Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như cơ khí, kỹ thuật điều khiển, kỹ thuật điện tử và công nghệ thông tin vào việc vận hành và điều khiển quá trình sản xuất.
Các lĩnh vực này kết hợp lại với nhau tạo thành các hệ thống tự động hóa và cao hơn nữa là tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Trước sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa của các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, năm 2012, Trường ĐH Vinh được Bộ GD-ĐT giao đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (mã số D520216), tuyển sinh các khối thi A và A1.
Đây là ngành đào tạo kỹ sư thứ 10 trong tổng số 43 ngành đào tạo đại học hệ chính quy năm 2012 của Trường ĐH Vinh và là ngành đào tạo kỹ sư thứ 2 cùng với ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông (mã số D520207) được nhà trường giao cho Khoa Điện tử Viễn thông phụ trách, tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, cập nhật chương trình đào tạo của các trường kỹ thuật danh tiếng trên thế giới và trong nước kết hợp với nhu cầu thực tiễn về lĩnh vực điện, điện tử, truyền thông và điều khiển, tự động hóa của khu vực và địa phương.
Chương trình đào tạo được xây dựng nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, toàn diện và hiện đại về kỹ thuật điện tử, điều khiển, tự động hóa, tin học. Trong đó phần thực hành, thí nghiệm được quan tâm đúng mực, giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của kỹ thuật và công nghệ trong tương lai.
Ngoài các kiến thức chuyên sâu của ngành đào tạo, các kỹ sư còn được trang bị tốt các kiến thức cơ bản về Vật lý hiện đại, Toán cao cấp và các kiến thức về khoa học và xã hội nhân văn.
Về cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu, ngoài hệ thống giảng đường, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Ký túc xá sinh viên, hệ thống wifi được phủ sóng toàn trường, tại Trung tâm thực hành, thí nghiệm của nhà trường hiện có 7 phòng thí nghiệm (PTN) như: PTN Kỹ thuật điện tử, PTN Kỹ thuật viễn thông và PTN Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,... được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ phục vụ trực tiếp các hoạt động giảng dạy, thực hành, thí nghiệm và NCKH cho cán bộ và sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông và ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Người học ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa và ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông tại Trường ĐH Vinh sẽ được đào tạo trong một môi trường tốt không chỉ để rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ mà còn để phấn đấu, trau dồi phẩm chất đạo dức của mình.
Ban giám hiệu nhà trường, Ban chủ nhiệm khoa, các tổ chức đoàn thể, Tổ bộ môn và các giảng viên đều hết sức quan tâm giúp đỡ để sinh viên trau dồi phẩm chất đạo đức thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích. Trong những năm vừa qua, sinh viên tốt nghiệp tại khoa Điện tử Viễn thông - Trường ĐH Vinh có việc làm đạt tỷ lệ rất cao ở hầu hết các hãng thông tin di động như Mobiphone, Vinaphone, Viettel, Beeline, các công ty viễn thông, các đài truyền thanh truyền hình, các công ty điện tử, nhà máy, xí nghiệp... trong cả nước.
Hệ thống điều khiển và tự động hóa đã và sẽ có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải... Bởi vậy, cơ hội việc làm của người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là rất lớn. Trong lĩnh vực này, các kỹ sư có điều kiện tiếp xúc với các máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, có điều kiện nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ, có thể chọn những vị trí làm việc như:
Vận hành và bảo trì: bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử, tự động.
Điện tử - Tự động hóa: vận hành bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động của các nhà máy, xí nghiệp.
Chuyên gia hệ thống: phân tích nhu cầu về hệ thống điện, tự động hóa của các công ty, nhà máy.
Chỉ huy các dự án: thiết kế, xây lắp các hệ thống tự động và tham gia thi công các dự án đó.
Thiết kế: thiết kế các hệ thống tự động hóa cho nhà máy, xí nghiệp.
Lập trình ứng dụng: lập các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, các bộ điều khiển lập trình.
Chuyên gia tư vấn cung cấp các tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo.
Giảng dạy tại các Trường ĐH, CĐ, THCN nơi đào tạo Kỹ sư, Cử nhân và TCKT các ngành Kỹ thuật thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.
Với kinh nghiệm 53 năm đào tạo các ngành sư phạm và trên 15 năm đào tạo, liên kết đào tạo các ngành kỹ thuật, với đội ngũ cán bộ hiện tại 955 người, trong đó có 55 giáo sư, phó giáo sư, 131 tiến sĩ, 408 thạc sĩ, Trường ĐH Vinh đã đào tạo được hàng chục nghìn cử nhân khoa học và hàng nghìn kỹ sư có chất lượng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Với trọng trách của 1 trong 16 trường đại học trọng điểm quốc gia, ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa sẽ được chú trọng đầu tư về mọi mặt nhằm đào tạo nên những kỹ sư chất lượng có khả năng thích ứng cao với môi trường khoa học, công nghệ cao, môi trường làm việc quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo thông báo của trường đại học Vinh https://www.vinhuni.edu.vn/Vinhuni/SDisplay/8/0/1933/index.htm