Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Trung Quốc
1. Sự thành lập nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa:
- Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân phiệt Nhật, ở Trung Quốc đã diễn ra cuộc nội chiến giữa Đảng Quốc dân và Đảng Cộng sản. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm ( 1946 - 1949 ).
+ Ngày 20 - 7 - 1946, Tưởng Giới Thạch đã huy động toàn bộ lực lượng quân đội chính quy ( 113 lữ đoàn, khoảng 160 vạn quân ) tấn công toàn diện vào các vùng giải phóng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chính thức phát động cuộc nội chiến chống Đảng Cộng sản.
+ Do tương quan lực lượng nên từ tháng 7 - 1946 đến tháng 6 - 1947, quân giải phóng Trung Quốc thực hiện chiến lược phòng ngự tích cực, không giữa đất đai mà chủ yếu nhằm tiêu diệt sinh lực địch và xây dựng lực lượng mình.
+ Từ tháng 6 - 1947, quân giải phóng chuyển sang phản công, tiến quân vào giải phóng các vùng do Đảng Quốc dân kiểm soát.
+ Bằng ba chiến dịch lớn ( Liêu - Thẩm, Hoài - Hải, Bình - Tân ) từ 9 -1948 đến 1 - 1949, quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.540.000 tên địch ( gần 144 sư đoàn quân chính quy, 29 sư đoàn quân địa phương ) làm cho lực lượng chủ lực của địch bị tổn thất nghiêm trọng.
- Tháng 4 - 1949, quân giải phóng vượt sông Trường Giang; ngày 23 - 4 - 1949, Nam Kinh được giải phóng. Cuộc nội chiến kết thúc, toàn bộ lục địa Trung Quốc được giải phóng. Tập đoàn Tưởng Giới Thạch thất bại, phải tháo chạy sang Đài Loan.
Ngày 1 - 10 - 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Mao Trạch Đông.
- Ý nghĩa:
+ Thắng lợi này đã chấm dứt hơn 100 năm nô dịch của đế quốc, xóa bỏ tàn dư phong kiến, đưa nước Trung Hoa bước vào kỉ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
+ Sự kiện này đã tạo điều kiện nối liền chủ nghĩa xã hội từ Âu sang Á và ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào giải phóng dân tộc thế giới.
2. Mười năm đầu xây dựng chế độ mới ( 1949 - 1959 ):
Sau khi hoàn thành các mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ trọng tâm của nhân dân Trung Quốc là đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và giáo dục.
- Kinh tế:
+ Từ năm 1950, nhân dân Trung Quốc bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, tiến hành những cải cách quan trọng: cải cách ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công - thương nghiệp tư bản tư doanh, tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục,...
+ Đến cuối năm 1952, công cuộc khôi phục kinh tế đã kết thúc thắng lợi.
+ Từ năm 1953, Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên ( 1953 - 1957 ). Nhờ nỗ lực lao động của toàn dân và sự giúp đỡ của Liên Xô, kế hoạch 5 năm đã thu được những thành tựu to lớn. Bộ mặt Trung Quốc có nhiều thay đổi rõ rệt:
• Trong những năm 1953 - 1957, 246 công trình đã được xây dựng và đưa vào sản xuất; đến năm 1957, sản lượng công nghiệp tăng 140 %, sản lượng nông nghiệp tăng 25 % ( so với năm 1952 ).
• Các nghành công nghiệp nặng như chế tạo cơ khí, luyện kim, điện lực, khai thác than,... phát triển nhanh. Trung Quốc đã tự sản xuất được 60 % máy móc cần thiết.
• Trong mười năm đầu xây dựng chế độ mới, tổng sản lượng công - nông nghiệp tăng 11,8 lần; riêng công nghiệp tăng 10,7 lần.
• Nền văn hóa - giáo dục cũng đạt được những bước tiến vượt bậc. Đời sống nhân dân được cải thiện.
- Về đối ngoại:
+ Trong những năm 1949 - 1959, Trung Quốc thi hành chính sách ngoại giao tích cực nhằm củng cố hòa bình và thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới. Địa vị quốc tế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao.
