Trong mơ, em đã lạc vào chốn du xuân và gặp gỡ chị em Thuý Kiều trong tiết thanh minh. Em hãy kể lại cuộc gặp gỡ thú vị đó.
BÀI LÀM
Chưa đọc xong cho bà nghe một đoạn Kiều, tôi đã ngủ lúc nào không biết. Tôi thấy mình đang đứng giữa một vùng trời đất bao la rộng lớn trong một buổi sáng mùa xuân.
Cảm giác như hơi thở mùa xuân vương trên vạn vật. Bầu trời trong xanh, từng tia nắng xuân lấp lánh đậu trên những cành cây, sương long lanh treo trên từng ngọn biếc. Khí trời mát mẻ và trong trẻo. Từng đàn chim én ríu rít chao liệng giữa bầu trời như muốn tận hưởng hết sắc xuân. Tôi phóng tầm mắt ra xa và choáng ngợp trước một khung cảnh còn tuyệt diệu hơn. Một tấm thảm óng mượt như nhung được dệt từ muôn ngàn sợi tơ làm từ cỏ non trải rộng khắp mặt đất, hắt lên nền trời một sắc xanh bất tận. Trên cái nền xanh vô tận ấy, một vài bông hoa lê trắng muốt điểm xuyết khoe sắc cùng vạn vật. Có lẽ chỉ có khoảnh khắc này đây, mùa xuân mới đẹp đến thế, tươi tắn và tinh khôi đến thế. Buổi sáng mùa xuân diễm lệ và tươi sáng quá. Bất chợt, hai câu Kiều văng vẳng bên tai tôi :
"Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa".
Tôi mải mê đi, mải mê ngắm cảnh, rồi không biết tự lúc nào chân đã lạc bước vào một khung cảnh lễ hội náo nức. Tiết thanh minh, người người, nhà nhà du xuân thưởng ngoạn cảnh đẹp ; viếng thăm, sửa sang phần mộ để tưởng nhớ những người thân đã khuất. Cảnh tượng nhộn nhịp, nô nức, ríu rít như chim oanh chim én mùa xuân. Nơi gặp lại linh hồn những người đã khuất cũng là nơi hội ngộ của những người đang sống, nơi tụ hội tuổi thanh xuân. Từng đoàn người trẻ tuổi, nam thanh nữ tú, trai tài gái sắc "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" dập dìu gặp gỡ, hẹn hò... Tưởng như một mùa vui đang bao trùm cả nhân gian, trời đất.
Tôi như mê đi cùng với cảnh vật. Lòng mỗi lúc thêm xốn xang. Chân cuốn theo dòng người tảo mộ. Đâu đâu cũng thấy "thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay". Đang bước, tôi bỗng khựng lại. Không thể tin vào mắt mình, dường như..., không, chắc chắn rồi, kia là 3 chị em nàng Kiều của cụ Nguyễn Du: Vương Quan, Thuý Vân và Thuý Kiều. Tôi nhận ra Thuý Vân và Thuý Kiều giữa muôn người qua lại bởi vẻ đẹp mười phân vẹn mười không dễ thấy ở hai nàng. Này đây, rõ ràng là nét "trang trọng khác vời", "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang", phúc hậu của nàng Vân. Còn đây đúng là vẻ đẹp "sắc sảo mặn mà" nghiêng nước nghiêng thành với "làn thu thuỷ, nét xuân sơn" chỉ có ở nàng Kiều. Quả thật, "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười". Họ thướt tha, yêu kiều, e lệ trong những bộ xiêm y lộng lẫy. Họ rực rỡ trong ánh nắng xuân, nổi bật giữa dòng người du xuân trẩy hội đông đúc. Khi họ xuất hiện giữa lễ hội, thiên nhiên dường như càng đẹp hơn, bầu trời như trong xanh hơn, chim én thêm rộn ràng tung cánh và cỏ cây hoa lá cũng như muốn rung rinh, toả hương theo gót hai nàng. Họ đi đến đâu, những ánh mắt ngưỡng mộ, yêu mến đổ dồn theo đến đấy. Tôi bèn ráng hết sức, rẽ đám đông tiến lại gần chị em Thuý Kiều và cất tiếng chào :
- Em chào hai chị, chào anh. Hai chị và anh đi chơi có vui không ạ ?
