiều lần mới đủ chỉ tiêu.
Quy chế của bộ cho phép mỗi lớp chuyên tuyển tối đa 35 học sinh, nhưng với nguyên nhân “thiếu học sinh dự tuyển”, Trường THPT chuyên Trần Phú đã tuyển tới 38 học sinh cho lớp 10 chuyên Pháp? Lý giải điều này, ông Phú cho rằng do phải gọi nhiều đợt, học sinh được gọi lại nhập học muộn nên trường phải gọi thêm học sinh khác, dẫn đến việc vượt chỉ tiêu(!).
Theo ông Bùi Văn Phú, việc tuyển sinh theo phương thức xét tuyển bổ sung trường đã thực hiện nhiều năm, do một số lớp như chuyên Nga, Trung, Pháp ít học sinh đăng ký. Riêng lớp chuyên Nga, Trung ngay từ đầu đã chỉ xét tuyển trên cơ sở kết quả thi hai môn văn, toán, không thi môn chuyên. “Do quy chế trường chuyên của Bộ GD-ĐT không bao quát được hết những trường hợp diễn ra trong thực tế nên trường phải linh hoạt để tuyển sinh” - ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, trường đã có tờ trình cho Sở GD-ĐT Hải Phòng xin phép về việc tuyển sinh linh hoạt và được chấp thuận.
Theo ông Vũ Văn Trà - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, việc cho phép Trường Trần Phú tuyển sinh như nói trên là căn cứ vào bối cảnh học sinh dự tuyển chuyên Pháp ít quá, trong khi trường phải duy trì lớp chuyên này. Ông Trà cho biết đã xin ý kiến (miệng) người có thẩm quyền của bộ.
Như vậy, việc tuyển sinh “linh hoạt” của Trường Trần Phú không hề có sự cho phép bằng văn bản của Bộ GD-ĐT và theo quy chế hiện hành, đây là việc làm sai quy định.
Không riêng Hải Phòng mà Hà Nội và nhiều nơi khác cũng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh một số môn chuyên tiếng Trung, Nga... Với các trường hợp cụ thể mà quy chế không “bao quát” được, các tỉnh thành khác đều có quy định rõ ràng, công khai từ khi chưa diễn ra kỳ thi và được phép bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Ví dụ tại Hà Nội, thí sinh dự thi vào chuyên tiếng Trung vẫn phải dự thi môn văn, toán, tiếng Anh (theo đề đại trà) và tiếng Anh (theo đề chuyên), thí sinh dự thi chuyên tiếng Nga phải làm bài thi văn, toán và kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Ngoài ra học sinh dự thi vào trường chuyên phải có học lực từ khá trở lên, điểm trung bình môn học lớp 9 và điểm trung bình môn chuyên đạt từ 8 trở lên.
So với cách làm của Hà Nội, cách tuyển sinh của Trường Trần Phú quá dễ dãi, không đảm bảo chất lượng như yêu cầu của một trường chuyên.
Theo TTO.