+ Ngày 14 - 2 - 1950, Trung Quốc kí với Liên Xô Hiệp ước hữu nghị, đồng minh và tương trợ Trung - Xô và nhiều hiệp ước kinh tế, tài chính khác; phái quân chí nguyện sang giúp nhân dân Triều Tiên chống Mĩ ( 1950 - 1953 ); tham gia Hội nghị các nước Á - Phi tại Băng-đung ( 1955 ); giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, ủng hộ các nước Á, Phi và Mĩ La-tinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong thập niên đầu sau khi cách mạng thắng lợi, địa vị của Trung Quốc đã được nâng cao trên trường quốc tế.
+ Ngày 18 - 1 - 1950, Trung Quốc thiết lập quan hệ với Việt Nam.
3. Công cuộc cải cách mở cửa ( 1978 - 2000 ):
* Đường lối:
- Tháng 12 - 1978, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra đường lối mới, mở đầu cho công cuộc cải cách kinh tế - xã hội. Đường lối này được nâng lên thành đường lối chung qua Đại hội XII ( 9 - 1982 ), đặc biệt là đại hội XIII của Đảng ( 10 - 1987 ): lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm.
- Kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản:
+ Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa.
+ Kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân.
+ Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sán Trung Quốc.
+ Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Đông.
- Tiến hành cải cách và mở cửa, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn nhằm hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc với mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ và văn minh.
* Thành tựu:
- Sau 20 năm ( 1979 - 1998 ), nền kinh tế Trung Quốc có bước tiến nhanh chóng, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới:
+ Tổng sản phẩm trong nước ( GDP ) tăng trung bình hàng năm trên 8 %, đạt giá trị 7.974 tỉ nhân dân tệ, đứng thứ 7 thế giới.
+ Năm 2000, GDP của Trung Quốc vượt ngưỡng nghìn tỉ đôla Mĩ ( USD ), tức là đạt 1.072 tỉ USD ( tương đương 8.900 tỉ nhân dân tệ ).
+ Tổng giá trị xuất khẩu năm 1997 lên tới 325,06 tỉ USD ( gấp 15 lần so với năm 1978 là 20,6 tỉ USD ), riêng năm 2001 đạt 326 tỉ USD chiếm 5 % tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của thế giới.
+ Cơ cấu tổng thu nhập trong nước theo khu vực có sự thay đổi lớn, từ chỗ lấy nông nghiệp làm chủ yếu, thì đến năm 1999 thu nhập nông nghiệp chỉ chiếm 15 %, trong khi đó công nghiệp tăng lên 35 %, dịch vụ 50 %.
+ Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt: từ năm 1978 đến năm 1997 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng từ 133,6 lên 2 090,1 nhân dân tệ, ở thành thị từ 343,4 lên 5 160,3 nhân dân tệ.
- Khoa học - kĩ thuật, văn hóa và giáo dục đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
+ Năm 1964, Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử.
+ Từ năm 1922, chương trình thám hiểm không gian được thực hiện. Từ tháng 11 - 1999 đến tháng 3 - 2003, Trung Quốc đã phóng với chế độ tự động 4 con tàu Thần Châu và ngày 15 - 10 - 2003, tàu Thần Châu 5 cùng nhà du hành Dương Vĩ Lợi đã bay vào không gian vũ trụ. Với sự kiện này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới ( sau Nga và Mĩ ) có tàu cùng với người bay vào vũ trụ.
- Đối ngoại:
+ Từ những năm 80 của thế kỉ XX, Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ với Liên Xô, Việt Nam, Mông Cổ, Lào, In-đô-nê-xi-a; khôi phục quan hệ ngoại giao với In-đô-nê-xi-a; thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nươc trên thế giới, có nhiều đóng góp trong công việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.
+ Trung Quốc đã thu hồi chủ quyền với Hồng Công ( 7 - 1997 ) và Ma Cao ( 12 - 1999 ). Những vùng đất này trở thành khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
(Sưu tầm)