Trung tâm Đào tạo kiểu Silicon có mặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM

Giao Su Vọc

New member
Xu
0
SAIT là viện đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao. Tại Thung lũng Sillicon, cái nôi của ngành công nghệ cao Mỹ, Viện có tên đầy đủ là Saigon Advanced Institute of Technology. Khi đưa thương hiệu này vào Việt Nam, nhà đầu tư lấy tên là Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao. Đây là trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ cao đầu tiên sẽ có mặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Giáo sư Tiến sĩ Cao Hữu Trí, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAIT, cho biết: Sứ mệnh của SAIT là cung cấp các dịch vụ đào tạo bổ sung cho hệ thống đào tạo đại học, nhằm phát triển nguồn nhân lực có sức cạnh tranh cao, phục vụ cho nền công nghiệp cao tại Việt Nam và toàn cầu. Tháng 12.2009, SAIT đã nhận được đất xây Trung tâm. Nhân dịp này, NCĐT đã phỏng vấn Giáo sư Trí về tương lai của Trung tâm tại Việt Nam; Ban biên tập Website BQL Khu CNC TP.HCM xin được mạn phép giới thiệu bài phỏng vấn này của tác giả Nguyên Nga đến Quý đọc giả.


GS%20CHT_SAIT.jpg

Giáo sư Tiến sĩ Cao Hữu Trí, Việt kiều Mỹ,
Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAIT



Sau 3 năm chuẩn bị, đến nay đã nhận được đất xây trường, có thể nói là “cờ đã đến tay”?


Cờ đã đến tay nhưng tôi đang cần một CEO để “phất cờ” thường trực ở đây. Đó phải là một chuyên gia công nghệ cao, am hiểu về giáo dục và có nhiều kinh nghiệm thương trường.

Người ta thường đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp phổ thông, ít ai đào tạo nghề cho sinh viên đã tốt nghiệp?

Đã đến lúc cần thay đổi tư duy về đào tạo nghề, nghĩa là không chỉ đào tạo nghề cho học sinh trung học mà còn cho cả cử nhân. Chúng tôi muốn bổ sung những kỹ năng cần thiết để họ có thể vào làm việc trong các tập đoàn lớn.

Những lĩnh vực nào SAIT đang quan tâm và sẽ đào tạo trong nay mai?

Thời gian đầu, chúng tôi đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghệ cao. Mỗi chuyên ngành sẽ có 3 khóa học, ngang cấp với 3 lớp chuyên ngành trong một chương trình thạc sĩ ở Mỹ. Sau khoảng 2 năm, khi đã hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, SAIT sẽ xin chuyển thành trường đào tạo sau đại học. Toàn bộ chương trình đào tạo sẽ được giảng dạy bằng Anh ngữ với các giáo án được soạn theo tiêu chuẩn của Mỹ. Trong những năm đầu, đa số giảng viên sẽ được điều động từ Thung lũng Silicon.

Trước mắt, về kỹ thuật công nghệ cao, chúng tôi tập trung đào tạo thiết kế vi mạch, thiết kế hệ thống nhúng, phần cứng, mềm cho hệ thống viễn thông. Trung tâm cũng có các khóa học về kỹ thuật chế biến, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật năng lượng xanh và các ngành khác theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Xuất phát từ đâu mà ông đưa ra sứ mệnh trên khi Trung tâm chưa nên hình nên khối?

Phải xác định được sứ mệnh và tầm nhìn thì chúng tôi mới mạnh dạn bước tiếp. Trước khi quyết định về nước mở trường, tôi đã hiểu rất rõ rằng, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển ngành công nghệ cao. Bằng chứng là có nhiều hãng công nghệ cao quốc tế đã vào Việt Nam xây nhà máy như Intel (Mỹ) và Nidec (Nhật Bản). Trong khi đó, các kỹ sư mới tốt nghiệp lại không đáp ứng được nhu cầu của các hãng này. SAIT sẽ xây dựng một nguồn nhân lực mạnh để đáp ứng tất cả nhu cầu trên.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong 5 yêu cầu của quá trình đào tạo một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, các trường ở Việt Nam mới đáp ứng được 1,5 yêu cầu, gồm kiến thức cơ bản và một phần kỹ năng ứng dụng kỹ thuật. Còn lại 3,5 yêu cầu là kỹ năng ứng dụng, ngoại ngữ chuyên ngành để có thể viết và đọc các dự án, kỹ năng xây dựng các dự án ứng dụng thực tế và tinh thần làm việc theo nhóm.

Trước mắt, SAIT sẽ đầu tư bao nhiêu để xây Trung tâm?

2 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2011.

Năm đầu tiên, Giáo sư có tính lợi nhuận chưa?

Năm đầu chúng tôi chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nên chưa đào tạo được, song sẽ có một vài dịch vụ để có nguồn thu trang trải chi phí văn phòng.

Ông có chuẩn bị gì nếu thu không đủ bù chi?

Chúng tôi đặt ra cho Viện SAIT ở Mỹ những chiến lược rất rõ ràng: Xây dựng trung tâm để thiết kế, gia công và thực hiện các dịch vụ đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp các nước. Hai hoạt động này sẽ làm ra tiền để nuôi trung tâm tại Việt Nam và bộ máy của SAIT hoạt động.

Vậy đối thủ chính của SAIT tại Việt Nam là ai?

Nhìn khái quát thì đó là các trường đại học kỹ thuật. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều sử dụng tiếng Việt và chương trình đào tạo đều hướng đến việc cấp bằng đại học nên trên thực tế, họ không thật sự là đối thủ trực tiếp của SAIT.

Theo ông, giữa giáo sư đại học làm kinh doanh và doanh nhân có điểm gì khác nhau?

Doanh nhân xuất thân từ trí thức là điều bình thường. Điểm chung là đều nghĩ đến cái lợi, số tiền bỏ ra và phải lấy lại. Tuy nhiên, khác với doanh nhân, giáo sư đại học làm kinh doanh đặt mục tiêu cao hơn về việc đóng góp hiệu quả cho xã hội. Họ theo đuổi dự án vì tâm huyết nhiều hơn là vì kinh doanh kiếm tiền bằng mọi giá.

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư / NCĐT 01/02/2010 - Tác giả: Nguyễn Nga
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top