Ba người nhìn tôi, mỉm cười thân thiện rồi nhẹ nhàng gật đầu :
- Chào em. Vui lắm em ạ... Chúc em đi chơi vui nhé...
Tôi chưa kịp đáp lại, dòng người đã đẩy tôi ra xa. Tôi đành tìm một nơi thoáng đãng đứng dõi mắt theo hai nàng. Mãi ngắm họ, tôi quên mất thời gian trôi qua, trời về chiều từ lúc nào không biết. Mặt trời ngả bóng về phía tây. Khắp không gian đang dần khoác lên mình tấm áo màu hoàng hôn vàng êm dịu. Rồi không khí nhộn nhịp, tưng bừng của buổi du xuân thưa vắng dần. Ngày vui đi qua trả lại sự yên lành và chút lặng lẽ vốn có nơi mộ địa.
May sao trên đường trở về tôi lại gặp chị em Thuý Kiều. Tôi định chạy tới tiếp tục chuyện trò với họ, nhưng có một cái gì đó ngăn tôi lại. Hai nàng Kiều dường như chưa muốn về. Họ bâng khuâng bước, vừa đi vừa tha thẩn ngắm cảnh lúc chiều buông. Hoàng hôn thường gợi trong lòng ta cảm giác buồn thương, tàn tạ. Cuộc du xuân thưởng cảnh vừa náo nức, tưng bừng là thế, giờ đã lặng lẽ chìm vào cô tịch. Tâm trạng hai nàng Kiều chắc không khỏi lưu luyến, hụt hẫng. Dù cảnh vẫn đẹp, vẫn nên thơ với "dòng nước uốn quanh", "nhịp cầu nho nhỏ" nhưng có cái gì đó đã mất, đã thiếu vắng. Bước chân thơ thẩn trên dặm đường về của hai nàng, đặc biệt trong cái dáng đăm chiêu thẫn thờ của Thuý Kiều như ẩn chứa nỗi bồi hồi khôn tả. Dường như nàng đang mong ngày vui đừng qua nhanh, những điều tốt lành luôn ở lại. Nhưng số phận Kiều thì tôi đã biết rồi.
Lòng tôi bỗng nao nao thương cảm. Tôi không thể hiểu được vì sao một người con gái tài sắc vẹn toàn bậc nhất như Thuý Kiều lại phải chịu định mệnh cay đắng oan khiên vào loại bậc nhất như vậỵ ? Liệu lúc này đây, nàng đã có linh cảm gì về cuộc đời hoa trôi, bèo dạt tan tác giữa dòng sau này hay chưa ... Không, tôi phải nói cho nàng biết, nhất định tôi phải nói cho nàng biết trước để nàng chống trả lại số phận. "Nàng Kiều ơi ! Nàng Kiều ơi !... ". Tôi cứ gọi, gọi mãi, còn hai nàng Kiều thì cứ đi, xa dần, xa dần rồi nhạt nhoà trong ánh chiều bảng lảng.
Tôi vùng chạy theo, nhưng bị vấp ngã.
- Mẹ cha mày, lại mơ phải không con ? - Bà tôi hỏi khi tôi choàng tỉnh giấc.
- Bà ơi, cháu đã mơ được gặp hai nàng Kiều trong tiết thanh minh. Cháu mơ thấy mùa xuân đẹp lắm, và hai nàng Kiều thì y hệt Nguyễn Du tả, nghiêng nước nghiêng thành! Cháu muốn chạy theo mách trước cho họ những điều tai ương sẽ gặp sau này, nhưng chạy mãi, chạy mãi mà không theo kịp...
Bà tôi an ủi :
- Cháu của bà ! Ở vào thời của Thuý Kiều, những đau khổ oan khiên kia khó có thể tránh được. Còn bây giờ, điều đó là có thể bởi người phụ nữ đã làm chủ được số phận của mình và được thông cảm, chia sẻ nhiều hơn.
Sưu tầm